Wednesday, December 13, 2017

Vòng kim cô Facebook

Nhảy khỏi vòng kềm tỏa của Facebook

Một hôm có chàng trai buồn bã đến gặp vị thiền sư, nói: “Thưa thầy, không biết vì sao dạo này tâm con bất định, suy nghĩ mông lung, không dứt khoát được chuyện gì?” Thiền sư bèn đưa tay giật lấy chiếc điện thoại trong tay chàng trai, chưa kịp nói gì thì chàng trai đã nhanh nhẩu thốt lên, như thể ngộ ra: “Thưa thầy con hiểu rồi. Ý thầy nói con nên dùng Google để tìm hết mọi chân lý cuộc đời chứ gì!” Thiền sư lắc đầu đáp: “Không, con. Ta chỉ muốn bảo con về tháo gỡ ứng dụng Facebook đi mới mong tìm được sự thanh thản và minh triết”.

Gạt bỏ chuyện chọc cười sang một bên, rõ ràng hiện nay nhiều người bỏ ra nhiều giờ cho Facebook nhưng chưa hiểu gì mấy về cơ chế hoạt động của nó. Nếu bắt chước lối nói gây sốc của nhà sử học Yuval Harari, cũng có thể khái quát, rằng mọi người không phải đang “chơi” Facebook mà Facebook đang biến mọi người thành nô lệ, quần quật làm công không lương cho nó!

Yaval Harari, tác giả cuốn Sapiens, Lược sử loài người thì kiêu khích, rằng đâu phải con người thuần hóa cây lúa mì; đúng ra cây lúa mì thuần hóa con người. Chứ gì nữa: lúa mì bắt nhân loại lao động miệt mài để chăm sóc nó, nhổ cỏ, bón phân, tưới nước; thậm chí sống quần cư quanh lúa mì để suốt đời phụng sự cho nó.

Chúng ta thì tự hỏi, Facebook có chút giá trị nào không khi không có ai thèm viết các dòng trạng thái rồi vào đọc tin tức của bạn bè, nhấn thích, nhấn chia sẻ… Cái giá trị mấy chục tỷ đô-la của Facebook là nhờ cả hai tỷ người đang miệt mài viết cho nó, biến nó thành cơ thể sống mà họ là các tế bào nhiệt tình nhất. Và trong quá trình đó, Facebook đang tác động đến con người ở nhiều góc cạnh không ai ngờ đến.

Nhốt con người trong những bong bóng ngăn cách vô hình

Ai cũng bảo, ưu điểm lớn nhất của Facebook là kết nối mọi người, bất kỳ ở đâu, bất kỳ lúc nào. Có đúng thế không khi cơ chế hoạt động của Facebook dần dần sàng lọc để chỉ còn những nhóm cùng suy nghĩ, cùng quan điểm chơi với nhau. Câu dọa thường thấy nhất là, đừng nói bậy, bị block (chặn) giờ. Riết rồi trong danh sách bạn bè của một người không còn bóng dáng của người “bất đồng chính kiến”, chỉ còn những kẻ “đồng thanh tương ứng”, thật lòng hay miễn cưỡng.

Đó là do người dùng chọn lựa nhưng quan trọng hơn Facebook có những thuật toán rất tinh vi. Nếu để yên không sàng lọc, không người nào hàng ngày có thể đọc hết những gì bạn bè viết hay chia sẻ trên Facebook.Sàng lọc thì phải sắp xếp ưu tiên để làm biên tập viên vô hình cho người dùng. 

Thế là, thấy người dùng thích gì, chia sẻ gì vài lần là sau đó Facebook sẽ bày mâm bày bát chủ yếu các món tương tự cho họ, ưu tiên cho cái gì vui vui, hấp dẫn, bắt mắt, không cãi cọ. Vì thế người thích tiệc tùng sẽ thấy toàn các chia sẻ ăn chơi, người thích du lịch sẽ thấy nhiều chia sẻ về thắng cảnh, người thích chính trị sẽ thấy toàn các dòng trạng thái đầy trăn trở trước mọi chuyển biến của xã hội. Và dần dà cái thế giới của Facebook mênh mông như thế nhưng lại gồm vô số các bong bóng đóng khung người dùng, nhốt họ trong đó, với cái thế giới của riêng họ.

Thoạt đầu nhiều người hy vọng nền tảng Facebook sẽ mở rộng tầm nhìn cho họ, giúp họ tiếp xúc với các quan điểm khác nhau, cọ xát với những lập luận đối chọi. Thực tế việc tranh luận lành mạnh trên không gian Facebook gần như là không thể, tất cả phải nhường bước cho sự cả vú lấp miệng em vì trên đó cũng có những kẻ chuyên gây hấn, những kẻ hà dùa, những người to miệng thích bắt nạt kẻ yếu hơn, y như trong đời thật, lại không có những ràng buộc mà nền văn minh nhân loại dày công dựng nên để chi phối ứng xử của con người với nhau.

Cái hại lớn nhất của Facebook, vì thế, là củng cố thiên kiến của mọi người một cách rất tinh vi vì cứ tưởng ai ai trên thế gian này cũng suy nghĩ như mình. Hay nói cách khác, Facebook cho bạn thấy cái bạn muốn thấy, thích đọc chứ không phải cái bạn nên thấy, nên đọc.

Thật giả lẫn lộn

Tin giả thời nào cũng có nhưng Facebook là mảnh đất màu mỡ cho tin giả lan tràn. Trước đây những người cổ xúy cho thế giới phẳng thường ca tụng các nền tảng như Yahoo 360° hay Facebook giúp trao quyền cho cá nhân để một người bình thường có tiếng nói ngang bằng các tờ báo lâu đời khác. Nhìn từ góc độ từng cá nhân như vậy thì quá đúng nhưng nhìn từ góc độ người tiếp nhận thông tin thì sao? Các tờ báo có uy tín, đáng tin cậy không bao giờ khinh suất đăng bậy một tin chưa kiểm chứng nhưng từng cá nhân thì lúc nào cũng sẵn sàng đăng các dòng trạng thái được càng nhiều người đọc càng tốt. Có gì khoái hơn đăng vài câu mà hàng loạt người vào đọc, thích và chia sẻ, tin càng giật gân càng được chia sẻ nhiều.

Đó là cơ chế đẻ ra tin giả, tin bịa. Điều đáng buồn là bản năng con người giúp lan truyền loại tin giả này, ai cũng muốn có gì đó mới, lạ, độc, sốc để khoe với bạn bè. Ai cũng nghĩ nó vô hại vì đăng hôm nay, mai bị phát hiện sai thì xóa và lúc đó lại nghĩ mình chỉ là một cá nhân nhỏ xíu, đâu ai để ý.

Lâu dần tin tức của báo chí đàng hoàng, nghiêm túc, loại tin mà cả đội ngũ làm báo bỏ công bỏ sức ra để đem về cho người đọc lại không thu hút người đọc bằng các dòng trạng thái của từng cá nhân. Mỹ đang đau đầu vì tin giả tác động đến cả cuộc bầu cử tổng thống của họ; các nơi khác đau đầu vì tin giả từng phá hại thanh danh hay cả cuộc đời của nhiều cá nhân khác.

Theo tờ The Economist, Facebook thừa nhận trước và sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm ngoái, 146 triệu người dùng có thể đã đọc những thông tin sai lệch do phía Nga tung ra trên Facebook. Tờ này nhận định, thay vì đem lại sự khai sáng thì mạng xã hội lại làm lan truyền độc chất.

Ngày xưa thuyết âm mưu cũng tồn tại, kiểu như Mỹ chưa hề đặt chân lên mặt trăng hay người ngoài hành tinh đang sống giữa loài người nhưng chúng ít phổ biến. Ngày nay các tay bơm thổi cho các thuyết âm mưu xoa tay hứng khởi vì mỗi khi tung ra một thuyết mới là Facebook giúp họ chia sẻ, lan truyền chúng khắp nơi. Và một khi mạng xã hội lôi kéo đủ một lượng người nào đó chia sẻ thì báo chí chính thống phải nhảy vào, chứ đứng ngoài cuộc chơi lại mất thêm độc giả.

Kẻ phát hành báo chí không được mời

Hiện nay Facebook là kênh phát hành báo chí trực tuyến cực kỳ quan trọng. Các báo dù không muốn cũng phải thừa nhận vai trò phát hành này. Cuối năm 2013, theo lời kể của tờ The Atlantic, Facebook âm thầm thử nghiệm quảng bá cho các báo bằng cách dùng quảng cáo nội bộ lôi kéo người dùng “thích” các trang Facebook của một số báo nổi tiếng. Bỗng chốc lượng người dùng vào đọc các báo này tăng vọt mà không cần có động thái cải tiến nào cả. Các báo vừa thích vừa lo sợ, than, Facebook nó làm chủ chúng ta rồi. Theo bàn tán của giới báo chí Mỹ lúc đó, Facebook làm vậy để cạnh tranh với Twitter đang chiếm sự chú ý của báo chí.

Mới đây Facebook lại thử nghiệm khóa các dòng thông tin người dùng không cho các chia sẻ từ báo chí xuất hiện nữa; ai muốn hiện lên thì phải trả tiền. Thử nghiệm này mới chỉ tiến hành ở sáu nước nhưng kết quả đã gây lo ngại cho báo chí: lượng người đọc ở sáu nước này giảm sút nghiêm trọng. Theo nhiều khảo sát, trên 60% giới trẻ đọc tin tức là dựa vào giới thiệu của bạn bè trên Facebook; kết hợp với các loại hình như kết quả tìm kiếm trên Google, các nơi tổng hợp tin như Google News (ở Việt Nam như Báo Mới) thì số phận các báo xem như do người khác định đoạt. Gián tiếp nắm trong tay báo chí như thế, không lạ gì Facebook dễ dàng tác động vào mọi khía cạnh của đời sống mọi người mà họ không hề hay biết.

Sống chung với lũ

Dưới áp lực của người dùng Facebook phải đang điều chỉnh nhiều thứ như cố dẹp bỏ tin giả. Họ đã nhiều lần thay đổi các thuật toán điều chỉnh sự xuất hiện thông tin trên trang Facebook của người dùng. Facebook làm ra tiền nhờ vào người dùng nên bằng mọi giá họ phải giữ chân người dùng trên Facebook nhiều chừng nào tốt chừng đó. Vì thế, thay đổi gì thì thay đổi, ưu tiên của thuật toán Facebook là làm sao mọi thứ bày biện bắt mắt bạn, làm bạn không rời, cứ cuộn lên đọc tiếp. Cho nên đó vẫn sẽ là mảnh đất màu mỡ cho mọi tay chơi nghĩ ra đủ cách để điều khiển bạn một cách vô thức, dù chỉ để thuyết phục bạn mua hàng.

Vì vậy khó lòng chống chọi lại các ảnh hưởng không như ý của Facebook trừ phi xóa hẳn nó đi như lời khuyên của vị thiền sư kia. Còn vẫn dùng, cách tốt nhất là chủ động bắt Facebook bày mâm bày bát theo kiểu có lợi cho bạn như chọn theo dõi các nhóm có những hoạt động bạn quan tâm.Bấm thích một hội những người thích một loại xe gì đó có thể đem lại cho bạn những thông tin hữu ích hay bất ngờ về loại xe bạn cũng mê; bấm theo dõi một hội những người cùng chia sẻ một thú vui sưu tầm vật gì đó, bạn khỏi cần vào các diễn đàn khó theo dõi vì Facebook sẽ hiện thông tin lên cho bạn.

Hãy bấm thích thật nhiều cho các trang báo mà bạn tin tưởng vào uy tín để tận dụng thuật toán của Facebook. Sẽ đến lúc Facebook phải dán nhãn cho các nguồn thông tin đáng tin cậy, nguồn chưa kiểm chứng vì sẽ đến lúc các nước đòi hỏi Facebook chịu một phần trách nhiệm cho những thông tin đăng tải trên trang của họ như báo chí đang phải chịu trách nhiệm. Suy cho cùng Facebook là tờ báo khổng lồ mà phóng viên là hai tỷ người dùng; chỉ có điều vì họ làm không công nên Facebook phải chịu tốn tiền cho một bộ lọc để duy trì một độ tin cậy nhất định cho tờ báo khổng lồ đó; bằng không quy luật cuộc sống bắt phải đẻ ra một thứ khác để thay Facebook.



Thursday, December 7, 2017

Chuyện thuế Google, Facebook

Nói thêm lần cuối về chuyện thuế Facebook

Đến hẹn lại lên, cứ dăm bữa nửa tháng lại có một bài báo hay một ý kiến than trách chuyện các tập đoàn nước ngoài kinh doanh dịch vụ xuyên biên giới tại Việt Nam, tiền thì thu nhiều mà thuế không phải nộp đồng nào. Vấn đề là câu chuyện này không có gì mới, đã rộ lên mấy năm nay, vì sao đến nay vẫn chưa tìm ra cách hóa giải? Và có đúng là cơ quan thuế đang bó tay, không thu được thuế từ Facebook hay Google không?

Nhà nước đang nắm đằng cán

Nói đến nghĩa vụ thuế của Facebook hay Google thì trước hết phải xác định cho chính xác quy mô thị trường quảng cáo trực tuyến của Việt Nam. Theo số liệu của TS. Đinh Lê Đạt, một chuyên gia trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến, thì tổng doanh thu quảng cáo trực tuyến của thị trường Việt Nam năm 2014 là 216 triệu đô la Mỹ và năm 2015 ước tính 329 triệu đô la Mỹ. Trong đó phần bánh của hai gã khổng lồ Google và Facebook tăng chóng mặt, lên đến lần lượt 65 triệu và 80 triệu đô la Mỹ cho năm 2014; còn năm 2015 là 100 triệu cho Google và 140 triệu đô la Mỹ cho Facebook.

Nói cách khác, hai anh chàng này từ chỗ chỉ chiếm chừng 6% thị phần thì đến năm 2015 đã tăng vọt lên đến 73%! Giả thử số liệu này là chính xác thì năm 2015, ước tính doanh thu quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam của Google và Facebook chừng trên 5.000 tỉ đồng và số thuế họ phải nộp chừng 500 tỉ đồng.

Trước khi nói đến biện pháp thu thuế, tưởng cũng nên nhắc lại nguyên tắc chống thất thu thuế: đó là thuế của người này là phần khấu trừ của người kia cho nên lúc nào cũng có một bên có động lực đòi bên kia minh bạch chuyện thuế. Nếu bạn được giao đi mua một món đồ gì đó cho cơ quan, ắt phòng tài vụ sẽ đòi bạn đem về cho họ hóa đơn đỏ, đó là bởi hóa đơn này là cơ sở để cơ quan bạn liệt kê chi phí được khấu trừ trước khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Bên bán đã phát hành hóa đơn ra thì phải nộp thuế giá trị gia tăng cho cơ quan thuế.

Đó là với hàng hóa hay dịch vụ trong nước với nhau. Với các dịch vụ giao dịch xuyên biên giới thì Nhà nước tìm cách nắm đằng cán, còn chặt chẽ hơn thế nữa. Theo quy định về thuế đối với nhà thầu nước ngoài thì bên mua dịch vụ từ Việt Nam “có trách nhiệm khấu trừ số thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp... trước khi thanh toán cho nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài”. Như vậy một công ty, ví dụ Vinamilk dùng công cụ Google Adsense để quảng cáo trên hàng loạt ấn phẩm và trả tiền trực tiếp cho Google, khoản chi này đến khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp cho Vinamilk sẽ không được chấp nhận nếu Vinamilk trước đó không mạnh tay cộng thêm 5% thuế giá trị gia tăng và 5% thuế thu nhập doanh nghiệp vào hợp đồng để nộp thay cho Google vì Google chưa hiện diện tại đây.

Nói cách khác một khi Google hay Facebook chưa có sự hiện diện chính thức ở Việt Nam theo Luật Đầu tư thì nghĩa vụ thuế trực tiếp của họ đâu có đâu mà cứ nói họ trốn thuế! Nghĩa vụ thuế của họ đã gián tiếp chuyển sang cho những người mua dịch vụ của họ tại Việt Nam và ai cẩn thận sẽ cộng thêm khoản này trước khi chi trả cho Google (để sau này nộp cho cơ quan thuế), ai không cẩn thận sẽ phải chịu xem khoản chi đó là không hợp lệ, không được khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp. (Nên nhớ trong doanh thu mà Google hay Facebook nhận được từ thị trường Việt Nam, đâu phải họ hưởng trọn 100%? Với Google, đến 68% sẽ được chia cho các tờ báo hiển thị cái quảng cáo đó).

Đến đây có lẽ mọi người đã thấy vì sao báo chí thì cứ than, cơ quan thuế thì bình chân như vại. Bởi cứ như hiện nay đằng nào họ cũng thu được thuế, hoặc là thuế suất thu nhập doanh nghiệp (chủ yếu là 20-22%) trên 5.000 tỉ đồng hay thu trọn 500 tỉ đồng giá trị gia tăng và thu nhập doanh nghiệp mà người mua dịch vụ thu hộ.

Và thật tình mà nói, muốn “làm người lương thiện” thu thuế Google hay Facebook giùm cho Nhà nước cũng nhiêu khê lắm. Thanh toán tiền dịch vụ quảng cáo bằng thẻ tín dụng mang tên cá nhân là không được chấp nhận rồi. Hóa đơn chứng từ đầu vào mang tên cá nhân cũng không được kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào và không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Bộ chứng từ cần có để tính vào chi phí được khấu trừ gồm nào là “quy chế của đơn vị về việc mua các dịch vụ qua mạng”, “đề xuất bằng văn bản của bộ phận kinh doanh cần quảng cáo với cấp trên”, “báo cáo nghiệm thu”, “chứng từ thanh toán”, và quan trọng nhất “tờ khai và chứng từ nộp thuế nhà thầu nước ngoài”. Chẳng lạ gì trên các diễn đàn kế toán, rất nhiều người hoang mang không biết làm sao để hợp thức hóa các khoản chi cho Facebook hay Google, nói gì thu thuế giùm.

Thế còn các dịch vụ khác như Netflix hay Apple Music?

Với các dịch vụ mà người tiêu dùng đầu cuối là cá nhân thì khó lòng áp dụng chuyện bắt họ thu thuế nhà thầu giùm. Với các trường hợp này, phải xác định đòi thu thuế nhưng nhắm thu loại thuế nào là khả thi nhất? Bình thường nhiều người nghĩ đó là thuế thu nhập doanh nghiệp, tức làm ăn có lãi thì phải nộp thuế! Đừng hòng, chuyện thu thuế thu nhập doanh nghiệp các công ty cung ứng dịch vụ xuyên biên giới như Netflix hay Uber là chuyện xa vời - đa phần có thành lập pháp nhân ở Việt Nam đâu mà thu và nếu có, hầu như chắc chắn họ sẽ từ lỗ vừa đến lỗ lớn (xem thêm box).

Loại thuế Việt Nam, cũng như các nước khác, phải nhắm tới là thuế bán hàng, ở nước ngoài phổ biến tên gọi sales tax còn ở Việt Nam là thuế giá trị gia tăng. Sẽ có người nói ngay, đây là thuế gián thu, thực chất là người tiêu dùng nộp, doanh nghiệp chỉ thu hộ thôi. Thu thuế này thì chẳng khác nào thu thuế dân mình chứ đâu có đụng đến các doanh nghiệp đó?

Trong bối cảnh các doanh nghiệp nội địa cung ứng dịch vụ tương tự phải nộp thuế giá trị gia tăng mà doanh nghiệp nước ngoài không nộp thì tính bình đẳng nằm ở đâu, làm sao doanh nghiệp trong nước cạnh tranh cho lại. Dù biết đó là thuế gián thu nhưng thu được còn hơn không và doanh nghiệp muốn cạnh tranh phải chia sẻ gánh nặng thuế đó cho người tiêu dùng.

Có lẽ ít người biết tổng thu thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn nhiều so với tổng thu thuế giá trị gia tăng. Ví dụ theo dự toán ngân sách năm 2015 thì sắc thuế đầu thu 226.700 tỉ đồng trong khi sắc thuế sau thu đến 281.500 tỉ đồng.

Để thu thuế giá trị gia tăng Việt Nam cần theo chân các nước châu Âu xác định rõ các tập đoàn đa quốc gia khi cung ứng dịch vụ xuyên biên giới thì thuế sẽ thu theo vị trí địa lý của người tiêu dùng chứ không phải phụ thuộc vào nơi đóng trụ sở của các tập đoàn này. Ví dụ Anh thay đổi cách tính thuế theo hướng này từ đầu năm 2015 đối với các dịch vụ kỹ thuật số. Trước đây khi còn tính giá trị gia tăng theo vị trí của người bán, nhiều công ty dựng lên trụ sở ở Luxembourg để tránh mức thuế giá trị gia tăng, có khi cao đến 27% ở nhiều nước châu Âu khác.

Các doanh nghiệp lớn như Amazon đã thu thuế giá trị gia tăng trên sản phẩm và dịch vụ số bán ra, ví dụ thuế giá trị gia tăng cho các sách điện tử Kindle bán ở Thụy Điển phải cộng thêm 25% thuế trong khi bán cho người ở Pháp thì chỉ cộng thêm 5,5% thuế. Đáng tiếc trong danh sách mức thuế giá trị gia tăng cụ thể này không thấy có Việt Nam. Hóa đơn của Apple phát hành hiện cho dịch vụ nghe nhạc ở Việt Nam cũng không thấy dòng nào nói chuyện thuế cả. Có lẽ trong giai đoạn này đánh thuế giá trị gia tăng lên sách điện tử làm nó đắt đỏ hơn chưa hẳn là điều hay. Chứ còn với các doanh nghiệp như Amazon hay Netflix, chỉ cần gửi công văn chính thức yêu cầu họ phải giữ lại thuế giá trị gia tăng rồi chuyển nộp cho Chính phủ Việt Nam, chắc họ sẽ tuân thủ như đang tuân thủ với nhiều nước khác trên thế giới. Xét cho cùng họ đâu mất thêm gì đâu, ngoài việc khách hàng của họ than trời chuyện thuế khóa!


Riêng chuyện Facebook và Google cùng nhiều tên tuổi lớn khác đang bị chê trách vì trốn tránh đóng thuế ở các nước họ hoạt động chính thức lại là một đề tài khác. Ví dụ báo chí đầu năm 2016 tràn ngập tin Facebook chỉ đóng vỏn vẹn 122 triệu đô la tiền thuế mặc dù lợi nhuận lên đến 3,4 tỉ đô la, tức chỉ chịu thuế suất 3,6%. Nhân đó báo chí Anh nhắc lại năm 2014 Facebook ghi nhận doanh thu đến gần 1 tỉ bảng nhưng chỉ nộp chừng 6.000 bảng tiền thuế!

Tuesday, November 28, 2017

Thương mại toàn cầu đang biến đổi:

Chuyển đi rồi lại chuyển về

Nếu xem cốt truyện các cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng là một chỉ dấu cho tương lai thật thì có lẽ nền sản xuất kiểu mới chỉ dựa vào công nghệ in 3D sẽ đến trong một ngày không xa. Khá nhiều cuốn khoa học viễn tưởng đặt bối cảnh trong tương lai gần đã miêu tả cặn kẽ chuyện in 3D để làm ra hầu hết mọi thứ nhân loại cần, từ tàu vũ trụ đến máy móc, từ cây kim sợi chỉ cho đến cả thế hệ máy in 3D đời sau!

Trong thực tế nền thương mại toàn cầu trong mấy chục năm trở lại đây dựa vào một nguyên lý: các nước chỉ làm ra những sản phẩm họ có lợi thế so sánh nhất, không chỉ để tiêu thụ trong nước mà còn xuất bán khắp thế giới; còn lại những sản phẩm họ không có lợi thế thì sẽ đi mua về dùng. Nay nền sản xuất của thế giới trải qua những thay đổi lớn, dù chưa đến mức dùng toàn máy in 3D, ắt thương mại toàn cầu sẽ thay đổi theo.

Lợi thế so sánh trước nay thường dựa vào các yếu tố như nhân công rẻ, nguyên liệu dồi dào; cộng thêm các yếu tố mang tính can thiệp như hàng rào thuế quan, chính sách bảo hộ để từ đó hình thành nên các công trường sản xuất hàng hóa cho cả thế giới mà Trung Quốc là một điển hình. Nhìn ở góc độ lợi ích quốc gia và lợi ích của các tập đoàn đa quốc gia thì sự “phân công lao động” kiểu đó, nơi có nước chuyên lắp ráp hàng hóa, đạp máy may làm ra áo quần, tiện ốc, đúc thép… có nước chuyên lo thiết kế, nghĩ ra mẫu mã mới rồi tiếp thị, bán hàng, là tận dụng được hết mức năng lực của mọi người trong dây chuyền sản xuất toàn cầu.

Nói vậy, không lẽ những thành viên trong nội các chính phủ Mỹ, kể cả Tổng thống Donald Trump không hiểu rõ, rằng cố duy trì một hai nhà máy lắp ráp máy lạnh, máy giặt ở lại nước Mỹ để duy trì việc làm cho một số người dân chẳng đem lại lợi ích gì to lớn cho nước Mỹ. Không lẽ họ không biết Appletổ chức sản xuất, lắp ráp iPhone ở Trung Quốc là có lợi nhất vì nhờ đó Apple đang hưởng phần bánh lớn nhất khi tính lợi nhuận từ chiếc iPhone đem về.

Thế nhưng nhìn từ góc độ từng cá nhân tham gia vào chuỗi toàn cầu hóa đó, sự “phân công lao động” như thế tước đi của họ quyền mưu sinh theo đúng khả năng của họ. Nhiều dân Mỹ chỉ thích làm cho nhà máy sản xuất thép; họ đâu muốn “vươn lên” ngồi làm việc bàn giấy,tìm thị trường mới cho ngành thép đâu. Chính vì góc nhìntheo số phận cá nhân này mà nền sản xuất hậu toàn cầu hóa đang có những thay đổilớn.

Một chuyện khác: máy in 3D thì chưa phổ biến như kiểu trong các cuốn khoa học viễn tưởng nhưng sử dụng robot trong sản xuất đã khá phổ biến. Chẳng mấy chốc, yếu tố nhân công giá rẻ không còn là ưu tư lớn nhất khi doanh nghiệp cân nhắc vị trí địa lý để đặt nhà máy nữa rồi. Yếu tố chi phí nhân công không quan trọng nhưng lại trở thành vũ khí hữu hiệu để thu phục nhân tâm nên trong thời gian tới chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến các lô-gích tương tự lô-gích “nước Mỹ trước hết” của Donald Trump.

Còn nhớ cách đây chừng chục năm, một từ thời thượng lúc đó là offshore thì nay từ này đã được thay thế bởi từ reshoring mang nghĩa trái ngược, miêu tả nỗ lực của nhiều doanh nghiệp di dời cơ sở sản xuất về lại cố quốc. Các trường hợp thành công được báo chí tô đậm, từ loại doanh nghiệp vừa như ET Water Systems đến doanh nghiệp lớn như General Electric, đã quyết định chuyển các dây chuyền sản xuất máy giặt, máy lạnh, máy sưởi từ Trung Quốc về lại Kentucky, Mỹ.

Bỗng nhiên người ta nhận ra, thương mại thế giới quanh các sản phẩm hữu hình không còn quan trọng như ngày trước. Từ đó ưu tiên trong đàm phán tự do hóa thương mại thế giới đã dịch chuyển: từ mua bán hàng hóa vật chất chuyển sang mua bán dịch vụ xuyên biên giới.

Thử nhìn các doanh nghiệp lớn nhất nước Mỹ, họ đang chào bán những gì? Đó là các loại công nghệ như với Facebook là công nghệ kết nối con người, Google là hàng loạt công nghệ nền tảng cho hoạt động của Internet, Microsoft là công nghệ phần mềm, Amazon là công nghệ lưu trữ trên mây… Trong phim ảnh thì có Netflix, trong âm nhạc trực tuyến có Apple Music… Loại hàng hóa này được cung cấp vô hình xuyên qua biên giới, nơi các rào cản về thuế chưa chín muồi, nhiều nước chưa biết ứng xử như thế nào cho phù hợp.

Lấy ví dụ trong một tương lai gần, Amazon từ Mỹ hay Alibaba từ Trung Quốc có thể chào mời một nền tảng hạ tầng bán lẻ mà các nhà bán lẻ trong nước khó lòng từ chối. Thử hình dung theo kiểu các doanh nghiệp này xây sẵn các ngôi chợ trực tuyến khổng lồ, các sạp hàng đầy đủ tiện ích, từ quảng bá, có sẵn khách mua đến phương tiện thanh toán dễ dàng tiện dụng, ai dám từ chối tham gia. Vì từ chối để tự mình xây chợ hay sạp tương tự thì khó lòng thành công. Vậy Amazon hay Alibaba không tốn nhân lực qua tận đây, không cần biết đến thủ tục xuất nhập khẩu, không cần sự hiện diện tại chỗ, vẫn tiến hành giao thương quốc tế thành công. Và đó là diện mạo của thương mại toàn cầu trong tương lai.

Thật ra hiện naychúng ta đã tham gia “nhiệt tình” từ sáng đến tối vào cuộc toàn cầu hóa kiểu mới này rồi, như xài Gmail của Google,nhắn tin bằng Viber,kết nối bằng Facebook để “tám chuyện” khắp nơi, nghe nhạc của Spotify, xem phim của Netflix, gọi điện kiểu video với Facetime, học tiếng Anh qua Duolingo… Tương tác kiểu đó với các dịch vụ do doanh nghiệp tận đâu đâu cung cấp nền tảng chiếm khá nhiều thời gian và công sức của chúng ta, còn hơn cả hình dung của bất kỳ nhà đàm phán nào từng đàm phán chuyện gia nhập WTO cách đây 10 năm!

Từ đó mới thấy ưu tiên cho chính sách thương mại tự do nay đã khác trước. Sẽ không còn quan trọng chuyện cắt giảm thuếthay vào đó là các hàng rào kỹ thuật mới, liên quan đến công nghệ số, đến chủ quyền số và thông tin người dùng. Sẽ không trông đợi gì nhiều việc kèm đầu tư nước ngoài FDI vào gói đàm phán vì các yếu tố thu hút đầu tư đã khác trước, không còn chỉ dựa vào công nhân hay thuế. Sở hữu trí tuệ, nền tảng của các công nghệ chào bán, sẽ chiếm phần quan trọng và sẽ được bảo vệ nghiêm nhặt hơn bao giờ hết.

Lấy ví dụ Trung Quốc, với tầm nhìn 10 năm tới, mong muốn đóng vai trò quan trọng trong công nghệ sản xuất ô tô chạy điện, đã đàm phán, thúc dục, ép buộc, thuyết phục, nói chung là bằng mọi cách, lôi kéo sự tham gia của các hãng ô tô lớn trên thế giới vào quá trình này. Họ cũng làm vậy với các ngành khác như sản xuất rô-bốt, chip điện thoại thông minh, công nghệ trí tuệ nhân tạo trong một kế hoạch gọi là “Made in China – 2025”. Đó là họ đang chuẩn bị cho một tương lai khi Trung Quốc không còn đóng vai trò công trường sản xuất hàng hóa tiêu dùng bình thường cho thế giới nữa.

Hiện nay giao thương quốc tế của Việt Nam đang nằm trong tay các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vì họ chiếm hơn 70% kim ngạch xuất khẩu. Đáng tiếc họ cũng chỉ mạnh trong loại hàng hóa vật chất chứ không phải loại hàng hóa vô hình nói ở trên. Điều đáng lo ngại là các thế mạnh làm nên lợi thế so sánh của Việt Nam đang bị bào mòn, kể cả lợi thế về công nhân. Không sớm thì muộn chúng ta sẽ chứng kiến sự đảo ngược theo xu hướng reshoring và, khác với công xưởng Trung Quốc, chúng ta chưa làm gì để tận dụng khoảng thời gian ít ỏi còn lại.

Chỉ còn lại một thế mạnh có thể khai thác: đó là xem Việt Nam như một thị trường đáng kể với sức mua ngày càng tăng. Cộng với nông sản, thủy sản là thứ thế giới dù theo toàn cầu hóa hay theo dân tộc chủ nghĩa vẫn phải cần dùng, hy vọng Việt Nam nhanh chóng tìm được cách mặc cả để vẫn có thể tham gia vòng toàn cầu hóa mới mà không quá thua thiệt.




Monday, October 30, 2017

Ép người quá đáng

Đừng ép xe gắn máy quá đáng

Tranh cãi quanh việc cấm hay không thể cấm xe gắn máy ở các đô thị lớn như Hà Nội hay TPHCM có thể kéo dài cả chục năm nữa vẫn chưa ngã ngũ vì một bên nhìn vào cái đích lý tưởng phải hướng đến và một bên dựa vào thực tế rất đặc biệt của Việt Nam để lập luận.

Tranh cãi thì cứ việc tranh cãi. Thế nhưng tại sao không đồng thời tìm một giải pháp khả dĩ để cải thiện tình hình giao thông dựa trên thực tế đường phố vì ít nhất vài chục năm nữa chúng ta vẫn phải sống với cái thực tế này.

Theo số liệu của Sở Giao thông vận tải TPHCM, tính đến nửa đầu năm 2017, tại thành phố hiện có hơn 640.000 xe hơi và hơn 7,3 triệu xe gắn máy, tức cứ hơn 10 xe gắn máy mới có chưa đầy 1 xe hơi. Thế mà cách ngành giao thông ứng xử với xe gắn máy cứ như thể thành phố này toàn là xe hơi, xe gắn máy chỉ lèo tèo dăm chiếc! Phải chăng cách ứng xử này, cách quản lý này là do sao chép các mô hình ở nước ngoài, nơi xe hơi chiếm đại đa số, xe gắn máy thật sự lèo tèo? Hay phải chăng đó là tư duy của những người suốt ngày ngồi trên ô tô rồi về bàn giấy vạch chiến lược quản lý? Dù vì lý do gì chăng nữa, cách quản lý trái cựa như thế là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc hay làm cho tình trạng ùn tắc giao thông càng thêm trầm trọng.

Cứ thử đi trên các con đường nội thành như đường Pasteur, đoạn hay nghẽn cứng sau khi giao nhau với đường Lê Lợi, đường đã nhỏ, người ta lại vẽ vạch phân làn đường thật lớn cho ô tô, còn phần giành riêng cho xe gắn máy nhỏ xíu. Đã vậy đoạn này không có biển phân chia làn đường cho từng loại xe. Thế là ai chạy xe hơi còn chút lương tâm đành chịu nhích dần trên làn bên trái hay làn giữa. Những tay tài xế lái taxi thì bất cần chạy vô luôn làn trong cùng bên phải. Thử hỏi con đường Pasteur nhỏ xíu như thế mà ba chiếc ô tô dàn hàng ngang lừ lừ tiến, xe gắn máy biết chạy đường nào?

Ước gì quan chức ngành giao thông hôm nào đó ngồi xe gắn máy bị xe buýt, xe bán tải, hay xe taxi, xe Uber, xe Grab ép hết đường nhúc nhích mặc dù đã đi sát lề đường bên phải, họ sẽ hiểu không cần ai cấm, nếu có điều kiện ắt mọi người chạy xe gắn máy sẽ bỏ xe ở nhà cho bớt nỗi vất vả.

Vậy cách giải quyết là gì? Ngành giao thông phải dựng ngay bảng phân làn, xe hơi làn bên trái, xe gắn máy làn bên phải và làn giữa là làn hỗn hợp. Dựng xong phối hợp với với cảnh sát giao thông phạt thật nặng tay tài xế xe hơi nào lấn vào làn trong cùng. Người chạy xe gắn máy cũng phải biết cách phản ứng, không cho xe hơi nào chạy ẩu được di chuyển. Cái này đã có thực tế chứng minh sự hữu hiệu, đoạn đường trước khi lên cầu Kênh tẻ hướng về quận 1 phân làn không cho hai xe ô tô chạy song song lấn làn xe gắn máy hay đoạn Tôn Đức Thắng xoay vòng trước khi vào giao lộ với đường Nguyễn Hữu Cảnh cũng vậy – phạt nhiều, phạt nghiêm, cảnh ùn tắc ở hai đoạn này đã giảm hẳn.

Nhìn rộng ra cả thành phố, xin các quan chức ngành giao thông hãy đi rà soát lại, với một góc nhìn mới mẻ, rằng ở thành phố này hơn 10 xe gắn máy mới có một ô tô, để vẽ lại vạch phân làn, đừng ép xe gắn máy quá đáng, giành đường cho họ đi, ắt giao thông sẽ thông suốt hơn, xe gắn máy cũng sẽ ít tạt đầu ô tô hơn. Ở làn đường hỗn hợp, xe gắn máy phải được đối xử như xe hơi – tay lái xe hơi nào chạy sau xe gắn máy mà cứ bóp còi inh ỏi đòi nhường đường, chúng ta hãy phản ứng.

Một việc khác có thể làm ngay để cải thiện tình hình giao thông là tráng nhựa mặt đường cho ra đường. Cứ nhìn vào đường Hai Bà Trưng, những dấu tích đào bới, xẻ đường từ cả chục năm về trước lúc trên mặt đường lù lù các lô cốt rào chắn. Dự án thoát nước đã làm xong, lô cốt được dỡ bỏ nhưng mặt đường chỉ được vá víu, chằng chịt một cách thảm hại. Cộng với những lần xẻ đường quy mô nhỏ hơn để lắp đặt đường ống nước hay ngầm hóa cáp điện, nay mặt đường rỗ chằng rỗ chịt, chạy xe luôn bị mấp mô như cỡi thuyền lướt sóng. Có lẽ nhà quản lý, một lần nữa ngồi xe hơi đằm chắc nên không cảm thấy, xe hơi lại chạy ở giữa đường nơi ít bị đào bới nhất nên có thể vẫn êm ái cho người ngồi.

Cứ thử tưởng tượng một con đường đông đúc như Hai Bà Trưng được tráng nhựa phẳng lỳ, xe chạy êm ru thì tình hình giao thông sẽ được cải thiện thấy rõ. Không còn cảnh xe loạng choạng, xiên xẹo để tránh cái đường lằn của những lần lấp vội đường khác nhau. Không còn cảnh nước mưa đọng lại văng tung tóe buộc người lái xe phải chuyển hướng để tránh.

Toàn là những chuyện dễ làm và không cần tranh cãi!







Thursday, October 26, 2017

Cập nhật Bitcoin

Thực tế bất ngờ của Bitcoin

Đa phần các ý kiến phân tích, nhận định, đánh giá đồng Bitcoinlà từ góc độ lý thuyết nên có thể nghe rất hấp dẫn, lôi cuốn và đầy triển vọng dù kèm theo là một chút mơ hồ, một lớp sương bí ẩn. Nhưng cứ thử tìm hiểu, trong thực tế muốn tiêu một ít Bitcoin để mua cuốn sách, một tách café hay một album nhạc xem thử được không, chúng ta sẽ nhận ra một thực tế phủ phàng.

Hiện nay một giao dịch bằng Bitcoin phải mất từ 10 phút đến 6 giờ hay hơn nữa để hoàn tất. Có nghĩa giả dụ có một tiệm bán kem chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin, bạn đến mua một cốc kem, bấm nút trả tiền thì có thể cả tiếng sau chủ tiệm mới được thông báo tiền bạn trả đã về ví của họ. Lúc đó ắt kem đã chảy tan từ lâu. Thử tưởng tượng đi mua hàng mà phải chờ như thế thì còn gì là chức năng thanh toán của một đồng tiền?

Còn vì sao như thế thì tạm thời chấp nhận cách giải thích: cứ 10 phút thì mọi sổ sách giao dịch Bitcoin mới được gom vào một block rồi các nơi dùng những máy tính mạnh nhất tranh nhau quyền xác thực block đó, ai giành được quyền này đầu tiên sẽ được thưởng Bitcoin (gọi là đào Bitcoin) và hưởng một tỷ lệ phần trăm trên giá trị giao dịch. 

Khi giao dịch Bitcoin ngày càng nhiều, dung lượng mỗi block bị hạn chế tối đa 1MB, các thợ đào lại được quyền chọn giao dịch nào để ưu tiên đưa vào block để xử lý thì nút thắt cổ chai ắt sẽ diễn ra. Các giao dịch giá trị lớn, nơi thợ đào còn được hưởng một tỷ lệ hoa hồng phí xử lýcao hơn mới được ưu tiên nên có thể chỉ mất tối đa 10 phút; các giao dịch giá trị nhỏ, cứ treo lơ lửng như vậy nên cả ngày sau mới được xác thực.

Một trong những điều làm nên Bitcoin là không ai có thể sửa đổi các giao dịch đã diễn ra một khi đã được xác thực, nó loại trừ chuyện có 1 đồng mà cứ xách đi mua hàng khắp nơi. Nhưng trong khoảng thời gian chưa xác thực, nếu người bán vội vàng giao hàng thì người mua thoải mái tiêu đi tiêu lại món tiền đó cả chục lần không ai biết. Vì thế mua bán thực bằng đồng Bitcoin đa phần đều phải chờ xác thực rồi thì giao dịch mới có giá trị.

Không thể hiểu nổi một loại đồng tiền mà để được giao dịch nhanh, bạn phải nói với nơi bán tiền cho bạn để nơi này nâng tỷ lệ hoa hồng phí giao dịch lên mới mong được ghé mắt.

Đây là vấn đề rất lớn nên cộng đồng Bitcoin phải tìm mọi cách giải quyết. Theo Bloomberg, các thợ đào thì đòi tăng dung lượng mỗi block lên, hiện nay là 1MB (nên mỗi giây chỉ có thể chấp nhận tối đa 7 giao dịch) tăng lên thành 8MB để giải quyết điểm nghẽn. Nhóm hình thành lên Bitcoin từ ngày đầu lại muốn tách các giao dịch ra nhiều loại, có nghĩa tạo ra nhiều sổ cái chứ không phải chỉ một sổ như hiện nay. Tháng 8 năm nay một nhóm thợ đào thống nhất với nhau tách ra, hình thành loại tiền mới gọi là Bitcoin Cash, trong đó mỗi block có dung lượng 8MB, tạo nên một mầm mống gây chia rẽ. Như vậy khả năng xảy ra bất đồng, lộn xộn trong cộng đồng Bitcoin là rất lớn, ngay cả trong tương lai gần như Bloomberg tiên đoán tháng 11 này sẽ có một cuộc chia tách khác.

Điều thứ hai cũng gây nhiều bất ngờ là mức điện tiêu thụ khổng lồ chỉ để ghi nhận các giao dịch, hay gọi cách khác là đào Bitcoin. Đã có người tính, trả bằng Bitcoin so với quẹt thẻ tín dụng, mức năng lượng tiêu thụ nhiều gấp 3.000 lần. Còn theo Digital Trends, một giao dịch Bitcoin tốn đến 163 KWh, tức bằng lượng điện một gia đình Mỹ xài trong 5,5 ngày! Toàn bộ lượng điện dân đào Bitcoin đang xài bằng lượng điện của cả một nước nhỏ. Chính vì thế 60% hoạt động đào Bitcoin đang diễn ra ở Trung Quốc, ở những vùng dân đào có thể tận dụng thủy điện nhỏ giá rẻ. Một dự báo cho rằng đến năm 2020 mạng lưới Bitcoin sẽ cần một lượng điện bằng tổng sản lượng điện của Đan Mạch. Với kịch bản lạc quan nhất thì đến năm đó, để đào một Bitcoin cần tốn đến 5.500 KWh và cho dù chỉ một nửa lượng điện này được sản xuất bằng nhiên liệu hóa thạch thì một Bitcoin như thế cũng sản sinh ra 4 tấn dioxide carbon rồi.

Tiêu Bitcoin phải chờ lâu như thế nhưng trong thực tế đâu có bao nhiêu điểm chấp nhận thanh toán hàng hóa hay dịch vụ bằng Bitcoin – chủ yếu rao lên chỉ để quảng bá tên tuổi. Phóng viên nhiều tờ báo lớn trên thế giới đã làm các bài phóng sự, kiểu tôi tiêu Bitcoin như thế nào, đều kết luận gần như thế. Hiện nay, theo thống kê của blockchain.info, mỗi ngày có chừng 225.000 giao dịch Bitcoin nhưng chủ yếu là của dân đầu cơ mua bán Bitcoin với nhauhay chuyển đổi từ các loại tiền thật sang Bitcoin và ngược lại chứ ít có chuyện dùng Bitcoin để mua hàng hóa hay dịch vụ thật sự.

Một điểm cũng có thể làm nhiều người ngạc nhiên là tổng số tiền Bitcoin tối đa được tạo ra là 21 triệu Bitcoin (dự đoán là vào năm 2140) cho nên không thể nào nó sẽ là đồng tiền được sử dụng rộng rãi.Bitcoin thực chất là một dãy con số và chữ cái như một địa chỉ (ví dụ 1DTAXPKS1Sz7a5hL2Skp8bykwGaEL5JyrZ). Bạn sở hữu một Bitcoin có nghĩa bạn nắm trong tay một mật mã gắn với địa chỉ này, cho phép bạn truy cập vào cuốn sổ cái “blockchain” để xác định trị giá của nó. Bạn trả tiền cho một người hay một nơi nào đó có nghĩa bạn báo cho “blockchain” bạn sẽ chuyển giao bao nhiêu... Mất dãy số này coi như mất tiền luôn, không cách gì lấy lại được.

So với lý thuyết thì thực tế chung quanh đồng tiền Bitcoin phủ phàng hơn nhiều. Chính vì vậy, cuộc tranh luận về tương lai đồng tiền này vẫn chưa ngã ngũ. Chỉ đáng ngại một điều, giới đầu cơ, giới lừa đảo cứ chăm chăm vào sự quan tâm của công chúng vào Bitcoin để dụ dỗ người nhẹ dạ. Chẳng lạ gì quảng cáo về mua bán Bitcoin trên hệ thống quảng cáo của Google cứ tràn ngập máy tính của người chẳng may gõ tìm thông tin về đồng tiền chỉ tồn tại trên không gian ảo này.


Xem thêm các bài cũ ở đây:
Bitcoin: Ảo hay thật?
Nóng lạnh Bitcoin
Bitcoin là gì?


Wednesday, October 25, 2017

Tương lai giáo dục

Giáo dục 10 năm, 20 năm nữa sẽ như thế nào?

Nếu tin lời phân tích của tờ The Economist, nhiều nghề sẽ biến mất trong tương lai gần.Phần mềm khai thác dữ liệu sẽ thế chỗ các trợ lý luật sư vì chúng tìm và phân tích thông tin nhanh hơn con người nhiều lần. Kỹ thuật viên đọc phim chẩn đoán y tế sẽ nhường ghế cho phần mềm xử lý hình ảnh vì chúng cho ra kết quả chính xác hơn con người. Các ứng dụng đa dạng sẽ tước việc của các đại lý du lịch, bán vé máy bay… Đó chỉ là một vài ví dụ.

Còn nếu nghe theo dự báo của các chuyên gia một bàn tròn do BBC tổ chức, không hẳn tự động hóa sẽ chiếm hết việc của con người mà đúng hơn, đến 60% ngành nghề hiện nay sẽ phải nhường hai phần ba các công đoạn của nghề cho máy móc, phần mềm. Tức là có thể công việc không mất đi nhưng cách “hành nghề” sẽ khác trước một trời một vực.

Dù tin theo ai đi nữa, có lẽ chúng ta phải thừa nhận một điều: không ai biết 10 năm nữa, kỹ năng nào sẽ không còn cần thiết, kỹ năng nào sẽ được nhấn mạnh; kiến thức nào sẽ trở nên lạc hậu, điều gì sẽ giúp một người thích nghi với cuộc sống lúc đó. Nhường cho máy làm hai phần ba công việc thì chúng ta sẽ làm gì?

Chúng ta không biết – vậy làm sao chúng ta có thể yên tâmđứng trước các em học sinh hiện nay đang ngồi ở bậc tiểu học và 10 năm, 15 năm nữa sẽ phải ra đời, đối diện với sự bất định đóđể rồi dạy các em những điềuđã từng được dạy cho chúng ta?Không lẽ chúng ta cứ loay hoay chuyện thi cử trong khi biết đâu tương lai, máy sẽ tuyển người và máy sẽ không thèm nhìn đến bằng cấp?

Trở lại với dự báo của BBC, lấy nghề báo để minh họa. Nghề báo hiện nay, viết chỉ là công đoạn cuối cùng. Các công đoạn chuẩn bị trước đó cần sự hỗ trợ rất lớn từ máy móc: tìm thông tin nền trên Internet, kiểm tra các tin về cùng đề tài đã được đăng tải, nên hỏi câu hỏi gì trong cuộc họp báo sắp tới, xác định được tranh cãi quanh đề tài được giao thực chất là gì… 

Khác với ngày xưa, phóng viên ngày nay phải biết xu hướng người đọc đang quan tâm gì, phải biết khai thác dữ liệu lớn, phải biết “ngửi” tin từ mạng xã hội, từ cái âm thanh ồn ào, râm ran của hàng ngàn ý kiến để sàng lọc các manh mối cần biết. Chẳng khác gì người phóng viên phải hợp tác chặt chẽ với phần mềm, với ứng dụng hay với các công cụ mang tính thông minh nhân tạo, nhường bớt việc cho chúng.

Trường đào tạo các nhà báo tương lai không dạy cụ thể các kỹ năng làm việc theo kiểu hợp tác như thế. Các kỹ năng như đào xới dữ liệu (data mining), nhận biết và tận dụng dữ liệu lớn (big data), viết từ khóa (key words) cho máy tìm kiếm… thường do phóng viên tự tìm hiểu và tự học trong khi hành nghề.Mà dù có muốn tổ chức cũng không biết tìm thầy ở đâu ra trong ngành báo chí để dạy các kỹ năng này. Chỉ mới hình dung đến đó đã thấy tương lai của ngành đào tạo nghề báo phải khác bây giờ nhiều lắm.

Nhìn rộng ra cuộc sống của một người bình thường hiện nay: phải thừa nhận họ tiêu tốn từ vài phút cho đến vài giờ cho mạng xã hội, ở đó, khác với ngày xưa, họ phải có những kỹ năng như viết ngắn gọn, súc tích nhưng mang tính thuyết phục người nghe, đọc hiểu được mọi hình thức biểu cảm để lọc được nội dung thật sự, biết phân biệt được giả chân, ngay cả trong tin tức. 

Sẽ có người thấy tiếc vì ngày xưa chỉ biết học viết theo văn mẫu, đẻ ra toàn những câu sáo rỗng, những đoạn văn vô hồn, không thuyết phục được ai. Sẽ có người băn khoăn vì sao ngày xưa mình cũng học phân tích, chứng minh, bình luận đủ cả nhưng đọc một nội dung có linh tính là sai nhưng không biết sai ở đâu, vì sao sai, làm sao để bác bỏ.

Sẽ có người đọc đến đến đây và thốt lên: không lẽ giáo dục mà phải mang nhiệm vụ chuẩn bị cho người ta chơi Facebook à? Nếu đo lường được tác động của các mạng xã hội, trong đó Facebook là một kênh quan trọng, đang ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành vi, quyết định của nhiều người như thế nào, ắt chúng ta sẽ không nghĩ thế. 

Quan trọng hơn, sự độc quyền và đôi lúc sự lũng đoạn thông tin của các tay chơi lớn như Google, Facebook, Twitter sẽ bị hạn chế phần nào nếu chúng ta có những kỹ năng chống chọi lại. Và đó chính là nhiệm vụ của giáo dục – trao công cụ để con người tìm tự do, không bị khống chế bởi xu thế chung hay sự xô đẩy của đám đông bị kích động.

Chỉ vài ba năm nữa thôi, cảnh một em học sinh đưa điện thoại di động lên hỏi một câu bất kỳ, máy sẽ trả lời vanh vách không phải là chuyện khoa học viễn tưởng. Kiến thức sẽ không nằm trong bộ nhớ con người nữa, nó sẽ chuyển qua nằm trên máy hay trên mây. Khi tốc độ truy xuấtgiữa bộ nhớ sinh học và bộ nhớ điện tử là gần như nhau thì việc gì không chuyển kiến thức lên mây để não bộ chứa chuyện khác.

Vậy con người tương lai cần gì; trẻ em đang ngồi ghế nhà trường cần học gì trước những thay đổi đó? Chúng ta không biết cụm kỹ năng nào sẽ tối cần, cụm kỹ năng nào sẽ biến mất trong tương lai nhưng việc đó không ngăn cản các nước chuẩn bị cho học sinh của mình. Và các chuyên gia giáo dục hàng đầu cũng gần như đạt sự đồng thuận về tương lai của giáo dục, trong đó ai cũng nhấn mạnh cần nhất là tính sáng tạo, tư duy độc lập và kỹ năng giải quyết vấn đề. 

Thế giới hiện nay tràn ngập thông tin nên vấn đề không phải là tiếp nhận hay chia sẻ thông tin mà là ứng xử như thế nào với thông tin, bắt nó phục vụ mình trong thế giới thật. Thật ra trẻ nhỏ bắt đầu những ngày đi học với sự độc lập trong suy nghĩ, óc tưởng tượng của các em tràn ngập sự sáng tạo nhưng nhà trường mài mòn dần các đặc tính đó bằng cách nhồi nhét kiến thức, áp đặt suy nghĩ theo lối mòn và đi kèm là các biện pháp kỹ luật, ít nhất là bằng điểm số. Chỉ cần người lớn tránh sang một bên cho các em sáng tạo cũng đã là một thay đổi lớn trong giáo dục tương lai.

Nhìn ra hơn một chút nữa, người ta đang nói về khả năng thiết kế các chương trình học mang tính cá nhân hóa cho từng em học sinh; một điều hoàn toàn khả thi nhờ tiến bộ công nghệ, lúc đó em giỏi sẽ học nhanh hơn em trung bình trong cùng một lớp. Người ta cũng nói về môi trường học, không chỉ trong lớp học truyền thống mà còn là học bất cứ lúc nào bất cứ ở đâu cũng nhờ tiến bộ công nghệ. 

Nói cách khác, học sẽ là phụ, hành (thực hành trong đời thực để giải quyết vấn đề) mới là chính. Kiến thức là phụ, tìm giải pháp cho các dự án thầy cô giao mới là chính. Cũng nhờ thế học sinh sẽ có quyền chọn môn học, chọn tốc độ học, thậm chí tự thiết kế chương trình học cho mình.

Nền giáo dục Việt Nam hiện chỉ mới chú trọng trang bị cho các em kiến thức nền về văn học, toán học, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và một chút kỹ năng công nghệ thông tin, vẫn còn thiếu lãnh vực tài chính, văn hóa và quan hệ dân sự. Các năng lực khác gồm tư duy độc lập, giải quyết vấn đề, cổ súy cho sáng tạo, thực hành giao tiếp, tổ chức hợp tác chưa được chú trọng. Chính vì thế các em thiếu đi sự tò mò, sự chủ động, tính bền bĩ, thích nghi, óc lãnh đạo… toàn là những tố chất cần có của một người sống ở thế kỷ này. Từ đó mới thấy tương lai giáo dục vẫn còn ngổn ngang trăm bề chứ đâu phải chỉ là biên soạn chương trình mới.



Monday, October 16, 2017

Từ Google Translate nghĩ về AI

Từ Google Translate nghĩ về AI

Với nhiều người cho đến nay, Google Translate chỉ là một nơi để minh họa cho lối dịch ngớ ngẩn, nhiều sai sót. Đôi lúc có người vào Google Translate bắt nó dịch một hai câu rồi cười thú vị về cách dịch đôi lúc rất quái đản của nó. Nhưng từ tháng 3 năm nay nếu họ vào lại Google Translate, thử bắt nó dịch một bài báo tiếng Anh ra tiếng Việt, có thể họ sẽ ngạc nhiên.

Kết quả dịch có thể vẫn còn trúc trắc, vẫn còn lỗi, đọc vẫn biết là “máy dịch” nhưng nhìn tổng thể Google Translate hôm nay so với năm ngoái là một bước tiến nhảy vọt thật sự gây bất ngờ. Cứ thử bắt nó dịch một hai câu rồi nguyên cả một bài báo, một tài liệu, một bài diễn văn, càng dài càng tốt, nó sẽ giúp người đọc nắm bắt được ý chính của văn bản, câu kéo khá chính xác và tốc độ thì nhanh không thể tưởng.

Đó là bởi từ cuối năm ngoái Google đã thay đổi cách tiếp cận để giải quyết vấn đề dịch thuật bằng máy. Trước đây máy dịch theo từ hay cụm từ, tức dựa vào hàng triệu từ hay cụm từ đã được dịch để đối chiếu, so sánh và chọn cụm từ nào sát nhất bằng phương pháp thống kê để đưa vào kết quả (phrase-based machine translation). Nay thì máy dịch theo cả câu, rồi dùng ngữ cảnh để quyết định xem từ đó trong ngữ cảnh đó thì chọn nghĩa nào cho chính xác nhất (Google Neural Machine Translation - GNMT). 

Nói ngắn gọn thì Google đã ứng dụng các tiến bộ mới nhất trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, máy tự học và mạng nơ rôn để Google Translate ngày càng thông minh hơn, dịch chính xác hơn, câu văn dịch tự nhiên hơn. Theo đánh giá của nhiều người ở các cặp ngôn ngữ khác như Anh-Tây Ban Nha, Anh-Pháp, Anh-Đức, Anh- Nhật, cách dịch mới cải thiện chất lượng dịch vượt bậc so với trước.

Thế nhưng vấn đề đặt ra cho cặp Anh-Việt là gì? Vì sao người dùng vẫn còn thấy lấn cấn, chất lượng Google Translate cho cặp Anh-Việt dù tiến bộ nhiều vẫn chưa như kỳ vọng? Tháng 11-2016 cách dịch mới được áp dụng cho 8 ngôn ngữ và đến tháng 3-2017 đã mở rộng thêm cho 3 ngôn ngữ khác, trong đó có tiếng Việt rồi.

Google Translate thông minh lên, đầu tiên nó sẽ giải quyết những lỗi sai do máy dịch gây ra. Trước đây, nó sẽ không phân biệt được khi nào bank được dùng theo nghĩa ngân hàng, khi nào là bờ sông; nay bằng cách liên kết cả câu hay các yếu tố trước đó, nó sẽ dịch chính xác, bạn cứ thử bắt nó dịch, she went to the bankshe went to the river bank cho xem.Cái tiến bộ rõ nhất là giảm hẳn lỗi do máy dù vẫn còn không ít.

Nhưng lỗi do con người cũng mắc phải thì cho đến nay Google Translate bó tay.Dù gọi là trí tuệ thông minh nhân tạo nhưng máy cũng phải dựa vào hàng triệu, triệu câu đã được dịch để học. Nếu chúng ta đọc một cuốn sách và nhận ra ngay đó là sách dịch do văn nghe rất “Tây” thì làm sao kỳ vọng Google Translate dịch thanh thoát như thể nó không phải là bản dịch được. 

Lâu nay ai học tiếng Anh thấy câu “We worked hard” đều dịch thành “Chúng tôi làm việc chăm chỉ”, biểu sao Google Translate dịch khác khi đến đoạn Steve Jobs kể lại những ngày đầu ông khởi nghiệp cùng Steve Wozniak trong bài diễn văn nổi tiếng đọc ở đại học Stanford. Hầu hết các bản dịch đều dịch work hard là làm việc chăm chỉ; Google Translate cũng thế!Lúc nào thì tự nó quyết định, thôi nói “làm việc cật lực” cho nó ra tiếng Việt?

Đó là chưa kể tiếng Anh thì chỉ một từ mà tiếng Việt, với khái niệm tương đương, chục người dùng chục từ khác nhau, ví dụ như commodities, futures contract…Đưa cho 10 người đến 9 người dịch commodities là “hàng hóa” và chỉ 1 người dịch thành “thương phẩm”. Chắc máy cũng đau đầu chọn lựa và đi theo cách chọn từ nào được dùng nhiều nhất!

Vậy trí tuệ thông minh nhân tạo (AI), ở đây là một dạng AI chuyên biệt chứ chưa phải là AI tổng quátcó thể nào vượt qua được trí tuệ thông minh của con người như một tập thể để đem lại giá trị thật sự trong tương lai? Liệu Google Translate có thể học nhưng sau đó vượt qua được cách dịch của số đông để hoàn thiện kỹ năng dịch đến mức hoàn hảo trong tương lai?

Hiện nay đã có nhiều ý kiến phản đối cách dùng một cách máy móc các thuật toán máy tính như một dạng trí tuệ thông minh nhân tạo sơ khai để giải quyết các vấn đề liên quan đến con người, ví dụ quan tòa dựa vào máy móc để đưa ra quyết định có cho tù nhân này được tạm thachưa hay một cơ quan quản lý giáo dục dựa vào thuật toán để quyết định tuyển hay sa thải giáo viên ở địa phương.Dựa vào máy tưởng đâu khách quan hoàn toàn nhưng không phải. 

Máy cũng phải dựa vào big data mà kho dữ liệu dù khổng lồ đến đâu cũng dựa vào thực tế cuộc sống, có cả thiên kiến, định kiến, sự thù hằn, sự phân biệt đối xử trong vô thức hay đơn giản là sự máy móc của con người vô tâm… Máy thấy một giáo viên năm xưa lúc còn là sinh viên từng bị bắt vì một lần hút cần sa nay cứ ghi dấu chuyện đó để làm thước đo cân nhắc, liệu có thỏa đáng?Sinh viên nào từng hút nhưng không bị phát hiện nay có gì hơn người bị tì vết đó?

Google thấy một ai tìm “máy giặt” và sau đó liên tục dội bom người này bằng các quảng cáo máy giặt ở bất cứ nơi nào trong không gian mạng người ấy ghé qua, tưởng đâu thế là thông minh theo kiểu AI nhưng có ở trong hoàn cảnh nhu cầu máy giặt chỉ là thoáng qua và cả tuần lễ bị máy giặt quấy rầy mới thấy còn lâu AI mới trở thành một trí tuệ thật sự chứ không phải sự phiền toái.

Vì thế, Google Translate sẽ tiến bộ, các lỗi ngớ ngẩn chỉ có máy mới mắc phải sẽ dần biến mất. Nhưng khó lòng trông chờ đến ngày nó cho chúng ta những kết quả dịch thuật hoàn hảo, đọc vô không biết là văn dịch – ít ra là với cặp ngôn ngữ Anh – Việt. Bạn cứ thử dùng Google Translate dịch từ Việt sang Anh sẽ thấy kết quả khá hơn nhiều bởi máy đã quen với loại tiếng Anh tự nhiên cũng như hiện nay máy đã quen với loại tiếng Việt ngây ngô của dịch thuật.

Trừ phi Google thay đổi cách tiếp cận thêm một lần nữa. Đừng bắt máy học – dù là deep learning–theo các bản dịch đã có. Hãy bắt máy hiểu nội dung của đầu vào và bắt máy viết luận, làm luận đầu ra bằng thứ tiếng Việt tự nhiên của người Việt đang dùng. Hãy quên chuyện dịch đi, may đâu mới đạt được đỉnh cao của dịch thuật.

Đó là chuyện khó bởi cho đến nay người ta đã chấp nhận chuyện dịchnhư một thực tế. Lấy ví dụ, bản dịch Hiệp định thương mại tự do giữa Mỹ và Việt Nam là một bản dịch hoàn hảo nhưng bảo đảm bất kỳ người Việt nào đọc bản Hiệp định này bằng tiếng Việt sẽ cho đó không phải là tiếng Việt tự nhiên.

Hãy đọc câu này ở trang nhất xem thử nó có phải là tiếng Việt không: “Mỗi bên điều hành các biện pháp thuế quan và phi thuế quan có ảnh hưởng đến thương mại để tạo cho hàng hóa của Bên kia những cơ hội cạnh tranh có ý nghĩa đối với các nhà cạnh tranh trong nước”.Nhưng dễ gì chính phủ hai nước chấp nhận một “bản dịch” thuần Việt theo kiểu “làm luận”, được viết lại toàn bộ trừ phi phía Việt Nam là bên soạn thảo và phía Mỹ phải dịch ra tiếng Anh?

Cho dù Google Translate đọc câu sau “The Government’s approach to restructuring its banking sector is considerably different fromwhat is generally considered as good practice” và hiểu ý của nó nói cách chính phủ tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là không giống ai nhưng nó cũng sẽ dịch như hiện nay nó đang dịch (và vậy đã là quá tốt): “Cách tiếp cận của Chính phủ để tái cơ cấu ngành ngân hàng khác biệt đáng kể so vớinhững gì thường được coi là thực hành tốt”.


Thôi đành đợi một bước đột phá khác của Google Translate trong tương lai vậy!

Tuesday, October 10, 2017

Phớt lờ quy luật cung - cầu ?


Phớt lờ quy luật cung - cầu ?

Một dự báo đưa ra con số 70.000 giáo viên có thể bị dư thừa đến năm 2020. Cầu giảm làm giáo viên dư thừa. Thế nhưng ngành sư phạm có biết điều chỉnh để giảm cung không? Không hề.

Chúng ta hãy thử dùng cách thu hẹp thế giới lại để dễ hình dung. Một thị trấn nhỏ chừng 10.000 dân, có chừng ba chục bác sĩ và mỗi năm cần đào tạo thêm một bác sĩ để thay thế người về hưu. Bỗng dưng dân số thị trấn giảm mạnh vì nhiều người dọn đi nơi khác sinh sống, trong ba chục bác sĩ có cả chục người không có bệnh nhân. Rồi trường đại học thay vì đào tạo một bác sĩ lại ồ ạt tuyển sinh đào tạo chừng chục bác sĩ mỗi năm. Rất dễ hình dung trước đây trường thoải mái chọn em học sinh tốt nghiệp 30 điểm vào để đào tạo nay hạ điểm chuẩn xuống còn 10 cũng không tìm đủ người chịu vào học. Ai bỏ công học suốt chừng ấy năm nếu biết chắc ra trường họ sẽ không thể hành nghề bác sĩ vì thị trấn không có nhu cầu?

Có thể dùng quy luật cung cầu này để nhìn lại bức tranh tuyển sinh ngành sư phạm đang gây lo lắng vì điểm chuẩn đầu vào quá thấp.

Theo số liệu chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo (đáng tiếc Bộ chỉ cập nhật số liệu đến năm 2013!) thì số lượng học sinh trong cả nước giảm mạnh trong những năm qua. Nếu như năm học 1999-2000 cả nước có 17,8 triệu học sinh phổ thông thì đến năm học 2012-2013 giảm còn 14,7 triệu em (tức giảm đến hơn 3 triệu em). Giảm mạnh nhất là học sinh tiểu học, trong từng ấy năm đã giảm từ 10 triệu học sinh còn 7,2 triệu học sinh. Điều đó có nghĩa, trong mấy năm gần đây dù không có số liệu thống kê của Bộ chúng ta vẫn có thể suy luận ra mức giảm học sinh vẫn kéo dài, ít nhất là ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Cũng theo số liệu thống kê này, số lượng giáo viên lại tăng. Năm học 1999-2000 có hơn 614.000 giáo viên các cấp phổ thông thì đến năm học 2012-2013 con số này tăng lên hơn 847.000 giáo viên. Tăng mạnh nhất lại là giáo viên phổ thông trung học, từ 65.000 người năm học 1999-2000 lên trên 150.000 người năm học 2012-2013 trong khi giáo viên tiểu học tăng không nhiều đến thế. Điều đó cộng với hiện tượng giảm mạnh học sinh tiểu học những năm trước dẫn chúng ta đến kết luận chắc chắn số lượng giáo viên sẽ dư thừa nhiều và nhiều nhất là ở bậc trung học phổ thông.

Bộ Giáo dục và Đào tạo có biết điều này không?

Có. Bởi chính Bộ đưa ra con số giáo viên dư thừa trong năm 2014 là 27.000 giáo viên. Có nơi như huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) thừa 603 giáo viên. Một dự báo đưa ra con số 70.000 giáo viên có thể bị dư thừa đến năm 2020.

Cầu giảm làm giáo viên dư thừa. Thế nhưng ngành sư phạm có biết điều chỉnh để giảm cung không? Không hề.

Theo thống kê của ngành giáo dục, hiện có 58 trường đại học, 57 trường cao đẳng, 40 trường trung cấp có ngành đào tạo giáo viên (trong đó có 14 trường đại học sư phạm, 33 trường cao đẳng sư phạm và 2 trường trung cấp sư phạm. Mặc dù không có số liệu so sánh với thời điểm trước đó, nhiều người nhận xét số lượng trường sư phạm và đào tạo giáo viên đã tăng vọt. Trong khi so với cầu giảm, các trường này lẽ ra chỉ cần đạo tạo một số lượng giáo viên vừa phải để thay thế số giáo viên nghỉ hưu hàng năm (chừng 130.000 người trong năm năm 2016-2020) họ lại ồ ạt đào tạo giáo viên bất kể sinh viên ra trường có làm giáo viên được hay chăng. Chỉ tiêu Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho các trường tuy có giảm nhưng vẫn còn rất cao so với nhu cầu (năm học 2016 - 2017 là 65.300 chỉ tiêu sư phạm, năm 2017 - 2018 này là 52.000 chỉ tiêu).

Nhưng dù sao đó vẫn là con số chính quy. Các trường còn đào tạo giáo viên theo các con đường phi chính quy khác nữa và con số cuối cùng mới là khổng lồ so với nhu cầu thực tế. Lấy ví dụ trường đại học Sư phạm Hà Nội, chỉ tiêu đào tạo (tính cả sinh viên ngành sư phạm và sinh viên ngành ngoài sư phạm) công bố những năm gần đây vẫn tăng đều (năm 2010 là 2.400; năm 2017 là 2.900). Thế nhưng quy mô sinh viên của trường này lại lên đến trên 33.000 sinh viên. Đó là bởi đào tạo chính quy theo chỉ tiêu nói trên chỉ chiếm chừng một phần ba; hai phần ba còn lại là đào tạo tại chức, học bằng hai, hoàn chỉnh kiến thức… Tương tự với các trường đại học sư phạm khác, chẳng hạn Đại học Sư phạm Huế: chỉ tiêu mỗi năm hơn 1.000 mà quy mô đào tạo đang gần 10.000!

Cần xem lại cách đào tạo bất kể nhu cầu như thế vì nơi đào tạo chỉ lo công ăn việc làm cho bộ máy của chính họ bất kể sản phẩm họ đào tạo ra có kiếm được việc làm hay không.

Đến đây nhìn lại bức tranh tuyển sinh ngành sư phạm, ắt chúng ta đã có câu trả lời. Hãy để quy luật cung cầu phát huy tác dụng, cầu đã giảm thì cung ắt phải giảm theo. Hiện nay các trường không chịu giảm vì nồi cơm của chính họ. Nhưng sinh viên ắt không dễ bị lừa nên họ đành hạ đầu vào tuyển sinh – hạ đến mức như năm nay thì chính họ sẽ bị xã hội lên án và chính cách tuyển sinh bất kể hậu quả như thế sẽ bị đào thải.







Khi người dân không được “chia sẻ”

Khi người dân không được “chia sẻ”

Thử hình dung một tình huống rất có thể xảy ra. Với một thành phố lớn, đông dân như TPHCM, hầu như mọi con đường đều có một vài điểm sửa xe nhỏ, ở đó với bộ đồ nghề đơn giản, một máy bơm cũ, một người thợ tay nghề vừa phải đã có thể mưu sinh khi thỉnh thoảng bơm vá lốp hay chùi bugi cho khách vãng lai. Ngày xưa khi xe dễ hỏng hóc hơn, có thể có nhiều điểm sửa xe hơn nhưng quy luật cung cầu điều chỉnh sự hiện diện của những người thợ vỉa hè này ở từng góc phố.

Tình huống rất có thể xảy ra là như thế này: một ngày đẹp trời nào đó, một người đam mê khởi nghiệp (mà nói theo từ thời thượng hiện nay là start-up) bèn nghĩ ra một ứng dụng (app). Người dùng tải về và khi cần bấm bấm vài cái, ngay lập tức thông tin cần vá xe đang xẹp lốp được tung lên không gian ảo, mạng lưới thợ sửa xe lưu động đã đăng ký tham gia trước đó được cảnh báo và ai ở gần nhà người có xe xẹp lốp nhất bấm nút nhận lời đến vá ngay tại nhà. 

Thử hình dung một app như thế ắt sẽ ăn khách: xe đề không nổ, xe cần thay nhớt, xe gãy gương chiếu hậu… cần bất kỳ dịch vụ gì, người dùng nhanh chóng được phục vụ, giá rẻ hơn ra tiệm, thậm chí rẻ hơn điểm sửa xe góc phố. Không còn lo bị chặt chém vì khách có quyền nhận xét đánh giá chất lượng phục vụ; không còn lo bị đổi phụ tùng vì mọi thông tin đều lưu trên mây, tiện kiện cáo khi có sự cố…

Ngày trước, với một hình dung như thế, nhiều người đã phấn kích không tiếc lời khen ngợi cho những ứng dụng thực tiễn của một nền kinh tế chia sẻ, đem đến biết bao lợi ích. Nhưng cứ nghĩ xa thêm một chút nữa, coi thử rốt cuộc cách sắp xếp lại nguồn lực của xã hội theo kiểu “Uber hóa” như thế có thật sự lợi chăng?

Mấu chốt của nền kinh tế chia sẻ nằm ở hai chữ “chia sẻ”. Trước đây người viết ủng hộ mô hình Uber vì cứ nghĩ mô hình này sẽ giúp tận dụng nguồn lực tạm thời nhàn rỗi để tăng thêm lợi ích cho cộng đồng. Một người có xe hơi trùm mền ít chạy, lại có vài giờ rảnh vào buổi chiều tối, có thể kiếm thêm thu nhập khi đăng ký tham gia mạng lưới xe Uber. Một người khác thường đi làm từ nhà ở đầu này thành phố đến chỗ làm ở cuối thành phố, tận dụng app Uber hay Grab để có thể chở thêm người khác đi cùng lộ trình, cùng thời gian. Thế mới gọi là kinh tế chia sẻ.

Còn như hiện nay, có những trường hợp vay tiền ngân hàng để mua xe chạy Uber, Grab, phải cày suốt mười mấy tiếng mỗi ngày mới hy vọng có đủ thu nhập trả lãi ngân hàng, duy trì một mức sống tối thiểu thì có đáng là một mô hình tốt chăng? Có những ông chủ bỏ tiền mua cỡ chục chiếc xe để cho thuê chạy Uber, với họ mô hình Uber là mô hình kiếm tiền tốt nhưng tài xế lái xe thuê của họ thì sao? Cung cầu thị trường thường ở mức cân bằng, sự ra đời xe Uber hay Grab rẻ hơn taxi truyền thống có thể làm tăng cầu một chút nhưng không đủ để cân bằng lại mức cung tăng đột biến như hiện nay. Trong hoàn cảnh đó, giá ắt sẽ phải giảm, phần thiệt thòi rơi vào tài xế taxi truyền thống thì đã rõ nhưng thực tế các tài xế Uber, Grab cũng gánh phần thiệt thòi này khi lao động vất vả hơn nhiều cho một khoản thu nhập không tương xứng.

Cái lợi về giá, về chất lượng phục vụ được nâng lêndĩ nhiên có phần dành cho người tiêu dùng nên sự ủng hộ mô hình mới này của họ là điều đương nhiên. Nhưng một phần cái lợi về giá này gom góp lại để tạo nên một giá trị thị trường lên đến 70 tỷ đô-la cho một công ty không có tài sản gì đáng kể thì thật là vô lý. Thật ra Uber đang lỗ - họ vẫn cứ đang tung ra các cuốc xe miễn phí cho mọi người, miễn sao càng nhiều người sử dụng Uber càng tốt, đó là cái làm nên giá trị thị trường của những công ty start-up kiểu này.

Sự xung đột giữa Uber và các hãng taxi truyền thống không chỉ xảy ra ở Việt Nam, nó có hầu như ở mọi thị trường Uber hiện diện, thậm chí còn gay gắt hơn nhiều vì ở nhiều nơi, giấy phép sở hữu một biển số xe taxi từng lên đến cả triệu đô-la như ở New York. Phải nói thẳng, ít ai ủng hộ các hãng taxi già cỗi, xe thì dơ, tài xế thì bất lịch sự, có dịp là chặt chém. Nhưng chính cái dư luận ban đầu ấy đẩy cuộc cạnh tranh này vào thế bất lợi một cách không sòng phẳng cho phía taxi truyền thống. Ở nhiều thị trường Uber chơi không đẹp, chuyên phớt lờ các quy định mà taxi truyền thống phải tuân thủ.

Quay lại tình huống giả định nêu ở đầu bài, giả thử việc “Uber hóa” dịch vụ sửa xe lưu động thành công rồi sao nữa? Có thể người tiêu dùng thoải mái hơn một chút; một vài nhà sáng lập cái start-up này trở thành triệu phú, không phải bằng tiền cắc gom từ thợ sửa xe mà từ tiền của các quỹ đầu tư mạo hiểm rót vào. Nhưng chắc chắn cuộc sống của hàng ngàn thợ sửa xe ở góc phố sẽ bị đảo lộn. Nhiều người mất việc, cuộc sống bị đẩy xuống thấp một chút nữa; nhiều người khác phải vay tiền để nâng cấp dịch vụ thì mới tham gia được mạng lưới thuộc “nền kinh tế số”. Thu nhập của họ giảm sút để bù cho lợi nhuận tăng lên của giới ngân hàng… Tất cả những cái này đã có ai đặt lên bàn cân để xem có đáng không, có đáng để đánh đổi không?

Nhìn rộng ra, ví dụ mô hình của Amazon chẳng hạn, có đáng là nơi lãnh ấn tiên phong của một cuộc cách mạng công nghệ mệnh danh 4.0?

Người tiêu dùng được lợi một chút khi mua hàng mà không cần tốt công sức ra cửa hàng, giá có thể rẻ hơn, hàng giao đến tận cửa. Đổi lại, hàng triệu cửa hàng bách hóa nhỏ lẻ vì thế mà biến mất. Chủ nhân các cửa hàng này có thể phải vào làm cho các trung tâm giao nhận của Amazon, đồng lương thấp hơn, hàng ngày phải đi cả chục cây số để sắp xếp hàng theo lệnh của máy tính. Công việc của họ rồi cũng sẽ mất đi vào tay các con rô-bốt không cần lương, không cần giờ nghỉ. Người tiêu dùng cũng dần dần rơi vào vòng kiểm soát của các nhà bán hàng bởi nhất cử nhất động của họ trên không gian mạng đều bị máy móc theo dõi để điều chỉnh hành vi mua sắm của họ.

Bây giờ thì chưa nhưng đã manh nha xu hướng tự động hóa các khâu sản xuất trước đây giao cho lao động giản đơn như cắt may, da giày. Thử tưởng tượng xã hội sẽ biến động như thế nào nếu hàng triệu lao động trong ngành may mặc mất việc vì rô-bốt? Đừng nói theo lý thuyết là họ sẽ phải hay sẽ được nâng lên một nấc trên các bực thang tạo ra giá trị theo kiểu không may nữa thì đi làm thiết kế!!! Hàng triệu người Mỹ đã không bước lên bực thang mới như thế đã bỏ phiếu cho Donald Trump và quay lưng lại với toàn cầu hóa. Khi người dân không được “chia sẻ” miếng bánh tăng trưởng thì cũng đừng hòng có một nền kinh tế chia sẻ đúng nghĩa.



Monday, October 9, 2017

Một giai tầng “vô tích sự”

Một giai tầng “vô tích sự”

Sau thành công của cuốn Sapiens: A Brief History of Humankind, sử gia trẻ tuổi Yuval Noah Harari lại gây sóng gió bằng cuốn Homo Deus: A Brief History of Tomorrow. Cuốn trước nói về lịch sử đã qua của loài người, cuốn sau nói về tương lai của nhân loại. 

Sử gia mà nói chuyện tương lai kể cũng hơi lạ nhưng tương lai đó có thể tóm tắt bằng một ý: trí tuệ thông minh nhân tạo sẽ xô đẩy con người đến chỗ chia đôi; đa số sẽ không còn việc để làm, sẽ không biết làm gì với cuộc đời của mình nên sẽ trở thành một giai tầng vô dụng. Một số ít sẽ dùng ứng dụng công nghệ sinh học để lai ghép với máy móc nên thông minh hơn, sống lâu hơn, như những siêu nhân, hay “thần nhân”.

Ý tưởng đó gây ra tranh cãi khắp nơi như Bill Gates viết hẳn một bài để phản bác. Nhưng chúng ta hãy thử nhìn quanh xem phần đầu của ý tưởng đó – chuyện sản sinh ra một giai tầng vô tích sự - có cơ may nào xảy ra chăng?

Chưa cần đến trí tuệ thông minh nhân tạo, cuộc cách mạng công nghệ đang diễn ra đang làm nhiều người mất việc. Hai thập niên qua, toàn cầu hóa đã dịch chuyển hàng triệu, triệu công việc như lắp ráp máy móc, sản xuất công nghiệp, dệt may, da giày, thậm chí nhiều ngành dịch vụ như chăm sóc khách hàng từ các nước phương Tây sang các nước đang phát triển. Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ được cho là dưới 5% nhưng con số người Mỹ không có việc làm và đã chấm dứt ý định đi kiếm việc làm lên đến trên 40%. Có đến 95 triệu người Mỹ không còn nằm trong lực lượng lao động của nước này nữa.

Nói họ là giai tầng “vô tích sự” ắt hẳn sẽ nhận lãnh sự phẫn nộ chính đáng của họ. Nhưng thật ra Harari dùng từ này là nhìn từ góc độ nhà nước, góc độ kinh tế chứ không mang tính phê phán. Con người luôn có một giá trị chính trị hay kinh tế nào đó nên nhà nước xưa nay luôn phải chăm lo cho thần dân của mình sao cho họ có sức khỏe, đủ ăn đủ mặc bởi đó chính là nơi nhà nước tạo dựng các đạo quân để đi đánh nhau hay để bảo vệ đất nước. Đó còn là đạo quân lao động tạo ra của cải vật chất cho xã hội. 

Nhưng sự dịch chuyển công nghệ làm nhà nước không còn nhu cầu đó với một số lượng nhân công ngày càng lớn –nên mới có cụm từ “vô tích sự”. Đó cũng chính là nguồn cơn gây ra sự phẫn nộ của những người không còn có thể tìm ra một việc làm có thể đem lại cho họ sự thỏa mãn, sự tự tin và ý nghĩ mìn hữu dụng. Lớp người này đang ủng hộ cho Donald Trump như chúng ta đã chứng kiến.

Toàn cầu hóa tạm lắng xuống thì các xu thế công nghệ mới lại tước đi những loại công việc khác. Hàng loạt tài xế taxi truyền thống, hàng loạt bác tài chạy xe ôm đã mất việc vì Uber hay Grab. Các cửa tiệm tạp hóa, các sạp báo… dần biến mất. Trong tương lai ngắn sắp tới hàng loạt nghề nghiệp bị đe dọa vì một dạng trí tuệ nhân tạo chuyên biệt đang dần phổ biến như nghề luật sư tư vấn, bán bảo hiểm, viết tin, trả lời khách hàng, chẩn đoán bệnh, dạy học, dịch thuật…

Thế nhưng điều de dọa hàng triệu việc làm trong thời gian tới chính là blockchain, công nghệ nền tảng hiện đang dùng cho các loại tiền ảo. Blockchain là gì, vì sao nó chiếm việc làm của con người là một đề tài lớn cho một bài viết khác. Ở đây chúng ta tạm thời chấp nhận giả định công nghệ này giúp con người, doanh nghiệp và tổ chức trực tiếp giao dịch với nhau không cần thông qua các định chế trung gian, kiểu như đi xe Uber mà người đi và người lái trực tiếp giao dịch không cần đến Uber nữa. 

Thế là rất có khả năng doanh nghiệp xuất hàng với doanh nghiệp nhập hàng làm việc với nhau không cần dùng đến dịch vụ ngân hàng thanh toán, người mua người bán chứng khoán bấm nút là giao dịch, loại bỏ công ty chứng khoán, người nghe nhạc mua quyền nghe nhạc trực tiếp từ ca sĩ bỏ qua các dịch vụ như Spotify hay Apple Music.

Nếu công nghệ blockchain làm được một góc những gì các nhà phân tích dự báo nó có khả năng làm thì lúc đó lực lượng lao động toàn thế giới sẽ co lại, chắc chắn một lớp người không có việc gì để làm sẽ ngày càng đông.

Chưa cần nhìn xa đến mức đó, xu hướng các ngành nghề thâm dụng lao động hiện nay như may mặc, da giày, lắp ráp máy móc sẽ sử dụng rô-bốt thay nhân công là điều không thể tránh khỏi. Hàng triệu công nhân chỉ có tay nghề may quần áo trong một dây chuyền công nghiệp lúc đó sẽ làm gì? Đừng hão huyền nghĩ rằng sẽ đào tạo họ để điều khiển chính các con rô-bốt thay chỗ cho họ!

Ví dụ sau cho thấy ngay các nhà khoa học cũng không thể hình dung tương lai đang biến đổi nhanh như thế nào. Năm 2004 hai giáo sư từ đại học MIT và Harvard công bố một công trình nghiên cứu, liệt kê các ngành nghề sẽ bị tự động hóa, trong đó họ liệt kê nghề lái xe tải như một ví dụ về loại nghề không thể tự động hóa. Chỉ hơn 10 năm sau, xe tải tự lái đang được thử nghiệm ở nhiều nước và khả năng hàng triệu tài xế xe tải sớm bị mất việc là rất cao.

Nói gì thì nói, mọi công việc rốt cuộc chỉ là tập hợp các thuật toán, tức các bước thực hiện tuần tự để đạt được một mục đích gì đó. Nghề càng chuyên biệt, thuật toán con người càng dễ bị thay bởi thuật toán máy tính. Lúc đó kẻ thì thất nghiệp còn người nắm được thuật toán máy móc sẽ ngày càng giàu, ngày càng có quyền lực… Đó là mầm mống để thế giới chia đổi thành hai ngã như Harari tiên đoán.

Trong ngắn hạn, có thể bác bỏ ý tưởng của Harari bằng cách chỉ ra rằng con người chỉ dịch chuyển từ nghề (job) sang việc (work) –mất nghề lái taxi thì có việc mới: chạy xe Uber. Đúng là có sự dịch chuyển rất mạnh này trong đó nhiều người từ bỏ một nghề mang nghĩa truyền thống, tức gắn với một nơi nào đó, một công việc được miêu tả cụ thể nào đó để chuyển sang làm các việc mới nảy sinh. 

Có thể báo giấy đóng cửa làm hàng loạt phóng viên mất nghề làm báo nhưng họ vẫn có thể chuyển sang các mô hình viết lách khác. Hàng loạt loại công việc mới do Internet tạo ra đang là phương tiện sinh nhai của những người không chịu cảnh “vô tích sự” như bán hàng qua mạng, sáng tạo rồi bán sản phẩm sáng tạo của mình qua mạng…

Ở đây phải hiểu ý nghĩa của cuộc tranh luận không dừng ở chuyện làm việc để có thu nhập nuôi thân. Ngay cả khi xã hội tìm ra cách chia sẻ tài nguyên theo kiểu phân phát một thu nhập cơ bản (universal basic income) mà một số nước đang thí điểm thì con người chỉ có thể duy trì tính người khi họ có một cái gì đó để làm, có ý nghĩa ít nhất là với họ. Với ý nghĩa đó thì nhân loại dư sức sáng tạo đủ loại việc để khỏi rơi vào cảnh “nhàn cư vi bất thiện”, kể cả gán những ý nghĩa mới cho nghệ thuật. 

Và cũng có người nói lúc đó tầng lớp người vô dụng sẽ ăn rồi ngồi chơi game 3D, đắm mình vào thế giới ảo và vẫn hạnh phúc như thời đi cày ngày 8 tiếng. Rất dễ liên tưởng đến cảnh nhiều người hiện đang tiêu tốn nhiều giờ mỗi ngày cho mạng xã hội, nơi họ có thể đắm mình trong các mối quan hệ ảo và quên đi thực tại. Điểm gây khó chịu cho nhiều người là Harari cho rằng thật ra cả ngàn năm nay hàng triệu con người cũng đang chơi một loại game thực tế ảo trong không gian ba chiều: trò chơi tôn giáo.

Với tiến bộ của công nghệ, loài người dư sức nuôi sống lẫn nhau dù 90% không có việc làm vào 2% chiếm gần hết tài sản của xã hội. Vấn đề ở chỗ sẽ không ai chịu mình là tầng lớp “vô tích sự”. Họ sẽ loay hoay tìm cách thoát khỏi sự bế tắc đó. Thoát như thế nào thì chưa rõ nhưng như Harari đã thừa nhận, con người chế ra cái gọi là trật tự tưởng tượng để mới dễ hợp tác với nhau dù đó có thể là lòng yêu nước hay đức tin tôn giáo. Thế thì 90% dân số nhân loại sẽ dùng cái trật tự tưởng tượng đó để tạo ý nghĩa cho “việc” họ đang làm, bất kể nó là gì.

Trừ phi một viễn tưởng xấu nhất xảy ra. Loài người có nhiều điều hư tật xấu, ấp ủ nhiều điều phi lý như chế tạo vũ khí có thể hủy diệt toàn nhân loại nhưng dường như ai cũng đã quen rồi, phải chấp nhận như một thực tại khách quan. Nhưng trí tuệ nhân tạo thì sao, nếu nó bỗng thấy loài người đang hủy diệt chính trái đất họ đang sống và nghĩ phải tiêu diệt loài người để cứu lấy trái đất thì sao. 

Hay đơn giản hơn, Harari đưa ra một ví dụ, một tổ chức nào đó thiết kế một trí tuệ nhân tạo siêu việt và giao cho nó nhiệm vụ tính số PI. Chẳng mấy chốc chương trình này chiếm lấy địa cầu, hủy diệt loài người, chỉ nhằm mục đích sử dụng hết tài nguyên của trái đất để tính số PI ngày càng chính xác.Bởi đó chính là nhiệm vụ con người giao cho nó!



Saturday, September 23, 2017

Làm xe... nhưng xe gì?

Tương lai là xe điện… nhưng không dễ

Nói tương lai chắc chắn là xe hơi điện, thứ nhất, đơn giản chỉ vì chính sách của các nước đang nhắm vào mục tiêu đó. Pháp, Anh tuyên bố chấm dứt sản xuất xe chạy bằng xăng hay dầu trước năm 2040. Na Uy, Hà Lan thì nhắm tới cột mốc sớm hơn, 2025, chỉ cho sản xuất xe điện hay xe lai (hybrid) có đầu sạc. Ấn Độ và một số bang ở Đức có mục tiêu trung hòa hơn với mốc năm 2030… Các nước khác, dù sớm dù muộn, cũng sẽ phải có chính sách tương tự.

Thứ nữa, khi giá xe điện ngày càng giảm, chất lượng ngày càng tăng, chi phí sử dụng không đáng kể chắc chắn người tiêu dùng sẽ chọn xe điện như hiện nay dân Mỹ đang sắp hàng dài trong danh sách chờ được mua xe Tesla Model 3. Đến nổi một nhà kinh tế của đại học Stanford, Tony Seba nhận xét về quyết định của Pháp: “Cấm bán xe chạy dầu hay xăng vào năm 2040 cũng gần giống cấm bán ngựa dùng để vận chuyển trên phố vào năm 2040: có đâu mà cấm!”

Năm ngoái dân Mỹ tiêu thụ 17 triệu xe mới thì chỉ một tỷ lệ nhỏ trong đó là xe hơi điện, 160.000 chiếc. Nhưng hãng xe Tesla của Elon Musk đang thay đổi điều đó. Tháng 3-2016 Tesla cho ra mắt chiếc Tesla Model 3 đầu tiên và hứa hẹn cuối năm 2017 sẽ có xe giao cho khách hàng. Thế là chỉ trong vòng 1 tuần đã có hơn 325.000 xe được đăng ký mua còn hiện nay mỗi ngày thêm chừng 1.800 đơn đặt hàng đều đặn chạy về Tesla. Ai đặt mua xe ngay bây giờ thì ít nhất 18 tháng nữa mới được giao xe!

Kết hợp hai yếu tố trên, nếu bây giờ có ai rót vốn đầu tư một nhà máy sản xuất xe hơi chạy xăng truyền thống, chắc chắn dự án sẽ thất bại: có ai làm ra một sản phẩm mà 10-20 năm nữa nhiều nước cấm xài? Nhưng nếu cũng dự án đó mà sản phẩm là xe hơi chạy điện (không phải xe lai hybrid) thì cơ may thành công là có. Xe hơi với động cơ đốt trong đã trở thành một sản phẩm có biên lợi nhuận thấp ở mức lịch sử nên không có nước nào tự làm xe hơi kiểu cũ nữa nhưng công nghệ xe điện hoàn toàn mới, khả năng bắt kịp thế giới là cao. Vấn đề là con đường đi tới tương lai xe điện hoàn toàn không dễ chút nào.

Vốn lớn, giá cao

Tesla hiện nay là một câu chuyện thành công, kiểu như iPhone của Apple. Hãng xe hơi non trẻ này đã có mức vốn hóa lần lượt vượt qua các hãng xe hơi lớn nhất Mỹ như Ford, GM. Thế nhưng đó là đánh giá của thị trường khi nhìn về tương lai, bởi Tesla vẫn đang lỗ nặng, năm 2016 lỗ 773 triệu đô-la Mỹ. Cũng năm đó hãng GM bán 10 triệu xe còn Tesla bán vỏn vẹn được 76.000 xe.

Thành lập năm 2003, phải đến 5 năm ròng rã nghiên cứu và hoàn thiện, Tesla mới cho ra mắt sản phẩm đầu tiên, chiếc xe điện hai chỗ ngồi Roadster, giá mỗi chiếc lên đến 112.000 đô-la. Giá cao như thế nhưng chi phí sản xuất còn cao hơn, theo Elon Musk, là đến 140.000 mỗi chiếc. Chẳng lạ gì từ năm 2008 đến 2012, Tesla chỉ sản xuất chừng 2.500 chiếc Roadster vì càng bán càng lỗ.

Chỉ đến chiếc xe điện thứ nhì của Tesla, chiếc Model S thì tình hình mới khá hơn một chút nhưng giá bán vẫn cao hơn những chiếc xe chạy xăng tương đương, từ 69.500 đến 140.000 đô-la, tùy mẫu. Chiếc SUV Tesla Model X giá bán còn cao hơn, từ 79.500 đến 145.000 đô-la/chiếc.

Giá cao như thế, dân tình say mê xe Tesla đến thế nhưng Elon Musk suýt phá sản vì nhiều lần phải rót tiền túi vào để nuôi Tesla qua giai đoạn khó khăn khi tiền trong két không đủ trả lương cho nhân viên. Đến nay chưa biết năng lực sản xuất của Tesla có được nâng lên kịp với đơn hàng và khó khăn của hãng này vẫn còn ở phía trước. Nhưng đạt được mức tin cậy của thị trường như ngày nay đã là một kỳ tích đổi bằng các khoản đầu tư khổng lồ và công sức của biết bao kỹ sư tài giỏi.

Trước thành công bước đầu của Tesla, các hãng sản xuất xe hơi truyền thống phải nhảy vào cuộc đua. Họ rót hàng tỷ đô-la vào nghiên cứu và cạnh tranh dữ dội để hoàn thiện dòng xe hơi điện của riêng mình như chiếc Chevrolet Bolt hay chiếc Nissan Leaf. Volkswagen có e-Golf, BMW có i3… Ngay cả các hãng của Hàn Quốc như Hyundai cũng đã có chiếc Ioniq, Kia có chiếc Soul EV. Nhưng theo tờ Economist, Chevrolet bán mỗi chiếc Bolt là lỗ đến 9.000 đô-la; Nissan cũng lỗ chỉ có điều không biết bao nhiêu khi bán mỗi chiếc Leaf. Hãng Daimler cho biết nghiên cứu 10 mẫu xe điện đến năm 2025, họ phải rót đến 10 tỷ đô-la Mỹ.

Giai đoạn hiện nay là giai đoạn nghiên cứu và phát triển cho nhiều hãng cho nên sẽ không dễ mua công nghệ như với công nghệ sản xuất xe truyền thống. Tesla bảo vệ các bí mật công nghệ sản xuất pin của họ còn kỹ hơn Coca-Cola bảo vệ công thức pha chế nước uống của họ. Như thế dự án nào nhảy vào sản xuất xe điện đều phải tính đến chuyện trường vốn, chi tiêu lớn cho nghiên cứu, sản phẩm chịu giá cao và còn phải đầu tư cho một hệ sinh thái đồng bộ sẽ nói ở phần dưới.

Chính sách hỗ trợ từ chính phủ phải mạnh

Hiện nay khách mua xe hơi điện được chính phủ Mỹ bù giá đến 7.500 đô-la, một số tiểu bang còn giảm thêm tổng cộng đến 9.500 đô-la. Chính sách giảm thuế này chỉ chấm dứt khi một mẫu xe bán quá con số 200.000 chiếc. Cho nên chiếc xe điện rẻ nhất của Tesla, chiếc Model 3 có giá 35.000 đô-la, sau khi nhận ưu đãi thì khách chỉ còn trả chừng 27.500 đô-la, cũng bằng đa phần các xe hơi chạy xăng phổ biến. Chính sách trợ giá như thế là một cú hích rất lớn cho các hãng xe điện.  
Điều đáng ngạc nhiên là một trong những chính sách hỗ trợ xe điện mạnh nhất là từ… Trung Quốc. Ngay từ năm 2010, chính phủ Trung Quốc đã thử nghiệm một chính sách ưu đãi trị giá đến 10.000 đô-la cho ai mua xe điện ở năm thành phố (Shanghai, Shenzhen, Hangzhou, Hefei and Changchun). Hiện nay mức trợ giá cho xe buýt điện có thể lên đến trên 80.000 đô-la. Chính vì thế năm ngoái tổng số xe điện bán ra ở Trung Quốc đã đạt mức 400.000 chiếc, cao nhất thế giới.

Rộng rãi nhất có lẽ là chính phủ Na Uy: Xe hơi điện được miễn thuế VAT, thuế mua xe, cộng lại bằn 50% trị giá chiếc xe. Các ưu đãi khác cũng mạnh không kém: miễn phí đường bộ, phí qua phà, qua hầm, lại được sạc miễn phí, được chạy trên làn xe buýt ưu tiên…

Chính sách ưu đãi của các nước đối với các hãng sản xuất xe điện còn mạnh hơn nhiều, từ các khoản tiền cấp ngay giai đoạn nghiên cứu đến giảm thuế, giúp xây dựng các trạm sạc công cộng khắp nơi. Nhiều nước ưu đãi chủ đầu tư chung cư hay bãi giữ xe nào xây thêm cột sạc xe điện.

Ở hướng ngược lại, các nước ngày càng siết chặt các quy định ngặt nghèo dành cho xe chạy dầu hay chạy xăng, như tiêu chuẩn khí thải và phạt nặng các vụ gian dối về khí thải.

Nếu vẫn còn loay hoay với mức thuế nội địa sao cho bù vào mức thuế nhập khẩu sẽ phải giảm về 0%, nếu vẫn còn băn khoăn làm sao bù đắp thiếu hụt ngân sách thì công nghệ xe điện cũng sẽ rơi vào chỗ luẩn quẩn như xe hơi truyền thống.

Thứ nữa, bù giá hay giảm thuế cho xe hơi điện đắt tiền trong khi vẫn giữ nguyên thuế cao cho xe hơi chạy xăng chưa chắc đã là điều dư luận đồng tình. Ở nước khác, ý thức về bảo vệ môi trường cao hơn, người ta sẽ ít so bì giàu nghèo nhưng ở nước ta, bù giá cho xe chỉ nhà giàu mới đủ tiền mua chưa chắc đã thuận buồm xuôi gió.

Vượt qua rào cản tâm lý của người tiêu dùng

Xe hơi điện thì nhiều nhưng người dùng vẫn chỉ mê xe Tesla, sẵn sàng chờ vài năm mới nhận xe. Đó là bởi các mẫu xe của Tesla, từ Model S đến Model X và nay là Model 3 thật sự là những tác phẩm nghệ thuật và công nghệ như lúc Steve Jobs cho ra đời chiếc iPod hay iPhone. Phải tận mắt nhìn hai cánh cửa sau chiếc Model X từ từ bung ra vươn lên trời như đôi cánh chim đại bàng hay thấy cửa chiếc Mode S tự động nhô tay cầm ra khi người lái đến gần mới hiểu vì sao Tesla được ưa chuộng.

Tuy nhiên những điểm mạnh của Tesla nói riêng hay xe điện nói chung không phải là điều người tiêu dùng Việt Nam muốn. Chiếc Vios bán chạy nhất của Toyota hoàn toàn trống vắng các options (tùy chọn) mà các xe khác cố sức quảng bá. Có lẽ chẳng ai cần việc chiếc Tesla Model 3 có thể tăng tốc từ 0km/h lên 100km/h chỉ trong vòng 5,8 giây. Ấn tượng với nội thất sang trọng, tối giản chỉ có một màn hình lớn 17 inch chắc là có nhưng vì thế mà chọn mua thì chưa chắc. Có ai dùng đến chức năng tự lái, tự điều khiển tốc độ, tự giữ làn… trong điều kiện đường sá ở đây.

Trong khi đó tâm lý sợ hết pin giữa đường sẽ là rào cản rất lớn. Chiếc Tesla Model 3 có thể chạy đến 350km mới cần sạc nhưng đa phần các xe điện bình thường hiện nay chỉ đạt mốc 150km. Tesla và chính phủ Mỹ xây một loạt các trạm sạc nhanh, sạch trong 30 phút là đã có thể chạy thêm được 210km mới giúp người lái xe ở Mỹ vượt qua nỗi lo này. Hiện nay ở Mỹ đã có 16.000 trạm sạc với 43.000 chỗ cắm sạc. Thử tưởng tượng chi phí để triển khai một hạ tầng như thế ở Việt Nam!

Xe được ưa chuộng ở Việt Nam không phải là giá hay công nghệ mà là ở độ bền và khả năng giữ giá sau vài ba năm sử dụng. Thử nghĩ một hai sự cố sạc xe điện mà như sạc điện thoại di động thì làm sao thuyết phục người tiêu dùng. Xe hơi chạy xăng có thể tận dụng hàng loạt cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa hiện có nhưng xe điện phải làm lại từ đầu với chi phí không hề nhỏ. Tất cả đòi hỏi một hệ sinh thái, từ chuyện nhỏ như chỗ sạc ở bãi gởi xe đến chuyện lớn như phần mềm chuyên biệt dùng riêng cho xe.

Thử thách là lớn nhưng thuận lợi cũng nhiều. Xe hơi điện đơn giản hơn xe động cơ đốt trong nhiều, chi phí chạy xe, bảo trì, bảo dưỡng thấp, khi đạt quy mô sản xuất lớn thì giá thành sẽ nhanh chóng hạ dưới mức xe truyền thống. Nếu vượt qua những thử thách nói trên, nhất là có chính sách đúng đắn ngay từ đầu và sau đó duy trì một cách nhất quán, xe hơi điện mới thật sự có tương lai ở Việt Nam.



Chuyện giáo dục

Trói bớt tay người dạy

Chuyện Sở Giáo dục – Đào tạo TP.HCM cấm sử dụng các thiết bị nghe nhìn như cassette, CD, bảng tương tác để nghe nhạc, xem video… trong giờ dạy tiếng Anh của giáo viên bản ngữ mà các báo xem là chuyện lạ thật ra đã được quy định từ năm ngoái, năm nay nhắc lại và có thêm một quy định lạ đời nữa: giáo viên bản ngữ chỉ được dùng những tài liệu được Sở cho phép sử dụng, tuyệt đối không dạy những tài liệu chưa được Sở thẩm định hoặc cho phép.

Quy định từ năm ngoái, năm nay nhắc lại, chứng tỏ những người ra quy định không thấy đó là chuyện lạ, không thấy sự phi lý của lệnh cấm này, không thấy nó vô hiệu hóa những công cụ hỗ trợ người thầy nên sẽ giảm đi hiệu quả của việc mời giáo viên bản ngữ như thế nào.

Giáo viên bản ngữ môn tiếng Anh, ngoài việc tiếng Anh là ngôn ngữ mẹ đẻ còn phải tốt nghiệp đại học, có bằng giảng dạy tiếng Anh như một ngoại ngữ như chứng chỉ CELTA của Cambridge. Trong khi các khóa đào tạo người bản ngữ đi dạy tiếng Anh đều có phần hướng dẫn sử dụng các công cụ hỗ trợ kỹ thuật nghe nhìn, có lẽ khi qua Việt Nam dạy, họ phải quên phần này đi.

Quy định đang được nói tới là áp dụng cho môn tiếng Anh cấp tiểu học mà ai cũng biết học sinh tiểu học học tiếng Anh chủ yếu qua các bài hát, trò chơi, đóng kịch, nói chung là bắt chước sinh hoạt của các bạn cùng lứa tuổi ở Anh hay ở Mỹ. Sở cũng biết chuyện này nên có nói học kỳ 1 lớp 1 các trường chỉ dạy học sinh kỹ năng nghe nói, tuyệt đối không dạy viết, văn phạm, không được dùng tài liệu gì cả. Thế nhưng cứ tưởng tượng một giáo viên bản ngữ vào lớp giả giọng hai em bé trò chuyện với nhau hay cưa sừng làm nghé, chuyển giọng để hát bài thiếu nhi vì bị cấm không được dùng đĩa CD? Nó làm sao thật bằng cho các em xem video người thật, việc thật vừa lôi cuốn các em vừa giúp các em cơ hội bắt chước đúng giọng.

Cứ thử tưởng tượng bạn được tuyển sang dạy tiếng  Việt cho học sinh tiểu học ở nước Anh mà không được đem theo các cuốn băng hoạt hình có trẻ em Việt Nam đối đáp nhau hay đĩa nhạc các bài ca thiếu nhi như Bé bé bồng bông thì có phải bó tay không? Một thầy giáo có lòng tự trọng ắt sẽ từ chối điều kiện giảng dạy như thế.

Quy định năm ngoái còn kỳ lạ hơn nữa khi nhắc các trường “tránh tình trạng giáo viên bản ngữ vào lớp chỉ chơi trò chơi mà không giảng dạy theo chương trình của nhà trường” – may mà năm nay đã bỏ phần này. Học tiếng Anh với học sinh tiểu học, quan trọng nhất là tạo sự hứng thú ở các em nên các chương trình đều chú trọng dạy qua bài hát, qua trò chơi. Quy định như năm ngoái là hoàn toàn phản sư phạm nên bỏ đi là phải.

Dù sao nếu cố gắng đặt mình vào vị trí người ra quy định có thể hiểu nỗi lo của họ: mời giáo viên bản ngữ tốn kém, đắt đỏ nên phải tận dụng thế mạnh của họ, ai lại để họ chơi không, ai lại để họ cứ mở băng cassette hay cho học sinh xem video suốt. Giả thử có giáo viên bản ngữ cũng lười, vào lớp chỉ khư khư các công cụ nghe nhìn mà không chịu giao tiếp với học sinh, liệu quy định này có phải là biện pháp hữu hiệu ngăn chặn hiện tượng đó?

Nỗi lo đó là có thật vì thực tế chất lượng và lương tâm nghề nghiệp của các giáo viên bản ngữ cũng đa dạng lắm kiểu. Nhưng đó là mối quan hệ giữa người học và người dạy, đó là nỗi lo, là mối qua tâm của nhà trường chứ không phải là một lãnh vực quản lý nhà nước.

Với học sinh lớn tuổi hơn, có thể tập cho các em làm quen với việc đánh giá tiết dạy của giáo viên, có thỏa mãn kỳ vọng của các em không. Nếu gặp một giáo viên bản ngữ quá lạm dụng video bắt học sinh xem hết phim này đến phim khác, phải tập cho các em thói quen phản ứng và nhà trường phải sẵn sàng để can thiệp. Học sinh tiểu học thì khó hơn nhưng nhà trường vẫn có thể nắm được tình hình giảng dạy nhất là trong lớp luôn luôn có một giáo viên thứ nhì làm trợ giảng. Một nhà trường quản lý tốt là nhà trường đánh giá được hiệu quả của việc sử dụng giáo viên bản ngữ bằng nhiều biện pháp khác nhau chứ không phải bằng một văn bản cấm dùng các phương tiện nghe nhìn!

Một giáo viên sáng tạo bài giảng cách hỏi đường bằng tờ phô tô bản đồ khu vực gần trường cho học sinh đóng vai luyện tập mà cũng không được phép (vì Sở nói rõ cấm dùng tài liệu chưa được Sở thẩm định, kể cả tờ rơi) thì thử hỏi cách quản lý như thế đã hạn chế sự sáng tạo, chủ động và hứng thú của giáo viên đến mức độ nào.

Suy cho cùng quyết định tuyển giáo viên bản ngữ nào là của nhà trường và phụ huynh bởi kinh phí trả cho giáo viên bản ngữ là kinh phí xã hội hóa (nói cho dễ hiểu là do phụ huynh đóng góp) chứ đâu phải từ kinh phí nhà nước. Cấm sử dụng băng cassette, đĩa CD không phải là hướng dẫn chuyên môn; nó là sự can thiệp theo kiểu bao đồng, cả lo, tủn mủn và không đi đến đâu cả.

AI - hype and reality

  AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...