Thursday, January 31, 2013

Từ đất mà ra


Từ đất mà ra
Trường hợp 1: Doanh nghiệp A. viết một dự án rất thống thiết, xin địa phương cấp đất để xây nhà máy, hứa hẹn đem lại nhiều công ăn việc làm cho địa phương. Sau khi được cấp đất, doanh nghiệp này bèn xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất, dùng phần lớn diện tích để “phân lô bán nền”. Người dân trước đó bị giải tỏa nhường đất để xây nhà máy nay khiếu kiện liên miên vì không chịu nổi sự bất công mất đất cho người khác làm giàu.
Trường hợp 2: Doanh nghiệp B. được cấp một mảnh đất với tổng giá trị 80 tỷ đồng. Ngay sau đó một thời gian doanh nghiệp này sang nhượng mảnh đất này cho một doanh nghiệp khác, có dây mơ rễ má với nhau, với giá được kê khống lên thành gần 600 tỷ đồng. Mảnh đất được dùng để thế chấp, vay tiền ở ngân hàng đến 300 tỷ đồng. Dù đất đóng băng, hai doanh nghiệp này vẫn đã hưởng những khoản lời khổng lồ còn ngân hàng ôm một cục nợ xấu.
Trường hợp 3: Công ty địa ốc C. lập dự án bất động sản, chi phí ban đầu bỏ ra chừng 100 tỷ đồng nhưng nhờ cơn sốt đất đai mấy năm trước định giá dự án đến 500 tỷ đồng. Bản thân dự án được thế chấp để vay vốn ngân hàng được đâu 300 tỷ đồng. Công ty này thu hồi ngay 100 tỷ đồng chi phí ban đầu, bỏ túi thêm 100 tỷ đồng tiền xem là lãi, còn 100 tỷ đồng đang xây dựng dở dang. Nay thị trường suy sụp, công ty bỏ mặc dự án cho ngân hàng; ngân hàng không thu hồi được nợ, cũng không dám xem nó là xấu vì như thế phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều. Họ cứ tìm cách đảo nợ, nuôi dự án chờ bất động sản được cứu.
Đây chỉ là một vài ví dụ minh họa cho muôn vàn bi hài kịch mà nền kinh tế và người dân đang gánh chịu, tất cả cũng vì đất mà ra. Mặc dù những trường hợp này được công khai trên báo chí trong thời gian gần đây, thiết tưởng nó là loại chuyện ai cũng biết từ lâu. Vì sao không ai can thiệp?
Với địa phương, tiền sử dụng đất thu từ những dự án trên địa bàn là nguồn thu ngân sách béo bở, dễ kiếm, dễ thu, chiếm một tỷ trọng lớn trong ngân sách, không ai dại gì bỏ qua. Có dự án, có ký giấy tờ tức là có xin-cho, một mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng được khích lệ phát triển ở khắp mọi nơi.
Với ngân hàng, những năm chạy đua tăng trưởng tín dụng, nhất là những năm kích cầu bù lãi suất, họ không dại gì không cho vay nhất là khi cứ tưởng nắm chắc thế chấp là đất đai đang lên giá từng ngày là nắm đằng chuôi. Không loại trừ tín dụng ngân hàng còn đổ vào các công ty địa ốc sân sau của một số cổ đông lớn bất kể thiệt hại trong tương lai cho ngân hàng. Cuộc đua này làm nảy sinh tình trạng sở hữu chéo giờ vẫn còn là mớ bòng bong.
Với doanh nghiệp, một khi mức lợi nhuận từ hoạt động truyền thống không bao nhiêu, lại nóng ruột vì đồng nghiệp lao vào địa ốc đang thắng lớn, rất dễ bị cám dỗ đổ vốn vào địa ốc. Đây là một canh bạc đang làm nhiều doanh nghiệp thua trắng khi đồng tiền lãi ít ỏi của hoạt động chính phải gánh chi phí tài chính nặng nề từ những dự án địa ốc dang dở.
Chừng đó thực tế cũng đủ để mọi người phải thức tỉnh để ít nhất lần sửa Luật Đất đai sắp tới phải cân nhắc những điều khoản nhằm hạn chế tình trạng lợi dụng đất để thao túng nhiều hoạt động kinh tế.
Trước tiên, không ít thì nhiều, cố tình hay ngẫu nhiên, chính những bên tham gia, gồm doanh nghiệp, ngân hàng và chính quyền địa phương đã thay nhau đẩy giá đất lên cao, tạo ra bong bóng bất động sản. Cứ tưởng giá cao giúp thu được nhiều thuế, tăng lợi nhuận nhưng thật ra rốt cuộc giá cao gây thiệt hại cho tất cả. Chi phí làm ăn ở Việt Nam ngày càng lớn một phần do giá đất tăng vọt trong nhiều năm trước, không nhà đầu tư nghiêm túc nào chịu nổi.
Chuyện đó cũng chưa quan trọng bằng số phận của những người dân có đất bị thu hồi, đang chịu phần thiệt thòi nhiều nhất, đang cầm đơn đi khiếu kiện khắp nơi. Đây là nơi chất chứa mọi sự bất công của một thị trường méo mó, nhân danh phát triển để hưởng lợi trên lưng người dân. Áp lực xã hội, sự đổ vỡ về văn hóa, niềm tin đang là vấn đề gay gắt nhưng thường bị bỏ qua.
Phải sửa luật sao cho việc thu hồi đất của người dân là chuyện “vạn bất đắc dĩ” và không được dùng hai chữ “thu hồi”. Nếu có trưng mua đất của dân thì phải thương lượng với họ một cách sòng phẳng, quyền lợi của người có đất bị trưng mua phải được bảo vệ một cách chặt chẽ. Luật Đất đai 2003 quy định bốn trường hợp cụ thể Nhà nước “thu hồi” đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế gồm: “Đầu tư xây dựng khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế và các dự án đầu tư lớn theo quy định của Chính phủ” nhưng thực tế chính quyền địa phương nhiều lúc cứ mạnh tay thu hồi đất của dân chỉ để trao cho một doanh nghiệp nào đó. Hạn chế quyền thu hồi đất của chính quyền cơ sở để luật pháp khỏi bị lợi dụng là một bước khởi đầu cần thiết.
Cao hơn hết, nếu đất có chủ thật sự, tức người dân được trao quyền sở hữu mảnh đất họ đang sử dụng lâu dài và hợp pháp, phần lớn các câu chuyện lợi dụng đất nói trên đã không thể xảy ra. Ngược lại, lúc người dân được làm chủ thật sự mảnh đất của họ, đất sẽ sản sinh sự giàu có cho xã hội tương tự câu chuyện khoán 10 năm xưa. Chúng ta đã không thừa nhận “chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu” cho nền kinh tế thì tại sao không áp dụng tinh thần này cho người nông dân vì đất chính là tư liệu sản xuất chủ yếu của họ. Hiến pháp đang được sửa đổi, bổ sung. Tại sao không nhân cơ hội này sửa điều 57 để không nói đất đai “là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu” nữa mà thừa nhận nhiều hình thức sở hữu đất đai, gồm cả sở hữu tư nhân và sở hữu nhà nước.



Sunday, January 27, 2013

Simply forgotten


It’s a bitter irony that “Kill Anything that Moves: The Real American War in Vietnam” by Nick Turse was largely ignored by both mainstream Vietnamese media and bloggers. His book documented the secret history of U.S.-led atrocities against Vietnamese peasants during the Vietnam War. One case, highlighted by the Washington Post was Operation Speedy Express, conducted in the Mekong Delta by the 9th Infantry Division under the command of Maj. Gen. Julian Ewell. “Turse documents the savagery of Speedy Express, the gratuitous execution of thousands of civilians in pursuit of high body counts and career advancement,” the newspaper wrote in its review.
Another review praises the book, which it says, “argues, persuasively and chillingly, that the mass rape, torture, mutilation and slaughter of Vietnamese civilians was not an aberration – not a one-off atrocity called My Lai – but rather the systematized policy of the American war machine”.
While Americans are reading Turse’s book in the hope that “the truth, purely told by writers as gifted as Nick Turse, is the only thing that has the power to cleanse [them]”, that type of truth is simply forgotten in Vietnam.
Why?
The language barrier is obviously the first hurdle.
But I think the real reason lies in the fact that remembering atrocities during the war brings nothing pleasant to both sides: those who fought for the U.S. and those who fought against it. Denying that such atrocities happened and then ignoring the whole thing is simply the most convenient thing to do for the former; Looking the other way is also convenient for the latter as, for them, America is the land of new business opportunities.
Only the poor people of my land suffered the indignities and deaths silently during the war, their fate simply forgotten here despite the publicity Turse’s book received in the U.S. People here are busy evicting peasants out of their land, again, in the name of development.

Friday, January 25, 2013

Tay phải bỏ qua tay trái


Tay phải bỏ qua tay trái
Từ những thông tin rải rác ở các báo, có thể hình dung quy trình giải quyết nợ xấu đang được bàn luận sẽ như thế này. Các ngân hàng thương mại hiện đang ôm một đống nợ xấu. Nay Ngân hàng Nhà nước thành lập một công ty mua bán nợ xấu, tạm gọi là VAMC. Ngân hàng chuyển giao cục nợ xấu theo giá trị sổ sách cho VAMC. VAMC thanh toán bằng một loại trái phiếu đặc biệt. Ngân hàng đem trái phiếu này ra NHNN chiết khấu lấy tiền về kinh doanh tiếp. Vậy là khơi thông được một hòn đá tảng là gánh nặng nợ xấu cho hệ thống ngân hàng?
Sự đời không đơn giản như vậy. Chúng ta sẽ lần lượt xem những thành tố trong quy trình này có tác dụng thật sự hay không trong thực tế.
Mua nợ xấu theo giá nào? Nợ xấu của ngân hàng có đủ loại, khả năng thu hồi khác nhau, thời hạn khác nhau, giá trị thế chấp, khả năng thanh lý vật thế chấp cũng khác nhau. Vì sao VAMC lại mua nợ xấu từ ngân hàng thành một cục, cứ theo giá trị sổ sách? Bình thường công ty mua bán nợ sẽ điều đình với ngân hàng, chẳng hạn, nợ quá xấu sẽ mua bằng 10%-20% giá trị, nợ xấu vừa vừa hai bên thương lượng mua bằng 40%-50% giá trị. Khâu định giá như thế là rất quan trọng đối với sự thành công hay thất bại của VAMC trong tương lai.
Vì sao VAMC trả bằng trái phiếu? Nếu VAMC trả tiền mua nợ xấu theo giá sổ sách bằng trái phiếu bình thường thì hóa ra nợ xấu ngân hàng bây giờ chuyển thành nợ xấu cho VAMC. Vì thế, theo các báo, trái phiếu VAMC sẽ rất đặc biệt, lãi suất cực thấp, có thể bằng không, kỳ hạn 5 năm nhưng sau 5 năm thì giá trị coi như không còn gì vì tự động mất hết giá trị. Mục đích của việc sinh ra một loại trái phiếu kỳ lạ như thế ắt là để cục nợ xấu vẫn là trách nhiệm của ngân hàng.
Trước mắt, sau khi chuyển nợ cho VAMC, sổ sách của ngân hàng sẽ sạch sẽ hơn, ngân hàng có thể từ từ giải quyết nợ xấu trong vòng 5 năm, mỗi năm một ít.
Nhưng cũng từ đó, có thể thấy ngay đề án xử lý nợ xấu thực chất là trì hoãn mọi chuyện thêm 5 năm nữa với hy vọng tình hình kinh tế khá lên, con nợ trả được nợ, còn nếu không lúc đó sẽ có đề án khác chăng? Đây chẳng qua là cách kéo giãn thời gian các ngân hàng phải ghi nhận thua lỗ do nợ xấu.
NHNN chiết khấu trái phiếu VAMC như thế nào? Khi ngân hàng đem trái phiếu VAMC lên NHNN để chiết khấu, có lẽ tỷ lệ nhận được sẽ chỉ còn dưới 50% hay thấp hơn. Tỷ lệ này phản ánh khả năng thu hồi nợ sau này. Nhưng dù tỷ lệ có thấp thì rõ ràng NHNN cũng sẽ phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ. Số tiền này ảnh hưởng như thế nào đến cung tiền hằng năm, chưa thấy phân tích. Bởi VAMC cùng các ngân hàng xử lý nợ xấu nên về nguyên tắc, xử lý được bao nhiêu, VAMC hưởng một phần hoa hồng, phần còn lại chuyển trả cho trái phiếu đặc biệt kia (tức trả cho khoản vay chiết khấu) theo dạng trích lập mỗi năm chừng 20% giá trị. Lãi suất trên khoản tiền này là lãi suất chiết khấu nên ắt sẽ thấp – vì sao ngân hàng được ưu đãi này trong khi nợ xấu là trách nhiệm của họ. Quan trọng hơn, nếu ngân hàng không xử lý được nợ xấu, thì khoản vay chiết khấu tại NHNN sẽ được trả như thế nào? Đây là một rủi ro khá lớn sẽ hiển hiện trong 5 năm nữa.
Vì sao nói tay này bỏ sang tay kia? Đánh giá đề án xử lý nợ xấu, các chuyên gia tài chính – ngân hàng nhận định đây chỉ là những thủ thuật kế toán để tạm thời đưa nợ xấu ra khỏi bảng cân đối kế toán của các ngân hàng. Thực chất NHNN vẫn phải rót tiền cho các ngân hàng mà các ngân hàng không phải trả giá gì nhiều. Lẽ ra, theo các chuyên gia này, NHNN rót tiền và yêu cầu chủ sở hữu các ngân hàng phải giảm tỷ lệ sở hữu tương ứng, số cổ phần này chuyển giao cho NHNN sở hữu. Chủ các ngân hàng từng cho vay bất chấp rủi ro thì nay phải gánh phần trách nhiệm chính, dù có thể phải chịu mất hết vốn.
TS Lê Hồng Giang, giám đốc quản lý một danh mục đầu tư ở Úc, nhận xét: “Một loại trái phiếu không trả lãi lẫn gốc thì trên thực tế chỉ là một "thư giới thiệu" của VAMC cho ngân hàng cầm đến NHNN vay nợ. Ngân hàng chấp nhận chuyển tất cả nợ xấu sang VAMC để có được những bức thư giới thiệu này với hi vọng có tiền chiết khấu từ NHNN trong 5 năm thì họ có thể sẽ làm ăn có lãi và trả được khoản nợ cho NHNN, khoản nợ này thực ra là nợ không thế chấp. Nếu ngân hàng vẫn tiếp tục khó khăn và không trả được nợ coi như NHNN sẽ mất khoản cho vay đó”.
Giảng viên Đỗ Thiên Anh Tuấn của chương trình giảng dạy Fulbright đưa ra gợi ý: “Mấu chốt ở đây là, thay vì giá trị đáo hạn trái phiếu bằng 0 thì giá trị này cần phải dựa vào giá trị và xác suất thu hồi nợ. Tức nói chung cần phải định giá nợ theo tiêu chuẩn thị trường. Khi giá trị trái phiếu đáo hạn được xác định dựa trên cơ sở như vậy thì các ngân hàng sẽ dễ cân nhắc nắm giữ trái phiếu và chấp nhận trích lập dự phòng rủi ro, trong khi đó, NHNN cũng không phải chịu thiệt hại, mà bản thân VAMC cũng có động cơ xử lý nợ để hoàn trả nợ trái phiếu”.
Giải quyết nợ xấu trước hết là trách nhiệm của các ngân hàng đã từng phóng tay cho vay những khoản nay trở thành nợ xấu, trừ phi đó là những khoản vay chỉ định. Họ phải đóng vai chủ động hơn nữa trong một đề án xử lý nợ xấu hiệu quả, chứ không phải chỉ kêu gọi, “trăm sự nhờ ngân hàng”.


Tuesday, January 22, 2013

Rối vì mập mờ


Rối vì mập mờ
Sự mập mờ của luật pháp liên quan đến đất đai được đẩy lên đỉnh điểm vào cuối tuần trước khi Thanh tra Chính phủ kết luận chính quyền Đà Nẵng vi phạm nhiều quy định về quản lý sử dụng đất, gây thất thu ngân sách trên 3.434 tỷ đồng nhưng ngay sau đó lãnh đạo Đà Nẵng đã phản bác kết luận này và cho rằng họ không làm gì sai luật cả.
Dù sai dù đúng, từ những thông tin được công khai, đã có thể rút ra những điểm buộc chúng ta phải suy nghĩ.
Thông báo kết luận của Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng yêu cầu chính quyền Đà Nẵng thu hồi về ngân sách 1.486 tỷ đồng từ các nhà đầu tư do một số lý do xuất phát từ sai phạm của Đà Nẵng như xác định giá thu tiền sử dụng đất thấp hơn bảng giá do thành phố ban hành, không tính đủ tiền chuyển mục đích sử dụng đất... Đồng thời Đà Nẵng cũng phải thu hồi 867 tỷ đồng là tiền sử dụng đất đã giảm 10% cho các nhà đầu tư.
Đây là yêu cầu rất lạ, một biểu hiện rõ nét nhất của chuyện thay đổi chính sách gây khó cho doanh nghiệp, có khả năng gây ra xáo động rất lớn cho thị trường địa ốc Đà Nẵng. Những thỏa thuận giữa chính quyền địa phương với nhà đầu tư trên giấy trắng mực đen, nhất là trong việc giảm giá, phải được tôn trọng trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Về lý thuyết nếu chính quyền Đà Nẵng sai, họ phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, còn nhà đầu tư đã làm đúng quy định vào một thời điểm cụ thể, nay không thể hồi tố yêu cầu họ nộp thêm tiền. Thay đổi xoành xoạch như thế ai dám đầu tư, hiệu lực quản lý của chính quyền địa phương từ nay về sau sẽ như thế nào?
*                      *                      *
Sự rắc rối, phức tạp, mơ hồ của luật lệ đất đai làm một quy định cụ thể nào đó muốn hiểu sao cũng được, lý giải như thế nào cũng xong. Thanh tra Chính phủ và chính quyền Đà Nẵng là nơi nắm vững luật lệ mà đã bất đồng như thế, biểu sao xã hội nói chung không bế tắc khi xử lý các quan hệ liên quan đến đất đai cho được.
Nhưng cũng từ kết luận của Thanh tra và giải trình phản hồi của Đà Nẵng đã nổi lên nhiều vấn đề rất đáng quan tâm, đặc biệt là những khe hở do luật lệ đất đai phức tạp tạo ra mà chịu thiệt thòi nhiều nhất vẫn là người dân thấp cổ bé họng.
Ví dụ kết luận của Thanh tra nêu những trường hợp công ty, tổ chức hay cá nhân được giao đất với một giá nhưng sau đó lại chuyển giao cho công ty hay cá nhân khác với giá cao gấp nhiều lần. Thông báo phản hồi của Đà Nẵng thừa nhận: “Việc tăng giá đất… của các cá nhân trên nhằm mục đích nâng khống giá trị chuyển quyền sử dụng đất lên quá cao để được vay ngân hàng với số tiền lớn”. Có thể đúng là những giao dịch chuyển nhượng thứ cấp là giao dịch dân sự không thuộc trách nhiệm của chính quyền Đà Nẵng nhưng cách làm như thế đã đẩy giá bất động sản lên cao một cách giả tạo, nhiều dự án trở thành khối nợ xấu đang đè nặng lên các ngân hàng, nhà nước lại thất thu thuế, tại sao cả trung ương lẫn địa phương không ai lên tiếng từ lâu mà đều im lặng?
Một mảnh đất UBND Đà Nẵng chuyển nhượng cho hai cá nhân với giá 84 tỷ đồng, hai năm sau bán lại cho người khác với giá 581 tỷ đồng vậy những người dân trước đó bị thu hồi đất sẽ nghĩ sao? Trong trường hợp việc chuyển nhượng giữa những người thân với nhau nhằm nâng khống giá đất, vậy cơ chế thuế phải được sửa đổi những thế nào để tránh bị lợi dụng?
Một hiện tượng lập đi lập lại là tổ chức hay công ty xin được giao đất với một mục đích sau đó lại chuyển sang mục đích khác mà vẫn trót lọt hết. Rõ ràng hiện tượng xin cấp đất với những mục đích “cao cả” để hưởng ưu đãi giá sau đó chuyển sang mục đích khác, hay đơn giản là để “phân lô bán nền” là có ở Đà Nẵng và nhiều địa phương khác. Ai cũng biết nhưng ai cũng làm lơ, chỉ có người dân có đất bị giải tỏa mới thấy mục đích di dời cuối cùng không đúng như được giải thích. Đó là nguyên nhân đằng sau biết bao khiếu kiện về đất đai khắp cả nước.
*                      *                      *
Tạm gác việc thanh tra đất đai tại Đà Nẵng sang một bên, một vấn đề khác cũng dần lộ rõ từ câu chuyện này. Trong 10 năm từ 2002 đến 2011 Đà Nẵng đã thu được một số tiền sử dụng đất rất lớn, lên đến trên 24.600 tỷ đồng. Chính khoản tiền này đã giúp thành phố trang trải đến hai phần ba chi phí xây dựng cơ bản, tạo cho Đà Nẵng một diện mạo đô thị hiện đại, cơ sở hạ tầng như đường sá, cầu cống rất tốt.
Thế nhưng việc dựa quá nhiều vào tiền sử dụng đất trong tổng thu ngân sách hàng năm đang đẩy Đà Nẵng vào một tình thế cực kỳ khó khăn nhất là khi thị trường địa ốc đóng băng, không còn ai dám nhảy vào các dự án kinh doanh bất động sản nữa. Những năm tới khi quỹ đất của thành phố không còn thì nguồn thu này càng teo tóp hơn nữa.
Lấy năm 2011 làm minh họa, dự toán tổng thu ngân sách địa phương là 9.800 tỷ đồng, trong đó thu cấp quyền sử dụng đất lên đến 3.700 tỷ đồng, chiếm đến 37%. Trong thực tế năm đó Đà Nẵng bội thu tiền sử dụng đất, khoản tiền này lên đến 5.102 tỷ đồng. Gần một nửa ngân sách đến từ tiền đất trong khi đó, thu từ doanh nghiệp nhà nước trung ương chỉ có 925 tỷ đồng, từ doanh nghiệp nhà nước địa phương là 140 tỷ đồng, doanh nghiệp FDI là 785 tỷ đồng.
Phát triển kinh tế bằng con đường này là không bền vững. Đến năm 2012, thu tiền sử dụng đất sụt giảm nhanh chóng, chỉ còn 1.300 tỷ đồng (chỉ bằng 37,1% kế hoạch). Ngay lập tức ngân sách thành phố Đà Nẵng rơi vào chỗ khó khăn, thu chỉ còn bằng 81,1% dự toán. Đà Nẵng đi lên từ đất nay rơi vào khó khăn cũng vì đất!

Thursday, January 17, 2013

Quyền tự do kinh doanh


Quyền tự do kinh doanh
Những cấm cản trong kinh doanh vàng miếng, bắt đầu từ cuối tuần trước, là một bước nữa nhưng là bước thụt lùi trên con đường trao quyền tự do kinh doanh cho người dân.
Trước và ngay sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hệ thống luật lệ, cách suy nghĩ, cách điều hành nền kinh tế được điều chỉnh theo hướng tiệm cận với thông lệ quốc tế, tạo nên một kỳ vọng từ nay Việt Nam sẽ xây dựng một môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng dựa trên luật lệ chứ không dựa vào các rào cản hành chính nữa.
Thế nhưng những năm gần đây tiến trình này bị chựng lại, thậm chí đảo ngược ở nhiều lãnh vực để quay về cơ chế điều hành dựa trên mệnh lệnh hành chính – một cơ chế tưởng đâu đã biến mất cùng nền kinh tế tập trung bao cấp. Mới nhất trong chuỗi sự kiện như thế là lệnh cấm kinh doanh vàng miếng ở những nơi không hội đủ điều kiện – có hàng chục ngàn điểm như thế trước đây là tiệm vàng mua bán lẻ vàng miếng nay buộc phải đóng cửa, ngưng giao dịch.
Nhìn lại những chủ trương thời kinh tế bao cấp như xem mỗi huyện là một pháo đài kinh tế đủ cả công nông nghiệp, dẫn đến chuyện ngăn sông cấm chợ, ngày nay ai cũng dễ vạch ra cái sai lầm, ấu trĩ của thời đó. Để rồi bây giờ chúng ta lại quay về kiểu cấm đoán mà lập luận phản bác cũng dễ nhận được sự đồng tình khi nhìn lại nhưng vào thời điểm hiện tại thì quán tính đang buộc mọi người xem đó là chuyện bình thường.
Từ 12.000 điểm giao dịch vàng xuống còn chưa đầy 2.500 điểm, thực chất chỉ do 22 ngân hàng và 16 doanh nghiệp điều hành, liệu việc triệt tiêu cạnh tranh đã rõ chưa? Một khi không còn môi trường cạnh tranh, chuyện ép giá đối với người dân là nguy cơ rất rõ ràng. Một địa phương đi mỏi mắt mới tìm ra một điểm được phép giao dịch vàng miếng, có gì bảo đảm nơi này không ra giá mua thấp và bán giá cao bởi người dân quanh đó không còn chọn lựa nào khác. Hàng loạt địa phương bị bỏ trống như thế cho giới mua bán thao túng, bắt chẹt dân quê; quyền lợi người sở hữu vàng không ai quan tâm. Mà đó là người dân thôn quê chỉ có một hai chỉ vàng phòng khi ốm đau hay lúc hữu sự. Việc mua bán chui, trái phép sẽ diễn ra và người dân càng thiệt hại như thời ngăn sông cấm chợ. Thực tế, theo tường thuật của phóng viên, có lúc người dân bị ép bán vàng phi SJC với giá rẻ hơn giá vàng SJC đến 6 triệu đồng/lượng.
Nhìn từ góc độ người kinh doanh, bỗng dưng 10.000 điểm mua bán vàng miếng bị tước mất quyền kinh doanh trong khi Luật Doanh nghiệp không hề thay đổi. Có ai đứng ra giải thích cho họ vì sao họ mất quyền kinh doanh đã ghi vào luật bằng một nghị định đứng dưới luật?
Chuyện giá vàng tác động lên tỷ giá trước đây là có thật bởi Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng huy động vàng miếng có trả lãi. Nay không cho huy động hay cho vay bằng vàng là đủ, không cần gì phải cấm đoán việc mua bán vàng miếng là một hoạt động lâu đời của người dân. Hệ lụy của việc cấm đoán này sẽ nhiều, với hệ quả là một thị trường vàng miếng méo mó, lệch lạc, nhiều biến tướng lách luật như tiệm vàng thành tiệm cầm đồ, mua bán chui, vàng nhẫn làm như vàng miếng… mà báo chí phản ánh trong tuần qua.
Không méo mó sao được khi từ 12.000 điểm kinh doanh chỉ còn lại 2.500 điểm trong khi nhu cầu mua bán chưa thấy có gì thay đổi. Ngân hàng Nhà nước lại còn quy định giá trị số dư vàng miếng phát sinh do mua bán vàng cuối ngày của các ngân hàng không được vượt quá 2% so với vốn tự có. Những hạn chế này sẽ gây sức ép lên giá, buộc giá giảm một cách giả tạo trong thời gian đầu, làm nảy sinh lập luận chính sách mới đã giúp kéo giá vàng trong nước về gần với giá vàng thế giới!
Ở đây có những tình tiết đáng lưu ý. Tại phiên chất vấn trước Quốc hội vào tháng 11-2012, Thống đốc Nguyễn Văn Bình lập luận nếu để giá vàng trong nước liên thông với giá vàng thế giới, có nghĩa là chúng ta lại chấp nhận một thị trường đầu cơ về vàng cho nên không có việc liên thông với giá vàng thế giới. Nay Nghị quyết 01 của Chính phủ đã phản bác lập luận này khi yêu cầu Ngân hàng Nhà nước “bảo đảm giá vàng trong nước sát với giá vàng quốc tế”. Nếu như Nghị quyết 01 đã chấn chỉnh một lập luận của Ngân hàng Nhà nước thì tương lai ngắn cũng cần một nghị quyết khác chấn chỉnh một lập luận khác cũng của Ngân hàng Nhà nước: Năm 2013, giá vàng trên thị trường sẽ do Ngân hàng Nhà nước kiến tạo và điều khiển, theo chủ trương "nền kinh tế giữ tiền, nhà nước giữ vàng". Chưa thấy một chính phủ nước nào, dù tiềm lực có mạnh đến đâu, lại dám “điều khiển giá vàng” cả, liệu chúng ta có đủ nguồn lực không và có cần thiết không?
Xin nhắc lại ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế với sự đồng thuận cao, rằng nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước không hề bao gồm chuyện kinh doanh vàng miếng chứ chưa kể là độc quyền vàng miếng. Người dân bình thường không hề đầu cơ vàng, đại đa số chỉ mua và giữ vàng như một phương tiện phòng thân và để phòng tránh lạm phát. Cứ chăm chăm huy động vàng trong dân theo chủ trương “nền kinh tế giữ tiền, nhà nước giữ vàng” như tuyên bố của đại diện Ngân hàng Nhà nước sẽ làm xáo động cái cơ chế phòng chống lạm phát này, gây nguy cơ lạm phát bùng phát trở lại.


Monday, January 14, 2013

“Đọc báo” – giờ đã khác


Nói thêm: Bài viết ghi lại quan sát của tác giả về các tờ báo mạng (chính thức) hiện nay tại Việt Nam so với báo viết và tác động của sự khác biệt ấy lên người đọc và người viết. Quan sát này không bao gồm các blog hay các loại diễn đàn khác.
Bên dưới có bổ sung hai ý kiến phản bác rất đáng lưu ý.

“Đọc báo” – giờ đã khác, viết báo cũng vậy
Một nhầm tưởng khá phổ biến. Cứ nghĩ đọc báo mạng, người ta chủ động hơn trong chọn lọc thông tin để đọc. Không hề có chuyện đó. Đọc báo trên mạng Internet đồng nghĩa với việc bị đám đông chi phối, sự chọn lựa của cá nhân bị xóa nhòa và, quan trọng hơn cả, người đọc để bản năng chế ngự và điều khiển việc chọn nguồn thông tin đầu vào.
Có lẽ đã đọc báo mạng, ít ai có thời gian mở lần lượt từng trang web của từng tờ báo, chọn và đọc tin bài mình thích. Đa phần sẽ lướt qua và dừng lại ở những điểm dừng rất hợp lý vì được nhiều người chọn. Đó có thể là 10 tin bài đang được đọc nhiều nhất; 10 tin bài được chia sẻ nhiều nhất. Chỉ với một chọn lựa này thôi, chúng ta đã trở thành một cá thể hòa lẫn trong một đám đông vô danh. Và cái click chuột của chúng ta lại giúp các tin bài có liên quan đến tình dục, vụ án, chuyện lạ, chuyện bất thường chiếm ngự không gian mạng.
Người ta thường đọc báo mạng theo giới thiệu của một ai đó. Vào Facebook thấy thiên hạ đang xôn xao vì một bài báo, rất dễ click vào đó để tham gia đám đông tò mò; Mở email thấy ông bạn nồng nhiệt khen ngợi hay hết lời mạt sát một bài khác, không lẽ không mở ra xem thử. Các trang tổng hợp tin tức bằng các phần mềm tự động thường chọn bài theo tần suất được đọc. Thế là tin được nhiều người đọc nhất lại chạy lên đầu, mở ra là thấy liền, biểu sao càng không có thêm nhiều người đọc.
Cứ thế, đọc báo mạng có nghĩa chúng ta chọn con đường “mì ăn liền” dễ chịu, xu hướng cộng đồng đang đọc gì, biết gì, bàn gì, rất dễ nắm bắt, cứ dùng những công cụ kết nối có sẵn mà theo. Và cũng rất dễ yên tâm chúng ta đang “theo dõi thời sự” một cách khoa học và chính xác.
Hệ quả đầu tiên là có sự khác biệt rõ rệt về cảm nhận thế giới bên ngoài giữa người chuyên đọc báo giấy và người chuyên đọc báo mạng.
Người đọc báo mạng thấy cuộc đời sao nhiều éo le, hình như chém giết tràn ngập, lừa đảo là chuyện cơm bữa, băn khoăn lớn nhất của xã hội là chuyện tình dục, quan tâm lớn nhất của mọi người là mọi động thái của các ngôi sao ca nhạc, phim ảnh hay người mẫu. Ảo tưởng này từng thể hiện khi các ngôi sao này cứ tưởng ai cũng là người đọc báo mạng và ai cũng chăm chú theo dõi xì-căng-đan của sao. Người đọc báo mạng cũng sẽ thấy người viết sao giờ quá dễ dãi, dùng từ bừa bãi, viết câu không theo cú pháp; các báo sao theo đuổi những đề tài nhảm nhí và người viết sao dễ dàng bịa chuyện, bất kể hậu quả.
Trong khi đó người đọc báo giấy sẽ có cảm nhận khác, nói chung họ sẽ thấy cuộc đời “bình thường” hơn nhiều so với giới đọc báo mạng. Có lẽ khi còn thời gian để cầm tờ báo giấy lên, người đọc nó ắt cũng có cuộc sống “bình thường” hơn người thường xuyên đi mây về gió trong không gian mạng.
*                      *                      *
Người ta thường nói nồi cơm của báo giấy (tức khách hàng quảng cáo) sẽ dần dần chuyển qua báo mạng hết. Đã có đủ chiêu trò quảng cáo thu hút sự chú ý của người đọc báo mạng, từ quảng cáo nhấp nháy trên trang tin đến quảng cáo nhảy chồm ra, cả hình lẫn tiếng, ở góc màn hình, từ quảng cáo hiển thị đến quảng cáo dựa vào kết quả tìm kiếm. Nhưng thực tế cho thấy quảng cáo trên báo mạng chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong tổng doanh thu quảng cáo với mức tăng trưởng không đáng kể. Theo thống kê của TNS Media, tổng phí quảng cáo trên tất cả các phương tiện truyền thông tại Việt Nam năm 2011 đạt 16.357 tỷ đồng, trong đó Internet chiếm 4,89%, đạt giá trị chỉ khoảng 800 tỷ đồng. Vì sao như vậy?
Vì nhà quảng cáo bỏ tiền ra khôn ngoan lắm chứ không dễ bị thuyết phục bởi số lượng người vào đọc. Nối kết cái đặc điểm của người đọc báo mạng nói ở phần đầu với chuyện trình ra quảng cáo để thu hút người click chuột, chúng ta thấy xu hướng là người đọc báo mạng bị dẫn dắt để bỏ qua quảng cáo. Người đọc tin bằng feeds (một dạng tự động đẩy tin bài về thiết bị của người dùng) hoàn toàn không thấy quảng cáo; người đọc bài qua giới thiệu chia sẻ trên Facebook, Twitter, blog hay email cũng không dễ gì bị phân tâm bởi quảng cáo, nhất là khi họ vào các mạng xã hội bằng thiết bị cầm tay.       
Một đặc điểm của báo mạng là cạnh tranh nhau thu hút người xem và bởi đám đông vô danh thường đầu hàng bản năng nên đa số người xem sẽ tò mò thích chuyện phòng the, chuyện đâm chém. Đây là cuộc cạnh tranh cùng nhau xuống đáy xem thử ai bạo gan hơn, đến nỗi nhiều loại bài được đọc nhiều nhất trên một số báo mạng nghe không khác gì truyện khiêu dâm là mấy. Cuộc đua xuống đáy này không thu hút được nhà quảng cáo và không sớm thì muộn cũng bị người đọc mệt mỏi chán chường quay lưng. Nhà quảng cáo khôn ngoan lánh xa loại tin bài khiêu khích, giật gân khi tình cảm của người đọc dễ dàng xoay trở bất ngờ.
*                      *                      *
Thế giới báo in, báo mạng đang trải qua nhiều thay đổi, ngày càng ít người chịu đọc báo giấy bởi công cụ để đọc báo mạng ngày càng nhiều, ngày càng dễ tiếp cận và ngày càng rẻ. Người viết báo giấy chỉ còn một cách an ủi: dù sao sự thay đổi chỉ nhắm vào phương tiện chuyển tải thông tin còn bản thân người sản xuất ra và truyền đạt thông tin vẫn cần thiết dù ở thời nào. Vấn đề là tìm cách thích ứng với hoàn cảnh mới trên một phương tiện mới.
Không đúng. Thế hệ người viết báo giấy với những quy tắc như kiểm chứng thông tin, sự chừng mực không đuổi theo sự giật gân câu khách, sự kiềm chế trong lựa chọn đề tài, sự đánh giá thế nào là tin đáng đưa… sẽ bị thải loại trong thế giới báo mạng. Bởi báo mạng với những yêu cầu khác hẳn sẽ tạo ra một thế hệ người viết mới. Các yêu cầu nhanh, gọn, thẳng, được họ đáp ứng. Các giá trị như số người đọc, sự đáp ứng những phản hồi nhanh chóng được tôn trọng. Và thế hệ người viết này sẽ không tiếp nhận thế hệ người viết báo giấy. Bởi phương tiện chuyển tải thông tin thay đổi thì con người trong hệ thống phải thay đổi theo.
Trong lúc đó người đọc báo mạng tham gia vào quá trình tạo ra thông tin. Đó không chỉ là phần nhận xét (comment) cuối tin bài. Đó còn là cái click chọn lựa, đẩy tin này lên trên danh sách được đọc nhiều nhất; là nhận xét đi kèm khi giới thiệu một bài trên Facebook. Bất kể người đọc có nhiều bạn bè hay không, họ đọc, nhận xét và giới thiệu – thế là đủ với thế giới ảo của họ. Sự tương tác giữa hai giới này sẽ đẩy báo mạng đi về đâu – không ai có thể đoán trước được. Chỉ có một điều chắc chắn – đọc báo, giờ đã khác xưa!



Nhận xét của hai người bạn:
+ Anh "hoài cổ" rồi, như Khổng Tử cứ than là "đạo nhà Chu đã suy rồi" ấy. Từ những thông cáo viết tay, cho đến thông cáo in khắc bản, cho đến báo in, rồi báo điện tử, rõ ràng mức độ "dân chủ" càng ngày càng tăng; những kẻ thấp cổ bé miệng nhất theo những tiến bộ của kỹ thuật truyền thông càng ngày càng dễ có thêm tiếng nói. Hiệu ứng lề là việc không tránh khỏi. Từ hồi in khắc bản chẳng đã có dâm thư rồi đấy sao?
Những ai đọc "đàng hoàng" hồi chỉ có báo giấy giờ cũng sẽ đọc đàng hoàng trên internet (dù thỉnh thoảng cũng có liếc qua cái cô ca sĩ hở vòng một vòng ba kia tí xíu :-)). Những người đọc ngôi sao chấm nét hay cái loại tương tự, ngày xưa chắc chắn chỉ đọc báo Công an - Tuổi Trẻ còn chưa ngó tới nói chi đến TBKTSG.
Hệ số chi phí của hiệu ứng lề này bây giờ, tức tổng thời gian mà xã hội bỏ ra cho những thứ vô bổ như "liếc-qua-cái-mông-cô-ca-sĩ" và "nhìn-chằm-chặp-vào-đó" chia cho tổng chi phí truyền thông có lẽ sẽ cao hơn hồi còn báo giấy chút ít, nhưng đó chính là "chi phí của dân chủ". Chi phí để "nói" nhiều hơn, dù vô bổ, sẽ giúp giảm chi phí "làm" và chủ yếu là chi phí để "sửa sai".
Nhưng quả thật, đúng là có một điều ngậm ngùi khi có kỹ thuật in khắc bản, là nỗi ngậm ngùi của những người chép sách.

+ Bài viết dựa trên nhiều giả định hơn là chứng cứ và sự kiện. Chuyện chủ động lọc thông tin hay là bị giới hạn thông tin đã được lọc trước là câu hỏi lớn mà nhiều nghiên cứu vẫn "đánh nhau" đùng đoàng vì không tìm được chứng cứ thuyết phục để hậu thuẫn cho kết luận có phải thế hay là không phải thế. Cả ba mặc định của anh - bị đám đông chi phối, chọn lựa bị xóa nhòa, và bản năng chế ngự - thật ra đều là giả định cả. Đó là chưa kể, theo em, đây là góc nhìn elitist ;-) "Thường đọc... theo giới thiệu của một ai đó" cũng là một giả định.
Cách tiếp cận của bài. Em hiểu ý anh muốn dẫn dắt người đọc đến đâu qua bài này. Nhưng em thấy lựa chọn cách viết này không ổn. Nếu muốn đi theo con đường định chuẩn, muốn làm cho thực trạng thay đổi, thì có thể viết về chuyện báo chí điện tử có thể "hướng dẫn" dòng quan tâm của người đọc về đâu bằng cách sử dụng hệ thống xếp hạng như thế nào. Các thuật toán chọn thứ tự của Google News không đơn thuần là cứ người đọc nhiều là hiện lên trên đầu, có hàng trăm yếu tố khác được bao gồm trong thuật toán đó (uy tín của người viết, của tờ báo, vai trò của thời điểm, địa điểm, tương tác với độc giả, với đồng nghiệp…).
Còn nếu muốn chọn góc nhìn nói về thực trạng để giúp mọi người "tỉnh ngộ", trước hết phải thuyết phục được thực trạng ấy là có thật và đáng lo (có thể nhìn thấy như vậy, nhưng không có một nghiên cứu thật sự thì làm thế nào biết được chính xác? - ít nhất cũng là một nghiên cứu ngắn gọn thôi của người viết cho một số độc giả ngẫu nhiên). Hai là phải thuyết phục được là động cơ đọc báo mạng hiện nay của đa số người đọc là "mì ăn liền" - lại phải nghiên cứu ;-)
Ba là hệ quả - lại cũng phải nghiên cứu, không thì làm thế nào biết được là nhãn quan do đọc báo mạng và nhãn quan do đọc báo giấy nó khác nhau? Mà nếu nó khác nhau thì đó là do số người đọc khác nhau từ đầu hay là vì đọc báo mạng mà bỗng nhiên nó khác đi?




Thursday, January 10, 2013

Phải cúi đầu xin lỗi các em


Tôi nghĩ đây là chuyện quan trọng. Nếu chúng ta không ý thức được quyền trẻ em, quyền con người ở những câu chuyện cụ thể như thế này; nếu thầy cô giáo không biết quyền của mình để bảo vệ học sinh thì đừng trông mong gì vào chuyện xây dựng một xã hội dân chủ ở Việt Nam.
Phải cúi đầu xin lỗi các em
Khó đè nén được sự giận dữ và cảm giác bất lực khi đọc bài “Hàng trăm học sinh bất ngờ bị... lấy máu” trên báo Công an TPHCM nhưng tự nhủ phải bình tĩnh chờ thông tin kiểm chứng. Sau đó báo Dân Trí có bài “Sự thật về chuyện ‘hàng trăm học sinh bất ngờ bị…lấy máu’” mang tính “nói lại cho rõ” bài trên báo Công an TPHCM. Mặc dù mang tính thanh minh như thế, một sự thật đau lòng đã hiện ra từ hai bài báo.
Trường Đại học Y khoa Vinh tổ chức lấy mẫu máu của hơn 200 em học sinh tại huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) nhằm phục vụ cho một đề tài nghiên cứu khoa học. Nhóm cán bộ kỹ thuật viên đi lấy máu chỉ báo cáo với UBND huyện và một số nơi khác, sau đó cứ thế xuống hai trường xắn tay áo các em lên để lấy máu như thừa nhận của ông Nguyễn Trọng Tài, Hiệu trưởng trường Đại học Y khoa Vinh, “khi đoàn bác sĩ và kỹ thuật viên đến trường là thực hiện đồng loạt việc lấy mẫu máu ngay”.
Nay ông Vinh thừa nhận có “thiếu sót” về tuyên truyền, vận động cho học sinh, phụ huynh!
Như thế mà gọi là “thiếu sót”?
Hành động như thế là sự cưỡng bức học sinh tham gia vào một cuộc thí nghiệm ngoài ý muốn của các em, hoàn toàn có thể bị truy tố trước pháp luật, đáng bị cộng đồng khoa học và dư luận lên án mạnh mẽ.
Một khi xâm phạm vào thân thể học sinh, mà ở đây là học sinh cấp 1, cấp 2, thì trước hết phải có sự đồng ý của các em. Nhưng do các em còn nhỏ, nhận thức chưa đầy đủ, đồng thời phải có sự đồng ý của cha mẹ hay người giám hộ các em. Nếu chưa có sự đồng ý này mà nhóm cán bộ, kỹ thuật viên cứ “đè” các em ra để lấy máu thì nay phải xuống tận nơi xin lỗi các em và chịu mọi trách nhiệm, cả vật chất và tinh thần mà việc lấy máu đã gây ra ở các em. Thử tưởng tượng cảnh chúng ta đang ở trong một môi trường bình thường, bỗng đâu có một nhóm người đến, kim tiêm, dây nhợ đủ thứ, rồi chích tay lấy máu mà không hỏi ý kiến, không giải thích một lời, ai mà không hãi hùng. Thật sự đây là một cú sốc tâm lý nên các em sau này mới kể lại cho phóng viên báo Công an TPHCM qua những chi tiết có thể không chính xác.
Một sự thật đau lòng là nền giáo dục nước ta chỉ chăm chăm chuyện từ chương mà quên đi những kỹ năng cơ bản của cuộc sống. Một trong những kỹ năng cần rèn luyện ngay từ nhỏ là ý thức về quyền con người, quyền không sợ hãi. Nếu các em ý thức được quyền của mình, làm sao ai cả gan xắn tay các em lên để lấy máu. Và nếu nền giáo dục trang bị cho các em ý thức đó cùng các biện pháp tự vệ, ít nhất cũng ngăn ngừa phần nào các vụ xâm hại tình dục, các vụ cưỡng bức lao động, các vụ ức hiếp trẻ em. Thầy cô giáo, nếu ý thức được quyền trẻ em, đã không để cho việc lấy máu các em xảy ra. Một hiệu trưởng bản lĩnh ắt đã buộc đoàn lấy máu tuân thủ các quy trình nghiêm nhặt như giải thích cặn kẽ rồi xin phép phụ huynh bằng văn bản, sàng lọc học sinh, hỏi han sức khỏe các em, chuẩn bị cho việc lấy máu một cách khoa học.
Thử tưởng tượng câu chuyện này xảy ra ở một trường quốc tế tại TPHCM hay Hà Nội. Liệu người ta có dám làm ẩu như thế không? Liệu hiệu trưởng và các thầy cô giáo có cho phép người ta vào trường lấy máu học sinh mà không xin phép phụ huynh như thế hay không?
Bài viết trên báo Công an TPHCM, dù nêu trúng bản chất vấn đề nhưng có một vài chi tiết chắc là không chính xác như lấy máu từng xô, một kim tiêm dùng chung cho cả chục em. Nay một số cán bộ địa phương vin vào đó để tô đậm chuyện không chính xác của bài báo.
Nhưng bản chất sự việc là không thay đổi: Người lớn đã làm sai, nay phải xin lỗi và chấm dứt cách làm sai trái này, cả trong thực tế và trong suy nghĩ về quyền con người.

Cập nhật: Ông Nguyễn Trọng Tài, Hiệu trưởng trường Đại học Y khoa Vinh đã vừa không xin phép học sinh khi cho người lấy máu các em nay còn tuyên bố rất ẩu. Ông này nói với báo Lao động rằng có đến 9,7% số học sinh bị lấy máu xét nghiệm có dấu hiệu mắc bệnh Thalassemia. Báo trích lời ông này: “Chúng tôi chưa biết chọn cách gì để thông báo với gia đình các em đây, bệnh này nhạy cảm lắm. Nếu không được chữa trị, lớn lên nếu biết, không ai dám kết hôn với các em đâu; vì bệnh này có thể làm suy thoái giống nòi. Nguy hiểm thế đấy!”
Y đức và nguyên tắc làm việc của ông này ở đâu? Trong khi chưa thông báo cho người bệnh biết, sao có thể công khai thông tin bệnh tình của người ta được chứ? Ông ta muốn 213 em học sinh sau cú choáng bị lấy máu nay hoang mang không biết mình có nằm trong 9,7% này không? Tại sao có thể nhẫn tâm tuyên bố như thế với báo chí? Con số này có đúng không hay ông Tài hù dọa người ta để họ quên lỗi lầm của các ông đi?

Friday, January 4, 2013

Việt Nam nhập 4,47 tỷ đô-la điện thoại di động?


Việt Nam nhập 4,47 tỷ đô-la điện thoại di động?
Tờ Tuổi Trẻ đưa tin năm 2012 Việt Nam đã nhập điện thoại các loại lên tới 4,47 tỷ đô-la. Dựa vào đó, Bút Bi bình luận trên cùng số báo về “con số gây choáng” này vì bản tin xếp số điện thoại này vào nhóm hàng tiêu dùng cần hạn chế nhập khẩu với hàm ý dân Việt Nam tiêu xài phung phí.
Mới nhìn qua cũng đã thấy đây là một sự nhầm lẫn.
Nhập 4,47 tỷ đô-la điện thoại thì với giá bình quân mỗi chiếc là 60 đô-la (giá bình quân ghi nhận trong năm 2012) thì số lượng nhập lên đến gần 75 triệu chiếc, gần bằng dân số Việt Nam.!
Với giá bình quân 300 đô-la (giá bình quân loại điện thoại thông minh ghi nhận trong năm 2012) thì số lượng nhập cũng lên đến gần 15 triệu chiếc.
Kể cả cho giá bình quân 500 đô-la, tức toàn loại điện thoại cao cấp thì số lượng nhập cũng lên đến 9 triệu chiếc.
Trong khi thị trường điện thoại trong năm trước đó chỉ tiêu thụ dưới 20 triệu chiếc, trong đó có khoảng 2 triệu chiếc điện thoại thông minh.
Trước đó, tin tức về một thị trường điện thoại tiêu điều tràn đầy các báo. Báo chí tường thuật rõ ràng như thế này: “Tính chung 6 tháng đầu năm 2012, điện thoại di động nhập khẩu vào Việt Nam đạt số lượng 6,26 triệu máy và trị giá 304,4 triệu USD – Tức là giảm 23,72% về lượng và 15,32% về trị giá so với cùng kỳ năm 2011” (ITC News).
Có lẽ con số 4,47 tỷ đô-la là tính cả những chiếc điện thoại gần hoàn chỉnh hay ở dạng linh kiện của Samsung nhập vào rồi xuất trở lại. Xuất khẩu điện thoại và linh kiện năm 2012 lên đến 12,6 tỷ đô-la lận.
Dân Việt Nam giàu đến nỗi bỏ ra 4,47 tỷ đô-la để mua điện thoại là chuyện đáng mừng nhưng thực sự không có chuyện đó.

Thursday, January 3, 2013

Các kiểu nợ xấu


Các kiểu nợ xấu
Cũng là nợ xấu nhưng vấn đề nợ nước ngoài của Thái Lan năm 1997, nợ dưới chuẩn của Mỹ và nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam có những đặc điểm khác nhau nên cách giải quyết cũng khác nhau.  
Khủng hoảng do nợ ở Thái Lan năm 1997
Cách đây hơn 15 năm, vào tháng 7-1997 tôi có dịp đi công tác ở Thái Lan ngay đúng ngày chính phủ nước này quyết định thả nổi đồng baht, khơi mào cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn châu Á. Lúc đó dĩ nhiên báo chí đưa tin rầm rộ, phân tích đủ kiểu nhưng vẫn thiếu vắng một cái nhìn tỉnh táo toàn diện vấn đề nợ của Thái Lan – một cái nhìn chỉ vài năm sau mới lắng xuống thành lịch sử kinh tế. Thậm chí lúc đó, tôi còn khá ngây thơ khi phỏng vấn Thủ tướng đương nhiệm Chavalit Yongchaiyudh, “ông có thể tiên đoán gì cho nền kinh tế Thái Lan trong sáu tháng tới?” Câu trả lời của Chavalit cũng “ngây thơ” không kém: “Tại bất kỳ nước nào, tình hình kinh tế không thể đảo ngược trong vòng sáu tháng. Chúng ta không thể trông chờ sự phục hồi trong sáu tháng. Nhưng các bạn sẽ thấy phép lạ xảy ra tại Thái Lan, tôi tin thế”.
Những tháng sau đó, đồng baht mất một nửa giá trị, nền kinh tế Thái Lan suy sụp hoàn toàn, hàng loạt cao ốc, công trình xây dựng bị đình trệ, nạn thất nghiệp tràn lan, hàng loạt doanh nghiệp lớn phá sản, nhiều ngân hàng đóng cửa. Chỉ một tháng sau tuyên bố của Chavalit, IMF phải nhảy vào và bỏ ra 17,2 tỷ đô-la Mỹ để cứu nền kinh tế Thái Lan.
Bài học về nợ của Thái Lan là gì? Vấn đề nợ của Thái Lan mang yếu tố nước ngoài. Trong nhiều năm liền GDP của Thái Lan tăng bình quân đến 9% mỗi năm, lạm phát thấp, đồng baht gắn cố định với đồng đô-la Mỹ (25 baht ăn 1 đô-la Mỹ) nhưng lãi suất cao (khoảng 13,25% trước khủng hoảng) nên người ta thay nhau vay tiền nước ngoài vô tội vạ. Vay tiền về đổi ra đồng baht gởi vào ngân hàng cũng đã có lãi rồi nên nợ nước ngoài của Thái Lan tăng nhanh, là nguyên nhân chính gây khủng hoảng. Nhất là các khoản tiền này đổ vào bất động sản, tạo ra tình trạng bong bóng hay đổ vào xây dựng nhà máy xi măng, sắt, thép, hoá dầu để cuối cùng xảy ra tình trạng dư thừa ở hầu hết các ngành cơ bản.
Đến năm 1997, nợ nước ngoài của Thái Lan vọt lên 109 tỷ đô-la Mỹ, đa phần là vay ngắn hạn, cán cân vãng lai lại thâm hụt trong nhiều năm liền. Giới đầu cơ nhận định trước sau gì chính phủ Thái cũng phải phá giá đồng tiền bèn nhảy vào đầu cơ đánh giá xuống. Họ vay tiền baht, đổi ra tiền đô-la, khiến chính phủ Thái phải bỏ ra 24 tỷ đô-la (gần hai phần ba dự trữ ngoại tệ) để bảo vệ cái tỷ giá cố định trên và đến khi hết tiền, phải tuyên bố thả nổi đồng baht. Từ 25 baht ăn 1 đô-la Mỹ chỉ trong vòng vài tháng, giá trị đồng tiền này sụt xuống còn 56 baht/1 đô-la Mỹ. Rõ ràng các khoản vay nợ nước ngoài tính bằng tiền baht bỗng dưng tăng gấp đôi, làm nhiều ngân hàng phá sản vì con nợ trong nước phá sản. Khủng hoảng xảy ra và chứng khoán Thái Lan giảm từ đỉnh cao 1.753 điểm còn 207 điểm vào năm 1998. Phải mất 10 năm GDP Thái Lan tính theo đô-la mới phục hồi về lại mức năm 1996. Một ghi chú nhỏ: Thủ tướng Chavalit phải từ chức vào tháng 11-1997, không thể chờ phép lạ xảy ra.
Nợ dưới chuẩn ở Mỹ
Năm 2004 khi qua Mỹ tiếp xúc với khá nhiều người trong cộng đồng người Việt, tôi thấy nổi lên một xu hướng rất rõ: vay tiền mua nhà, rồi dùng nhà đó vay tiền mua nhà tiếp, chờ giá lên để bán hưởng lợi. Có người có đến 4 căn nhà to đùng trong khi nhu cầu không có. Lúc đó, ai cũng “phấn khởi” vì giá nhà vẫn đang lên, cao hơn so với giá mua khá nhiều. Nhẩm tính tiền lãi, ai nấy cũng rộng tay chi xài nhiều hơn thường lệ.
Thật vậy, sau này nhìn lại, người ta bảo lúc đó cho vay mua nhà ở Mỹ khá dễ dàng, những tiêu chí về nguồn thu nhập để trả nợ bị xem nhẹ - từ đó mới có từ “nợ dưới chuẩn”. Bong bóng bất động sản thu hút nhiều người tham gia (đến 40% mua nhà để đầu tư chứ không phải để ở) chừng nào giá nhà vẫn tăng đều đặn (tăng đến 124% từ năm 1997 đến năm 2006). Đến giữa năm 2006 lúc giá nhà đã lên đến đỉnh và bắt đầu giảm nhanh, vấn đề nợ dưới chuẩn nổ ra. Tiền vay mua nhà thường có lãi suất thả nổi và khi lãi suất tăng mạnh, nhiều người mất khả năng chi trả tiền nhà hàng tháng cho ngân hàng. Ngân hàng, trước đó, đã gói những hợp đồng vay tiền mua nhà trả góp đó thành sản phẩm tài chính, đem bán trên thị trường chứng khoán. Các tập đoàn tài chính ôm lấy những loại chứng khoán không còn sinh lợi này bắt đầu rơi vào tình trạng khó khăn, có nơi phá sản. Khủng hoảng nổ ra mà hiệu ứng vẫn còn kéo dài cho đến tận bây giờ.
Bài học nợ dưới chuẩn ở Mỹ là sự dễ dãi của giới ngân hàng khi cho vay rồi sự lừa dối của nhiều bên liên quan khi biến nợ thành sản phẩm chứng khoán, mua bán trên thị trường làm lây lan một cuộc khủng hoảng lẽ ra chỉ giới hạn trong lãnh vực bất động sản. Ở đây vấn đề tín dụng rẻ, dễ dãi cũng là thủ phạm; tiền cũng chạy từ nhiều nước vào Mỹ nên khủng hoảng quay ngược ảnh hưởng trở lại nhiều nước. Tỷ lệ nợ dưới chuẩn tăng nhanh lên đến 20% tổng dư nợ cho vay mua nhà và hậu quả là tháng 10-2007, tỷ lệ nợ xấu buộc phải tịch biên nhà lên 16%, tăng lên 21% vào đầu năm 2008 và 25% vào tháng 5-2008.
Trở lại Mỹ vào năm 2010, gặp nhau, người ta không còn kể chuyện mua nhà nữa mà là chuyện “kéo nhà”, tức là nơi cho vay tịch biên nhà, bán để thu hồi nợ. Người nào trước đây mua càng nhiều nhà, giờ càng bạc tóc vì lo vì trở thành con nợ không lối thoát.
Nợ xấu Việt Nam
Mới nhìn qua vấn đề nợ xấu Việt Nam cũng có những căn nguyên tương tự: tín dụng dễ dãi, dư nợ tăng vọt, tiền đổ vào nhiều, bất động sản nóng sốt, chứng khoán lên ngôi, thúc đẩy nhiều dự án hoành tráng chỉ để làm tăng giá trị cổ phiếu. Đến khi chứng khoán suy sụp, thị trường bất động sản đóng băng và nhất là khi tín dụng bị siết chặt, nợ xấu bùng phát.
Nhưng nợ xấu ở Việt Nam không giống ở Thái Lan thời thập niên 1990 ở góc cạnh không phải là nợ nước ngoài. Dư nợ của hệ thống ngân hàng Việt Nam chủ yếu là từ trong nước. Cho đến nay áp lực của nợ xấu lên tỷ giá là chưa đáng kể, nên không gây ra áp lực phá giá đồng tiền. Nợ nước ngoài của Việt Nam tăng khá nhanh, từ 31,4% GDP năm 2006 lên 41,5% GDP năm 2011 nhưng chủ yếu là các khoản vay dài hạn của Chính phủ như vốn vay ODA chứ vay thương mại chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Giả thử có thêm vài ba khoản nợ xấu có nguồn gốc nước ngoài như các khoản vay của Vinashin bị Elliott đòi như vừa qua thì tình hình đã rối ren hơn nhiều.
Các gói nợ xấu của Việt Nam cũng chưa bị đóng gói thành sản phẩm chứng khoán để đem ra bán nên tác động của nợ xấu chưa mang tính lây lan mạnh như cuộc khủng hoảng ở Mỹ.
Tuy nhiên nợ xấu Việt Nam lại mang những đặc điểm đáng lo ngại không kém. Đầu tiên là sự thiếu vắng những con số chính xác, được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem như chuyện bình thường. Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đưa ra hai con số: “Theo số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng, đến ngày 30-9 thì nợ xấu là 4,93%. Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước thì con số này nằm ở khoảng 8,82%”. Các ngân hàng báo cáo một đằng, đánh giá của NHNN một nẻo mà lại không có biện pháp gì chấn chỉnh, ít nhất về mặt báo cáo số liệu là chuyện khó chấp nhận. Muốn có những giải pháp tốt cho vấn đề nợ xấu thì trước tiên phải có thông tin chính xác về nợ xấu.
Thứ hai, nguồn gốc nợ xấu chủ yếu do doanh nghiệp nhà nước hay chính quyền các cấp. Chỉ tính riêng tập đoàn Vinashin, các khoản nợ đến hạn phải trả hàng năm từ lúc nổ ra khủng hoảng lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm. Vinashin bất lực, không trả được, chúng đã biến thành nợ xấu của các ngân hàng! Hàng loạt doanh nghiệp nhà nước như thế hiện là con nợ khó đòi. Theo một báo cáo, doanh nghiệp nhà nước chiếm đến 70% tổng nợ xấu. Bên cạnh đó, nợ đọng xây dựng cơ bản mà con nợ là các bộ, ngành và chính quyền địa phương cũng làm nhiều nhà thầu trở thành con nợ xấu của ngân hàng. Con số nợ đọng này lên đến 90.000 tỷ đồng nhưng bao nhiêu phần trăm biến thành nợ xấu thì không có số liệu. Như thế, giải quyết nợ xấu trở thành chuyện của nhà nước, phải tính đến chuyện khoanh nợ, tái cấp vốn – tất cả sẽ đè nặng lên ngân sách vốn đã eo hẹp. Nếu không, làm sao có chuyện ngân hàng phát mãi tài sản thế chấp của doanh nghiệp nhà nước, có ai dám bán tài sản của các doanh nghiệp này dưới giá sổ sách, đất đai được cấp nay giải quyết làm sao?
Loại trừ khoản nợ xấu nói trên, phần còn lại thiết nghĩ không khó giải quyết. Lúc đó bài học giải quyết nợ xấu ở Thái Lan hay ở Mỹ sẽ rất hữu ích. Đó là mạnh dạn cho đóng cửa những ngân hàng nào yếu kém, cho vay bất chấp rủi ro, định giá tài sản thế chấp sai lầm, lại không chịu trích lập dự phòng đầy đủ… Đó là sửa đổi Luật Phá sản để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bất động sản có lối thoát, tự nhiên giá cả sẽ quay về mức xã hội chấp nhận được và một phần lớn nợ xấu sẽ được thu hồi. Không lẽ chúng ta phải đợi những hệ quả của nợ xấu xảy ra như phá giá đồng tiền ở Thái Lan, vỡ nợ tại nhiều ngân hàng ở Mỹ… lúc đó mới chịu có biện pháp mạnh tay?

AI - hype and reality

  AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...