Monday, October 29, 2018

Gánh nặng nợ nước ngoài


Gánh nặng nợ nước ngoài

Theo số liệu chính thức, tính đến cuối năm 2017, trong tổng dư nợ Chính phủ vào khoảng 2,593 triệu tỷ đồng thì đến 1,547 triệu tỷ đồng là vay trong nước chủ yếu thông qua phát hành trái phiếu bằng nội tệ. Nợ nước ngoài của Chính phủ chiếm hơn 1 triệu tỷ đồng một chút, chủ yếu là các khoản vay ưu đãi từ các định chế quốc tế.

Tuy nhiên, điều đáng lo nằm ở chỗ khác: Nợ nước ngoài của quốc gia vào thời điểm cuối năm 2017 là 2,451 triệu tỷ đồng bằng 49% GDP; mặc dù nằm trong giới hạn được Quốc hội cho phép (chưa vượt 50% GDP) nhưng đang tăng nhanh.

Ở đây cần lưu ý, nợ nước ngoài của quốc gia bao gồm nợ nước ngoài của Chính phủ, nợ vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh và cả nợ của doanh nghiệp vay nước ngoài theo phương thức tự vay tự trả. Có nghĩa doanh nghiệp tư nhân vay nợ nước ngoài, không dính dáng gì đến Chính phủ thì khoản nợ của họ vẫn phải tính vào nợ nước ngoài của quốc gia. Chính vì thế ở trên nói nợ nước ngoài của Chính phủ chỉ hơn 1 triệu tỷ đồng trong khi nợ nước ngoài của quốc gia lại lên đến gần 2,5 triệu tỷ đồng.

Trong tổng nợ nước ngoài vào cuối năm 2017, nợ nước ngoài trung hạn và dài hạn của doanh nghiệp tự vay tự trả cộng với nợ ngắn hạn của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng lên đến 1,158 triệu tỷ đồng, cao hơn cả nợ nước ngoài của Chính phủ.

Nguyên nhân làm cho nợ nước ngoài của quốc gia tăng nhanh nằm ở các khoản tự vay tự trả của doanh nghiệp (các khoản vay trung và dài hạn tăng 22,56%, các khoản vay ngắn hạn tăng 73% so với năm 2016). Doanh nghiệp tự vay tự trả, mặc dù phải báo với Ngân hàng Nhà nước, nhưng nằm ngoài tầm kiểm soát trực tiếp của Chính phủ. 

Chẳng hạn trong mức tăng đột biến 73% các khoản vay ngắn hạn của doanh nghiệp có khoản vay nước ngoài của công ty Vietnam Beverage (đăng ký là công ty trong nước) khoảng 5 tỷ đô-la mà trước đó chúng ta cứ tưởng phía Thái Lan trực tiếp rót vào ở dạng đầu tư để mua lại cổ phần của Sabeco.

Liên quan đến nợ nước ngoài, nhiều người cứ nhầm tưởng cuộc khủng hoảng hiện nay của Thổ Nhĩ Kỳ là do tranh chấp với Mỹ hai bên áp thuế lên hàng hóa của nhau. 

Thật ra, cũng giống trường hợp Thái Lan vào năm 1997, khủng hoảng nổ ra ở Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu do nợ nước ngoài gây sức ép lên nền kinh tế. Những năm trước đồng vốn giá rẻ thúc đẩy các ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ vay ngoại tệ về cho doanh nghiệp trong nước vay lại. Chỉ cần một hai biến cố làm chủ nợ lo ngại là áp lực thu hồi nợ gia tăng, đồng nội tệ lira mất giá đến 70% từ đầu năm đến nay, khả năng trả nợ khó dần, doanh nghiệp phá sản, hệ thống ngân hàng lung lay… Nói cách khác, đó là cái giá phải trả khi vay nguồn vốn ngoại tệ thay vì dựa vào khả năng tài chính trong nước.

Đã đến lúc Chính phủ phải siết lại các khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp dù dưới dạng tự vay tự trả nếu thực chất chúng là các khoản vốn mua lại cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam. Nếu cứ để các công ty thực chất là của nước ngoài nhưng đăng ký là doanh nghiệp trong nước thì các khoản vay của họ sẽ thành nợ nước ngoài của quốc gia.

Trước mắt Thủ tướng Chính phủ đã giảm hạn mức vay nước ngoài của doanh nghiệp theo dạng tự vay tự trả xuống còn 5 tỷ đô-la, giảm 0,5 tỷ đô-la so với quyết định trước đó; dư nợ vay nước ngoài ngắn hạn của doanh nghiệp không vượt quá số dư nợ vào cuối năm 2017. Đây là những biện pháp tình thế cần thiết trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động. Vấn đề là giữ vững kỷ cương phép nước để không doanh nghiệp nào được vượt rào vay quá hạn ngạch đã đặt ra, đưa các cơ quan quản lý nhà nước vào thế khó như vụ mua lại Sabeco vừa rồi.



Thursday, October 25, 2018

Khát vọng 4.0 và thực tế muốn “quản”


Khát vọng 4.0 và thực tế muốn “quản”

Tại buổi lễ khai giảng khóa mới của trường Chính sách công và Quản lý thuộc Đại học Fulbright vào đầu tuần này, TS Vũ Thành Tự Anh đã đưa ra nhận định: “Đa số chúng ta như những cổ động viên, đứng trên bến cảng hò reo và cổ vũ đoàn tầu 4.0 lướt sóng ra khơi, nhưng lại nhất định không chịu lên tàu”. Đó là cách ông đối chọi giữa sự xôn xao của cả nước về cách mạng công nghiệp 4.0 với thói quen của người Việt Nam: nói nhiều hơn làm.

Khác với cách hiểu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ở các nước, đặc biệt tại Đức nơi xuất phát khái niệm này chỉ xem đây là cách các nhà máy phải cải tiến để có thể tăng năng suất nhờ vào sự kết nối mọi thành phần trong dây chuyền, Việt Nam hiểu cách mạng công nghiệp 4.0 như một sự tổng hòa khi vạn vật kết nối tạo ra sự thông minh trong quản lý sản xuất, khi trí tuệ thông minh nhân tạo, rô-bốt làm thay cho con người trong nhiều hoạt động và khi dữ liệu lớn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra các thuật toán ẩn đằng sau sự vận hành của xã hội…

Cách hiểu như vậy cũng có thể tạo ra một khát vọng không chịu tụt hậu một lần nữa như thời ông ta từng tụt hậu vì chính sách “bế quan, tỏa cảng” và nhờ thế khát vọng này tạo ra động lực thiết kế các chính sách thích ứng với thời đại đang có nhiều biến đổi.

Đáng tiếc, khát vọng thì có – dẫn tới sự hò reo và cổ vũ nhưng hành động thì tréo ngoe như những bước chân rụt rè, thối lui, không chịu lên tàu. Sự dằng co đó nhìn ở đâu cũng thấy.

Dự thảo nghị định mới nhất của Bộ Giao thông Vận tải ngó lơ loại hình “taxi điện tử”, bắt Grab, Go-Viet hay Uber nếu doanh nghiệp này còn hiện diện ở đây chịu chung những quy định kinh doanh như taxi truyền thống. Một dự thảo khác của Bộ Thông tin Truyền thông muốn các nơi cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Netflix, Spotify phải chịu các ràng buộc như doanh nghiệp trong nước.

Cả hai dự thảo này đều có xuất phát điểm là bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp trong nước trước nguy cơ bị các loại hình dịch vụ xuyên biên giới đè bẹp. Sự trăn trở của người làm chính sách là có thật nhưng chỉ đáng ghi nhận khi sự trăn trở đó nhằm bảo vệ người tiêu dùng khỏi các sự cố họ từng gặp phải khi sử dụng Uber hay Grab. Ngược lại, nếu chỉ chăm chăm bảo hộ doanh nghiệp trong nước, nỗ lực chính sách như thế chẳng khác nào chuyện “bế quan, tỏa cảng” ngày xưa. Cơn sóng mô hình kinh doanh mới sẽ còn dội vào và xô đẩy nhiều doanh nghiệp khác; phải để họ làm quen với sóng dữ và tự lớn mạnh; càng che chắn chỉ càng làm họ suy yếu mà thôi

Ở những diễn biến khác, khát vọng 4.0 nếu có cũng bị triệt tiêu bởi tầm nhìn ngắn hạn. Những cá nhân khởi nghiệp sử dụng nền tảng của Facebook, Google, YouTube để thu tiền của người dùng khắp thế giới – hãy khoan chăm chăm vào việc thu cho được thuế từ họ. Họ đã và sẽ nộp thuế nhưng họ cần những chính sách động viên để nhiều người có khát vọng như thế làm được điều họ làm. Amazon đang kêu gọi và tạo điều kiện cho người Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam lên nền tảng này bán hàng cho khách khắp thế giới. Chúng ta đã làm được gì để khuyến khích họ ngoại trừ những tính toán thu thuế?

Mô hình kinh doanh mới dựa vào công nghệ không hẳn toàn màu hồng. Tiền ảo chưa được ứng dụng gì nhiều, lừa đảo đã nở rộ; cho vay ngang hàng chưa tiết kiệm cho nền kinh tế bao nhiêu, rất nhiều gia đình tán gia bại sản vì nó; thanh toán qua điện thoại di động chưa thâm nhập được bao nhiêu người thì dân du lịch Trung Quốc đã lợi dụng nó để trốn thuế. Nhưng nên nhớ không vì các mặt trái này mà các nước cấm đoán những mô hình kinh doanh mới. Giới ngân hàng các nước qua Trung Quốc học cách thanh toán không dùng tiền mặt của WeChat và AliPay. Trung Quốc siết cho vay ngang hàng bằng các quy định ngặt nghèo nhưng vẫn để các nền tảng này hoạt động. Chính phủ nhiều nước vẫn bỏ công sức, tiền bạc để nghiên cứu tiền ảo và công nghệ blockchain.

Nếu chỉ reo hò và cổ vũ, chúng ta sẽ không thấy được mặt trái của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cũng tại buổi lễ khai giảng vào đầu tuần này TS Vũ Thành Tự Anh nhận xét: “Những đột phá có tính cách mạng trong thập kỷ vừa qua về khoa học và công nghệ một mặt đem lại vô vàn cơ hội, song đồng thời cũng tạo ra nhiều thách thức mới như chiến tranh và an ninh mạng, bất bình đẳng trong thời đại kỹ thuật số, hay nguy cơ thất nghiệp trên diện rộng của lao động kỹ năng thấp do những đột phá về tự động hóa và rô-bốt hóa”.

Nhưng nếu rụt chân không chịu lên tàu bằng cách đẻ ra các chính sách như thể chúng ta vô can thì tốt hơn hết là đừng nói gì thêm về cách mạng công nghiệp, kể cả thụt về 3.0.

Monday, October 15, 2018

Giảm biên chế giáo viên


Bài toán giảm biên chế giáo viên

Hiện đang nảy sinh một nghịch lý, nhiều nơi đang thiếu giáo viên (theo Bộ Nội vụ, tổng cộng 29 tỉnh, thành đề xuất tuyển thêm hơn 40.000 người) nhưng không được tuyển thêm có nơi lại đang tìm cách cắt giảm 10% biên chế giáo viên như một bước quan trọng cụ thể hóa chủ trương sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn trước năm 2021.

Nghịch lý này nói lên nhiều điều; trong đó quan trọng nhất là nguyên tắc cắt giảm bất kỳ biên chế nào cũng chỉ thành công khi có kế hoạch chuyển đổi việc làm cho các biên chế bị cắt giảm. Thập niên 1990 hàng loạt cán bộ, viên chức rời bỏ việc làm trong biên chế nhà nước và ngay lập tức được thị trường lao động đón nhận bởi chủ trương khuyến khích sự ra đời và lớn mạnh của khu vực kinh tế tư nhân và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Tương tự, chủ trương “giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước” phải gắn liền với “giảm mạnh về đầu mối, tối thiểu bình quân cả nước giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập”.

Giảm như thế đòi hỏi phải có những chương trình rất cụ thể, chẳng hạn cổ phần hóa, chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp như các hãng phim, nhà hát cải lương, trung tâm ca nhạc nhẹ, đoàn nghệ thuật múa rối, đoàn xiếc, trung tâm thông tin triển lãm, các viện bảo tàng, thư viện… Hiện nay chỉ mới cổ phần hóa hãng phim truyện Việt Nam mà cũng đã trầm trầy trầm trật, phải thanh tra và thay nhà đầu tư. Nếu không có một chương trình tổng thể, một nhạc trưởng chỉ huy việc chuyển đổi, làm sao trông mong giảm được 10% biên chế nếu không bằng cách dễ nhất là giảm giáo viên?

Một minh họa khác, chính Tổng giám đốc VTV Trần Bình Minh cho biết tại buổi làm việc giữa Thủ tướng Chính phủ và Bộ Thông tin-Truyền thông, hiện nay nhân lực làm trong ngành truyền hình đang thừa nhiều quá. Thử nghĩ vì sao tỉnh thành nào cũng có đài truyền hình để cuối cùng tính ra cả nước có đến 67 đài truyền hình và trung tâm truyền hình (một đài truyền hình địa phương trung bình có 100 người, nhiều hơn là 150 -200 người)! Phải có chủ trương chuyển các đài truyền hình này thành một bộ phận gọn nhẹ chuyên lo video trong một nền tảng đa phương tiện chủ yếu dựa vào Internet thì mới giải quyết được tình trạng thừa nhân lực như ông Minh nói.

Theo kết quả tổng điều tra kinh tế năm 2017 mà Tổng cục Thống kê mới công bố, so với năm 2012, số đơn vị hành chính, sự nghiệp tăng 2,3% lên 143.700 đơn vị và lao động tăng 11,3% lên 3,8 triệu người. Nếu tách ra, chúng ta có 34.800 đơn vị hành chánh (gần 1 triệu người); 73.600 đơn vị sự nghiệp (gần 2,5 triệu người); 35.100 đơn vị thuộc tổ chức chính trị, đoàn thể, hiệp hội (trên 237.000 người).

Trong các đơn vị sự nghiệp, chiếm tỷ lệ lớn nhất vẫn là ngành giáo dục (61,7% về cơ sở, 68,7% về lao động), sau đó là ngành y tế tỷ lệ tương ứng là 19,3% và 17%. Các ngành khác chỉ có tỷ lệ nhỏ. Chính vì vậy khi triển khai chủ trương “giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước” đến năm 2021 thì các địa phương biết nhìn vào đâu nếu không nhìn vào ngành giáo dục? Thế nhưng chú ý vào cụm từ “hưởng lương từ ngân sách nhà nước” chúng ta sẽ thấy chỉ cần các đơn vị sự nghiệp như các chi cục thú y, chi cục bảo vệ thực vật, trung tâm khuyến nông, trung tâm công nghệ thông tin, cảng vụ… chuyển đổi mô hình hoạt động, tự chủ về tài chính, thậm chí chỉ cần chuyển đổi quan hệ lao động thì mục tiêu giảm 10% biên chế vẫn có thể đạt được mà không cần nhìn vào ngành giáo dục như hiện nay.

Quay trở lại vấn đề giảm biên chế giáo viên, một điểm khác có thể rút ra là việc tuyển dụng giáo viên lại không nằm trong thẩm quyền của ngành giáo dục mà nằm trong tay chính quyền địa phương. Để thay đổi điều này, trách nhiệm chính là ở Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bộ phải có những nghiên cứu, có ứng dụng công nghệ thông tin, để dự báo cho chính xác nhu cầu giáo viên của từng cấp học, từng địa phương, xác định rõ cung cầu giáo viên từng thời điểm để từ đó chuyển thông tin chính xác về các sở Giáo dục – Đào tạo ở từng tỉnh thành, các phòng Giáo dục – Đào tạo ở từng huyện để những nơi này, trong giai đoạn đầu, tham mưu cho chính quyền địa phương trong tuyển dụng hay giảm biên chế giáo viên. Chính quyền địa phương là nơi trả lương cho giáo viên nên họ có quyền tuyển dụng hay sa thải nhưng Bộ phải đòi hỏi thông tin đầu vào của mình phải được đáp ứng – bằng không chính quyền trung ương sẽ cắt giảm ngân sách cho địa phương đó theo đề nghị của Bộ.

Từng bước Bộ phải xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý ít nhất là giáo viên cấp phổ thông trung học để có thể tiếp nhận, điều động giáo viên từ địa phương thừa đến địa phương thiếu. Giáo dục mà làm theo đơn vị huyện thì khó lòng điều chuyển giáo viên thừa ở huyện này đến huyện khác đang thiếu nên vai trò của Bộ cũng phải là đầu mối nắm rõ thông tin cụ thể, chi tiết đến từng giáo viên khi đó mới đòi được quyền can thiệp vào quy trình tuyển dụng nhân lực cho ngành.  

Điểm thứ ba rút ra từ nghịch lý nơi thừa nơi thiếu giáo viên là chuyện biên chế hay hợp đồng. Vướng mắc hiện nay phần nào cũng do chúng ta quá xem nặng chuyện biên chế trong khi không thấy được biên chế đang là rào cản cho ngành giáo dục cải tổ chất lượng đội ngũ giáo viên của mình. Những giáo viên không theo kịp các cải cách của ngành không bị đào thải theo quy luật để nhường chỗ cho thế hệ mới được đào tạo bài bản hơn.

Ngay cả đề xuất tuyển 40.447 giáo viên của 29 tỉnh thành chỉ vướng mắc ở khía cạnh biên chế chứ còn ký hợp đồng lao động bình thường như những ngành khác thì đâu có vấn đề gì – địa phương đã đề xuất, ắt đã có kinh phí để trả lương. Kết hợp với thông tin từ Bộ về nhu cầu giáo viên, chuyện tuyển thêm giáo viên cho phù hợp với lượng học sinh tăng lên là hoàn toàn có thể giải quyết dễ dàng. Việc chạy chọt để có một chỗ dạy thực chất cũng vì quan niệm “biên chế nhà nước” chứ dùng quan hệ hợp đồng để chi phối, ắt nạn chạy việc không đến nỗi như dư luận phản ánh. Hiện nay số giáo viên dạng hợp đồng chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ, chủ yếu ở cấp tiểu học và trung học cơ sở; hầu hết giáo viên cấp phổ thông trung học đều nằm trong biên chế.  

Để dư luận hiểu đúng bản chất của câu chuyện biên chế, thiết nghĩ không nên sử dụng cụm từ “bỏ biên chế” mà chỉ nói rõ giáo viên không phải là công chức hay viên chức nhà nước. Giáo viên là giáo viên cùng với những trách nhiệm và quyền lợi mà nhà nước phải lo như một đội ngũ nhân lực quan trọng để đào tạo những thế hệ công dân tương lai. Thậm chí sửa luật để có thêm một danh xưng trong hành chính cho danh chính ngôn thuận cũng không phải là vấn đề lớn.


Saturday, October 13, 2018

Phạt tiền trong giáo dục


Phạt sao cho đúng

Giới giáo chức lại xôn xao vì một dự thảo xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, nghe đâu mức phạt tối đa đối với cá nhân lên đến 50 triệu đồng. Thật ra các báo khi đưa tin đều nhầm lẫn về dự thảo này.

Đây là một nghị định được dự thảo để thay thế Nghị định số 138/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013. Nói cách khác chuyện phạt dạy thêm không phép, phạt hành vi xúc phạm danh dự hay thân thể nhà giáo là đã có từ năm năm nay chứ không phải là tin mới.

Nhìn qua thì thấy dự thảo này mới so với Nghị định mà nó thay thế ở chỗ tăng mức phạt lên, tăng cả tiền lẫn xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy phép, chia nhỏ các hình thức vi phạm, bổ sung các hành vi vi phạm…

Thế nhưng ở đây có một chuyện trái khoáy: Nghị định xử phạt vi phạm hành chính thường phải dựa vào luật; chẳng hạn, luật quy định giáo viên không được “ép buộc học sinh học thêm để thu tiền” thì khi đó Nghị định mới đưa ra mức phạt để chế tài các hành vi vi phạm điều này. Hiện nay Luật Giáo dục (sửa đổi) vẫn còn nằm trên bàn các đại biểu Quốc hội, đã được đem ra tranh luận nhiều lần, đã có đến 5 bản dự thảo vẫn chưa ngả ngũ. Luật gốc chưa có đã vội vàng đưa ra dự thảo nghị định xử phạt hành chính, làm sao biết được hành vi nào là vi phạm để xử phạt đây?

Ở đây chỉ xin lấy một ví dụ minh họa từ dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) lần thứ 5 hiện có trên trang Dự thảo Online của Quốc hội. Trong các hành vi mà nhà giáo không được làm ở điều 69, có chuyện “ép buộc học sinh học thêm để thu tiền”. Như thế Nghị định chỉ có thể xử phạt hành vi “ép buộc học sinh học thêm để thu tiền” chứ làm sao có thể quy định: “Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường”. Nói như vậy hóa ra giáo viên trường tư thì dạy thêm thoải mái, giáo viên trường công lại bị cấm!

Ép buộc học sinh của mình đi học thêm ở nhà mình là một hành vi đáng lên án, phạt bao nhiêu cũng được, phạt càng nặng, phụ huynh càng đồng tình. Nhưng viết như dự thảo không lẽ bất kỳ giáo viên có biên chế nào tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường điều bị phạt, kể cả dạy cho học sinh trường khác, kể cả dạy thêm ở các lớp tình thương, kể cả dạy thêm cho con em hàng xóm không lấy tiền? Đã gọi là quy định pháp luật thì phải viết cho chặt chẽ, bao quát hết mọi tình huống. Trong đời thật không hiếm trường hợp cô giáo, thầy giáo tổ chức dạy thêm ở nhà cho các em thất học, ra đời sớm, các em con nhà nghèo không đủ khả năng đi học chính thức. Không lẽ đi phạt những thầy cô này chỉ vì soạn dự thảo không rõ ràng, thiếu chặt chẽ?

Rất có thể chúng ta sẽ đồng tình với quy định: “Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi dạy thêm cho học sinh tiểu học hoặc học sinh đã học hai buổi trên ngày” bởi tệ nạn o ép học sinh nhỏ tuổi, luôn sợ và nghe lời thầy cô để ép học thêm không cần thiết. Thế nhưng viết như dự thảo hàm ý giáo viên nào dạy thêm cho học sinh không phải là tiểu học hay không học ngày hai buổi là ổn, không bị phạt? Hiểu như thế là ngược với các quy định khác về các hành vi vi phạm chuyện dạy thêm khác.

Hay với quy định này: “Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá để đưa vào nội dung dạy thêm, dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá”. Rõ ràng ai cũng sẽ đồng tình chuyện phạt giáo viên nào nhẫn tâm cắt giảm nội dung khi dạy chính khóa để ép học sinh đi học thêm mới được dạy đầy đủ. Thế nhưng với vế sau của quy định “dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá” làm sao phạt được và tại sao lại phạt. Giả thử giáo viên được cấp phép dạy thêm một cách đàng hoàng, họ dạy cho học sinh bằng cách đi trước chương trình một hai bài cũng không được?  Vì sao?

Nghị định cũ quy định về các vi phạm trong chuyện dạy thêm rất gọn nên chặt chẽ. Đó là dạy thêm không đảm bảo cơ sở vật chất theo quy định; không đúng đối tượng; không đúng nội dung đã được cấp phép; khi chưa được cấp phép. Chỉ chừng đó thôi chứ không chẻ nhỏ ra như dự thảo nghị định thay thế.

Khi các luật làm nền tảng cho nghị định xử phạt hành chính chưa thay đổi hay không thay đổi các quy định liên quan đến chuyện dạy thêm thì không được tự tiện thay đổi nội dung hành vi bị xử phạt chỉ nhằm để tiện lợi cho việc quản lý hành chính của mình.



Nhà hát giao hưởng và “post-truth”


Nhà hát giao hưởng và “post-truth

Trong một bài trước đây, chúng ta đã có dịp làm quen với khái niệm “hậu sự thật” (post-truth), là tình huống khi người ta không còn dựa vào dữ kiện khách quan để minh định đúng sai mà mọi tranh luận đều dựa vào xúc cảm hay niềm tin của cá nhân. Trong thực tế hiện tượng “hậu sự thật” diễn ra ngày càng rõ nét, đang chi phối các dòng tự sự của xã hội.

Lấy ví dụ cuộc tranh cãi nên hay không nên bỏ ra hơn 1.500 tỷ đồng xây nhà hát giao hưởng tại Thủ Thiêm. Ở đây không dám nói bên nào đúng bên nào sai; chúng ta chỉ xem “hậu sự thật” chi phối lập luận của hai bên như thế nào?

Rất ít ý kiến dựa vào “facts” (dữ kiện khách quan) – những “facts” rất quan trọng có thể làm chuyển hướng cuộc tranh luận. Chẳng hạn, không thấy ai lập luận, ngày xưa, tức từ năm 1999, TPHCM đã quyết định xây nhà hát giao hưởng tại số 23 Lê Duẩn – nay khu đất này bán đi thì tiền thu được (gần 1.700 tỷ đồng) phải dành cho việc xây nhà hát giao hưởng (bởi lý do bán trụ sở Công ty Xổ số kiến thiết là để xây nhà hát). Đó là xuất phát điểm mà thiết nghĩ mọi người phải chú ý đến. Nếu có tranh cãi, chỉ nên tranh cãi xem xây ở nơi nào là hợp lý (chẳng hạn có nên xây ở Công viên 23-9 như kế hoạch từ năm 2009 hay dời sang Thủ Thiêm như quyết định từ năm 2016).

Các “facts” khác cũng quan trọng như sự việc Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch TPHCM là một thực thể đã tồn tại từ năm 1993, hiện vẫn hoạt động biểu diễn khá thường xuyên. Không ai chịu đi hỏi họ biểu diễn tại Nhà hát Thành phố thì có trở ngại gì không, số khách xem nhiều hay ít. Ví dụ vào ngày 28/10 sắp tới Nhà hát Giao hưởng có chương trình nhạc kịch “Con Dơi” giá vé từ 350.000 đến 900.000 đồng; tháng 11 có vũ kịch Giselle nổi tiếng… Giả dụ có người đến dự, chụp được khán phòng đông cứng chật nít hay vắng hoe chỉ có vài người – có lẽ cuộc tranh luận có nên xây nhà hát giao hưởng không sẽ không mắc bẫy “post-truth”.

Tình hình “hậu sự thật” đậm nét ở buổi đầu cuộc tranh luận khi nó diễn ra chủ yếu trên mạng xã hội – đến khi chuyển sang báo chí chíng thống, tính “hậu sự thật” giảm dần vì nhiều báo cũng cố công đi tìm dữ kiện khách quan, phỏng vấn được những người trong cuộc.

Tranh luận có nhiều mục đích; những cuộc tranh luận hữu ích đều cố tìm giải pháp. Và giải pháp chỉ xuất hiện nếu dựa vào “dữ kiện khách quan” chứ còn dựa vào xúc cảm, tức rơi vào tình huống “hậu sự thật” thì có thể thuyết phục người nghe một bên, gây bức xúc ở bên còn lại chứ đích đến là giải pháp ngày sẽ càng xa vời.

Dòng thời sự hàng ngày luôn có các tình huống post-truth như thế khi “fact” được đưa ra nửa vời hay cắt khúc để tô đậm thiên kiến đã có sẵn.

Nếu bỏ công nghe ông Trump nói về việc cử người thay đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc vừa mới từ chức, sẽ thấy ông ta đâu có ý định cử con gái là Ivanka đâu. Có ai đó nhắc đến tên Ivanka, ông Trump bèn nói, đại ý, con tôi mà làm thì ngon lành rồi nhưng thiên hạ sẽ chê cười đó là nạn gia đình trị. Ý này được nói tới nói lui nhiều lần. Thế mà nhiều báo rút tít “Trump nói không ai có năng lực bằng con tôi khi thay Nikki Haley làm đại sứ tại LHQ”; “Trump nói Ivanka sẽ rất năng động ở LHQ”; “Trump tin con gái Ivanka sẽ ‘xuất sắc’ nếu làm đại sứ LHQ”; “Trump tuyên bố con gái ông là người phù hợp nhất cho vị trí đại sứ Mỹ tại LHQ”. Dĩ nhiên trong phần đưa tin, hầu hết đều tường thuật đúng những gì ông Trump nói về gia đình trị nhưng rút tít như thế (các tít này được chia sẻ mạnh trên mạng xã hội) là không đúng, không sòng phẳng, là một dạng “hậu sự thật”.

Một ví dụ ngược lại cũng liên quan đến ông Trump. Dẫn nguồn một khảo sát của Media Research Center cho thấy 92% tin tức về Donald Trump trên các đài ABC, CBS và NBC là tiêu cực, ông Trump bèn nhắc lại kết luận này và kèm một lời nói thêm - “fake news”. Tin giả như hầu hết mọi người đều thừa nhận là tin nói không thành có, tin bịa đặt, tin sai lệch – tức phải dựa trên “dữ kiện khách quan” đối chiếu với thực tế mới có thể xác định một tin có phải là “fake news” hay không. Đằng này với ông Trump, tin giả đồng nghĩa với tin tiêu cực, tin xấu, tin nói không hay về ông. 

Cách dán nhãn mọi ý kiến, mọi nhận định không hợp ý mình là “tin giả” có lẽ là một minh họa rõ nét nhất cho hiện tượng “hậu sự thật” mà xã hội hiện đại đang chứng kiến với quy mô chưa từng có.

Cập nhật: Xin bổ sung một "fact" rất thú vị của nhà báo Lưu Trọng Văn: Giá trị thật của nhà hát giao hưởng xây ở Thủ Thiêm phải cộng thêm giá trị đất mà ông tính đâu khoảng 2.400 tỷ đồng, tức cộng lại phải là 3.9000 tỷ đồng.



Cố tình nói chưa hết ý


Cố tình nói chưa hết ý

Nhiều người khen bài “Surprising Truths About Trade Deficits” của GS Gregory Mankiw là hay, dễ đọc. Đúng là bài này phê phán quan điểm thương mại của Tổng thống Donald Trump, nhất là về thâm hụt thương mại một cách dễ hiểu, thậm chí học sinh trung học đọc cũng hiểu được cặn kẽ ý tác giả. Có lẽ tác giả chọn lối viết này để nhỡ Trump có đọc thì cũng hiểu một giáo sư kinh tế đại học Harvard muốn nói gì.

Tuy nhiên, tác giả đã nói không hết ý. Hay nói cách khác, để chê Trump hiểu sai về thâm hụt thương mại, lẽ ra tác giả phải nói thẳng, đây là lợi thế trời cho của Mỹ, có khùng mới đòi giải quyết thâm hụt. Lẽ ra tác giả phải mắng Trump, ở đó mà than thâm hụt, nếu không thâm hụt, thế giới đâu thèm dùng đô-la Mỹ làm đồng tiền dự trữ như hiện nay!

Đầu tiên xin tóm tắt ý chính của bài “Surprising Truths About Trade Deficits”: Tổng thống Trump thường lẫn lộn, cho rằng Mỹ chịu thâm hụt mậu dịch tức Mỹ đang thua thiệt. Mankiw bác bỏ bằng cách ví von chuyện gia đình ông đi ăn tối tại tiệm không mua cuốn sách nào của ổng, tức ông đang chịu thâm hụt với tiệm ăn này. Điều này không sao cả vì ông có thặng dư với nơi khác như báo NYT đang trả nhuận bút cho ông cao gấp nhiều lần tiền ông trả để mua báo.

Xét tổng thể thương mại với mọi nước, một sự thâm hụt chỉ đáng lo khi nước chịu thâm hụt không đủ khả năng chi trả trong tương lai cũng như một gia đình làm ra thì ít, ăn tiêu lại nhiều. Nếu gia đình này mua xe hơi, tức chịu thâm hụt lớn nhưng không đáng lo nếu họ có khả năng trả dần nên cả nước cũng vậy. Dù sao thâm hụt tổng thể của một nước là do cách chi tiêu và tiết kiệm của nước đó chứ đâu phải do các đối tác thương mại đang có thặng dư?

Lập luận trên có lẽ đúng với hầu như mọi nước trên thế giới – trừ Mỹ. Mỹ có một lợi thế trời cho, một đặc quyền hiếm có – xách tiền của chính mình (tức đồng đô-la Mỹ) trực tiếp đi mua hàng khắp nơi trên thế giới chứ không cần chuyển qua đồng tiền trung gian nào cả. Nước khác chịu thâm hụt trước sau khi cũng chịu sức ép lên đồng tiền của nước mình còn Mỹ thì không. Các nước nhận tiền của Mỹ để bán hàng cho Mỹ phải cố gắng duy trì giá trị của nó, bằng không họ sẽ chịu thua thiệt.

Nói cách khác, Mỹ phải chọn lựa giữa hai cái: một là thâm hụt và đồng tiền nước mình được sử dụng làm đồng tiền dự trữ cho thế giới; hai là giảm thâm hụt thì thế giới đâu có đủ đô-la Mỹ để tạo thanh khoản. Chọn một trong hai chứ không thể chọn cả hai. Mỹ luôn phải đi vay về để chi tiêu – họ làm điều đó một cách khoái trá vì chi phí in tờ bạc 100 đô-la màu xanh ít hơn rất nhiều so với mớ hàng hóa tờ 100 đô-la đó có thể đổi được.


Cryptocurrency

  Phép thử tiền crypto   Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocur...