Sunday, September 29, 2013

Tiếng Anh trong lời nhạc

Tiếng Anh trong lời nhạc

Tuần này chúng ta thử quan sát tiếng Anh được sử dụng trong lời các bài hát bằng tiếng Anh. Đây là loại tiếng Anh đơn giản, dễ hiểu lại dễ nhớ. Tuy nhiên thường mỗi bài có đôi chỗ khó hiểu, không phải vì từ vựng mà vì cách diễn đạt lạ.

Lấy ví dụ bài “Careless Whisper”, câu đầu trong điệp khúc “Time can never mend/the careless whispers of a good friend/to the heart and mind/ignorance is kind”. Người ta thường nói không hay, không biết gì cả đôi lúc là điều hạnh phúc, điều hay - câu diễn tả ý này thường là “Ignorance is bliss”. Nói ignorance is kind cũng tương tự như vậy. Ở đoạn “cao trào” có câu: “Tonight the music seems so loud/I wish that we could lose this crowd”. Trong phim hành động chúng ta thường nghe các nhân vật nói với nhau: “Làm sao để cắt đuôi gã này” - “lose this crowd” ở đây cũng có nghĩa ước gì bỏ đám đông này mà đi nơi khác.

Trong bài “The Winner Takes It All”, chuyện đánh bài được đưa ra để ví von với chuyện tranh giành tình cảm. Vì thế mới có câu: “I’ve played all my cards/And that's what you've done too/Nothing more to say/No more ace to play”. Ace là con ách, được dùng theo nghĩa lá bài tốt nhất, nên khi không còn con ách nào trong tay là xem như thua rồi. “She aced the exam” có nghĩa em này thi được điểm A; “ace in the hole” là lợi thế còn giấu để dành; nhưng “within an ace of” chỉ là suýt nữa (He came within an ace of losing the election). Vì dùng hình ảnh cờ bạc may rủi nên bài hát có câu: “The gods may throw a dice/Their minds as cold as ice/And someone way down here/Loses someone dear”. Dice là những hột xúc xắc, số ít của từ này là die, động từ thường dùng kèm là throw a die hay cast a die. Vì thế thành ngữ “The die is cast” - chính là số phận đã an bài.

Một số bài dùng biện pháp nhấn mạnh nên cả bài nói đủ thứ chuyện chỉ để đưa đến một kết luận bất ngờ. Chẳng hạn, bài “I just call to say I love you”, phần đầu tác giả dùng rất nhiều dẫn chứng để nói rằng hôm nay không phải là ngày đặc biệt. Những dẫn chứng này có thể gây khó hiểu. “No April rain/no flowers bloom” là vì mưa tháng 4 được xem là dịp đặc biệt - April showers bring May flowers. “No Libra sun/No Halloween” là bởi theo tử vi phương Tây, mặt trời vào cung Thiên Bình (Libra) từ 23-9 đến 23-10, một thời điểm mà “Many modern astrologers regard as the most desirable of zodiacal types because it represents the zenith of the year, the high point of the seasons”. Cái hay của tác giả là liệt kê hết các ngày đặc biệt trong năm từ “No New Year’s Day to celebrate...” cho đến “No giving thanks to all the Christmas joy you bring” và nói rằng hôm nay không phải là các ngày đó. Chỉ đơn giản - I just called to say I love you/And I mean it from the bottom of my heart.

Có lẽ nhiều người đã từng nghe qua bài “Hotel California”, bị cuốn hút bởi đoạn intro dài bằng guitar mượt mà nhưng không hiểu lời bài hát nói gì. Đại khái tác giả lái xe lang thang trong đêm trên xa lộ hoang vắng, ghé lại một khách sạn kỳ bí, chứng kiến những hình ảnh lạ lùng, tác giả cố gắng thoát ra nhưng không được. Đã có đủ loại đồn đãi, lý giải chung quanh lời bài hát, từ chuyện cho rằng tác giả muốn miêu tả một giáo phái thờ cúng Satan, đến chuyện đây là hình ảnh ẩn dụ của một nhà thương điên... Tuy nhiên, ban nhạc Eagle, qua nhiều phỏng vấn, cho rằng họ muốn nói đến lối sống hưởng thụ, trụy lạc, sử dụng ma túy không lối thoát của miền Nam California thập niên 1970, đặc biệt là trong ngành công nghệ âm nhạc. “And she said we are all just prisoners here, of our own device” - Device ngoài nghĩa bình thường là thiết bị, còn dùng trong các thành ngữ “to leave someone to his own device” - để mặc ai tự xoay xở, tự ý muốn làm gì thì làm; “of our own device” ở đây là do lỗi của chính ta thôi, không ai bắt ta giam làm tù nhân cả. Cho nên mới có câu cuối cùng, là lời của người trực đêm: You can checkout any time you like/But you can never leave!

Trong bài này có những câu dùng ẩn dụ: “Her mind is Tiffany-twisted, she got the Mercedes bends...”. Thông thường người ta chỉ cần nói “Her mind is twisted” (đầu óc của ả bị chạm mạch) là đủ nhưng ở đây dùng thêm Tiffany (tên một chuỗi cửa hàng nữ trang nổi tiếng). Ý của tác giả muốn nói đến sự đam mê vật chất, đầu óc quay cuồng vì những thứ như nữ trang Tiffany, xe Mercedes-Benz... Wikipedia cho rằng: “The lyrics “her mind is Tiffany-twisted, she’s got the Mercedes bends” (bends rather than the typically used “Benz”) both associate physical discomforts with expensive merchandise”.

Có lẽ đến đây, khi nghe lại bản nhạc này chúng ta không còn thắc mắc vì sao có câu: “So I called up the captain/please bring me my wine/He said, we haven’t had that spirit here since nineteen sixty nine”. Spirit vừa có nghĩa là rượu vừa mang nghĩa tinh thần, ý nói đến tinh thần của thanh niên Mỹ thập niên 1960

(Trích cuốn Tám chuyện tiếng Anh, vừa tái bản trên Smashwords và Amazon)



Friday, September 27, 2013

Khó hay dễ?

Khó hay dễ?

Tiếng Anh rất dễ học nếu mục đích học chỉ là để giao tiếp thông thường hay đọc hiểu những văn bản đơn giản. Nhưng để hiểu hết những tinh tế trong tiếng Anh, để sử dụng được tiếng Anh như người bản ngữ, người học phải vật lộn với muôn vàn khó khăn. Xin trích một câu nói lên sự phức tạp của tiếng Anh trên tờ Financial Times: There is, however, plenty that is difficult about English. Try explaining its phrasal verbs - the difference, for example, between “I stood up to him” and “I stood him up”.

Phrasal verbs đúng là món khó nuốt nhất trong tiếng Anh vì chúng thường gồm các từ quen thuộc nhưng khi đi kèm với nhau lại mang nghĩa mới, hoàn toàn không liên quan gì đến nghĩa gốc. Trong ví dụ trên, to stand up to someone là đương đầu, đối đầu với ai còn to stand someone up lại là cho ai leo cây. Đấy là tác giả chưa thử nêu thêm vài nghĩa của các phrasal verbs có động từ stand, như stand up for là bảo vệ, đứng về phe; stand up with là làm phụ dâu hay phụ rể; chưa kể stand không thôi cũng có nghĩa lạ như câu My offer stands (Đề nghị của tôi vẫn còn giá trị).

Chúng ta thử đọc các bài báo kinh tế xem phrasal verbs và các cụm từ mang tính đặc ngữ khác có khả năng làm người đọc mất “cảnh giác”, dẫn đến chỗ hiểu sai, hiểu sót như thế nào.

Trong bài “The Consumer Crunch” trên tờ BusinessWeek có câu: “In the dot-com bust of 2001, for example, tech companies and stocks took it on the chin, while consumer spending and borrowing sailed through without a pause”. To take it on the chin ở đây là chịu thiệt hại nặng nề, trực tiếp nhất; còn sail through là dễ dàng vượt qua. Một câu khác cũng trong bài này: The latest retail sales numbers, which showed a soft 0.2% gain in October, suggest that spending may hold up through this holiday season. Hold up ở đây là duy trì [mức cũ]. Cái khó là nếu hold up dùng trong câu khác ở một văn cảnh khác, lại phải hiểu theo văn cảnh mới (trong khi nghĩa gốc vẫn giữ nguyên): He managed to hold up under the daily stress - vẫn bình chân, vẫn duy trì phong độ. Cái khó hơn nữa là bản thân hold up lại có nhiều nghĩa khác: The plane’s departure was held up because of the storm (bị trễ); Robbers held up that shop last month (cướp); The teacher held the essay up as a model for the students (đưa ra làm minh họa)...

Sau khi dẫn chứng một vài số liệu, bài báo viết: Those numbers aren’t dead-on accurate - với nghĩa của dead-on là [chính xác] tuyệt đối. Với câu này, dead-on mang nghĩa ngắn gọn, súc tích, đi thẳng vào vấn đề: “She avoids big scenes... preferring to rely on small gestures and dead-on dialogue”. Đến phần tiên đoán tác động của sự sụt giảm chi tiêu vào nền kinh tế nói chung, tác giả viết: Conventional wisdom is that consumer spending makes up 70% of gross domestic product. Có lẽ make up trong câu này đã quen thuộc với nhiều người (cấu thành, chiếm) nhưng cũng từ make up này trong câu He made up the difference in the bill - các bạn có đoán được nó có nghĩa gì không? Anh chàng này chơi đẹp, đã trả bù cho khoản còn thiếu trên hóa đơn tính tiền. Một cuốn từ điển tốt sẽ liệt kê vài chục nghĩa của cụm động từ make up.

Ở một bài khác, có tựa: Microsoft Sales Are Up, and Gates Is Off, rõ ràng phải hiểu các phrasal verbs, mới hiểu nghĩa của tựa bài, muốn đề cập hai ý chính - doanh số của Microsoft đang tăng và Bill Gates không còn tham gia điều hành hãng này nữa. 

Tổng kết tình hình chứng khoán trong ngày, tờ New York Times trích lời một nhà phân tích: You can certainly come up with a list of the top 10 reasons why we should be down. Cụm từ be down (sụt giá) tương đối dễ; cụm từ come up with (nghĩ ra, phát hiện) cũng thường thấy. Nhưng come down on dễ bị hiểu sai: “A district attorney who came down hard on drug dealers” là một người quyết tâm truy quét, trừng phạt bọn buôn bán ma túy. Và chỉ cần thay chữ on bằng to hay with là nghĩa biến đổi khác hẳn. It comes down to this: the man is a cheat - come down to ở đây là thực chất của vấn đề; và come down with là bị ngã bệnh.

Đôi lúc các dạng phrasal verb này chuyển thành danh từ ghép thì nghĩa của chúng cũng khác xa với các từ riêng lẻ tạo ra chúng. Cũng tờ New York Times trong một bài nói về tâm lý chọn bạn đời của nam giới, đã viết: “It isn’t exactly that smarts were a complete turnoff for men”. (Xin mở ngoặc nói thêm smarts trong câu này dùng như danh từ chỉ sự thông minh, đầu óc thông minh). Xuất phát từ phrasal verbturn off”, mang nghĩa ghét, dị ứng (That song really turns me off), chúng ta có từ “turnoff” - một điều, một vật, một người gây dị ứng, không ưa được.

Có thể kể và giới thiệu mãi về các phrasal verbs xuất hiện thường xuyên trong tiếng Anh. Vấn đề là người học nên chú ý, gặp câu nào hơi khó hiểu, phải tra cứu nghĩa của cả cụm từ chứ đừng bị “lạc hướng” vì nghĩa đơn giản của từng từ. Đấy là cái khó của tiếng Anh.  

(Trích từ cuốn "Tám chuyện tiếng Anh" vừa mới xuất bản)

Nếu đọc xong bài trên và vẫn muốn đọc tiếp chừng 70 bài khác, tám chuyện tiếng Anh tương tự như thế, xin vào Smashwords để mua sách (link ở đây). Còn ai không thích Smashwords thì mời vào Amazon, ấn bản Kindle (link ở đây).


Thursday, September 26, 2013

"Tám" chuyện tiếng Anh

"Tám" chuyện tiếng Anh

Hiện nay trên mạng thấy có lưu truyền cuốn sách dạng ebook “Tiếng Anh theo dòng thời sự” của tôi. Rất tiếc đây là ấn bản ebook mà một người nào đó làm vội, chỉ lấy mấy chục bài từng đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn rồi gom lại thành sách.

Thật ra, về tiếng Anh, tôi có viết ba cuốn: "Chuyện chữ & nghĩa", NXB Trẻ năm 1997; "Tiếng Anh lý thú", NXB TPHCM năm 2000 và "Tiếng Anh theo dòng thời sự", NXB Trẻ năm 2008. Tất cả ba ấn bản này đã không còn bán ngoài nhà sách nữa, nhiều bạn bè đòi tặng cũng đành chịu.

Cuốn "Tám chuyện tiếng Anh" này xem như là lần tái bản ở dạng ebook cuốn "Tiếng Anh theo dòng thời sự" nhưng là bản đầy đủ, dài gấp ba lần cuốn sách bị đưa lên mạng trái phép. Chuyển cuốn này thành ebook và phát hành qua các kênh, tôi muốn thử nghiệm chuyện tự xuất bản, hy vọng nó sẽ được bạn đọc đón nhận.

Về nội dung sách, xin trích một đoạn trong Lời giới thiệu của Phạm Vũ Lửa Hạ: "Tiếp tục phong cách của tập sách Chuyện chữ nghĩa tiếng Anh được đón nhận nồng nhiệt hồi cuối thập niên 1990, tác giả tránh sa vào lối mòn của những cuốn sách dạy và học tiếng Anh từng xuất bản ở Việt Nam: hoặc dịch song ngữ, hoặc giảng giải theo kiểu từ chương cứng nhắc. Thay vì thế, độc giả được khuyến khích tìm hiểu văn cảnh và “read between the lines” (ý tại ngôn ngoại). Xuyên suốt trong tập sách này là phương châm “hiểu sao cho đúng”. Để làm được điều tưởng dễ mà khó này, tác giả kéo độc giả vượt ra khỏi khuôn khổ thông thường của việc trau dồi sinh ngữ. Tác giả cảnh báo những bẫy ngôn ngữ trong viết và dịch thuật tiếng Anh, phân biệt văn phong hoa mỹ sáo rỗng và tiếng Anh giản dị, hướng dẫn cách vượt qua những rào cản như thành ngữ và tục ngữ, hay nghĩa đen nghĩa bóng. Ngoài ra, độc giả còn được chỉ cách hiểu tường tận mọi ngóc ngách của một văn bản tiếng Anh với những kỹ thuật hữu ích như tìm từ chưa có trong từ điển, cách liên tưởng điển tích và sử dụng kiến thức về văn minh – văn hóa để hiểu hàm ý, dùng bài viết tiếng Anh của người bản xứ về kinh tế Việt Nam để học cách dịch những khái niệm thuần Việt sang tiếng Anh".

Đây là link để mua sách:

Smashwords:
https://www.smashwords.com/books/view/361406

Amazon (Kindle Edition):
http://www.amazon.com/T%C3%A1m-chuy-x1EC7-x1EBF-ebook/dp/B00FFWASBO/ref=sr_1_1?ie=UTF8&qid=1380208342&sr=8-1&keywords=%22T%C3%A1m+chuy%E1%BB%87n+ti%E1%BA%BFng+Anh%22


Thursday, September 19, 2013

Bất ngờ những con số

Bất ngờ những con số

Khi đọc tin trên các báo, rằng Việt Nam có trên 5 triệu đơn vị kinh tế, hành chính, có lẽ ít người có ấn tượng gì. Nhưng nếu đọc kỹ báo cáo về kết quả chính thức cuộc tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp mà Tổng cục Thống kê vừa công bố, có thể rút ra những kết luận đáng ngạc nhiên.

Ví dụ, lâu nay, rất nhiều nghiên cứu khi nói về doanh nghiệp nhà nước đều cho rằng sau một quá trình cổ phần hóa, sắp xếp, tái cơ cấu thì số lượng doanh nghiệp nhà nước giảm mạnh, còn khoảng 1.300 đơn vị.

Tuy nhiên, theo báo cáo, số lượng doanh nghiệp nhà nước đến năm 2012 là 3.308, đang sử dụng 1,66 triệu lao động. Đó là chưa kể hơn 8.000 “cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc cơ quan hành chính sự nghiệp, đoàn thể, hiệp hội”. Thế mà nhiều nghiên cứu cứ nói, năm 1990, cả nước có 12.000 doanh nghiệp nhà nước, đến năm 2000, còn khoảng 6.000 và 2011 chỉ còn hơn 1.300 doanh nghiệp. Đáng tiếc là báo cáo không có một định nghĩa rõ ràng thế nào là doanh nghiệp nhà nước nên khó lý giải sự chênh nhau này. Có thể báo cáo tính riêng các công ty con hạch toán độc lập của các tập đoàn, tổng công ty… Nhưng dù sao điều rõ nhất là, trên cùng một báo cáo, con số doanh nghiệp nhà nước không giảm bao nhiêu so với 5 năm trước đó (năm 2007 có 3.706 doanh nghiệp). Nếu tính luôn hơn 8.000 cơ sở sản xuất kinh doanh mang tính nhà nước thì quá trình cải cách khối doanh nghiệp nhà nước chưa đạt được kết quả bao nhiêu, vẫn còn đó những lỗ đen hút hết vốn đầu tư nhà nước, tín dụng ưu đãi, quyền sử dụng đất, quyền sử dụng tài sản công cho hoạt động kinh doanh.

Điều thứ ngạc nhiên thứ nhì là quy mô của các đơn vị sự nghiệp. Nếu như cả nước có 34.803 cơ quan hành chính thì số đơn vị sự nghiệp cao gấp đôi, lên đến 69.735 đơn vị. Nếu loại trừ các cơ sở y tế (13.682) và cơ sở giáo dục (44.712) thì vẫn còn 11.341 đơn vị sự nghiệp có thể chuyển đổi mô hình hoạt động để giảm nhẹ gánh nặng ngân sách nhà nước. Đó là những đơn vị như thế nào? Trong văn hóa thể thao, đó có thể là nhà hát cải lương, trung tâm ca nhạc nhẹ, đoàn nghệ thuật múa rối, đoàn xiếc, trung tâm thông tin triển lãm, các viện bảo tàng, thư viện… Trong sự nghiệp kinh tế, đó có thể là chi cục thú y, chi cục bảo vệ thực vật, trung tâm khuyến nông, trung tâm công nghệ thông tin, cảng vụ hàng hải, ban quản lý cảng, ban quản lý bến xe…

Năm 2009, Bộ Tài chính đã đưa ra dự thảo “Quy chế thí điểm chuyển đơn vị sự nghiệp công lập có thu thành công ty cổ phần” nhưng do chưa có sự chuẩn bị kỹ, dư luận hiểu nhầm đây là chủ trương cổ phần hóa các trường đại học nên phản đối và cuối cùng Bộ Tài chính phải rút lui dự thảo này. Lẽ ra cần phải mạnh dạn cổ phần hóa, chuyển đổi mô hình hoạt động các đơn vị sự nghiệp này bởi đa số là loại hình hoạt động có thể chuyển giao cho tư nhân làm mà không ảnh hưởng gì đến xã hội. Ở những đơn vị sự nghiệp nào còn nhận kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước thì khi chuyển đổi, khoản ngân sách sẽ trở thành các khoản tài trợ  mà bên nhận tài trợ phải chứng minh hiệu quả hoạt động trước khi được giao.

Thật ra, trong nhiều văn bản, Nhà nước cũng đã nhiều lần nhấn mạnh đến chủ trương khuyến khích các đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi sang hoạt động theo loại hình doanh nghiệp, loại hình ngoài công lập và đi kèm là nhiều ưu đãi về thuế, đất đai, tài sản… nhưng kết quả không như chủ trương. Thực tế số lượng các đơn vị sự nghiệp ngày càng tăng, từ 63.054 đơn vị năm 2007 lên đến 69.735 đơn vị năm 2012, theo báo cáo (loại trừ mức tăng của ngành y tế và giáo dục thì con số đơn vị sự nghiệp khác vẫn tăng mạnh từ 8.770 lên 11.341 đơn vị).

Số lượng các đơn vị thuộc dạng tổ chức chính trị, đoàn thể, hiệp hội cũng là con số rất lớn, lên đến 33.897 đơn vị, xem như gần bằng các cơ quan hành chính của cả nước. Điều đáng nói hơn là so với năm 2007, trong khi các cơ quan hành chính giảm 0,4% thì các tổ chức chính trị, đoàn thể, hiệp hội lại tăng 9,3%. Rõ ràng đây là một khu vực có thể cải tổ,  theo hướng tinh gọn, sao cho vừa tránh được sự trùng lắp trong bộ máy hành chính, bộ máy điều hành, vừa là cơ sở để cải cách tiền lương trên cơ sở giảm biên chế.

Đã đến lúc phải cân nhắc, xem thử ngân sách nhà nước có phải cán đáng các tổ chức như Hội Nhà văn, Hội Nhà báo, Hội Nhạc sĩ, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh, Hội Luật gia, Hội Làm vườn… Lúc đó cụm từ “xã hội hóa” mới mang ý nghĩa thật sự đối với xã hội và nền kinh tế.

Monday, September 16, 2013

Hai cột trụ

Hai cột trụ
Giáo dục và y tế là hai cột trụ của xã hội. Khả năng tiếp cận bình đẳng hai lãnh vực này đem lại cho người dân nghèo những lợi ích còn to lớn hơn chuyện xóa đói, giảm nghèo hay rộng ra là mạng lưới an sinh xã hội cho họ.
Thế nhưng, hiện đang có xu hướng phân biệt đối xử trong giáo dục và y tế, làm méo mó chính sách phát triển bình đẳng và lấn chiếm nguồn lực của người nghèo.
Trong giáo dục, đó là việc thành lập các trường công lập chất lượng cao. Khi Hà Nội cho phép thành lập các trường chất lượng cao trong hệ thống các trường công lập, áp dụng học phí đến 3,4 triệu đồng/tháng cho mỗi học sinh, đã có nhiều tiếng nói phản đối, tập trung vào chuyện mất bình đẳng giữa gia đình có điều kiện cho con em học loại trường này và gia đình nghèo không đủ điều kiện.
Nhưng có lẽ cần phải phản đối mạnh hơn nữa ở khía cạnh, cơ sở vật chất trường công là của toàn dân, được nhà nước đầu tư xây dựng nên từ tiền đóng thuế của tất cả người dân. Nay tự dưng chuyển một số trường thành loại hình “trường sang” chỉ dành cho con nhà giàu thì chắc chắn đã làm sai mọi luật lệ hiện hành. Khi một doanh nghiệp giáo dục trúng thầu triển khai chương trình dạy chương trình Cambridge ở một số trường tại TPHCM và Hà Nội, họ đã lợi dụng cơ sở vật chất chung để dạy cho một số em học sinh, thu lãi trên tài sản không phải của họ. Nay nếu có người lấy luôn cơ sở vật chất của nguyên cả trường thì sự méo mó lên đến dường nào.
Trong giáo dục, chủ nghĩa tinh hoa (elitism) đã bị phê phán từ lâu. Nhưng dù sao ở các nước sự đào tạo mang tính phân biệt như thế chỉ gói gọn trong hệ thống tư thục, chứ ai dám sử dụng hệ thống công lập để thí nghiệm.
Có người lập luận, giả thử một tỉnh bỏ tiền ra xây dựng một trường chất lượng cao, đầu tư tốt, tuyển giáo viên giỏi, trả lương cao, tuyển học sinh giỏi để đào tạo người giỏi cho xã hội thì sao? Liệu như thế có phân biệt đối xử hay không vì cũng là cơ sở công, cũng là tiền từ ngân sách công?
Sự khác biệt ở đây chính là khả năng tiếp cận. Loại hình trường công lập chất lượng cao có vé vào cổng là tiền học cao chót vót; loại hình trường đào tạo học sinh giỏi có vé vào cổng là năng lực học tập của học sinh – hai bên khác nhau một trời một vực. Và ngay chính loại hình trường chuyên, lớp chọn cũng đâu phải đã nhận được sự đồng tình của xã hội khi mục tiêu đào tạo bị méo mó khi chỉ nhắm đến thành tích.
Mô hình trường công lập chất lượng cao còn cho thấy sự thất bại của hệ thống giáo dục đại trà hiện nay, từ lương cho giáo viên không đủ sống (nên mới có hy vọng trường chất lượng cao thu tiền học cao, sẽ thu hút giáo viên giỏi nhờ trả lương cao) đến cơ sở vật chất. Nhưng nếu chỉ trông chờ vào mô hình này để giải quyết sự yếu kém đó thì hóa ra hệ thống tư thục phải bùng nở và thành công từ lâu? Vấn đề còn là chương trình dạy, sách giáo khoa, triết lý giáo dục, tầm nhìn trong đào tạo… toàn những chuyện không liên quan nhiều đến tiền bạc.
*                      *                      *
Ở cột trụ thứ nhì, ngành y tế đang mang tai tiếng về phong trào “xã hội hóa” khi bệnh viện công tìm cách kinh doanh với tư nhân bằng các trang thiết bị tự mua sắm, tự tính tiền cao cho bệnh nhân. Thật khó tưởng tượng cảnh bệnh nhân bị buộc chịu nhiều xét nghiệm chỉ vì người ta muốn có khách hàng cho cái phần “xã hội hóa” này.
Chuyện này đã có nhiều bài báo điều tra công phu, chi tiết. Ở đây chỉ xin nhắc một ý nhìn từ góc độ kinh tế. Việc bệnh viện công “kinh doanh” bằng máy móc tư có thể diễn ra mà bệnh nhân (khách hàng) không phản đối được là nhờ tận dụng lợi thế thông tin bất đối xứng khi bệnh nhân luôn ở vị thế thua thiệt, vị thế độc quyền, lợi dụng thương hiệu của bệnh viện công, sự cấu kết mặc định để hầu như bệnh viện nào cũng áp dụng cơ chế này nên người bệnh không có sự chọn lựa nào khác… Toàn là những đặc điểm mà rơi vào tay một doanh nghiệp bình thường ở bất kỳ ngành nghề nào khác thì họ đã làm giàu nhanh chóng và thực tế thị trường sẽ đào thải cũng nhanh chóng không kém bởi không ai có thể chấp nhận những đặc quyền như thế.
Ở đây, cũng sẽ có người lập luận nếu không có hình thức “xã hội hóa” y tế như thế thì làm sao bệnh viện đầu tư trang thiết bị máy móc đắt tiền, làm sao trả lương đủ sống cho cán bộ nhân viên, người bệnh làm sao hưởng được những tiến bộ trong y học hiện đại?
Một lần nữa, thực tế này cho thấy sự thất bại của ngành y tế, dù hiểu rất rõ thực trạng “xã hội hóa” vẫn phải nhắm mắt làm ngơ bởi những thực tế nêu ở lập luận trên. Nếu lãnh đạo bệnh viện và tư nhân làm được thì lẽ ra đầu tư nhà nước cũng làm được, vừa đem lại những lợi ích liệt kê, vừa hạn chế những đặc điểm dễ tạo ra sự lạm dụng về mặt kinh tế. Nhưng để làm được thì phải có một chiến lược, một đề án lớn, một cái nhìn tổng thể và một nhiệt tình để thuyết phục rất nhiều người phản đối.

Để kết luận, giả thử chúng ta tiến hành cổ phần hóa các trường công và các bệnh viện công – một chuyện không xảy ra nhưng cứ giả định để hình dung được vấn đề dễ hơn. Điều gì sẽ xảy ra? Giá trị lớn nhất vẫn sẽ là đất, nhà cửa trên đất và con người, thương hiệu, uy tín sẵn có. Tức là khi tính toán hiệu quả, người làm dự án sẽ phải tính đến các giá trị này mà nếu chia trả đầy đủ, rất khó lòng đạt được hiệu quả tài chính mong muốn. Nay, dùng chiêu thức “trường công chất lượng cao” hay áp dụng mô hình “xã hội hóa” tại bệnh viện công, những người thực hiện không cần đưa các giá trị lớn lao đó vào tính toán của mình nên họ sẽ hưởng “siêu lợi nhuận” chứ không còn là lợi nhuận đơn thuần. 

Sunday, September 15, 2013

Làm báo kiểu mới

Làm báo kiểu mới

Trái ngược với nhiều tiên đoán bi quan về tương lai của báo chí, có nhiều dấu hiệu cho thấy báo chí đang phát triển mạnh! Thoạt nghe rất trái tai nhưng cũng rất dễ đồng tình với nhận xét này nếu chúng ta không đánh đồng “báo chí” với “báo in”.

Ngày xưa, có lẽ thói quen của nhiều người là sáng ra, cầm tờ báo đọc một mạch các tin bài quan trọng rồi thôi. Có ai sáng đã đọc rồi, trưa vẫn tìm báo đọc, chiều tìm tin mới và tối loay hoay lùng sục các sạp báo coi còn sót tờ nào nữa không! Hiếm lắm.

Nhưng đó chính là hình ảnh cách đọc báo của nhiều người hiện nay. Họ đọc sáng, đọc chiều, đọc tối; họ đọc trên máy tính, quay sang đọc trên máy điện thoại di động, tối về nằm đọc trên máy tính bảng. Họ đọc tờ này, nhảy sang tờ khác, tin trên mạng này, qua tin trên mạng khác. Họ đọc bất kỳ khi nào có bạn bè giới thiệu.

Như vậy đã có thể kết luận được chăng, rằng nhu cầu tin tức vẫn tăng mạnh, chỉ có điều cái phương tiện chuyển tải thông tin không còn là tờ báo in nữa mà thôi.

Vậy cái nghịch lý nhu cầu đọc tin tăng, nhu cầu đọc báo in giảm, sẽ dẫn chúng ta đi đâu, sẽ đưa tương lai báo chí về chỗ nào?

Trong một bài viết gần đây, giảng viên trường Harvard Kennedy School Nicco Mele tiên đoán tương lai của báo chí là mô hình báo nhỏ. Dù Mele không nói mô hình báo nhỏ là như thế nào, có thể hình dung theo kịch bản dưới đây. Đã từng có người giả định trong tương lai một nhạc sĩ chỉ cần có 1.000 người hâm mộ thật sự, sẵn sàng trả 100 đô-la mỗi người trong một năm cho nhạc sĩ này yên tâm sáng tác, không còn phải lo lắng giữa “nhạc thị trường” hay “nhạc nghệ thuật”. Mô hình này có thể tồn tại là nhờ tính kết nối thông qua Internet.

Nay giả thử một một nhà báo, có chừng 5.000 người theo đọc (trên blog cá nhân hay trên Facebook), mỗi người sẵn lòng bỏ ra chừng 100.000 đồng/năm trả cho nhà báo này để được đọc tin bài do anh sản xuất, vị chi anh ấy sẽ có thu nhập chừng 500 triệu đồng/năm! Nghe như chuyện giả tưởng nhưng cứ nghĩ lại, mỗi tháng, bấm 10.000 đồng (bằng giá hai tờ báo ngày hiện nay) chuyển cho anh nhà báo qua điện thoại di động để được đọc tin bài mà mình thích, e cũng không đến nỗi quá viễn vông. Vấn đề là bản quyền bởi nếu tin bài nào đăng lên đều bị nơi khác lấy lại vô tội vạ thì mô hình này sẽ đổ vỡ ngay.

Và nghĩ xa hơn một chút, người đọc làm “fan” một hai nhà báo kiểu đó thì được còn bắt họ đọc gì cũng phải trả tiền kiểu đó, chắc chắn cũng không khả thi. Nói cách khác, mô hình nhà báo đơn độc như trên ắt chỉ thành công với một số người đếm được trên đầu ngón tay và như thế cũng không giải quyết được gì cho mô hình báo chí và nghề báo trong tương lai.

Từ đó mới thấy những mô hình làm báo mới xuất hiện có lý của nó và có thể thành công. Đó là một mô hình dựa vào mô hình xuất bản của Amazon, loại bỏ nhà xuất bản trung gian, chỉ còn người đọc và nơi phát hành sách. Áp dụng vào báo chí, đó là sự loại bỏ cơ quan báo chí, chỉ còn lại người viết và nơi chuyển tải nội dung đến tận tay người đọc.

Trở lại giả định nói trên, thay vì 5.000 người, anh nhà báo có đến 50.000 người đọc, đương nhiên “phí nuôi sống” anh sẽ tụt xuống còn 10.000 đồng/năm chứ không còn phải đến 100.000 đồng/năm như trước nữa. Hay nói cách khác có chỗ nào đó bán sỉ, tập hợp được 10 anh nhà báo như thế thì người đọc vẫn trả tiền như cũ nhưng đọc được bài viết của 10 người thay vì chỉ 1 người. Đó là bộ khung của mô hình báo quy mô nhỏ của tương lai.

Sẽ có người lo ngại, như thế những ai viết chuyện giật gân, câu khách sẽ sống khỏe và dần dần sẽ chỉ còn những bài viết rẻ tiền, dung tục? Rất có thể như vậy nhưng cũng rất có thể nhu cầu thông tin của con người không xoay quanh chuyện xì-căng-đan của các sao giải trí; họ thật sự cần những kiến giải giúp hoạch định cuộc sống.

Lấy ví dụ, các doanh nhân đang lo chuyện phải cạnh tranh khi thuế nhập khẩu giảm ắt rất muốn biết một phân tích sâu tình hình, kèm theo là những khuyến nghị hữu ích. Lúc đó chắc họ sẵn sàng trả tiền để đọc bài đang cần tìm và không chịu bỏ xu nào cho loại bài nhảm nhí.

Như vậy, tương lai của tổ chức báo chí gồm đầu ra nhỏ, phục vụ cho một số đối tượng chứ không phải đại trà, thu tiền người đọc chứ không phải sống nhờ quảng cáo. Đã có những tổ chức báo chí kiểu mới như thế đang sống được, sống khỏe ở các nước.

Cách viết tin bài cũng thay đổi để làm sao người làm tin bài như một nhà tư vấn, một người bạn tâm tình, vừa cung cấp chuyện mới, vừa giải thích nó là gì, nó tác động đến cuộc sống ra sao, cần phải có thái độ như thế nào. Cách đưa tin cũng phải thay đổi, ưu tiên cho sự tương tác với người đọc. Người đọc phải có tiếng nói, như thể tạo dựng một cuộc trò chuyện thì tin bài mới có sức lan tỏa. Người đọc sẽ giúp lọc tin sai, tin viết ẩu, họ sẽ làm giám khảo nghiêm khắc cho mỗi bài viết. Bốn cột trụ làm nên nghề báo vẫn còn đó mà người bình thường không thay được: xác minh, giải thích, chứng kiến và điều tra.  

Vấn đề còn lại là tính tổ chức của tòa soạn bởi để một bài báo có chất lượng ra đời, đâu phải chỉ là công sức của người viết, nó còn là sự kiểm chứng thông tin của nhiều người khác, là công sức biên tập, là sự hỗ trợ thông tin nền, là sự động não tập thể về đề tài và hướng triển khai, là uy tín của một tổ chức giúp người viết tiếp cận được nguồn tin. Nhìn ở góc độ này, cuộc tìm kiếm mô hình báo chí cho tương lai vẫn tiếp diễn.



Thursday, September 12, 2013

Nhân sự - khó mà dễ

Nhân sự - khó mà dễ

Hai trường hợp bổ nhiệm người đứng đầu ngân hàng trung ương hai nền kinh tế lớn đã để lại khá nhiều điều phải suy nghĩ. Ở Ấn Độ, tình hình kinh tế, tài chính khó khăn đến nỗi chính phủ nước này phải mời ông Raghuram Rajan, 50 tuổi, đang dạy tại đại học Chicago, Mỹ về làm thống đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ. Mấy năm trước GDP Ấn Độ tăng trưởng 8-9% nay chỉ còn 4,5-5%; vốn ngoại bỏ đi làm cán cân thanh toán thâm hụt nặng nề, đồng rupee từ tháng 5-2013 đến nay mất giá gần 20%... Chưa biết ông Rajan, người làm kinh tế gia trưởng của IMF, có xoay chuyển được tình thế hay không nhưng ít nhất việc chính phủ Ấn Độ phải “cầu người hiền, mời người tài” về giúp nước đã được thị trường đáp ứng tích cực và chính ông Rajan cũng ra mắt với một chương trình rất cụ thể trong đó có phát huy lợi thế cộng đồng người Ấn ở nước ngoài.  

Ở Anh, chính phủ cũng mời ông Mark Carney, trước đó làm Thống đốc Ngân hàng trung ương Canada về làm Thống đốc Ngân hàng trung ương nước mình. Ông Carney từng được xem là người có công giúp nền kinh tế Canada phục hồi nhanh chóng sau đợt khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, năm nay mới 48 tuổi. Ông là người không phải dân Anh đầu tiên làm thống đốc Ngân hàng trung ương nước này trong suốt mấy trăm năm qua. Một chi tiết thú vị: mặc dù trong thỏa thuận hợp đồng, nước Anh sẽ cung cấp tài xế riêng cho ông nhưng Carney từ chối, để đi làm bằng xe điện ngầm.

Quay lại nước ta, chuyện mời một người nước ngoài hay một người Việt đang sống ở nước ngoài về làm quan chức cấp cao trong Chính phủ chắc chưa thể diễn ra. Vấn đề là vì sao như thế, cái gì cản trở quá trình này, phải làm gì để trong tương lai chuyện tương tự có thể xảy ra ở Việt Nam. Hiện nay những người Việt được đào tạo bài bản và làm việc thành công ở nước ngoài trong nhiều lãnh vực là không hiếm. Thử hình dung có ai chủ động suy nghĩ chuyện mời một số người nổi trội trong số đó về làm từ chức Thứ trưởng các bộ trở lên – ít nhất là những bộ đòi hỏi những chuyên môn sâu, cả về lãnh vực chuyên ngành lẫn kỹ năng lãnh đạo, quản lý như Y tế, Giáo dục, Môi trường, Khoa học Công nghệ, Giao thông Vận tải và thậm chí Ngân hàng Nhà nước!

Có thể vẫn để các bộ trưởng đích thân trèo thang xem xét hiện trường một vụ tai nạn xây dựng, hay đứng ra lo chuyện việc làm cho cá nhân một sinh viên, hay vào quan sát cảnh bệnh viện quá tải – vì đó là những hoạt động chính trị, cũng rất cần thiết và cũng chuyển tải những thông điệp cụ thể (!). Nhưng để quản lý mọi mặt của ngành, rất cần những con người kỹ trị, lo về chuyên môn. Có như thế bệnh viện mới một ngày nào đó hết quá tải, công trình xây dựng hết tai nạn và bất kỳ sinh viên nào tốt nghiệp cũng có việc làm.

Ở các doanh nghiệp tư nhân dù nhỏ hay lớn, dần dà người chủ sở hữu cũng hiểu ra rằng họ đứng ra làm chủ tịch hội đồng thành viên hay hội đồng quản trị để vạch hướng đi chính cho doanh nghiệp; còn lại, họ phải đứng sang một bên, thuê người làm tổng giám đốc điều hành, vừa tận dụng được kỹ năng quản lý hiện đại, vừa có được sự tỉnh táo của người ngoài cuộc vòng xoáy đồng tiền. Mô hình này dần đang phổ biến ở nước ta.

Vấn đề còn lại là những người đứng đầu quốc gia phải tự vấn vì sao Ấn Độ làm được, Anh Quốc làm được và thậm chí Trung Quốc cũng đã làm được mà Việt Nam mãi mãi vẫn lo chuyện nhân sự như một điều gì đó có những quy luật riêng, những cân nhắc riêng.


Wednesday, September 11, 2013

Không dễ welcome!

Không dễ welcome!

Nói gì thì nói, bàn về tiếng Anh lúc nào cũng là chuyện thú vị, có lẽ do nó gợi nhớ mấy chục năm hành nghề bằng tiếng Anh. Tuy nhiên phải nói trước, ở đây tôi không dám chê trách tiếng Anh của ai cả, chỉ là những nhận xét khi tình cờ sáng nay thấy một loạt khẩu hiệu bằng tiếng Anh ở trung tâm Saigon.

Đó là câu “Welcome to the 40th anniversary of diplomatic relations between the Socialist Republic of Vietnam and the United Kingdom”, với câu tiếng Việt tương đương “Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Anh”.

Welcome to là cụm từ thường thấy khi đi vào một địa phận nào đó mang nghĩa đón chào. Ví dụ với bảng tiếng Việt “Hội An chào đón quý khách” thì tiếng Anh tương đương sẽ là “Welcome to Hoi An”. Cũng có đón chào khách đến dự một sự kiện nào đó, ví dụ, “Welcome to the greatest rock concert in the world”.

Welcome to the 40th anniversary là không chính xác. Hoặc là phải nói “Welcome to the 40th anniversary celebration…” thì có nghĩa chào đón quý khách đến dự buổi lễ kỷ niệm 40 năm… tức chỉ treo ở địa điểm diễn ra buổi lễ; hoặc nếu muốn dịch câu Nhiệt liệt… ra tiếng Anh thì phải dùng từ khác thay cho welcome. Lúc đó phải mạnh dạn viết lại thành “Celebrating the 40th anniversary…” chẳng hạn.

Sẽ nói tiếp về chữ welcome ở dưới bởi đây là từ dễ dùng sai trong nhiều trường hợp.

Nói vậy chứ giả dụ có ai nhờ dịch câu tiếng Việt ra tiếng Anh, tôi cũng sẽ rất lúng túng. Bởi dịch thành câu đơn giản “Celebrating 40 years of diplomatic ties between Vietnam and the UK” chắc sẽ không được chấp nhận vì sẽ bị chê là dịch thiếu tùm lum! Còn dịch cho ra chữ “Nhiệt liệt” thì bó tay. Văn khẩu hiệu trong tiếng Việt phần lớn là như vậy. Có những từ tiếng Việt, dùng nhiều nghe thành quen, không thắc mắc. Chỉ khi dịch sang tiếng Anh mới sực nhớ nó là cái quái quỷ gì nhỉ. Ví dụ, Chương trình phòng, chống tai nạn đối với trẻ em: Phòng thì dịch bằng prevention, còn chống là sao, làm sao dịch? Nhưng nên nhớ dịch là nhằm cho người Anh họ đọc, vì sao không mạnh dạn viết sao cho họ hiểu là đạt yêu cầu rồi, câu nệ dịch cho sát làm gì nhỉ?

Quay lại chữ welcome, vì nó được dùng đủ cách, khi thì tính từ, khi thì danh từ, khi là động từ nên phải chú ý kẻo nhầm. Ví dụ, You’re welcome to use my car (anh cứ xài xe của tôi tự nhiên) thì welcome là tính từ; còn He’s welcomed with open arms thì welcome là động từ, dùng ở thể bị động. Welcome còn dùng như danh từ, ví dụ, I don’t want to wear out my welcome (Tôi không muốn ở lâu, sợ phiền).  

Khi chúc mừng người mới vào cơ quan hay công ty, thường dùng Welcome aboard; còn You’re welcome (không có chi) có thể nhấn mạnh thành You’re more than welcome (còn có nghĩa, anh cứ tự nhiên). Cuối cùng kiểm tra lại thử, The audience is welcome to ask questions at the end of the speech, đã đúng chưa? Có cần sửa thành welcomed không? Cái này không phải đón chào, mà mang nghĩa sau khi diễn giả nói xong cứ hỏi tự nhiên (tính từ) nên viết vậy là đúng rồi. Còn trong câu này, welcome phải dùng ở dạng welcomed: The audience is welcomed to a relaxed environment where they get to know each other... Phức tạp vậy nên mới có cái tít, Không dễ welcome!


Sunday, September 8, 2013

Lại chuyện khi nguồn tin nói sai!

Lại chuyện khi nguồn tin nói sai!

Có ít nhất hai tờ báo đưa tin về chuyện “Giáo dục Việt Nam thua cả Campuchia” làm tôi phải đọc lại toàn bộ cái báo cáo 569 trang, Global Competitiveness Report 2013-2014 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum) vừa mới công bố tuần trước.

Tìm mãi không thấy thông tin “Tính hiệu quả của hệ thống giáo dục Việt Nam chỉ xếp thứ 7 trong số 8 nước ASEAN được xếp hạng”, cũng như thông tin “Về giáo dục, WEF ghi nhận Singapore, Malaysia và Brunei Darussalam lần lượt đứng đầu trong khi Campuchia đứng thứ 6, Việt Nam thứ 7 và Thái Lan ở cuối bảng. Lào và Myanmar không được WEF xếp hạng” ở đâu cả.

Chỉ thấy trong báo cáo có bảng đánh giá các nước ASEAN trên cả 12 cột trụ xếp hạng, trong đó cột trụ thứ 4 là “Y tế và Giáo dục Phổ thông” và cột trụ thứ 5 “Giáo dục và đào tạo đại học” thì kết quả cụ thể như sau (trong ngoặc là xếp hạng):

Cột 4: Singapore (2); Malaysia (33); Brunei (23); Thái Lan (81); Indonesia (72); Philippines (96); Việt Nam (67); Lào (80); Campuchia (99); Myanmar (111).

Ở đây, Việt Nam xếp thứ 4, thua ai, trên ai, nhìn vào bảng trên cũng đã rõ.

Cột 5: Singapore (2); Malaysia (46); Brunei (55); Thái Lan (66); Indonesia (64); Philippines (67); Việt Nam (95); Lào (111); Campuchia (116); Myanmar (139).

Về giáo dục đại học, Việt Nam bị đánh giá thua giáo dục phổ thông, xếp hạng 7, chỉ còn hơn được Lào, Campuchia và Myanmar.

Giáo dục Việt Nam phải nói là còn nhiều yếu kém và tình hình không thấy gì cải thiện nhưng kết quả bảng xếp hạng là như thế, chứ đâu có thấy nói giáo dục Việt Nam thua giáo dục Campuchia lại hơn giáo dục Thái Lan? Xếp hạng trên cũng trùng khớp với nhiều nhận định tôi được nghe, rằng giáo dục phổ thông Việt Nam còn khá một chút; giáo dục đại học thì quá yếu kém.

Không trách hai tờ báo trong nước đưa tin như thế được vì họ lấy nguồn từ tờ Bangkok Post. Nhưng tìm trên tờ này thì thấy mặc dù cũng mới đưa tin tuần trước nhưng không hiểu sao họ lại dựa vào Báo cáo Tính cạnh tranh toàn cầu năm ngoái (2012-2013) (trích: "We feel stunned because our ranking is very low," said Phawit Thongrot, assistant to the minister, after reading the WEF's Global Competitiveness Report 2012-2013) (trích một tin khác: The World Economic Forum's Global Competitiveness Report 2012-2013 released earlier this week said Thailand's education quality ranked the worst among eight Asean countries).

Có lẽ họ đọc nhầm báo cáo năm ngoái chăng? Báo cáo năm ngoái cũng dài cỡ 500 trang, không đọc nổi.

*                      *                      *
Hóa ra, tờ Bangkok Post sau đó cho biết, tin này là do ông Pavich Thongroj, cố vấn Bộ trưởng Giáo dục Thái Lan đưa ra. Tờ báo nói mặc dù ông này khẳng định ông lấy nguồn từ Diễn đàn Kinh tế thế giới, Bangkok Post điều tra mới biết đây chỉ là một cuộc khảo sát hỏi ý kiến người Thái xem thử họ đánh giá nền giáo dục Thái Lan đóng góp vào tính cạnh tranh của nền kinh tế như thế nào.

Riêng tôi sau khi kiểm tra lại báo cáo năm ngoái thì thấy trong trong Cột trụ thứ 5 (Giáo dục đại học & Đào tạo) có tám tiêu chỉ nhỏ nữa gồm: tỷ lệ ghi danh phổ thông trung học, tỷ lệ ghi danh đại học, chất lượng hệ thống giáo dục, chất lượng giáo dục (môn toán và khoa học), chất lượng trường đào tạo quản lý, mức độ truy cập Internet tại trường, tính có sẵn các dịch vụ nghiên cứu và đào tạo chuyên ngành, mức độ huấn luyện đội ngũ. Với tiêu chí “chất lượng hệ thống giáo dục” thì năm ngoái đúng là Campuchia xếp hạng 58, Việt Nam hạng 72, Thái Lan hạng 78.

Có lẽ ông này lấy chuyện cũ ra nói hay nói quá lên như thế để kích thích sự nôn nóng phải cải tổ nền giáo dục Thái Lan. Mà báo chí Thái Lan cũng hay, chỉ nói qua chuyện ông này đưa thông tin không chính xác (To put the record straight, it's not true that Thai education is the worst in Asean) sau đó lại tập trung vào phân tích những yếu kém của nền giáo dục nước họ (What's true is that our education system is in an appalling state, which has been confirmed repeatedly by both domestic and international findings). Bộ trưởng Giáo dục Chaturon Chaisaeng nhân đó cam kết đẩy mạnh nỗ lực cải cách nền giáo dục. Cũng là chuyện lạ.


Friday, September 6, 2013

Một góc nhìn nguy hiểm

Một góc nhìn nguy hiểm

Hôm qua đọc tin “Ca sĩ Ngọc Sơn mua bảo hiểm trinh tiết 1 triệu đô”, có lẽ nhiều người chỉ biết cười buồn, rằng tính lá cải của một số tờ báo đã đạt thêm một mốc mới. Nhưng loại tin này vô hại vì ai cũng thấy nó nhảm nhí.

Ngược lại, bài viết “Một góc nhìn về cơm 2000 đồng” trên BBC Tiếng Việt mới thật sự nguy hiểm. Bây giờ tôi mới thấy thấm thía câu nói “A little learning is a dangerous thing”.

Nó nguy hiểm ở chỗ, sẽ có người do tin tức lan tỏa về các quán ăn từ thiện 2.000 đồng từng muốn làm một điều gì đó, chung một tay cho nỗ lực này nhưng vì nhiều lý do chưa làm gì được, nay đọc xong bài trên BBC Tiếng Việt bèn bật lên tiếng chà – thế à và đánh mất luôn ý hướng thiện vừa mới chớm nở. Có lẽ ít người bị tác động như thế nhưng dù chỉ một người cũng là gây tác hại bằng ngòi bút.

Bài viết của tác giả Nguyễn Quảng, ghi là “gửi cho BBC từ Milton Keynes, Anh Quốc”, lập luận: “Về mặt kinh tế, rõ ràng khi quán 2 nghìn bán được 1 suất cơm, đâu đó ở thành phố, một quán cơm bình thường sẽ ế một suất cơm”; “Cứ một quán cơm 2 nghìn được mở, đồng nghĩa một quán cơm bình thường khác phải đóng cửa, kéo theo hàng loạt lao động bị mất việc”.

Rất dễ phẫn nộ khi nghe người ta nhân danh kinh tế học, đưa ra những lập luận phi lý như thế. Người viết có biết gì về tương quan quy mô cung cầu mà dám nói như thế? Một vài quán cơm 2.000 đồng ở một thành phố 10 triệu dân sẽ tác động dữ dội lên hàng chục ngàn các quán cơm bình dân khác đến thế sao? Hay nói như Linh Hoang Vu, market distortion đâu ra mà dễ xuất hiện đến thế!

Tác giả lập luận tiếp: “Hẳn chúng ta đều đã nghe câu: hãy cho kẻ khốn khó cần câu, thay vì con cá? Quán cơm 2 nghìn chính là con cá, nó không giúp được vào trọng tâm của vấn đề”.

Nghe qua thì dễ bị thuyết phục (nên tôi mới nói là nguy hiểm) nhưng thử hỏi chênh lệch giữa 2.000 đồng và 14.000 đồng (giá trị thật của bữa ăn) có thể gom lại mua được cái cần câu gì (cần câu theo nghĩa đen có mua nổi không)? Tại sao cứ bám vào những cliché con cá cần câu mà không chịu hiểu bữa cơm 2.000 đó chính là cần câu, để những người ăn dùng nó biến thành sức lao động, cày bừa tiếp tục nuôi sống gia đình họ? Nghĩ được như thế thì mới thấy chính những quán cơm từ thiện đang trao cho họ những chiếc cần câu sử dụng trong ngày đó thôi.

Tác giả lập luận tiếp, quán cơm 2.000 sẽ khuyến khích di cư vào thành phố theo kiểu “Quá nhiều lao động ngoại tỉnh tràn vào thành phố đã khiến khắp nơi quá tải và ngột ngạt. Phần đông số này xả rác khắp nơi, phóng uế bừa bãi, ngủ vạ vật gầm cầu mái hiện thậm chí giữa hè phố và vô luật pháp”. Cái lập luận này nó phát xít, nó xuẩn ngốc quá nên thôi không nói làm gì. Họ bị cuốn vào một cuộc sống đầy bất trắc như được mô tả chỉ vì quán cơm 2.000 đồng ư?

Chỉ còn một lập luận sau cùng cần nói, là quán cơm 2.000 đồng có thể bị lợi dụng, anh xe ôm vào ăn để dành tiền chiều lại đi uống bia… Tác giả ở bên Anh vì sao không chịu hiểu, người vào quán cơm từ thiện họ không chỉ bỏ ra 2.000 đồng để mua xuất ăn, họ bỏ thêm vào đó Một Phần Phẩm Giá của họ, không tính được bằng tiền nhưng lớn lắm. Lớn đến nỗi nó sẽ ngăn người tự trọng bước vào quán ăn nếu họ còn có thể xoay xở ăn ở quán bình thường. Ngược lại, giá trị xã hội của phần cơm không chỉ 2.000 đồng, nó có sức lay động lòng người, khích thích thiện tâm sẵn có ở mọi người, nó góp một phần rất lớn vào “vốn xã hội” mà có lẽ tác giả cũng từng được học qua.

Tác giả và những người làm trang BBC Tiếng Việt ở nước ngoài ắt cũng biết các soup kitchen mà hiện nay hoạt động càng lớn mạnh do khủng hoảng kinh tế đi kèm với chính sách thắt lưng buộc bụng ở cả Mỹ và châu Âu. Nỡ nào BBC Tiếng Việt đăng bài theo dạng biết là sẽ gây tranh cãi để câu người vào bình luận. Làm thế có khác gì đăng tin “Ca sĩ Ngọc Sơn mua bảo hiểm trinh tiết 1 triệu đô”.


Thursday, September 5, 2013

Bất ngờ từ ngân sách nhà nước

Bất ngờ từ ngân sách nhà nước

Bài này được viết vì từ lâu đã có cảm giác người lo chuyện thu ngân sách nhà nước hình như thích lạm phát cao, nhập siêu cao, thích bong bóng địa ốc cứ phồng to ra… Bởi đây là những yếu tố giúp tăng thu ngân sách mà không cần nhấc đầu ngón tay gì cả. Đi sâu tìm số liệu công khai khá đầy đủ trên website của Bộ Tài chính thấy những điều này là có cơ sở. Năm nào lạm phát cao, nhập siêu cao, năm đó thu ngân sách càng tăng mạnh.

Từ năm 2012, nhất là năm 2013 hiện nay, các yếu tố như lạm phát, nhập siêu, tiền sử dụng đất không còn cao nữa – thế là hụt thu ngân sách!

Lập luận ở trên có thể nghe rất chỏi tai với nhiều người – cũng có thể không có mối quan hệ nhân quả giữa hai chuyện đó – nhưng đây là một thực tế rất đáng theo dõi. Đọc toàn bài theo đường dẫn:



Tỷ giá và chiếc tăm tre
Tuần trước, TBKTSG tổ chức một cuộc bàn tròn qua mạng về tỷ giá. Vấn đề đặt ra là một giả định:
“Giả thử lạm phát một năm nào đó là 25% và tỷ giá năm đó hầu như không thay đổi. Tôi là một người sản xuất tăm tre trong nước. Theo tốc độ tăng giá chung, có lẽ giá bán của tôi sau một năm cũng phải tăng 25% vì các chi phí đầu vào nội địa tăng kể cả lương, điện, nước, nguyên liệu, vận chuyển…
Ngược lại, bạn tôi nhập tăm tre về bán. Vì tỷ giá không đổi, giá tăm ở nước ngoài không đổi nên bạn tôi có thể giữ nguyên giá, hoặc tăng ít hơn và sẽ cạnh tranh gay gắt với tôi.
Đây chỉ là một giả định nhưng thực tế nhiều năm qua quả là như vậy (tính từ tháng 7-2007 đến tháng 7-2013, chỉ số giá tiêu dùng tăng 99,57%; trong cùng thời gian đó, tỷ giá đô-la Mỹ/tiền đồng chỉ tăng 24,2%) thì có phải tình hình như thế đang gây áp lực cạnh tranh giữa doanh nghiệp sản xuất trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu hàng về bán? Chẳng mấy chốc hầu như mọi doanh nghiệp trong nước không thể cạnh tranh nổi với hàng hóa nhập khẩu về giá nên sản xuất đình trệ, hàng tồn kho tăng, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, ngừng sản xuất?”
Bàn tròn với sự tham gia của các anh Trần Ngọc Thơ, Lê Hồng Giang, Phạm Thế Anh, Phan Minh Ngọc, Hồ Quốc Tuấn đã đưa ra những kiến giải đáng lưu ý chung quanh chuyện tỷ giá này. Xin mời mua tờ TBKTSG để đọc chi tiết hoặc đăng ký và vào xem dạng epaper theo đường dẫn bên dưới.
Tuy nhiên ở đây xin cung cấp thêm một con số do Tổng cục Thống kê vừa công bố (không đưa vào bàn tròn nói trên): Nhập siêu tám tháng năm 2013 là 577 triệu USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 8,4 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 7,8 tỷ USD.
Rõ ràng với chính sách tỷ giá như hiện nay các doanh nghiệp trong nước cứ nhập hàng về bán chứ sản xuất làm gì cho mệt (nên mới nhập siêu đến 8,4 tỷ USD)! Còn vì sao các doanh nghiệp FDI vẫn xuất siêu đến 7,8 tỷ USD?
Chuyện Giám đốc Công ty Thoát nước đô thị TPHCM lãnh lương 2,6 tỉ đồng/năm là cá biệt (lương ông này như vậy là còn ngon hơn lương giám đốc ở Mỹ nữa đó) nhưng rõ ràng chi phí tiền lương ở các doanh nghiệp trong nước đã tăng nhanh trong nhiều năm qua. Lương của giới quản lý tương đương vài ba ngàn đô-la là phổ biến. Cấp cao hơn thì cả trăm ngàn đô-la một năm. Nhưng thử nhìn vào lương của công nhân ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Nếu trước đây lương của họ tương đương 100 đô-la nay tăng lên 200 đô-la thì nhà đầu tư nước ngoài nào chịu thấu – nhưng với thực tế lạm phát như mấy năm qua, mức lương từ dưới 2 triệu nay lên trên 4 triệu cũng chẳng thấm tháp vào đâu. Cho nên xung đột lương đã và sẽ còn căng thẳng ở khu vực này.
Nói cách khác chi phí sản xuất (trong đó có lương) ở doanh nghiệp trong nước tăng nhanh do lạm phát, do các loại bong bóng nhà đất, chứng khoán tác động vào nhưng bị kiềm chế mạnh ở doanh nghiệp FDI do tỷ giá. Chi phí tài chính cũng vậy (vay trong nước so với vay ở nước ngoài). Vậy doanh nghiệp FDI còn tận dụng được giá công nhân rẻ thêm một thời gian nên vẫn còn xuất siêu lớn. Còn tương lai, họ sẽ tận dụng thêm tài nguyên giá rẻ, hàng nông sản còn thấp, nguồn vốn rẻ, mạng lưới khách hàng… Không biết doanh nghiệp trong nước lúc đó cạnh tranh bằng gì?


Hủy diệt và sáng tạo

Các loại hình nhắn tin, điện thoại miễn phí bằng các phần mềm như Viber, WhatsApp, Zalo... đang đe dọa doanh thu của các công ty viễn thông. Bởi các mạng di động này hiện vẫn là doanh nghiệp nhà nước, doanh thu của họ bị sụt giảm, có nghĩa thu nộp ngân sách bị ảnh hưởng. Vì thế, không chỉ các mạng viễn thông mà Chính phủ cũng đang tìm cách có chính sách quản lý thích ứng với các dịch vụ liên lạc miễn phí qua Internet.

Nếu áp dụng kinh nghiệm quá khứ vào tình hình hiện tại, có thể nói cách đối phó tốt nhất không phải là tìm cách quản lý mà là thay đổi tư duy, động não suy tính để sáng tạo ra mô hình kinh doanh mới, trong đó chấp nhận các dịch vụ miễn phí này như một xu hướng không thể tránh được của công nghệ.


Cryptocurrency

  Phép thử tiền crypto   Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocur...