Saturday, March 13, 2021

Có hay không – “hậu báo chí”?

 Có hay không – “hậu báo chí”?

 

Hết “hậu sự thật” nay người ta đang nói về “hậu báo chí”. Có hay không cái khái niệm lạ đời này và vì sao nhiều nhà báo đòi từ bỏ các nguyên tắc khách quan, đa chiều của báo chí để đòi hỏi một loại báo chí đem lại công bằng, nhà báo phải là chiến binh thập tự chinh cho những điều họ tin là lẽ phải?

Theo Andrey Mir tác giả cuốn “Hậu báo chí và cái chết của báo” (2020), báo chí ngày xưa bán độc giả cho nhà quảng cáo thì nay các báo trong thời kỳ “hậu báo chí” bán độc giả cho công chúng. Báo chí truyền thống cố gắng tìm sự khách quan; cố gắng miêu tả thế giới như nó “đang là”. “Hậu báo chí” cố tình theo chủ quan; cố tình diễn tả thế giới như nó “phải là”. Một tờ báo theo mô hình “hậu báo chí” sẽ dựng tường lửa để dụ khách trả tiền và bước vào thế giới sau bức tường - trong thế giới này cái được bày biện không phải là tin tức mà chủ kiến, đúng sai đã phân định; phóng viên là nhà hoạt động cho một niềm tin nào đó. Báo chí ngày trước cần có những khách hàng hài lòng, vui vẻ, sẵn sàng mua sắm; báo chí ngày nay, theo Andrey Mir, cần tạo ra những người dân giận dữ, bất bình.

Nói cách khác, khi khóa bài buộc người đọc trả tiền mới được vào đọc, các báo không thể cạnh tranh bằng tin tức vì lượng thông tin trên thế giới là vô hạn, cung vượt xa cầu nên tin tức chạy theo người đọc chứ không phải người đọc chạy theo tin. Vì thế các báo phải bán một thứ khác – là niềm tin, là một sự đeo đuổi cho một cộng đồng những người cùng chia sẻ niềm tin này, sự đeo đuổi này. Andrey Mir nhận xét báo chí truyền thống mất 500 năm để xây dựng hoàn chỉnh mô hình bán độc giả cho nhà quảng cáo; Internet phá hủy mô hình đó trong vòng 20 năm nên “hậu báo chí” vẫn ở những bước sơ khai. Sự xung đột ở các báo, sự tranh cãi giữa các thế hệ làm báo, những xì-căng-đan sa thải nhà báo… tất cả đều là hệ quả của việc chuyển đổi mô hình trong giai đoạn ban đầu, tranh tối, tranh sáng.

*                           *                           *

Martin Gurri, trong một bài viết dài trên tờ City Journal đã dùng tờ New York Times như một ca điển hình chuyển đổi sang “hậu báo chí”. Tuy nhiên phân tích rất hấp dẫn của ông dựa vào cách New York Times đưa tin, viết bài về tổng thống Trump trong suốt 4 năm dài nên có thể không khách quan với nhiều người. Ở đây chỉ kể lại một chuyện mà lúc đó cũng có nhiều báo khác đưa tin đầy đủ: Tháng 8-2019, sau vụ nổ súng giết người hàng loạt làm 31 người chết, New York Times rút tít trên trang nhất: “Trump kêu gọi đoàn kết chống lại phân biệt chủng tộc” – một cái tít đưa tin bình thường, dù rất khuôn sáo nhưng không sai vì tin nhấn mạnh vào thông điệp trong bài phát biểu của Tổng thống Trump. Thế nhưng độc giả New York Times phẫn nộ, nhiều phóng viên lên mạng xã hội chê trách, nhiều giới trí thức buông lời “không tin được” và đòi hủy mua báo dài hạn. Cuối cùng New York Times phải đổi tít thành “Lên án sự thù hằn nhưng không lên án súng đạn”! Tức tường thuật phát biểu của Trump nhưng phải tìm ra một góc độ “phản kháng” cho đúng mong muốn của giới độc giả NYT thu tiền.

Lúc đó sự phản đối của giới phóng viên chịu ảnh hưởng của “hậu báo chí” dữ dội đến nỗi Tổng biên tập NYT là Dean Baquet phải tổ chức họp nhân viên, biên bản cuộc họp được tờ Slate đăng nguyên văn. Đây là cuộc họp đặt ra ranh giới diễn đạt – đâu là chuyện nói được, đâu là chuyện cấm kỵ trong một thời đại hậu khách quan, hậu sự thật, hậu báo chí. Tuy nhiên giới nhà báo kỳ cựu theo mô hình cũ của NYT vẫn còn nguyên đó và với họ mục ý kiến phải được miễn nhiễm, phải đặt bên ngoài vòng kềm tỏa của mô hình mới. Thế là bài “Đã đến lúc đưa quân đội vào” của Thượng nghị sĩ Tom Cotton xuất hiện, kêu gọi phải dùng biện pháp mạnh để vãn hồi trật tự sau các cuộc bạo loạn, đốt phá nhân cái chết của một người da đen dưới chân cảnh sát. Ngay lập tức, các phóng viên trẻ nổi loạn, viết thư ngỏ phản đối việc đăng bài ý kiến này và sau đó trưởng ban mục ý kiến, James Bennet phải ra đi.

*                           *                          *

Phân tích sự thăng trầm của mô hình kinh doanh mới của tờ New York Times thường xoáy vào hai chuyện: trước tiên tờ báo này đã thành công khi chuyển đổi từ chỗ dựa vào quảng cáo sang dựa vào lượng độc giả có trả tiền. Tính đến hết năm 2020, New York Times có 7,5 triệu người mua báo điện tử dài hạn, một kỷ lục chưa báo nào trên thế giới đạt được; con số này đã tăng gấp 7 lần so với 4 năm trước đó.  Chỉ tính riêng năm 2020, New York Times có thêm 2,3 triệu người mua báo điện tử dài hạn. Doanh thu bán báo điện tử năm 2020 là gần 600 triệu đô-la, bằng doanh thu bán báo giấy trong khi doanh thu từ quảng cáo sụt giảm mạnh còn gần 400 triệu đô-la.

Chuyện thứ nhì là sự thay đổi quan niệm làm báo. Trong một bài viết trên tờ Wall Street Journal mang tựa đề “Bi kịch của tờ Times”, Holman W. Jenkins, Jr. tóm tắt các phát biểu của tổng biên tập Baquet rằng ngày nay chính độc giả là người gây áp lực buộc báo phải đi theo một con đường nào đó; rằng các chủ bút hoài niệm cái thời doanh thu quảng cáo bảo vệ họ khỏi những áp lực như thế. Tác giả cho rằng có một nỗi hoài nghi ngày càng lan rộng rằng tờ Times xem nhiệm vụ của họ là áp đặt một “tự sự” cho thế giới chứ không phải lắng nghe xem thế giới kể chuyện gì. Một bài viết khác trên tờ New York Magazine cũng cho rằng mấy năm qua tờ Times ngày càng ít vô tư, trong khi ngày càng tung hoành như đang ở trong một cuộc thập tự chinh.

Khách quan hơn là tiếng nói của người trong cuộc – các phóng viên NYT viết ngay trên tờ báo của họ. Từ năm 2016, Jim Rutenberg đã phải viết: “Nếu bạn là phóng viên hành nghề và tin rằng Donald Trump là kẻ mị dân, kích động xu hướng phân biệt chủng tộc và dân tộc chủ nghĩa tệ hại nhất của đất nước… bạn biết đưa tin về ông ta như thế nào đây? Bởi nếu bạn tin như thế, bạn sẽ phải ném hết sách giáo khoa mà báo chí Mỹ đã sử dụng trong suốt nửa thế kỷ qua… Nếu bạn xem nhiệm kỳ tổng thống của Trump là một thứ có tiềm năng gây nguy hiểm, bài viết của bạn phải phản ánh chuyện đó. Bạn sẽ tiến gần hơn bao giờ hết thành một người đối lập”. Có lẽ tâm thế này giải thích cách NYT và nhiều tờ báo khác đưa tin về ông Trump trong suốt nhiệm kỳ.

Rõ hơn nữa là bài viết của Wesley Lowery vào giữa năm 2020 khẳng định các biên tập viên của báo không còn nắm giữ độc quyền xuất bản nữa trong bài “Định lại tính khách quan, do các nhà báo da đen dẫn dắt” đăng trên NYT. Anh này cho rằng lâu nay cái gì là sự thật khách quan chủ yếu do các phóng viên da trắng và các sếp da trắng quyết định. Nay anh kêu gọi hãy từ bỏ cái làm ra vẻ khách quan đó; phóng viên phải tập trung vào sự công bằng và nói lên sự thật, đến hết sức mình, dựa vào bối cảnh cho phép và các dữ kiện có sẵn. Bằng không từng phóng viên đều có khối lượng người đọc theo dõi trên mạng xã hội, cho phép họ nói chuyện thẳng với công chúng! Ngay chính tổng biên tập Baquet trong một bài trả lời phỏng vấn đã cho rằng tính khách quan “đã trở thành một bức biếm họa” – tốt hơn nên hướng đến các giá trị khác như sự công bằng, tính độc lập và sự đồng cảm.

*                           *                           *

Tuy nhiên để chứng minh có sự tồn tại của mô hình “hậu báo chí”, không thể chỉ dựa một mình vào tờ New York Times. Về đề tài này, tờ Economist đã nhắc đến nhiều tờ báo khác trong bài viết mang tựa đề “Vì sao tính khách quan trong báo chí trở thành vấn đề ý kiến”. Mới nhìn qua, tờ này viết, nguyên nhân trực tiếp là do vấn đề chủng tộc như hơn 150 nhân viên tờ Wall Street Journal ký lá thư ngỏ cho rằng họ thấy cách tờ báo của họ tường thuật đề tài chủng tộc là “có vấn đề”. Hơn 500 nhân sự tại tờ Washington Post ủng hộ yêu cầu “chiến đấu chống lại phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử”. Nhưng sâu xa hơn, cốt lõi của các cuộc tranh cãi này vẫn là về bản chất và mục đích của báo chí.

Một thế hệ nhà báo mới đang đặt câu hỏi, liệu khách quan có cần thiết không trong thế giới này. Lowery, nhà báo trẻ 30 tuổi đã có trong tay giải Pulitzer nay chuyển sang làm cho CBS News viết trên Twiter: “Báo chí ám ảnh bởi tính khách quan, nhìn cả hai phía là một thí nghiệm thất bại”. Hiệu trưởng trường đại học báo chí Columbia nói với sinh viên tính khách quan là một khẩu hiệu xưa cũ được thừa hưởng từ thế hệ trước.

Theo Economist, có bốn lý do giải thích cho việc báo chí từ bỏ tính khách quan, trong đó có lý do chìu lòng độc giả trả tiền như đã nói ở trên và sự xuất hiện của một nhân vật độc đáo Donald Trump làm mọi cách thức đưa tin cổ điển không còn hợp thời nữa. Lý do thứ ba là sự thay đổi thành phần của đội ngũ nhà báo, ngày càng có thêm người da màu và phụ nữ mà đi kèm với họ thường là các đề tài nóng như nữ quyền, tố cáo việc quấy rối tình dục, phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử. Cuối cùng là sự phổ biến lan truyền các mạng xã hội đã trao cho nhiều người chiếc micro không nằm trong sự kiểm soát của giới chủ bút nữa. Người đọc đắm mình trong mạng xã hội dày đặc ý kiến của phe này phe kia khi đọc báo cũng đòi hỏi tờ báo của mình phải như thế hoặc đi tìm các tờ báo cùng tiếng nói sôi nổi như thế.

Nhìn một cách khách quan (lại khách quan!), không nên gán các khái niệm đao to búa lớn kiểu “hậu sự thật”, “hậu báo chí” cho một xu hướng mới trong làng báo. Thế nhưng việc chuyển đổi sang làm hài lòng người đọc để giữ chân họ lại là có thật ở nhiều mức độ khác nhau. Với những tờ chưa thu được tiền từ người đọc mà chỉ có thể đếm “click” để thu tiền quảng cáo do Google Adsense bán hộ, đó có thể là các tít “treo đầu dê bán thịt chó” câu view, các loại tin bài đánh vào thị hiếu bản năng của con người như tình, tù, tội, tiền. Với các tờ đang dựng tường lửa bắt người đọc trả tiền, có tờ khai thác thế mạnh “độc quyền thông tin” như các tờ chuyên ngành Wall Street Journal, Financial Times, Economist; có tờ kêu gọi sự đóng góp của độc giả như The Guardian, Vox. Với các tờ đại chúng như New York Times, áp lực viết theo kỳ vọng của độc giả để họ tiếp tục trả tiền thay cho nhà quảng cáo là có thật và họ đang phải trả giá.

Chỉ mong sau những năm đầy biến động như vừa qua, giới làm báo sẽ quay về giá trị truyền thống như nhà báo Tom Rosenstiel viết: “Nếu nhà báo thay thế việc hiểu sai về tính khách quan bằng cách trốn vào chốn chủ quan rồi nghĩ ý kiến của họ có sự công chính đạo đức cao hơn mọi sự tìm hiểu thật sự thì nền báo chí sẽ bị đánh mất”.

(Bài đã đăng tại đây


No comments:

Post a Comment

Cryptocurrency

  Phép thử tiền crypto   Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocur...