Monday, March 19, 2018

Ở đâu ra từ THU GIÁ quái đản?


Không được độc quyền chữ “phí”

Mỗi lần nhìn thấy cụm từ “thu giá”, người viết bài này không khỏi nổi gai ốc vì sự xâm phạm thô bạo tiếng Việt bởi từ đời thuở nào tiếng Việt của chúng ta có cách nói như thế này. Căn do là bởi những người liên quan đến Luật Phí và lệ phí cứ khăng khăng bám vào từng câu chữ của luật này để giành lấy quyền sử dụng từ “phí” và “lệ phí” chỉ trong một số trường hợp luật có quy định; còn lại phải gọi là giá dịch vụ hết thảy.

Để khỏi trích dẫn dài dòng định nghĩa từ “phí” và “lệ phí” ghi trong luật, chúng ta biết chỉ dùng “phí” và “lệ phí” khi liên quan đến dịch vụ công và có trong danh mục ban hành kèm theo luật. Vì thế tiền chúng ta trả khi sử dụng các con đường xây theo dạng BOT không được gọi là phí vì không phải dịch vụ công và không nằm trong danh mục phí. Đơn giản vậy thôi và nghe qua cũng khá hợp lý!

Thế nhưng những người nằng nặc đòi công chúng phải sử dụng cụm từ “thu giá” phải hiểu một điều rất quan trọng: định nghĩa từ ngữ như trong luật là chỉ để dùng trong luật (Luật Phí và lệ phí cũng ghi rõ: “Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:) Luật định nghĩa xong không có nghĩa xã hội từ nay không được dùng “phí” và “lệ phí” theo cách xã hội đã dùng bấy lâu nay.

Trước đây tại Quốc hội nhiều đại biểu hay nói “phí chồng lên phí” nay những đại biểu này nếu phát biểu lại, e phải chuyển sang dùng “giá chồng lên giá”! Các nơi từng in tờ rơi giới thiệu “biểu phí dịch vụ”, “phí giao dịch môi giới”, “biểu phí dành cho khách hàng cá nhân”... nay phải sửa lại hết sao. 

Chỉ cần nhìn hai ví dụ sau đây, chúng ta sẽ thấy ngay việc độc quyền từ “phí” nó phi lý như thế nào. Lâu nay ai cũng nói “viện phí” và “học phí”. Nay chiếu theo danh mục tiền đóng cho bệnh viện hay trường học không hiện diện nên không được gọi là phí nữa. Và theo những người chủ trương “thu giá”, không lẽ bây giờ chúng ta phải nói “viện giá” và “học giá” theo họ? Chắc chắn không có chuyện này, vậy tại sao cứ đòi dùng “thu giá”.

Nói tóm lại, mỗi từ thường có nhiều nghĩa; “phí” và “lệ phí” như định nghĩa trong luật là một trong những nghĩa này. Bộ Giao thông Vận tải cứ dùng theo luật và xã hội cứ dùng theo các nghĩa khác của từ “phí” mà tự điển đã ghi nhận. Như từ “học phí”, đố ai cấm được và đòi thay bằng giá?

Điểm thứ hai, cho dù rạch ròi như cách hiểu của những người chủ trương nói “thu giá” thì cách hiểu và áp dụng Luật Phí và lệ phí của họ cũng có vấn đề. Trong phụ lục số 2 kèm theo luật, là danh mục các sản phẩm, dịch vụ chuyển từ phí sang giá dịch vụ, “phí sử dụng đường bộ” được chuyển thành “dịch vụ sử dụng đường bộ của các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh”. Tức trước nói “thu phí” thì nay phải nói là “thu tiền dịch vụ...” chứ sao lại gọi là “thu giá”.

Giá là biểu hiện trị giá của hàng hóa hay dịch vụ; còn khi mua bán, trao đổi, nó chuyển thành tiền hay các đơn vị đo lường khác của giá. Một căn nhà có giá 1 tỷ đồng hay 100 lượng vàng thì khi mua người mua trả tiền hay trả vàng để nhận nhà; người bán thu tiền hay thu vàng để giao nhà chứ có ai nói trả giá hay thu giá!

Lấy một ví dụ đơn giản khác trong danh mục này, phí trông giữ xe được chuyển thành dịch vụ trông giữ xe. Bạn đến gởi xe tại một bãi giữ xe, trước đây bạn nói trả phí giữ xe nay ắt do thói quen bạn cũng sẽ giữ nguyên cách nói này. Quan chức, để đúng theo luật, sẽ nói thu tiền giữ xe? Giá dịch vụ giữ xe là tên gọi cho biết dịch vụ đó tốn bao nhiêu tiền; còn khi miêu tả hành động thanh toán giá dịch vụ này, người ta sẽ nói trả tiền, thu tiền chứ có ai nói “trả giá” “thu giá” đâu?

Cho dù nhìn từ góc độ quản lý nhà nước, dùng từ cho chính xác theo luật thì cũng nên viết cho đúng tiếng Việt. Chẳng hạn, chi phí cho việc khám chữa bệnh gọi là giá dịch vụ khám chữa bệnh chứ không dùng phí như trong cụm từ phổ biến “viện phí” nữa thì cũng nên nói thu tiền dịch vụ chứ đừng o ép tiếng Việt đẻ ra cái cụm từ “thu giá” không giống ai.





Saturday, March 17, 2018

Bối rối trước chuyện 4.0


Khi chuyện làm bánh cưới lên đến Tòa án Tối cao

Chúng ta mãi mê nói về cách mạng công nghiệp 4.0, về trí tuệ thông minh nhân tạo, về vạn vật kết nối… mà bỏ quên yếu tố nhân văn, e rằng sẽ lập lại sai lầm của câu chuyện toàn cầu hóa.

Dị ứng cũng phải phục vụ

Jack Phillips là chủ một tiệm bánh nhỏ ở Colorado, chuyên làm bánh cưới theo đặt hàng. Ông tự hào xem các mẫu bánh ông sáng tạo theo từng cặp đến đặt là những tác phẩm nghệ thuật. Cho đến một hôm vào tháng 7 năm 2012, một cặp đồng tính đến nhờ Jack làm bánh cưới cho họ. Ông từ chối, nói không thể thiết kế rồi thực hiện cái bánh cho đám cưới hai người đàn ông này vì nó đi ngược lại đức tin tôn giáo của ông.

Thế là cặp này kiện ông ra tòa; tòa bang Colorado tuyên họ thắng, ông thua, phải làm bánh theo yêu cầu của khách. Jack không đầu hàng, ông kháng án nhiều lần lên tận Tòa án Tối cao, nơi thường xử các vụ kiện quan trọng, liên quan đến diễn giải Hiến pháp, làm án lệ cho cả hệ thống tư pháp Mỹ. Mỗi năm nơi này nhận chừng 10.000 đơn nhưng chỉ xử 80 vụ. Bất ngờ là Tòa án Tối cao lại chấp nhận xử vụ kiện hy hữu này và có thể có phán quyết vào đầu năm tới.

Khi nói cuộc sống thay đổi, người ta thường nghĩ đến các thay đổi do khoa học công nghệ đem lại như hiện nay TV phẳng đã thay thế hầu hết TV kiểu cũ chỉ trong vòng vài năm ngắn ngủi. Nhưng trong thực tế, các thay đổi về văn hóa, lối sống, chuẩn mực xã hội còn sâu đậm hơn nhiều.

Thử nhớ lại cách đây chỉ mới vài chục năm, Alan Turing, người được xem là cha đẻ của máy tính, một anh hùng của nước Anh thời Thế chiến thứ nhì nhờ làm ra máy bẻ khóa mật mã của Đức thế mà năm 1952 lại bị kết án vì tội… đồng tính. Ông bị đặt trước hai chọn lựa, hoặc ngồi tù, hoặc phải tự nguyện “thiến” (bằng hóa chất) để “trị bệnh”. Ông chọn cái sau và hai năm sau đó chọn cái chết.

Hôm nay không ai hiểu nổi vì sao có thời người ta độc ác với nhau đến thế, xâm phạm đến quyền tự do cá nhân đến thế. Alan Turing có là người đồng tính thì đó là chọn lựa của cá nhân ông, có ảnh hưởng gì đến xã hội mà nước Anh phải đối xử như thế với một người có công kéo ngắn Thế chiến thứ nhì đến hai năm, theo đánh giá của nhiều sử gia.

Thời gian trôi qua nhanh, sau nhiều sự kiện vật đổi sao dời và cho đến bây giờ, không chỉ chuyện "gay",  cả chuyện hôn nhân đồng tính đã được chính thức thừa nhận ở nhiều nước. Thế nhưng không phải tất cả mọi người đều thoải mái. Thái độ của xã hội luôn là đa dạng nên thái độ với hôn nhân đồng tính có thể từ nhiệt tình ủng hộ, thừa nhận và coi là bình thường, ngó lơ đến phản đối trong lòng và phản ứng ra mặt. Có một thời ứng xử của xã hội đi theo con đường “phải đạo”, tức chìu theo xu hướng cấp tiến nên những ai chê bai hay tỏ vẻ dị ứng với hôn nhân đồng tính thì bị cô lập, bị xem là lạc hậu, bảo thủ.

Câu chuyện đi quá đà theo hướng cấp tiến này xảy ra trong nhiều lãnh vực. Thập niên 1960 với phong trào người da đen đòi quyền bình đẳng dẫn tới chủ trương “affirmative action” (tức chính sách nâng đỡ người da màu trong tuyển sinh, tuyển dụng), phát huy tác dụng một thời nhưng sau đó làm thanh niên Mỹ da trắng phản ứng bị thiệt thòi nhiều thứ. Phong trào nam nữ bình quyền cũng có những hiệu ứng tích cực và tiêu cực tương tự.

Nhìn lại vụ kiện làm bánh, có thể thấy đây là một vụ khó xử. Lẽ thường cho thấy Jack Phillips là chủ tiệm thì phải có quyền từ chối khách ông không muốn phục vụ nhưng phân biệt đối xử dựa trên các hình thức khác biệt như khác biệt chủng tộc, màu da, tôn giáo từng bị cấm ở Mỹ. Chẳng hạn sau rất nhiều cuộc biểu tình, đấu tranh kể cả bạo lực, nước Mỹ mới đi đến quyết định các tiệm ăn nào từ chối phục vụ người da đen là sai luật. Nay với phân biệt dựa trên xu hướng giới tính, hàng loạt vụ kiện tương tự, kiểu như nhà chụp ảnh từ chối chụp, tiệm bán hoa từ chối trang hoàng, nhà hàng từ chối đặt tiệc cho đám cưới đồng tính đều bị xử thua.

Thế nhưng với Tòa án Tối cao, lập luận của Jack Phillips là dựa vào quyền tự do ngôn luận bởi ông nói cặp đồng tính kia nếu mua bất kỳ thứ bánh nào đã làm sẵn thì ông sẵn sàng phục vụ nên không có chuyện phân biệt đối xử. Ông nói khi trang trí cho bánh, ông đã dùng tư duy sáng tạo của ông để làm ra sản phẩm, đó là ngôn ngữ biểu cảm của ông. Nếu bắt buộc phải phục vụ cho đám đồng tính kia, luật pháp đã vi phạm đến quyền tự do ngôn luận của ông, bắt ông nói ra điều ông không muốn nói!

Chưa biết tòa sẽ xử như thế nào nhưng Jack Phillips là đại diện bất đắc dĩ cho một tỷ lệ không rõ nhiều hay ít. Đó là những người suy nghĩ, ừ thì hôn nhân đồng tính, muốn sao cũng được nhưng đừng dính líu gì đến tôi vì tôi không thích. Tôi phải có quyền từ chối sáng tạo cho cái tôi không thích chứ; tôi phải có quyền sống theo ý muốn của tôi, trong không gian của tôi chứ.

Phản ứng khi bị ép quá đáng

Nhìn rộng ra một chút, thế giới đang trải qua những thay đổi to lớn, phần lớn là thay đổi tích cực làm cuộc sống dễ chịu hơn, đầy đủ tiện nghi hơn, con người ít hung hãn với nhau hơn. Tuy nhiên, cũng như quả lắc khi quay quá đà, luôn có những phản kháng của những nhóm người thua thiệt, không muốn bị xô đẩy theo các trào lưu. Rõ nhất là trong lãnh vực kinh tế khi đã từ lâu sự phản kháng toàn cầu hóa đã thu hút khá nhiều người dân ở nhiều nước. Đến nay những người bị mất việc do toàn cầu hóa đưa nhà máy của họ đi nơi khác đã tập hợp trở lại thành một lực lượng đáng kể trong môi trường chính trị ở nhiều nước phương Tây.

Sự lộn xộn, sự mâu thuẫn, sự bất nhất trong nhiều hoàn cảnh chính là biểu hiện của hai thái cực: ủng hộ các thay đổi và phản ứng lại khi thấy nó quá đà. Lấy ví dụ, báo chí từng cổ vũ cho xu hướng "báo chí công dân" khi những người dân bình thường, với các phương tiện sẵn có và các sân chơi như blog hay sau này là Facebook có thể trở thành nhà báo bất kỳ ở đâu, bất kỳ lúc nào. Nhiều người xem đó là sự trao quyền cho những người yếu thế để họ có một diễn đàn ngang ngữa với các tờ báo lớn. Nhưng nay nhiều tờ báo phải xem lại quan điểm đó khi tin giả, tin giật gân, tin nửa thật nửa giả, tin nhảm tràn lan trong thế giới "báo chí công dân" này. Họ là đòi hỏi người đọc phải biết phân biệt vàng thau và quay trở lại đề cao uy tín của báo chí chính thống.

Bộ máy tìm kiếm của Google thì quá tuyệt vời rồi nhưng giả thử một ngày đẹp trời nào đó chúng ta có một trang web bán xe đạp và muốn Google giúp để bất kỳ ai tìm kiếm mua xe đạp thì được dẫn tới trang web của chúng ta. Chuyện này không dễ vì hàng trăm hàng ngàn trang web bán xe đạp khác, dưới sự "hướng dẫn" của các chuyên gia SEO đã có những thủ thuật để trang của họ xuất hiện đầu kết quả tìm kiếm. Nhiều trang khác biết cách liên kết với các trang có thứ hạng cao nên cũng chen lên. Cách duy nhất là chúng ta trả tiền cho Google để họ đẩy trang chúng ta lên, dán một cái nhãn Ad nhỏ xíu ở đầu trang.

Các thay đổi đều dẫn tới một sự đánh mất các chọn lựa, đánh mất sự tự do như thế. Các khách sạn trong nước đang đau đầu vì sự phụ thuộc ngày càng lớn vào các trang dịch vụ đặt chỗ, các báo điện tử chỉ còn biết dựa vào Google Adsense… chỉ là một số ví dụ dễ thấy nhất. Trong tương lai không xa, nhà xuất bản phải dựa vào Amazon để bán sách, ca sĩ phải dựa vào Apple Music để phát hành đĩa nhạc… là chuyện có thể xảy ra.

Vì thế, hăm hở với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì cứ hăm hở nhưng đừng bỏ quên yếu tố con người. Chuyện gì sẽ xảy ra khi máy may công nghiệp tự động phá vỡ các dây chuyền may, làm hàng triệu công nhân mất việc? Vạn vật kết nối thì quá tốt nhưng biết đâu bọn tin tặc theo đó vào tận phòng ngủ để mở khóa trộm xe, trộm tiền. Xu hướng gì thì xu hướng, điều quan trọng nhất là phải để cho con người một không gian tự do nơi họ có thể đưa ra các chọn lựa của riêng họ. Chứ như bây giờ để sống và làm việc một cách bình thường trong xã hội thì một người bình thường không thể vất bỏ điện thoại di động, ngắt kết nối, khóa hộp thư điện tử mà vẫn đạt một mức hiệu quả mong muốn.








Bối rô

Thursday, March 15, 2018

Phong trào thành phố thông minh


Thông minh hay hợp xu thế?

Đường phố đô thị đang trải qua nhiều biến đổi. Nhiều năm trước trên mỗi con đường, ắt hẳn có vài tiệm Internet công cộng, vài nơi cho thuê băng đĩa, gom vài đường ắt có tiệm “kim khí điện máy” bán TV, tủ lạnh, máy móc đủ loại. Nay chúng biến đâu mất. Các sạp báo đầu đường cũng không còn.

Sự thay đổi đó đến dần dần nhưng khi nhìn lại mới giật mình thấy sao nhanh thế. Vì thế hôm nay đưa ra vài tiên đoán cho đường phố đô thị chục năm nữa, có lẽ cũng không phải là quá đáng.

Với xu thế mua bán qua mạng ngày càng chiếm tỷ trọng lớn, tiền thuê mặt bằng cao, nhân công đắt đỏ, có thể dự báo các cửa hàng đủ loại, đủ kiểu đang làm nên bộ mặt đô thị nhộp nhịp của Việt Nam sẽ thay đổi. Đầu tiên, các dịch vụ bán hàng sẽ chuyển dần vào ngõ vì họ không cần quảng bá bằng mặt tiền nữa; khách hàng đến với họ nhờ thông tin tìm kiếm trên mạng. Hiện nay xu hướng này đã diễn ra, nhiều nơi kết hợp sự hiện diện rất mạnh, rất ầm ĩ trên không gian mạng và nơi tiếp xúc với khách, có thể nhỏ, ở đường hẹp, giá mặt bằng rẻ hơn nhiều.

Đường xá đông đúc chật chội, chỗ để xe gắn máy bất tiện trong khi dịch vụ giao hàng tận nhà phát triển mạnh, càng làm giảm nhu cầu mở cửa hàng trên các phố chính. Sau đó, khi cuộc sống khá lên, người dân chuyển từ xe gắn máy sang xe hơi, càng làm các trung tâm thương mại lớn ở ngoại ô đông khách còn phố xá với từng cửa hàng riêng lẻ, không tiện ghé càng thêm vắng lặng.

Như thế, tại sao không dám dự báo, giá nhà phố, nhà mặt tiền sẽ giảm mạnh trong nhiều năm tới đến nỗi không cạnh tranh nổi với nhà biệt lập ở ngoại ô. Lối sinh hoạt của người dân cũng thay đổi theo, họ sẽ mua sắm cho mọi nhu cầu ở các trung tâm thương mại lớn; nhu cầu đột xuất hàng ngày thì vào các cửa hàng tiện lợi. Lúc đó phố xá chắc chỉ còn lại nhà hàng ăn uống, tiệm cà phê và cửa hàng tiện lợi! Người dân không còn mặn mà với chuyện sống ở nội đô cho thuận lợi việc mưu sinh nữa; họ sẽ dịch chuyển ra xa, để đòi hỏi các khoảng không gian xanh, tránh cảnh kẹt xe, ngập nước.

Liệu việc quản lý đô thị, quy hoạch đô thị và chuyện thời thượng – xây dựng thành phố thông minh đã tính đến các yếu tố biến đổi này chưa?

*                             *                             *

Năm 2017, tần suất xuất hiện cụm từ “thành phố thông minh” tăng vọt bởi theo Thông tấn xã Việt Nam đã có đến 30 tỉnh, thành phố ký biên bản ghi nhớ với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để xây dựng thí điểm các thành phố thông minh. Trong đó chỉ tính riêng Viettel đã ký cả chục thỏa thuận hợp tác xây dựng thành phố thông minh với các nơi như Thái Nguyên, Phú Yên, Hải Dương, Huế, Bình Phước, Hưng Yên, Đà Nẵng, Phú Thọ, Cà Mau, TPHCM…

Đứng trước một hiện tượng có khả năng biến thành phong trào như thế, câu hỏi đặt ra là nên có thái độ ứng xử như thế nào? Làm sao để ủng hộ việc đưa công nghệ thông tin và viễn thông vào quản lý đô thị để tận dụng các tiến bộ mới nhất trong lãnh vực này nhưng không rơi vào bẫy “nhà nhà đua nhau làm” vừa tốn kém mà cuối cùng không giúp gì cho năng lực quản lý.

Điều đầu tiên nên ghi nhận là các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp châu Âu rất giỏi trong việc truyền bá, mở rộng thị trường giải pháp thành phố thông minh để bán sản phẩm và dịch vụ. Vì thế tài liệu, các bài nói chuyện, thuyết trình, các video minh họa là không thiếu; nhiều video rất hấp dẫn, xem xong ai cũng ước gì mình được sống trong một thành phố như thế. Thực tế chưa thấy một thành phố nào trên quy mô bình thường, chứ chưa cần lớn, xây dựng thành công, biến mình thành một thành phố thông minh đúng nghĩa và lâu bền.

Vì vậy các khái niệm gắn với thành phố thông minh như mạng lưới kết nối được thiết kế sao cho tối ưu hóa nguồn lực hay các ví dụ minh họa như thùng rác có cảm biến thông minh, báo ngay cho xe rác tới lấy khi đầy… chỉ là nói cho sướng lỗ tai chứ thực tế không dễ dàng như vậy. Thành phố cũng không bỗng dưng thông minh lên khi bỏ tiền ra lắp các hệ thống camera quan sát khắp nơi dù có thể thỉnh thoảng giúp phát hiện các vụ trộm vặt.

Xây dựng thành phố thông minh có nghĩa đón đầu các xu thế thay đổi do công nghệ đem lại để từ đó có các chính sách tối ưu chứ không thể là bỏ tiền ra đầu tư cho công nghệ để mong thay đổi cuộc sống. Nói cách khác, thành phố thông minh không thể là mục đích tự thân mà là kết quả khi tập trung nỗ lực giải quyết các vấn đề do quản lý đô thị đem lại một cách thông minh.

*                             *                             *

Trong lãnh vực y tế, khi mọi hồ sơ bệnh án cùng các tham số sức khỏe của mọi người đều được số hóa, khi cần, có thể truy cập nhanh chóng, dễ dàng, ngay cả bằng điện thoại di động, cái đó ắt là đích nhắm của một thành phố thông minh trong lãnh vực này. Thế nhưng giả thử Nhà nước bỏ tiền đầu tư để giúp đẩy nhanh việc số hóa này có được không –không ngân sách nào gánh nổi chuyện này. Nhu cầu đó là có thật, các bệnh viện phải tự cải tiến dịch vụ để lưu mọi hồ sơ lên mây, trao quyền truy cập và chia sẻ thông tin cho bệnh nhân và người thân được ủy quyền của họ. Như vậy vai trò của quản lý nhà nước về mặt y tế để đón đầu xu hướng “thông minh hóa” này là định ra những quy chuẩn để việc trao đổi thông tin giữa các bệnh viện, giữa các trung tâm xét nghiệm được suôn sẻ, nói cùng một ngôn ngữ. Vai trò đó cũng là đặt ra các biện pháp để bảo vệ quyền riêng tư của người bệnh để thông tin về sức khỏe của họ không bị rò rỉ, không bị mua bán để bên thứ ba kinh doanh.
Đó chỉ là một ví dụ trong hàng chục, hàng trăm lãnh vực bao trùm cuộc sống của người dân ở đô thị. Hãy thử nhìn thêm một lãnh vực liên quan trực tiếp đến quản lý nhà nước: hành chính công. Người viết rất ấn tượng trước nỗ lực cải cách hành chính công trực tuyến của Phường Tân Định, Quận 1 khi thấy nhiều băng rôn quảng bá cho các dịch vụ mà người dân có thể làm ngay trên mạng. Từ trích lục hộ tịch, đến các thủ tục địa chính, xây dựng; từ phản ánh góp ý đến theo dõi tiến độ hồ sơ, người dân đã có thê vào mạng để thực hiện.

Thế nhưng tại sao không gom trang dịch vụ công trực tuyến của một phường như vậy vào chung với các phường khác của cả thành phố. Người dân ở bất kỳ nơi nào chỉ cần nhớ một địa chỉ duy nhất, vào rồi chọn lựa quận, phương nơi họ sinh sống để thực hiện các dịch vụ công. Làm như thế vừa tránh lãng phí cơ sở hạ tầng, chi phí đầu tư ban đầu, vừa có một đầu mối tiếp nhận và phân phối yêu cầu. Hiện nay vào trang web dịch vụ công trực tuyến của cả TPHCM cũng đã có nhưngkhi chọn đăng ký hộ tịch trực tuyến chẳng hạn lại được chuyển về trang đăng ký chung của cả nước do Bộ Tư pháp tổ chức! Nói chung là một mạng phức tạp khó cho người dùng chứ chưa thể nói là “thông minh” được.

Đón đầu xu thế để có giải pháp thông minh là một chuyện; chuyện còn lại là sự đón nhận của người dân. Hiện nay nhiều dịch vụ hành chính công, kể cả xin cấp bằng lái xe quốc tế, đăng ký thành lập doanh nghiệp, đổi hộ chiếu… nếu làm qua mạng sẽ thuận tiện, nhanh hơn và đơn giản hơn làm trực tiếp. Thế nhưng nhiều người dân vẫn chọn lựa con đường làm trực tiếp; có thể vì tâm lý chắc ăn, vì chưa tin vào phương thức giao tiếp ảo, vì thiếu phương tiện… Vì thế sau này cho dù đã có phần mềm cảnh báo các điểm ngập do triều cường hay phần mềm thông báo các điểm đang kẹt xetrên điện thoại di động, chúng cũng không giúp giải quyết vấn đề và người dân cầm các ứng dụng thông minh trên tay mà vẫn bó chân chờ nước rút hay xe hết kẹt. Đó sẽ là thực tế khắc nghiệt kiểm tra xem thành phố đã thông minh thật chưa.



Phonh

Cryptocurrency

  Phép thử tiền crypto   Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocur...