Phép thử tiền crypto
Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến
41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocurrency hay crypto), đứng nhất
thế giới luôn. Nghe còn ấn tượng hơn là 28% trong số này có đầu tư vào bitcoin!
Hãng nghiên cứu Chainalysis cũng có kết luận tương tự.
Cũng như thông tin hình chụp bức tranh này, hình số hóa chiếc
giày kia được bán đấu giá mấy triệu đô-la, các mẩu tin về thế giới tiền ảo gây
hoài nghi, tò mò và thắc mắc liệu thế giới chúng ta đang sống có đang rơi vào
chỗ điên loạn khi người ta tranh nhau mua những đồng tiền được đặt tên theo những
con chó một cách đùa giỡn! Nhưng cũng có nhiều người tin vào cái tương lai của
thế giới ảo đó – hăm hở tìm hiểu để tránh lỡ chuyến tàu làm giàu của thế kỷ. Giải
thích như thế nào đây, cái hiện tượng kỳ lạ này?
* * *
Không đợi đến khi Yuval Harari viết cuốn Sapiens, người ta mới
biết các khái niệm như thượng đế, đất nước, tiền, doanh nghiệp… là không có thật,
là các thực thể chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của con người. Người ta đẻ những
khái niệm đó ra để làm nền tảng gắng kết con người lại với nhau, nâng con người
từ mức độ một động vật như bao động vật khác lên thành một loài độc đáo, biết
kiềm chế để hợp tác làm nên những điều kỳ vĩ.
Thế tại sao không suy nghĩ những khái niệm mới nảy nòi sau
này như cái Metaverse của Mark Zuckerberg hay hàng loạt khái niệm kỳ lạ như NFT
(non-tangible tokens – bản sao kỹ thuật số duy nhất của một tác phẩm), Bitcoin
và hàng loạt đồng tiền mã hóa khác… cũng là những thực thể không có thật sẽ tồn
tại trong trí tưởng tượng của những thế hệ sau này. Nếu thế hệ trước tin vào cái cấu
trúc tập trung của xã hội, có thứ bậc, trên dưới thì thế hệ sau đòi mọi thứ phải
phi tập trung, ngang hàng. Và thời điểm hỗn loạn của thế giới ảo hiện
nay là lúc các khái niệm phi tập trung đó được rao giảng, được nhào nặn, lý
thuyết hóa để sẽ có những nhóm người tin chúng như các thế hệ trước tin vào tờ
giấy của các chính phủ phát hành và bảo đó là tiền. Chúng ta từng tin vào hàng
loạt khái niệm không có thật thì đã sao.
Trong một thời gian dài, người nào ra kinh doanh là đem toàn
bộ tài sản kể cả nhà cửa, vườn tược ra đặt cược cho các thương vụ bán buôn.
Thua lỗ, nợ nần là rất dễ bị xiết hết gia sản. Rồi có lẽ một nhóm “doanh nhân”
nào đó ngồi lại, nghĩ ra khái niệm “trách nhiệm hữu hạn” để chỉ ràng buộc trách
nhiệm của người sản xuất, kinh doanh vào một số vốn nhất định mà họ đưa vào
thương trường mà thôi. Trước đó công ty trách nhiệm hữu hạn không hề tồn tại; sau
khi luật lệ ra đời, nó cũng không hề tồn tại trên cuộc đời này nhưng lại rất thực
trong tâm trí những người liên quan, cùng chia sẻ niềm tin được thiết lập bằng
luật lệ. Ngày nay không ai nói khái niệm một công ty chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn
là điên rồ cả.
Ngược lại, bây giờ mà nói “quân xử thần tử, thần bất tử bất
trung”, ắt hẳn mọi người sẽ nói đồ khùng; hay giới trẻ sẽ cười khi nghe khuyên
“gái thời tiết hạnh làm câu trau mình”. Với thế hệ sau, quan hệ giữa vị tổng thống
một nước với người dân nước đó hay quan niệm trinh tiết đã thay đổi tận gốc rễ.
Điều muốn nói là ở thời nào người ta cũng cùng nhau tin vào một số khái niệm thì
những khái niệm đó sẽ trở thành chân lý đúng đắn, không có gì bàn cãi.
Nay một đồng tiền mà mỗi lần đem ra tiêu xài phải tìm đỏ mắt
mới có nơi chấp nhận, mỗi giao dịch phải chờ vài phút đến vài chục phút và tiêu
tốn cả ngàn ký điện… có người cho là điên nhưng cũng có người hoan hô. Đó là
bitcoin. Một hình chụp bìa báo Economist thành một tác phẩm mang tên NFT được
tranh mua với giá gần nửa triệu đô-la, chúng ta cho là khùng nhưng vẫn có người
mua đấy thôi.
Thôi thì những người lớn tuổi đã quen với các khái niệm cũ
được dày công vun đắp biết bao thế hệ hãy cứ hoài nghi và tránh xa các món vật
phẩm mới trong cái “đa thế giới” mà các thế hệ sau đang tìm cách xây dựng rồi
vun đắp theo kiểu của họ. Thế hệ trẻ cứ hăm hở với các khái niệm xa lạ như tài
chính phi tập trung (DeFi), chuỗi khối (blockchain), tiền mã hóa, hợp đồng
thông minh, tổ chức tự chủ phi tập trung (DAO)… và cứ trò chuyện với nhau để dần
biến những khái niệm này thành “chân lý” như kiểu “công ty trách nhiệm hữu hạn”
ngày xưa.
* * *
Chỉ có một điều: cho dù 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã
hóa thật đi chăng nữa, 59% còn lại không mà tiền mã hóa ắt không muốn nửa thế
giới kia giả dụ có sụp đổ sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Tức nền kinh tế tiền
mã hóa dù có tiềm năng hay tăng trưởng mạnh mẽ đến đâu cũng nên được gói gọn lại
chứ đừng để tác động lên nền kinh tế thật với các sản phẩm thật.
Muốn vậy, cách tốt nhất là các nước ra quy định làm nên các rào
chắn ngang cách hai thế giới hay cụ thể hơn, các sàn giao dịch tiền mã hóa cứ
mua bán với nhau thoải mái nhưng không được đổi từ tiền mã hóa ra tiền thật.
Kể cũng lạ, những người cổ súy cho các đồng tiền mã hóa như
bitcoin đều nhấn mạnh đến sự yếu kém của đồng tiền truyền thống như bị nhà nước
kiểm soát, giao dịch tốt kém, thế tại sao họ không dùng các đồng tiền đã được
sinh ra khá nhiều rồi đấy để mua bán với nhau, đừng dính líu gì đến đô-la Mỹ
hay euro hay bảng Anh nữa. Và kể cũng lạ, các đồng tiền mã hóa thay nhau ra đời
nhưng hình như chỉ để trao đổi với đô-la Mỹ để tự khen nhau khi so sánh giá tăng
lên vùn vụt với các đồng tiền truyền thống. Nếu không so sánh làm sao biết giá
trị thật của bitcoin là bao nhiêu khi rất hiếm khi đồng tiền này được sử dụng để
đi chợ, mua hàng.
Có thể đoan chắc nếu buộc người đầu tư vào các đồng tiền mã
hóa chỉ được dùng tiền thật để mua chứ không được dùng đồng tiền mã hóa để bán
rồi mua lại tiền thật, tức chỉ có vào chứ không có ra thị trường này sẽ sớm xẹp
như bóng xì hơi.
* * *
Hiện nay chính sách của các nước đang đi theo hướng này, hoặc
cấm hoặc cảnh báo các hoạt động giao dịch tiền mã hóa và các loại token không
được xem chúng là tiền. Mua bán các NFT để sau này trong thế giới ảo người sở hữu
có thể hãnh diện khoe họ là chủ thì bình thường nhưng tạo sàn giao dịch rồi cho
đổi từ tiền mã hóa sang tiền thật là bị cấm. Binance, sàn giao dịch tiền mã hóa
lớn nhất thế giới đã bị như thế ở Anh, Italia, Đức, Hà Lan, Nhật Bản, Trung Quốc…
Cách tiếp cận của Mỹ là bảo vệ nhà đầu tư, tức người dân nước
họ khi bỏ tiền vào mua các loại tiền mã hóa. Vì thế giới quản lý nước này buộc
các sàn kê khai cụ thể như ví tiền mã hóa của khách để ở đâu, dữ liệu giao dịch
lưu ở nước nào, ai chịu trách nhiệm mỗi khi có kiện tụng xảy ra. Đặc biệt Cục dự
trữ liên bang nước này (Fed) rất quan tâm đến đồng stablecoin, tức đồng tiền mã
hóa gắn chặt giá trị với đô-la Mỹ bởi như thế là làm loãng khả năng điều hành
tiền tệ của họ.
Châu Âu cũng đang soạn luật để quản lý thị trường tiền mã
hóa, trong đó sẽ cấm các đồng tiền stablecoin trả lãi và lưu hành. Nhiều nhà
làm luật kêu gọi phải soạn quy định nhanh lên trước khi các stablecoin lấn sâu
vào thị trường tiền tệ làm một tỷ lệ lớn không nằm trong sự kiểm soát của chính
quyền các nước. Nhưng ưu tiên của châu Âu hiện nay là ngăn chặn việc sử dụng tiền
mã hóa để rửa tiền và tài trợ cho khủng bố.
Tuy nhiên, có nước xua đuổi thì cũng có nước mời gọi tiền mã
hóa vào nước họ đầu tư. Chẳng hạn, theo tờ New York Times, Ukraine đang cố gắng
trở thành “thủ đô” của tiền mã hóa; tháng 9 vừa rồi mới thông qua luật hợp pháp
hóa bitcoin. Chính phủ nước này đang đưa ra nhiều ưu đãi để lôi kéo các doanh
nghiệp chuyên về tiền mã hóa dọn về đây như một phương cách thúc đẩy nền kinh tế
và xây dựng lại hình ảnh một đất nước từng chịu tai tiếng về tham nhũng, tai tiếng
tài chính.
Vấn đề nằm ở chỗ các doanh nhân công nghệ nếu có dồn về Ukraine
là do các yếu kém của nước này để họ rảnh tay suy nghĩ đủ loại sản phẩm nhằm
hút tiền của thiên hạ. Giới quản lý tài chính Ukraine càng ít biết về họ, càng
không hiểu gì về sản phẩm họ chào bán, càng mơ hồ về tình hình tài chính của họ,
các công ty này càng mừng. Âu đó cũng là mâu thuẫn của cái thế giới ảo khi hết
lời ca tụng về các đồng tiền mã hóa nhưng khi có lãi lại đổi ra tiền đô-la hay
euro để có tiền thật cầm trong tay mới mua được du thuyền hay máy bay riêng.
No comments:
Post a Comment