Saturday, March 13, 2021

Khi nhà báo “phạm húy”

 Khi nhà báo “phạm húy”

 

Donald McNeil Jr. là một nhà báo kỳ cựu từng làm cho tờ New York Times đã 45 năm nay. Mùa hè năm 2019 ông tham gia làm người hướng dẫn cho một đoàn học sinh trung học Mỹ đi tham quan Peru do báo ông bảo trợ. Trong một buổi ăn tối có một học sinh hỏi ông liệu có nên cho nghỉ học một học sinh từng làm một cái video lúc 12 tuổi nay mới bị phát hiện, trong đó cô học sinh này dùng từ mang tính miệt thị người da đen (các báo lúc tường thuật đến chỗ này tránh lập lại từ này bằng cách viết tắt “N-word”, ý nói đến từ “nigger”).

McNeil kể, để hiểu bối cảnh video nói chuyện gì, ông bèn hỏi lại cô học sinh dùng từ miệt thị này với học sinh khác hay cô đang hát nhạc rap hay trích dẫn tựa một cuốn sách. Vấn đề là McNeil khi hỏi lại, đã dùng nguyên văn từ đó chứ không nói tránh đi. Chuyện chỉ có chừng đó nhưng suốt mấy tuần qua đã gây sóng gió tại tờ New York Times.

Đầu tiên là tờ Daily Beast khui lại chuyện này vào cuối tháng 1 năm nay, phỏng vấn nhiều phụ huynh và học sinh trong chuyến đi lên án McNeil “phân biệt chủng tộc”. Bài báo không kể đầu đuôi câu chuyện mà chỉ nói khơi khơi: “Hai học sinh cáo buộc nhà báo này dùng từ “n-word” rồi còn bảo ông ta không tin vào khái niệm đặc quyền da trắng; ba học sinh khác cho rằng McNeil có những nhận xét phân biệt chủng tộc”. New York Times phải ra một bản tuyên bố cho biết năm ngoái họ đã điều tra kỹ lưỡng và đã kỷ luật ông này. Bản tuyên bố có đoạn viết: “Chúng tôi thấy ông ấy đã có phán đoán sai lầm khi lập lại từ miệt thị chủng tộc trong bối cảnh đối thoại về ngôn ngữ mang tính phân biệt chủng tộc”. Lúc đó tổng biên tập báo Dean Baquet cũng có thư ngỏ gởi phóng viên cho biết ông ta phẫn nộ vì hành vi của McNeil và thoạt tiên có ý sa thải ông này nhưng sau đó kết luận “chủ đích của McNeil không mang tính thù hằn hay xấu xa gì”. McNeil bị khiển trách, biên bản giải quyết vụ việc được kèm vào hồ sơ cá nhân ông này.  

*                           *                           *

Câu chuyện tưởng đâu đến đây khép lại là vừa; thế nhưng một tuần sau đó, 150 phóng viên, biên tập viên tờ New York Times gởi một lá thư cho chủ bút đòi phải điều tra thêm về chuyến đi Peru, yêu cầu McNeil phải công khai xin lỗi. Thư viết: “Cộng đồng chúng tôi phẫn nộ và đau đớn. Mặc dù tờ Times có vẻ cam kết tôn trọng sự đa dạng và bao trùm, chúng ta đã trao một diễn đàn nổi bật – một lãnh vực quan trọng bao quát trận đại dịch đang ảnh hưởng một cách bất xứng với người da màu – cho một người chọn cách dùng ngôn ngữ xúc phạm và không thể chấp nhận được theo bất kỳ chuẩn mực báo chí nào. Ông ta đã làm vậy khi đại diện cho tờ Times, trước mặt các học sinh trung học”. Tờ New York Times hiện có trên 1.700 nhân viên.

Sở dĩ lá thư này ví von như thế là vì suốt năm 2020, Donald McNeil là cây bút chủ lực chuyên đưa tin viết bài về dịch Covid-19. Ông còn xuất hiện trên chương trình phát thanh The Daily của báo để cảnh báo về đại dịch từ rất sớm, khi mọi người còn chưa nhận ra quy mô toàn cầu của Covid-19. Gần đây nhất là bài McNeil phỏng vấn bác sĩ Anthony Fauci, lần đầu tiên cởi mở nói hết về mối quan hệ khó khăn giữa ông và Tổng thống Donald Trump. New York Times đã chuẩn bị gom các bài của McNeil để nộp tranh giải Pulitzer năm nay.

Hai ngày sau khi nhận được lá thư, sau nhiều cuộc họp, trực tiếp có, qua Zoom cũng có, tổng biên tập Baquet và thư ký tòa soạn Joe Kahn gởi một thư nội bộ cho biết McNeil sẽ rời tờ báo; tức không bị sa thải trực tiếp nhưng chịu sức ép phải nghỉ việc. Trong thông báo nội bộ này có một câu mà sau đó Baquet phải rút lại, xin lỗi: “Chúng tôi không chấp nhận ngôn ngữ phân biệt chủng tộc bất kể chủ đích là gì”! Thế là McNeil phải nộp đơn xin nghỉ việc, kèm theo một lá thư xin lỗi thống thiết. Thư có đoạn: “Thoạt tiên, tôi cứ nghĩ bối cảnh khi tôi dùng cái từ xấu xa này là có thể biện hộ. Giờ tôi mới nhận ra là không thể. Nó thật sự xúc phạm và gây thương tổn. Ngay cả chuyện tôi cứ tưởng mình có thể biện hộ cũng cho thấy một sự phán đoán cực kỳ tệ hại”.

*                           *                           *

Trích dẫn lại một từ chỉ để làm rõ từ đó được dùng trong bối cảnh nào mà dẫn tới sự đấm ngực, vò tóc nhận tội về mình như thế là một điều thật khó hiểu. Nhà báo Andrew Sullivan viết trên Twitter rằng thư của McNeil đọc y như lời thú tội do Khmer Đỏ ép viết, “vừa buồn cười vừa thật đáng sợ”. Đồng nghiệp của McNeil ở nhiều tờ báo khác đã lên tiếng với nhiều góc nhìn và mức độ khác nhau. Cây bút Erik Wemple viết trên tờ Washington Post rằng hiến pháp nước Mỹ bảo vệ con người không bị kết án hai lần về cùng một tội; thỏa thuận lao động ở các nơi như báo New York Times cũng có khái niệm này để tránh chuyện một người bị kỷ luật nhiều lần vì cùng một sự việc. McNeil đã bị báo của ông kỷ luật sau chuyến đi Peru thì nay chỉ vì tờ Daily Beast khui lại chuyện cũ mà đem ông ta ra kỷ luật một lần nữa thì quá kỳ lạ.

Bài viết của Wemple cũng làm rõ ngoài chuyện nhắc lại từ miệt thị để hỏi cho rõ thì McNeil chỉ bày tỏ quan điểm của ông về một số đề tài gây tranh cãi. Chẳng hạn, với tỷ lệ người da đen bị tù cao hơn, ông cho rằng nếu họ tham gia hoạt động tội phạm thì đó là lỗi của họ chứ không phải vì một cấu trúc quyền lực mang tính phân biệt và áp bức. Tuy nhiên ngay chính học sinh kể lại câu chuyện này cũng nói ý kiến của McNeil không hề coi thường người Mỹ gốc Phi.

Jonathan Chait viết trên tờ New York Magazine rằng miêu tả một từ miệt thị là khác với sử dụng nó. Nhắc lại hai phát biểu mâu thuẫn nhau của chính tổng biên tập Baquet (lần đầu nói “chủ đích của McNeil không mang tính thù hằn hay xấu xa gì”; lần sau khẳng định “Chúng tôi không chấp nhận ngôn ngữ phân biệt chủng tộc bất kể chủ đích là gì”), nhà báo này nhận xét chính sách của tờ New York Times với một từ mang tính miệt thị thì miêu tả nó, tường thuật nó so với sử dụng nó cũng không khác gì nhau là một bước ngoặc rất quan trọng.

Đáng chú ý là một câu bút bình luận khác của tờ New York Times là Bret Stephens đã viết một bài để đăng trên báo nhà, phản đối cách ứng xử của lãnh đạo tờ báo về vụ McNeil, đặc biệt là tuyên bố “bất kể chủ đích như thế nào” của tổng biên tập. Tuy nhiên bài viết này không được New York Times xuất bản. Trong một email gởi bạn bè kèm bản thảo bài báo được các báo khác trích dẫn, Stephens cho biết bài viết đã bị chủ bút vất vào ngăn kéo, không cho đăng. Bản thảo đăng trên các báo khác có đoạn viết: “Có một sự khác biệt sơ đẳng giữa trích dẫn một từ vì mục đích kiến thức hay thông hiểu với việc sử dụng cùng từ đó vì mục đích lăng mạ hay gây thương tổn. Đánh mất sự phân biệt này, chúng ta sẽ đánh mất luôn khả năng hiểu những điều chúng ta được giáo dục để chống lại”.

Lấy ngay các ví dụ trên tờ New York Times, Bret Stephens trích dẫn nhiều bài viết trong đó từ “nigger” xuất hiện nhiều lần với mục đích minh họa cho sự thay đổi trong cảm nhận của xã hội để cho thấy New York Times không hề ngần ngại dùng từ mang tính miệt thị này nhưng với mục đích thông tin. Ông viết: “Một nền báo chí biến “từ ngữ” thành “vật để sùng bái” – rồi từ “vật để sùng bái” thành “nỗi sợ” – sẽ ngăn trở tư duy mạch lạc và sự thông hiểu đúng đắn” và kết luận: “Vai trò của một nền báo chí tốt đẹp phải dẫn dắt chúng ta ra khỏi vũng lầy đen tối (của nền văn hóa xóa sổ, sa thải, hạ nhục công cộng và phán xét ngày càng không dung thứ). (Thế mà) Tuần trước chúng ta lại dấn sâu hơn vào chốn đó”. Đúng là tờ New York Times đã từng dùng từ “nigger” đến 1.271 lần kể từ năm 1969 và lần gần đây nhất chỉ cách đó một tuần.

Phản ứng của các báo khác đậm đặc đến nỗi ông Baquet phải rút lại nhận định “bất kể chủ đích là gì”, thừa nhận nói thế là “đe dọa đến nền báo chí”, là “một sai lầm chết người” và xin lỗi mọi người. Hiện nay nhận xét chung của nhiều nhà báo trên các tờ báo chính thức và cả mạng xã hội, sự đảo chiều liên tục của lãnh đạo báo New York Times cho thấy một vấn đề sâu xa hơn câu chuyện “phạm húy” của McNeil nhiều lần. Như nhận định của tổ chức PEN America, một nhà báo kỳ cựu mất việc chỉ vì một từ trích dẫn đã là một thông điệp lạnh gáy, đáng lo ngại hơn là khi một tờ báo thay đổi lập trường dưới sức ép của đám đông. Một số nhà báo đi xa hơn khi nhận định đây là dấu hiệu cho thấy làng báo đang xuất hiện xu hướng bước vào một thời kỳ tạm gọi là “hậu báo chí” khi một số báo từ bỏ tính khách quan để nhấn mạnh đến chuyện đúng sai theo cảm quan của người viết phù hợp với lượng độc giả riêng của từng tờ báo.

Riêng nhà báo McNeil, trong một email gởi những người quan tâm đến vụ việc trấn an mọi người: “Tôi sẽ ổn. Năm nay tôi 67 tuổi và đã nhiều năm nay ước mơ của tôi là mua chiếc xe bán tải kéo theo một căn nhà lưu động rồi biến mất vào rặng Rockies cùng một chiếc cần câu”. Có lẽ ông sẽ ổn thật nhưng sóng gió với New York Times và cả làng báo vẫn chưa qua.

 

No comments:

Post a Comment

Cryptocurrency

  Phép thử tiền crypto   Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocur...