Tuesday, March 30, 2021

Vì sao yếu tiếng Anh?

 Vì sao yếu tiếng Anh?

 

Trình độ tiếng Anh của học sinh Việt Nam càng ngày càng giảm sút. Đó không phải là nhận định chủ quan của người viết bài này – đó là kết quả tổng hợp của tổ chức giáo dục EF dựa trên bài khảo sát tiếng Anh với hơn 2,2 triệu người từ 100 nước trên thế giới trong đó năm 2020 Việt Nam xếp hạng 65 trong tổng số 100 nước tham gia.

Nói “ngày càng giảm sút” vì từ năm 2015 đến 2018 Việt Nam còn được xếp vào loại trung bình về kỹ năng tiếng Anh mặc dù thứ hạng hàng năm tụt giảm đều. Qua đến năm 2019, bỗng tụt xuống loại kém, đứng thứ 52 trên 100 nước và năm nay tụt thêm 13 bậc xuống hạng 65 vẫn trên 100 nước.

Có thể đặt dấu hỏi về mức độ chính xác của khảo sát này vì chỉ dựa vào bài kiểm tra miễn phí làm trên mạng tức những người tham gia là tự nguyện, có thể tiếng Anh đang yếu nên mới tìm cách học thêm. Điểm số khảo sát vì thế không đại diện cho năng lực tiếng Anh của người Việt nói chung và khó lòng có thể so sánh với điểm số của nước khác. Thế nhưng khi so sánh với chính mình, không thể phủ nhận xu hướng năng lực tiếng Anh, ít nhất là của người Việt tham gia khảo sát của EF “ngày càng giảm sút” như đã nói ở trên để đi tìm nguyên nhân và giải pháp.

Các dữ kiện khác cũng cho thấy so với các môn học khác, kết quả học môn tiếng Anh của học sinh Việt Nam là kém. Với kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, trong khi điểm trung bình các môn Văn và Toán của thí sinh là 6,6, điểm trung bình môn tiếng Anh chỉ ở mức 4,5 – môn duy nhất có điểm trung bình dưới 5; đến 63,1% thí sinh đạt điểm dưới trung bình; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 3,4 điểm – một mức rất thấp so với các môn thi khác. Phổ điểm môn tiếng Anh lệch sang trái, tức số thí sinh có điểm dưới mức trung bình năm nào cũng cao, đã kéo dài trong mấy năm nay.

Trong khi đó, phải nói mức độ đầu tư của toàn xã hội và từng gia đình, từng vị phụ huynh cho con em học tiếng Anh là rất cao, cao hơn hẳn các môn khác. Chưa từng có môn học nào có sự phân biệt đối xử với học sinh như môn tiếng Anh, đóng thêm tiền thì được vào học chương trình nâng cao, tiếng Anh tích hợp, tiếng Anh tăng cường. Đóng thêm tiền thì được học với giáo viên người nước ngoài, học sách của nước ngoài. Đó là chưa kể nhiều phụ huynh cho con em đi học thêm tiếng Anh tại các trung tâm ngoại ngữ, với mức học phí cao gấp mấy lần các môn khác. Có người nói nửa đùa nửa thật, biết đâu nếu để việc học tiếng Anh bình thường như các môn khác, có khi kết quả lại khả quan hơn!

*                           *                           *

Phải nói thẳng với nhau việc dạy và học tiếng Anh không có hiệu quả trước hết bởi năng lực các thầy cô môn này đa phần là còn yếu. Một lần nữa, đây không phải là nhận định của người viết; đây là kết quả khảo sát năng lực giảng dạy tiếng Anh của giáo viên tại nhiều địa phương – cách đây mấy năm báo chí đưa tin địa phương nào cũng vậy, vài trăm giáo viên tham dự khảo sát, số đạt chuẩn chỉ có vài người; trên bình diện toàn quốc, tỷ lệ đạt chuẩn chỉ vào khoảng 2%, 3%. Giáo viên được đào tạo theo kiểu cũ, chú trọng nhiều đến ngữ pháp, dịch; nay khảo sát cả 4 kỹ năng nghe nói đọc viết theo chuẩn châu Âu thì tỷ lệ đạt thấp không có gì đáng ngạc nhiên. Nguy hiểm nhất là giáo viên tiếng Anh dạy ở bậc tiểu học lấy từ nhiều nguồn khác nhau, phát âm không chuẩn vào dạy các em đọc sai ngay từ đầu, sau này rất khó sửa.

Do yếu về năng lực giao tiếp, việc giảng dạy trở nên máy móc; chủ yếu dạy về ngôn ngữ tiếng Anh chứ hoàn toàn không xem nó là một phương tiện giao tiếp. Thử hỏi các thầy cô mà xem, với họ mỗi bài học trọng tâm khi là dạy cách dùng thì, khi dạy câu bị động, khi thì dạy cách sử dụng giới từ cho đúng. Với họ, dạy cho học sinh làm đúng bài tập, bài thi là ưu tiên số một nên giờ học thành giờ dạy các mánh lới làm bài thi. Họ không hề xem bài đọc là một nội dung cần đọc để hiểu rồi thảo luận, trao đổi, hỏi đáp về nội dung đó.

Học sinh cũng vậy; lúc ở lớp nhỏ, các em còn hăm hở sử dụng vài ba câu tiếng Anh mới học để đối đáp với bố mẹ ở nhà nhưng qua lớp lớn là hết; không bao giờ các em nghĩ câu tiếng Anh vừa học là để nói với người nước ngoài nhằm mục đích giao tiếp. Thấy bài đọc tiếng Anh phản ứng đầu tiên của nhiều em là cố dịch ra tiếng Việt để xem bài nói chuyện gì, xong rồi chú ý đến các phần người ta hay hỏi trong bài thi. Không bao giờ với các em, bài đọc có nội dung hấp dẫn, lôi cuốn hay cung cấp cho các em điều mới, điều hay. Học ngoại ngữ là luyện tập, cứ luyện đều như múa quyền để khi cần bật ra đánh trúng; đằng này học ngoại ngữ mà nghiền ngẫm để làm bài tập như toán như hóa thì làm sao không yếu dần cho được.

*                           *                           *

Để thay đổi, không thể một sớm một chiều đào tạo lại giáo viên nên phải dựa vào công nghệ. Có thể tổ chức các lớp tập huấn để bày cho giáo viên cách sử dụng các ứng dụng phục vụ chuyện dạy như từ điển có phát âm, phần mềm đọc to văn bản, thậm chí ngay cả Google Translate để thầy cô tham khảo coi máy nó dịch như thế nào. Từ đó vào lớp các thầy cô không cần trực tiếp dạy học sinh nữa mà để các em luyện tập với nhau, mẫu sẽ là máy đọc theo giọng của người bản ngữ. Chỉ đến khi nào, ví dụ với một em học sinh lớp 3 bắt đầu học tiếng Anh, suốt một học kỳ không viết chữ tiếng Anh nào vào vở nhưng thuộc nhiều bài hát, thuộc nhiều mẫu đối thoại để đóng kịch với bạn hay kể được các mẩu chuyện ngắn trước lớp – lúc đó mới xem giáo viên đã thành công.

Lớp lớn cũng vậy, thầy cô đừng dạy ngữ pháp nữa, đừng ra bài tập cho học sinh làm để lấy điểm cao nữa. Hãy để học sinh tự do tải về máy điện thoại các tự điển tiếng Anh có cả phát âm; tải chương trình dịch tự động, tải cả chương trình máy đối đáp với người như Google Assistant hay Siri. Cứ cho học sinh quét bài đọc rồi nhờ Google Traslate ngay từ đầu để các em thỏa mãn sự tò mò bài này nói chuyện gì. Thậm chí khi Google Translate dịch ngây ngô nó cũng giúp các em đừng quá tin vào máy dịch mà xem đó như bước khởi đầu tương tự như khi dùng bách khoa trực tuyến Wikipedia. Sau đó tổ chức để các em lên nói về bài đọc, trình bày lại, các em khác đặt câu hỏi để tranh luận, cãi nhau về nội dung vừa học. Nói chung, không cần dạy gì nhiều ngoài việc cho học sinh gần như học thuộc lòng bài đọc để ai hỏi gì là có thể trả lời nhanh gọn, chính xác.

Để làm được điều này, cần giảm tải chương trình, cắt ngắn bài học, đơn giản hóa chương trình. Lớp nhỏ dạy đi dạy lại những câu giao tiếp bình thường trong cuộc sống, bắt các em học thuộc lòng; sao cho ít nhất vào trung học cơ sở các em có chừng vài trăm câu đã thuộc lòng khi cần đem ra mà sử dụng. Lớp lớn bài đọc đơn giản hơn bây giờ nhưng mang tính thời sự hơn, nói về những thay đổi trong cuộc sống ở thế kỷ 21. Làm sao để bản thân nội dung là mới, là hấp dẫn, gây tò mò ở học sinh, như cuộc tranh luận về mạng 5G có gây hại cho sức khỏe. Học sinh có tò mò thì mới có động lực tìm hiểu bài đọc, tìm mọi cách để hiểu nội dung và nhớ nội dung để trình bày lại. Chừng nào động lực học tiếng Anh là vì điểm số chứ không phải vì muốn sử dụng thành thạo một ngoại ngữ, chừng đó khó lòng cải thiện thứ bậc xếp hạng Việt Nam so với các nước khác.

Ngày xưa người ta thường gọi tiếng Anh là sinh ngữ, một phần do nó liên tục biến đổi, liên tục tiếp nhận cái mới, nghĩa mới, cách dùng mới. Cách dạy cách học bấy lâu nay xem nó như một tử ngữ kiểu ngày xưa người ta học tiếng Latinh bởi thế nên không thể nào hiểu được những khái niệm mới xuất hiện trong chừng 10 năm, 15 năm trở lại đây. Giờ muốn cải thiện trình độ tiếng Anh của học sinh Việt Nam thì cần xem nó là sinh ngữ trở lại, tức xem nó như cầu nối giao tiếp, học cái nội dung mà nó chuyển tải, cách nó chuyển tải, bắt chước chuyển tải được như nó. Đừng xem bản thân tiếng Anh là đối tượng cần học nên học sinh khi tranh luận, đối đáp, có sai ngữ pháp cũng bình thường. Để hoàn chỉnh việc giao tiếp, tự các em sẽ hoàn chỉnh cách nói bằng cách bắt chước người bản ngữ y như khi các em học tiếng mẹ đẻ vậy.

 

Điểm sách “Calling Bullshit”:

 Hết đường ba xạo

 

Có đời thuở nào mà một môn học tại một trường đại học lại mang tên “Calling Bullshit in the Age of Big Data”. Bullshit là một từ thông tục, gọi ai đó bằng từ này có nghĩa mình bảo họ xạo, họ nói bậy, họ nói vớ vẩn; cho nên tên khóa học này đại khái là “Vạch mặt nói xạo trong thời đại dữ liệu lớn”. Hai ông thầy dạy khóa này tại đại học Washington, Seatle là Jevin West, giáo sư về tin học và Carl Bergstrom, một nhà sinh học – lại là một sự kết hợp kỳ lạ nữa.

Thật ra cơ sở ra đời môn học này là rất lô-gich và hợp thời: loài người từ khi biết kể chuyện ắt hẳn đã pha lẫn trong câu chuyện mình kể cho người khác nghe nhiều chi tiết “ba xạo” cho thêm phần hấp dẫn; từ đó con người ai cũng phải tự trang bị cho mình cái kỹ năng phát hiện “ba xạo” để khỏi bị “phỉnh” như một kẻ khờ khạo. Thế nhưng khi “ba xạo” lan sang dữ liệu lớn, sang nghiên cứu khoa học, vào lãnh vực trí tuệ nhân tạo, rồi “học máy”… đa phần chưa quen, vẫn “há hốc miệng” mà nghe một cách say mê, đầy tin tưởng. Một môn học giúp người ta vạch mặt được các lời ba xạo cao cấp này sẽ cần thiết biết bao cho người sẽ ra đời trong thời đại công nghệ hiện nay – chẳng lạ gì khi công bố nội dung môn học, chỉ 1 phút sau đã đủ 180 sinh viên ghi danh.

Khóa học ở tận bên Mỹ nhưng may thay hai ông thầy đã soạn lại nội dung bài giảng thành một cuốn sách mới xuất bản vào tháng 8 vừa qua và hiện đang bán chạy như tôm tươi – cuốn “Calling Bullshit: The Art of Skepticism in a Data-Driven World” (Vạch mặt nói xạo: Nghệ thuật hoài nghi trong thế giới vận hành bởi dữ liệu lớn). Sách kể khá nhiều câu chuyện bao xạo cao cấp nhưng để dễ hình dung vì sao người ta ba xạo, hãy bắt đầu bằng câu chuyện này: Một người bạn bảo, này, anh biết không, ai nuôi mèo lương thường cao hơn người nuôi chó. Nếu chỉ chừng đó, người nghe rất dễ phán, ông nói xạo và người kia gật gù, cười xòa. Nhưng người kia không cười mà cứ khăng khăng nói hôm qua mới nghe một bài TED Talk nói về đề tài này một cách nghiêm túc à nghe. Họ giải thích người nuôi mèo thường thích tính độc lập còn người nuôi chó thích sự trung thành mà ai thích độc lập thường có tố chất NVT hay NVS gì đó tớ quên rồi nhưng tố chất này giúp họ dễ thăng tiến nên lương cao hơn là chuyện đương nhiên. Đến đây rất có thể ông bạn tin sái cổ dù ông kia ba xạo theo kiểu cao cấp.

Ba xạo cao cấp là dùng dữ liệu, biểu đồ, dẫn chứng, minh họa, lý thuyết… để củng cố câu chuyện mình kể bất kể thông tin đúng hay sai, hợp lý hay phi lý. Câu chuyện chó mèo lúc trà dư tửu hậu nói trên mà vào tay một nhà nghiên cứu, bỏ công ghi nhận dữ liệu ở thành phố New York nơi mức lương thường cao hơn hẳn nơi khác và rất khó nuôi chó với các thành phố khác ở mạn trên tiểu bang New York, nơi lương thường thấp hơn và  đất rộng nên dễ nuôi chó hơn – rất dễ có một công trình công phu, dữ liệu chính xác nhưng kết quả cũng chỉ là ba xạo.

Các nghiên cứu loại này có nhiều lắm. Năm 2016 có hai nhà nghiên cứu công bố công trình dùng công nghệ học máy để phát hiện các đặc điểm trên gương mặt người gắn với tội phạm. Họ tuyên bố dùng thuật toán của họ, chỉ cần nhìn vào hình chụp chân dung, người ta có thể phán đoán ai là tội phạm, ai là dân vô tội với độ chính xác cao. Báo chí rùm beng lên về một thuật toán họ cho là vô nhân đạo, vô đạo đức; một số báo than, nếu phát hiện tội phạm ngay cả trước khi hắn phạm tội thì còn gì là nền móng xã hội… Nhưng người ta quên rằng bản thân cái nghiên cứu này là đồ ba xạo vì tác giả dùng ảnh sưu tầm trên mạng để đưa vào nhóm người bình thường, xin ảnh của cảnh sát chụp các kẻ từng phạm tội để đưa vào nhóm tội phạm. Chừng đó cũng đủ cho cái nghiên cứu này vào sọt rác vì ảnh tội phạm lúc nào cũng chụp xấu, người bị chụp đang lo sợ, hoang mang hay gầm gừ phản ứng. Ảnh bình thường ai cũng muốn chụp cho đẹp hẳn lên. Chưa kể tác giả chỉ ra những đặc điểm của chân dung tội phạm, trong đó có câu rất phức tạp để miêu tả với kích thước so sánh, tỷ lệ này nọ nhưng hóa ra để chỉ gương mặt không cười. Có đời nào hình cảnh sát chụp kẻ phạm tội mà đang cười tươi?

Đáng tiếc, thế giới nghiên cứu đầy rẫy các công trình như thế nấp dưới các câu văn phức tạp, các công thức tính toán dài dòng, các lập luận dắt dây rất khó lần ra manh mối. Với cuốn Calling Bullshit, chỉ cần đọc các câu chuyện ba xạo cao cấp trong sách cũng đã hấp dẫn và bổ ích nhưng quan trọng hơn, các tác giả bày cho người đọc cách phát hiện các loại ba xạo này. Đầu tiên, tác giả cảnh báo ai cũng tưởng trong một thời kỳ mà ai nấy đều có trong tay một máy tính mạnh dưới dạng chiếc điện thoại di động có kết nối Internet để người dùng có thể kiểm tra bất kỳ dữ kiện nào trong nháy mắt thì “ba xạo” sẽ không còn đất sống. Ngược lại là đằng khác, công nghệ đã giúp ba xạo lan rộng hơn bất kỳ giai đoạn nào trước đây; một câu chuyện ba xạo nhưng kèm thêm yếu tố hấp dẫn là miếng mồi ngon cho mạng xã hội lưu truyền lan mạnh.

Nếu trước đây tít báo có nhiệm vụ nói một cách gọn nhất nội dung chủ yếu của tin bài thì nay với công nghệ câu khách nhấp vào đọc, không ai dại gì viết hết mọi sự ra tít – viết ra rõ ràng rồi ai mà chịu bấm vào để đọc tiếp. Thế nên, theo các tác giả, tít báo nay uốn éo để làm sao KHÔNG kể cho bạn nghe tin bài nói về chuyện gì mới là thành công. Một tít trên tờ Washington Post viết “Một phần năm ai làm nghề này đều có vấn đề nghiện rượu nặng”; tờ USA Today viết: “Iceland từng là điểm đến hấp dẫn du khách nhất. Chuyện gì đã xảy ra?”. Báo có chức năng cung cấp thông tin ngay càng sớm càng tốt; đời nào lại nói lấp lửng “nghề này”, “chuyện gì”… như thế. Để dễ hình dung, chúng ta hãy nhớ lại các tít trên báo trong nước: “Chồng mở cửa phòng ngủ và sững sờ khi nhìn lên giường”; “Bà mẹ chồng làm một điều khiến cô con dâu tái mặt”… Những loại tít úp úp mở mở này mở đường cho các câu chuyện ba xạo lan truyền.

Mỗi chương sách đều bày cho người đọc cách phát hiện ba xạo; ở đây xin điểm qua chương 8 về cách vạch mặt ba xạo khi nói về dữ liệu lớn. Đại thể trí tuệ nhân tạo (AI) hay học máy gì cũng cần dựa vào dữ liệu; thuật toán có hay ho đến đâu mà dữ liệu sai, dữ liệu tầm bậy sẽ ra kết quả ba xạo (tác giả dùng cụm từ “garbage in, garbage out – đầu vào là rác thì đầu ra cũng là rác”. Với các startup khoe là công nghệ dựa vào AI thì cần hỏi kỹ về dữ liệu dùng để huấn luyện máy, lấy từ đâu ra, dữ liệu có sạch không thì sẽ biết ngay họ ba xạo hay startup thứ thiệt.

Năm 2009 tạp chí Nature đăng bài miêu tả một công trình nghiên cứu của Google, dựa vào các từ khóa người dùng gõ vào để tìm kiếm như “sốt”, “đau đầu”, “triệu chứng cúm”, “tiệm thuốc tây gần tôi”, Google có thể tiên đoán sớm và chính xác dịch cúm sẽ diễn ra ở địa phương nào còn nhanh hơn giới y tế. Nghiên cứu này gây xôn xao dư luận, ai nấy đều hăm hở giờ là thời của “dữ liệu lớn”, chỉ cần có “dữ liệu lớn” mọi phương pháp khoa học khác là lỗi thời rồi. Bản đồ cúm của Google thành một thứ hàng “hot” khắp nơi. Chỉ cần đến năm 2014, thiên hạ mới ngã ngửa, càng ngày dự đoán cúm của Google càng sai thực tế; cuối cùng Google phải hủy bỏ dự án và lấy trang “xu hướng cúm” xuống trong ê chề. Sai lầm là chọn các cụm từ để dự báo cúm bởi không hề có mối quan hệ nhân quả như Google nhầm tưởng.

“Calling Bullshit” là một cẩm nang hữu ích để lọc cát đãi vàng tìm trong một thế giới đi đâu cũng thấy những lời đao to búa lớn, văn phong quảng cáo, kể cả trong thông cáo báo chí của các công trình nghiên cứu, nhất là qua mùa đại dịch Covid-19 vừa qua. Có lẽ ngoài việc nắm được nguyên tắc phân biệt giữa tương quan và nhân quả, hoài nghi dữ liệu lớn, cảnh giác việc nhào nặn số liệu để phù hợp với kết quả, cách dễ nhất là cứ tâm niệm chuyện gì “quá tốt để tin” thì ắt nó không tốt thật.

 

Box

Một trong những câu chuyện “ba xạo” được các tác giả kể là công trình nghiên cứu cho rằng các nghệ sĩ dòng nhạc rap hay hip-hop chết trẻ hơn nghệ sĩ dòng nhạc blue hay jazz. Nghe qua tưởng như một công trình khoa học làm sáng tỏ một hiện tượng mà nhiều người cũng thấy. Hóa ra cái sai là quãng thời gian đưa vào để quan sát là quá ngắn, nhạc rap mới ra đời từ thập niên 1970 nên nghệ sĩ rap nào chết đều là chết trẻ hơn so với các dòng nhạc khác. Nếu kéo dài thời gian quan sát thêm 100 năm nữa, kết luận sau cùng sẽ không còn đúng nữa.

 

  

 

Thursday, March 18, 2021

Báo chí kinh tế làm gì?

 Báo chí kinh tế làm gì?

 

Phải thừa nhận với nhau là người dân Việt Nam rất năng động trong tìm kiếm cơ hội làm ăn; đồng thời họ xoay chuyển rất nhanh mỗi khi có thay đổi trong môi trường kinh doanh – những xoay chuyển không một trường lớp hay khóa học quản trị kinh doanh nào có thể dạy được. Chúng ta cứ thử đảo qua một vòng xem hàng trăm, hàng ngàn cửa hàng, cửa tiệm mở sạp bán lẻ trên Shopee, Tiki, Lazada hay Sendo – một hoạt động trước đây chủ tiệm có nằm mơ cũng không nghĩ đến. Họ tiếp nhận đơn hàng, đóng gói, giao hàng cho bên vận chuyển… một cách chuyên nghiệp.

Hiệu quả không kém là hàng ngàn tiệm ăn khác dùng máy tính bảng nhận “order” của khách thông qua các ứng dụng đặt mua thức ăn như Now hay Grab Food, chuẩn bị món ăn theo yêu cầu của khách trong khi chờ người giao hàng đến lấy. Rồi hàng chục ngàn người khác lên Facebook vừa rao, vừa giao tiếp, vừa bán hàng. Rất nhiều người thành thạo các hoạt động mua bán theo kiểu “drop shipping”, tức chỉ đứng giữa, nhận đơn hàng, đặt mua ở bên thứ ba rồi nhận hàng về giao, ăn chênh lệch. Không trường lớp nào dạy họ cả.

Nếu tua nhanh mấy chục năm hoạt động kinh tế vừa qua, chúng ta sẽ thấy sự xuất hiện và biến mất của nhiều loại hình kinh doanh, từ chuyện đặt cái tủ bơm hộp quẹt ga đến cho thuê băng VHS, chuyển sang cho thuê đĩa DVD; từ chạy xe ôm đứng đầu ngõ chờ khách quen đến dùng điện thoại di động nhận khách… cứ thế người dân thích nghi với mọi thay đổi, vẫn tìm ra con đường mưu sinh mới khi cơ hội cũ không còn nữa. Không ai có thể bày cho họ trừ phi chính họ tìm hiểu, học hỏi để tự chuyển đổi.

Một nhầm tưởng của nhiều người làm báo kinh tế là cứ nghĩ doanh nhân hay người làm ăn đọc báo họ để tìm cơ hội làm ăn, để học kinh nghiệm của người đi trước; thậm chí có người làm báo còn ảo tưởng báo bày cho người đọc cách làm ăn theo đúng xu hướng mới. Không hề có chuyện đó. Ở góc cạnh này điều báo chí kinh tế chưa làm được là chưa nắm được hết những chuyển biến mau lẹ của thế giới kinh doanh là đằng khác. Ví dụ báo chí đưa tin ngành thuế thu hàng tỷ đồng từ những người có thu nhập “khủng” từ Google hay Apple nhưng đã có bài viết nào viết về họ, tài năng nào giúp họ lấy được tiền từ các gã công nghệ khổng lồ, con đường làm ăn của họ như thế nào, bắt đầu từ đâu và giới trẻ có thể học được gì từ họ. Đã có báo nào viết về mạng lưới những người đấu thầu nhận việc từ xa, từ thiết kế đến dịch thuật, từ đồ họa đến nhập dữ liệu hiện đang ở Việt Nam nhưng vẫn làm cho các công ty ở Nhật, Anh, Úc, Mỹ…

Vậy báo chí kinh tế để làm gì? Báo chí sinh ra là do nhu cầu thông tin của xã hội – báo chí kinh tế cũng không nằm ngoài quy luật đó. Đầu thập niên 1990 khi chính sách đổi mới của Việt Nam bắt đầu thu hút nhà đầu tư nước ngoài, ngay lập tức nảy sinh nhu cầu cung cấp thông tin chính xác, nhanh chóng, kịp thời, khách quan, tin cậy được cho nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Không hẹn mà nên, cả ba tờ báo kinh tế lớn của Việt Nam ra đời trong thời điểm đó trong đó có tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn, đầu năm 2021 nay kỷ niệm đúng 30 năm ngày thành lập. Những người làm báo lúc đó chắc chắn không hề có suy nghĩ làm báo để bày cho họ cách làm ăn; ngược lại là khác, người làm báo phải nhanh chóng học hỏi kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp từ bên ngoài để chuyển tải vào cho nhà đầu tư trong nước. Cả quan chức quản lý lẫn nhà hoạch định chính sách vẫn đang còn mò mẫm, vừa làm vừa học; lúc đó, điểm chung của mọi người là thông tin và báo chí kinh tế trước tiên phải đóng trọn vẹn vai trò làm cầu nối thông tin cho các bên tham gia vào hoạt động kinh tế.

Những năm tháng đầu tiên, ngày nào tờ Vietnam Investment Review cũng nhận trong hộp thư bưu điện hàng chục tấm ngân phiếu trả tiền đặt mua báo. Đĩa CD tập hợp các bài báo trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn bán chạy. Hãng tin Reuters ký kết hợp đồng mua nội dung của tờ Saigon Times Daily và Weekly để đưa lên cơ sở dữ liệu của họ, loại cơ sở dữ liệu mà các nhà đầu tư lớn đều mua quyền truy cập từ mọi nơi trên thế giới. Nhà đầu tư đói thông tin và các tờ báo kinh tế sống được và phát triển mạnh là nhờ đáp ứng nhu cầu đó.

Thập niên 1990 lúc Việt Nam vừa mới chuyển đổi từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung với tinh thần bao cấp là chính sang nền kinh tế thị trường sơ khai là một thời điểm thú vị cho những người làm báo kinh tế. Để cung cấp thông tin cho người đọc, báo phải tiếp nhận thông tin từ nhiều nguồn, cả nhà hoạch định chính sách lẫn phản hồi của nhà đầu tư. Từ đó nảy sinh vai trò thứ nhì của báo chí – góp ý, phản biện chính sách vì lợi ích chung của nền kinh tế lẫn lợi ích của doanh nghiệp. Đây là một con đường chông gai bởi quy luật kinh tế thị trường có đặc điểm là thường ngược với lô-gich thông thường. Chẳng hạn các phiên bản đầu tiên của Luật Doanh nghiệp đều quy định số vốn tối thiểu phải có khi đăng ký thành lập doanh nghiệp hay giai đoạn đầu mọi văn phòng đại diện của các công ty nước ngoài đều phải tuyển nhân sự thông qua một công ty dịch vụ của nhà nước. Từng có thời chủ tịch một tỉnh yêu cầu chỉ được tiêu thụ bia hay xi măng do nhà máy của tỉnh làm ra chứ không được mua sản phẩm của tỉnh khác!

Ở góc độ vĩ mô, báo chí kinh tế đấu tranh cho một môi trường kinh doanh bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân; cho quyền tự do kinh doanh của mọi người; cho sự giảm bớt can thiệp của nhà nước vào hoạt động kinh doanh… Khi đóng vai làm diễn đàn ngôn luận, báo chí đăng tải các cuộc tranh luận như nên liên doanh hay cho phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, nên ưu tiên cho xuất khẩu hay làm hàng thay thế hàng nhập khẩu, có nên tiếp tục dùng thuế làm công cụ bảo hộ cho sản xuất trong nước, nên mở cửa thị trường tài chính đến mức độ nào… Phần nào đó từ các cuộc tranh luận này cộng với thực tế, đã hình thành các chính sách vĩ mô dần dần đưa đất nước ta vào chỗ hội nhập hoàn toàn với nền kinh tế thế giới.

Một vai trò thứ ba của báo chí kinh tế là giúp kết nối doanh nghiệp với xã hội để họ thực hiện trách nhiệm xã hội của mình. Ở đây không đơn thuần là các chương trình thiện nguyện hay hoạt động xã hội như doanh nghiệp góp phần xóa đói giảm nghèo, cấp học bổng, đào tạo nghề; nó còn là nơi để cộng đồng giám sát doanh nghiệp không để gây tổn hại cho môi trường, không đối xử tệ với công nhân, có trách nhiệm cao nhất với sản phẩm mình làm ra hay dịch vụ mình cung cấp.

Trong giai đoạn số hóa mọi hoạt động kinh tế như hiện nay, người kinh doanh không hề thiếu thông tin nhưng không vì thế mà báo chí kinh tế đánh mất vai trò. Nếu như thập niên 1990 chúng ta chập chững bước vào một nền kinh tế thị trường từ thói quen được bao cấp thì nay chúng ta đang bước vào một giai đoạn mới của nền kinh tế khi các nguyên tắc cũ không còn đúng nữa. Liệu nền kinh tế chia sẻ là tốt cho xã hội hay sẽ vắt cùng kiệt sức lực của người lao động tham gia đồng thời tước đi của họ mọi quyền lợi lẽ ra doanh nghiệp phải cung cấp? Sự độc quyền của các công ty công nghệ đem lại sản phẩm miễn phí cho người tiêu dùng hay bóp nghẹt cạnh tranh, biến người dùng thành chính sản phẩm đem ra bán? Liệu khái niệm công bằng có mở rộng ra để các nơi kinh doanh có doanh thu như Netflix, Facebook, Airbnb hay người chạy xe cho Grab phải nộp thuế sòng phẳng? Tiền kỹ thuật số chỉ là màn lừa đảo của giới đầu cơ hay nó là tương lai của đồng tiền một nước?

Thông tin không thôi không đủ cho người kinh doanh trả lời các câu hỏi đó. Chỉ có một diễn đàn tranh luận đến cùng, với sự tôn trọng quyền nói lên ý kiến của mình, bảo đảm mọi phát ngôn là có trách nhiệm mới có thể giúp xã hội trả lời các vấn đề mà nền kinh tế chuyển đổi đang đặt ra. Và báo chí nói chung, đặc biệt là báo chí kinh tế, chứ không phải mạng xã hội, mới có thể đóng vai trò cung cấp một diễn đàn như thế. Cuộc sống luôn đặt ra các bài toán cần lời giải; 30 năm trước là đề bài khác, 30 năm sau là đề bài khác, chẳng hạn năm 2020 đề bài bất ngờ là làm cách nào để đối phó với đại dịch Covid-19. Cái không thay đổi là sự đồng hành của báo chí, người làm kinh doanh và người làm chính sách để cùng nhau giải các bài toán của thời đại đặt ra.

 

Canh bạc dầu lửa

 Canh bạc dầu lửa

 (Đã đăng báo, lưu làm tài liệu)

Hồi tháng Tư năm nay, báo chí kinh tế xôn xao vì lần đầu tiên họ chứng kiến giá dầu thô rơi xuống dưới mức 0 đồng. Hôm đó, đầu ngày 20/4/2020 giá dầu thô West Texas Intermediate (WTI) giao vào tháng 5 vẫn bắt đầu khá bình thường ở mức 18 đô-la/thùng. Giá cứ thế giảm dần và đến 2g08 chiều giờ New York, giá rớt xuống mức âm. Đây là điều cực kỳ phi lý vì nó có nghĩa ai bán dầu phải chi thêm tiền cho người mua để họ nhận dầu; tức đã cho không mà còn phải tặng thêm tiền thì người ta mới chịu nhận. Sau đó giá giảm không phanh, đóng cửa ở mức âm gần 38 đô-la/thùng, mức giá thấp nhất trong lịch sử 138 năm của sàn giao dịch New York Mercantile Exchange.

Hôm sau, giá dầu quay về mức dương như cũ, lên 10 đô-la/thùng như thể trong lịch sử giao dịch không hề có ngày 20/4; mọi người hầu như quên mẩu tin độc đáo này, trừ các nhà quản lý và các điều tra viên của sàn giao dịch hàng hóa New York. Sau nhiều tháng sục sạo đống hồ sơ mua bán rối rắm, hàng núi dữ liệu trên máy tính, họ không tin vào mắt mình khi phát hiện thủ phạm gây ra đợt biến động giá dầu kỳ lạ này là một công ty giao dịch nhỏ ở London, mang tên Vega Capital. Chỉ có 9 người giao dịch độc lập, mua bán từ máy tính ở nhà vì nước Anh lúc đó đang cách ly chống dịch, đã thu về một món lợi nhuận khổng lồ đến 660 triệu đô-la chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ. Hiện nay cuộc điều tra vẫn chưa kết luận nhóm người này có vi phạm luật lệ gì không, họ có cố tình ép giá xuống sâu để hưởng lợi hay không. Đây là câu chuyện họ kiếm được khoản tiền này như thế nào, do hãng tin Bloomberg tường thuật.

XXX

Năm 2020 bắt đầu đầy hứa hẹn một năm ăn nên làm ra cho các ngành sản xuất nên giá dầu thô WTI được giao dịch ở mức cao, chừng 60 đô-la/thùng. Giá bắt đầu sụt giảm từ tháng 2 khi có tin về các ca nhiễm Covid-19 đầu tiên; mức sụt giảm nhanh chóng tăng dần theo mức độ lây lan của đại dịch. Đến cuối tháng 3, giá dầu thô WTI giao sau còn khoảng 20 đô-la/thùng, mức thấp nhất kể từ sự kiện 11/9. Các nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới ngồi lại bàn bạc, cãi nhau dữ dội và cuối cùng đồng ý giảm sản lượng 10% để chặn đà mất giá của dầu thô nhưng đã muộn.

Giao dịch dầu thô trên thế giới thường dựa vào hai giá gồm giá dầu Brent và giá dầu WTI nhưng trong khi mua bán hợp đồng giao sau dựa vào giá Brent thì người mua kẻ bán có thể kết sổ, tính toán lời lỗ và chung tiền mặt cho nhau, mua bán theo giá WTI thì khi đáo hạn hợp đồng người mua có nghĩa vụ phải nhận dầu thô thật sự từ kho dầu ở Cushing, Oklahoma, Mỹ.

Thường thì dân đầu cơ trên thị trường tránh nghĩa vụ này (chứ họ nhận dầu về làm gì) bằng cách bán lại hợp đồng ngay trước thời điểm đáo hạn và mua hợp đồng khác, loại giao vào tháng sau nữa. Bất ngờ ở chỗ giá quá thấp vào tháng 3 và đầu tháng 4 đã thu hút một loạt các nhà đầu cơ mới, kể cả một quỹ đầu tư dầu thô Trung Quốc tên là Crude Oil Treasure. Gần đến ngày đáo hạn, những nhà đầu cơ mới này phải “đảo hợp đồng” bằng cách nói ở trên với lượng dầu bán ra trị giá hàng tỷ đô-la trong bối cảnh người mua không có. Kho chứa ở Cushing gần hết công suất; tiền thuê kho chứa ngày càng cao; lượng người bán hoảng hốt tìm người mua đông lên nhanh chóng. Râm ran lời đồn giá dầu sẽ về mức âm. Ngày 20/4 là ngày đáo hạn, thanh lý hợp đồng giao vào tháng 5! Tất cả chín muồi cho 9 tay giao dịch ở công ty Vega ra tay.

XXX

Kỹ thuật làm giá họ áp dụng tương đối đơn giản: Giả thử một tay giao dịch thấy giá dầu thô WTI đang ở mức 10 đô-la và dự đoán cuối ngày sẽ rớt xuống còn 5 đô-la. Tay này bèn ký hợp đồng mua 50.000 thùng dầu giao sau trên thị trường tại bất kỳ giá nào lúc đóng cửa vào 2g30 chiều; hợp đồng loại này gọi là TAS – giao dịch lúc kết sổ. Cùng lúc, anh ta sẽ bắt đầu bán các hợp đồng WTI giao sau loại bình thường, 10.000 thùng với giá 10 đô-la, rồi khi giá giảm dần như anh ta tiên đoán, sẽ bán tiếp 10.000 thùng với giá 9 đô-la, thêm 10.000 thùng nữa với giá 8 đô-la. Khi thời điểm kết sổ hợp đồng sắp đến, anh ta bán thêm 10.000 thùng giá 7 đô-la, thêm 10.000 thùng giá còn 6 đô-la, tạo nên một áp lực sụt giá trên thị trường. Đến lúc đóng cửa giá đúng là chỉ còn 5 đô-la và tay giao dịch này coi như có thể xoa tay khóa sổ, lượng dầu mua và bán bằng nhau nên không nợ ai và cũng chẳng có nghĩa vụ nhận dầu từ ai.

Tính ra đến cuối ngày, anh ta lãi được 150.000 đô-la, tức là mức chênh lệch bán dầu (với nhiều mức giá khác nhau được 400.000 đô-la) và mua dầu (50.000 thùng giá 5 đô-la/thùng, tức 250.000 đô-la). Về nguyên tắc, chuyện anh ta làm là hợp pháp miễn sao đừng dùng các chiêu trò ép giá xuống một mức thấp giả tạo để tối đa hóa lợi nhuận vì như thế, theo luật lệ của Mỹ là thao túng giá. Thao túng giá mà thành tội có thể bị phạt tiền, cấm giao dịch hay phạt tù lên đến 10 năm.

Chiến thuật này là con dao hai lưỡi vì giả thử có người túi tiền sâu và quyết định đánh cược theo hướng ngược lại, ai bán bao nhiêu cứ mua hết bấy nhiêu để giữ và nâng giá, cuối ngày tay giao dịch ở trên có thể cháy túi nếu giá nay ở mức 15 đô-la chứ không phải 5 đô-la như dự đoán. Lúc đó anh ta sẽ lỗ nặng vì phải mua giá cao bù vào các hợp đồng đã bán với giá thấp.

Ngày 20/4, quỹ Crude Oil Treasure của Trung Quốc và nhiều nơi khác cuống cuồng bán hợp đồng WTI và các tay giao dịch ở Vega Capital mua vào hết, cam kết sẽ trả đúng giá lúc thị trường đóng cửa theo dạng hợp đồng TAS. Từ 11 giờ tối giờ ở Anh ngày 19/4 lúc thị trường mở cửa ở Mỹ đến 5 giờ chiều (giữa trưa ở New York) giá giảm từ 18 đô-la xuống còn 10 đô-la/thùng. Nhóm Vega bán các hợp đồng WTI giao sau như ví dụ ở trên với giá giảm dần nhưng càng về cuối họ càng run. Trong các tin nhắn cho nhau mà Bloomberg nghe đọc lại, nhiều người tỏ ra lo lắng không biết họ có phơi trần gánh chịu nhiều rủi ro hay không.

Chỉ còn 2 tiếng nữa là đến giờ khóa sổ, giá giảm từ 10 đô-la còn 5 đô-la và đúng 2g08 chuyển qua mức giá âm! 22 phút sau đó, giá sụt không phanh do nhóm Vega Capital vẫn tiếp tục bán ra không ngớt. Cuối cùng giá dừng ở mức âm 37,63 đô-la/thùng – một kỷ lục đáng buồn cho một năm đại dịch. Bình thường khối lượng giao dịch lớn nhất thị trường là của các đại gia trong ngành như BP, Glencore hay JPMorgan Chase. Đằng này theo số liệu Bloomberg biết được, nhóm Vega Capital là nơi bán ra nhiều nhất. Khóa sổ, 9 người giao dịch nhiều nhất kiếm được tổng cộng 660 triệu đô-la!

Ngược lại, ở nơi khác, các nhà đầu tư kết sổ số lỗ của họ. Quỹ Treasure tuyên bố với khách hàng mọi khoản họ đầu tư vào dầu thô xem như mất trắng. Syed Shah, bắt đầu mua hợp đồng dầu giao sau khi giá rơi xuống 3 đô-la/thùng lỗ mất 9 triệu đô-la. Interactive Brokers, sàn giao dịch trực tuyến lớn nhất Mỹ, lỗ mất 104 triệu chỉ vì phần mềm của họ không xử lý được giá dầu ở mức âm.

Nếu nhóm Vega Capital chỉ lãi chừng 7 triệu đô-la họ sẽ tổ chức ăn mừng xôm tụ ngay nhưng vì lãi quá lớn, họ phải giữ im lặng. Mặc cho những lời đồn đại họ trúng lớn, không ai lên tiếng cho đến khi các nhà điều tra vào cuộc. Nay luật sư của họ tuyên bố họ làm đúng luật chơi của thị trường, không vi phạm điều cấm nào, mọi chuyện hoàn toàn do “lời ăn lỗ chịu”…

Theo tường thuật của Bloomberg nhóm Vega Capital hiện đang ẩn mình, có người ngưng luôn hoạt động giao dịch bình thường của họ. Một vài người đăng ký thành lập công ty mới. Giới giao dịch trên thị trường giao sau ở London tỏ vẻ tự hào về các đồng nghiệp may mắn của mình – họ còn đặt biệt danh cho nhà đồng sáng lập Vega Capital nhưng rút ra khỏi công ty chỉ vài tháng trước đó là “Beatle thứ năm”. Trả lời phỏng vấn Bloomberg một giao dịch viên nói: “Thật buồn cười, nếu đó là BP hay Goldman Sachs lãi to như thế, sẽ chẳng ai thèm đếm xỉa gì. Nhưng khi đó là một nhóm các tay chơi nhỏ có nguồn gốc công nhân, người ta sẽ bảo họ chơi gian”.

 

Tương lai các thành phố lớn

 Tương lai các thành phố lớn

 (Đã đăng báo, lưu làm tài liệu)

Sự thăng trầm của các nền văn minh thường được đánh dấu bởi sự trỗi dậy và tàn lụi của các đại đô thị. Khảo sát các nền văn minh từng hưng thịnh trên trái đất này người ta cũng dựa vào các công trình khảo cổ các đô thị mà những nền văn minh này từng dựng lên.

Đại dịch Covid-19 đánh dấu một cột mốc suy tàn những nơi hiện nay đang là thành phố lớn của thế giới và mặc dù xu hướng này đã bắt đầu từ trước khi xảy ra dịch bệnh, cơn lốc corona virus đã quét qua các thành phố lớn khắp thế giới, thúc đẩy xu hướng rời bỏ thành phố đến nhanh hơn cả chục năm. Ngược lại, cũng có thành phố tận dụng các cơ hội mới để khoác cho mình một diện mạo “hậu Covid” thân thiện với môi trường hơn.

Xu hướng này khó thấy ở nước ta vì dịch được khống chế nhưng cũng đã xuất hiện các căn nhà mặt tiền bỏ hoang vài ba tháng ở nhiều con phố lớn, những khu phố đóng cửa im lìm không người thuê. Đại dịch buộc mọi người chuyển nhiều hơn qua mua sắm trên mạng, gọi thức ăn giao tận nhà chứ không còn ra tiệm hay vào các cửa hàng dọc phố nữa. Khách du lịch vắng bóng cũng làm nhiều cửa tiệm khác từng nhắm đến loại khách hàng này phải tạm thời đóng cửa. Và một khi xu hướng đã bắt đầu, ắt mọi người sẽ nhanh chóng nhận ra trả một khoản tiền rất lớn hàng tháng để đón vài ba vị khách mỗi ngày là cực kỳ phi lý trong khi họ có thể duy trì một mặt bằng phong phú hơn, dễ dẫn dụ khách hơn trên các không gian chợ ảo với chi phí rất thấp, khách vào ra tấp nập. Có thể dự báo sẽ còn nhiều đoạn đường đầy các biển rao cho thuê nhà dọc các con phố lớn. Những ngọn đèn màu chớp tắt thu hút khách sẽ chuyển vào hẻm sâu và trực tuyến. Một diện mạo quen thuộc của thành phố đã đổi khác.

Còn ở các nước xu hướng rời xa các thành phố mạnh hơn nhiều lần bởi hầu như các nước phương Tây đều có những tháng ròng áp dụng phương thức làm việc từ nhà. Thoạt tiên đó là một sự sắp xếp do nhu cầu phòng chống dịch nhưng dần dần rất nhiều công ty mới nhận ra, để nhân viên làm việc từ nhà có nhiều điểm lợi. Công ty vừa không tốn tiền duy trì một không gian làm việc tốn kém, từ tiền điện nước đến bảo vệ, kỹ thuật; nếu lâu dài họ có thể cắt luôn hợp đồng thuê mặt bằng để tiết kiệm một khoản chi khá lớn. Nhân viên làm từ nhà vẫn có thể họp hành qua các ứng dụng video; chỉ cần thay đổi cách đánh giá hiệu quả là vẫn có thể duy trì năng suất, thậm chí năng suất còn cao hơn trước. Được làm từ nhà ai mà không thích vì có thể chăm con, làm việc nhà bất kỳ khi nào thu xếp được. Khỏi thức dậy sớm và về muộn, khỏi tiêu tốn nhiều giờ ngồi trên xe hay tàu điện là một điều người làm việc văn phòng mơ tưởng từ lâu.

Hiệu ứng của phương thức làm việc từ nhà lên diện mạo thành phố là một hiệu ứng kiểu domino. Đầu tiên là vắng bóng xe cộ trên đường phố, hàng quán phục vụ ăn trưa ăn tối mất khách. Các dịch vụ đi quanh các tòa nhà văn phòng sụt giảm nhu cầu. Những nhân viên dịch vụ mất việc do mất khách này sẽ phải sớm rời thành phố để kiếm việc làm nơi khác. Đến nay phương thức làm việc từ nhà tiến đến một mốc mới, nhiều công ty cho phép nhân viên làm việc từ bất kỳ địa phương nào. Chắc chắn khi điều này xảy ra, nhiều người sẽ dọn ngay ra khỏi các thành phố đắt đỏ để dọn về các khu ngoại ô hay xa hơn nữa. Như thế, ngoài các cửa tiệm đóng cửa im lìm, chủ nhà treo biển tìm khách thuê mới như ở nước ta, các thành phố lớn ở nước khác còn đang chứng kiến các tòa nhà văn phòng dần vắng khách; các hàng quán quanh đó đóng cửa. Chẳng mấy chốc sự điêu tàn, hoang vắng ở nhiều khu tại nhiều thành phố sẽ dần hiện rõ.

*                           *                           *

Đôi lúc chúng ta có cảm giác các phim khoa học viễn tưởng nói quá về tương lai các đại đô thị, kiểu như bầu trời ngập chìm trong một màn sương đục do ô nhiễm không khí, các trung tâm thương mại bỏ hoang, cầu thang còn đôi ba ánh đèn sáng lóe vài chớp rồi tắt ngúm. Đường phố hoang vắng, chỉ còn những tên tội phạm mang súng đi lùng sục con mồi. Thế nhưng với tình cảnh chênh lệch giàu nghèo ngày càng nghiệt ngã ở nhiều nước, rất có thể các thành phố sẽ chia làm hai khu; khu nhà giàu cố thủ trong các tòa nhà cao tầng, canh phòng cẩn mật bằng drone và robot – khu nhà nghèo gồm các đường phố bỏ hoang nay chỉ còn các căn lều của người vô gia cư. An ninh thành phố được duy trì bằng một mạng lưới các camera quan sát khắp nơi cộng với các máy bay không người lái dò xét khắp nơi. Một tình cảnh như thế đã diễn ra ít nhất ở một số khu vực của một số thành phố lớn của Mỹ.

Tất cả những chuyện này không phải là chuyện viễn tưởng. Nhiều thành phố lớn ở Mỹ giờ đã bắt đầu đối diện với một số vấn đề cấp bách nhưng sẽ định hình các thành phố này trong tương lai. Thành phố New York bắt đầu lên kế hoạch cắt giảm các phương tiện giao thông công cộng vì vắng khách, có thể đến 40% lượng xe buýt và xe điện ngầm vào năm 2022. Các thành phố khác như Washington DC, Boston cũng tính chuyện tương tự, đóng cửa nhiều trạm xe điện ngầm, trạm xe buýt, cắt giảm nhân viên… Thiếu phương tiện đi làm, các hãng sẽ phải buộc chuyển sang làm việc từ xa dù chưa tham gia xu hướng ngay bây giờ. Ba nơi sử dụng mặt bằng nhiều nhất thành phố New York là JPMorgan Chase, Barclays và Morgan Stanley đều đã tuyên bố chắc chắn không phải tất cả nhân viên của họ sẽ trở về làm việc trong các tòa cao ốc ở Manhattan nữa. Google hủy kế hoạch mua thêm 2 triệu feet vuông diện tích văn phòng ở các đô thị. Twitter cho phép nhân viên làm việc từ xa vĩnh viễn.

Nói cho có căn cứ thì các đô thị lớn thu hút người vào ở và làm việc nhờ hai yếu tố. Yếu tố đầu tiên là các nhân viên trẻ, làm việc bằng chất xám, là lực lượng lao động chính của thời kỳ toàn cầu hóa trước đây và công nghệ thông tin hiện nay. Trước đây họ làm việc ở các văn phòng tập trung tại các đô thị lớn vì tận dụng nguồn thông tin, cách làm việc nhóm, cùng nhau động não để giải quyết các bài toán mới. Nay chỉ cần chiếc laptop, đường truyền Internet tốc độ cao, và các ứng dụng gọi video, họ có thể duy trì cách làm việc cũ nhưng bản thân họ thì đóng đô ở một góc hẻo lánh nào đó. Yếu tố thứ nhì là tính chất giải trí cao của đô thị gồm các cửa hàng, rạp chiếu bóng, quán bar, hộp đêm, tiệm ăn, quán café… Đại dịch Covid-19 và yêu cầu giãn cách xã hội làm các hoạt động này biến mất trong một thời gian dài. Dần dần khi các đô thị không còn sức hấp dẫn như trước mà cư dân lại phải đối diện với các thách thức như sống giãn cách, co cụm thành từng nhóm, cơ sở hạ tầng ngày càng xuống cấp thì các đô thị dần hoang vắng là một xu hướng khó tránh.

*                           *                           *

Tuy nhiên chưa hẳn mọi sự đã an bày cho các thành phố lớn. Một số thành phố lợi dụng xe cộ vắng bóng đã mở thêm đường dành riêng cho xe đạp; khơi lại phong trào đi xe đạp ở nhiều thành phố châu Âu, Canada. Một số nơi khác ngăn đường để cho hàng quán mở rộng không gian ăn uống bên ngoài, cũng nhằm bảo đảm giãn cách xã hội. Đại dịch cũng buộc nhiều nơi thiết kế lại không gian làm việc để tích hợp nhiều dịch vụ vào chung một chỗ. Một khi đại dịch chấm dứt, cuộc sống quay về như cũ, nếu các thành phố này duy trì được không gian thân thiện với môi trường hơn như đi lại bằng xe đạp, cấm xe hơi ở nhiều khu vực, dành khoảng không cho các sinh hoạt chung, biết đâu chúng sẽ trở thành những điểm thu hút giới trẻ. Đã có những khảo sát cho thấy cư dân hoan nghênh việc cấm hẳn xe hơi ở nhiều khu phố, biến chúng thành phố đi bộ, chạy xe đạp, xe đẩy. Các hoạt động thể thao như chạy bộ, các hoạt động văn hóa nghệ thuật trở lại đường phố biết đâu sẽ hút hút du khách trở lại một khi dịch bệnh đi qua.

Như thế diện mạo các thành phố lớn chắc chắn sẽ thay đổi, theo hướng bi quan hay theo hướng lạc quan còn tùy vào cư dân. Sẽ có những thành phố suy tàn, hoang phế nhưng cũng sẽ có những thành phố xanh, phát triển theo hướng mới. Có thể người ta sẽ phải bỏ những nỗ lực xây dựng thành phố thông minh dựa vào công nghệ vì một mình công nghệ không thể cứu lấy số phận một thành phố bị bỏ hoang. Nay các ưu tiên trong phát triển thành phố phải là giảm ô nhiễm, cả ô nhiễm không khí lẫn tiếng ồn; có những cơ sở hạ tầng giúp cải thiện sức khỏe, kể cả sức khỏe tinh thần.

Làm được điều này, chúng ta sẽ có những thành phố chỉ còn lại xe đạp hay xe chạy bằng điện, vắng bóng hẳn xe chạy bằng xăng dầu. Lúc đó, dù nhiều công ty cho nhân viên làm ở nhà, vẫn sẽ có những công ty phải duy trì cách làm việc trực tiếp do phải tiếp xúc với khách hàng và lúc đó do chi phí mặt bằng giảm mạnh, do yêu cầu giãn cách, họ sẽ tăng thuê mặt bằng, tăng không gian làm việc. Dòng tiền đầu cơ địa ốc chấm dứt, giá nhà trở về mức bình thường, nằm trong tầm với của giới trẻ. Cuộc sống ở đô thị sẽ trở về khung cảnh thời trước, khi mọi người ăn uống trên vỉa hè, ca hát nhảy múa ngoài trời. Đó có thể là một ước mơ viễn vông nhưng cũng có thể là xu hướng phát triển theo hướng tự nhiên, bằng không cuộc sống đô thị sẽ sụp đổ.

Công nghệ và điều tra hình sự

 Công nghệ và điều tra hình sự

 (Đã đăng báo, lưu làm tài liệu)

Cô X. là một y tá chừng 30 tuổi, đang lái xe về nhà sau ca tối thì có kẻ chận xe dùng dao uy hiếp cô, bắt qua một chiếc xe bán tải, cưỡng hiếp cô trong khi tên đồng phạm vẫn lái tiếp. Câu chuyện mới nghe qua cũng như nhiều vụ phụ nữ đi làm về khuy bị bọn xấu tấn công, hãm hiếp rồi vất bỏ bên vệ đường. Thế nhưng trong các chi tiết nạn nhân là một y tá chừng 30 tuổi khai với cảnh sát, có một chi tiết nổi lên. Trong ánh đèn mờ khi xe chạy qua sân bay General Mitchell, cô thoáng thấy màn hình một chiếc điện thoại di động hiệu Samsung Galaxy đang chạy ứng dụng tìm đường Google Maps!

Viên cảnh sát hình sự Eric Draeger của đồn cảnh sát Milwaukee chuyên về các vụ án có dính líu đến công nghệ cao. Lời khai của cô X. về loại xe bọn xấu dùng, miêu tả nhân dạng của kẻ cưỡng hiếp cô không giúp gì bao nhiêu. Nhưng Draeger từng có kinh nghiệm phá án bằng cách rà soát dữ liệu của các trạm phát sóng để từ đó xác định các điện thoại di động hiện diện gần hiện trường khi xảy ra vụ án. Nay với lời khai của cô X., rất có thể anh sẽ tìm đúng ngay chiếc điện thoại anh cần tìm nếu tập trung vào một nguồn cung cấp vị trí người dùng với độ chính xác cao: Google Maps.

Lúc đó Draeger không biết Google có chịu hợp tác không nhưng vẫn thuyết phục sếp anh cứ thử xem sao. Đầu tiên anh cần một trát đòi dữ liệu sau khi ghi nhận lời khai chi tiết của cô X., cùng cô đi lại lộ trình bọn xấu chở cô, ghi nhận chính xác từng địa điểm. Trong khi đó, đồng nghiệp của anh vẫn tiến hành điều tra theo các phương cách cũ: phát hành hình vẽ phác thảo bọn xấu dựa vào lời khai, rà soát các camera an ninh ở khu vực lân cận, tìm dấu vân tay bọn xấu có thể để lại ở chiếc xe của nạn nhân… Họ tập trung vào vụ án này vì có dấu hiệu cho thấy bọn xấu sẽ lại ra tay. Đó là bởi trước vụ bắt cóc cô X. mấy giờ, một cô gái 18 tuổi trình báo bị hai kẻ xấu đi theo một quãng đường dài, chúng nhiều lần cố tình hất xe cô lên vệ đường, có lần có một kẻ cầm gậy bóng chày tiến đến xe cô nhưng cô kịp nhấn ga thoát thân.

Samsung Galaxy là điện thoại di động chạy hệ điều hành Android, người dùng muốn sử dụng phải đăng nhập tài khoản Google; điện thoại lại đủ các ứng dụng cài sẵn như Google Maps có chức năng xác định vị trí người dùng bằng cả Wifi, GPS và Bluetooth. Vụ án cô X. xảy ra vào tháng 6 năm 2017 và trước đó Google chỉ mới nhận yêu cầu cung cấp dữ liệu theo cách này lần đầu tiên vào năm 2016. Với trát do tòa án ký, Draeger gởi email cho Google nhưng thực lòng không tin tưởng Google chịu hợp tác, thậm chí sẽ trả lời sớm.

Hai mươi phút sau điện thoại của Draeger đổ chuông; một nhân viên bộ phận pháp lý Google gọi. “Tôi không biết có rà soát dữ liệu theo yêu cầu của ông hay không nhưng chúng tôi muốn hỗ trợ vì đây là ác mộng cho mọi người” – cô nhân viên nói với Draeger. Sau đó nhân viên Google giúp Draeger cập nhật trát tòa để mở rộng phạm vi tìm kiếm ra ngoài khu vực sân bay bởi lúc đó tại sân bay có hàng trăm điện thoại sử dụng ứng dụng Google Maps để tìm xem ở các địa điểm bổ sung có điện thoại nào có những đặc điểm như mô tả. Bốn ngày sau, đại diện Google gọi điện cho Draeger và thông báo, chỉ có 1 số điện thoại duy nhất đáp ứng các điều kiện đặt ra trong yêu cầu tìm kiếm.

Draeger nhớ lại: “Bỗng nhiên lá thư này xuất hiện trong hộp thư của tôi, mở thư đọc xong, tôi cứ nhìn sững sờ vào màn hình. Cái tay tội phạm mình tìm 5 ngày nay không chút manh mối, nay tên tuổi và số điện thoại của hắn có ngay sờ sờ đó”. Cảnh sát bắt ngay 2 tên tội phạm ngay sau đó.

*                           *                           *

 Câu chuyện trên do NBCNews kể lại, hé lộ cho thấy tầm ảnh hưởng lớn lao của các ứng dụng chúng ta dùng hàng ngày mà không hề hay biết. Nhìn từ phía các cơ quan công lực như cảnh sát hình sự, dữ liệu người dùng mà các công ty công nghệ như Google thu thập từng giây từng phút là kho tàng chưa được khai thác đúng mức. Từ năm 2016 đến nay các yêu cầu cung cấp dữ liệu như kiểu vụ án nói trên tăng vọt. Năm ngoái Google tiết lộ yêu cầu từ phía cảnh sát đã tăng hơn 1.500% từ năm 2017 sang 2018 và tăng 500% từ năm 2018 sang 2019.

Vì khối lượng yêu cầu tăng nhanh như thế nên hiện nay Google cần vài ba tháng mới đáp ứng một yêu cầu dữ liệu. Phía điều tra hình sự cũng giảm dần việc dựa dẫm vào công nghệ này vì quá mất thời gian, chỉ xem nó như biện pháp cuối cùng khi các phương pháp điều tra cũ đi vào ngõ cụt. Cả Google lẫn cơ quan công lực đều nói quá trình yêu cầu và cung cấp dữ liệu xác định vị trí là hợp pháp vì người dùng cho phép Google ghi nhận vị trí của họ. Yêu cầu bảo vệ sự riêng tư của người dùng là ưu tiên hàng đầu nên khi cung cấp dữ liệu các thiết bị gần hiện trường, Google đều để nặc danh và chỉ sau khi xác định kẻ tình nghi, tên tuổi và chi tiết khác mới được tiết lộ.

Tuy nhiên, việc sử dụng trát tòa yêu cầu công ty công nghệ cung cấp thông tin người dùng một cách vô tội vạ như thế là vi phạm quyền riêng tư của nhiều người, do tình cờ đã đến gần hiện trường một vụ án nào đó đúng thời điểm gây án. Có vụ án, cảnh sát đưa một người vô tội vào diện tình nghi chỉ vì ông này đạp xe ngang qua ngôi nhà bị trộm đúng lúc bọn trộm đột nhập. Nhiều người lập luận công nghệ này có thể dễ dàng bị lạm dụng để theo dõi những ai đi phá thai, đi dự lễ ở một nhà thờ, tham gia vào các cuộc tuần hành… Vào thời điểm nước Mỹ bị chia rẽ nặng nề như bây giờ, công nghệ ghi nhận vị trí người dùng càng dễ bị phản đối hay nhận được sự đồng tình, cần áp dụng nhiều hơn, tùy vào quan điểm hay vụ việc. Chẳng hạn, sẽ có nhiều người muốn dùng dữ liệu vị trí người dùng để phát hiện xem ai từng đột nhập tòa nhà Quốc hội Mỹ.

Hiện nay quan điểm về việc sử dụng trát đòi dữ liệu người dùng cũng rất khác biệt. Nếu chỉ nghe kể về các vụ án tàn khốc được phá án nhờ dữ liệu người dùng, sẽ rất dễ đồng tình với việc ứng dụng công nghệ này vào công tác điều tra hình sự. Nhưng để phát hiện 1 kẻ tội phạm, sẽ có 10 người vô tội bị kéo vào vòng phiền phức, có khả năng bị oan chỉ vì công nghệ không phân biệt được gian-ngay. Nhiều quan tòa từ chối ký trát do cảnh sát yêu cầu.

Với Google, họ có sẵn những lời tuyên bố để phát cho báo chí mỗi khi có ai yêu cầu họ bình luận. Một trong những lời tuyên bố như thế viết: “Chúng tôi làm hết sức mình để bảo vệ quyền riêng tư của người dùng dịch vụ của chúng tôi trong khi hỗ trợ hoạt động rất quan trọng của giới thi hành công vụ. Chúng tôi đã phát triển một quy trình cụ thể cho các yêu cầu hỗ trợ như thế, được thiết kế để tôn trọng nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi trong khi hạn chế quy mô dữ liệu được tiết lộ”. Dù sao những lời nói rập khuôn này cũng cho thấy quy mô thu thập dữ liệu người dùng của các công ty công nghệ như Google.

Wednesday, March 17, 2021

Trong vũng lầy của văn hóa xóa sổ

 

Trong vũng lầy của văn hóa xóa sổ

 
Da trắng quá, không được dịch thơ Gorman!

Nếu cần dịch một bài thơ từ tiếng nước ngoài cho độc giả trong nước, người ta sẽ đi tìm phẩm chất gì ở người dịch? Có lẽ quan trọng nhất là khả năng sử dụng thành thạo cả hai ngôn ngữ và nếu người dịch cũng là nhà thơ, đó sẽ là lựa chọn tối ưu.

Nhưng không. Khi nhà thơ nổi tiếng Marieke Lucas Rijneveld của Hà Lan được chọn để dịch tuyển tập thơ của Amanda Gorman sang tiếng Hà Lan, thiên hạ phản đối chỉ vì Rijneveld da trắng. 

Theo họ, để “xứng đáng” dịch thơ Gorman, một thi sĩ trẻ tuổi người Mỹ da đen, người vừa nổi lên sau khi đọc bài The Hill We Climb tại lễ nhậm chức của Tổng thống Joe Biden, thì người dịch cũng phải là da đen!

Lập luận cực đoan này bất kể nhiều tình tiết hợp tình hợp lý: Marieke Lucas Rijneveld vừa đoạt giải International Booker danh tiếng và chính Gordon, 22 tuổi, đã chọn Rijneveld, 29 tuổi, như một người viết cùng thế hệ, nổi tiếng khi còn rất trẻ.

Nhà văn, nhà thơ thì rất nhạy cảm, ngay lập tức Rijneveld từ chối việc dịch và tuyên bố một cách rất độc đáo: “Tôi đã từng vui vẻ cống hiến sức lực để dịch tác phẩm của Amanda, xem nó như một nhiệm vụ to lớn để duy trì sức mạnh, giọng điệu và văn phong của cô. Tuy nhiên, dù tôi biết tôi ở một vị trí để suy nghĩ và cảm nhận điều này, nhiều người khác lại không như thế. Tôi vẫn ước mong ý tưởng của cô vươn tới càng nhiều độc giả càng tốt, mở rộng trái tim cho mọi người”.

Thập niên 1960, phong trào đấu tranh bất bạo động của Martin Luther King Jr. là nhằm xóa bỏ tình trạng phân chia chủng tộc trong xã hội Mỹ. Người da đen lúc đó đấu tranh để xóa các nhà vệ sinh, xe buýt, tiệm ăn bắt người da màu chỉ được dùng một khu dành riêng cho họ. 

Nay, cái hàng rào phân biệt chủng tộc tệ hại đó trở lại trong địa hạt văn hóa: thơ da đen chỉ có người da đen được dịch, và sẽ đến nhạc da đen chỉ có người da đen được hát, truyện da đen chỉ có người da đen thưởng thức.

Và điều tệ nhất là nhà xuất bản tập thơ đã đầu hàng trước áp lực của dư luận, hoan nghênh quyết định rút lui của Rijneveld và hứa hẹn “sẽ rút bài học” từ chuyện này.

Khi Colin Firth không đồng tình, anh ấy gặp rắc rối

Đặc điểm phân biệt đối xử theo một hướng cực đoan mới như thế đang nổi lên tại các nước phương Tây và ngày càng gây chia rẽ nước Mỹ. 

Russell T Davies, nhà viết kịch bản và nhà sản xuất chương trình truyền hình người Anh vừa gây xôn xao dư luận khi tuyên bố chỉ có người đồng tính mới được đóng vai đồng tính: “Tôi sẽ gây chiến. Tôi sẽ làm những người như Colin Firth xấu hổ vì vai diễn của mình”. (Colin Firth không phải là người đồng tính nhưng cùng Stanley Tucci đóng cặp vợ chồng đồng tính trong bộ phim mới Supernova; trước đó Firth từng giành được giải Oscar năm 2009 nhờ đóng vai đồng tính trong phim A Single Man).

 Điều mỉa mai nằm ở chỗ, nguyên tắc cơ bản của phong trào LGBTQ là bình đẳng giới, không ai bị phân biệt đối xử dựa vào giới tính của họ và giới tính bạn đời của họ. Đề xuất của Davies là sự phân biệt, chống lại người dị tính muốn hành nghề diễn viên và đảm nhận các vai đồng tính.

Và luật lệ chống phân biệt đối xử ở Anh cũng như ở Mỹ đã tiến đến chỗ rất có thể Davies bị kiện đến trắng tay nếu trong vai trò nhà sản xuất mà từ chối một diễn viên chỉ vì anh ta không phải là người đồng tính.

Mặc dù khiêu chiến với Colin Firth như vậy nhưng chính Davies trong quá khứ từng sử dụng diễn viên “thẳng” cho các vai “gay” nổi bật là Hugh Grant trong bộ phim A Very English Scandal, thủ vai một chính trị gia đồng tính.

1.271 lần dùng từ "nigger" của The New York Times

Nếu từng nghe nhạc rap, bạn đã thấy trong ca từ của nhiều bài có từ nigger - một từ hiện nay thuộc loại đại cấm kỵ vì bị cho là xúc phạm dân da đen. Trong âm nhạc, phim ảnh, từ này mà do người da đen nói thì bình thường. Mọi việc chỉ trở thành lớn chuyện khi nó do dân da trắng thốt lên, dù chỉ để trích dẫn lời nói của người khác.

Donald McNeil Jr. là một nhà báo kỳ cựu làm cho The New York Times (NYT) đã 45 năm nay. Mùa hè năm 2019, ông làm người hướng dẫn cho một đoàn học sinh trung học Mỹ đi tham quan Peru do báo ông bảo trợ. Trong một buổi ăn tối, một học sinh hỏi ông liệu có nên cho nghỉ học một học sinh từng làm một cái video lúc 12 tuổi nay mới bị phát hiện, trong đó cô học sinh này dùng từ nigger.

Để hiểu bối cảnh video nói chuyện gì, McNeil hỏi cho rõ rằng học sinh kia dùng từ miệt thị đó với học sinh khác hay chỉ đang hát nhạc rap hoặc trích dẫn tựa một cuốn sách. Vấn đề là khi hỏi lại cho rõ vấn đề, McNeil đã dùng nguyên văn từ nigger chứ không nói tránh đi. 

Chuyện chỉ có thế, nhưng đầu năm nay báo chí khui lại và mặc dù trước đó tờ NYT đã kỷ luật McNeil, nhân viên NYT viết thư phản ứng, đòi điều tra lại, đòi McNeil phải công khai xin lỗi. Cuối cùng NYT gây sức ép để McNeil viết đơn xin nghỉ việc. 

 Tổng biên tập Dean Baquet nhanh nhẩu tuyên bố: “Chúng tôi không chấp nhận ngôn ngữ phân biệt chủng tộc bất kể chủ đích là gì”.

Một loạt nhà báo đã lên tiếng trên khắp các báo nước Mỹ, phản đối cách ứng xử của tờ NYT với nhà báo của mình; họ khẳng định miêu tả một từ miệt thị là khác với sử dụng nó, và nếu không cho nhà báo quyền tự do sử dụng từ ngữ thì còn gì là báo chí.

 Đáng chú ý, một cây bút bình luận của chính tờ NYT là Bret Stephens đã viết một bài muốn đăng trên báo nhà, phản đối lãnh đạo NYT, đặc biệt là tuyên bố “bất kể chủ đích như thế nào” của tổng biên tập. 

Tuy nhiên, trong một email gởi bạn bè kèm bản thảo bài báo được các báo khác trích dẫn, Stephens cho biết bài viết đã bị chủ bút vất vào ngăn kéo. Bài báo có đoạn: “Có một sự khác biệt sơ đẳng giữa trích dẫn một từ vì mục đích kiến thức hay thông hiểu với việc sử dụng cùng từ đó vì mục đích lăng mạ hay gây thương tổn. Đánh mất sự phân biệt này, chúng ta sẽ đánh mất luôn khả năng hiểu những điều chúng ta được giáo dục để chống lại”.

Lục tìm các ví dụ ngay trên tờ NYT, Bret Stephens trích dẫn nhiều bài viết trong đó từ nigger xuất hiện nhiều lần với mục đích minh họa cho sự thay đổi trong cảm nhận của xã hội để chứng minh trong quá khứ, NYT không hề ngần ngại dùng từ này nhưng với mục đích thông tin. 

Ông viết: “Một nền báo chí biến “từ ngữ” thành “vật để sùng bái” - rồi từ “vật để sùng bái” thành “nỗi sợ” - sẽ ngăn trở tư duy mạch lạc và sự thông hiểu đúng đắn”.

Ông kết luận: “Vai trò của một nền báo chí tốt đẹp phải dẫn dắt chúng ta ra khỏi vũng lầy đen tối (của nền văn hóa xóa sổ, sa thải, hạ nhục công cộng và phán xét ngày càng không dung thứ). (Thế mà) Tuần trước chúng ta lại dấn sâu hơn vào chốn đó”. Đúng là NYT đã dùng từ nigger đến 1.271 lần kể từ năm 1969, lần gần nhất chỉ cách đó một tuần.

Dr Seuss gặp tai vạ

Sự việc mới nhất liên quan đến các cuốn sách của một nhà văn nổi tiếng chuyên viết cho trẻ em, Theodor Seuss Geisel, dưới bút danh Dr. Seuss. 

Nhiều cuốn của ông đã được dịch sang tiếng Việt như Gờ-Rinh đánh cắp Giáng sinh!Nếu tớ mở sở thú; nhiều cuốn được in lại nguyên bản tiếng Anh để trẻ em Việt Nam dùng làm sách học tiếng Anh. 

Ông viết các cuốn sách này hơn nửa thế kỷ rồi và đã qua đời cách đây 30 năm nhưng sách của ông vẫn đang bán chạy, năm 2020 thu về cho những người thừa kế của ông đến 33 triệu đôla, có cuốn năm ngoái bán đến nửa triệu bản.

Đùng một cái, đầu năm nay, nhân sinh nhật lần thứ 117 của Dr. Seuss, người ta tuyên bố sẽ ngưng xuất bản 6 cuốn của ông vì các hình ảnh mang tính phân biệt chủng tộc và nhạy cảm. 

Trước đó sách của ông được đánh giá cao vì các giá trị nhân bản, khơi gợi ở trẻ tình yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường và lòng khoan dung. Người thân của ông nói, không hề có một mảy may phân biệt chủng tộc nào trong máu của ông. Nhưng rồi họ buồn rầu thừa nhận, thời đại ngày nay là thời đại khó khăn, nhạy cảm nên phải theo thời.

 

Trong hoài niệm của những ai từng đọc sách của Dr. Seuss, những cuốn sách ấy toát lên sự ấm áp, song than ôi, nay họ buộc phải nhìn các cuốn sách này với cáo buộc chúng gây tổn thương.

Có lẽ độc giả sẽ là người quyết định sau cùng xem có nên mua sách của Dr. Seuss hay không. Ngay sau tuyên bố loại bỏ một số sách của ông trong danh mục xuất bản, 9 trong 10 cuốn sách bán chạy nhất trên Amazon lại là sách của Dr. Seuss, trong đó có cuốn The Cat in the Hat được viết ra cách đây 64 năm!

Và rồi, khi con mắt chống phân biệt chủng tộc cực đoan ấy tiếp tục soi xét cực đoan, e rằng sẽ còn rất nhiều tác phẩm kinh điển bị loại bỏ. Hiện đang có ý kiến đòi bỏ tác phẩm Odyssey của Homer ra khỏi chương trình vì phân biệt giới tính, bỏ cuốn Giết con chim nhại (To Kill a Mockingbird) vì vinh danh người anh hùng da trắng, bỏ Chúa Ruồi (Lord of the Flies) vì toàn là nam sinh nhà giàu, nhiều đặc quyền...


Sự nhạy cảm chủng tộc đang dâng cao hơn bao giờ hết ở Mỹ. Chẳng hạn, TP San Francisco có kế hoạch đổi tên 44 trường chỉ vì tên của nhân vật được đặt có dính líu đến nô lệ hay tỏ vẻ coi thường phụ nữ. 

Trong số các tên đòi đổi có cả các trường Abraham Lincoln, George Washington, Thomas Jefferson... Mặc dù Tổng thống Lincoln có công giải phóng nô lệ nhưng ông bị xem là không có phản ứng thích đáng khi tiểu bang Minnesota tuyên bố tử hình 300 người da đỏ nổi dậy, còn hai vị tổng thống Washington và Jefferson đều từng sở hữu nô lệ.




Saturday, March 13, 2021

Khi nhà báo “phạm húy”

 Khi nhà báo “phạm húy”

 

Donald McNeil Jr. là một nhà báo kỳ cựu từng làm cho tờ New York Times đã 45 năm nay. Mùa hè năm 2019 ông tham gia làm người hướng dẫn cho một đoàn học sinh trung học Mỹ đi tham quan Peru do báo ông bảo trợ. Trong một buổi ăn tối có một học sinh hỏi ông liệu có nên cho nghỉ học một học sinh từng làm một cái video lúc 12 tuổi nay mới bị phát hiện, trong đó cô học sinh này dùng từ mang tính miệt thị người da đen (các báo lúc tường thuật đến chỗ này tránh lập lại từ này bằng cách viết tắt “N-word”, ý nói đến từ “nigger”).

McNeil kể, để hiểu bối cảnh video nói chuyện gì, ông bèn hỏi lại cô học sinh dùng từ miệt thị này với học sinh khác hay cô đang hát nhạc rap hay trích dẫn tựa một cuốn sách. Vấn đề là McNeil khi hỏi lại, đã dùng nguyên văn từ đó chứ không nói tránh đi. Chuyện chỉ có chừng đó nhưng suốt mấy tuần qua đã gây sóng gió tại tờ New York Times.

Đầu tiên là tờ Daily Beast khui lại chuyện này vào cuối tháng 1 năm nay, phỏng vấn nhiều phụ huynh và học sinh trong chuyến đi lên án McNeil “phân biệt chủng tộc”. Bài báo không kể đầu đuôi câu chuyện mà chỉ nói khơi khơi: “Hai học sinh cáo buộc nhà báo này dùng từ “n-word” rồi còn bảo ông ta không tin vào khái niệm đặc quyền da trắng; ba học sinh khác cho rằng McNeil có những nhận xét phân biệt chủng tộc”. New York Times phải ra một bản tuyên bố cho biết năm ngoái họ đã điều tra kỹ lưỡng và đã kỷ luật ông này. Bản tuyên bố có đoạn viết: “Chúng tôi thấy ông ấy đã có phán đoán sai lầm khi lập lại từ miệt thị chủng tộc trong bối cảnh đối thoại về ngôn ngữ mang tính phân biệt chủng tộc”. Lúc đó tổng biên tập báo Dean Baquet cũng có thư ngỏ gởi phóng viên cho biết ông ta phẫn nộ vì hành vi của McNeil và thoạt tiên có ý sa thải ông này nhưng sau đó kết luận “chủ đích của McNeil không mang tính thù hằn hay xấu xa gì”. McNeil bị khiển trách, biên bản giải quyết vụ việc được kèm vào hồ sơ cá nhân ông này.  

*                           *                           *

Câu chuyện tưởng đâu đến đây khép lại là vừa; thế nhưng một tuần sau đó, 150 phóng viên, biên tập viên tờ New York Times gởi một lá thư cho chủ bút đòi phải điều tra thêm về chuyến đi Peru, yêu cầu McNeil phải công khai xin lỗi. Thư viết: “Cộng đồng chúng tôi phẫn nộ và đau đớn. Mặc dù tờ Times có vẻ cam kết tôn trọng sự đa dạng và bao trùm, chúng ta đã trao một diễn đàn nổi bật – một lãnh vực quan trọng bao quát trận đại dịch đang ảnh hưởng một cách bất xứng với người da màu – cho một người chọn cách dùng ngôn ngữ xúc phạm và không thể chấp nhận được theo bất kỳ chuẩn mực báo chí nào. Ông ta đã làm vậy khi đại diện cho tờ Times, trước mặt các học sinh trung học”. Tờ New York Times hiện có trên 1.700 nhân viên.

Sở dĩ lá thư này ví von như thế là vì suốt năm 2020, Donald McNeil là cây bút chủ lực chuyên đưa tin viết bài về dịch Covid-19. Ông còn xuất hiện trên chương trình phát thanh The Daily của báo để cảnh báo về đại dịch từ rất sớm, khi mọi người còn chưa nhận ra quy mô toàn cầu của Covid-19. Gần đây nhất là bài McNeil phỏng vấn bác sĩ Anthony Fauci, lần đầu tiên cởi mở nói hết về mối quan hệ khó khăn giữa ông và Tổng thống Donald Trump. New York Times đã chuẩn bị gom các bài của McNeil để nộp tranh giải Pulitzer năm nay.

Hai ngày sau khi nhận được lá thư, sau nhiều cuộc họp, trực tiếp có, qua Zoom cũng có, tổng biên tập Baquet và thư ký tòa soạn Joe Kahn gởi một thư nội bộ cho biết McNeil sẽ rời tờ báo; tức không bị sa thải trực tiếp nhưng chịu sức ép phải nghỉ việc. Trong thông báo nội bộ này có một câu mà sau đó Baquet phải rút lại, xin lỗi: “Chúng tôi không chấp nhận ngôn ngữ phân biệt chủng tộc bất kể chủ đích là gì”! Thế là McNeil phải nộp đơn xin nghỉ việc, kèm theo một lá thư xin lỗi thống thiết. Thư có đoạn: “Thoạt tiên, tôi cứ nghĩ bối cảnh khi tôi dùng cái từ xấu xa này là có thể biện hộ. Giờ tôi mới nhận ra là không thể. Nó thật sự xúc phạm và gây thương tổn. Ngay cả chuyện tôi cứ tưởng mình có thể biện hộ cũng cho thấy một sự phán đoán cực kỳ tệ hại”.

*                           *                           *

Trích dẫn lại một từ chỉ để làm rõ từ đó được dùng trong bối cảnh nào mà dẫn tới sự đấm ngực, vò tóc nhận tội về mình như thế là một điều thật khó hiểu. Nhà báo Andrew Sullivan viết trên Twitter rằng thư của McNeil đọc y như lời thú tội do Khmer Đỏ ép viết, “vừa buồn cười vừa thật đáng sợ”. Đồng nghiệp của McNeil ở nhiều tờ báo khác đã lên tiếng với nhiều góc nhìn và mức độ khác nhau. Cây bút Erik Wemple viết trên tờ Washington Post rằng hiến pháp nước Mỹ bảo vệ con người không bị kết án hai lần về cùng một tội; thỏa thuận lao động ở các nơi như báo New York Times cũng có khái niệm này để tránh chuyện một người bị kỷ luật nhiều lần vì cùng một sự việc. McNeil đã bị báo của ông kỷ luật sau chuyến đi Peru thì nay chỉ vì tờ Daily Beast khui lại chuyện cũ mà đem ông ta ra kỷ luật một lần nữa thì quá kỳ lạ.

Bài viết của Wemple cũng làm rõ ngoài chuyện nhắc lại từ miệt thị để hỏi cho rõ thì McNeil chỉ bày tỏ quan điểm của ông về một số đề tài gây tranh cãi. Chẳng hạn, với tỷ lệ người da đen bị tù cao hơn, ông cho rằng nếu họ tham gia hoạt động tội phạm thì đó là lỗi của họ chứ không phải vì một cấu trúc quyền lực mang tính phân biệt và áp bức. Tuy nhiên ngay chính học sinh kể lại câu chuyện này cũng nói ý kiến của McNeil không hề coi thường người Mỹ gốc Phi.

Jonathan Chait viết trên tờ New York Magazine rằng miêu tả một từ miệt thị là khác với sử dụng nó. Nhắc lại hai phát biểu mâu thuẫn nhau của chính tổng biên tập Baquet (lần đầu nói “chủ đích của McNeil không mang tính thù hằn hay xấu xa gì”; lần sau khẳng định “Chúng tôi không chấp nhận ngôn ngữ phân biệt chủng tộc bất kể chủ đích là gì”), nhà báo này nhận xét chính sách của tờ New York Times với một từ mang tính miệt thị thì miêu tả nó, tường thuật nó so với sử dụng nó cũng không khác gì nhau là một bước ngoặc rất quan trọng.

Đáng chú ý là một câu bút bình luận khác của tờ New York Times là Bret Stephens đã viết một bài để đăng trên báo nhà, phản đối cách ứng xử của lãnh đạo tờ báo về vụ McNeil, đặc biệt là tuyên bố “bất kể chủ đích như thế nào” của tổng biên tập. Tuy nhiên bài viết này không được New York Times xuất bản. Trong một email gởi bạn bè kèm bản thảo bài báo được các báo khác trích dẫn, Stephens cho biết bài viết đã bị chủ bút vất vào ngăn kéo, không cho đăng. Bản thảo đăng trên các báo khác có đoạn viết: “Có một sự khác biệt sơ đẳng giữa trích dẫn một từ vì mục đích kiến thức hay thông hiểu với việc sử dụng cùng từ đó vì mục đích lăng mạ hay gây thương tổn. Đánh mất sự phân biệt này, chúng ta sẽ đánh mất luôn khả năng hiểu những điều chúng ta được giáo dục để chống lại”.

Lấy ngay các ví dụ trên tờ New York Times, Bret Stephens trích dẫn nhiều bài viết trong đó từ “nigger” xuất hiện nhiều lần với mục đích minh họa cho sự thay đổi trong cảm nhận của xã hội để cho thấy New York Times không hề ngần ngại dùng từ mang tính miệt thị này nhưng với mục đích thông tin. Ông viết: “Một nền báo chí biến “từ ngữ” thành “vật để sùng bái” – rồi từ “vật để sùng bái” thành “nỗi sợ” – sẽ ngăn trở tư duy mạch lạc và sự thông hiểu đúng đắn” và kết luận: “Vai trò của một nền báo chí tốt đẹp phải dẫn dắt chúng ta ra khỏi vũng lầy đen tối (của nền văn hóa xóa sổ, sa thải, hạ nhục công cộng và phán xét ngày càng không dung thứ). (Thế mà) Tuần trước chúng ta lại dấn sâu hơn vào chốn đó”. Đúng là tờ New York Times đã từng dùng từ “nigger” đến 1.271 lần kể từ năm 1969 và lần gần đây nhất chỉ cách đó một tuần.

Phản ứng của các báo khác đậm đặc đến nỗi ông Baquet phải rút lại nhận định “bất kể chủ đích là gì”, thừa nhận nói thế là “đe dọa đến nền báo chí”, là “một sai lầm chết người” và xin lỗi mọi người. Hiện nay nhận xét chung của nhiều nhà báo trên các tờ báo chính thức và cả mạng xã hội, sự đảo chiều liên tục của lãnh đạo báo New York Times cho thấy một vấn đề sâu xa hơn câu chuyện “phạm húy” của McNeil nhiều lần. Như nhận định của tổ chức PEN America, một nhà báo kỳ cựu mất việc chỉ vì một từ trích dẫn đã là một thông điệp lạnh gáy, đáng lo ngại hơn là khi một tờ báo thay đổi lập trường dưới sức ép của đám đông. Một số nhà báo đi xa hơn khi nhận định đây là dấu hiệu cho thấy làng báo đang xuất hiện xu hướng bước vào một thời kỳ tạm gọi là “hậu báo chí” khi một số báo từ bỏ tính khách quan để nhấn mạnh đến chuyện đúng sai theo cảm quan của người viết phù hợp với lượng độc giả riêng của từng tờ báo.

Riêng nhà báo McNeil, trong một email gởi những người quan tâm đến vụ việc trấn an mọi người: “Tôi sẽ ổn. Năm nay tôi 67 tuổi và đã nhiều năm nay ước mơ của tôi là mua chiếc xe bán tải kéo theo một căn nhà lưu động rồi biến mất vào rặng Rockies cùng một chiếc cần câu”. Có lẽ ông sẽ ổn thật nhưng sóng gió với New York Times và cả làng báo vẫn chưa qua.

 

Có hay không – “hậu báo chí”?

 Có hay không – “hậu báo chí”?

 

Hết “hậu sự thật” nay người ta đang nói về “hậu báo chí”. Có hay không cái khái niệm lạ đời này và vì sao nhiều nhà báo đòi từ bỏ các nguyên tắc khách quan, đa chiều của báo chí để đòi hỏi một loại báo chí đem lại công bằng, nhà báo phải là chiến binh thập tự chinh cho những điều họ tin là lẽ phải?

Theo Andrey Mir tác giả cuốn “Hậu báo chí và cái chết của báo” (2020), báo chí ngày xưa bán độc giả cho nhà quảng cáo thì nay các báo trong thời kỳ “hậu báo chí” bán độc giả cho công chúng. Báo chí truyền thống cố gắng tìm sự khách quan; cố gắng miêu tả thế giới như nó “đang là”. “Hậu báo chí” cố tình theo chủ quan; cố tình diễn tả thế giới như nó “phải là”. Một tờ báo theo mô hình “hậu báo chí” sẽ dựng tường lửa để dụ khách trả tiền và bước vào thế giới sau bức tường - trong thế giới này cái được bày biện không phải là tin tức mà chủ kiến, đúng sai đã phân định; phóng viên là nhà hoạt động cho một niềm tin nào đó. Báo chí ngày trước cần có những khách hàng hài lòng, vui vẻ, sẵn sàng mua sắm; báo chí ngày nay, theo Andrey Mir, cần tạo ra những người dân giận dữ, bất bình.

Nói cách khác, khi khóa bài buộc người đọc trả tiền mới được vào đọc, các báo không thể cạnh tranh bằng tin tức vì lượng thông tin trên thế giới là vô hạn, cung vượt xa cầu nên tin tức chạy theo người đọc chứ không phải người đọc chạy theo tin. Vì thế các báo phải bán một thứ khác – là niềm tin, là một sự đeo đuổi cho một cộng đồng những người cùng chia sẻ niềm tin này, sự đeo đuổi này. Andrey Mir nhận xét báo chí truyền thống mất 500 năm để xây dựng hoàn chỉnh mô hình bán độc giả cho nhà quảng cáo; Internet phá hủy mô hình đó trong vòng 20 năm nên “hậu báo chí” vẫn ở những bước sơ khai. Sự xung đột ở các báo, sự tranh cãi giữa các thế hệ làm báo, những xì-căng-đan sa thải nhà báo… tất cả đều là hệ quả của việc chuyển đổi mô hình trong giai đoạn ban đầu, tranh tối, tranh sáng.

*                           *                           *

Martin Gurri, trong một bài viết dài trên tờ City Journal đã dùng tờ New York Times như một ca điển hình chuyển đổi sang “hậu báo chí”. Tuy nhiên phân tích rất hấp dẫn của ông dựa vào cách New York Times đưa tin, viết bài về tổng thống Trump trong suốt 4 năm dài nên có thể không khách quan với nhiều người. Ở đây chỉ kể lại một chuyện mà lúc đó cũng có nhiều báo khác đưa tin đầy đủ: Tháng 8-2019, sau vụ nổ súng giết người hàng loạt làm 31 người chết, New York Times rút tít trên trang nhất: “Trump kêu gọi đoàn kết chống lại phân biệt chủng tộc” – một cái tít đưa tin bình thường, dù rất khuôn sáo nhưng không sai vì tin nhấn mạnh vào thông điệp trong bài phát biểu của Tổng thống Trump. Thế nhưng độc giả New York Times phẫn nộ, nhiều phóng viên lên mạng xã hội chê trách, nhiều giới trí thức buông lời “không tin được” và đòi hủy mua báo dài hạn. Cuối cùng New York Times phải đổi tít thành “Lên án sự thù hằn nhưng không lên án súng đạn”! Tức tường thuật phát biểu của Trump nhưng phải tìm ra một góc độ “phản kháng” cho đúng mong muốn của giới độc giả NYT thu tiền.

Lúc đó sự phản đối của giới phóng viên chịu ảnh hưởng của “hậu báo chí” dữ dội đến nỗi Tổng biên tập NYT là Dean Baquet phải tổ chức họp nhân viên, biên bản cuộc họp được tờ Slate đăng nguyên văn. Đây là cuộc họp đặt ra ranh giới diễn đạt – đâu là chuyện nói được, đâu là chuyện cấm kỵ trong một thời đại hậu khách quan, hậu sự thật, hậu báo chí. Tuy nhiên giới nhà báo kỳ cựu theo mô hình cũ của NYT vẫn còn nguyên đó và với họ mục ý kiến phải được miễn nhiễm, phải đặt bên ngoài vòng kềm tỏa của mô hình mới. Thế là bài “Đã đến lúc đưa quân đội vào” của Thượng nghị sĩ Tom Cotton xuất hiện, kêu gọi phải dùng biện pháp mạnh để vãn hồi trật tự sau các cuộc bạo loạn, đốt phá nhân cái chết của một người da đen dưới chân cảnh sát. Ngay lập tức, các phóng viên trẻ nổi loạn, viết thư ngỏ phản đối việc đăng bài ý kiến này và sau đó trưởng ban mục ý kiến, James Bennet phải ra đi.

*                           *                          *

Phân tích sự thăng trầm của mô hình kinh doanh mới của tờ New York Times thường xoáy vào hai chuyện: trước tiên tờ báo này đã thành công khi chuyển đổi từ chỗ dựa vào quảng cáo sang dựa vào lượng độc giả có trả tiền. Tính đến hết năm 2020, New York Times có 7,5 triệu người mua báo điện tử dài hạn, một kỷ lục chưa báo nào trên thế giới đạt được; con số này đã tăng gấp 7 lần so với 4 năm trước đó.  Chỉ tính riêng năm 2020, New York Times có thêm 2,3 triệu người mua báo điện tử dài hạn. Doanh thu bán báo điện tử năm 2020 là gần 600 triệu đô-la, bằng doanh thu bán báo giấy trong khi doanh thu từ quảng cáo sụt giảm mạnh còn gần 400 triệu đô-la.

Chuyện thứ nhì là sự thay đổi quan niệm làm báo. Trong một bài viết trên tờ Wall Street Journal mang tựa đề “Bi kịch của tờ Times”, Holman W. Jenkins, Jr. tóm tắt các phát biểu của tổng biên tập Baquet rằng ngày nay chính độc giả là người gây áp lực buộc báo phải đi theo một con đường nào đó; rằng các chủ bút hoài niệm cái thời doanh thu quảng cáo bảo vệ họ khỏi những áp lực như thế. Tác giả cho rằng có một nỗi hoài nghi ngày càng lan rộng rằng tờ Times xem nhiệm vụ của họ là áp đặt một “tự sự” cho thế giới chứ không phải lắng nghe xem thế giới kể chuyện gì. Một bài viết khác trên tờ New York Magazine cũng cho rằng mấy năm qua tờ Times ngày càng ít vô tư, trong khi ngày càng tung hoành như đang ở trong một cuộc thập tự chinh.

Khách quan hơn là tiếng nói của người trong cuộc – các phóng viên NYT viết ngay trên tờ báo của họ. Từ năm 2016, Jim Rutenberg đã phải viết: “Nếu bạn là phóng viên hành nghề và tin rằng Donald Trump là kẻ mị dân, kích động xu hướng phân biệt chủng tộc và dân tộc chủ nghĩa tệ hại nhất của đất nước… bạn biết đưa tin về ông ta như thế nào đây? Bởi nếu bạn tin như thế, bạn sẽ phải ném hết sách giáo khoa mà báo chí Mỹ đã sử dụng trong suốt nửa thế kỷ qua… Nếu bạn xem nhiệm kỳ tổng thống của Trump là một thứ có tiềm năng gây nguy hiểm, bài viết của bạn phải phản ánh chuyện đó. Bạn sẽ tiến gần hơn bao giờ hết thành một người đối lập”. Có lẽ tâm thế này giải thích cách NYT và nhiều tờ báo khác đưa tin về ông Trump trong suốt nhiệm kỳ.

Rõ hơn nữa là bài viết của Wesley Lowery vào giữa năm 2020 khẳng định các biên tập viên của báo không còn nắm giữ độc quyền xuất bản nữa trong bài “Định lại tính khách quan, do các nhà báo da đen dẫn dắt” đăng trên NYT. Anh này cho rằng lâu nay cái gì là sự thật khách quan chủ yếu do các phóng viên da trắng và các sếp da trắng quyết định. Nay anh kêu gọi hãy từ bỏ cái làm ra vẻ khách quan đó; phóng viên phải tập trung vào sự công bằng và nói lên sự thật, đến hết sức mình, dựa vào bối cảnh cho phép và các dữ kiện có sẵn. Bằng không từng phóng viên đều có khối lượng người đọc theo dõi trên mạng xã hội, cho phép họ nói chuyện thẳng với công chúng! Ngay chính tổng biên tập Baquet trong một bài trả lời phỏng vấn đã cho rằng tính khách quan “đã trở thành một bức biếm họa” – tốt hơn nên hướng đến các giá trị khác như sự công bằng, tính độc lập và sự đồng cảm.

*                           *                           *

Tuy nhiên để chứng minh có sự tồn tại của mô hình “hậu báo chí”, không thể chỉ dựa một mình vào tờ New York Times. Về đề tài này, tờ Economist đã nhắc đến nhiều tờ báo khác trong bài viết mang tựa đề “Vì sao tính khách quan trong báo chí trở thành vấn đề ý kiến”. Mới nhìn qua, tờ này viết, nguyên nhân trực tiếp là do vấn đề chủng tộc như hơn 150 nhân viên tờ Wall Street Journal ký lá thư ngỏ cho rằng họ thấy cách tờ báo của họ tường thuật đề tài chủng tộc là “có vấn đề”. Hơn 500 nhân sự tại tờ Washington Post ủng hộ yêu cầu “chiến đấu chống lại phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử”. Nhưng sâu xa hơn, cốt lõi của các cuộc tranh cãi này vẫn là về bản chất và mục đích của báo chí.

Một thế hệ nhà báo mới đang đặt câu hỏi, liệu khách quan có cần thiết không trong thế giới này. Lowery, nhà báo trẻ 30 tuổi đã có trong tay giải Pulitzer nay chuyển sang làm cho CBS News viết trên Twiter: “Báo chí ám ảnh bởi tính khách quan, nhìn cả hai phía là một thí nghiệm thất bại”. Hiệu trưởng trường đại học báo chí Columbia nói với sinh viên tính khách quan là một khẩu hiệu xưa cũ được thừa hưởng từ thế hệ trước.

Theo Economist, có bốn lý do giải thích cho việc báo chí từ bỏ tính khách quan, trong đó có lý do chìu lòng độc giả trả tiền như đã nói ở trên và sự xuất hiện của một nhân vật độc đáo Donald Trump làm mọi cách thức đưa tin cổ điển không còn hợp thời nữa. Lý do thứ ba là sự thay đổi thành phần của đội ngũ nhà báo, ngày càng có thêm người da màu và phụ nữ mà đi kèm với họ thường là các đề tài nóng như nữ quyền, tố cáo việc quấy rối tình dục, phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử. Cuối cùng là sự phổ biến lan truyền các mạng xã hội đã trao cho nhiều người chiếc micro không nằm trong sự kiểm soát của giới chủ bút nữa. Người đọc đắm mình trong mạng xã hội dày đặc ý kiến của phe này phe kia khi đọc báo cũng đòi hỏi tờ báo của mình phải như thế hoặc đi tìm các tờ báo cùng tiếng nói sôi nổi như thế.

Nhìn một cách khách quan (lại khách quan!), không nên gán các khái niệm đao to búa lớn kiểu “hậu sự thật”, “hậu báo chí” cho một xu hướng mới trong làng báo. Thế nhưng việc chuyển đổi sang làm hài lòng người đọc để giữ chân họ lại là có thật ở nhiều mức độ khác nhau. Với những tờ chưa thu được tiền từ người đọc mà chỉ có thể đếm “click” để thu tiền quảng cáo do Google Adsense bán hộ, đó có thể là các tít “treo đầu dê bán thịt chó” câu view, các loại tin bài đánh vào thị hiếu bản năng của con người như tình, tù, tội, tiền. Với các tờ đang dựng tường lửa bắt người đọc trả tiền, có tờ khai thác thế mạnh “độc quyền thông tin” như các tờ chuyên ngành Wall Street Journal, Financial Times, Economist; có tờ kêu gọi sự đóng góp của độc giả như The Guardian, Vox. Với các tờ đại chúng như New York Times, áp lực viết theo kỳ vọng của độc giả để họ tiếp tục trả tiền thay cho nhà quảng cáo là có thật và họ đang phải trả giá.

Chỉ mong sau những năm đầy biến động như vừa qua, giới làm báo sẽ quay về giá trị truyền thống như nhà báo Tom Rosenstiel viết: “Nếu nhà báo thay thế việc hiểu sai về tính khách quan bằng cách trốn vào chốn chủ quan rồi nghĩ ý kiến của họ có sự công chính đạo đức cao hơn mọi sự tìm hiểu thật sự thì nền báo chí sẽ bị đánh mất”.

(Bài đã đăng tại đây


Monday, March 8, 2021

Mua bán NFT là mua bán cái gì?

 Mua bán NFT là mua bán cái gì?

 

Với những nhà sưu tập các tác phẩm mỹ thuật, có lẽ niềm vui lớn nhất của họ là có quyền thoải mái nhìn ngắm, thậm chí sờ mó các bức danh họa, các bức tượng điêu khắc đang thuộc quyền sở hữu của họ. Thế nhưng với các tác phẩm kỹ thuật số như một bức tranh vẽ trên máy tính, một video clip quay bằng điện thoại, một đoạn phim hoạt hình châm biếm chỉ tồn tại trên không gian ảo thì sao?

Beeple là một họa sĩ kỹ thuật số như thế. Các bức biếm họa của anh hiện rất được ưa chuộng. Tài khoản Instagram của anh nơi anh thường công bố các tác phẩm mới có đến 1,8 triệu người theo dõi. Các bức vẽ của anh được chia sẻ rộng rãi, ai cũng có thể nhìn ngắm dù chỉ trên màn hình. Cứ tưởng anh này bó tay, không thể làm giàu nhờ tác phẩm của mình như các họa sĩ bình thường khác. Nhưng không, gần đây, anh nhờ tổ chức bán đấu giá, thu về 3,5 triệu đô-la, trong đó tác phẩm có giá cao nhất là 777.777 đô-la mang tên “Bộ sưu tập MF” là một file MP4 lần lượt trình chiếu mọi tác phẩm Beeple từng vẽ!





Bức Fix Kanye của Beeple.

Để hiểu được Beeple bán cái gì, chúng ta phải quay về đồng Bitcoin và công nghệ chuỗi khối (blockchain). Blockchain nói đơn giản là một cuốn sổ cái ghi lại mọi giao dịch, ai dùng bao nhiêu bitcoin mua gì, tiền bitcoin đó chuyển cho ai, đã ghi rồi thì không ai sửa được – mục đích sau cùng là để tránh chuyện một người có 1 đồng bitcoin mà cứ đem đi mua ở 100 nơi khác nhau. Cuốn sổ cái blockchain còn có thể dùng làm một cơ sở dữ liệu ghi nhận ai đang sở hữu tác phẩm mỹ thuật gì, sau đó tác phẩm này bán cho ai khác, giá bao nhiêu… Trong chức năng đầu, đồng bitcoin nào cũng như nhau, có thể thay thế cho nhau được nên gọi là “fungible token” còn trong chức năng sau, tác phẩm mỹ thuật là không thể thay thế, chỉ có duy nhất 1 cái nên được gọi là “non-fungible token” – thường được viết tắt là NFT. Người mua tác phẩm mỹ thuật của Beeple chính là mua cái NFT này, một dãy mã số mà nếu truy cập vào sẽ thấy một trang sổ cái y như một tờ giấy chứng nhận họ đang sở hữu tác phẩm tên gì đó của Beeple.

Đến đây ắt có người bảo thiên hạ điên cả rồi sao – tại sao bỏ những món tiền lớn mua về một cái vô nghĩa, thậm chí không phải là bản thân cái tác phẩm mỹ thuật kỹ thuật số kia mà chỉ là một loại giấy chứng nhận rằng anh ta đang sở hữu nó? Bất kỳ ai khác đều có thể có trong tay một tác phẩm y chang, không phải là tranh sao chép mà là bản sao không sai lệch cái bức tranh có thể có giá vài trăm ngàn đô-la. Biết làm sao được với tâm lý con người hiện đại sống trong thời đại kỹ thuật số; có thể đó là niềm vui, niềm hãnh diện được ghi nhận là người sở hữu tranh; cũng có thể đó là nhà đầu tư nhìn xa trông rộng, mua tranh khi giá còn thấp để chờ tranh lên giá bán lấy lời.

Mấy tháng qua, thị trường mua bán NFT rất nhộp nhịp. Một hình động vẽ con mèo đang bay, thân hình y như các nhân vật trong các trò chơi điện tử giai đoạn sơ khai bán được 580.000 đô-la. Điều đáng nói hình ảnh con mèo này đã phổ biến gần 10 năm nay cho đến khi tác giả quyết định đem bán trên chợ Foundation, một nơi chuyên mua bán hàng hóa kỹ thuật số, thu về một khoản tiền không tin nổi. Nên nhớ người mua không phải mua bản quyền hình ảnh động này, cũng không mua cái quyền sử dụng nó làm thương hiệu, nhãn hiệu gì cả – tất cả các quyền này vẫn còn thuộc về tác giả. Người mua chỉ mua được cái quyền tuyên bố anh ta là chủ sở hữu và phiên bản anh ta đang nắm giữ là phiên bản “gốc”.

Các món hàng NFT được báo chí đưa tin có thể kể một clip ngắn ngủn ghi cảnh cầu thủ bóng rổ LeBron James chặn thành công một cú bóng suýt vào rổ, giá 100.000 đô-la; một mẩu viết trên Tweeter của tỷ phú Mark Cuban, giá 952 đô-la; diễn viên Lindsay Lohan bán hình chụp khuôn mặt của cô giá 17.000 đô-la, người mua sau đó bán lại với giá 57.000 đô-la. Theo số liệu của tờ New York Times đưa ra, năm 2020 có tổng cộng 222.000 người tham gia mua bán các NFT với tổng trị giá 250 triệu đô-la, tăng gấp 4 lần so với năm 2019. Xin nhắc lại, người mua tranh, mua nhạc, mua video clip dạng NFT không phải là mua được bản quyền sử dụng nó; chẳng hạn mua một bản nhạc NFT về chỉ để nghe chứ không thể khai thác thương mại hóa nó, quyền này vẫn do tác giả nắm giữ.

Đánh hơi thấy tiềm năng to lớn của thị trường mua bán tác phẩm ảo này, nhà đấu giá Christie’s đã vào cuộc. Họ tổ chức bán tác phẩm NFT đầu tiên vào tháng 10-2020 và đang chào bán bức “Everydays: The First 5000 Days” của Beeple trong một cuộc đấu giá qua mạng kéo dài từ ngày 25-2 đến 11-3. Các nghệ sĩ tự họ cũng không thể tổ chức mua bán tác phẩm theo công nghệ blockchain này nên phải nhờ các chợ trung gian. Nổi bật có Nifty Gateway và MakersPlace trong đó Nifty Gateway được anh em nhà Winklevoss mua lại vào năm 2019. Hai anh em sinh đôi này nổi tiếng nhờ bộ phim The Social Network kể lại chuyện họ kiện Mark Zuckerberg mà họ cáo buộc đã đánh cắp ý tưởng làm Facebook của họ như thế nào.

Mua bán các tác phẩm mang tính sáng tạo cao như các bức tranh của Beeple thì lấy đâu ra nhiều hàng hóa để bán. Thế là người ta nghĩ ra các chiêu trò bán NFT rất kỳ lạ như CryptoPunks, bộ sưu tập 10.000 hình đầu người đủ cách đủ kiểu, không nhân vật nào giống nhân vật nào, vẽ như thời kỳ đầu của máy tính, như các loại game Mario hái nấm. Một người vừa trả 20.000 đô-la để mua một hình CryptoPunks như thế và theo CNBC, trong vòng 7 ngày qua thị trường mua bán hình CryptoPunks đạt mức 45,2 triệu đô-la. Bộ sưu tập CryptoKitties trong tuần qua tạo ra doanh thu gần nửa triệu đô-la. Người ta còn tạo ra các chợ độc đáo như NBA Top Shot, chuyên mua bán các video clip quay các cú bóng đẹp trong làng bóng rổ, tuần qua doanh thu lên đến 147,8 triệu đô-la.

 






Một số hình Cryptopunks, mỗi hình như thế đang được bán với giá trên 30.000 đô-la.

Độ nóng của thị trường mua bán NFT làm nhiều người lo ngại hiện tượng bong bóng đầu cơ đang tái diễn. Năm 2017 độ nóng của các đồng tiền mã hóa lúc đó đã dẫn tới hàng loạt vụ phát hành đồng tiền mã hóa lần đầu ra công chúng – ICO gây xôn xao báo chí và dư luận một thời gian dài. Đến nay hầu như tất cả các ICO này đã biến mất; nhiều dự án đã lừa đảo hàng chục triệu đô-la từ người nhẹ dạ. Nay cũng có nhiều dấu hiệu tương tự, như sự tham gia của nhiều nhân vật nổi tiếng tạo đà cho việc bơm giá.

Tuy nhiên cũng có người cho rằng công nghệ NFT sẽ giúp những nhà sáng tạo trong không gian ảo có phương tiện thương mại hóa sản phẩm sáng tạo của họ. NFT cho phép chuẩn hóa việc chứng nhận sở hữu số làm cho quyền sở hữu này vượt qua số phận của một công ty, một nhân vật hay một nền tảng. Một khi quyền sở hữu đã được ghi nhận vào blockchain, nó sẽ vĩnh viễn, không ai có thể giả mạo, chiếm đoạt hay tranh giành trừ phi người sở hữu bán lại cho người khác.

   

 



Cryptocurrency

  Phép thử tiền crypto   Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocur...