Saturday, July 12, 2014

Ba bí quyết học tiếng Anh

Học và dạy tiếng Anh – nắm bí quyết là then chốt

Kể cũng lạ, chưa thấy có môn học nào được quan tâm như môn tiếng Anh. Phụ huynh nào cũng sẵn lòng cho con đi học thêm, rèn tiếng Anh ngay từ tiểu học; Nhà nước có hẳn một đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 rất đồ sộ; các trung tâm dạy tiếng Anh mọc khắp mọi thành phố.

Và kể cũng lạ, rất hiếm thấy những công trình nghiên cứu được phổ biến rộng rãi về thế nào là một phương pháp tối ưu dạy và học tiếng Anh trong môi trường Việt Nam, kể cả đề án nói trên.  

Tạm thời gạt sang một bên các lý thuyết về phương pháp vì nó xa lạ với đa phần người học, chỉ muốn nắm được một số kỹ năng tiếng Anh để thuận lợi cho công việc, dù đó là giao tiếp với khách nước ngoài, để theo học một chương trình dạy bằng tiếng Anh hay để đọc tài liệu bằng tiếng Anh. Quan sát đặc thù của nước ta, kết hợp với những thay đổi chóng mặt trong lối sống hiện đang xảy ra và thực tế sử dụng tiếng Anh như một công cụ, có thể nói bí quyết học và dạy tiếng Anh nằm ở ba điểm: “đừng quá ham”, “tận dụng cái có sẵn” “luyện chứ đừng học”.

Nếu hỏi ai từng học tiếng Anh theo một giáo trình nào đó, điều họ ngại nhất là không theo kịp tiến độ của lớp. Chưa nắm được điểm ngữ pháp này đã thấy lớp nhảy qua điểm ngữ pháp mới; chưa xong mẫu câu này đã phải học mẫu câu mới; từ vựng cần học xuất hiện dồn dập. Chớp mắt một cái đã thấy lớp tiến đến gần hết cuốn giáo khoa dày cộp mà lòng cứ vương vấn những bài cũ, chưa học kỹ, chưa nắm được hết. Cuối cùng là không học được gì hết. Kết thúc khóa học, chúng ta trở về con số không.

Ở bậc phổ thông cũng vậy. Giáo viên chạy theo giáo án; học sinh bận chạy theo các môn khác, cứ gần đến giờ học nhìn qua sách giáo khoa, nhớ mài mại vài từ mới, vài điểm ngữ pháp mới để đối phó. Cuối cùng kết thúc năm học, chữ nghĩa trả lại hết cho thầy.

Cho nên bí quyết đầu tiên với người muốn học thật sự là “đứng quá ham”. Hãy vất bỏ hết mọi kế hoạch vĩ đại thanh toán chương trình này trong năm này, đống từ vựng kia trong năm tới. Hãy đặt mục tiêu kiêm tốn, học các câu đơn giản, rèn đi luyện lại cho đến khi nào sử dụng được trong thực tế thì mới chuyển qua cái mới. Cái này sẽ tạo cho người học sự tự tin, để làm đòn bẩy học tiếp.

Với ngành giáo dục, xin soạn lại sách giáo khoa thật đơn giản, giảm bớt nhịp độ chương trình. Mà thật ra ngữ pháp tiếng Anh đâu có khó, học tập trung chỉ một năm là hết cho nên đừng cố gắng giới thiệu các điểm ngữ pháp vào bài học theo kiểu tuần tự cho chóng hết làm gì. Từ vựng cũng vậy, chỉ cần 750 từ là đủ để một người giao tiếp khá thoải mái cho mọi nhu cầu bình thường trong cuộc sống. Làm sao để một em học sinh tốt nghiệp phổ thông đọc được các truyện loại viết lại theo văn tiếng Anh đơn giản, nói chuyện bâng quơ với người nước ngoài là đã một bước tiếp vĩ đại so với bây giờ rồi. Bảy năm học từ lớp 6 đến lớp 12 để làm chuyện đó – có được chăng? Chắc chắn là được nếu chúng ta đừng ham hố và cứ rèn thật nhiều vào chứ đừng câu nệ theo giáo án. Hãy bỏ những kỹ năng mà chúng ta đang mất thì giờ bắt học sinh học như chuyển đổi câu chủ động sang câu bị động, chuyển câu để dùng danh từ thay vì động từ. Học cái đó để làm gì? Hãy để cho học sinh nói sai, đừng vội sửa ngay – mục tiêu là giao tiếp chứ mục tiêu không phải là ngôn ngữ.

Bí quyết thứ nhì là “tận dụng cái có sẵn”. Với bất kỳ một học sinh bình thường nào, cuộc sống hiện nay buộc các em tự dưng có sẵn trong người một vốn từ tiếng Anh kha khá. Khi dùng máy tính, chắc chắn các em phải hiểu file là gì, delete là gì. Các em tự động hiểu save bắt các em làm gì, print là sao... Với các em từng sử dụng Facebook (mà học sinh nào không từng chơi Facebook) các em không muốn cũng phải thuộc các từ status, friend, feed, group, messages... Còn nhiều thứ khác như điện thoại di động, các trò chơi, các ứng dụng đủ kiểu – tất cả hiện đã trang bị cho các em một vốn từ tiếng Anh kha khá.

Vấn đề là người thầy giỏi sẽ tận dụng vốn từ này để chuyển chúng thành vốn từ tiếng Anh cho các em, bắt các em dùng chúng trong câu hoàn chỉnh, nói thành câu hẳn hoi. Đoan chắc là trong một thời gian ngắn thôi, ngay lập tức các em tự nhiên sẽ thấy tự tin hẳn ra và dùng tiếng Anh thành thạo đến độ chính các em cũng phải ngạc nhiên.

Cái cuối cùng là sai lầm phổ biến mà chúng tôi quan sát được ở người học tiếng Anh: đó là xem tiếng Anh như một môn học và tiếp cận nó như một loại kiến thức mà họ phải có bằng cách học. Họ học tiếng Anh như học Toán, Lý Hóa. Tức là ngồi nghiên cứu từng điểm ngữ pháp, lý giải rồi hiểu nó và học quy luật. Tức là ngồi học từng từ, cả họ hàng tông chi từ đó. Tức là học cách ghép từ thành câu...

Các bạn thử tự hỏi các bà tiểu thương ở chợ Bến Thành, do nhu cầu cần giao tiếp với khách nói tiếng Anh, họ có học tiếng Anh theo cách đó không? Không hề. Họ sẽ xuất phát từ nhu cầu, chuyển nhu cầu thành câu rồi học thuộc lòng. Đơn giản vậy thôi.

Dĩ nhiên người học tiếng Anh bình thường sẽ chưa có nhu cầu như thế và cũng không đến nỗi học theo kiểu “đi ngang về tắt” như thế. Nhưng phương pháp học cũng phải theo tinh thần đó mới mong thành công: học tiếng Anh là rèn luyện như tập võ cứ đi quyền thật nhiều đến khi đánh nhau sẽ bật ra cú đánh trúng đích. Học tiếng Anh là cứ thuộc lòng cho nhiều câu nhiều đoạn chừng nào tốt chừng đó – đến khi cần nó sẽ bật ra cho bạn sử dụng.

Ai học tiếng Anh mà cứ thắc mắc tại sao là xem như thất bại ngay từ đầu. Cứ chấp nhận người ta nói sao mình học thuộc lòng như vậy để bắt chước. Người nào thuộc lòng được nhiều câu nhiều đoạn nhất, người đó vừa sử dụng tiếng Anh thành thạo lại vừa dễ dàng vượt qua mọi kỳ thi được biên soạn đúng đắn như IELTS hay TOEFL (chứ không phải loại đề thi của nhà trường hiện nay). Như thế cuối cùng cả hai mục tiêu – học để thi hay học vì kỹ năng – đều đạt được chứ không hề mâu thuẫn nhau.







Tuesday, July 8, 2014

Nhập nhằng công tư

(Liên quan đến chuyện chương trình "tiếng Anh tích hợp" của Sở GD-ĐT TPHCM, tôi có viết mấy bài đăng trên TBKTSG, TBKTSG Online và Tuổi Trẻ) 

Bài 1
Nhập nhằng công tư

Giả thử có người muốn khởi sự kinh doanh trong ngành giáo dục, đưa một chương trình rất hay, rất bổ ích ở nước ngoài về Việt Nam dạy cho học sinh trong nước. Nhưng cách làm bình thường quá sức tốn kém, rủi ro thất bại lại rất cao vì phải đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phải đủ chỗ cho hàng ngàn học sinh. Lỡ tiền bỏ ra rồi mà tuyển sinh không được thì sao? Tuyển sinh cách nào để ngay lập tức có cả ngàn học sinh?

Giả thử tiếp, có một cách bảo đảm thành công, đầu tư ban đầu hầu như không đáng kể, số lượng học sinh tăng đến đâu cũng có cơ sở vật chất phù hợp đáp ứng ngay. Không cần quảng bá, tiếp thị; sẽ có một bộ phận chính thống tuyên truyền giùm cho chương trình.

Đó là làm sao để thuyết phục sở giáo dục địa phương đồng ý và bảo trợ cho bạn triển khai chương trình vào các trường công có sẵn, trường sẽ nhường phòng học tốt nhất cho bạn, nhường luôn tên tuổi của trường, bạn hoàn toàn chủ động tuyển giáo viên bên ngoài vào dạy, nhà trường không tham gia gì cả, thậm chí không được vào dự giờ. Nguồn tuyển sinh là từ hàng chục ngàn học sinh ở ngay các trường công lập. Học sinh và phụ huynh nào đủ tiền đóng mỗi tháng vài ba triệu đồng sẽ được học chương trình của bạn, bất kể sau đó các em phải nhồi nhét thêm chương trình bình thường. Nhà trường do được nhận 15% hoa hồng nên sẵn sàng dồn các lớp bình thường lại, chật chội – kệ, miễn sao dành sự thuận lợi nhất cho bạn.

Đọc đến đây sẽ có người thốt lên, làm gì có chuyện phân biệt trắng trợn như thế, làm gì có chuyện “thương mại hóa” công khai như thế trong môi trường công lập?

Cách kinh doanh mượn cơ sở công lập để nhanh chóng triển khai các dự án tư nhân một cách ít tốn kém nhất đã diễn ra trong nhiều lãnh vực mà đầu tiên phải nói đến giáo dục.

Chương trình tiếng Anh Cambridge đã từng được công ty EMG Education với sự bảo trợ của Sở Giáo dục & Đào tạo TPHCM triển khai theo cách đó. Bởi cách làm này trái với tinh thần của Cambridge là cùng đội ngũ giáo viên nhà trường xây dựng và giảng dạy, chứ không phải là “khoán trắng” cho EMG như thế nên Cambridge đã tuyên bố chấm dứt hợp tác với EMG từ đầu năm nay.

Nay EMG lại cùng Sở GD-ĐT TPHCM tiếp tục tìm cách giới thiệu một chương trình khác, lần này thậm chí không có một tổ chức uy tín như Cambridge đứng tên nên phải dùng đến Bộ Giáo dục Anh một cách tùy tiện và sai lệch (xem thêm bài “Đừng đem học sinh ra làm chuột bạch nữa!”).

*                      *                      *

Lãnh vực phổ biến thứ nhì trong việc sử dụng cơ sở công lập cho việc thương mại hóa là y tế nơi các công ty, thậm chí một nhóm người mua sắm một loại máy xét nghiệm nào đó rồi bỏ vào một bệnh viện công và kinh doanh một cách thoải mái. Không cần đầu tư xây cơ sở vật chất, không cần quảng cáo tiếp thị để tìm khách, không cần nhân lực để vận hành máy – chưa thấy một mô hình kinh doanh nào với những lợi thế cao như vậy. Chẳng lạ gì hình thức được mệnh danh “xã hội hóa” đã nở rộ ở mọi bệnh viện công, lại được Bộ y tế đánh giá như một bước đột phá!

Mới nhìn qua tưởng đâu các dự án “xã hội hóa” này có lợi cho bệnh viện vì được chia 15% đến 20% lợi nhuận. Nhưng các bệnh viện đâu biết họ phải gánh chịu những chi phí khấu hao mà do là cơ sở công lập nên họ chưa phải tính.

Hai cột trụ của xã hội là giáo dục và y tế mà bị thương mại hóa như thế thì rõ ràng người dân trở thành miếng mồi ngon cho hoạt động kinh doanh. Chẳng lạ gì mọi người sẽ nghe như lời ca ngợi sự cần thiết cho con em được học tiếng Anh ngay từ bậc tiểu học; chẳng lạ gì người bệnh bình thường cũng bị ép làm hàng loạt xét nghiệm không cần thiết. Cả một thế hệ bị đánh mất tuổi thơ vì bị người lớn ép học bằng đủ cách.

Ở những lãnh vực khác, sự “hợp tác công tư” có thể tế nhị hơn, ít lộ liễu hơn nhưng lại thiên hình vạn trạng hơn.

Giải pháp ở đây là gì? Rạch ròi công tư, đâu ra đó. Sở giáo dục hay sở y tế địa phương không thể trở thành nơi bảo kê cho mô hình kinh doanh kiểu này. Cái sai là nó làm méo mó môi trường làm cạnh tranh trong kinh doanh không còn bình đẳng khi doanh nghiệp dựa vào quan hệ. Cái sai nữa là nó tạo ra sự phân biệt ngay trong những môi trường cần sự bình đẳng. Nếu chúng ta phê phán cái trường chỉ cho học sinh mua vé xuống xem văn nghệ, các em không mua vé phải tránh đi chỗ khác thì việc một số em được học chương trình “cao cấp” hơn chỉ vì nhà các em đủ điều kiện sẽ tạo ra tâm lý không hay ho chút nào ở học sinh.

Cách làm như miêu tả ở trên còn không được chấp nhận ở những nước theo đuổi nền kinh tế thị trường thuần túy thì làm sao nó lại được chấp nhận ở một nước tự xem mình có nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa?




Bài 2
Đừng đem học sinh ra làm chuột bạch nữa!

Thông tin Sở Giáo dục & Đào tạo TPHCM ngưng tuyển sinh cho chương trình Cambridge rồi thay bằng một chương trình “tích hợp - quốc gia Anh” đang gây ra sự hoang mang trong giới phụ huynh. Từ các phát biểu của đại diện Sở với báo chí, từ nội dung buổi giao lưu trực tuyến của Giám đốc Sở GD-ĐT với phụ huynh, có thể nhận định là Sở đang lao vào một cuộc phiêu lưu với nhiều rủi ro mà người gánh hậu quả chính là học sinh của chúng ta.

Thứ nhất, giả thử chương trình được triển khai thông suốt và một em theo học chương trình này vài ba năm, lúc đó em sẽ được học các môn Toán và các môn khoa học bằng tiếng Anh tức kiến thức các em có được sẽ bằng một ngôn ngữ khác, không phải là tiếng mẹ đẻ (theo Sở GD-ĐT, học sinh tiểu học không phải học toán, khoa học chương trình Việt Nam nữa).

Giả thử đến lớp 6 em phải chuyển sang trường khác, nơi đó không có chương trình “tích hợp – quốc gia Anh” này, em ấy làm sao theo học chương trình dạy bằng tiếng Việt bình thường? Kiến thức của em ấy giờ đây phải “dịch” trọn vẹn sang tiếng Việt để em có thể theo kịp bạn bè ở trường mới hay sao?

Giả thử trường triển khai chương trình “tích hợp – quốc gia Anh” này với hàng trăm học sinh đăng ký theo học. Sau vài năm, vì lý do gì đó, chương trình bị hủy bỏ (như từng xảy ra với chương trình Cambridge hiện nay, hay do sĩ số học sinh theo học giảm dần, hay do phụ huynh bỗng không thể kham nổi học phí trên 3 triệu đồng/tháng). Lúc đó các em sẽ làm sao với mớ kiến thức Toán và khoa học bằng tiếng Anh? Không lẽ phải bắt các em học lại những năm học đó, lần này bằng tiếng Việt?

Ở môi trường một trường quốc tế, nơi ngôn ngữ giảng dạy là tiếng Anh thì việc học các môn như Toán và khoa học bằng tiếng Anh là điều tự nhiên vì ở đâu các em cũng sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp, trong trao đổi nội dung bài vở, trong tranh luận về kiến thức. Thử hỏi trong nhà trường công lập hiện nay, các em theo học chương trình này có làm được điều đó không? Vậy kiến thức các em thu lượm được có phải lại “dịch” về tiếng Việt để từ đó mới tham khảo được sách vở khác, mới trao đổi với cha mẹ khi về nhà...

Tự dưng Sở Giáo dục & Đào tạo bắt tay với EMG Education, một công ty tư nhân để giới thiệu một chương trình dạy các môn Toán, Khoa học bằng tiếng Anh trong nhà trường công lập là một thí điểm liều lĩnh, nhất là khi chưa tính đến hết mọi tình huống nói trên.

Việc cho phép EMG sử dụng cơ sở vật chất và học sinh công lập để triển khai một chương trình giáo dục mang tính thương mại hóa là một sai lầm, đã được phân tích ở bài “Nhập nhằng công tư”. Ở đây chỉ xin nói thêm một số thông tin không chính xác, có thể gây hiểu nhầm ở phụ huynh.

Có thể khẳng định ngay là hoàn toàn không có chuyện Bộ Giáo dục Anh cấp bằng cho học sinh nào theo học chương trình này. Bộ Giáo dục Anh, cũng như bộ giáo dục các nước, công bố chương trình khung mang tính chuẩn mực cho các trường tham khảo (chương trình được chia làm bốn giai đoạn gọi là Key Stages). Lấy ví dụ Key Stage 1 là chương trình dành cho học sinh 5 đến 7 tuổi, Key Stage 2 dành cho học sinh 7 đến 11 tuổi... Sau đó, học sinh được đánh giá bằng kỳ thi do Cục Tiêu chuẩn và Khảo thí (STA) tổ chức. Đó là chuyện của nước họ. Đây không phải là chương trình mà Anh xuất khẩu ra nước ngoài như chương trình Cambridge.

Nói cách khác, có thể EMG xin hay mua hay nhượng quyền sử dụng chương trình Key Stages và các bài thi của STA để đem về sử dụng ở Việt Nam nhưng điều đó không có nghĩa Bộ Giáo dục Anh sẽ cấp bằng cho học sinh Việt Nam. Ngay ở Anh nhiều nhà giáo và nhiều tổ chức giáo dục phản đối dữ dội các kỳ thi cuối khóa các Key Stages này vì chúng làm cho việc học chỉ nhắm đến mục đích thi, tạo ra áp lực không cần thiết.

Chúng tôi cũng chưa hiểu làm sao để Sở GD-ĐT có thể xây dựng một “chương trình tiên tiến, mang bản sắc văn hóa của Việt Nam”? Đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam được hiểu theo nghĩa gì, bản địa hóa nội dung giảng dạy dù ngôn ngữ sử dụng vẫn bằng tiếng Anh chăng?

Chúng tôi cũng không hiểu làm sao để không gây quá tải cho học sinh khi đại diện của Bộ GD-ĐT khẳng định chương trình này vừa “đánh giá kết quả học tập của học sinh là thi lấy chứng chỉ của nước ngoài (nếu đủ điều kiện và có nhu cầu) và bắt buộc phải kiểm tra đánh giá bằng tiếng Việt theo quy định hiện hành của chương trình giáo dục phổ thông Việt Nam”.

Phụ huynh làm sao yên tâm cho được khi Sở thì nói học sinh không cần học các môn Toán và khoa học theo chương trình Việt Nam còn Bộ thì nói “khi triển khai bắt buộc phải tổ chức kiểm tra đánh giá theo chuẩn hiện hành của Bộ GD-ĐT”? 

Chưa bao giờ câu nói “xin đừng lấy học sinh ra làm chuột bạch” cho các chương trình thí điểm nữa lại mang tính khẩn thiết như bây giờ.

Bài 3
Thâm lạm quyền lực công

Câu chuyện chương trình “tích hợp quốc gia Anh” nay đã rõ sau khi các bên liên quan trực tiếp hay miễn cưỡng tiết lộ thông tin.

Nói tóm tắt thì đây là chương trình chủ yếu nhằm để dạy tiếng Anh mỗi tuần 6 tiết cho học sinh cấp tiểu học và trung học cơ sở, trong đó có học tiếng Anh dùng trong môn Toán và Khoa học. Sở dĩ không nói học Toán và Khoa học bằng tiếng Anh vì chắc chắn chỉ với 6 tiết/tuần cho cả ba môn thì không thể nào học đầy đủ đúng như chương trình quốc gia của Anh. Chỉ là học theo kiểu cỡi ngựa xem hoa là chính.

Chương trình này không có sự hợp tác của Bộ Giáo dục Anh, cũng chẳng được cơ quan khảo thí của nơi này cấp chứng nhận, chưa được Bộ Giáo dục-Đào tạo kiểm định hay phê duyệt và chưa được UBND TPHCM phê duyệt cho triển khai.

Nó chẳng khác gì chuyện một trung tâm tiếng Anh mở lớp dạy thêm cho học sinh với học phí khá đắt – trên 3 triệu đồng/tháng. Nói là không khác vì học sinh cũng phải học song song các môn đó bằng tiếng Việt (có thể được giảm một số tiết), cũng phải dự kiểm tra đánh giá như các học sinh khác và cuối cấp cũng phải thi theo chương trình tiếng Việt như các bạn không học “chương trình tích hợp”.

Vậy thì tại sao dư luận lại phản đối Sở Giáo dục-Đào tạo? Bởi những thông tin nói trên chỉ xuất hiện sau khi báo chí vào cuộc còn trước đó thông tin không phải như thế. Đây là điểm mấu chốt vì giáo dục con người đòi hỏi sự minh bạch, trung thực, khách quan.

Dư luận còn phản đối vì như thế rõ ràng Sở đang tổ chức hay hỗ trợ cho một công ty tư nhân tổ chức các lớp dạy thêm ngay trong hệ thống công lập và thu tiền của học sinh. Không thể nào tưởng  tượng nổi cảnh Sở đứng đằng sau một câu chuyện dạy thêm kiếm tiền mà lại huy động bộ máy công phục vụ cho nó, dùng hệ thống thông tin chính thức của ngành để quảng bá cho nó, thậm chí dùng hệ thống công văn chính thức để truyền đạt thông tin về nó cho các trường trong khắp thành phố.

Vì thế câu chuyện chương trình có sự hợp tác của Bộ Giáo dục Anh hay không không còn quan trọng nữa rồi. Sở hợp tác với EMG hay với bất kỳ ai khác cũng không quan trọng vì với ai, học phí có rẻ hơn thì bản chất vấn đề cũng thế. Và bản thân chương trình Cambridge cũ cũng không khác là bao.

Vấn đề quan trọng là bình thường phụ huynh sẽ rất lưỡng lự, cân nhắc khi cho con đi học thêm tiếng Anh mỗi tuần 6 tiết ở một trung tâm dù họ quảng cáo dạy cả Toán và Khoa học bằng tiếng Anh, dù họ bảo đảm học xong là đủ sức theo học các môn này ở nước ngoài.

Đằng này cái giá khá đắt của “chương trình tích hợp” này đã được hóa giải phần nào bằng uy tín của Sở GD-ĐT, uy tín vay mượn của Bộ Giáo dục Anh (trước đây là uy tín và sự hợp tác thật sự của Cambridge), bằng thói quen tin vào hệ thống công lập, tin vào các lớp do chính nhà trường mở. Đó mới chính là “thâm lạm quyền lực” – một vấn đề nhức nhối, đáng nói hơn cả.

Một yếu tố quan trọng khác là cách tổ chức một chương trình như thế phá hỏng môi trường sư phạm bởi không thể nào chấp nhận cảnh một trường mà ban giám hiệu và đội ngũ giáo viên bị gạt qua một bên, nhường một phần cơ sở vật chất cho một bên thứ ba vào tổ chức dạy thêm cho học sinh của chính mình. Thử nghĩ trường tự mở các lớp như thế cho người ngoài vào dạy để thu tiền thì Sở nghĩ như thế nào. Xin đừng tiếp tục biện bạch tương lai sẽ đào tạo giáo viên của trường cùng đảm trách nữa. Một môi trường giáo dục đúng nghĩa là tất cả các bên liên quan cùng nhau thực hiện sứ mệnh dạy và học, cùng nhau cải tiến dần để trở thành môi trường học tập tối ưu. Cũng không thể chấp nhận cảnh các em chỉ vì không đủ tiền để đóng học phí cao ngất này đành phải học ở lớp chật chội, đông đúc, dành lớp ít học sinh cho các em có tiền.

Tôi hy vọng UBND TPHCM sẽ có quyết định sáng suốt, chấm dứt việc thí điểm “liều lĩnh” này và có lời giải thích rõ ràng cho phu huynh trước thềm năm học mới.



Monday, July 7, 2014

Xe không người lái sẽ thay đổi thế giới

Xe không người lái sẽ thay đổi thế giới

Đầu thế kỷ 20, giả thử có ai nói chỉ chục năm nữa thôi con người ta sẽ bay lượn trên bầu trời bằng những chiếc máy nặng nề, to tướng, có lẽ mọi người sẽ bảo anh chàng này sống trong mơ mộng viễn tưởng.

Cái may là nay, nếu có ai nói chỉ chục năm nữa thôi, người ta sẽ đi trong những chiếc xe không người lái, tự động chạy trên đường phố, thả chủ xe xuống chỗ làm rồi tự động chạy ra ngoại ô nằm chờ, không ai dám cười, bảo anh chàng này suy nghĩ viển vông.

Đó là bởi loại xe không người lái đã trở thành hiện thực, ít nhất là ở Mỹ và tập đoàn đứng đằng sau nỗ lực phát triển loại xe không người lái này đủ tiềm lực, cả tiền bạc lẫn trí tuệ để thuyết phục ngay cả người hoài nghi nhất: Google.

Một số yếu tố kỹ thuật

Thật ra Google đã nghiên cứu loại xe không người lái đã mấy năm nay nhưng chỉ là cải biến các xe sẵn có như Toyota Prius hay Lexus bằng cách trang bị cho chúng máy ảnh, máy tính, máy dò tìm bằng laser...

Nay Google cho thiết kế và sản xuất một loại xe đặc biệt hoàn toàn dùng cho mục đích thử nghiệm xe không người lái. Chiếc xe hai chỗ ngồi này đáng chú ý ở những đặc điểm mà nó không có: không có tay lái, không có bản điều khiển, không có bàn đạp thắng, chân ga. Kính xe làm bằng nhựa để bảo đảm an toàn, tốc độ xe tối đa giờ mới chỉ 25 dặm/giờ (40km/g).

Hiện Google có kế hoạch sản xuất vài trăm chiếc xe này và bắt đầu cho chạy trên đường phố vào cuối năm 2014. Dĩ nhiên trên xe đều có một người kiểm soát, sẵn sàng can thiệp nếu xảy ra tình huống bất trắc. Xe chạy bằng điện nên cũng góp phần giảm ô nhiễm, giảm lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Đến đây mọi người có thể thắc mắc, làm sao Google dám cho xe không người lái chạy khơi khơi ngoài đường vậy? Ai dám bảo đảm không xảy ra trục trặc, gây tai nạn cho người khác thì sao? Về mặt luật lệ thì bang Nevada là nơi đầu tiên trên đất Mỹ cho phép xe tự động chạy trên đường vào năm 2012, sau đó là bang Florida rồi California... Các nơi này chỉ cấp phép cho loại xe tự động ở mức độ thí nghiệm thôi chứ chưa phải cho chạy bình thường. Đến nay Google đã cho xe không người lái (loại cải biên) chạy hơn 1 triệu cây số ở khắp mọi nẻo đường trên nước Mỹ rồi.

Ngoài Google, các hãng xe lớn như Toyota hay GM đều đang xây dựng phiên bản xe không người lái riêng của họ và đều hứa hẹn có xe loại này trong showroom trong vài năm tới. Có thể thoạt tiên xe vẫn có hai hệ thống, tự động và có người lái. Khi cần người sử dụng chỉ cần chuyển sang chế độ tự động thì xe sẽ chạy như máy bay bay ở chế độ không cần phi công.

Một cuộc cách mạng lối sống?

Đến khi chiếc máy bay đầu tiên đã cất cánh, có lẽ mọi người cũng còn hoài nghi rằng, đồ chơi này hay thì hay nhưng không mang tính thực tiễn. Ai cũng nghĩ làm sao có thể chế tạo chiếc máy bay khổng lồ chở đến vài ba trăm người, bay vượt cả đại dương không ngưng nghỉ trong mười mấy tiếng! Thế nhưng tất cả đều trở thành chuyện bình thường.

Vậy nên chúng ta cứ để trí tưởng tượng thả lỏng một chút và hình dung có ngày không xa, xe không người lái sẽ là chuyện bình thường. Thậm chí ra đường, ai tự lái xe bị xem là nhà quê, dễ gây tai nạn và đến lúc con người bị cấm, không được tự điều khiển xe nữa.

Cái lợi của xe tự động nhiều lắm. Xét về mặt an toàn, phản ứng của máy móc chắc chắn nhanh hơn phản ứng của con người, lại không bị lệ thuộc vào các yếu tố như bình tĩnh hay nóng giận, lo sợ hay liều mạng, buồn ngủ hay tỉnh như sáo. Nhất là khi các xe được kết nối để có liên lạc thông suốt với nhau, chúng sẽ phối hợp với nhau một cách hài hòa nên không còn cảnh kẹt xe, chen nhau, hay không hiểu ý nhau.

Thử tưởng tượng, lúc đó chủ xe không còn phải tiêu tốn thì giờ ôm vô-lăng chăm chú quan sát đường thì nay có thể dùng thời giờ đó để làm nhiều chuyện khác – biết đâu lúc đó thói quen đọc báo lại bùng nổ trở lại! Chủ xe cũng không lo chuyện tìm chỗ đỗ xe, cứ tới nơi muốn tới thì thả cho xe chạy đâu thì chạy, khi cần nhắn tin cho nó đến đó về.

Và như thế rõ ràng ý tưởng mỗi người có một chiếc xe là hoàn toàn lãng phí. Cả thành phố sẽ có những đoàn xe không người lái, chạy lang thang và bất kỳ ai có nhu cầu sẽ có ngay chiếc gần nhất đến đón. Hiện nay đa phần các ô tô chỉ được vận hành một thời gian ngắn trong ngày, còn lại là nằm không rất uổng phí.

Với những đoàn xe không người lái như thế, con người sẽ không còn phải lo là nên sống trong thành phố hay ra ngoại ô; ai chở con đi học, ai chở vợ đi chợ mua sắm.

Diện mạo xe cũng sẽ thay đổi; bên trong xe sẽ sắp xếp lại trở thành một nơi thư giãn, để đọc sách, xem phim.

Nếu trước đây công nghệ ô tô phát triển ở Mỹ đã làm biến đổi bộ mặt các thành phố Mỹ, làm cuộc sống ở khu ngoại ô sôi động hơn, sang trọng hơn các khu nhà chen chúc trong nội thị, các thành phố ngày càng dãn rộng ra thì chưa biết công nghệ ô tô không người lái sẽ dẫn xã hội đi về đâu. Sẽ có hàng loạt hoạt động kinh doanh biến mất và hàng loạt hoạt động kinh doanh khác thế chỗ. Lúc đó bảo hiểm xe sẽ phải khác, nghề lái tắc-xi hay xe buýt sẽ biến mất. Giá nhà đất sẽ thay đổi; địa điểm đặt văn phòng sẽ thay đổi.

Ít ra những người dự tính bỏ tiền đầu tư xây nhà đỗ xe hay bãi đỗ xe cũng sẽ phải cân nhắc tính toán lại dự án của mình.

Điều chắc chắn là xu hướng này sẽ trở thành hiện thực chứ không phải là chuyện khoa học viễn tưởng nữa. Morgan Stanley dự báo xe tự động sẽ tiết kiệm cho nền kinh tế Mỹ chừng 1.300 tỷ đô-la mỗi năm. Báo cáo của tập đoàn tài chính này cho rằng xe với chức năng tự động cơ bản hiện đã có bán trong showroom, xe bán tự động sẽ xuất hiện trong vòng 18 tháng nữa và xe hoàn toàn tự động sẽ ra đời vào cuối thập niên này.



Bàn về tự do báo chí

Bàn về tự do báo chí

Tự do báo chí là một đề tài rất nhạy cảm nhưng đó là bởi chúng ta nhìn nó theo nghĩa hẹp. Cứ thử nhìn rộng ra ngoài lãnh vực chính trị, sẽ thấy rất nhiều yếu tố bất ngờ đang tác động lên tự do báo chí.

Đầu tiên là lười và tay nghề yếu làm nhiều phóng viên đánh mất sự tự do của mình. Nói cụ thể, muốn viết một bài điểm sách có chất lượng thì điều kiện tiên quyết là phải đọc cuốn sách đó, muốn phê bình một bộ phim mới ra rạp, chắc chắn phải xem trọn vẹn bộ phim. Thế nhưng với nhiều phóng viên, bỏ vài ba ngày để đọc cuốn sách rồi viết một mẩu lọt thỏm là chuyện khó lòng xảy ra. Thế là họ đành bỏ sự tự do phóng bút để buộc mình vào trang thông cáo báo chí mà nhà xuất bản đã gởi sẵn vào hộp thư cho họ, kể cả những đoạn chê một chút, lên án “sự trần trụi” một chút cho thu hút người đọc. Một khi họ tự nguyện cắt và dán từ các bài báo chuẩn bị sẵn cho họ thì làm gì còn tự do báo chí đúng nghĩa nữa.

Chuyện này khá phổ biến và không chỉ diễn ra trong lãnh vực điểm sách, điểm phim mà còn nhiều thứ khác, từ giới thiệu thời trang, bình sản phẩm mới đến đánh giá tour du lịch, quán ăn ngon. Được giao viết tin về một cuộc triển lãm tranh, một nền báo chí tự do thật sự sẽ đòi hỏi người phóng viên có chút ít kiến thức về hội họa, trước khi đến xem triển lãm, phải làm nghiên cứu tường tận về họa sĩ có tranh triển lãm, khi đến dự phải dùng kiến thức hội họa của mình để thưởng lãm tranh và bình theo hiểu biết của mình hay ít ra cũng gặp vài ba người có thẩm quyền để phỏng vấn họ. Khó lòng trông chờ chuyện đó ở Việt Nam.

Trong bối cảnh đó thì người nào hội đủ những yếu tố nói trên sẽ trở thành những cây bút có uy tín và họ sẽ hưởng được sự tự do, ít nhất là trong lãnh vực của họ.

Sự thiếu vắng tự do báo chí ở chúng ta một phần cũng do sự cả nể. Với nhà báo, xây dựng một mối quan hệ bền vững để nguồn tin tự động nhớ đến mình một khi “có chuyện” là cả một quá trình khó khăn. Trên con đường đó, đôi lúc họ phải “áp dụng” sự cả nể để duy trì quan hệ, để tiếp tục nhận được thông tin. Vì thế chúng ta sẽ thấy tin hoạt động bình thường của một tập đoàn nào đó thì xuất hiện thường xuyên nhưng tin về một sự cố nào đó cũng ở tập đoàn này sẽ bị dấu nhẹm vì phóng viên ngại phá vỡ mối quan hệ đã xây dựng bấy lâu nay. Đó là chưa nói đến những yếu tố tương tự nhưng xuất phát từ quan hệ khách hàng quảng cáo dài hạn, bảo trợ các chương trình, tài trợ các chuyên mục.

Thế nhưng yếu tố lớn nhất làm phóng viên đánh mất sự tự do là việc thiếu vắng kiến thức chuyên ngành mà họ bao quát. Lấy ví dụ lãnh vực kinh tế, nếu phóng viên thiếu kiến thức cơ bản, họ sẽ không dám mở rộng đề tài, ngại ngùng khi phỏng vấn, e dè khi đưa tin và trước sau gì cũng viết sai. Với phóng viên không có nền tảng kiến thức cơ bản, họ sẽ phụ thuộc vào nguồn tin, nói sao là tin vậy; phụ thuộc vào một số chuyên gia ruột, lập luận sao là viết theo liền.

Bởi vậy nên dù báo chí, nhất là các ấn bản điện tử, đang nở rộ nhưng thông tin cần thiết cho người đọc để ứng xử trong cuộc sống ngày càng thiếu vắng. Không thể mở tờ báo ra đọc để sau đó tin tưởng mà ra tiệm mua cuốn sách, vào rạp xem bộ phim. Không thể biết được ai đứng đằng sau dự án này, dự án kia; vì sao mảnh đất vàng nằm ngay trung tâm thành phố vẫn chào rắn im lìm trong nhiều năm. Không thể biết những lời đồn về “đại gia” này, “đại gia” kia có bao nhiêu phần sự thật; những khoản nợ khổng lồ của doanh nghiệp này sẽ được giải quyết như thế nào; chính sách nọ có thật sự giúp ích cho nền tài chính...

Quy luật bù trừ lúc này sẽ phát huy tác dụng: không làm được những đề tài khó thì cứ lao vào chuyện dễ, lại đáp ứng nhu cầu giải trí, nhu cầu “tán chuyện” của rất nhiều người. Chuyện đó thì ai cũng thấy.

Chuyện các đề tài “nhạy cảm” mà tùy từng lúc báo chí phải tránh xa là có chứ không phải không. Giả thử một phóng viên đi đâu công tác xa chừng một năm nay quay về và đọc toàn bộ các báo trong một tháng gần đây. Có lẽ anh này sẽ trợn tròn mắt ngạc nhiên vì sẽ thấy báo dùng tàu Trung Quốc chứ không còn “tàu lạ”; công hàm Phạm Văn Đồng được đưa ra mổ xẻ cặn kẽ; vấn đề làm sao để tránh phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế được bàn ở mọi khía cạnh; mưu đồ lấn chiếm dần Biển Đông của ông bạn vàng Trung Quốc bị vạch trần – thậm chí “16 chữ vàng, bốn tốt” được nhắc đến để cảnh giác chứ không phải để khen ngợi.

Ở đây quy luật bù trừ cũng thể hiện rất rõ: có phóng viên lười, tay nghề yếu, cả nể như đã nói ở trên thì cũng có những phóng viên lão luyện, yêu nghề, từng dày công làm nghiên cứu về lãnh vực đảm trách. Nên cho dù có gián đoạn, khi cần, các nhà báo chân chính này cùng các chuyên gia mà lúc nào cũng có sẵn, đã cho ra đời những bài báo thời sự về Biển Đông, vừa nóng hổi, vừa chỉn chu như yêu cầu của bạn đọc.

Bởi vậy, cách tốt nhất không phải là săm soi để bất kỳ bản đồ Việt Nam nào dù nhỏ xíu như con tem trên biểu trưng cũng phải có Hoàng Sa, Trường Sa – người viết báo có lòng tự trọng sẽ biết cách để bảo vệ chủ quyền của đất nước chứ không cần nhắc nhở. Cách tốt nhất là khuyến khích một môi trường hành nghề báo chí có cạnh tranh lành mạnh để phóng viên cũng phải theo quy luật đào thải và vươn lên như bất kỳ nghề nào khác.

Lúc đó những bài viết chỉ biết ăn theo thông cáo báo chí sẽ bị loại trừ, những bài viết sai lệch vì thiếu kiến thức chuyên môn sẽ bị vạch trần. Và chính trong môi trường đó, báo chí mới lấy lại được niềm tin của người dân; lúc đó mới hòng sử dụng báo chí để làm cầu nối đưa thông tin đến người dân như mong muốn.




Sẽ không còn tờ báo, chỉ còn bài báo

Sẽ không còn tờ báo, chỉ còn bài báo

Mới mấy năm trước, cũng nhân ngày nhà báo, anh em bàn tán chuyện báo in các nước đang lâm vào khủng hoảng rồi điểm mặt các tên tuổi lớn trong làng báo phải lần lượt đình bản hay chuyển sang làm phiên bản điện tử mà lo cho làng báo Việt Nam.

Nay không ngờ xu hướng độc giả rời bỏ báo in, chuyển sang đọc báo mạng đang diễn ra rất mạnh ở nước ta, mạnh và nhanh hơn dự báo của nhiều người. Có lẽ nguyên nhân vì tỉ lệ người sử dụng internet ở nước ta cao hơn hẳn các nước láng giềng như Thái Lan; cũng có lẽ tỉ lệ người sử dụng điện thoại thông minh ở mình tăng nhanh nhờ giá ngày càng rẻ, phí 3G cũng tạm ổn, các loại máy tính bảng ngày càng phổ biến.

Dù sao đi nữa, xu hướng này đang làm biến dạng làng báo theo những hướng bất ngờ.

Đó là với bạn đọc. Dường như họ không còn quan trọng hóa chuyện họ đọc tin từ báo nào nữa mà chỉ quan tâm tin nói cái gì. Điều này có nghĩa họ không vô từng trang chủ của từng tờ báo nữa; ví dụ họ quan tâm đến ông huấn luyện viên vừa đem chiến thắng về cho một đội bóng họ yêu thích, họ sẽ tìm tin tức liên quan đến ông này và sẽ đọc theo kết quả trả lại. Ngày nay, đa phần người đọc báo trực tuyến vào đọc tin bài theo giới thiệu, có thể là do bạn bè đưa đường dẫn trên mạng xã hội, có thể do trang tin tổng hợp dẫn tựa lôi cuốn...

Như vậy, đơn vị của làng báo không còn là tờ báo, không còn là cơ quan báo chí mà là từng bài báo - nói cách khác, trang chủ không còn đóng vai trò quan trọng như ngày xưa, từng trang tin là trang chủ hiểu theo nghĩa nó là lối vào của độc giả. Khả năng giữ chân họ không còn là tên tuổi tờ báo nữa mà là thông tin.

Nhìn ở góc độ nhà báo, tưởng đâu hiện tượng nói trên không quan trọng vì dù sao người đọc vẫn cần đến họ để đưa tin, dù dưới hình thức giấy hay điện tử, dù trên tờ này hay ở tờ khác.

Thật ra, xu hướng đó tác động đến cách các tờ báo chuẩn bị món ăn tinh thần cho độc giả. Nếu mỗi tin bài chỉ giữ chân họ được vài ba phút, thử hỏi làm sao các tòa soạn đầu tư cho các loạt bài công phu, các tuyến bài nhiều người thực hiện, các phóng sự cần nhiều thời gian và công sức. Từ đó mới hiểu vì sao báo lá cải, hay nói đúng hơn tin tức lá cải sinh sôi nảy nở, lấn chỗ tin bài nghiêm túc đến thế.

Xu hướng chuyển từ báo giấy qua báo mạng làm các tờ báo đang chới với vì mô hình kinh doanh chưa chuyển theo kịp. Nhà quảng cáo vẫn còn ở lại với báo giấy nhưng đã có dấu hiệu dợm chân bước đi. Một khi nhà quảng cáo được trao công cụ giúp họ đo lường được cái thông điệp họ tung ra đến mắt bao nhiêu người, họ là ai, có phải khách hàng tiềm năng không; một khi nhà quảng cáo được quyền lựa chọn chỉ quảng cáo đến những ai đang quan tâm đến sản phẩm của họ hay tương tự của họ - kết cuộc như thế nào cũng đã rõ.

Ở đây mạng lưới quảng cáo toàn cầu Google Adsense đang làm mưa làm gió và nó đang ngày đêm đẩy nhanh quá trình chuyển biến nói trên. Quảng cáo kiểu Google sẽ xuất hiện bất kể đó là trang tin của một tờ báo nổi tiếng có uy tín hay là trang chuyên đăng video hài hước hay blog cá nhân. Trong bối cảnh đó, phân biệt cho được tờ báo điện tử với trang tin điện tử là chuyện “bất khả” và chỉ mang tính hình thức cho vui mà thôi. Cho nên, khái niệm tờ báo dần nhường bước cho nội dung cụ thể là thế.


Do sự chuyển dịch nói trên, sự chuyên nghiệp của từng tờ báo không còn quan trọng bằng tính chuyên nghiệp của từng người viết. Sự dễ dàng đăng lên, rút xuống của báo mạng đang phá vỡ tính chuyên nghiệp đó. Sự cẩn trọng làm nên uy tín của nhiều nhà báo thế hệ trước giờ thiếu vắng ở các nhà báo chuyên viết cho báo điện tử - họ cứ nghĩ có gì sẽ sửa được liền. Câu chữ thì sửa được nhưng uy tín không sửa dễ dàng thế đâu!

AI - hype and reality

  AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...