Wednesday, October 22, 2014

Học văn để làm gì?

Học văn để làm gì?

Phải công nhận Bộ Giáo dục & Đào tạo rất tài tình; chỉ bằng một động tác thay đổi cách tuyển sinh đại học là bộ này bắt cả xã hội phải thao thức với câu hỏi muôn đời: Học văn để làm gì?

Với ngành y tế thì câu trả lời dường như có sẵn: Dùng môn văn xét tuyển ngành y?

Lý do được người đứng đầu ngành y tế lý giải rất gọn: “Tôi phải nói thật là môn văn rất cần. Trong quá trình làm việc, nhiều người viết báo cáo mà ngữ pháp sai rất nhiều, chưa nói đến lỗi chính tả. Viết sai thì tư duy cũng sai, nói cũng không tốt được” (Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến).

Bà Tiến nói quá chính xác và đó cũng có thể là lý do để hàng ngàn ngành nghề khác đòi hỏi người dự tuyển cần giỏi văn bởi không chỉ riêng bác sĩ, y tá cần viết đúng ngữ pháp, không sai lỗi chính tả mà hàng ngàn ngành nghề khác cũng cần.

Nói đâu xa, ngay cả Mark Zuckerberg mà có quyền ở Việt Nam, ắt anh ta sẽ yêu cầu người nào muốn tham gia cái mạng Facebook do anh điều hành phải viết sạch nước cản, diễn đạt rõ ràng, không viết lung tung như gã ngọng. Nói cho cùng anh chàng Mark này đang làm tờ báo khổng lồ trong đó mọi người dùng là kẻ viết bài liên tục cho anh ta, còn nhân viên của Facebook chỉ việc lo bán quảng cáo kiếm tiền. Viết bài cho Mark mà sai ngữ pháp, sai chính tả, ai mà chịu.

Nhưng, khoan đã! Những kỹ năng nói ở trên là kỹ năng ngôn ngữ, tức là môn tiếng Việt chứ đâu phải môn Văn?

Môn Văn nó phức tạp hơn nhiều. Ví dụ nhà văn  William Faulkner nổi tiếng (Giải Nobel Văn chương năm  1949) chuyên viết những câu văn đọc muốn bể cái đầu, dài như cọng rau muống, câu dài nhất ông này từng viết trong cuốn Absalom, Absalom! dài đến 1.288 chữ. Thế mà khi lên nhận giải Nobel ông nói như thế này về sứ mệnh nhà văn và qua đó gián tiếp nói về vai trò của văn học: “Tiếng nói của nhà thơ không chỉ để ghi lại câu chuyện con người, nó còn là cột chống, trụ đỡ để giúp con người trụ lại và vượt qua”.

Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi nhiều người đồng tình là cần dùng môn văn để tuyển bác sĩ tương lai, không phải vì chuyện chính tả mà cao sang hơn, là mong muốn người bác sĩ giỏi văn sẽ không chơi ép bệnh nhân, kê thuốc không vì chữa bệnh mà vì tỷ lệ hoa hồng. Mong muốn của họ là văn sẽ giúp hình thành nhân cách con người, kể cả lòng tự trọng, nói chung là cái người ta thường gọi là y đức.

Nhưng, hượm đã! Cái đó là chuyện đạo đức, hiện được giao cho các môn như giáo dục công dân chứ đâu phải môn văn? Còn nếu môn giáo dục công dân đi dạy các chuyện xa vời như “phủ định siêu hình”, “phủ định biện chứng”… đó là chuyện của môn này, không bàn ở đây.

Nhà phê bình Dana Stevens viết trên tờ New York Times để lý giải người ta cần văn chương làm gì. Cô viết: “Văn chương là kẻ sinh đôi thất lạc từ lâu của cuộc đời, là kẻ đóng thế xấu xa, là tấm lót mượt như nhung, là hồn ma than khóc của cuộc đời”. Ý cô muốn nói văn chương ghi lại tất cả những gì còn lại từ cuộc đối thoại của mọi nhân chứng cuộc đời, giữa những người đang còn sống và mọi kẻ quá vãng về đam mê, thương yêu, thù hận, giận dữ, nỗi buồn, niềm vui… Còn có ai dạy cho ta biết về những điều đó ngoài văn chương.

Chính ở đây mà chúng ta mới hiểu vì sao những nhà khoa học, những nhà toán học, kể cả những bác sĩ tài ba, hầu như tất cả đều đam mê văn chương, rành rẽ về văn chương – và chính ở đây mới tồn tại niềm hy vọng những người bác sĩ tương lai, nếu từng học được lòng trắc ẩn, sự cảm thông, lòng tự trọng, sự phù du của đồng tiền mới tự miễn dịch chống lại mọi lề thói xấu xa đang bao bọc lấy anh ta.

Điều đáng buồn, môn Văn ở nhà trường hiện nay chưa làm được ngay cả mức độ thấp là trao cho người học kỹ năng ngôn ngữ để đọc thông viết thạo tiếng mẹ đẻ. Ở mức độ rung lên từng sợi dây cảm xúc của học trò để những cái như lòng cam đảm, đam mê, hoài bão, nói chung là mọi xúc cảm cần thiết để làm người trọn vẹn thì môn Văn đang bế tắc, đang giết lần giết mòn những rung cảm còn sót lại ở học sinh vì sự khô cứng, khuôn mẫu và gò ép.

Vậy, phải chăng đừng hỏi “Học văn để làm gì?” – hãy hỏi “Học văn thế nào”, mới chính là câu hỏi đúng.


Saturday, October 11, 2014

Hiểu nhầm tai hại

Hiểu nhầm tai hại

Mỗi khi nói đến nợ xấu, người ta thường mắc phải một số hiểu nhầm và điều đáng nói là những hiểu nhầm này lại khá phổ biến.

Dự phòng rủi ro có sẵn đó để giải quyết nợ xấu

Hiểu nhầm đầu tiên và phổ biến nhất là cái suy nghĩ đối chọi với nợ xấu là con số “dự phòng rủi ro” mà các ngân hàng đã trích lập. Nhiều người cứ tưởng đây là một khoản tiền mà các ngân hàng đã để riêng ra một bên, nằm trong một cái quỹ, nếu cần cứ lấy ra để xử lý nợ xấu.

Hoàn toàn không phải như vậy. Trong báo cáo tài chính của các ngân hàng, dự phòng rủi ro là con số âm! Đã là con số âm thì làm gì có chuyện lấy nó để giải quyết nợ xấu.

Một khoản vay 100 tỷ đồng, đã hơn một năm nay khách hàng không trả lãi cũng chẳng trả vốn, theo quy định thì ngân hàng phải “trích lập dự phòng” 100% cho khoản vay này. “Trích lập dự phòng” ở đây chỉ là một bút toán ghi thành con số âm bên tài sản (ví dụ âm 40 tỷ đồng, 60 tỷ đồng là trị giá tài sản thế chấp theo tỷ lệ). Và để cân đối bên vốn chủ sở hữu phải giảm trừ 40 tỷ đồng cho bằng nhau.

Như vậy dự phòng càng lớn có nghĩa nợ xấu được thừa nhận càng lớn.

Và khái niệm sử dụng dự phòng rủi ro để giải quyết nợ xấu phải hiểu theo nghĩa lúc đó ngân hàng xem như thua cuộc, không còn một mảy may hy vọng đòi được nợ bèn xóa khoản nợ ấy ra khỏi tài sản (đồng thời xóa luôn được con số dự phòng rủi ro âm nói trên). Dĩ nhiên việc xóa nợ như thế phải đáp ứng một số điều kiện nghiêm nhặt và cho đến nay ngân hàng cũng không mặn mà áp dụng. Hãy nhìn lại cái ví dụ ở trên, nếu xóa nợ theo cách đó thì ngân hàng đồng thời phải phát mại tài sản đảm bảo để thu hồi 60 tỷ đồng. Trong tình hình tài sản đảm bảo phần lớn là bất động sản, từng được định giá quá cao nay lại khó bán thì xử lý nợ đồng nghĩa đối diện rủi ro phải dùng thêm dự phòng chung để bù vào mới đủ.

Ngân hàng hăm hở bán nợ cho VAMC

Một hiểu nhầm thứ nhì là các ngân hàng không phải lo vấn đề nợ xấu vì đã có Công ty Quản lý tài sản VAMC mua nợ cho họ và theo trả lời phỏng vấn của một số quan chức thì nhà đầu tư nước ngoài đang hăm hở mua lại nợ xấu từ VAMC.

Trở lại với khoản nợ 100 tỷ đồng giả định nói trên, nếu để nguyên trong ngân hàng thì họ không phải làm gì cả. Nhưng giả dụ họ bán cho VAMC thì sẽ thu được 60 tỷ đồng (trừ 40 tỷ đồng là dự phòng rủi ro đã trích lập). Và cũng ngay lập tức hàng năm trong 5 năm liên tục họ phải trích ra thêm 12 tỷ mỗi năm để sau năm năm đủ tiền mà xóa khoản nợ ấy đi khi nhận lại từ VAMC.

Từ khi ra đời đến đầu tháng 9 năm nay VAMC đã mua gần 60.000 tỷ đồng nợ xấu từ các tổ chức tín dụng. Điều đó có nghĩa các tổ chức tín dụng này cũng đã giảm trừ lợi nhuận (và nếu không có lợi nhuận thì giảm trừ vào vốn chủ sở hữu một khoản tiền không nhỏ là 12.000 tỷ đồng).

Đó là lý do tại sao năm 2013 chúng ta còn nghe thông tin VAMC mua nợ được cập nhật khá thường xuyên còn năm 2014 thì im ắng. Đó cũng là lý do chính vì sao các ngân hàng đang ngồi trên đống tiền, thanh khoản hết sức dồi dào mà không cho vay ra được.

Nợ xấu đã bộc lộ, giờ chỉ còn tìm cách giải quyết

Điểm thứ ba thật ra không phải là sự hiểu nhầm nữa mà ai cũng thừa nhận con số nợ xấu thật sự không ở mức như được công bố. Tuy nhiên cao hơn bao nhiêu thì chỉ có Ngân hàng Nhà nước và từng ngân hàng nắm rõ nhất.

Lấy ví dụ Quyết định số 780/QĐ-NHNN cho phép các tổ chức tín dụng được cơ cấu lại nợ và chính NHNN trong báo cáo gởi Quốc hội vào năm ngoái cũng nói rõ: “Đến cuối tháng 4/2013, tổng số dư các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm theo Quyết định số 780/QĐ-NHNN là 284,4 nghìn tỷ đồng”.

Cho các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ thì cả chủ nợ và con nợ đều thở phào nhẹ nhỏm nhưng bản chất vấn đề vẫn còn nguyên đó.

Cái tai hạn của việc cơ cấu lại này là nhờ nó mà ngân hàng hoặc không trích lập dự phòng rủi ro theo quy định hay trích lập không đủ theo tỷ lệ của từng nhóm nợ xấu. Thời gian càng trôi qua, nợ xấu càng không được giải quyết thì món nợ phải trích lập dự phòng rủi ro ngày càng lớn. Thử hỏi ngân hàng ngồi trên những khoản nợ “chưa xấu” như thế thì lòng dạ nào mà tung tiền ra cho vay, nợ “chưa xấu” trì hoãn gì cũng trở thành nợ xấu, lúc đó gánh nặng trích lập dự phòng, khấu trừ hết vốn e cũng chưa đủ.





Cryptocurrency

  Phép thử tiền crypto   Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocur...