Monday, March 8, 2021

Mua bán NFT là mua bán cái gì?

 Mua bán NFT là mua bán cái gì?

 

Với những nhà sưu tập các tác phẩm mỹ thuật, có lẽ niềm vui lớn nhất của họ là có quyền thoải mái nhìn ngắm, thậm chí sờ mó các bức danh họa, các bức tượng điêu khắc đang thuộc quyền sở hữu của họ. Thế nhưng với các tác phẩm kỹ thuật số như một bức tranh vẽ trên máy tính, một video clip quay bằng điện thoại, một đoạn phim hoạt hình châm biếm chỉ tồn tại trên không gian ảo thì sao?

Beeple là một họa sĩ kỹ thuật số như thế. Các bức biếm họa của anh hiện rất được ưa chuộng. Tài khoản Instagram của anh nơi anh thường công bố các tác phẩm mới có đến 1,8 triệu người theo dõi. Các bức vẽ của anh được chia sẻ rộng rãi, ai cũng có thể nhìn ngắm dù chỉ trên màn hình. Cứ tưởng anh này bó tay, không thể làm giàu nhờ tác phẩm của mình như các họa sĩ bình thường khác. Nhưng không, gần đây, anh nhờ tổ chức bán đấu giá, thu về 3,5 triệu đô-la, trong đó tác phẩm có giá cao nhất là 777.777 đô-la mang tên “Bộ sưu tập MF” là một file MP4 lần lượt trình chiếu mọi tác phẩm Beeple từng vẽ!





Bức Fix Kanye của Beeple.

Để hiểu được Beeple bán cái gì, chúng ta phải quay về đồng Bitcoin và công nghệ chuỗi khối (blockchain). Blockchain nói đơn giản là một cuốn sổ cái ghi lại mọi giao dịch, ai dùng bao nhiêu bitcoin mua gì, tiền bitcoin đó chuyển cho ai, đã ghi rồi thì không ai sửa được – mục đích sau cùng là để tránh chuyện một người có 1 đồng bitcoin mà cứ đem đi mua ở 100 nơi khác nhau. Cuốn sổ cái blockchain còn có thể dùng làm một cơ sở dữ liệu ghi nhận ai đang sở hữu tác phẩm mỹ thuật gì, sau đó tác phẩm này bán cho ai khác, giá bao nhiêu… Trong chức năng đầu, đồng bitcoin nào cũng như nhau, có thể thay thế cho nhau được nên gọi là “fungible token” còn trong chức năng sau, tác phẩm mỹ thuật là không thể thay thế, chỉ có duy nhất 1 cái nên được gọi là “non-fungible token” – thường được viết tắt là NFT. Người mua tác phẩm mỹ thuật của Beeple chính là mua cái NFT này, một dãy mã số mà nếu truy cập vào sẽ thấy một trang sổ cái y như một tờ giấy chứng nhận họ đang sở hữu tác phẩm tên gì đó của Beeple.

Đến đây ắt có người bảo thiên hạ điên cả rồi sao – tại sao bỏ những món tiền lớn mua về một cái vô nghĩa, thậm chí không phải là bản thân cái tác phẩm mỹ thuật kỹ thuật số kia mà chỉ là một loại giấy chứng nhận rằng anh ta đang sở hữu nó? Bất kỳ ai khác đều có thể có trong tay một tác phẩm y chang, không phải là tranh sao chép mà là bản sao không sai lệch cái bức tranh có thể có giá vài trăm ngàn đô-la. Biết làm sao được với tâm lý con người hiện đại sống trong thời đại kỹ thuật số; có thể đó là niềm vui, niềm hãnh diện được ghi nhận là người sở hữu tranh; cũng có thể đó là nhà đầu tư nhìn xa trông rộng, mua tranh khi giá còn thấp để chờ tranh lên giá bán lấy lời.

Mấy tháng qua, thị trường mua bán NFT rất nhộp nhịp. Một hình động vẽ con mèo đang bay, thân hình y như các nhân vật trong các trò chơi điện tử giai đoạn sơ khai bán được 580.000 đô-la. Điều đáng nói hình ảnh con mèo này đã phổ biến gần 10 năm nay cho đến khi tác giả quyết định đem bán trên chợ Foundation, một nơi chuyên mua bán hàng hóa kỹ thuật số, thu về một khoản tiền không tin nổi. Nên nhớ người mua không phải mua bản quyền hình ảnh động này, cũng không mua cái quyền sử dụng nó làm thương hiệu, nhãn hiệu gì cả – tất cả các quyền này vẫn còn thuộc về tác giả. Người mua chỉ mua được cái quyền tuyên bố anh ta là chủ sở hữu và phiên bản anh ta đang nắm giữ là phiên bản “gốc”.

Các món hàng NFT được báo chí đưa tin có thể kể một clip ngắn ngủn ghi cảnh cầu thủ bóng rổ LeBron James chặn thành công một cú bóng suýt vào rổ, giá 100.000 đô-la; một mẩu viết trên Tweeter của tỷ phú Mark Cuban, giá 952 đô-la; diễn viên Lindsay Lohan bán hình chụp khuôn mặt của cô giá 17.000 đô-la, người mua sau đó bán lại với giá 57.000 đô-la. Theo số liệu của tờ New York Times đưa ra, năm 2020 có tổng cộng 222.000 người tham gia mua bán các NFT với tổng trị giá 250 triệu đô-la, tăng gấp 4 lần so với năm 2019. Xin nhắc lại, người mua tranh, mua nhạc, mua video clip dạng NFT không phải là mua được bản quyền sử dụng nó; chẳng hạn mua một bản nhạc NFT về chỉ để nghe chứ không thể khai thác thương mại hóa nó, quyền này vẫn do tác giả nắm giữ.

Đánh hơi thấy tiềm năng to lớn của thị trường mua bán tác phẩm ảo này, nhà đấu giá Christie’s đã vào cuộc. Họ tổ chức bán tác phẩm NFT đầu tiên vào tháng 10-2020 và đang chào bán bức “Everydays: The First 5000 Days” của Beeple trong một cuộc đấu giá qua mạng kéo dài từ ngày 25-2 đến 11-3. Các nghệ sĩ tự họ cũng không thể tổ chức mua bán tác phẩm theo công nghệ blockchain này nên phải nhờ các chợ trung gian. Nổi bật có Nifty Gateway và MakersPlace trong đó Nifty Gateway được anh em nhà Winklevoss mua lại vào năm 2019. Hai anh em sinh đôi này nổi tiếng nhờ bộ phim The Social Network kể lại chuyện họ kiện Mark Zuckerberg mà họ cáo buộc đã đánh cắp ý tưởng làm Facebook của họ như thế nào.

Mua bán các tác phẩm mang tính sáng tạo cao như các bức tranh của Beeple thì lấy đâu ra nhiều hàng hóa để bán. Thế là người ta nghĩ ra các chiêu trò bán NFT rất kỳ lạ như CryptoPunks, bộ sưu tập 10.000 hình đầu người đủ cách đủ kiểu, không nhân vật nào giống nhân vật nào, vẽ như thời kỳ đầu của máy tính, như các loại game Mario hái nấm. Một người vừa trả 20.000 đô-la để mua một hình CryptoPunks như thế và theo CNBC, trong vòng 7 ngày qua thị trường mua bán hình CryptoPunks đạt mức 45,2 triệu đô-la. Bộ sưu tập CryptoKitties trong tuần qua tạo ra doanh thu gần nửa triệu đô-la. Người ta còn tạo ra các chợ độc đáo như NBA Top Shot, chuyên mua bán các video clip quay các cú bóng đẹp trong làng bóng rổ, tuần qua doanh thu lên đến 147,8 triệu đô-la.

 






Một số hình Cryptopunks, mỗi hình như thế đang được bán với giá trên 30.000 đô-la.

Độ nóng của thị trường mua bán NFT làm nhiều người lo ngại hiện tượng bong bóng đầu cơ đang tái diễn. Năm 2017 độ nóng của các đồng tiền mã hóa lúc đó đã dẫn tới hàng loạt vụ phát hành đồng tiền mã hóa lần đầu ra công chúng – ICO gây xôn xao báo chí và dư luận một thời gian dài. Đến nay hầu như tất cả các ICO này đã biến mất; nhiều dự án đã lừa đảo hàng chục triệu đô-la từ người nhẹ dạ. Nay cũng có nhiều dấu hiệu tương tự, như sự tham gia của nhiều nhân vật nổi tiếng tạo đà cho việc bơm giá.

Tuy nhiên cũng có người cho rằng công nghệ NFT sẽ giúp những nhà sáng tạo trong không gian ảo có phương tiện thương mại hóa sản phẩm sáng tạo của họ. NFT cho phép chuẩn hóa việc chứng nhận sở hữu số làm cho quyền sở hữu này vượt qua số phận của một công ty, một nhân vật hay một nền tảng. Một khi quyền sở hữu đã được ghi nhận vào blockchain, nó sẽ vĩnh viễn, không ai có thể giả mạo, chiếm đoạt hay tranh giành trừ phi người sở hữu bán lại cho người khác.

   

 



No comments:

Post a Comment

Cryptocurrency

  Phép thử tiền crypto   Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocur...