Friday, December 28, 2012

Giá thuê, giá mua


Giá thuê, giá mua
Con số đầu tiên trong bất động sản được nhiều người quan tâm là giá nhà đất, bao nhiêu là vừa? Có người nói giá cả do thị trường quyết định, cứ theo giá thị trường hiện nay là không sai. Có người phản bác, thị trường nay đang méo mó, bất động sản tồn kho cao, cung vượt xa cầu, lẽ ra giá phải giảm cho đến khi cung cầu gặp nhau nhưng nào có giảm đâu. Lại có người bảo, giá không thể giảm là do chủ đầu tư đã lỡ kê giá dự án lên cao để vay tiền, nay giảm giá, dù bán được cũng không đủ tiền trả nợ. Chủ nợ là ngân hàng cũng không muốn bất động sản giảm giá vì kẹt giá trị thế chấp lỡ định ở mức cao rồi, cứ để vậy hóa ra có lợi hơn cho sổ sách.
Vậy có cách nào ước chừng giá nhà sao cho hợp lý? Ở các nước có một tỷ lệ thường được dùng để xem thử giá nhà trên thị trường hiện đang đắt hay rẻ. Đó là tỷ lệ tiền thuê nhà so với giá nhà. Lệ thường, tiền thuê nhà tính theo năm, nhân cho 15 thì ra kết quả, được xem là giá căn nhà đó ở mức hợp lý. Ví dụ một căn nhà đang cho thuê với giá 1.500 đô-la/tháng thì 270.000 đô-la (tức 1.500 x 12 x 15) là trị giá phù hợp nhất của căn nhà đó. Thật ra, người ta bảo giá nhà thường nằm trong khoảng tỷ lệ 15-20; dưới 15 là đang rẻ, quá 20 là đắt.
Lấy cách tính này để áp giá nhà cho thị trường Việt Nam chắc chắn là không chính xác. Thứ nhất, tiền thuê nhà ở Việt Nam so với giá trị căn nhà là quá thấp. Ví dụ một căn hộ đang cho thuê 6 triệu đồng/tháng, tức 72 triệu đồng/năm, nếu áp tỷ lệ 15-20 nói trên thì giá căn nhà chỉ vào khoảng 1 tỷ đến 1,4 tỷ đồng trong khi giá thị trường của nó có thể lên đến 3-4 tỷ đồng. Cái này là do yếu tố lịch sử, nhiều người đầu tư mua nhà không phải để cho thuê mà để đợi giá lên và đồng thời bảo toàn được đồng vốn. Trong khi đợi giá lên, họ cho thuê để có người giữ nhà, lại có đồng ra đồng vào. Thử nghĩ mà coi, một căn nhà trị giá 3 tỷ đồng, nếu chủ nhà đem khoản tiền này bỏ vào ngân hàng, hàng tháng có thể nhận lãi lên đến 30 triệu đồng, trong khi làm gì có thể cho thuê căn nhà đấy với giá 10 triệu đồng? Thế mà họ vẫn cho thuê giá thấp vì không hề nghĩ đến chuyện khấu hao nhà cửa, chỉ nghĩ giá chỉ có lên, đồng tiền được an toàn trước rủi ro lạm phát.
Vì thế, kỳ vọng như nhiều ý kiến cho rằng nên khuyến khích phát triển thị trường nhà cho thuê, nhà đầu tư bất động sản nên chuyển từ bán sang cho thuê là chuyện không khả thi. Giá thuê nhà thấp sẽ khó lòng đáp ứng yêu cầu một dòng tiền giúp họ thu hồi vốn và có lãi trong bối cảnh hiện nay; giá thuê cao thì thị trường không chấp nhận. Đó là chưa kể, khác với thị trường cho thuê nhà của người dân với nhau, doanh nghiệp địa ốc cho thuê nhà phải tính đến khấu hao, càng đẩy giá cho thuê lên cao, ít ai chịu nổi.
Ngược lại, muốn chuyển người đang thuê nhà sang mua nhà thì phải làm sao khoản tiền trả góp hàng tháng của họ chỉ cao hơn tiền thuê nhà một mức độ vừa phải họ mới chịu nổi chứ cao gấp 2 hay 3 lần thì chẳng thà họ đi thuê nhà sướng hơn. Nói như thế để thấy muốn thị trường bất động sản trở về trạng thái bình thường, giá nhà phải giảm và giảm mạnh hơn nữa, lãi suất cũng phải giảm mạnh. Đó là những yếu tố phải tính đến khi nghĩ đến chuyện bù lãi suất cho người mua nhà. 

Wednesday, December 26, 2012

Mau quên


Mau quên
Khi nói về chỉ số giá tiêu dùng năm 2012, người ta sẽ nói ngay con số 6,81% được các quan chức và báo chỉ sử dụng.
Ít ai để ý đến con số 9,21%, là chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm 2012 so với cả năm 2011.
Thế mà vào năm 2007 đã từng có tuyên bố rằng từ nay về sau Việt Nam sẽ chỉ dùng cách tính chỉ số giá bình quân. Lúc đó, chỉ số giá bình quân lại thấp hơn so với cách tính cùng kỳ nên có báo mới hỏi đại diện Bộ Tài chính, liệu cách tính mới là để có con số đẹp. Bộ Tài chính trả lời ngon lành: “Không phải chúng ta thấy giá cao quá thì tính theo cách mới. Cái chính là phải thông tin khách quan, trung thực, đảm bảo được thông lệ quốc tế”. Lời giải thích của một quan chức khác nghe cũng rất hợp lý, rằng “dùng chỉ số tháng 12 để kiểm soát lạm phát không phù hợp quốc tế. Chỉ mỗi tháng 12 so với năm trước gọi là cả năm thì không phù hợp. Chính phủ đồng ý từ nay sử dụng chỉ số bình quân năm.”
Nay cái gọi là thông lệ quốc tế bị quên đi, người ta lại quay về cách tính cũ, có lẽ bởi con số bình quân cao hơn hẳn và để khoe, chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 6,81%, thấp hơn so với chỉ tiêu do Quốc hội đề ra là 7%. Chỉ có Tổng cục Thống kê vẫn công bố trên trang web của mình: “Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2012 so với năm 2011: 9,21%”.


Thursday, December 20, 2012

Vấn đề nằm ở dòng tiền!


Vấn đề nằm ở dòng tiền!
Trước khi bàn chuyện giải cứu bất động sản, cần chẩn bệnh cho đúng tình thế khó khăn của khu vực này, nếu không các đề xuất giải cứu chỉ là chuyện viển vông.
Dòng tiền, chứ không phải là lời lỗ, mới là yếu tố quyết định trong nhiều ngành nghề sản xuất kinh doanh. Một doanh nghiệp, dù ngồi trên đống tài sản khổng lồ, làm ăn vẫn đang có lãi nhưng gặp vấn đề với dòng tiền cũng có thể lâm vào cảnh phá sản về mặt kỹ thuật. Chuyện này càng đúng với ngành bất động sản.
Một doanh nghiệp có trong tay 30 tỷ đồng, vay ngân hàng thêm 70 tỷ đồng để làm một dự án xây căn hộ trị giá 100 tỷ đồng. Doanh nghiệp này trông chờ vào dòng tiền thu về khi bán các căn hộ, tính ra có thể bán được với giá 150 tỷ đồng để trả tiền cho ngân hàng, thu hồi vốn và lãi. Nay bỗng dưng thị trường căn hộ đóng băng, bán không ai mua, ắt dòng tiền bị thắt nghẽn, nợ vay ngân hàng thành nợ xấu, nguy cơ phá sản gần kề dù tài sản vẫn còn đó.
Bức tranh này, cũng là bức tranh tương tự của hiện tượng bong bóng bất động sản ở nhiều nước, đang là tình trạng phổ biến của nhiều doanh nghiệp bất động sản Việt Nam. Nhưng dòng tiền bất động sản ở Việt Nam có những đặc điểm khác các thị trường khác – và đây chính là nút thắt của thị trường.
Ở các nước, mỗi khi làm dự án bất động sản, người ta tính toán với dòng tiền dự tính thu về trong 20, 30 năm hay dài hơn nữa. Cho dù sau này chủ đầu tư bán dự án lại cho ngân hàng thì kỳ vọng về dòng tiền luôn gắn với một thời gian rất dài.
Ở Việt Nam, vào thời kỳ “người, người, nhà nhà” nhảy vào kinh doanh bất động sản, người ta xây dựng dự án rất lạc quan, rất ngắn hạn, vòng đời dự án ngắn, dựa trên lượng cung ảo, tỷ suất hoàn vốn nội bộ cao ngất; họ kỳ vọng vào một dòng tiền nóng hổi chảy nhanh về túi ngay sau khi hoàn thành dự án. Bởi thực tế lúc đó cho thấy kỳ vọng như thế không có gì quá đáng. Dự án còn trên giấy đã bán thu tiền. Nhà chỉ mới đổ xong móng, đã có hàng ngàn người chen nhau mua. Người mua hầu như là người đầu tư, mong tìm chênh lệch giá khi mua bất động sản nên mua bằng tiền của chính họ, mua trả hết chứ không có chuyện trả dần trong 20, 30 năm. Nay thị trường đóng băng, chênh lệch giá không còn, lập tức dòng tiền nóng này biến mất, chủ đầu tư lâm vào bế tắc ngay. Nếu họ xây dựng dự án với tầm nhìn 20, 30 năm chưa chắc đã khó khăn như hiện nay.
Chính vì đặc điểm này nên trước đây thị trường bất động sản Việt Nam sử dụng đòn bẩy tài chính với tỷ lệ cao – người ta liều lĩnh vay tiền và ngân hàng liều lĩnh cho vay làm dự án trong khi vốn của chủ đầu tư là không đáng kể bởi ai nấy đều nghĩ sẽ thu hồi vốn rất nhanh. Bong bóng vỡ, tiền không về nhanh như mong đợi trong khi lãi suất cao đang đè nặng thị trường và đồng thời đe dọa luôn sức khỏe của các ngân hàng thương mại.
Nhiều doanh nghiệp rót tiền từ lãnh vực kinh doanh chính của mình, có thể là chế biến thủy sản, đóng tàu, làm đồ gỗ… vì cứ nghĩ đẩy một dòng tiền ổn định, chắc chắn vào nơi sẽ tạo ra dòng tiền thu hồi nhanh, lãi cao gấp mấy lần là chuyện khôn ngoan. Nào ngờ, dòng tiền thu hồi nhanh không tồn tại mà dòng tiền ổn định của ngành nghề kinh doanh chính cũng bị ảnh hưởng theo.
Gom những yếu tố này lại, chúng ta thấy ngay đặc điểm nữa của thị trường bất động sản Việt Nam: đó là sự dắt đây, sự dính líu của thị trường đến nhiều khu vực khác của nền kinh tế. Dòng tiền bất động sản cạn kiệt làm ảnh hưởng dây chuyền đến nhiều dòng tiền khác. Bất động sản từng là nguồn cơn của khủng hoảng kinh tế ở nhiều nước như Nhật Bản, Thái Lan, Mỹ. Ở Việt Nam bất động sản cũng đang và sẽ là ngòi nổ nhiều cơn chấn động khác. Trước tiên là các ngân hàng, liên quan trực tiếp khi cho vay kinh doanh bất động sản hay liên quan gián tiếp khi nhận tài sản thế chấp là bất động sản – tất cả thể hiện thành vấn nạn nợ xấu đang là gánh nặng cho cả nền kinh tế. Thứ đến là các doanh nghiệp nhà nước đầu tư ngoài ngành, ở đây là vào bất động sản, với những khoản thiệt hại khổng lồ, khó giải quyết. Báo chí đang đăng tải những câu chuyện liên quan đến nút thắt dòng tiền bị nghẽn ở mọi nơi, mọi lãnh vực. Từ chuyện doanh nghiệp thủy sản vỡ nợ vì đổ vốn vào bất động sản đến chuyện ngân hàng phát mãi nhiều dạng nhà dưới giá thị trường; từ chuyện tồn kho các sản phẩm liên quan đến xây dựng đến doanh nghiệp nợ nần lẫn nhau vì bất động sản.
Nếu không giải quyết dòng tiền cho bất động sản, chính ngân sách nhà nước cũng sẽ khó khăn. Ví dụ thu tiền sử dụng đất năm 2011 lên đến trên 50.000 tỷ đồng trong khi 9 tháng đầu năm 2012, khoản thu này chỉ còn 23.000 tỷ đồng. Ngân sách nhiều địa phương trông chờ vào khoản thu tiền sử dụng đất này, nay không có để thu thì mất cân đối ngân sách đương nhiên sẽ xảy ra.
Trong bối cảnh đó, chúng ta sẽ thấy ngay sự phi lý của nhiều đề xuất giải cứu bất động sản. Ví dụ có nơi đề nghị nhà nước bỏ ra vài ngàn tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho người mua nhà. Ngân sách đang cạn kiệt lại trông chờ tiền bù lãi suất từ két sắt nhà nước! Càng phi lý hơn với đề xuất địa phương bỏ tiền ra mua nhà, sau này bán lại cho dân! Các địa phương đang tính chuyện phát hành trái phiếu để trang trải chi tiêu, lấy đâu ra tiền mua nhà?
Các đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng, chia nhỏ căn hộ cho dễ bán cũng khó lòng có tác dụng vì nhắm đến người mua có nhu cầu thực sự trong khi đối tượng mà nhiều dự án nhắm đến là người mua đầu cơ, trả tiền ngay để tạo ra dòng tiền như đề án nguyên thủy của họ. Các đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giãn thời điểm nộp tiền sử dụng đất e rằng chẳng có hiệu quả gì nhiều so với kỳ vọng dòng tiền nóng thu hồi nhanh của nhiều chủ đầu tư.
Giải pháp cho thị trường bất động sản, do những yếu tố nói trên, ắt phải đến từ bản thân các doanh nghiệp bất động sản: thay đổi hoàn toàn những tính toán tài chính cho dự án, dựa vào dòng tiền, nay phải kéo dài ra 20, 30 năm, để trang trải vốn vay, thu hồi vốn. Thay đổi đó có thể sẽ thể hiện bằng nhiều hình thức. Giảm giá bất động sản mạnh hơn nữa, đến 30% như nhiều phân tích, để chuyển đổi được đối tượng người mua, là người thật sự có nhu cầu. Từ đó các giải pháp nhắm đến việc kích thích sức mua như giảm thuế mới có tác dụng. Bán lại dự án cho các định chế tài chính có khả năng lập kế hoạch với dòng tiền dài hơi hơn. Dĩ nhiên mức chiết khấu phải cao mới bán được. Hợp tác thật sự với các ngân hàng để tính toán lại dòng tiền qua cơ chế mua trả góp như các thị trường bất động sản nước ngoài.
Dù sao, các bên liên quan trên thị trường bất động sản phải nhận ra một thực tế: đã nhiều năm họ đã có những ảo tưởng về sự bền vững của thị trường nên góp sức thổi bong bóng ngày càng to và cũng đã có lúc thu lợi lớn. Nay họ phải gánh chịu phần chính khi bong bóng xẹp bằng cách tự điều chỉnh. Không thể bắt ngân sách nhà nước gánh chịu qua các biện pháp như giảm thuế vì như thế sẽ không công bằng với người dân. Càng không thể đòi chuyển các dòng tiền đang lành mạnh sang bù đắp cho dòng tiền bất động sản, như một số đề xuất, bởi đó chính là thể hiện rõ nhất của tác hại từ nhóm lợi ích.

Thursday, December 13, 2012

Kinh tế Việt Nam đi về đâu?


Kinh tế Việt Nam đi về đâu?
Nhìn sao cũng đúng
Nhiều người ắt hẳn rất ngạc nhiên khi thấy các chuyên gia kinh tế của các tổ chức kinh tế, tài chính thế giới, kể cả các ngân hàng khi phân tích tình hình kinh tế Việt Nam đều tỏ ra lạc quan theo kiểu mọi chuyện đang tiến triển tốt đẹp, không có gì phải lo lắng. Ngạc nhiên là bởi cùng lúc đó phản ánh từ giới kinh doanh trong nước là một bức tranh u ám, một tình hình bi đát của hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ doanh nghiệp lớn cho đến doanh nghiệp gia đình.
Thật ra hai nhận định này không mâu thuẫn nhau là mấy, cái khác biệt là góc nhìn, là cách lượng giá các con số và các xu hướng.
Ví dụ lạm phát, từ chỗ lên đến 18,6% năm 2011, năm nay lạm phát đã được kéo về dưới một con số (dự báo cả năm chừng 9,2%), ắt hẳn các chuyên gia kinh tế sẽ đánh giá đây là một thành tựu đáng kể. Và những biện pháp được áp dụng để kiềm chế lạm phát sẽ được coi là đúng đắn như nâng lãi suất lên cao, thắt chặt tín dụng. Cũng những cụm từ đó nhưng nhìn từ góc độ doanh nghiệp lại là những hòn đá tảng, đè nặng lên vai họ: lãi suất cao, tức chi phí tài chính cao làm họ kiệt quệ, thắt chặt tín dụng đồng nghĩa ít có cơ hội cho họ vay vốn làm ăn dễ dàng như những năm trước.
Ở đây, phải thừa nhận công luận đôi lúc đảo chiều một cách thiếu nhất quán. Những năm trước, khi tốc độ tăng trưởng tín dụng quá cao, có năm như năm 2007 tăng đến 51%, kéo theo lạm phát phi mã, dư luận ai nấy đều đòi hỏi phải siết lại việc cho vay dễ dãi của hệ thống ngân hàng. Nay tăng trưởng tín dụng thấp, chính là hệ quả của việc các ngân hàng thận trọng trở lại, từng bước giải quyết nợ xấu, các doanh nghiệp từng bước giải quyết việc sử dụng đòn bẩy tài chính quá đáng, lại bị mọi người chỉ trích như một chỉ tiêu không đạt yêu cầu. Có lẽ việc công luận đảo chiều trong trường hợp này là do mức thay đổi quá lớn, tín dụng tính cho đến cuối tháng 11 chỉ tăng 4,15%.
Hay chuyện tính toán cán cân thương mại, lần đầu tiên trong nhiều năm Việt Nam xuất siêu thay vì nhập siêu (mới năm ngoái đây thôi, Việt Nam nhập siêu đến gần 10 tỷ đô-la), không thể không xem đây là một thành tích đáng kể. Báo cáo của các tổ chức tài chính nước ngoài đều tô đậm yếu tố này bởi nó góp phần quyết định trong việc ổn định tỷ giá. Nhưng đó là góc nhìn vĩ mô; nhìn từ doanh nghiệp thì thấy tăng trưởng xuất khẩu chủ yếu là do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp trong nước hầu như không tăng xuất khẩu. Còn nhập khẩu không tăng mạnh như mọi năm đồng nghĩa doanh nghiệp bế tắc, không thể nhập nguyên vật liệu về để sản xuất hoặc không bán được hàng nên không dám nhập hàng nhiều như các năm trước.
Một yếu tố khác cũng nhận được sự đánh giá khác nhau giữa hai góc nhìn vĩ mô và vi mô là chuyện nợ xấu. Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam thì lạc quan tin rằng Việt Nam sẽ xử lý được vấn đề nợ xấu. Đó là bởi tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam, dù còn bất nhất nhưng cứ lấy theo tỷ lệ cao nhất là 10% trên tổng dư nợ tín dụng mà có lần Thống đốc Ngân hàng Nhà nước buộc miệng công bố trên diễn đàn Quốc hội thì vẫn còn rất thấp so với tỷ lệ này ở các nước lúc xảy ra khủng hoảng nợ xấu. Theo một nghiên cứu của McKinsey, sau cơn khủng hoảng tài chính năm 1997, nợ xấu của các nước châu Á tăng vọt, lên khoảng 30% GDP, ví dụ nợ xấu tính đến cuối năm 2001 của Trung Quốc là 44-55% GDP, của Malaysia là 36-48% GDP hay của Thái Lan là 36-41% GDP. So sánh như thế thì nợ xấu Việt Nam dù có lên đến 15% GDP vẫn có thể giải quyết được.
Thế nhưng nhận định này không tính đến hai chuyện. Thứ nhất, ngay sau khủng hoảng tài chính 1997, các nước nhảy vào quyết liệt giải quyết nợ xấu còn ở Việt Nam, bàn thì nhiều, phát biểu thì hăng say trong khi bắt tay vào giải quyết nợ xấu, cho đến giờ đề án tổ chức công ty mua bán nợ xấu vẫn chưa có! Thứ hai, vì chưa có hướng giải quyết triệt để, nợ xấu làm giới ngân hàng không muốn cho vay ra nữa, tiền chỉ đổ vào trái phiếu chính phủ và có lẽ sắp tới là trái phiếu chính quyền địa phương.  
Như thế nhìn từ góc độ vĩ mô, tình hình kinh tế Việt Nam, theo các tổ chức tài chính quốc tế, dường như đang đi vào thế dần ổn định, thời điểm khó khăn nhất đã qua và các nguy cơ nổ ra khủng hoảng cán cân thanh toán hay khủng hoảng tài chính đã được giải quyết.
Tuy thế, nhìn từ góc độ doanh nghiệp các rủi ro khác vẫn có khả năng xảy ra. Đó là sự vỡ nợ dây chuyền từ doanh nghiệp này lây lan sang doanh nghiệp khác rồi từ doanh nghiệp đến ngân hàng hay từ doanh nghiệp đến người lao động. Ví dụ người ta chỉ chú ý đến hai bên trong tranh chấp bảo lãnh phát hành trái phiếu giữa Công ty Tài chính Cổ phần Vinaconex - Viettel và ngân hàng SeABank mà quên đi nhân vật chính, Công ty Vina Megastar, nơi phát hành trái phiếu và nay không trả được nợ. Dự báo sẽ còn nhiều vụ như thế, nhất là các khoản nợ có liên quan đến các doanh nghiệp nhà nước.
Đây là cái giá phải trả trong quá trình trở lại những giá trị kinh doanh căn bản chứ không chạy theo các loại bong bóng tài sản như trước. Tái cơ cấu một doanh nghiệp là đã tốn kém, huống gì phải tái cơ cấu cả nền kinh tế. Điều đáng băn khoăn là chi phí của quá trình này, nhất là khi liên quan đến khối doanh nghiệp nhà nước hay hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần, lại đang được chia đều ra cho người dân ai cũng phải gánh. Dọn dẹp hậu quả của lòng tham thì lẽ ra thủ phạm chạy theo lòng tham phải gánh chịu trước tiên chứ không phải là người dân bình thường.

Friday, November 30, 2012

Buông lỏng và chèn lấn


Buông lỏng và chèn lấn
Mỗi khi nói đến những yếu kém của khu vực kinh tế nhà nước, người ta thường quên vai trò của các bộ, ngành được giao làm đại diện chủ sở hữu các doanh nghiệp nhà nước. Giả thử các nơi này chỉ cần làm đúng chức trách được giao, tuân thủ nghiêm khắc các quy định sẵn có, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng không đến nỗi lâm vào tình trạng nợ nần chồng chất như bây giờ.
Lấy ví dụ, theo Thông tư 242/2009 hướng dẫn thi hành quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước… không được tự ý vay vốn làm cho hệ số nợ phải trả trên vốn điều lệ vượt quá ba lần mà phải báo cáo đại diện chủ sở hữu nhà nước xem xét quyết định.
Thế nhưng, theo báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội về tình hình tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh của 91 tập đoàn, tổng công ty nhà nước năm 2011, có đến 30 tập đoàn, tổng công ty có tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần, trong đó có 8 tập đoàn, tổng công ty trên 10 lần! Chẳng hạn, Tổng công ty đầu tư phát triển Đường cao tốc vay nợ đến 56,47 lần so với vốn, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 - 21,85 lần, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - 15,07 lần! Báo cáo không nói là một khi tỷ lệ này vượt ba lần như quy định, các bộ, ngành làm đại diện chủ sở hữu có nhắc nhở gì các tập đoàn, tổng công ty hay không, họ quyết định cho vay vượt mức như thế nào và có báo cho Bộ Tài chính theo quy định hay không.
Để tránh nợ nần chồng chất, Thông tư 242 quy định công ty nào không được phép huy động vốn vượt mức ba lần như nói ở trên nhưng liên tục hai năm liền có hệ số nợ phải trả vượt vốn điều lệ ba lần thì phải có kế hoạch cơ cấu lại nguồn vốn như điều chỉnh vốn điều lệ, chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính, đa dạng hóa sở hữu các đơn vị thành viên, thu hồi vốn đầu tư vào các lĩnh vực ngoài ngành kinh doanh chính hoặc kém hiệu quả. Liệu đã có tập đoàn, tổng công ty nào trong 30 đơn vị nói trên bị yêu cầu thực hiện những biện pháp này? Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ báo cáo với Quốc hội nhưng liệu trước đó đã có biện pháp yêu cầu các đơn vị thực hiện đúng theo tinh thần Thông tư 242?
Vì sự buông lỏng này, tình hình nợ nần ở các tập đoàn, tổng công ty đã lên đến mức báo động. Năm 2011, tổng số nợ phải trả của tập đoàn, tổng công ty là 1.292.400 tỷ đồng, tăng 18,9% so với năm 2010. Gần 1,3 triệu tỷ đồng, tức là gần bằng một nửa tổng dư nợ tín dụng của toàn nền kinh tế, chỉ ở 90 tập đoàn, tổng công ty nhà nước! Vẫn biết nợ của các doanh nghiệp bao gồm nhiều dạng như trái phiếu chứ không chỉ tín dụng ngân hàng nhưng với con số và tỷ lệ lớn như thế, còn đâu tín dụng cho các thành phần khác của nền kinh tế.
Thử nhìn vào các tập đoàn có nợ phải trả lớn như Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, nợ phải trả 286.817 tỷ đồng; Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nợ phải trả 275.278 tỷ đồng; Tập đoàn Công nghiệp xây dựng Việt Nam, nợ phải trả 69.577 tỷ đồng; Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, nợ phải trả 61.768 tỷ đồng; Tập đoàn Công nghiệp Than – khoáng sản Việt Nam, nợ phải trả 71.112 tỷ đồng, không thể nào hình dung nổi một đơn vị không thôi có số nợ bằng một phần mười tổng dư nợ của toàn nền kinh tế. Cứ lấy chi phí vay nợ thấp nhất mà tính cũng sẽ thấy rằng các đơn vị này chạy đủ tiền để trả lãi cũng đã hết sức rồi, còn đâu trả nợ gốc hay có lãi trừ phi được ưu đãi hết mức.
Chúng ta còn nhớ đã có nhiều quy định khống chế mức đầu tư ngoài ngành của doanh nghiệp nhà nước cũng như những yêu cầu doanh nghiệp nhà nước phải thoái dần vốn ra khỏi những nơi đã đầu tư trái ngành. Thế mà các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong năm 2011 vẫn tăng đầu tư vào các lãnh vực chứng khoán, quỹ đầu tư, bảo hiểm, ngân hàng và bất động sản lên đến 23.744 tỷ đồng (tăng 15% so với năm 2010).
Một điểm cuối cùng cũng có thể gây bất ngờ ở nhiều người. Theo báo cáo của Chính phủ gởi Quốc hội, năm 2011, thuế thu nhập doanh nghiệp mà các tập đoàn, tổng công ty nộp cho nhà nước là 47.710 tỷ đồng (tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp của khu vực doanh nghiệp nhà nước mà Bộ Tài chính công bố trong cân đối thu chi ngân sách năm 2011 là 56.265 tỷ đồng). So với tổng thu thuế thu nhập doanh nghiệp của tất cả mọi thành phần là 184.481 tỷ đồng, thì các tập đoàn, tổng công ty chỉ chiếm 25,8%. Tín dụng, đất đai, chính sách ưu đãi, nhiều nguồn lực khác, cái nào các doanh nghiệp nhà nước cũng chiếm tỷ lệ cao nhưng nộp thuế thì chỉ chiếm một phần tư – có lẽ câu hỏi về hiệu quả đã có câu trả lời.

Thursday, November 15, 2012

Sửa gì ở Hiến pháp?


Sửa gì ở Hiến pháp?
Thông thường các nước sửa Hiến pháp khi có một hai vấn đề gì đó thật bức xúc, cấp bách hay cần hợp thức hóa, phải đưa ra biểu quyết ở Quốc hội hay trưng cầu dân ý trước toàn dân. Ví dụ như khi Nga sửa Hiến pháp năm 2008 kéo dài nhiệm kỳ tổng thống nước này từ 4 lên 6 năm, Ấn Độ tu chính Hiến pháp năm 1967 để bổ sung tiếng Sindhi làm ngôn ngữ chính thức, Ireland sửa Hiến pháp năm 1973 để giảm độ tuổi đi bầu từ 21 xuống 18 tuổi…
Nếu đọc kỹ Dự thảo Hiến pháp sửa đổi, thật khó có thể nêu bật lên vấn đề nào nổi trội trong đợt sửa đổi lần này. Tờ trình của Ủy ban dự thảo có nói về mục đích của việc sửa đổi Hiến pháp lần này là: “… để bảo đảm đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; xây dựng và bảo vệ đất nước; tích cực và chủ động hội nhập quốc tế.” Đây là một mục đích rất chung chung, có thể đúng vào bất kỳ thời điểm nào hay áp dụng vào bất kỳ tình huống nào.
Sau khi Dự thảo được công bố tại Quốc hội, dư luận cho rằng Dự thảo Hiến pháp lần này đã tăng quyền cho Chủ tịch nước như một điểm nhấn sửa đổi. Thật ra đây là nhận xét hơi vội vàng vì những điều Dự thảo nói về Chủ tịch nước cũng dựa trên căn bản Hiến pháp năm 1992, chỉ có điều được làm rõ về mặt chi tiết ở một số điều khoản.
Trong Hiến pháp 1992, Chủ tịch nước vẫn có quyền đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ…; vẫn là người thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân và giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh; Quyết định phong hàm, cấp sĩ quan cấp cao trong các lực lượng vũ trang nhân dân. Chủ tịch nước, theo Hiến pháp 1992, có quyền tham dự các phiên họp của Chính phủ khi xét thấy cần thiết.
Nay Dự thảo chỉ làm rõ thêm những điểm này, ví dụ chuyện phong hàm thì “quyết định phong hàm, cấp sĩ quan cấp tướng, đô đốc, phó đô đốc, chuẩn đô đốc hải quân; bổ nhiệm Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam”; chuyện họp với Chính phủ thì “Khi cần thiết, Chủ tịch nước yêu cầu Chính phủ họp bàn về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước”.
Trong bối cảnh nạn tham nhũng đang tàn phá đất nước, nhiều người đặt vấn đề tham nhũng tồn tại được là vì cơ chế kiểm soát quyền lực ở nước ta yếu, nhiều lỗ hổng, dễ bị lợi dụng. Hay hiện nay đang có tình trạng đầu tư dàn trải, tràn lan khi tỉnh nào cũng chạy đua cho có bến cảng, sân bay, khu công nghiệp… Cũng có người cho rằng đó là bởi quan hệ giữa chính quyền địa phương và chính quyền trung ương còn nhiều bất cập để xảy ra tình trạng cả nể, xét duyệt dự án đầu tư của địa phương vì các áp lực khác nhau chứ không vì lợi ích chung của đất nước.
Đấy là những vấn đề mà việc sửa đổi Hiến pháp phải bao quát để giải quyết trong đợt sửa đổi lần này.
Với chuyện kiểm soát quyền lực, cần nhấn mạnh và làm rõ được quan điểm sửa đổi mà Ủy ban Dự thảo có nêu: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Làm sao để giải quyết hai vế đối nghịch nhau trong cùng một câu: vừa thống nhất, có sự phân công, phối hợp lại vừa có sự kiểm soát giữa ba nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp?
Chuyện dùng quyền lực để kiểm soát quyền lực là chuyện thế giới đã trải qua, đã trăn trở và thu lượm nhiều kinh nghiệm trong hàng trăm năm qua; tại sao chúng ta không tiếp thu thành tựu chung của nhân loại trong lãnh vực này mà cứ khăng khăng nói và làm theo cách của chúng ta.
Hiến pháp phải được sửa đổi để sao cho các bộ trưởng, mỗi khi ra văn bản trái luật thì ngay tức thì bị Quốc hội cách chức; lệnh của Thủ tướng Chính phủ nếu sai luật sẽ bị Chánh án tòa án nhân dân tối cao bác bỏ theo đơn kiện của công dân; Quốc hội phải chuyên nghiệp hoàn toàn, phải chủ động xây dựng các dự án luật và có toàn quyền triệu tập các thành viên Chính phủ đến giải trình mọi chính sách.
Lấy ví dụ chuyện kiểm soát các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sao cho làm ăn có hiệu quả, không vì lợi nhuận nhất thời mà đầu tư tràn lan ra ngoài lãnh vực chính hay không vì vị thế độc quyền mà chèn lấn các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác. Bởi các bộ hay thậm chí chính phủ là chủ sở hữu doanh nghiệp, ắt hẳn sẽ đứng về lợi ích của doanh nghiệp, vai trò giám sát các tập đoàn, tổng công ty phải giao cho các bộ phận kiểm toán độc lập thuộc Quốc hội chẳng hạn để tìm sự cân bằng về quyền lực. Ngành tư pháp cũng phải đứng ra một cách công minh để xét xử những trường hợp độc quyền gây thiệt hại cho doanh nghiệp khác hay cho toàn xã hội.
Nói một cách hình ảnh, Luật Doanh nghiệp tạo cơ sở pháp lý để doanh nghiệp hình thành cơ chế giám sát lẫn nhau giữa hội đồng quản trị, ban giám đốc và ban kiểm soát để cổ đông hưởng được lợi ích cao nhất thì Hiến pháp cũng phải làm được chuyện tương tự giữa Quốc hội, Chính phủ và hệ thống tòa án.
Nếu chưa làm được điều đó, thiết nghĩ chưa cần phải sửa đổi Hiến pháp theo cách sửa đổi hình thức như hiện thời. 

Saturday, November 10, 2012

Tội đồ “lợi ích nhóm”?


Tội đồ “lợi ích nhóm”?
Việc đổ hết mọi tội lỗi lên lợi ích nhóm trong khi hiểu sai về khái niệm này chính là cách dùng con ngáo ộp làm che khuất thủ phạm của những kiếm khuyết trong bộ máy.
Xã hội lúc nào cũng có xu hướng hình thành những nhóm lợi ích. Đó đơn giản là những người cùng chia sẻ một mối quan tâm nào đó, một lợi ích nào đó và cùng nhau nỗ lực để công khai xúc tiến hỗ trợ cho lợi ích của mình được xem xét, được tính đến trong chính sách của nhà nước. Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) hay Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (Vafi) là những nhóm như thế.
Còn cái gọi là “lợi ích nhóm” bị nêu ra như là thủ phạm của sự bất ổn trong nền kinh tế thật ra không phải là nhóm lợi ích. Một hai cổ đông lớn chi phối đến hoạt động của một ngân hàng, buộc ngân hàng cho vay với các công ty của các cổ đông này là hành động vi phạm pháp luật, là phù phép của nạn thao túng, lũng đoạn thị trường. Cán bộ địa phương lợi dụng quy hoạch để cùng doanh nghiệp chiếm đất, hưởng lợi từ chênh lệch giá đất là một hình thức tham nhũng, lạm quyền chứ ở đây không có lợi ích nhóm nào cả. Sự cấu kết giữa quyền lực và tiền bạc là nguy cơ mà lợi ích nhóm có thể thúc đẩy để diễn ra nhưng một khi nó đã diễn ra rồi thì không còn là lợi ích nhóm nữa mà là vi phạm pháp luật.
Quay trở lại với các nhóm lợi ích thật sự mà hoạt động vận động hành lang được xem là chuyện bình thường ở nhiều nước, nên ứng xử với họ như thế nào? Rõ ràng các nhóm lợi ích, vì đại diện cho một lợi ích nào đó của riêng nhóm này thôi, nên chủ trương, đề xuất hay hành động có thể đi ngược lại với lợi ích của đa số người dân. Nhiều lúc lập luận của một nhóm lợi ích tìm mọi cách để bảo vệ cho lợi ích của mình mà bỏ qua lợi ích của toàn xã hội nghe thật chướng tai. Nhưng không vì thế mà chúng ta lại lên án các nhóm lợi ích.
Một xã hội lành mạnh là xã hội tạo điều kiện cho tất cả mọi người, kể cả các nhóm lợi ích, có tiếng nói được lắng nghe, có cơ hội trình bày ý tưởng, phản biện lại các lập luận phản bác và bảo vệ ý kiến của mình. Giả định Hiệp hội Lương thực Việt Nam có chủ trương nào đó có lợi cho hội viên nhưng có hại cho nông dân thì ngay lập tức nông dân thông qua hội của mình sẽ có tiếng nói ngược lại. Các chủ đầu tư thủy điện cứ khăng khăng bảo vệ cho các dự án thủy điện thì các nhà hoạt động vì môi trường sẽ tô đậm tác hại của thủy điện hay người dân sẽ gây sức ép buộc chính quyền ngưng các dự án ảnh hưởng quá nhiều đến môi trường sống của họ. Các nhóm với tiếng nói khác nhau sẽ là động lực thúc đẩy xã hội phát triển trong sự giám sát lẫn nhau, trong đó tiếng nói của những nhóm người bị thua thiệt như dân nghèo phải được hỗ trợ để được vang lên mạnh như tiếng nói của người có tiền, có của.

Wednesday, November 7, 2012

Thương hiệu vàng quốc gia?

Thương hiệu vàng quốc gia, có cần không?
Chuyện vàng trở thành đề tài bàn tán sôi nổi, cả ngoài xã hội lẫn trên hội trường Quốc hội. Nhưng có một câu hỏi chưa thấy ai, kể cả các quan chức ở Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trả lời: Vì sao cần có một thương hiệu vàng quốc gia?

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình chỉ giải thích vì sao chọn SJC làm thương hiệu vàng quốc gia (“SJC chiếm 93-95% thị trường vàng miếng; để tránh sự nhầm lẫn và lãng phí nên chúng tôi chọn thương hiệu này”) mà không nói vì sao cần phải có một sự chọn lựa như thế. Ông khẳng định không hề bắt buộc người dân phải chuyển đổi từ các loại vàng khác sang vàng SJC cũng như không hề có sự phân biệt đối xử giữa các loại vàng này. Thế thì chọn SJC làm thương hiệu vàng của NHNN để làm gì?
Nếu nói NHNN đang nỗ lực chống hiện tượng “đô-la hóa”, “vàng hóa” trong nền kinh tế thì việc có một thương hiệu vàng quốc gia lại góp phần làm nặng thêm tình trạng “vàng hóa” chứ đâu phải ngược lại.
Theo thông lệ quốc tế, vàng được chia làm hai loại: vàng tiền tệ và vàng phi tiền tệ, tức là vàng hàng hóa. Vàng tiền tệ là vàng do ngân hàng trung ương sở hữu và nắm giữ làm tài sản dự trữ, lúc đó vàng cũng tương đương như ngoại tệ. Ví dụ, chính phủ Mỹ nắm giữ 8.133 tấn vàng, chiếm đến 76,6% tổng dự trữ ngoại tệ của nước này; hay Trung Quốc có chừng 1.054 tấn vàng dự trữ, chỉ chiếm 1,8% tổng dự trữ ngoại tệ (số liệu cuối năm 2010). Vàng phi tiền tệ là vàng do người dân, doanh nghiệp hay thậm chí do các ngân hàng thương mại nắm giữ cho dù mục đích là kinh doanh hay lưu giữ giá trị.
Nếu NHNN bỏ tiền ra mua vàng đưa vào kho dự trữ của mình thì lúc đó mới gọi là hạn chế tình trạng “vàng hóa”. Vàng đưa vào dự trữ là vàng thỏi bốn số 9, chứ cần gì phải là vàng có thương hiệu quốc gia. Đằng này khi quyết định chọn SJC làm thương hiệu vàng quốc gia trong khi trong tay nắm không bao nhiêu số lượng vàng này, có nghĩa NHNN đã “vàng hóa” trên quy mô lớn, thậm chí là rất lớn, bởi vàng SJC trong tay người dân có khả năng biến thành vàng tiền tệ trong một sớm một chiều. Hay nói cách khác, vàng SJC trong dân từ chỗ là hàng hóa bình thường nay bỗng trở thành một dạng ngoại tệ, càng làm chính sách tiền tệ khó điều hành.
Nhìn như thế mới thấy vì sao giữa vàng SJC và vàng thương hiệu khác đang có chênh lệch lớn về giá, vì sao người dân cứ chuyển đổi vàng phi SJC thành vàng SJC cho yên tâm bất kể lời trấn an hay lời khuyên của quan chức không nên vội vàng chuyển đổi.
Ở góc độ quản lý, có người giải thích, sở dĩ NHNN quyết định có một thương hiệu vàng quốc gia là để ngăn ngừa chuyện nhập lậu vàng, làm thất thoát ngoại tệ và gây căng thẳng tỷ giá. Mỗi khi giá vàng trong nước cao hơn giá vàng quốc tế, dân buôn lậu sẽ thu gom đô-la Mỹ đem ra nước ngoài mua vàng, chuyển lậu về Việt Nam để hưởng chênh lệch giá. Nay vàng lậu đem về lại bằng giá quốc tế (hiện giá vàng phi SJC thấp hơn giá vàng SJC nên gần như tương đương giá vàng thế giới) thì sẽ không còn ai buôn lậu, cầu ngoại tệ không có thì áp lực lên tỷ giá sẽ không tồn tại.
Ở đây chúng ta thấy ngay hàng loạt lỗ hổng về quản lý. Có gì bảo đảm vàng lậu nhập về không được chuyển thành vàng SJC với chi phí không đáng kể dưới dạng vàng phi SJC muốn chuyển đổi thành vàng SJC? Hiện nay quá trình này vẫn đang diễn ra và NHNN chịu áp lực phải giúp chuyển đổi nhanh, đi đến chỗ không còn chênh lệch giá giữa các loại vàng. Như thế chọn SJC làm thương hiệu vàng quốc gia có giúp ổn định tỷ giá chăng? Có ai bảo đảm tỷ giá không biến động nhờ chính sách vàng hay nhờ Việt Nam từ chỗ nhập siêu lớn sang xuất siêu hay do đồng đô-la Mỹ yếu đi so với nhiều đồng tiền khác? Quan trọng hơn, một khi NHNN khẳng định không phân biệt đối xử giữa các loại vàng thì làm sao hạn chế được vàng nhập lậu như mong muốn.
Việc quyết định phải có một thương hiệu vàng quốc gia đang gây ra nhiều xáo động trên thị trường, tạo ra nhiều khe hở dễ bị lợi dụng, đồng thời tạo ra cơ chế xin cho nên sẽ có nhiều người hưởng lợi và nhiều người, chủ yếu là người dân thiếu thông tin bị thiệt hại.
Đáng ngạc nhiên nhất, thương hiệu vàng quốc gia là chuyện nói miệng chứ không có cơ sở pháp lý nào cả. Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng hoàn toàn không có dòng nào về thương hiệu vàng quốc gia. Nghị định này chỉ nêu nguyên tắc quản lý là “Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng” và định nghĩa rõ: “Vàng miếng là vàng được dập thành miếng, có đóng chữ, số chỉ khối lượng, chất lượng và ký mã hiệu của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép sản xuất hoặc vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất trong từng thời kỳ”. Rõ ràng tinh thần của Nghị định này là sẽ tồn tại song song nhiều thương hiệu vàng miếng chứ đâu nói gì đến một thương hiệu vàng quốc gia!

Thursday, November 1, 2012

Mặc cả sự tín nhiệm


Mặc cả sự tín nhiệm
Thoạt trông, nỗ lực thông qua nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh lãnh đạo của Quốc hội là đáng ghi nhận bởi thông qua công cụ này, Quốc hội sẽ đóng tốt hơn vai trò giám sát của mình. Trong bối cảnh bộ máy Chính phủ có nhiều yếu kém, khuyết điểm để người đứng đầu phải đứng ra nhận lỗi thì việc lấy phiếu tín nhiệm hay bỏ phiếu tín nhiệm là động thái người dân trông chờ để bày tỏ thái độ thông qua người đại diện dân cử của mình.
Tuy nhiên, việc gì cũng có mặt trái của nó và mặt trái của việc lấy phiếu tín nhiệm nếu không được phân tích đầy đủ và có biện pháp khắc phục thì nỗ lực này của Quốc hội khó lòng có tác dụng như mong muốn.
Việc lấy phiếu tín nhiệm, trước hết, sẽ cổ xúy cho cách điều hành rất ngắn hạn, làm triệt tiêu tầm nhìn dài hạn, khi phải đánh đổi giữa các thiệt hại ngắn hạn vì những mục tiêu lâu dài. Lấy ví dụ đối với Bộ trưởng Tài chính, để khắc phục tình trạng bội chi năm nào cũng cao ngất, sẽ phải nghiêm khắc với các yêu cầu chi tiêu của các địa phương, phải xiết hầu bao không để lợi ích địa phương, sự vận động của địa phương tác động lên dự toán ngân sách chung. Vì tầm nhìn dài hạn, giải quyết cán cân thu chi ngân sách, Bộ trưởng Tài chính cũng sẽ mạnh tay với các bộ ngành khác, không để việc xin cấp ngân sách diễn ra tràn lan, lãng phí và trùng lắp… Trong bối cảnh các đại biểu Quốc hội đồng thời là lãnh đạo các địa phương và bộ ngành, liệu họ có đồng tình với một vị bộ trưởng tài chính nghiêm khắc với túi tiền ngân sách hay sẽ dùng lá phiếu tín nhiệm để mặc cả chuyện phân bổ?
Một ví dụ khác dựa vào tình hình thực tế hiện nay là chuyện giải quyết nợ xấu. Muốn giải quyết nợ xấu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ phải siết chặt việc cho vay của hệ thống ngân hàng, từ đó lại gián tiếp gây khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung. Để đối phó với bong bóng tài sản bị xẹp làm tài sản thế chấp bị bốc hơi, Thống đốc cũng sẽ phải cần vài ba năm, trong đó tín dụng tăng trưởng chậm lại, ngân sách phải gánh chịu những khoản chi lớn để làm sạch hệ thống ngân hàng… Một Thống đốc mạnh tay như thế sẽ không được lòng nhiều người trong ngắn hạn để đổi lại sự lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng sau vài ba năm nữa. Đánh giá tín nhiệm đối với Thống đốc trong trường hợp này sẽ như thế nào? Chẳng lạ gì thống đốc ngân hàng trung ương nhiều nước có nhiệm kỳ dài, không bị bãi miễn trước hạn.
Tương tự như vậy, giả thử Chính phủ kiên quyết tái cơ cấu nền kinh tế, có nghĩa trước mắt tạm chấp nhận tăng trưởng chậm đi, thất nghiệp nhiều hơn, doanh nghiệp phá sản cao hơn mới mong chuyển thành công qua mô hình phát triển mới. Liệu những năm khó khăn đó, ai trong Chính phủ sẽ chịu tín nhiệm thấp? Khi đa phần đại biểu Quốc hội, người bỏ phiếu tín nhiệm đồng thời là người trong bộ máy nhà nước, cách chức danh như thanh tra, kiểm toán sẽ đụng chạm nhiều nên sẽ có xung đột lợi ích khi lấy phiếu tín nhiệm.
Quan trọng hơn, trong bộ máy nào cũng vậy, sẽ có người tiếp xúc nhiều với người dân nên cũng dễ xảy ra tranh cãi về phương pháp làm việc; sẽ có người ít khi xuất hiện trước công chúng, khó lòng đánh giá hiệu quả làm việc. Không lẽ lấy phiếu tín nhiệm người đứng mũi chịu sào sẽ chặt tay hơn người lùi lại đằng sau.
Trên đây là những chuyện giả định bởi hiện nay cách điều hành thường là chạy theo “giải pháp tình thế” chứ làm gì có chuyện tầm nhìn dài hạn nhưng các ví dụ cũng cho thấy hiệu ứng ngược của việc lấy phiếu tín nhiệm có thể xảy ra.
Mấu chốt của vấn đề là làm sao việc lấy phiếu tín nhiệm không làm tê liệt bộ máy hành chính mà là một công cụ để kiểm soát quyền lực và thúc đẩy bộ máy vận hành tốt hơn.
Để giải quyết những vấn đề nêu ở trên, thiết nghĩ việc lấy phiếu tín nhiệm không nên mở rộng quá nhiều chức danh lãnh đạo để khỏi mang tính hình thức, làm qua loa, không công bình giữa người làm nhiều và người làm ít. Chịu trách nhiệm cho mỗi bộ máy có người đứng đầu, người này sẽ quyết định được ê-kíp làm việc có thực sự hiệu quả không, sẽ biết rõ từng thành viên có đáp ứng được nhu cầu của bộ máy hay không, sẽ phân biệt được lợi ích dài hạn và lợi ích ngắn hạn. Lấy phiếu tín nhiệm một số người đứng đầu sẽ có tác dụng to lớn hơn nhiều trong vai trò giám sát bộ máy. Bởi trong nhiều trường hợp, từng cá nhân trong bộ máy thì không có vấn đề gì nhưng bộ máy nhìn chung vẫn trì trệ, không thoát khỏi quán tính cũ. Lúc đó vấn đề đặt ra là chuyện tín nhiệm hay không người tổ chức ra bộ máy đó.
Muốn làm được điều này, người đứng đầu bộ máy phải thật sự có quyền chọn và loại thải những người giúp việc bên dưới, chứ không thể để chuyện “trên bảo, dưới không nghe” diễn ra. Người đứng đầu phải có tầm nhìn và tư duy sao cho con đường phát triển trong năm bảy năm tới được trình bày rõ ràng, nói được những khó khăn sẽ gặp phải trên chặn đường này và mục tiêu sau cùng sẽ nhắm đến là gì. Lúc đó, lấy phiếu tín nhiệm sẽ là cách thể hiện sự tín nhiệm cho lộ trình đó hay bất tín nhiệm để chọn lộ trình khác.

Thursday, October 25, 2012

In tiền để tăng lương?!


In tiền để tăng lương?!
Tuần qua, vấn đề tăng lương lại nóng lên khi được đưa ra bàn trước Thường vụ Quốc hội. Theo lộ trình cải cách tiền lương, từ ngày 1-5-2013, lương tối thiểu sẽ tăng từ 1,05 triệu đồng lên mức 1,3 triệu đồng/tháng. Thế nhưng Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho biết không thể bố trí nguồn ngân sách để thực hiện lộ trình tăng lương, “trừ phi Thường vụ Quốc hội đồng ý cho in thêm tiền”.
Phải nói thẳng, đây là một tuyên bố không nghiêm túc!
Việc tăng lương nằm trong lộ trình đã định từ trước, có nghĩa ngân sách 2012 và 2013 đã chuẩn bị trước các nguồn tiền để thực hiện. Nay ngân sách không kham nổi thì Bộ trưởng Tài chính phải chịu trách nhiệm giải trình vì sao, hụt thu ở nguồn nào, cách giải quyết ra sao trước khi loại bỏ một mục chi lớn đã được phê duyệt. Ngân sách nhà nước cũng không phải là chuyện nhỏ để muốn tăng chi ở một mục nào đó thì chỉ cần Thường vụ Quốc hội đồng ý cho in thêm tiền. Đây là một cách nói dễ gây hiểu nhầm rất tai hại. Quốc hội là nơi thông qua ngân sách hàng năm, kèm theo đó là mức bội chi được phê duyệt chung. Nhiệm vụ của Chính phủ là thuyết trình vì sao cần tăng thêm bội chi, cho khoản mục nào, cách bù đắp sau đó sẽ ra sao để thuyết phục đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua. Không hề có chuyện Thường vụ Quốc hội có thẩm quyền cho in thêm tiền để tăng lương! Vậy mà cũng chẳng thấy các quan chức trong Thường vụ Quốc hội nói lại cho rõ.
Ở hướng ngược lại, Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội hoàn toàn có lý khi gợi ý thay vì tăng lương từ 1,05 triệu lên 1,3 triệu đồng/tháng thì có thể chỉ tăng lên 1,15 triệu đồng/tháng. Nhưng để ý kiến này mang tính thuyết phục cao hơn, cần yêu cầu Bộ Tài chính trình bày cụ thể, với phương án này mức tăng cho ngân sách là bao nhiêu, với phương án kia, thiếu hụt sẽ lên đến bao nhiêu và các phương án bù đắp. Quốc hội là nơi buộc các thành viên của Chính phủ phải trần tình với số liệu chuẩn bị đầy đủ - chứ không phải là nơi mặc cả chuyện… in tiền để chi tiêu.
Trong câu chuyện này, cần phân biệt hai khái niệm “tăng lương” và “bù trược giá”. Lương tối thiểu của công chức, viên chức được tăng từ 730.000 đồng lên 830.000 đồng/tháng trong năm 2011 (tăng 13,7%) và lên 1.050.000 đồng/tháng trong năm 2012 (tăng 26,5%). Trong khi đó lạm phát của năm 2010 là 11,75% và năm 2011 là 18,13%. Như thế nếu loại trừ yếu tố trược giá, mức tăng lương trong những năm vừa qua là không đáng kể. Hay nói cách khác mức tăng lương này không theo kịp mức tăng danh nghĩa tổng thu nhập quốc dân (GDP danh nghĩa năm 2010 tăng 19,4% và năm 2011 tăng 28%).
Như vậy những “mức tăng” lương tối thiểu những năm trước chưa thể nào gọi là góp phần nâng cao mức sống của cán bộ, công chức, người lao động… mà chỉ mới phần nào bảo vệ thu nhập của họ trước cơn bão tăng giá.
Nay cũng vậy, ngân sách phải có nhiệm vụ ít nhất bảo đảm thu nhập tối thiểu của người hưởng lương từ ngân sách không bị hao hụt vì lạm phát chứ khoan nói gì đến chuyện tăng lương. Đặt vấn đề như thế để thấy trách nhiệm của Bộ Tài chính là bảo đảm ngân sách kham được chuyện này, ít nhất như các năm vừa qua.
Điều đáng nói hơn nữa, trong những lần tăng lương tối thiểu trước đây, rõ ràng không phải tất cả khoản tăng dồn về ngân sách trung ương phải gánh chịu. Chẳng hạn để tăng lương các đơn vị sự nghiệp thuộc ngành y tế được sử dụng tối thiểu 35% khoản thu được để lại trong khi ngành này vừa tăng viện phí trong năm nay. Không biết Bộ Tài chính đã tính toán chi ly những khoản như thế hay chưa trước khi tuyên bố ngân sách không kham nổi.

Thursday, October 18, 2012

Những người xây chợ đặc biệt


Những người xây chợ đặc biệt
Chợ là nơi mua bán trao đổi hàng hóa dịch vụ. Quy luật cung cầu của chợ phát huy tác dụng khi bên mua bên bán gặp nhau thông qua giá cả thỏa thuận. Thế nhưng gặp những chợ đặc biệt nơi tiền không đóng vai trò quan trọng thì sao? Giải Nobel Kinh tế năm nay giải quyết câu hỏi đó.
Tuyển sinh đại học là một dạng chợ đặc biệt. Các trường đại học danh tiếng như Harvard không thể cứ đưa ra giá học phí thật cao đến mức tuyển vừa đúng được số người muốn tuyển có đủ khả năng tài chính để trả học phí cao này. Ngược lại các trường cũng không thể chỉ nhận đúng 1.000 hồ sơ nếu muốn tuyển 1.000 sinh viên bởi sinh viên cũng nộp hồ sơ nhiều trường, sinh viên giỏi cũng có nhiều chọn lựa, sẵn sàng từ chối nhiều trường.
Có lẽ những nhà quản lý giáo dục nước ta, thường phải đau đầu giải quyết bài toán nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 của học sinh khi dự tuyển vào lớp 10, hiểu rõ vấn đề này nhất. Tuyển sinh vào các trường công lập ở New YorkBoston cũng gặp vấn đề tương tự. Theo cách làm cũ, học sinh nộp đơn vào nguyện vọng 1, thường là trường tốt nhất, được nhiều người xin vào học nhất. Nếu không được tuyển, học sinh sẽ chuyển qua nguyện vọng 2, cũng là trường tốt thứ nhì nên cũng đông không kém và đã tuyển đủ người. Cứ như thế, một học sinh lẽ ra có thể vào được trường nguyện vọng 3 nhưng bị trượt hết vì đã không sắp xếp các nguyện vọng một cách khôn ngoan.
Đến đây Alvin Roth xuất hiện. Ông đã thiết kế những cơ chế sàng lọc và ghép nối sao cho kết quả sau cùng làm cả nhà trường và học sinh đều hài lòng. Công việc này gọi là “thiết kế thị trường” và những nỗ lực của Roth trong thực tế, từ việc thiết kế cơ chế sắp xếp sinh viên y khoa vào đúng bệnh viện nội trú đến mai mối những người hiến tạng và cần ghép tạng với nhau đã giúp ông đoạt giải Nobel Kinh tế năm nay.
Để hiểu được thuật toán dùng trong việc ghép nối này, thử hình dung chuyện mai mối một nhóm đàn ông với một nhóm đàn bà. Để có kết quả tối ưu, các bà phải áp dụng chiến thuật “chấp nhận trong trì hoãn”. Đầu tiên, mỗi ông ngỏ ý với người họ thích nhất. Dĩ nhiên sẽ có bà nhận được nhiều lời dạm ý và có bà không có ai hỏi han. Các bà nhận được nhiều lời ngỏ ý sẽ từ chối những ông nào họ ít thích nhất nhưng chưa quyết định chọn ai trong số còn lại. Các ông bị từ chối lại ngỏ lời một vòng khác, cứ thế cho đến khi không còn ai bị từ chối. Lúc đó các bà mới đưa ra chọn lựa của mình và việc mai mối thành công.
Điều ít người để ý là Roth xuất thân là một kỹ sư. Ông lấy bằng tiến sĩ về nghiên cứu vận hành tổ chức, tức dùng thuật toán để giúp các tổ chức hoạt động hiệu quả hơn. Năm 1995, người ta đã nhờ ông cải tiến cách sắp xếp sinh viên y khoa về các bệnh viện nội trú vì nó đã trở thành một mớ bòng bong. Ví dụ hệ thống cũ khó lòng sắp xếp hai vợ chồng cùng là bác sĩ về cùng một bệnh viện hay ít nhất cũng được ở gần nhau. Trước đó Roth, từng nghiên cứu về lý thuyết trò chơi, đã viết nhiều về hệ thống sắp xếp này với những nguyên tắc gợi ý để giải quyết những tồn tại của nó. Bắt tay vào việc, Roth đưa ra một thuật toán sắp xếp mới và thành công trên mức mong đợi. Roth bắt đầu nổi tiếng như một người thay vì quan sát, nghiên cứu thế giới đã áp dụng lý thuyết để giải quyết những bài toán của thực tế. Bài học “thiết kế thị trường” của ông được áp dụng trong nhiều lãnh vực, từ các trang web chuyên mai mối đến cách các trường sắp xếp thời khóa biểu sao cho hợp lý nhất.
Công trình của Roth cứu được nhiều mạng người khi áp dụng vào chuyện ghép tạng. Một cặp vợ chồng, chẳng hạn, vợ cần ghép thận nhưng chồng không hiến được vì không cùng nhóm máu. Một cặp vợ chồng khác cũng rơi vào tình huống tương tự. Nhờ Roth, một trung tâm dữ liệu hình thành để những cặp như thế có thể gặp nhau, chồng cặp này hiến thận cho vợ cặp kia và ngược lại. Thuật toán của Roth giúp các bệnh viện sẵn sàng chia sẻ thông tin, từ đó mới ghép nối các cặp với nhau và giảm đến mức tối thiểu số lượng các cặp cần thiết để trao đổi thành công.
Thế nhưng các công trình trong thực tế của Alvin Roth (60 tuổi) sẽ khó lòng diễn ra nếu trước đó không có Lloyd Shapley (89 tuổi) tiên phong đưa ra những lý thuyết làm nền tảng cho việc “thiết kế thị trường”. Shapley, nhận bằng tiến sĩ toán học từ năm 1953, được xem là một trong những nhà lý thuyết trò chơi hàng đầu cùng thời với nhà toán học nổi tiếng John Nash. Chuyện mai mối các cặp nói ở trên chính là ý tưởng của Shapley từ năm 1962. Lúc đó Shapley (với đồng tác giả là David Gale trong bài viết “Tuyển sinh đại học và tính ổn định của hôn nhân”) khái quát hóa một lý thuyết về nguyên tắc có thể tạo ra những cuộc hôn nhân bền vững: nếu để các cặp tìm nhau như trên, sẽ không còn ai muốn ly hôn để đi lấy người khác. Vì thế lý thuyết của ông được gọi là “phân bổ bền vững”. Dĩ nhiên lý thuyết này không thể áp dụng vào hôn nhân thực tế nhưng đã thành công trong các dự án mà Roth thực hiện.
Roth hiện đang giảng dạy tại trường Stanford sau nhiều năm dạy tại Harvard còn Shapley là giáo sư hưu trí của trường UCLA. Cả hai là người Mỹ.
Giải Nobel Kinh tế năm nay được đánh giá là đã cứu vãn uy tín của kinh tế học nhờ áp dụng lý thuyết để giải quyết các bài toán của cuộc sống một cách thành công. Kinh tế học gần đây bị chê trách là không dự đoán được các biến động kinh tế, các cuộc khủng hoảng tài chính trong khi các nhà kinh tế thay nhau tranh cãi về mọi vấn đề. Tuy nhiên công trình của hai ông Shapley và Roth có thuần túy là kinh tế học hay không cũng là điều đáng bàn bởi chính Shapley cho biết: “Tôi tự xem mình là nhà toán học trong khi giải trao cho kinh tế học. Tôi chưa bao giờ, chưa bao giờ ghi danh học lớp kinh tế học nào trong đời tôi”.


Friday, October 12, 2012

Tiền đâu ra?


Tiền đâu ra?
Khi nói đến các chương trình an sinh xã hội, điều đầu tiên phải nghĩ đến là kinh phí để thực hiện. Ngân sách nhà nước hàng năm là con số hầu như đã cố định, chi cho an sinh xã hội tăng lên thì phải giảm bớt các khoản mục chi tiêu khác xuống. Tăng chi cho an sinh xã hội để giảm bớt các cảnh đời khốn khó của người nghèo có lẽ là điều ai cũng mong muốn.
Thế nhưng một nghịch lý hiện nay là tiếng nói của người nghèo, đối tượng cần nhận được sự hỗ trợ từ các chương trình an sinh xã hội nhiều nhất, rất mờ nhạt trong khi tiếng nói của giới có thu nhập cao hơn lại mạnh hơn, chi phối đến dư luận nhiều hơn.
Lấy ví dụ, cách đây không lâu có ý kiến từ Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đề xuất giảm mức khởi điểm chịu thuế lẫn mức giảm trừ gia cảnh xuống. Nói cách khác ủy ban này muốn nhiều người nộp thuế thu nhập cá nhân hơn, số tiền thuế nộp cao hơn để ngân sách thu được nhiều hơn. Một khi ngân sách không bị thất thu một khoản thuế thu nhập khá lớn thì khả năng tăng chi cho an sinh xã hội sẽ cao hơn. Đề xuất của ủy ban này có thể hiểu là cách phân bổ lại thu nhập để giảm bớt chênh lệch giàu nghèo - là một cách làm đúng bài bản của những đại biểu dân cử.   
Trong thực tế, đề xuất này đã gặp phải sự phê phán kịch liệt của công luận và ngay cả những đại biểu khác của Quốc hội. Và dĩ nhiên sự phản bác này nhận được sự đồng tình của đa số mọi người có tiếng nói được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Người dân nghèo mà thu nhập không bao giờ đến ngưỡng chịu thuế thì không nắm được vấn đề, lại không có tiếng nói nên chiều dư luận ngược lại không thấy xuất hiện trên báo chí.
Loại ví dụ như trên xảy ra nhiều lần, từ những than phiền mức thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam quá cao đến những chỉ trích các loại thuế cao đánh vào ô-tô và câu chuyện chung mức thuế, phí ở Việt Nam thuộc loại cao nhất trên thế giới. Những chính sách miễn giảm thuế cho doanh nghiệp, cho những địa chỉ đã sẵn có thu nhập cao lại được hưởng ứng và hoan nghênh.
Vì sao như vậy? Vì sao những động thái tăng thu ngân sách với hàm ý tăng khả năng chi ngân sách cho an sinh xã hội lại bị phản đối?
Bởi một lý do đơn giản: không ai tin rằng đi cùng với tăng thu ngân sách theo kiểu tăng mức thu thuế thu nhập doanh nghiệp hay thu nhập cá nhân là sự tăng chi cho an sinh xã hội. Bởi nhiều người nghĩ các khoản tăng thu rồi sẽ lãng phí cho tham nhũng, cho trợ cấp doanh nghiệp nhà nước, được đổ vào các công trình đầu tư công lãng phí hay để giải quyết gánh nặng nợ nần của nhiều doanh nghiệp nhà nước từng đổ vỡ như Vinashin. Những khoản vay của Vinashin ắt rồi được khoanh lại và cuối cùng ngân sách nhà nước cũng phải đứng ra chịu trách nhiệm hoàn trả.
Để các chương trình an sinh xã hội, như tấm lưới cuối cùng nâng đỡ những người dân nghèo khó, được tiến hành như ở các nước khác, tức là tăng chi cho chúng sẽ là động lực thu hút sự ủng hộ của đông đảo người dân, việc chi tiêu ngân sách nhà nước phải minh bạch, công khai một cách thực chất. Trong đó việc kết nối giảm chi ở những khoản mục này sẽ giúp tăng chi ở những khoản mục khác phải được chú trọng làm rõ, nhấn mạnh và được kiểm tra chặt chẽ. Có như thế quyền lợi của người dân nghèo mới được bảo vệ, tiếng nói của họ mới được chú ý lắng nghe và vang lên trên các diễn đàn công luận.

Friday, October 5, 2012

Nếu không có khu vực FDI…


Nếu không có khu vực FDI…
Nhìn vào kết quả xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2012 có thể rút ra ngay một kết luận về vai trò của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Trong tổng kim ngạch xuất khẩu 83,8 tỷ đô-la Mỹ, khu vực FDI chiếm đến 52,5 tỷ đô-la, tức 62,6% bất kể số lượng doanh nghiệp trong nước lớn hơn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài rất nhiều lần.
Quan trọng hơn, 9 tháng đầu năm, xuất khẩu tăng 18,9% chính là nhờ mức tăng rất cao của khu vực FDI, đến 34,6% chứ còn khu vực kinh tế trong nước, tức kể cả doanh nghiệp nhà nước lẫn doanh nghiệp tư nhân, xuất khẩu 9 tháng đầu năm sụt 0,6%!
Rõ ràng là nếu không có khu vực FDI, xuất khẩu Việt Nam sẽ sụt giảm so với mức tăng cao đều đặn trong nhiều năm trước. Sẽ có người nhận xét, xuất khẩu của khu vực FDI tăng cao là nhờ tính cả dầu thô. Không phải, xuất khẩu dầu thô 9 tháng đầu năm chỉ tăng 14,7% và nếu không tính dầu thô, xuất khẩu của khu vực FDI tăng đến 37,9%.
Thế nhưng trong cân nhắc chính sách, nhiều người lại bỏ quên khu vực FDI. Việc kêu gọi thu hút đầu tư nước ngoài không còn được chú trọng như những năm trước; các khó khăn của giới doanh nghiệp nước ngoài không được quan tâm tháo gỡ kịp thời như xưa…
Kết quả có thể thấy ngay, mức đăng ký vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm đến 39% (còn 6,1 tỷ đô-la), vốn FDI thực sự triển khai trong 9 tháng đầu năm cũng giảm 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái (còn 8,1 tỷ đô-la).
Những khó khăn của doanh nghiệp trong nước dẫn đến những vận động hành lang của các nhóm lợi ích khác nhau rồi dẫn đến những thay đổi chính sách thường xuyên, gây lúng túng bối rối cho các doanh nghiệp FDI đang hoạt động. Các doanh nhân nước ngoài từng làm ăn lâu năm tại Việt Nam phải nhận xét: chưa bao giờ họ thấy tương lai sản xuất và kinh doanh mờ mịt như hiện nay bởi không thấy sự nhất quán trong chính sách hay một lộ trình rõ ràng nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế.
Trong bối cảnh đó, thay vì lắng nghe những phản hồi về môi trường kinh doanh ở nước ta, nhiều người lại cứ phân trần rằng nhận định của giới phân tích nước ngoài là phiến diện, không khách quan. Họ không nhận ra rằng nhà đầu tư nước ngoài dựa vào những nhận xét như thế trước khi quyết định đầu tư vào Việt Nam hay thôi chứ đâu quan tâm đến việc nhận xét này đúng sai đến mức độ nào.
Lấy ví dụ nhận định của hãng xếp hạng tín dụng Moody’s vào tuần trước khi đánh tụt hạng trái phiếu chính phủ Việt Nam là rất đáng quan tâm. Moody’s cho rằng trong khoản thời gian 5 năm từ năm 2007 đến 2011, tín dụng tăng trưởng bình quân hằng năm đến 33,7%, vượt xa mức tăng bình quân GDP là 6,6% hay kể cả mức tăng GDP danh nghĩa là 21,3%. Sau đó tín dụng bị thắt chặt, làm cho nợ xấu ngày càng tăng. Nay việc tái cấp vốn cho hệ thống ngân hàng là không thể tránh khỏi và gánh nặng đó sẽ rơi vào ngân sách chính phủ, càng trói chân khả năng vận dụng chính sách tài khóa. Trong khi đó, ngân hàng vì lo cho bảng cân đối kế toán không thể để ngày càng xấu đi nên đang hạn chế cho vay, làm nghẽn dòng tăng trưởng kinh tế.
Thiết nghĩ, bên cạnh các số liệu thô sơ về đầu tư nước ngoài, Tổng cục Thống kê và Bộ Kế hoạch & Đầu tư cần có những phân tích sâu hơn như số liệu doanh nghiệp FDI phá sản, đóng cửa trong quý, số việc làm do khu vực này tạo ra, số thuế các doanh nghiệp FDI nộp cho ngân sách, mức độ lan tỏa của một dự án FDI đến các doanh nghiệp trong nước làm vệ tinh cho dự án… Những số liệu này sẽ làm cơ sở cho giới hoạch định chính sách kịp thời đưa ra những quyết sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài có chất lượng thật sự. Một dự án sản xuất điện thoại của Samsung có thể làm thay đổi bức tranh xuất khẩu ở góc độ sản xuất công nghiệp – hàng loạt dự án như thế có thể là chỗ dựa để nền kinh tế thoát khỏi trì trệ, đình đốn như hiện nay.
PS: Ngoài ra, khu vực FDI xuất siêu trên 8,6 tỉ đô la Mỹ (hay 2,28 tỷ đô-la nếu không tính xuất khẩu dầu thô) trong khi khối doanh nghiệp trong nước, trái lại, nhập siêu đến 8,5 tỉ đô la.

Thursday, September 20, 2012

Co giãn như vàng


Co giãn như vàng
Cách đây một năm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tuyên bố: nếu giá vàng trong nước cao hơn giá vàng quốc tế 400.000 đồng/lượng trở lên là có dấu hiệu của hiện tượng đầu cơ, làm giá. Nói cách khác, định hướng của NHNN là làm sao để giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế không chênh lệch nhau quá 400.000/lượng.
Một năm sau, độ chênh lệch này bị kéo giãn ra, có lúc lên đến gần 3 triệu đồng/lượng!
Điều đáng nói là chênh như thế chỉ xảy ra với vàng thương hiệu SJC chứ vàng các thương hiệu khác hiện đang có giá gần bằng giá vàng thế giới quy đổi. Nhãn hiệu SJC hiện do NHNN độc quyền quản lý nên khó lòng nói NHNN đang đầu cơ làm giá được! Có chăng là sự thất bại trong quản lý giá vàng cũng như những quyết định liên quan đến thương hiệu vàng miếng SJC.
Câu hỏi đặt ra là chính sách đối với vàng nên như thế nào, có nên đặt vấn đề bình ổn giá vàng như NHNN từng chủ trương không?
Rõ ràng ở các nước khác, vàng không hề là yếu tố đáng quan tâm trong chính sách tiền tệ của nước họ. Tuy nhiên ở nước ta, phải thừa nhận vàng là một “kẻ khó ưa” vì có những tác động khó lường lên thị trường tiền tệ, ví dụ mỗi khi lãi suất xuống thấp trong tương quan với lạm phát, người dân có thể chuyển từ tiền đồng sang vàng hay mỗi khi tỷ giá biến động giá vàng biến động theo vì nó là công cụ tháo gỡ rào cản kiểm soát dòng vốn. Nói cách khác, vì dân ta dễ dàng tiếp cận với vàng miếng nên vàng trở thành vật khuếch đại những biến động trên thị trường tiền tệ làm cho việc điều hành khó khăn, chật vật và tốn kém hơn nhiều.
Dễ thấy trong bối cảnh đó, NHNN sẽ muốn có những chính sách hạn chế sự lưu thông của vàng miếng, muốn người dân ít xài vàng như phương tiện cất trữ hay thanh toán, ít ra là cũng như các nước khác. Nhưng cho đến nay có thể nói NHNN đã chọn sai biện pháp để thực hiện ước muốn này: đó là chọn SJC như một thương hiệu mà Nhà nước độc quyền bởi quyết định này dễ tạo ra những khe hở tạo điều kiện cho đầu cơ hay làm giá. NHNN cũng chọn sai mục tiêu: đó là cố gắng kiểm soát giá hay bình ổn giá trong khi lẽ ra phải là hạn chế việc sử dụng vàng miếng trong thanh toán hay lưu giữ tài sản. Lúc NHNN đi đúng hướng như không để các ngân hàng vay hay cho vay bằng vàng thì lại thiếu cương quyết, cứ du di về thời hạn hay điều chỉnh chính sách nhiều lần (xem thêm bài “Không dễ quản lý thị trường vàng” – TBKTSG số ra ngày 6-9-2012).
Tỷ giá giữa tiền đồng và đô-la Mỹ vẫn ổn định trong thời gian qua chứng tỏ sự quan ngại chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới sẽ gây áp lực lên tỷ giá là không có. Nếu loại dần các ảnh hưởng cứ tưởng giá vàng sẽ gây ra trên thị trường tiền tệ trong khi thực tế là không có, NHNN sẽ dần tiến đến chỗ có quan niệm đúng đắn về vàng: bỏ nó qua một bên trong cân nhắc về chính sách. Còn người dân dùng vàng như một tấm lưới bảo hộ cho họ lúc gian khó là điều hay chứ không phải là điều đáng lo.

Tuesday, August 7, 2012

Nói vậy mà không phải vậy!


Nói vậy mà không phải vậy!
+ Trong những tháng đầu năm nay, người ta thường nghe các nhà phân tích nhấn mạnh sức mua yếu kém của thị trường như một dẫn chứng cho tình hình khó khăn của nền kinh tế. Tuy nhiên, nhận định về sức mua như thế thường không được hỗ trợ bằng số liệu nào cả.
Nay trong thống kê tình hình kinh tế sáu tháng đầu năm, Tổng cục Thống kê chính thức đưa ra những con số liên quan: Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 6,5%. Cụ thể hơn, kinh doanh thương nghiệp tăng 18,9%; khách sạn nhà hàng tăng 20,2%; dịch vụ tăng 22,3%; du lịch tăng 26,6%.
Như thế sức mua của thị trường nhìn chung đâu có giảm sút, thậm chí còn tăng khá mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Ở một ví dụ khác, chúng ta cũng thường đọc trên báo chí hay nghe các doanh nghiệp phát biểu về những khó khăn gay gắt của họ, nhiều trường hợp đóng cửa, nhiều trường hợp khác phải thu gọn quy mô sản xuất. Chắc chắn với đại đa số không hề có chuyện đầu tư mở rộng.
Thế nhưng lý giải làm sao đây khi Tổng cục Thống kê cho biết sáu tháng đầu năm, đầu tư từ khu vực tư nhân vẫn tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước! Nếu biết rằng tín dụng sáu tháng đầu năm chỉ tăng 0,76%, một mức tăng không đáng kể thì làm sao lý giải khu vực tư nhân lấy vốn từ đâu để tăng 18,1%? Lưu ý là cả hai con số, mức tăng hàng hóa bán lẻ và đầu tư tư nhân trong sáu tháng đầu năm 2012 đều cao hơn mức tăng của các lãnh vực này trong năm 2011.
Ở đây có hai khả năng xảy ra: một là con số của Tổng cục Thống kê đưa ra không chính xác; hai là các nhận định trước đó trên các phương tiện thông tin đại chúng chỉ đúng với một số trường hợp và sai với toàn bộ nền kinh tế. Không có cách gì để khẳng định khả năng nào đúng. Trước mắt, có lẽ tất cả chúng ta đều phải dè dặt trước mọi con số hay mọi phản ánh mang tính khái quát hóa vội vàng.
*                      *                      *
+ Trong khi tính chính xác của các con số chưa được minh định rõ ràng, sức mua đã cạn kiệt của người dân được đem ra để giải thích cho hiện tượng chỉ số giá tiêu dùng giảm liên tiếp trong hai tháng qua.
Kể cũng lạ, trước đây có những chuyên gia kinh tế phân tích chi li cái hại của lạm phát lên nền kinh tế, nhất là lên mức sống của người dân nghèo bởi họ là người chịu nhiều thiệt thòi nhất khi giá cả tăng cao. Nay cũng những chuyên gia này lại cảnh báo tình trạng giảm phát sẽ “bất lợi cho những người sống chỉ dựa vào nguồn thu nhập cố định”!
Với lạm phát, tâm lý thị trường còn quan trọng hơn cả con số. Tâm lý kỳ vọng chỉ số giá cả tăng cao vẫn còn rất mạnh, người tiêu dùng vẫn còn bị ám ảnh bởi khả năng giá sẽ lên nữa. Vì thế, có lẽ cần bình tĩnh để thấy nói đến nỗi lo giảm phát hiện nay là quá sớm. CPI giảm chủ yếu do giá lương thực và năng lượng giảm; nếu hai yếu tố này quay đầu tăng trở lại, lạm phát vẫn sẽ là nỗi lo lớn chứ không phải là giảm phát.
*                      *                      *
+ Có những quy định không ai biết vì sao được sinh ra nhưng vẫn tồn tại dai dẳng, bất kể những hệ lụy to lớn chúng gây ra. Cộng đồng doanh nghiệp từng kiến nghị dai dẳng về chuyện không được chi quá 10% tổng chi phí cho quảng cáo, khuyến mãi bởi họ cho rằng áp đặt một mức trần như thế không có ý nghĩa gì cả ngoài việc trói chân trói tay doanh nghiệp. Ngày xưa lúc Việt Nam mới mở cửa, quy định như thế là nhằm ràng buộc các tập đoàn đa quốc gia thường mạnh tay chi tiền quảng bá lúc mới thâm nhập thị trường, giúp các doanh nghiệp non trẻ trong nước cạnh tranh ngang sức hơn. Thật ra, mức trần này không hề là rào cản với các tập đoàn này bởi họ phân bổ chi phí quảng cáo cho một chi nhánh nào đó ở nước ngoài trong khi một doanh nghiệp trong nước mới ra đời, muốn chi mạnh để tìm chỗ đứng trong tâm trí người tiêu dùng cũng đành chịu.
Đọc quảng cáo của một hãng chuyên bán điện thoại di động, rằng nếu mua chiếc điện thoại X với giá 8,6 triệu, khách hàng sẽ được tặng quà khuyến mãi trị giá lên đến 6,8 triệu, người tinh ý sẽ biết hãng này làm sai quy định. Bởi theo luật, giá trị hàng hóa dùng để khuyến mãi không vượt quá 50% giá của hàng hóa đem bán trong khi tỷ lệ ở đây là 79%!
Hay chuyện báo in không được quảng cáo quá 10% diện tích cũng là một quy định phi lý đã tồn tại từ rất lâu. Lúc đó, các báo đều do Nhà nước bao cấp, giá bán rất thấp, số trang cố định. Người ta suy nghĩ nếu báo cứ đăng quảng cáo hết thì lấy diện tích đâu để đăng tin, bài, ảnh hưởng đến chức năng tuyên truyền của báo chí, làm lãng phí ngân sách nhà nước. Quy định như thế xem ra hợp lý. Nhưng nay đa phần các báo tự chủ tài chính, lời ăn lỗ chịu, nếu cứ quảng cáo nhiều, không có nội dung thì bạn đọc không mua, không biết vì sao vẫn quy định, can thiệp vào tỷ lệ quảng cáo một cách máy móc. Từ đó mới hình thành cách trình bày báo rất đặc trưng cho Việt Nam là mọi quảng cáo dồn vào một tập – việc đầu tiên nhiều người đọc báo làm là tách nó ra và quẳng vào sọt rác – một sự lãng phí ghê gớm.
Điều đáng nói là những quy định bất hợp lý nói trên ít khi được thực thi đến nơi đến chốn nên chuyện vi phạm vẫn diễn ra thường xuyên, chỉ khi cần mới có chuyện phạt vạ.

Saturday, August 4, 2012

Hai nghịch lý từ một cuộc họp


Hai nghịch lý từ một cuộc họp
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã dự báo đường đi của lãi suất trong vòng hai năm tới tại hội nghị kết nối ngân hàng với doanh nghiệp được tổ chức cuối tuần qua tại TPHCM. Ông cho biết nếu lạm phát năm 2012 dừng ở mức 7% thì trần lãi suất huy động ngắn hạn sẽ giảm về 8% từ mốc 9% hiện nay, lãi suất cho vay nhờ đó sẽ giảm thêm. Lãi suất cho vay có thể xuống mức dưới 10% trong vòng tối đa hai năm nữa nếu lạm phát được khống chế, thậm chí mục tiêu đưa lãi suất xuống dưới 10% có thể đạt được vào giữa năm sau nếu lạm phát năm 2013 được chận đứng ở mức 4-6%.
Qua phát biểu này, có thể thấy đối với Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất là mục tiêu nhắm đến và điều kiện để giảm lãi suất là lạm phát được duy trì ở mức thấp.
Trong khi đó, các văn bản chính thức từ Chính phủ đều cho thấy Việt Nam đang theo đuổi chính sách “lạm phát mục tiêu”, ví dụ tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh yêu cầu điều hành lãi suất theo lạm phát mục tiêu (7-8%). Một trong những lý do giải thích chỉ số giá tiêu dùng đang giảm mạnh là nhờ chuyển từ bị động đối phó với lạm phát, sang chủ động điều hành theo lạm phát mục tiêu.
Lẽ ra với những công cụ lãi suất điều hành trong tay như lãi suất tái cấp vốn, NHNN phải lấy lạm phát là mục tiêu nhắm đến và việc điều chỉnh lãi suất lên xuống như một công cụ là nhằm đạt được con số lạm phát mong muốn chứ không phải ngược lại. Nói như Thống đốc thì doanh nghiệp không thể trông chờ vào việc lãi suất sẽ giảm vì còn phụ thuộc vào yếu tố lạm phát cao hay thấp trong khi nhiệm vụ của NHNN là “ổn định giá trị đồng tiền biểu hiện bằng chỉ tiêu lạm phát” và “sử dụng các công cụ và biện pháp để thực hiện mục tiêu đề ra” (Luật Ngân hàng Nhà nước).
                               *                                *                                  *
Từ cuộc họp này cũng nổi lên một nghịch lý khác. Đó là việc nhiều doanh nghiệp “chê trách” ngân hàng không chịu mở hầu bao cho doanh nghiệp vay, rằng ngân hàng còn xa doanh nghiệp như tít một bài báo phản ánh không khí cuộc họp. Một số doanh nghiệp khác cho rằng ngân hàng chỉ mặn mà làm ăn với doanh nghiệp tốt, đang ăn nên làm ra còn rất khắc khe với doanh nghiệp đang gặp khó khăn nên không cứu giúp được gì cho đa số doanh nghiệp cả.
Giới ngân hàng đang canh cánh nỗi lo nợ xấu, là hậu quả của việc mở rộng tín dụng tràn lan trong những năm trước đây khi có năm tăng trưởng tín dụng lên đến trên 50%. Nay ngân hàng quản trị rủi ro chặt chẽ, đưa ra điều kiện khắc khe trước khi cho vay là điều đáng mừng, sao lại chê trách.
Ngân hàng chỉ là nơi trung gian, huy động vốn rồi cho vay, nếu chỉ huy động mà không tìm được đầu ra cho nguồn vốn thì ngân hàng cũng chịu gánh nặng hàng tồn kho – tồn kho tiền và sẽ gánh chịu nhiều tổn thất. Thật ra, tình trạng ngân hàng không thể cho vay được, vốn ứ đọng trong hệ thống và tăng trưởng tín dụng 7 tháng đầu năm dưới 1% là do những nguyên nhân khác chứ không hẳn vì ngân hàng “xa” doanh nghiệp, ngân hàng thiếu tích cực, chủ động trong nghiệp vụ.
Ở nhiều nước, cụm từ “bẫy thanh khoản” được nhắc tới nhiều trong thời gian gần đây. Đó là tình trạng lãi suất về gần bằng không, chính sách tiền tệ mất tác dụng, ngân hàng ngồi trên một đống tiền nhưng không cho vay được. Tình trạng này cũng kéo theo giảm phát, sản xuất đình đốn, nền kinh tế suy thoái kéo dài, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng tăng cao.
Ở Việt Nam, không có chuyện “bẫy thanh khoản” theo nghĩa các nước đang dùng bởi không có chuyện lãi suất về gần bằng không hay việc tăng cung tiền không nhằm để nới lỏng chính sách tiền tệ mà chỉ nhằm cải thiện thanh khoản cho hệ thống ngân hàng và do bơm tiền đồng mua ngoại tệ trong những tháng đầu năm. Tuy nhiên, những biểu hiện khác của “bẫy thanh khoản” là rất rõ ràng. Cho dù lãi suất huy động đã giảm mạnh, ngân hàng vẫn không thể cho vay được bởi khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế hiện rất yếu kém. Doanh nghiệp vay tiền, sản xuất ra hàng hóa mà không bán được thì họ sẽ không vay làm gì; ngân hàng biết doanh nghiệp vay tiền cũng không thể tạo ra dòng tiền mới để trả nợ thì làm sao họ cho vay. Hiện nay tái cơ cấu các khoản nợ cũ, tức là đảo nợ, cho doanh nghiệp đã làm cho ngân hàng tiêu tốn hết mọi thời gian và nguồn lực cũng như tác động rất lớn vào lợi nhuận sắp tới của ngân hàng nên họ không mặn mà cho vay mới. Vì thế mới có chuyện ngân hàng mạnh tay mua trái phiếu chính phủ hay tín phiếu NHNN.
Đây là giai đoạn nền kinh tế tìm cách cân bằng trở lại sau một thời gian dài thổi phồng bong bóng bất động sản và các loại tài sản khác, đòn bẩy tài chính (vay nợ ngân hàng) được sử dụng tối đa. Nay giới doanh nghiệp lo giảm tỷ lệ nợ vay trên vốn còn giới ngân hàng lo giải quyết nợ xấu để làm đẹp sổ sách. Khi đi tìm sự cân bằng thì không ai mặn mà với tín dụng mới – đây là thực tế phải chấp nhận chứ không có chuyện đối đầu giữa doanh nghiệp và ngân hàng.

Wednesday, August 1, 2012

Thị trường và phi thị trường


Thị trường và phi thị trường
* Vì sao những biện pháp phi thị trường lại được dư luận trông chờ và không bị doanh nghiệp phản ứng mạnh? Vì sao hiện tượng này sẽ có những hệ quả xấu về lâu về dài?
Nếu đứng về lý, rất dễ bác bỏ yêu cầu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đối với các ngân hàng thương mại phải giảm lãi suất cho những khoản vay cũ về dưới 15%. Luật các tổ chức tín dụng quy định tại điều 91: Tổ chức tín dụng được quyền ấn định mức lãi suất huy động vốn; Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất. NHNN không có cơ sở pháp lý nào để yêu cầu các ngân hàng thương mại hạ lãi suất cho những khoản đã cho vay bình thường. Đây là giao kết dân sự giữa hai bên, không liên quan gì đến NHNN. Các ngân hàng thương mại đã huy động vốn dài hạn với lãi suất cao thì cũng phải cho vay cao tương ứng nếu không muốn thua lỗ.
Thế nhưng trên thực tế, hầu như không có sự phản đối công khai nào từ phía các ngân hàng thương mại. Họ chỉ đối phó bằng các chiêu thức thường thấy như trì hoãn, chọc lọc người vay để giảm lãi suất, đặt ra những điều kiện bổ sung… Công khai chỉ thấy các lời trần tình, cần thêm thời gian, cần sự đồng thuận của hội đồng quản trị, cần cân nhắc rủi ro… Trong khi đó, không ít phương tiện thông tin đứng về phía doanh nghiệp đi vay để chất vấn giới ngân hàng: “Hạ lãi suất, không lẽ là chuyện đùa?” Quan chức NHNN cũng khẳng định sẽ xử lý các ngân hàng không chịu giảm lãi suất cho các khoản vay cũ.
Không lẽ tinh thần tôn trọng nguyên tắc thị trường trong lãnh vực ngân hàng đã lụi tàn? Nguyên do chính là vì giới ngân hàng từng bỏ lơ nguyên tắc thị trường để được hưởng lợi từ lâu nay khó lòng nói khác.
Nếu áp dụng đúng nguyên tắc và tôn trọng luật lệ một cách đằng thẳng, nhiều ngân hàng không thể nào vượt qua yêu cầu tăng vốn điều lệ mấy năm trước, không thể nào cho nhiều dự án “sân sau” vay vượt quá tỷ lệ quy định, không thể nào cho vay vượt quá mức huy động… Tình trạng sở hữu chéo giữa các ngân hàng cũng không dễ diễn ra. Quan trọng hơn cả, tình hình nợ xấu không thể che giấu và báo cáo sai lệch như thời gian qua được. Vì nỗi lo cho sự an toàn của cả hệ thống, NHNN từng đối xử với mọi ngân hàng, cả tốt lẫn xấu như nhau, không công khai sức khỏe của từng ngân hàng để khách hàng chọn lựa, không xử lý mạnh các sai phạm của một số ngân hàng khác…
Sự nương nhẹ của cả hai bên dẫn tới tình trạng như hiện nay khi NHNN điều hành thị trường bằng mệnh lệnh hành chính và hướng điều hành là tùy thuộc vào lợi ích hay mục tiêu ngắn hạn. Cứ mãi như thế, biết bao giờ mới khởi động quá trình tái cơ cấu thật sự hệ thống ngân hàng, làm cho nó lành mạnh và hoạt động đúng nguyên tắc thị trường?
*                      *                      *
* Thu nhập đầu người của Việt Nam tính trên cơ sở cân bằng sức mua (PPP) đang giảm mạnh. Để dễ hình dung, hãy lấy một ví dụ được đơn giản hóa: cách đây 5 năm, khi tỷ giá tiền đồng là khoảng 16.000 đồng ăn 1 đô-la Mỹ, tiền công hớt tóc là 16.000 đồng. Lúc đó so với giá hớt tóc bên Mỹ đến 10 đô-la, dân Việt Nam chỉ cần tốn chừng 1 đô-la. Nay giả thử giá hớt tóc bên Mỹ không thay đổi nhưng ở Việt Nam đã lên trên 40.000 đồng; với tỷ giá trên 20.000 đồng ăn 1 đô-la Mỹ, người ta phải bỏ ra chừng 2 đô-la mới đủ tiền hớt tóc.
Lạm phát cao trong nhiều năm liền trong khi tỷ giá thay đổi chậm hơn tốc độ lạm phát là nguyên nhân cho tình trạng nói trên. Việc thổi phồng giá trị tài sản các loại nói ở phần trước cũng là tác nhân quan trọng. Nếu trước đây mặt bằng giá cả tương đối rẻ ở Việt Nam là một lợi thế thì nay lợi thế đó đang dần biến mất.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài than, chi phí ở Việt Nam tăng vọt trong khi doanh thu tính bằng tiền đô-la không tăng với mức tương ứng, làm hoạt động của họ ngày càng thêm khó khăn. Chi phí này gồm nhiều thứ, từ lương công nhân, tiền thuê đất, mua nhà xưởng, tiền điện, nước, xăng dầu, giá các nguyên liệu đầu vào mua ở Việt Nam. Lương công nhân đắt đỏ hơn một phần thì lương giới quản lý càng đắt đỏ bội phần vì đã tăng nhanh trong những năm qua.
Tình hình này càng gay gắt ở những doanh nghiệp xuất khẩu, làm hàng Việt Nam mất tính cạnh tranh trên thị trường thế giới. Thế là nhà xuất khẩu quay sang ép giá nông dân, làm giá đủ loại nông sản đang giảm mạnh.
Thu nhập đầu người tính theo PPP giảm là quá trình mà mọi nước đang phát triển phải đi qua nhưng ở Việt Nam trong những năm qua, quá trình nay diễn ra quá nhanh chóng. Hậu quả là mức sống của người dân, nhất là dân nghèo, đang giảm sút. Nếu trước kia họ tự an ủi, thu nhập của họ dù chỉ bằng 1 phần 10 thu nhập của một người bạn bên Mỹ nhưng hớt tóc cũng chỉ tốn ít hơn 10 lần; nay thì hết có chuyện so sánh như thế, không chỉ chuyện hớt tóc mà còn học phí cho con, tiền khám chữa bệnh, tiền đi lại...
Khổ nổi nhiều nơi không để ý đến yếu tố này mà chỉ khăng khăng so sánh với giá ở các nước khác mỗi khi muốn lập luận cho thuận tai việc tăng giá một mặt hàng hay dịch vụ nào đó.

Sunday, July 15, 2012

Nợ xấu, biệt phái và lương


Nợ xấu, biệt phái và lương
+ Có lẽ còn rất lâu chúng ta mới biết con số nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam thực sự là bao nhiêu. Bởi mới chỉ cách đây mấy tuần, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) báo cáo trước Quốc hội là 10%, sau đó lại được chính thức công bố cũng bởi NHNN là 4,47% và gần đây nhất lại là 8,6%!
Tuy nhiên, quan trọng hơn, số nợ xấu đó từ đâu ra, của ai gây nên, thuộc khu vực nào thì chưa bao giờ được công khai. Biết nguyên nhân của nợ xấu mới mong tìm giải pháp giải quyết nợ xấu.
Khu vực chiếm tỷ trọng nợ xấu lớn nhất ắt phải là các doanh nghiệp nhà nước mà dẫn đầu là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước (chính NHNN cũng thừa nhận nợ xấu cho vay bất động sản không lớn, chỉ chiếm khoảng 10% tổng nợ xấu). Trong tổng dư nợ của doanh nghiệp nhà nước là trên 1 triệu tỷ đồng, chỉ cần 10% số này là nợ xấu, con số tuyệt đối đã lên trên 100.000 tỷ đồng, bằng với con số nợ xấu mà NHNN vừa công bố vào cuối tuần trước. Chỉ tính riêng hai doanh nghiệp nhà nước từng gây nhiều tai tiếng trong những năm gần đây là Vinashin và Vinalines thì tổng nợ của chúng, trong đó đa phần là nợ xấu, đã là những con số khổng lồ. Trong những năm qua, mỗi năm con số nợ đến hạn phải trả ở các doanh nghiệp này lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng và đã biến thành nợ xấu!
Không cải cách toàn diện khu vực kinh tế nhà nước để loại bỏ các “điển hình tiêu cực” như Vinashin hay Vinalines thì khoan vội nói đến giải quyết nợ xấu. Thành lập công ty mua bán nợ có thể giải quyết các khoản nợ cũ nhưng chưa bịt được lỗ hổng về quản lý các doanh nghiệp nhà nước thì sớm muộn gì cũng sẽ nảy sinh những khoản nợ xấu mới. Không lẽ lúc đó lại tính chuyện thành lập tiếp công ty mua bán nợ mới?
*                      *                      *
+ Liên quan đến việc giám sát doanh nghiệp nhà nước, Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ đề án thành lập tổng cục giám sát và quản lý vốn nhà nước, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước. Điểm nhấn của đề án này là Bộ Tài chính sẽ biệt phái chừng 80 cán bộ xuống các tập đoàn, tổng công ty. Đại diện của Bộ cho báo chí biết 80 người này vẫn là công chức của Bộ Tài chính, không ăn lương của doanh nghiệp, được kỳ vọng sẽ giúp Bộ phát hiện kịp thời những sai sót trong sử dụng vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty.
Kỳ vọng như thế e rằng đặt không đúng chỗ.
Đầu tiên, lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện nay đều do các bộ và Chính phủ cử xuống chứ không phải từ trên trời rơi xuống. Họ chính là người được cử để đại diện phần vốn sở hữu của Nhà nước; trong số họ có những người có hàm chức vụ cao cấp – 80 cán bộ của Bộ Tài chính làm sao sánh bằng. Tuy thế, một khi họ làm sai, như lãnh đạo Vinashin, Vinalines, thì vẫn cứ làm sai, không ai giám sát được.
Thứ đến, hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty hiện đang dựa vào những quy chế được soạn thảo kỹ lưỡng, được ban hành bởi cấp cao nhất nên các bộ không can thiệp vào được – 80 cán bộ của Bộ Tài chính được kỳ vọng sẽ can thiệp bằng cách nào? Ví dụ, theo quy định hiện hành, Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng quản trị ủy quyền cho Tổng giám đốc được phép quyết định đầu tư vốn của một dự án có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng 50% tổng giá trị tài sản ghi trên báo cáo tài chính. Tức là một tập đoàn có thể tự quyết định đầu tư một dự án lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Cựu Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Võ Hồng Phúc từng than phiền về quy định này để chứng minh sự bất lực của bộ, không thể kiểm soát các dự án đầu tư của các tập đoàn. 80 cán bộ của Bộ Tài chính liệu có thể có thẩm quyền mạnh hơn Bộ trưởng Phúc?
Đến tận phút chót mà Bộ trưởng Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng còn lầm về con người Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch Vinalines với nhiều sai phạm, khi cử ông ta làm Cục trưởng Cục Hàng hải. Làm sao kỳ vọng 80 cán bộ Bộ Tài chính có một sự sáng suốt hơn – chưa kể khả năng họ bị biến chất như Dương Chí Dũng trong môi trường mới.
*                      *                      *
+ Trong một dự thảo khác, mức lương cơ bản của chủ tịch các tập đoàn, tổng công ty dự kiến được ấn định ở mức 36 triệu đồng/tháng, của tổng giám đốc là 34 triệu đồng/tháng…
Đối với nhiều người, đây là mức lương cao, thậm chí rất cao; đối với nhiều người khác, lương như thế là thấp, thậm chí quá thấp. Bởi một khi có con số tuyệt đối, sẽ luôn luôn có sự so sánh và kết luận cao thấp tùy kết quả so sánh. Nếu so với mức lương trên 240 triệu đồng/tháng của tổng giám đốc một công ty niêm yết hay mức lương phổ biến trên 100 triệu đồng/tháng của nhiều tổng giám đốc khác thì 36 triệu đồng là quá thấp. Nhưng nếu so với lương Bộ trưởng, Thủ tướng, Chủ tịch nước hay lương của công nhân thì nó lại khá cao. Không lẽ cán bộ dưới quyền Bộ trưởng được cử đi làm dưới doanh nghiệp, cuối cùng hưởng lương cao hơn lương Bộ trưởng?
Xét cho cùng, không nên quy định những mức lương cụ thể cho lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước mà phải gắn nó với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Lương của tổng giám đốc một công ty đại chúng được đại hội đồng cổ đông thông qua ở mức kỷ lục, đến hàng tỷ hay hàng chục tỷ đồng/năm là bởi người tổng giám đốc này sẽ đem về cho cổ đông những khoản lợi nhuận gấp thế hàng trăm lần. Lương một tổng giám đốc một tổng công ty nhà nước lớn bị chính người nhận đánh giá là quá thấp sẽ là động lực thúc đẩy người đó tư lợi, gây hại cho doanh nghiệp miễn sao đem lại lợi ích riêng cho mình.
Nhiệm vụ của dự thảo là xác định cho được sự tương quan giữa lương, thưởng của lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước với thước đo, đo lường hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp ấy.

Thursday, July 12, 2012

Nóng vội!


Nóng vội!
Tại hội nghị sơ kết sáu tháng đầu năm và triển khai kế hoạch sáu tháng cuối năm của ngành ngân hàng vào cuối tuần trước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình thúc giục các ngân hàng phải kéo lãi vay nợ cũ xuống dưới 15%/năm.
Trong bối cảnh dư luận xã hội đang bất bình ngành ngân hàng vẫn cứ lãi lớn bất kể khó khăn của doanh nghiệp, lời thúc giục này ắt sẽ được nhiều người ủng hộ. Các doanh nghiệp đang phải vay vốn với lãi suất cao, không tiếp cận được các khoản vay ưu tiên, sẽ càng tán thành quan điểm của Thống đốc.
Thế nhưng xét ở bình diện nguyên tắc thị trường, chỉ thị của Thống đốc NHNN có nhiều điểm đáng bàn.
NHNN tác động vào mặt bằng lãi suất trên thị trường thông qua các loại lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu. Một loạt các loại lãi suất này vừa được NHNN điều chỉnh giảm từ đầu tháng 7 như lãi suất tái cấp vốn giảm từ 11% xuống còn 10%, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 9% xuống còn 8%. Chính sách thường cần một thời gian để phát huy tác dụng, chứ không thể nóng vội sử dụng ý chí ra lệnh hành chính. Thật ra, từ đầu năm đến nay NHNN đã năm lần điều chỉnh giảm các loại lãi suất điều hành; nếu thị trường không hồi đáp với chính sách điều chỉnh, chứng tỏ sự điều hành của NHNN chưa đủ liều lượng hoặc thị trường đang có những đặc điểm làm cho sự xoay chuyển của NHNN khó khăn hơn nhiều lần.
Đặc điểm thứ nhất là hệ thống ngân hàng hiện không có động lực để cạnh tranh lành mạnh trong khi lãi suất cho vay chỉ có thể giảm khi các ngân hàng cạnh tranh nhau để cho vay. Trong con mắt của công chúng, ngân hàng tốt cũng như ngân hàng yếu kém đều được sự bảo bọc, che chắn của NHNN trong khi cạnh tranh để cho vay trong bối cảnh hiện nay là điều đem lại nhiều rủi ro cho ngân hàng. Chỉ khi nào NHNN loại bỏ yếu tố che chắn cho mối nguy đạo đức (moral hazard) thì mới mong khơi dậy yếu tố cạnh tranh ở các ngân hàng.
Đặc điểm thứ hai là nền kinh tế trong mấy năm gần đây đã trở thành con tin của hệ thống ngân hàng khi doanh nghiệp quá phụ thuộc vào vốn vay – mức độ sử dụng đòn bẩy tài chính lên quá cao – không thể một sớm một chiều mà hóa giải ngay được. Theo chuyên gia kinh tế Jonathan Pincus trong một bài viết trên tờ Financial Times, tín dụng ngân hàng trên GDP đã tăng gấp đôi từ 62% vào năm 20005 lên đến 136% năm 2010. Tín dụng tăng vọt sau hai đợt: đợt đầu do dòng vốn bên ngoài chảy vào trong các năm 2007 và 2008; đợt sau do dòng vốn kích cầu chống suy thoái năm 2009 và đầu năm 2010. Bùng nổ tín dụng như thế đương nhiên dẫn tới nợ xấu. Ngân hàng hiện phải lo giải quyết nợ xấu cũng đã ngập đầu – làm sao trông mong họ giảm lãi suất để tăng cho vay? Ngược lại ở phía doanh nghiệp, làm sao để giảm bớt tỷ lệ vay nợ so với tỷ lệ vốn chủ sở hữu là xu hướng nên không thể trông mong họ hăm hở đi vay như những năm tín dụng dễ dãi trước đây.
Mới chỉ cách đây mấy tháng, báo chí liên tục đưa tin tăng lãi suất để chống lạm phát. Nay không thể đột ngột quay ngoắt 180 độ, thúc giục giảm lãi suất nếu không muốn lạm phát bùng nổ trở lại. Lãi suất tăng đã làm bộc lộ những yếu kém của cả doanh nghiệp lẫn ngân hàng. Một bên là đầu tư kém hiệu quả, bung ra tràn lan, nhất là sang lãnh vực địa ốc; một bên là khả năng quản lý rủi ro còn kém, lại ham chạy theo lợi nhuận, bất kể rủi ro. Những khó khăn vừa qua là bộ lọc, sàng lọc doanh nghiệp mạnh, làm ăn đàng hoàng, bền vững. Sao không hỗ trợ xu hướng đó mà lại vội vã thúc đẩy lòng tham của ngày trước bùng phát trở lại?

AI - hype and reality

  AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...