Tuesday, September 25, 2018

Quả bóng trong chân các trường đại học


Quả bóng trong chân các trường đại học

Nguyễn Vạn Phú

Để giải quyết các vướng mắc hiện nay của kỳ thi trung học phổ thông, việc đầu tiên là chấm dứt cách nhìn đây là kỳ thi “2 trong 1” vì thi cử chứ đâu phải bán hàng mà cứ rao “2 trong 1”! Nhưng như thế thì các trường đại học phải làm gì để thoát tình trạng hụt hẫng khi không thể dựa vào điểm thi?

Trả kỳ thi THPT quốc gia về đúng vai trò của nó là dùng để xét tốt nghiệp, ngay lập tức hàng loạt vấn đề sẽ được giải quyết. Đề thi không còn bị chê là quá khó, không phải khoác lên mình nó cả chức năng vừa kiểm tra kiến thức vừa đánh giá năng lực. Động cơ tiêu cực tìm mọi cách để sửa điểm, nâng điểm cũng bị triệt tiêu khi điểm thi không còn là yếu tố dùng để chạy đua vào các trường đại học hàng đầu nữa. Bộ Giáo dục có thể tính toán để mức điểm thi cao hơn mọi năm và nhờ đó giảm tỷ trọng điểm học bạ trong cơ cấu điểm xét tốt nghiệp. Vấn đề còn lại là gánh nặng bây giờ rơi vào các trường đại học, làm sao để tuyển sinh khi không còn dựa hoàn toàn vào kết quả kỳ thi THPT?

Thật ra, Luật Giáo dục đại học đã quy định khá rõ từ mấy năm nay: trường đại học có quyền quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh trong đó Luật cũng nói: Phương thức tuyển sinh gồm thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Không ai bắt trường đại học phải lấy điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển thí sinh đủ tiêu chuẩn vào trường mình.

Chúng ta thường nhìn từ góc cạnh thí sinh chen nhau vào cổng trường đại học chứ ít ai nhìn từ góc cạnh các trường đại học cạnh tranh nhau hút học sinh tốt nghiệp vào trường mình. Đó là bởi quán tính suy nghĩ trường tốt chọn học sinh có điểm cao trong khi đúng ra việc tuyển sinh đại học phải là sự cân nhắc từ cả hai phía để mục đích cuối cùng là tìm sự “hòa hợp”, học sinh vào đúng trường phù hợp với con người của mình nhất và trường chọn đúng học sinh có tiềm năng đóng góp xây dựng nền tảng danh tiếng của nhà trường nhất.

Nhìn từ góc độ đó mới thấy hầu hết các trường đại học đã lãng tránh trách nhiệm khi chỉ dùng duy nhất điểm thi THPT hay điểm học bạ để xét tuyển; chỉ một ít trường tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng cho mình và hầu như không ai nghĩ đến chuyện xét tuyển bằng các phương thức trực tiếp như phỏng vấn. Giả thử đề thi THPT sang năm dễ hơn nhiều vì chỉ để xét tốt nghiệp, các trường đại học làm sao dựa vào điểm thi để tuyển đúng sinh viên cho mình? Với các trường nổi tiếng luôn thu hút học sinh, nếu ai cũng điểm cao như nhau, làm sao biết thực học của các em để chọn đúng; làm sao tránh tình trạng chỉ tuyển được các em điểm cao nhờ được cộng nhiều loại điểm ưu tiên? Với các trường bình thường, dựa vào điểm tức đã bỏ qua thế mạnh của mình, không có những phương thức chiêu dụ học sinh, không tạo ra được sự cạnh tranh để hút học sinh về cho mình.

Tuyển sinh bằng điểm thi THPT sẽ dẫn tới những bất hợp lý khó lòng giải tỏa. Đăng ký học ngành kinh tế nhưng điểm xét tuyển là Toán, Lý, Hóa thì xem như hỏng việc vì những kỹ năng làm nền tảng cho một người học tốt kinh tế học lại là ngoại ngữ, đọc hiểu, viết lách, thuyết trình, suy luận lô-gich, kể cả hiểu biết về văn hóa. Sinh viên tương lai của một trường đại học sư phạm phải có lòng yêu trẻ, say mê truyền thụ kiến thức nhưng đồng thời phải có kỹ năng giao tiếp. Những đặc điểm nói lên cá tính từng con người làm sao bộc lộ được qua các con số điểm thi vô hồn. Chính vì thế mặc dù vẫn còn dựa vào các kỳ thi chuẩn hóa kiến thức nhưng các trường đại học ở nước ngoài đâu tranh nhau lấy theo thứ tự từ điểm cao nhất lấy xuống? Có những em điểm thi cao vẫn bị từ chối trong khi cũng trường đó lại nhận em điểm thi thấp hơn nhiều.

Thực tế dù còn ít nhưng một số trường sử dụng một kỳ thi đánh giá năng lực riêng của mình rồi vừa dựa một phần vào điểm thi THPT và một phần vào điểm thi của kỳ thi riêng đã tạo ra những chuyển biến bất ngờ. Các trường này trước đây vất vả lắm vẫn không tuyển đủ sinh viên theo mức điểm chuẩn trường đưa ra nay lại dễ dàng đạt con số chỉ tiêu tuyển sinh. Có lẽ khi đặt học sinh trước một thử thách là kỳ thi gắn liền với tên tuổi của trường các em sẽ có động lực mạnh hơn khi chọn lựa. Có lẽ học sinh muốn được đánh giá đúng đắn, chứ không còn tin vào điểm thi tốt nghiệp bị tác động bởi nhiều yếu tố khác.

Một trong những lý do các trường đại học đưa ra để lãng tránh tổ chức tuyển sinh theo con đường riêng của mình là thiếu nguồn lực, hay nói thẳng ra là không có tiền để làm. Một việc rất dễ mà hầu như tuyển sinh đại học hay sau đại học nào ở nước ngoài đều làm là bắt thí sinh nộp kèm hồ sơ một bài luận về một đề tài nào đó. Cái này đâu tốn kém nhiều trong khi hiệu quả đo lường năng lực, cá tính, sở thích, năng khiếu của thí sinh là rất cao. Một thí sinh điểm thi cao nhưng bài luận viết cẩu thả, sai chính tả, diễn đạt ý không rõ ràng, tuyển vào cũng khó trở thành sinh viên giỏi. Một thí sinh với bài luận dí dỏm, có óc hài hước, có tầm nhìn bao quát nhiều lúc chính là nhân vật trường đang cần. Một em nhờ người lớn viết theo kiểu văn mẫu bay bổng sẽ bị phát hiện ngay.  

Để khỏi ngồi than thở về trình độ đầu vào của các khóa đào tạo, các trường phải chủ động tìm cách tuyển sinh riêng cho mình, nhất là trong bối cảnh sẽ có những thay đổi về quan điểm kỳ thi THPT. Có bài thi năng lực riêng, yêu cầu viết bài luận, kể về các hoạt động xã hội hay trực tiếp phỏng vấn – chọn các nào là tùy theo điều kiện của từng trường nhưng tự chủ đại học phải bắt đầu từ chuyện tuyển sinh.



Saturday, September 8, 2018

Post-truth là gì?


Cái bẫy “hậu sự thật”

Nguyễn Vạn Phú

Giả sử bạn vướng vào một cuộc tranh luận trên mạng giữa một bên nói chương trình đào tạo thạc sĩ chống tham nhũng là chuyện tào lao, không cần thiết, chỉ mang tính phô trương và bên kia cho rằng một chương trình như thế là không thể thiếu vì sẽ trang bị kiến thức được hệ thống hóa về tham nhũng, các biểu hiện, các giải pháp mà quản trị nhà nước cần nắm. 

Bạn bỏ công tìm tòi và đóng góp một bài dài vào cuộc tranh luận về các chương trình tương tự mà các nước khác đã tổ chức, kể cả mục đích của việc đào tạo, việc làm kỳ vọng sau tốt nghiệp... Ý kiến của bạn rơi vào khoảng không; hai bên tiếp tục tranh cãi, không thèm đếm xỉa đến những số liệu công phu bạn đưa ra.

Đó là một tình huống có thể dùng để minh họa cho một khái niệm mới: hậu sự thật, hậu chân lý (post-truth) mà thế giới đang bàn tán nhất là sau khi tin giả xuất hiện khắp nơi. Chữ “hậu” ở đây mang nghĩa vượt lên trên, vượt qua, bỏ lại đằng sau… ý nói sự thật là không quan trọng bằng cái đằng sau sự thật. 

Hậu sự thật là một tình huống khi người ta không còn dựa vào dữ kiện khách quan để minh định đúng sai mà mọi tranh luận đều dựa vào cảm tính, vào xúc cảm nảy sinh và dẫn dắt luồng suy nghĩ. Một khi dư luận hình thành do các hô hào đánh vào lòng yêu ghét, giận dữ, thương cảm chứ không phải từ sự thật, đó là một xã hội hậu chân lý!

Nhân vật được nhắc đến nhiều nhất mỗi khi bàn đến “post-truth” là Tổng thống Mỹ Donald Trump. Với ông Trump, hậu sự thật đến từ cả hai phía. Một bên thì báo chí Mỹ săm soi vào tất cả các phát biểu của ông, đếm ra bao nhiều lời nói sai sự thật hay gây nhiễu thông tin (Washington Post đếm trong 466 ngày nhậm chức, ông Trump có 3.001 tuyên bố kiểu như thế, trung bình 6,5 phát biểu mỗi ngày!). 

Bên kia ông Trump liên tục viết các câu chê bai báo chí là “fake news” (tin giả); ví dụ sau khi đưa ra những con số chứng tỏ tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đang xuống mức thấp kỷ lục, GDP đăng tăng cao nhất… Trump dè bỉu báo chí cứ chăm chăm vào tin xấu mà không chịu thừa nhận thực tế khách quan này. Nhìn vào không gian chính trị Mỹ theo cách đó dường như sẽ thấy hai tháp ngà bọc bởi những bong bóng khổng lồ, bên trong ồn ào tiếng cãi vã nhưng không lọt nổi ra ngoài chứ chưa nói đến thấm vào tháp ngà bên kia. Đó là những quả bóng “post-truth”.

Mạng xã hội là nơi hậu sự thật thắng thế, lan tràn. Trong khi báo chí còn phải qua nhiều tầng nấc kiểm chứng, xác minh thông tin trước khi đăng, bất kỳ ai cũng có thể dùng mạng xã hội để lôi kéo người khác tin theo câu chuyện của mình, bất kể sự thật. 

Ai trong chúng ta từng dùng mạng xã hội đều đã có lần phẫn nộ, thương cảm, giận dữ, vò đầu bứt tai vì bức xúc trước một câu chuyện nào đó mà sau này bị phát hiện là không chính xác. Cũng may là với đa số người dùng, sự thật vẫn còn khả năng vượt thắng; cảm xúc sẽ bị chế ngự khi biết sự thật. Nhưng xu hướng bất chấp sự thật để tiếp tục giận dữ, bức bối một cách cảm tính trong một tình huống hậu sự thật là có thật và ngày càng lan rộng.

Tuy nhiên, hậu sự thật là một khái niệm buông xuôi, phó mặc cho xúc cảm chi phối đến nhận thức trong khi thực tế vẫn cần các bên thừa nhận nhiều chân lý làm nền tảng, bộ khung và chất kết dính cho xã hội hiện đại. Hậu sự thật chỉ có thể xuất hiện trong một số tình huống và để khỏi rơi vào cái bẫy hậu sự thật, phải làm cho các tình huống này ngày càng hẹp lại. 

Trong quá trình này kỹ năng kiểm chứng thông tin để củng cố sự thật, bác bỏ thông tin cố ý làm cho sai lệch là kỹ năng mới, rất cần thiết. Và quan trọng nhất là đừng xem hậu sự thật như một điều hấp dẫn, lôi cuốn đầy ma mị - buông sự thật để cùng tác động vào tình cảm như đối thủ tranh luận là một chọn lựa dễ theo nhưng sẽ không đi đến đâu vì tách rời chân lý.

Có thể trông chờ báo chí chính thống để ngăn đà tụt dài vào xã hội hậu sự thật được không? Đó là vai trò của báo chí từ xưa đến nay với điều kiện chúng ta đừng tạo bộ lọc để chọn nhận tin này và đóng cửa với tin kia. Con người có xu hướng thích đọc những gì họ muốn nghe và lướt qua hay ngó lơ những điều không muốn nghe. Ngày xưa thì khó hơn vì dù sao phải đọc cả tờ báo hay xem trọn chương trình thời sự. Nay thì dễ hơn nhiều khi có những nơi chọn tin giùm bạn như cái dòng cấp tin trên Facebook sẽ trao cho bạn tin bạn muốn đọc hay bạn bè bạn muốn chia sẻ. 

Người muốn toàn tin xấu sẽ nhận toàn tin xấu; người trông chờ tin tốt sẽ tràn ngập tin tốt – khỏi cần băn khoăn. Mở rộng cõi lòng để đón nhận tất cả mới mong trụ lại ở thế giới này, không bị lôi xuống vòng xoáy của một thế giới hậu sự thật.



Cryptocurrency

  Phép thử tiền crypto   Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocur...