Tuesday, December 24, 2013

Thẩm quyền

Thẩm quyền

Giả dụ bạn không phải là thành viên của một hội đoàn nào đó nhưng bỗng dưng bị bắt nộp hội phí hay đoàn phí, có lẽ chẳng ai chịu nộp tiền một cách phi lý như vậy. Giả thử tiếp các tổ chức hay doanh nghiệp không có hoạt động của hội đoàn này bên trong tổ chức hay doanh nghiệp của mình nhưng lại bị buộc phải nộp hội phí hay đoàn phí thì sự phi lý càng bị nhân lên bội lần.

Thế nhưng theo Nghị định 191 vừa mới ban hành vào cuối tháng trước, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế không phân biệt là đã có hay chưa có tổ chức công đoàn cơ sở vẫn phải nộp kinh phí công đoàn. Thử tưởng tượng một doanh nghiệp siêu nhỏ chỉ có 5, 7 công nhân nên không thành lập công đoàn cơ sở mà người chủ vẫn phải trích 2% quỹ lương để đóng phí công đoàn thì làm sao thuyết phục được họ (quỹ lương ở đây là quỹ lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động). Hay một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong năm đầu tiên hoạt động chưa tổ chức công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp của mình vì nhiều lý do, nay bắt nhà đầu tư phải trích 2% quỹ lương để nộp công đoàn phí, làm sao giải thích cho họ hiểu và chấp nhận nộp?

Nghị định 191 nói việc đóng kinh phí công đoàn này là dựa vào quy định tại khoản 2, điều 26 Luật Công đoàn. Nhưng khoản 2, điều 26 chỉ ghi: “Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động” chứ đâu quy định là buộc các nơi chưa thành lập công đoàn nộp công đoàn phí?

Theo Luật Công đoàn, “công đoàn được thành lập trên cơ sở tự nguyện” do đó vẫn có thể suy ra tại nhiều doanh nghiệp, người lao động tự nguyện không thành lập công đoàn là chuyện bình thường. Và một khi họ đã không thành lập công đoàn, làm sao bắt họ nộp kinh phí công đoàn cho được - đây là một quy định phi lý cần chỉnh sửa lại ngay. Điều này càng rõ hơn với hình thức hợp tác xã, nơi xã viên có sự bình đẳng với nhau chứ không phải dưới hình thức chủ-thợ nên hoạt động công đoàn hầu như không cần thiết và không phù hợp. Thế nhưng hợp tác xã, đơn vị vũ trang nhân dân đều là đối tượng phải nộp công đoàn phí bất kể có hay không có tổ chức công đoàn!

Chúng ta phải dự kiến trước những tình huống theo yêu cầu của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là công nhân có quyền tổ chức công đoàn của họ, lúc đó lại càng không thể bắt giới chủ nộp công đoàn phí theo như quy định tại Nghị định 191.

Trong thực tế, trước đây các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải nộp 1% quỹ lương cho kinh phí công đoàn; kể từ khi Luật Công đoàn có hiệu lực từ đầu năm 2013, tỷ lệ này được nâng lên thành 2% và đã gặp nhiều sự phản đối từ các nhà đầu tư. Nay buộc cả doanh nghiệp không có tổ chức công đoàn mà vẫn phải nộp 2% thì càng khó hơn. Và trong thực tế, một phần kinh phí công đoàn thường được để lại cho công đoàn cơ sở; nay không có công đoàn cơ sở thì để cho ai? Nộp hết thì càng phi lý hơn.

Thiết nghĩ kinh phí công đoàn thuộc thẩm quyền quyết định của người lao động với nhau và với công đoàn cấp trên chứ không phải thuộc thẩm quyền hành chính. Nên rành mạch chỗ này mới thuyết phục được nhà đầu tư.

*                      *                      *

Theo một quy định vừa có hiệu lực của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì phụ nữ không được làm một số công việc, chủ yếu là loại công việc nặng nhọc, độc hại như “khoan thăm dò, khoan nổ mìn bắn mìn” hay “cậy bẩy đá trên núi”... Đây là một ý định tốt đẹp nhằm bảo vệ phụ nữ nói chung hay phụ nữ có thai hay đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Tuy nhiên, theo phản ảnh của báo chí, trong hàng triệu lao động nữ, có rất nhiều trường hợp đang làm đúng trong 77 loại công việc bị cấm làm này, chẳng hạn “khai thác tổ yến”, “mang vác trên 50 ki lô gam”, “vận hành máy hồ, máy nhuộm”...

Khi cấm sử dụng lao động nữ trong những công việc này (từ ngày 15-12-2013) tức sẽ có nhiều người bị mất việc đột ngột. Giới chủ nếu tiếp tục giao phụ nữ làm những công việc này ắt sẽ ép tiền công xuống để bù trừ rủi ro bị phạt. Như vậy một chính sách dù tốt đẹp nhưng dẫn đến những hệ quả không mong muốn thì phải cân nhắc để điều chỉnh bằng không chuyện tốt đẹp đâu chưa thấy, lại thấy bất lợi thêm cho phụ nữ.


Về mặt ban hành văn bản pháp luật, Thông tư 26 này là dựa vào điều 160 Bộ luật Lao động năm 2012. Tuy nhiên, điều 160 có yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành danh mục các công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh đẻ và nuôi con sau khi đã phối hợp với Bộ Y tế. Trong khi đó, Thông tư 26 không có dòng nào nói là đã thực hiện công đoạn phối hợp với Bộ Y tế nên không rõ căn cứ khoa học để bộ ban hành thông tư là đã rõ ràng chưa. Với những văn bản liên quan đến bình đẳng nam nữ như thế này, ắt cũng phải có ý kiến của những người trong cuộc là phụ nữ và đại diện của họ.

Sunday, December 22, 2013

Tuyển sinh đại học bằng SAT?

Thi tuyển đại học bằng bài thi SAT?

Khi mới có tin Bộ Giáo dục & Đào tạo sẽ thay đổi cách thức tuyển sinh đại học từ chỗ thi chung, dùng đề chung, sử dụng kết quả chung nay thành tự tổ chức thi, khá nhiều ý kiến nêu SAT như một dạng đề thi mà trường sẽ sử dụng, như Đại học quốc gia Hà Nội chẳng hạn.

Thiết nghĩ nên bình tĩnh tìm hiểu loại bài thi này để khỏi đi từ thái cực này sang thái cực khác, gây khổ cho học sinh.

SATđúng là bài thi mà nhiều trường đại học ở Mỹ (chứ không phải tất cả) sử dụng kết quả để làm một trong nhiều tiêu chí tuyển chọn sinh viên. Nhưng khác biệt lớn nhất cần phải nói ngay là tinh thần bài thi SAT khác xa tinh thần bài thi tuyển sinh ở Việt Nam. SAT nhằm kiểm tra xem học sinh có đủ năng lực tư duy lô-gích, năng lực đọc hiểu và năng lực diễn đạt để theo học các chương trình đại học. Nó không nhằm đánh giá học sinh theo thang bậc từ giỏi đến dở như các kỳ thi đại học ở Việt Nam. Một bên xem bài thi là phép thử đủ hay chưa đủ chuẩn làm sinh viên; một bên là đặt ra rào chắn để học sinh đua nhau xem ai vượt được vũ môn, bước chân được vào giảng đường. Một bên thi bất kể nội dung học; một bên thi theo kiểu học gì hỏi nấy, nhiều lúc ở mức độ lắt léo. Tinh thần khác nhau thế nên nội dung bài thi, cách học, cách chuẩn bị khác xa nhau.

Về nội dung, chắc hẳn không có chuyện dùng bài thi SAT bằng tiếng Anh (vì khả năng tiếng Anh của đa số học sinh không đủ đáp ứng) cũng chẳng có chuyện dịch nguyên xi sang tiếng Việt để học sinh thi vì như thế thì đề thi sẽ rất ngớ ngẩn. Biên soạn lại thì e rằng phải vượt qua một số trở ngại: đầu tiên là người duyệt đề sẽ cho rằng mức độ như thế là quá dễ (?). Một bên đã quen với các câu hỏi kiến thức rất sâu sẽ không thể nào chấp nhận loại đề thi chỉ kiểm tra xem học sinh hiểu đúng một từ nào đó hay không. Một bên đã quen với việc yêu cầu học sinh viết những bài luận dài, phân tích những góc cạnh khác nhau của một tác phẩm sẽ chê đề thi chỉ bắt học sinh lập luận sao cho thuyết phục, bất kể lập trường của học sinh.

Nếu vượt qua được trở ngại này có nghĩa giáo dục Việt Nam đã tiến được một bước dài trong nhận thức về mục tiêu đào tạo thì lúc đó chuyện tuyển sinh đại học chỉ là chuyện nhỏ!

Cứ soạn thử một câu hỏi kiểu SAT xem sao:

Câu trích: “Thật buồn cho nhân tình thế thái” – người đàn ông than thở - “Ngày xưa tôi chăm lo cho cô ấy đến thế mà giờ khi đã giàu có, cô ta ngó lơ khi tôi ngã bệnh”.

Câu hỏi: Hãy chọn từ nào bạn cho là gần nghĩa nhất với từ “nhân tình thế thái” trong câu trên: a) người tình tên Thế Thái; b) vợ nhỏ; c) bồ nhí; d) thói đời.

Gạt chuyện đùa qua một bên, giả thử kiểm tra như thế này thật (thay vì yêu cầu học sinh viết về “chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thơ Tố Hữu” hay “thiên nhiên trong thơ Nguyễn Khuyến”) có lẽ chất lượng đại học sẽ được nâng lên một bước vì nó tác động ngược trở lại bắt các em học sinh đọc hiểu đàng hoàng hơn chứ không còn học vẹt. Dùng cách kiểm tra này nhà trường phổ thông sẽ phải quan niệm lại cách dạy, các tác phẩm được chọn vào chương trình chỉ là công cụ, cái quan trọng là trang bị cho học sinh các kỹ năng đọc hiểu sâu, biết được khi nào tác giả dùng giọng văn mỉa mai, châm biếm, lúc nào dùng lập luận theo kiểu đánh lừa… Các em sẽ biết sử dụng ngòi bút để trình bày quan điểm và thuyết phục người nghe đồng ý với quan điểm đó. Tất cả những kỹ năng này hiện nay sinh viên còn rất yếu, thậm chí thiếu vắng hoàn toàn.

Trở ngại thứ hai là để bài thi như SAT có tác dụng tuyển sinh, phải chấp nhận thay đổi rất nhiều thói quen đã trở thành nếp khó thay đổi: thí sinh có thể thi SAT bất kỳ lúc nào trong năm vì như Mỹ mỗi năm tổ chức thi SAT đến bảy lần; thí sinh cũng có thể thi SAT bất kể đang học lớp 10, 11 hay 12. Vì thế kiến thức học có thể không trùng khớp với kiến thức thi; cái trùng khớp chỉ là phương cách học và những kỹ năng mong muốn học sinh có được sau khi học xong phổ thông. Giả thử áp dụng sai, học sinh lơ là chuyện học chính khóa, dùng thì giờ chỉ để luyện thi SAT thì coi như hỏng.

Trở ngại thứ ba là nơi biên soạn đề, tổ chức thi và chấm thi. SAT hiện do một tổ chức tư nhân phi lợi nhuận đảm trách (College Board) nhưng thi thì tại các trung tâm mà trung tâm cũng thường là trường phổ thông do chính ban giám hiệu quản lý đề nhận về, giáo viên trong trường coi thi rồi cũng do trường niêm phong bài gởi đi chấm. Ôi chỉ mới hình dung đến đây đã thấy vô vàn khe hở khó lòng áp dụng đại trà tại Việt Nam. Từng trường ra đề kiểu SAT thì chắc chắn không khả thi vì thiếu tính quy mô kinh tế.

Từ đó mới thấy, giả thử Bộ Giáo dục & Đào tạo vẫn giữ kỳ thi chung, đề chung, kết quả chung nhưng kèm theo nhiều cải tiến, biết đâu phương án mới này vừa khắc phục các điểm yếu của “ba chung” mà lại không quay về lập lại các điểm yếu của tự tổ chức tuyển sinh một thời rất bát nháo.

Đó là Bộ tổ chức một Cục Khảo thí tương tư như College Board, tuyển người giỏi soạn đề kiểu SAT thật sự, công khai các dạng đề cho học sinh chuẩn bị, tổ chức thi và chấm thi nghiêm túc dựa vào mạng lưới các trường có uy tín. Ngoài SAT chung còn các kỳ thi dựa vào kiểu mẫu SAT từng môn để giúp các trường đại học tuyển đúng chuyên ngành. Mỗi năm tổ chức nhiều lần thi, kết quả có giá trị lâu dài. Các trường đại học chỉ việc sử dụng kết quả mà thí sinh nộp để xét tuyển kèm theo các yêu cầu khác như phỏng vấn, viết bài luận... Cục Khảo thí sẽ tính lệ phí thi cao nhưng miễn giảm cho học sinh gia đình khó khăn để tự trang trải, không phụ thuộc vào ngân sách.

Nhìn chung, cải tiến việc tuyển sinh đại học là việc nên làm nhưng nên nhân dịp này cải tiến đến nơi đến chốn chứ không nên từ cách làm này chuyển thành cách làm khác rồi quay trở lại cách làm cũ chứ bản chất là không cải tiến gì cả.




------------


Giới thiệu sách: Đường link đến các sách ebook vừa tái bản:

Tám chuy
n tiếng Anh (Smashwords), (Amazon), (Alezaa)
Ti
ếng Anh lý thú (Smashwords), (Amazon), (Alezaa) 
Chuy
n ch & nghĩa (Smashwords), (Amazon), (Alezaa)

Saturday, December 21, 2013

Bitcoin - 1

Bitcoin là gì?
Trước khi tìm hiểu đồng tiền ảo Bitcoin mà giá trị có lúc gần bằng 1 ounce vàng là gì, có lẽ cần nhớ lại bối cảnh tình hình kinh tế thế giới năm 2008, năm Bitcoin chuẩn bị ra đời. Năm 2008, khủng hoảng tài chính thế giới nổ ra ở Mỹ bắt nguồn từ lòng tham của giới ngân hàng cho vay bừa bãi lại đẻ ra các sản phẩm tài chính đầy rủi ro. Ngay sau đó chính phủ các nước, nhất là nước Mỹ đã đổ ra hàng trăm, hàng ngàn tỷ đô-la để cứu hệ thống tài chính mà thực chất là cứu các ngân hàng khỏi sụp đổ. Dù bằng phương tiện nào, đồng tiền in ra để cứu hệ thống ngân hàng cũng là đồng tiền đóng thuế của người dân.
Nhu cầu cho một đồng tiền ảo
Cộng đồng tin học, nhất là cộng đồng những người làm trong ngành mã hóa, thường là những người theo chủ thuyết tự do, họ phản đối bất kỳ hình thức kiểm soát nào của chính quyền. Bối cảnh khủng hoảng tài chính nói trên càng làm họ chống đối vai trò của chính phủ và một trong những ước mơ của họ là sáng chế ra một đồng tiền ảo, tránh được mọi sự kiểm soát của nhà nước, trở thành một phương tiện giao dịch trong cộng đồng với nhau, không chịu chia sẻ lệ phí cho nhà băng nào, không phải trừ phần trăm hoa hồng cho bên phát hành thẻ tín dụng nào.
Ngày 1-11-2008, một nhân vật trước đó chưa ai nghe tên là Satoshi Nakamoto đã đưa lên mạng cộng đồng mã hóa một bài nghiên cứu, miêu tả cách thức tổ chức, vận hành của một đồng tiền ảo như thế dưới cái tên Bitcoin.
Trước đó mọi nỗ lực tung ra đồng tiền ảo đều thất bại và một trong những lý do là tình trạng một đồng bị người chủ sử dụng nhiều lần. Tiền ảo là thông tin, chạy tự do trên Internet thì lấy gì để ngăn chận một người tiêu đi tiêu lại cùng một đồng anh ta có được. Cách duy nhất là mọi giao dịch phải thông qua một tổ chức trung gian có nhiệm vụ xác nhận giao dịch và ghi nhận đồng tiền đó đã tiêu vào việc đó. Nhưng như thế cũng đồng nghĩa với việc thừa nhận một dạng ngân hàng trung ương kiểm soát mọi giao dịch và ý nghĩa của đồng tiền ảo xem như bị triệt tiêu.
Sáng kiến của Satoshi Nakamoto là thay vì một tổ chức thứ ba, anh đề nghị mọi giao dịch đều ghi vào một cuốn sổ cái, sổ này ai tham gia cũng giữ một bản chứ không giao cho tổ chức riêng lẻ nào. Cuốn sổ cái này gọi là “block chain” (nay dung lượng đã lên đến trên 11GB mà người nào tham gia mua bán Bitcoin đều phải tải về máy) sẽ được cập nhật 10 phút một lần. Cộng đồng những người làm mã hóa sẽ tự nguyện tham gia cập nhật các giao dịch bằng cách chạy một phần mềm chuyên dụng, đổi lại họ sẽ được thưởng bitcoin, nhờ thế đồng bitcoin sẽ sinh sôi nảy nở (quy trình này gọi là khai mỏ - mining).
Để đồng tiền không sinh ra quá nhanh, đã có những quy định được đặt ra. Ghi nhận các giao dịch vào sổ cái là chuyện đơn giản, để tương xứng với việc thưởng bitcoin cho người tham gia ghi lại các giao dịch, máy tính của họ phải đồng thời giải các bài toán phức tạp gắn với các giao dịch này, ai giải được và ghi nhận thành công sau mỗi 10 phút sẽ được thưởng 50 bitcoin. Càng nhiều người tham gia thì mức độ phức tạp của các bài toán sẽ tự động tăng lên. Ngoài ra, phần thưởng sẽ bị cắt còn một nửa cứ sau mỗi 210.000 lần thưởng, cho nên lúc đầu cứ 10 phút có 50 bitcoin được tạo ra nhưng từ cuối năm trước chỉ còn 25 bitcoin. Dự tính đến năm 2017 chỉ còn 12,5 bitcoin và cuối cùng đến năm 2140, đồng tiền ảo này sẽ đạt giới hạn đỉnh của nó, ở mức 21 triệu bitcoin, sau đó coi như không có thêm bitcoin nào nữa. Cho đến nay đã có 11 triệu bitcoin được lưu hành, trị giá trên 13 tỷ đô-la Mỹ!
Thiên thời địa lợi
Satoshi Nakamoto tự đẻ ra 50 bitcoin đầu tiên vào ngày 3-1-2009. Trong năm đầu tiên, hầu như không ai chú ý đến nó nhưng dần dần người ta nhận ra tầm quan trọng của nó. Bitcoin không phụ thuộc vào giới tài phiệt, cuốn sổ cái sẽ giúp loại trừ gian lận, việc tăng cung tiền đã được định trước chứ không như đồng tiền thật, chính phủ nào muốn in bao nhiêu đưa vào lưu thông cũng được, không ai một mình mà kiểm soát được nó, mọi giao dịch đều phải công khai nhưng lại dưới dạng thông tin mã hóa nên hầu như không tiết lộ danh tính của người sở hữu. Ngày 22-5-2010, Laszlo Hanyecz trở thành người đầu tiên dùng 10.000 bitcoin để mua hai chiếc bánh pizza trị giá 25 đô-la (nay tương đương với 12 triệu đô-la!).
Đến tháng 2-2011, khi đã có trên 5 triệu bitcoin được tạo ra, trị giá của nó lần đầu tiên lên bằng 1 đô-la Mỹ. Giá bitcoin từ đó dần dần tăng lên, đầu năm 2013 là 15 đô-la và đến tháng 11-2013 thì tăng vọt, đầu tháng chỉ mới chừng 200 đô-la/1 bitcoin thì đến cuối tháng đã lên đến 1.242 đô-la/ 1 bitcoin. Nay nó lại giảm còn một nửa.
Sự bùng nổ giá trị đồng bitcoin được cho là do nhiều yếu tố. Đầu tiên là do báo chí – các bài báo liên tục đưa tin về bitcoin làm mọi người tò mò, ai cũng muốn sở hữu thử vài đồng bitcoin cho biết. Thứ hai là giao dịch bitcoin giai đoạn đầu bùng nổ nhờ mạng lưới mua bán tân dược trái phép và ma túy qua mạng – mua bằng bitcoin thì yên tâm không ai biết, chẳng ai hay. Thứ ba là sự thừa nhận của một số giới chức có thẩm quyền như Bộ Tài chính Đức công nhận Bitcoin là một đơn vị kế toán (1 trong 3 chức năng của tiền tệ). Gần đây nhất là việc Thượng viện Mỹ nghe điều trần về nó và nhiều giới chức tài chính kể cả Chủ tịch Fed Ben Bernanke cho rằng nó có tiềm năng là đồng tiền ảo của tương lai.
Nhưng chính giới đầu cơ, kể cả dân Trung Quốc đang tìm cách chuyển tiền bí mật ra nước ngoài, mới là yếu tố đẩy giá Bitcoin lên nhanh như hiện nay. Đầu cơ Bitcoin đến từ hai phía. Thứ nhất là mua Bitcoin để trông chờ nó lên giá và bán lại để hưởng lợi. Hiện nay dân Trung Quốc chiếm 62% khối lượng giao dịch bitcoin toàn cầu (chính quyền Trung Quốc một mặt cho rằng khó lòng thừa nhận bitcoin như một loại công cụ tài chính hợp pháp trong tương lai gần, mặt khác lại cho phép người dân mua bán bitcoin thoải mái). Có thể thoạt tiên cộng đồng tin học khi sinh ra Bitcoin không nghĩ đến ngày chính giới tài phiệt lại nhảy vào sử dụng Bitcoin để làm công cụ kiếm ăn. Anh em nhà Winklevoss, nổi tiếng nhờ vụ tranh chấp với Mark  Zuckerberg về chuyện ai đẻ ra ý tưởng làm Facebook, nay là dân đầu cơ bitcoin chuyên nghiệp. Họ cho rằng giá bitcoin còn tăng cả trăm lần nữa và đã nộp đơn xin phép thành lập quỹ tín thác bitcoin đầu tiên của thế giới. Họ đã bỏ ra 11 triệu đô-la mua bitcoin khi giá còn ở dưới mức 200 đô-la.
Giới thứ hai là dân “khai mỏ”bitcoin chuyên nghiệp. Trước đây cộng đồng tin học chỉ dùng máy tính bình thường để làm việc ghi nhận giao dịch vào sổ cái. Nay đã có cuộc chạy đua trang bị máy ngày càng mạnh để khai thác bitcoin, trong đó dân chơi trang bị cả dàn máy chuyên dụng, đắt tiền, chạy suốt 24/24. Năng lực tính toán của tất cả các máy tham gia chuyện này nay đã gấp 100 lần 500 siêu máy tính mạnh nhất thế giới. Dân “khai mỏ” cho biết đầu tư kiểu này giờ đây không còn có lãi nữa trừ phi tìm được nguồn điện miễn phí hay giá cực rẻ.
Ngoài ra ăn theo bitcoin còn có hàng ngàn trang web lập ra để chuyên mua bán bitcoin qua mạng, loại này ở Việt Nam cũng đã có khá nhiều. Cũng có những trang web bán công cụ phái sinh dựa vào sự lên xuống của giá bitcoin. Nói chung làn sóng đầu cơ đang sôi nổi và chưa có dấu hiệu sụp đổ, bất kể giá cả của nó lên xuống bất thường với độ giao động cực lớn, bất kể những cảnh báo của các nhà kinh tế và những tờ báo lớn. Tương lai của Bitcoin như thế nào, chưa ai biết. Nhưng chắc chắn chúng ta sẽ còn phải nghe đến nó nhiều trong năm nay và năm tới.


Bí ẩn chung quanh cha đẻ Bitcoin
Nhiều người nay đồng ý nhân vật được xem là cha đẻ bitcoin - Satoshi Nakamoto không phải là một con người thật (Satoshi tiếng Nhật có nghĩa là khôn ngoan). Có người cho rằng đây là một cách viết tắt tên bốn tập đoàn công nghệ (SAmsung, TOSHIba, NAKAmichi, and MOTOrola); có người cho rằng đây là một nhóm người, có thể là của Google hay của Cơ quan An ninh Quốc gia của Mỹ. Các phỏng đoán này dựa trên sự tinh vi của cơ chế Bitcoin mà một người khó lòng nghĩ ra; những ai liên lạc với Satoshi qua email đều được hồi đáp nhưng cứ hai tuần mới trả lời một lần bằng thứ tiếng Anh hoàn hảo. Ngày 5-12-2010  khi cộng đồng bitcoin kêu gọi Wikileaks chấp nhận tiền quyên góp bằng bitcoin, Satoshi can ngăn, với lập luận rằng dự án phải được phát triển dần dần để hoàn thiện phần mềm chứ làm người ta chú ý quá thì sẽ sớm giết chết nó. Bảy ngày sau anh ta biến mất, không để lại một dấu vết nào nữa. Thế nhưng bitcoin đã bắt đầu cuộc sống riêng của nó bất kể Satoshi.


--------------------

Giới thiệu sách: Đường link đến các sách ebook vừa tái bản:

Tám chuyn tiếng Anh (
Smashwords), (Amazon), (Alezaa)
Tiếng Anh lý thú (
Smashwords), (Amazon), (Alezaa) 
Chuyn ch & nghĩa (
Smashwords), (Amazon), (Alezaa)

Monday, December 16, 2013

Công bằng trong hội nhập?

Công bằng trong hội nhập?

Trước khi bàn chuyện hội nhập cũng như tham gia các hiệp định thương mại tự do như TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương), có lẽ phải giới thiệu cơ cấu giá của hai sản phẩm tiêu biểu cho rõ cái cơ chế thương mại và đầu tư toàn cầu trước đã.

Theo thông tin của tờ BusinessWeek, một chiếc quần jeans có giá bán lẻ tại một cửa hàng ở Anh là 22,12 đô-la thì tiền công cắt may, kể cả chi phí điện nước, mặt bằng của nơi gia công chỉ là 90 xu! Trong khi đó, nơi bán lẻ hưởng đến 10,5 đô-la. Thậm chí, bên trung gian, nơi nhận đơn hàng rồi tìm chỗ gia công cũng hưởng đến 4,33 đô-la (tính cả phí vận chuyển).  

Ở một loại sản phẩm khác là chiếc máy nghe nhạc iPod, giá bán lẻ là 299 đô-la thì nơi gia công lắp ráp sau cùng là Trung Quốc chỉ được 4 đô-la. Hãng Apple hưởng được phần lớn nhất là 80 đô-la mặc dù không đụng tay vào khâu sản xuất nào.

Người viết không có con số chi tiết tiền công may chiếc áo sơ mi xuất khẩu hay tiền công lắp ráp chiếc điện thoại thông minh cho Samsung tại Việt Nam nhưng có lẽ tỷ lệ cũng gần như hai trường hợp ở trên.

Có thể rút ra những điều gì từ các con số này?

Trước hết hoàn toàn không có sự công bằng nào trong việc phân định miếng bánh toàn cầu hóa cho các nước thành viên. Đó là một thực tế và cho đến nay nếu chấp nhận tham gia cuộc chơi thì phải chấp nhận thực tế này. Không thể tranh cãi vì sao công nhân chúng tôi đổ mồ hôi công sức như thế mà chỉ được chia phần như thế, vì sao các ông không đụng tay đụng chân, chỉ tốn nước bọt làm trung gian mà hưởng nhiều thế! Toàn cầu hóa đã buộc các nước như Việt Nam phải cạnh tranh khốc liệt với nhiều nước khác để giành lấy các hợp đồng gia công hàng may mặc, để thu hút được dòng chảy vốn đầu tư mặc dù phần nhận được không đáng kể. Vẫn có hàng chục nơi khác sẵn sàng nhận gia công với giá thấp đó nếu chúng ta không đồng ý.

Thứ hai các nước giàu sử dụng quyền sở hữu trí tuệ để bảo đảm phần bánh của họ luôn là độc quyền, luôn là phần lớn nhất. Tài sản trí tuệ đó có thể là bản vẽ một kiểu áo thời trang mới nhất, là thiết kế chiếc máy nghe nhạc, là giải pháp cho một sản phẩm tài chính giao dịch qua điện thoại di động... Tính độc quyền các tài sản trí tuệ giúp người chủ sở hữu có thể định giá cao mà không chịu sức ép cạnh tranh.

Vừa qua Wikileaks đã tiết lộ một phần nội dung dự thảo Hiệp định TPP có liên quan đến sở hữu trí tuệ và phần được tiết lộ càng khẳng định nguyên tắc nói trên. Ví dụ các hãng dược phẩm vận động mạnh để các nước thành viên như Mỹ đòi hỏi quyền tái đăng ký quyền sở hữu trí tuệ một loại biệt dược sắp hết hạn bản quyền nhờ một số bổ sung nhỏ như thay đổi hình thức đóng gói chẳng hạn. Điều này làm các nước nghèo phải bỏ ra nhiều tiền hơn để mua thuốc mặc dù họ đã có khả năng sản xuất thuốc tương tự nếu không bị ràng buộc bởi quyền sở hữu trí tuệ.

Và điều quan trọng nhất, thương thảo các hiệp định thương mại tự do (FTA) không phải là thương lượng phần bánh được chia nhiều hay ít. Dù có hay không có FTA giữa hai nước thì phần hưởng được của mỗi nước sẽ không thay đổi. Điều đó là chắc chắn bởi đó là lợi ích của các doanh nghiệp từng nước, không ai có thể dàn xếp để tăng hay giảm được. Bản chất của các FTA là giúp một nước có khả năng cạnh tranh tốt hơn với một nước khác nhờ lợi thế về thuế hay các rào cản khác. Ví dụ nếu giữa Hà Lan và Việt Nam có một FTA (cứ giả định như thế) thì khi cạnh tranh giành quyền gia công hàng may mặc cho thị trường Hà Lan, Việt Nam sẽ có lợi thế hơn Bangladesh là nước chưa có FTA với Hà Lan (cũng cứ giả định thế) nên phải chịu thuế suất nhập khẩu cao hơn.

TPP nếu được ký kết giữa Việt Nam và 11 nước khác sẽ giúp hàng may mặc hay hàng giày da của Việt Nam xuất vào Mỹ chẳng hạn tăng lên là nhờ thuế suất của Mỹ đánh lên hàng nhập từ Việt Nam sẽ giảm hẳn. Ngược lại hàng Mỹ nhập vào Việt Nam sẽ cạnh tranh tốt hơn hàng của Đức vì thuế của Việt Nam dành cho hàng nhập từ Mỹ cũng giảm mạnh. Vấn đề của thương lượng, do đó, là cân nhắc giữa cái được và cái thiệt, để tìm ra điểm cân bằng tốt nhất cho Việt Nam.

Trên bình diện trong một nước với nhau, cũng diễn ra tình trạng cạnh tranh để chiếm lấy phần bánh lớn nhất trong miếng bánh nhỏ xíu được chia. Ở đây hiện đang có sự chuẩn bị khá sôi động của giới đầu tư nước ngoài muốn khai thác những cơ hội mà TPP sẽ đem lại. Trong 90 xu tiền công cắt may, dù sao giới đầu tư nhà máy gia công vẫn được lãi một khoản nào đó. Giới đầu tư nước ngoài sẽ nhảy vào để tìm cơ hội từ khoản này, cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp trong nước. Họ có những lợi thế như là công ty con của bên trung gian, là công ty tiêu thụ vải hay nguyên liệu khác cùng chuỗi cung ứng, là nơi hiểu rõ cách làm ăn của bên đi gia công... Tất cả những yếu tố này là điều mà lẽ ra doanh nghiệp trong nước phải chuẩn bị - để gọi là đón đầu TPP.

Điều nghịch lý là trong thương lượng, các nước phát triển vừa cố gắng chiếm ưu thế trong các công cụ giúp họ củng cố phần bánh lớn như sở hữu trí tuệ, lại vừa tìm mọi cách để doanh nghiệp họ khi đầu tư vào các nước đang phát triển lại được hưởng những ưu đãi khác. Đến lượt mình các doanh nghiệp FDI này lại cạnh tranh với doanh nghiệp nước sở tại để tiếp tục hưởng lợi từ phần bánh của nước đang phát triển.

Vấn đề là các nước đang phát triển hầu như không có sự chọn lựa nào khác: nếu không mở cửa giao thương, nếu không ký các hiệp định thương mại tự do, thì có thể nhà đầu tư nước ngoài không được hưởng gì nhưng chắc chắn doanh nghiệp nội địa cũng chẳng có cơ hội mới nào cả. Lúc đó họ lại phải cạnh tranh với nhau để giành lấy 90 xu tiền gia công nói ở đầu bài.






Sunday, December 15, 2013

Tỷ giá và người nghèo

Tỷ giá và người nghèo

Hai gia đình ở sát nhau nhưng hoàn cảnh khác nhau. Gia đình ông A dành dụm được chừng 2 tỷ đồng, dự trù sang năm cho con đi du học ở nước ngoài. Gia đình ông B nghèo hơn chỉ tiết kiệm được 20 triệu đồng, cũng dự trù sang năm dùng nó cho con đi học đại học tư trong nước. Cả hai gởi tiền vào ngân hàng vì năm đó lãi suất đang rất cao, chừng 20%/năm. Năm sau, tiền ông A lên thành 2,4 tỷ đồng, tiền ông B lên thành 24 triệu đồng.

Cả năm đó tỷ giá hầu như không thay đổi nên ông A đổi được thành 100.000 đô-la cho con đi du học mà vẫn dư ra một khoản lớn; còn trường con ông B vì học phí tính bằng tiền đồng nên đã điều chỉnh theo lạm phát, học phí thay vì 20 triệu đồng nay đã tăng lên thành 30 triệu đồng làm ông B méo mặt vì hụt một khoản không nhỏ đối với ông.

Câu chuyện ở trên chỉ là giả định với những con số cố ý làm tròn cho dễ hình dung. Trong bối cảnh con số thống kê ở Việt Nam bị chê là thiếu tin cậy, tốt nhất là dùng cách “tính rợ” của dân gian. Tính nhẩm kiểu như trên cũng cho ta thấy: khi lạm phát cao mà tỷ giá không điều chỉnh theo tương ứng thì cái tỷ giá đó có lợi cho những ai có liên quan đến ngoại tệ và có hại cho những ai chỉ biết dùng tiền đồng.

Gia đình ông C chuyên ăn thịt bò ngoại nhập dù đắt hơn thịt bò trong nước. Năm trước ổng bỏ ra 350.000 đồng mua một ký thịt bò Úc trong khi gia đình ông D chỉ phải bỏ ra 300.000 đồng mua thịt bò dưới quê. Qua một năm, đồng bạc mất giá, giá thịt bò trong nước lên thành 350.000 đồng trong khi đó vì tỷ giá hầu như không thay đổi, dân nhập thịt bò Úc vẫn giữ nguyên giá bán 350.000 đồng. Nay coi như ông C lợi hơn ông D vì trả cùng giá như nhau mà được ăn thịt bò ngoại; ông D cũng không dại, bèn chuyển sang mua bò Úc luôn – thế là thị trường bò trong nước ngày càng tiêu điều vì không cạnh tranh nổi.

Ví dụ thứ nhì cho thấy vì sao nhiều chuyên gia kinh tế nói chính sách tỷ giá đang làm sản xuất trong nước ngày càng kiệt quệ, không cạnh tranh nổi với hàng ngoại nhập. Cứ thử làm những phép tính tương tự, sẽ thấy không một mặt hàng nào, từ đường, sữa đến cả cây tăm mà cạnh tranh nổi với hàng nhập khẩu cùng loại nếu năm nào lạm phát cũng cao mà tỷ giá vẫn được giữ hầu như cố định. Nhìn cách khác, có thể nói lạm phát làm chi phí sản xuất ở Việt Nam tăng lên quá nhanh làm lần lượt nhiều mặt hàng mất tính cạnh tranh với hàng nhập khẩu.

Bây giờ chúng ta nhìn vào bức tranh ngược lại để xem tình hình này tác động như thế nào với những người hoạt động xuất khẩu. Giả dụ năm này ông nông dân E bán gạo cho công ty xuất khẩu với giá 21.000 đồng/ký, tức chừng 1 USD/ký (lấy con số giả định cho dể hình dung). Một năm sau đó, ông vẫn phải bán với cùng giá này vì giá thế giới không đổi, tỷ giá không đổi. Trong năm đó, chỉ số giá tiêu dùng trong nước tăng khoảng 25%, tức giá cả tăng thêm chừng một phần tư trong khi thu nhập ông E không đổi. Biểu sao gia đình ông ngày không một nghèo thêm, bởi chỉ số giá tăng chừng đó mà chi phí cho y tế và giáo dục thường tăng vọt cao hơn nhiều lần.

Công nhân và nhân viên làm cho nhà nước cũng nghèo như nông dân nhưng dù sao hàng năm lương còn được điều chỉnh theo sự trượt giá của đồng tiền. Còn nông dân, trừ phi bán sản phẩm cho thị trường nội địa, nếu cứ bám theo thị trường xuất khẩu, sẽ chịu thiệt thòi, nhất là khi giá nông sản thế giới lại giảm.

Nói như thế không có nghĩa cổ xúy cho việc phá giá đồng tiền; dân ta mỗi khi nghe hai chữ phá giá lại càng lo ngại, lại tác động mạnh lên lạm phát, hóa ra lợi bất cập hại. Điều dễ làm nhất, mà cũng là chủ trương được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, là điều chỉnh tỷ giá danh nghĩa sao cho linh hoạt, từng ngày, từng tuần chứ không phải tự nhiên làm một lần cho gây sốc. Nói cách khác tỷ giá thật đang cho thấy tiền đồng đã và đang tăng giá so với đô-la Mỹ, cần điều chỉnh tỷ giá danh nghĩa để tỷ giá trở về đúng giá thật của nó. Vấn đề là nói linh hoạt nhưng dường như ai cũng quên, có lẽ vì để nguyên tỷ giá như thế có lợi cho người có tiền, người sử dụng nhiều hàng nhập, nhất là người nợ nước ngoài nhiều. Thêm nữa, tỷ giá giữ nguyên trong khi lạm phát cao tạo ra một ảo tưởng là thu nhập đầu người tính bằng đô-la Mỹ đang tăng nhanh, làm mọi người an tâm rằng tình hình phát triển kinh tế đang tốt đẹp.

Tình hình cứ như thế này, ông H sẽ mua được xe hơi nhập từ Nhật. Giá nay còn cao nhưng thu nhập ông H đang tăng dần theo sự mất giá của tiền đồng. Cứ đợi thêm một thời gian, lấy mớ tiền đồng mà thực chất giá trị sử dụng chưa bằng một phần so với những năm trước, đổi sang đô-la (được bảo đảm tỷ giá “ổn định”), ông H sẽ có đủ tiền đô mua xe như  ông A cho con đi du học mà có lẽ vẫn còn dư kha khá.

###




Thursday, December 12, 2013

Chúng ta vừa giàu hẳn lên!

Chúng ta vừa giàu hẳn lên!

Năm ngoái mỗi người trong chúng ta đều giàu thêm chừng 150 đô-la Mỹ mà ít ai biết. Còn ai ở TPHCM thì thu nhập năm ngoái bỗng tăng thêm 400 đô-la Mỹ. Sở dĩ có điều lạ này là vì Tổng cục Thống kê (TCTK) có hai thay đổi quan trọng.



Nhân tiện giới thiệu luôn bài "Chuyện lương giám đốc":

http://www.thesaigontimes.vn/Home/diendan/goctoasoan/107112/Chuyen-luong-giam-doc.html

Tuesday, December 10, 2013

Chuyện vỉa hè

Chuyện vỉa hè
Kinh tế vỉa hè là một bộ phận rất quan trọng của nền kinh tế phi chính thức. Một số nghiên cứu trước đây cho rằng kinh tế phi chính thức, hiện bằng chừng 30% nền kinh tế chính thức, đóng vai trò là tấm bình phong che chắn bão tố, là tấm đệm giảm nhẹ những cơn khủng hoảng dội vào Việt Nam.
Các bạn ở nước ngoài thường nói, bên đó mà thất nghiệp thì dễ rơi vào khủng hoảng (nếu không có những dạng an sinh xã hội khác nhau). Bên mình, thất nghiệp nhiều, khó khăn cũng nhiều nhưng dù sao tình trạng bức bối cũng giảm nhẹ nhờ tham gia vào nền kinh tế phi chính thức (mà phương tiện thường là chiếc xe gắn máy đang bị một số ý kiến đòi dẹp). Thất bại trong kinh doanh chính  thức, người ta có thể ra vỉa hè buôn gánh bán bưng để sống đắp đổi qua ngày.
Nếu không có kinh tế vỉa hè, xã hội này phải đối diện với biến bao bất ổn, tệ nạn và xáo động.
Thế nhưng chính quyền các thành phố lớn dường như không hiểu; họ cứ đòi dẹp kinh tế vỉa hè mà thực chất chỉ dẹp kẻ cô thế, người gánh hàng rong.
Họ không chịu hiểu người dân đang tự xoay xở để sống và nhờ vậy họ bớt đi nhiều gánh nặng phải lo toan. Thế mà thỉnh thoảng cứ có những chiến dịch dẹp buôn bán lòng đường vỉa hè. Tại sao không tổ chức cho người ta buôn bán trong một chừng mực trật tự nhất định. Ngay cả ở New York vẫn có xe đẩy bán hotdog, vẫn có sạp báo vỉa hè. Ở Tokyo vẫn có những đường phố, chiều xuống, người ta cấm xe, để dân mua bán tràn xuống đường giao dịch thoải mái.
Đáng tiếc là các trường đại học kinh tế không ai chịu làm những nghiên cứu về kinh tế vỉa hè để tham mưu chính sách đúng đắn cho chính quyền. Tất cả đều xem số phận của người dân nghèo như con ve cái kiến, ưa đè bẹp lúc nào cũng được.

*                      *                      *
Nói chuyện nghiệp vụ báo chí, nhiều bạn thắc mắc, hai tin gần đây của tờ Tuổi Trẻ về vụ người bán hàng rong bị lực lượng trật tự đô thị phường 25 quận Bình Thạnh đánh (gồm tin “Lực lượng ủy ban phường không đánh người bán hàng rong” và tin “Nếu bị bóp yết hầu, người bán hàng rong đã chết”) có khách quan không, sao có vẻ như báo dành diện tích cho ông chủ tịch phường thanh minh quá nhiều.
Theo tôi, khi làm tin thì nhân vật phát biểu sao báo phải đưa như thế. Dù mình bức xúc gì đi nữa cũng không thể nhảy vào tin để bình luận, phê phán.
Tuy nhiên, hai tin trên báo Tuổi Trẻ có những thiếu sót về mặt nghiệp vụ, nên góp ý cho phóng viên. Tin đầu tiên khẳng định trên tít (Lực lượng ủy ban phường không đánh người bán hàng rong) mà không nói rõ ai nói, không để trong ngoặc kép là không được, không khách quan. Cả hai tin đều trích lời ông chủ tịch nói về một người thứ ba là anh Tính, người bán hàng rong mà không có câu nào phỏng vấn anh này cả là không sòng phẳng. Cho dù có dùng chấm hỏi để bày tỏ sự nghi ngờ phát biểu của ông chủ tịch cũng chưa đủ, lẽ ra phải cho người bán hàng rong hay ít nhất cũng là nhân chứng lên tiếng.
Cả hai tin đều đưa ra những chi tiết mà không làm rõ những chi tiết này là thiếu sót lớn. Đó là khi viết câu: “Ông Quý cũng cho hay tổ công tác đã dùng còng số 8 còng tay anh Tình, khống chế anh này để không tấn công tổ công tác nữa và đưa lên xe của UBND P.25” thì lẽ ra phóng viên phải đặt vấn đề, lực lượng trật tự đô thị hay bảo vệ dân phố có quyền sử dụng còng để còng tay công dân hay không, họ có quyền bắt giữ công dân để đưa về phường khi công dân không phạm tội quả tang nào hết là có đúng luật không.
Chi cần bổ sung chi tiết này và lời phát biểu của một nhân vật có thẩm quyền nào đó thì tin mới hoàn chỉnh và không tạo sự phản cảm ở người đọc. Bởi nói cho cùng làm báo là để đi đến cùng sự thật, trong đó tiếng nói người yếu thế phải được tôn trọng, phải được lắng nghe như tiếng nói của quan chức – bằng không làm báo để làm gì.
(Thêm các chi tiết phải làm rõ)
Phản ứng của quan chức mỗi khi có sự cố gì xảy ra là tìm mọi cách biến báo để chạy tội cho bản thân hay chạy tội cho cấp dưới. Do đâu mà có phản ứng này?
Lấy ví dụ ông chủ tịch phường 25 quận Bình Thạnh, lúc xảy ra vụ việc liên quan đến một người bán hàng rong được nhân chứng cho là bị lực lượng trật tự đô thị phường đánh, chắc ông không có mặt. Vậy thì khi nghe nhân chứng (có cả ảnh chụp) tố cáo thì cứ từ từ tìm hiểu để nhân đó chấn chỉnh lại nhân viên của mình (người quản lý nào cũng phải ứng xử như vậy). Vì sao ông này (theo báo Tuổi Trẻ) khẳng định lực lượng này của phường không đánh người bán hàng rong.
Tuy nhiên chính trong bản tin chối tội đó, có những chi tiết khẳng định cái sai của ông chủ tịch theo kiểu bất chấp pháp luật rất nguy hiểm. Đó là chi tiết “Phía UBND phường 25 đã yêu cầu bệnh viện cho xem giấy chứng thương của anh Tình khi anh này nhập viện để chữa trị vào tối 6-12”. Sao họ không hiểu hồ sơ bệnh án là thông tin riêng tư được pháp luật bảo vệ, UBND phường có quyền gì yêu cầu bệnh viện đưa cho xem; vì sao bệnh viện cũng dại dột nghe theo mà không biết bảo vệ quyền của bệnh nhân. Có lẽ cái tâm lý coi thường người nghèo, người thất thế đã lan rộng.
Chi tiết thứ nhì: “phía UBND phường 25 đã đề nghị Công an phường 25 vào cuộc điều tra, đồng thời mời cho được anh Tình để làm rõ vụ việc nêu trên”. Vì sao họ nghĩ chuyện “mời” công dân lên để làm việc là chuyện đơn giản và dễ dàng như thế?

*                      *                      *
Viết thêm một mẩu nữa về chuyện trật tự đô thị và bán hàng rong cho đỡ sự bức xúc. Ông chủ tịch phường cứ bao biện cho đội trật tự đô thị và bảo vệ dân phố rằng họ chỉ tịch thu chiếc xe của người bán hàng rong thôi chứ không đánh vì  “Nếu nhân viên đó mà bóp đúng vào huyệt yết hầu trên cổ anh Tình thì anh này đã chết rồi”!
Ít ai để ý đến chuyện liệu đội trật tự đô thị và bảo vệ dân phố hay thậm chí chủ tịch phường có quyền tịch thu tài sản của ai không? Liệu nhìn cảnh các đội này tịch thu bàn ghế, xe cộ, cả quang gánh của những người bán hàng rong từng diễn ra khá thường xuyên, có ai đặt câu hỏi, làm gì họ có quyền tịch thu tài sản của công dân?
Sở dĩ nói như vậy bởi có lẽ ai cũng còn nhớ khi được hỏi vì sao không tịch thu xe đua, đã có quan chức nói không có luật nào cho phép họ tịch thu xe dù xe đó được đem ra đua trái phép. Lúc đó đã có nhiều ý kiến tranh cãi gay gắt, yêu cầu phải sửa quy định để áp dụng biện pháp tịch thu phương tiện đua xe mới làm do dân đua xe sợ. Nhớ lại những lập luận lúc đó mà buồn:
-           Bộ luật Dân sự quy định rõ, quyền sở hữu là bất biến, đó là nguyên tắc tối cao.
-           Cơ quan công an không có quyền tịch thu, tiêu hủy xe, kể cả khi đó là phương tiện đua xe trái phép. Muốn tịch thu xe phải có phán quyết của toà án.
-           Vân vân và vân vân...
Thế mà tịch thu cái bàn, chiếc ghế, gánh hàng rong thì chẳng thấy ông luật sư hay đại biểu Quốc hội nào lên tiếng.
Phải khẳng định không ai được quyền tịch thu tài sản của công dân trừ phi có lệnh của tòa án.
Và cho dù có quyền tịch thu tài sản đi chăng nữa, cũng phải làm đàng hoàng, tức là ghi biên bản, có nhân chứng, có ghi hiện trạng tài sản, có niêm phong... Tại sao với dân nghèo, ai muốn làm gì thì làm?
Với những ai lập luận phải giữ kỷ cương để duy trì trật tự mỹ quan đô thị - chính cái cảnh xô đẩy, ném đồ của dân lên xe thùng mới là mất mỹ quan. Giả dụ có đồng tình với việc giải tỏa vỉa hè đi chăng nữa, tại sao không làm việc một cách văn minh, lịch sự, có lập biên bản và phạt nặng để họ sợ mà không lấn chiếm vỉa hè. Vì sao lại quẳng quật tài sản của dân một cách trái luật? Cho nên nói cách nào cũng sai lè ra cả. Tôi nghĩ chúng ta phải lên tiếng buộc chủ tịch phường phải xin lỗi người dân và cấp trên của ông ta phải lo mà chấn chỉnh cách làm việc của các đội trật tự đô thị. 


Saturday, December 7, 2013

Ứng xử thế nào với thực phẩm chức năng?

Ứng xử thế nào với thực phẩm chức năng?
Trước khi thử nhìn vào các vấn đề đặt ra (như có cho phép bác sĩ kê toa thực phẩm chức năng hay không) từ một cuộc hội thảo về thực phẩm chức năng được tổ chức vào cuối tuần trước, có lẽ phải cùng nhau khẳng định một số thực tế liên quan đến loại sản phẩm đặc biệt này.
Đó là luật lệ hiện nay cho phép quảng cáo thực phẩm chức năng nhưng phải ghi kèm câu “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”, chữ viết phải bảo đảm cỡ chữ Times New Roman 14. Dù đã có quy định rõ ràng như thế, nó vẫn bị vi phạm nhiều, chủ yếu là lập lờ nhằm để người đọc hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc chữa được những chứng bệnh, thậm chí là nan y.  Khảo sát người dùng, chắc chắn đa phần tin thực phẩm chức năng có giúp giảm cholesterol, hạ huyết áp, làm hết cơn chóng mặt... thì họ mới chịu bỏ tiền ra mua bởi vì đa số đắt hơn thuốc nhiều. Trong khi thuốc kê đơn bị cấm quảng cáo, trong bối cảnh người Việt lại có thói quen tự mua “thuốc” về để tự điều trị thì không lạ gì thực phẩm chức năng bán đầy các tiệm thuốc tây, lại chiếm vị trí trang trọng, diện tích lớn; quảng cáo thực phẩm chức năng mà cố ý làm cho người xem người nghe tưởng lầm nó là thuốc chữa bệnh lại tràn ngập các kênh truyền hình, các trang báo.
Bên cạnh đó, mặc dù hiện nay bác sĩ không được kê đơn thực phẩm chức năng nhưng việc tư vấn cho bệnh nhân mua thực phẩm chức năng như một dạng thuốc tây diễn ra thường xuyên ở các phòng khám dưới nhiều hình thức khác nhau. Nhiều toa thuốc hay giấy ghi kèm toa thuốc lên đến hàng triệu đồng chủ yếu là do có kèm thực phẩm chức năng đắt tiền. Đó là bởi các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm chức năng tìm mọi cách để các bác sĩ là người trung gian đưa sản phẩm của họ đến người dùng, kể cả tư vấn trên báo chí, trích hoa hồng giới thiệu thật cao...
Trong bối cảnh đó tổ chức hội thảo về thực phẩm chức năng để giúp mọi người hiểu rõ hơn về nó, để giới quản lý tìm cách quản lý nó tốt hơn là điều nên làm, nên khuyến khích. Tuy nhiên thiết nghĩ điểm mấu chốt đối với thực phẩm chức năng hiện nay ít nhất là tuân thủ những quy định đã có sẵn, kể cả về quảng cáo và cấm bác sĩ kê toa và không nên đưa ra những thông tin có thể làm người tiêu dùng hiểu nhầm thêm về thực phẩm chức năng. Những cách nói như kiểu chia người ta ra thành ba loại, “người khôn”, “người ngu” và “người dốt” với hàm ý người nào biết dùng thực phẩm chức năng để phòng bệnh mới là khôn ngoan là coi thường người tiêu dùng, là quảng bá một cách áp đặt cho thực phẩm chức năng.
Tương tự, khi một quan chức y tế tuyên bố tại hội thảo “bản thân chúng tôi một ngày cũng sử dụng 3 đến 4 loại” thì người đó đã làm sai chức trách một quan chức của ngành y tế, trong khi lẽ ra phải giữ cho mình một sự khách quan cần thiết, nhất là đối với những vấn đề chưa có kết luận sau cùng. Bởi một phát biểu như thế tại diễn đàn hội thảo có thể bị hiểu nhầm là quảng bá cho thực phẩm chức năng, tạo thêm sự hiểu nhầm ở người dùng.  
Khi được hỏi ở Úc hay nói chung ở nước ngoài, bác sĩ có được quyền kê toa thực phẩm chức năng cho bệnh nhân không, thực phẩm chức năng có được phép quảng cáo theo kiểu "chữa được bệnh tim mạch, cao huyết áp, giảm cholesterol" không và quan chức y tế nước ngoài có thể nào phát biểu tôi cũng dùng thực phẩm chức năng không thì GS Nguyễn Văn Tuấn thuộc viện Garvan, Đại học New South Wales của Úc khẳng định KHÔNG cho cả ba ý. Ông nói thêm “Bác sĩ không kê toa, không quảng bá cho mấy cái gọi là thực phẩm chức năng; công ty không được quảng cáo quá đà; bất cứ cái gì liên quan đến sức khoẻ, phải có câu ‘tư vấn thêm với bác sĩ’”.
Mới đầu tháng 11-2013, tờ New York Times đã có bài cho biết theo một nghiên cứu mới đây của Canada, khảo sát 44 loại “thuốc” ở dạng thực phẩm chức năng đang bán chạy nhất thị trường, nhiều loại không có chất như quảng cáo, hoặc có ở liều lượng rất thấp hoặc bị thay thế bởi bột đậu nành, bột mì hay bột gạo. Lẽ  ra hội thảo phải cung cấp những thông tin như thế thay vì có nhiều phát biểu quảng bá thêm cho thực phẩm chức năng, vận động cho bác sĩ được quyền kê toa thực phẩm chức năng và biến nó thành một gánh nặng cho bệnh nhân chứ không phải là chất bổ sung giúp tăng cường sức khỏe cho họ. Một yếu tố khác mà giới quản lý cũng phải tính đến là thực phẩm chức năng hiện là sản phẩm chủ lực của nhiều dạng kinh doanh đa cấp, đang lôi kéo nhiều người vào vòng xoáy của phương thức kinh doanh gây nhiều tranh cãi này.


Friday, December 6, 2013

Lại chuyện GDP

Lại chuyện GDP

Hôm qua nhiều người bất ngờ khi nghe báo chí đưa tin GDP đầu người nước ta tăng 23% trong năm 2013, họ bảo trừ phi dân số nước ta giảm mạnh chứ làm gì ra con số 23% này!!! (Đấy là họ nói đùa vậy thôi).

Ở đây có một số điểm mà các bạn phóng viên trẻ có thể rút kinh nghiệm:

Thứ nhất, tăng trưởng GDP là đã khử lạm phát; ví dụ nói GDP năm nay tăng 5,4% là đã loại trừ yếu tố tăng giá rồi.

Thứ hai, GDP đầu người lại thường được tính theo GDP danh nghĩa, tức chưa khử lạm phát. Cho nên nếu một năm nào đó, lạm phát lên đến 25% cộng thêm tăng trưởng GDP 5% nữa (giả định dân số không tăng và tỷ giá không thay đổi cho đơn giản) thì năm đó GDP đầu người tính theo USD sẽ tăng vọt 30%.

Nhưng năm 2013, GDP ước tăng trưởng 5,4%, lạm phát 7%, dân số tăng khoảng 1%, tỷ giá hầu như không đổi thì GDP đầu người sẽ chỉ tăng DƯỚI 12%, không thể lên đến 23% được.

HÓA RA, hôm qua người ta chỉ công bố con số GDP danh nghĩa ước tính là 176 tỷ USD, GDP đầu người ước tính 1.960 USD chứ không ai nói nó tăng 23% cả. Con số tăng 23% là do báo chí tự lấy GDP đầu người được công bố năm 2012 rồi tự tính toán. Tính toán như vậy cũng tốt, làm báo là phải vậy.

Nhưng khổ nổi các phóng viên lại quên một chi tiết quan trọng. Năm 2012 Tổng cục Thống kê có thông tư quyết định chuyển năm cơ sở trong các tính toán thông kê từ năm 1994 qua thành năm 2010. Việc đó tác động đến toàn bộ các số liệu thống kê trong những năm vừa qua. Ngoài ra, nghe đâu người ta còn điều chỉnh GDP danh nghĩa thêm một khoản rất lớn (gần 300.000 tỷ đồng) vì các lý do khác nữa. Tóm lại, không thể lấy con số năm ngoái so với con số năm nay rồi kết luận nó tăng 23% vì con số năm ngoái nay đã thay đổi.

Số liệu chính thức của Tổng cục Thống kê cho thấy rõ điều này:

Theo Niên giám thống kê năm 2011 thì GDP theo giá hiện hành là:
2009: 1.658.389 tỷ đồng
2010: 1.980.914 tỷ đồng
2011: 2.535.008 tỷ đồng

Thế mà đến Niên giám thống kê năm 2012 thì GDP theo giá hiện hành nay là:
2009: 1.809.149 tỷ đồng
2010: 2.157.828 tỷ đồng
2011: 2.779.880 tỷ đồng

Đó là nói về giá hiện hành chứ không phải giá so sánh. Nó tăng rõ ràng như thế đấy.
Nguồn: http://gso.gov.vn/default.aspx?tabid=512&idmid=5&ItemID=13760)

Còn năm 2012, lúc đầu thì Tổng cục Thống kê nói GDP theo giá hiện hành (nominal) là 2.950.684 tỷ đồng. Nay nó đã tăng lên thành 3.245.419 tỷ đồng.

Niên giám thống kê 2012 cũng cho biết GDP đầu người năm 2012 là 1.749 USD. Như vậy tính ra GDP đầu người năm 2013 chỉ tăng 12%, chứ đâu có chuyện tăng 23%.

Như vậy, từ câu chuyện nói trên có thể đưa ra một số nhận xét:
-          Mình mà về nhà nói với vợ, thu nhập chúng ta năm nay tăng 23% so với năm ngoái (tính bằng đô-la Mỹ đấy nhé) thì chắc chắn sẽ bị ăn đòn. Kể cả nói với hàng xóm, nói với các bà buôn gánh bán bưng, các ông chạy xem ôn thì càng bị đòn nhiều hơn nữa.
-          Số liệu thống kê ở Việt Nam thay đổi như chong chóng. Rất dễ bị nhầm.
-          Thế giới cũng bị nhầm theo, cứ tưởng thu nhập đầu người dân Việt Nam đang tăng nhanh; hèn gì các tổ chức thế giới như WB hay IMF hết lời khen ngợi.

-          Chính sách tỷ giá đang có hại cho người nghèo, làm lợi cho người giàu (chuyện này sẽ viết sau).

Sunday, December 1, 2013

Tự xuất bản – tại sao không?

Tự xuất bản – tại sao không?
Thấy thiên hạ tại các nước đua nhau tự xuất bản sách dạng ebook trên Amazon, tôi tự nhủ sao mình không thử xem sao. Quá trình tự xuất bản sách này có nhiều điều đáng chia sẻ.
Muốn xuất bản dĩ nhiên đầu tiên bạn phải có bản thảo sách. Tôi đã từng xuất bản ba cuốn sách về tiếng Anh theo dạng in trên giấy truyền thống, gồm "Chuyện chữ & nghĩa", NXB Trẻ năm 1997; "Tiếng Anh lý thú", NXB TPHCM năm 2000 và "Tiếng Anh theo dòng thời sự", NXB Trẻ năm 2008. Nay thử tái bản chúng theo dạng ebook xem sao. Cũng may, cuốn thứ ba vẫn còn lưu file nên khỏi đánh máy trở lại. Hai cuốn đầu in đã lâu nên không còn file, phải nhờ dịch vụ vi tính gõ lại từ đầu.
Sau đó là chọn nơi xuất bản. Có lẽ ai cũng biết Amazon (kdp.amazon.com), vừa là nơi bán sách, vừa là nơi giúp tác giả tự xuất bản sách điện tử để đọc trên thiết bị Kindle của họ. Một địa chỉ khác cũng khá phổ biến là Smashwords (www.smashwords.com). Ở Việt Nam hiện đã có nhiều nơi bán sách điện tử như Alezaa (alezaa.com) hay Ybook (ybook.vn) nhưng tất cả đều chưa có hệ thống giúp tác giả xuất bản sản tự động. Với Amazon hay Smashwords, quá trình xuất bản là hoàn toàn tự động, các bạn không cần phải gởi email liên lạc với ai, không cần nói chuyện bằng tiếng Anh với ai cả. Dĩ nhiên sách của bạn phải đáp ứng một số điều kiện do các nơi này đặt ra.
Điều kiện đầu tiên là định dạng (format) sách cuốn sách bạn sắp xuất bản. Lưu ý nguyên tắc đầu tiên là đơn giản, đơn giản và đơn giản. Càng đơn giản chừng nào càng dễ được chấp nhận chừng đó. Lấy ví dụ, sách điện tử được đọc trên đủ loại thiết bị, to có nhỏ có nên chắc chắn không có chuyện đánh số trang (thiết bị sẽ tự động gán số trang tùy theo kích cỡ màn hình); không có chuyện trình bày tên sách hay tên tác giả dưới chân mỗi trang hay trên đầu các trang. Font chữ càng ít càng tốt, co chữ lớn nhất (dù là tựa sách) cũng chỉ được đến 18.
Smashwords có cho phép các tác giả tải về cuốn hướng dẫn định dạng sách ebook mà bất kỳ ai muốn tự xuất bản đều phải đọc qua. Sách hướng dẫn khá dày nhưng nhìn chung cũng đơn giản với những quy tắc như không được dùng tab để thụt vào đầu dòng mỗi đoạn, không được nhấn enter (nhằm để xuống dòng) quá bốn lần (vì như thế sẽ tạo ra một trang trắng)... Sách không nên dùng các định dạng đặc biệt như đầu mỗi chương dùng chữ lớn (drop cap), gióng thẳng hàng các dòng chữ bằng bảng (table)... Việc tách bạch giữa các đoạn phải dùng chức năng tùy chỉnh của Word chứ không được làm thủ công.
Có lẽ các bạn đều đã biết sách điện tử có nhiều định dạng. Phổ biến nhất là epub (để đọc trên phần mềm iBooks mà máy iPad thường sử dụng) hay mobi, prc (để đọc trên máy Kindle hay phần mềm Kindle chạy trên nền Android, iOS...). Một ít người thích đọc ở dạng pdf hay dạng html. Sách Kindle mua trên Amazon thì thường có đuôi là azw. Vậy làm sao bạn có thể chuyển bản thảo sang đủ loại định dạng này?
Điều may mắn là bạn không cần làm gì hết. Với Smashwords, bạn chỉ cần chuẩn bị một file Word và một file ảnh bìa (jpg); với Amazon, bạn nên chuẩn bị file html (có sẵn trên Word, khi chọn Save as), hai nơi này sau đó sẽ tự động chuyển đổi sang mọi định dạng cho bạn. Ảnh bìa nên nhờ người có tay nghề trình bày cho đẹp, kích cỡ 1600x2400 pixels. Với Smashwords thì các file tải về không có khóa (có nghĩa dễ bị tung lên mạng cho sao chép chùa), với Amazon, bạn chọn có khóa hay không khóa, tùy ý. Smashwords có lời khuyên rất thực tế là, hãy lo tác phẩm của bạn bị rơi vào quên lãng hơn là lo chuyện bị ăn cắp, bị sao chép lậu!
Kinh nghiệm của tôi trong chuyện sao chép là Smashwords nói đúng. Trừ phi tác phẩm của bạn là một kiệt tác, ít ai nghĩ đến chuyện phát tán nó lên mạng. Hay nói cách khác, việc tác phẩm của bạn bị sao chép trên các diễn đàn là một lời khen tặng sách mà không nhà phê bình nào có thể so sánh được. Gặp trường hợp đó, bạn nên gởi thư đến diễn đàn đang cho tải miễn phí sách, tất cả theo kinh nghiệm của tôi, đều gỡ ngay sách bị sao chép lậu. Ngược lại, cả hai nơi Amazon và Smashwords đều bắt bạn phải cam kết bạn là người chủ sở hữu bản quyền tác phẩm muốn xuất bản trước khi chấp nhận (việc cam kết này đơn giản là lời tuyên bố copyright ở trang sách đầu tiên mà thôi).

*                      *                      *
Sau khi đã chuẩn bị xong bản thảo, đăng ký tài khoản ở Smashwords hay Amazon, bạn vào và thao tác theo hướng dẫn trên màn hình. Lần lượt từ gõ tên sách (cứ gõ tiếng Việt có dấu), miêu tả tóm tắt sách (nên chuẩn bị trước, một bản ngắn một bản dài), định giá bán (tùy ý nhưng nên chọn giá thấp dễ bán nhiều sách hơn là chọn giá cao), tỷ lệ cho phép tải về để đọc miễn phí trước, các định dạng muốn chuyển đổi (nên bỏ bớt các định dạng rtf hay txt vì vấn đề bản quyền). Sau khi tải lên hình bìa và file bản thảo (ở dạng Word – Smashwords; dạng html – Amazon), bạn chỉ cần chờ ít phút cho phần mềm của họ chuyển đổi và ô là lá, sách của bạn đã được xuất bản (với Amazon thì phải chờ từ vài tiếng đến vài ngày).
Thật ra đa phần các bạn tự xuất bản lần đầu tiên sẽ không được suôn sẻ như thế. Bị dính một lỗi định dạng nào đó thì phần mềm của các nơi này sẽ từ chối và thông báo cho bạn chỉnh sửa. Nếu kiên nhẫn, trước sau gì cũng thành công. Một khi đã xuất bản thành công trên Smashwords, sách của bạn cũng được tự động phân phối trên các kênh của Apple iBookstore, Barnes & Noble, Sony, Kobo, thậm chí của Amazon nữa...
*                      *                      *
Cái cảm giác xuất bản một cuốn ebook trên mạng, rồi ngồi chờ người vào mua là một cảm giác... khó quên. Smashwords có chức năng thông báo tự động bằng email bất kỳ lúc nào có người vào mua sách. Thật không có gì vui bằng nhận thư báo có người vừa chịu khó đăng ký account ở Smashwords, rồi chịu khó tìm cho ra sách của mình, và can đảm gõ số thẻ tín dụng vào (thật ra hoàn toàn yên tâm vì Smashwords giao cho Paypal lo chuyện thanh toán) để tải sách của bạn về đọc (để yên tâm hơn nữa bạn cứ mua bằng Paypal, tức không phải khai số thẻ tín dụng). Vấn đề hình như không phải là chuyện tiền bạc mà là cái cảm giác tác phẩm của mình được một ai đó chịu bỏ tiền ra mua để đọc! Ngồi nhìn hộp thư email báo kính cong, kính cong... con số sách bán được nhảy lên từng giờ là một trải nghiệm đáng nhớ.
Tuy nhiên Smashwords cho biết đa số tác giả sẽ không có được cảm giác này. Bởi đâu dễ gì người ta biết bạn vừa xuất bản sách trên mạng. Thế là phải tìm cách phương thức “tiếp thị” cho sách của bạn. Đến đây mới thấy sự lợi hại của các mạng xã hội như Facebook giúp lan tỏa tin sách vừa in. Tác giả nào không có Facebook, không có blog, không có Google Plus, xem như thua.
Một cách quảng bá sách mới in là tặng sách cho bạn bè để nhờ đó truyền miệng rộng ra. Smashwords cho phép bạn tạo ra những coupon (phiếu) tặng sách, bạn có thể chọn giảm giá đến 100% (tức miễn phí hoàn toàn), chọn thời gian giảm từ vài ngày đến cả tháng, rồi thông báo cho bạn bè biết mã số để họ vào và tải sách về, cũng từ Smashwords.
Cuối cùng, dù chuyện tiền bạc không quan trọng vì chắc chắn bạn sẽ không thu được bao nhiêu nhưng có lẽ ai cũng tò mò muốn biết. Smashwords chia cho tác giả đến 75% doanh thu, họ chỉ lấy 25% tiền hoa hồng; Amazon thì lấy mạnh tay hơn, chỉ chia cho các tác giả ở ngoài nước Mỹ 35%, họ lấy đến 65%. Smashwords trả theo quý, tức đến hết quý họ mới trả cho tác giả một lần và trả bằng Paypal. Bạn phải có account ở Paypal để nhận tiền và tiền này dù có thể chuyển về tài khoản ngân hàng hay tài khoản thẻ tín dụng, chắc ít ai chuyển mà dùng để mua đồ trên mạng. Rất nhiều nơi bây giờ nhận thanh toán bằng Paypal. Amazon thì đợi đủ 100 đô-la Mỹ thì họ sẽ chuyển séc cho bạn nếu bạn ở bên ngoài nước Mỹ. Chưa hết, trước khi chi trả cả hai đều khấu trừ thuế thu nhập cá nhân giùm cho chính phủ Mỹ, lên đến 30% thu nhập!
Chuyện hy vọng làm giàu nhờ xuất bản sách điện tử coi như quên đi thôi. Có thể tiền thu về chưa đủ trang trải chi phí nhờ gõ bản thảo, trình bày bìa sách! Nhưng niềm vui chia sẻ sách với bạn bè cũng đáng công sức bỏ ra. Cứ thử tự xuất bản xem sao. Tại sao không?

Link đến các sách:

Tám chuyện tiếng Anh (Smashwords), (Amazon), (Alezaa)
Tiếng Anh lý thú (Smashwords), (Amazon), (Alezaa) 
Chuyện chữ & nghĩa (Smashwords), (Amazon), (Alezaa)

Friday, November 29, 2013

The power of bargain

The power of bargain
Do a lot of people know that out of a price tag of $22.12 for a pair of jeans sold in Britain, just 90 cents goes to cutting and making the jeans, which includes labor and factory expenses such as rent, energy, and safety measures? I didn’t, until I read a report by Bloomberg on the cost of garment production in Bangladesh in 2013.
So I have my doubts when American Ambassador to Vietnam, David Shear tried to sell the Trans-Pacific Partnership, a free trade agreement that the U.S., Vietnam and 10 other countries are negotiating, to the Vietnamese people. “Vietnam will benefit greatly from expanded access to the U.S. and other markets as the TPP reduces tariffs in several key export areas,” Mr. Shear told Can Tho University students last Thursday.
Pure logic tells us that economic benefits shall be proportional according to the assigned role each country plays in the globalized trade. The price breakdown for a pair of jeans reflects this proportional benefit quite well. But more on that later.
The Bloomberg garment report was made in response to the worst labor accident in 2013 when 1,129 workers were killed and at least 1,500 more were injured as the Rana Plaza garment factory they worked in collapsed on April 24 in Bangladesh. After the accident, voices were raised to demand more corporate accountability. Fashion brands, apparel producers and retailers promised to take responsibility for what happens in the factories that make the clothing they sell. But despite all the public outrage, people tend to forget that all required improvements in the working conditions demanded of the factories were squeezed out of the 90 cents the factories get from making a pair of jeans. “Let us earn those few cents, and nobody has to die while making basic jeans,” factory owner Tipu Munshi was quoted by Bloomberg as complaining.
Negotiators to free trade agreements like the TPP realize the situation only too well. That’s why, under pressure from their own consumers, developed countries like the U.S. demand poorer countries like Vietnam to treat its workers better in exchange for greater market access. But again, somehow Vietnam has to manage treating its workers better with the same 90 cents it gets.
Getting back to Mr. Shear’s remarks, he’s right in saying that “expected gains are more clear, can be roughly estimated, and generally occur in existing sectors, such as footwear and apparel, where Vietnam is already competitive”. The TPP can help Vietnamese garment makers ignore bids from non-member competitors from Bangladesh or China, thus avoiding the race to the bottom normally seen in the global apparel industry. Without the TPP, Vietnamese garment makers might have to lower their bids to win contracts. But their share from the supply chain in this industry remains a pittance compared to other stages on the value chain.
So the best way to sell the TPP to Vietnamese people is neither a promise of enormous gains in GDP growth or bigger export volumes nor a promise of more foreign investment. It should be a bigger share of the pie. Somehow, that is sort of a “mission impossible” task but increasing the share that garment workers in particular or other players in the globalization game can get is the only way to persuade people of the sustainability of free trade.
Independent safety inspections of garment and footwear factories are useful but not crucial in guaranteeing the workers’ safety. If they get more than the 90 cents, they will have bigger power of bargain and they will take care of their own safety measures.
People might wonder why middlemen whose job is to collect and pass orders from retailers on to garment makers earn five times as much as the workers who make the garment. And more importantly, do negotiators at free trade agreement negotiations ever discuss narrowing the gap?
Of course, they don’t. Negotiators always try to snatch the biggest share for their own businesses and one would be so naive as to thinking otherwise. And intellectual property rights are among the tools that people use to maintain their edge over others.
Pressure from the consumers, therefore, should not focus on working conditions. It should be more specific: how much is paid towards those who make the clothes or shoes they wear. If the right price is paid, the working conditions will take care of itself. But don’t ask me how the fruit of globalization can be divided fairly. It can’t and thus, we have the contradictory nature of free trade agreements, the TPP included.




Saturday, November 23, 2013

Toàn cầu hóa và iPod

Toàn cầu hóa và iPod

Ai làm ra chiếc iPod? Thật ra trả lời câu hỏi xem chừng quá dễ này lại không đơn giản. Tờ New York Times dựa vào đề tài này để viết một bài dài về thực tế câu chuyện toàn cầu hóa. Đầu tiên, tờ báo nhắc khéo: “Here’s a hint: It is not Apple” và giải thích liền: “The company outsources the entire manufacture of the device to a number of Asian enterprises, among them Asustek, Inventec Appliances and Foxconn”. Outsource là một từ rất thông dụng trong những năm gần đây, đến nỗi nhiều người dùng nguyên văn tiếng Anh sau khi giải thích một lần ở đầu bài viết (gia công, chuyển một số công đoạn sản xuất hay khâu dịch vụ ra nước ngoài). Ở đây Apple outsource toàn bộ việc sản xuất cho các công ty nước ngoài, chủ yếu ở châu Á.

Thế nhưng các công ty này cũng chỉ làm động tác lắp ráp chiếc iPod - “But this list of companies isn’t a satisfactory answer either: They only do final assembly” - nên họ cũng không phải là nhà sản xuất chính chiếc máy nghe nhạc nổi tiếng có đến 451 linh kiện này. Tờ New York Times đã sử dụng nghiên cứu của trường Đại học University of California để kết luận: “Their study offers a fascinating illustration of the complexity of the global economy, and how difficult it is to understand that complexity by using only conventional trade statistics”. Quan trọng là phần sau: không thể hiểu được tính phức tạp của nền kinh tế toàn cầu nếu chỉ sử dụng số liệu thống kê thương mại truyền thống.

Chiếc iPod video dung lượng 30 GB có giá 299 đô la, trong đó “The most expensive component was the hard drive, which was manufactured by Toshiba and costs about $73”. Như vậy ổ cứng 30 GB này do Toshiba sản xuất, là đắt nhất; các linh kiện chính khác gồm màn hình (20 đô la), con chip video (8 đô la), con chip điều khiển (5 đô la). Có lẽ ít người biết rằng “the final assembly, done in China, cost only about $4 a unit”. Điều đáng ngạc nhiên là khi tính toán cán cân thương mại Mỹ-Trung, trị giá chiếc iPod xuất từ Trung Quốc đi ngược vào Mỹ được tính lên đến 150 đô la, góp phần đáng kể vào thâm hụt mậu dịch giữa Mỹ với Trung Quốc.

Theo logic thông thường, “$73 of the cost of the iPod would be attributed to Japan since Toshiba is a Japanese company”. Nhưng khổ nỗi trong thời đại sản xuất toàn cầu hóa ngày nay, “Toshiba may be a Japanese company, but it makes most of its hard drives in the Philippines and China”. Tương tự hai con chip video và chip điều khiển mới đầu tưởng phải tính cho Mỹ vì do các công ty Mỹ cung cấp nhưng thực tế họ sản xuất chúng tại Đài Loan! Các nhà nghiên cứu vò đầu bứt tai mà than rằng: “How can one distribute the costs of the iPod components across the countries where they are manufactured in a meaningful way?”. Distribute ở đây là phân bổ.

Thật ra, ngày nay việc tính toán số liệu thống kê thương mại dựa vào cái gọi là “giá trị gia tăng” ở mỗi công đoạn sản xuất bằng cách xác định giá trị đầu vào và giá trị đầu ra của mỗi công đoạn. Khi đó, “The difference between the cost of the inputs and the value of the outputs is the “value added” at that step, which can then be attributed to the country where that value was added”.

Theo tính toán của các tác giả, “The $73 Toshiba hard drive in the iPod contains about $54 in parts and labor. So the value that Toshiba added to the hard drive was $19 plus its own direct labor costs”. Như vậy nếu trừ đi 54 đô la đầu vào (là linh kiện và công lao động của khâu trước) thì Toshiba chỉ tạo ra giá trị gia tăng 19 đô la, được tính cho Nhật Bản.

Những tưởng kết quả tính toán sẽ cho thấy người hưởng lợi nhiều nhất từ iPod là các công ty nằm khắp toàn cầu có tham gia vào các công đoạn sản xuất nhưng, bất ngờ thay, “The researchers estimated that $163 of the iPods $299 retail value in the United States was captured by American companies and workers, breaking it down to $75 for distribution and retail costs, $80 to Apple, and $8 to various domestic component makers”. Ngoài phần tính cho khâu phân phối, bán lẻ, Apple vẫn là công ty hưởng giá trị gia tăng cao nhất - đến 80 đô la vì “The bulk of the iPods value is in the conception and design of the iPod. That is why Apple gets $80 for each of these video iPods it sells, which is by far the largest piece of value added in the entire supply chain”. Apple hầu như không đụng tay vào khâu sản xuất nào nhưng vẫn hưởng phần bánh lớn nhất nhờ công nghĩ ra và thiết kế chiếc iPod. Và đó chính là “bí mật” của quá trình toàn cầu hóa ngày nay.

Tác giả bài báo kết luận: “Ultimately, there is no simple answer to who makes the iPod or where it is made”. iPod không phải là sản phẩm duy nhất, hàng loạt sản phẩm khác, như chiếc iPhone hay ngay cả món đồ chơi của con bạn cũng phải tuân theo quy luật: “The real value of the iPod doesn’t lie in its parts or even in putting those parts together”. Vấn đề ở chỗ làm sao nghĩ ra cách “kết nối” 451 linh kiện sản xuất khắp nơi với giá rẻ để thành một sản phẩm bán với giá cao hơn. Cho nên “[Apple] may not make the iPod, but they created it. In the end, that’s what really matters”.

Trích từ ba cuốn về tiếng Anh mới tái bản ở dạng ebook.



Thursday, November 21, 2013

Khi người Anh dùng điển cố

Khi người Anh dùng điển cố


Người nói tiếng Anh, kể cả dân Mỹ, Úc hay Canada cũng thích dùng điển cố không kém gì các ông đồ nước ta thời xưa. Chẳng hạn, khi kể lại chuyện đại diện hãng Microsoft từng đến gặp Netscape để thương lượng chuyện phân chia thị phần cho phần mềm duyệt các trang Web, anh chàng kỹ sư trưởng của hãng này nói, "It was like a visit by Don Corleone. I expected to find a bloody computer monitor in my bed the next day".

Để hiểu được thâm ý câu này, bạn phải từng đọc tác phẩm Bố già, biết sơ qua ông trùm Corleone và chuyện ông này giúp người con đỡ đầu là một ca sĩ kiêm diễn viên điện ảnh nổi tiếng giành một vai diễn theo cách mafia. Corleone phái tay luật sư thân tín của mình gây áp lực buộc nhà sản xuất phim phải giao vai diễn cho con bố già. Khi ông ta từ chối, sáng hôm sau thức dậy thấy đầu con ngựa đua nổi tiếng của mình bị cắt và để bên cạnh giường ngủ. Thời vi tính, thay vào đầu ngựa là màn hình máy tính đẫm máu!

Lối ví von như thế xuất hiện khá nhiều trên báo chí và các tác phẩm văn học, đòi hỏi người đọc phải có kiến thức rộng để hiểu mọi hàm ý.

Ví dụ ngày trước khi báo Time bình luận chuyện Bill Clinton vẫn bình chân như vại sau nhiều vụ tai tiếng, họ viết: "The slings and arrows of sex and politics have not dented Clinton's high ratings. Is it a new kind of Teflon, or do foes just lack the right weapon?".

Từ dented dùng kèm với slings and arrows gợi hình ảnh Clinton đang khoác áo giáp sắt mà những mũi tên, hòn đạn không làm suy suyển. Nhưng chính từ Teflon mới là loại từ chúng ta đang tìm hiểu. Teflon là tên thương mại một loại vật liệu dùng để tráng lên vật dụng như chảo chiên để tránh dính. Từ này thường được dùng theo nghĩa bóng như câu trên hay câu sau: "It's clear that because (he) doesn't aspire to saving the entire human race, he's not going to get what the other leaders get - a coating of moral and political Teflon" (báo Wall Street Journal).

Nghe câu quảng cáo này bạn có đoán auto dentist là loại bác sĩ nha khoa nào chăng? "Auto "dentist" specializing in dents, dings, and hail damage; high quality, affordable rates." Các vụ va quệt xe thường gây ra những vết trầy, vết lõm (dents). Dân sửa xe dựa vào từ dent để tạo ra từ dentist, thợ chuyên sửa những sự vụ nho nhỏ này.

Hai người đối đáp với nhau dùng toàn những từ dễ hiểu, bỗng đâu một người nói: "Here's the 411 on the hunting trip". Bên ta thường gọi 1080 để xin thông tin còn bên Mỹ, số tổng đài tương tự là 411. Cho nên 411 thường hàm ý chi tiết về một chuyện gì đó.

Vụ án O. J. Simpson đã tạo ra biết bao điển cố. Chẳng hạn một người mời bạn bè đồng nghiệp một slow-speed chaser, ý anh ta muốn mời mọi người đi uống mừng một dịp nào đó. Hay động từ Ito'd, có nghĩa là bị gõ lên đầu, cũng xuất phát từ vụ án quái đản này.

Tuy nhiên cách dùng điển cố như trên chỉ giới hạn vào những sự kiện thời sự tương đối còn mới trong khi điển cố liên quan đến thần thoại cổ điển có rất nhiều nhưng ngày nay ít ai dùng.

Một người chê bạn mình là một Narcissist thì ý anh ta muốn nhắc đến vị thần Narcissus trong thần thoại Hy Lạp yêu say đắm hình ảnh chính mình. Còn khi công luận Nhật Bản, chẳng hạn phê phán một quyết định của chính phủ rằng nó sẽ open a Pandora's box, họ cũng sử dụng một điển cố nổi tiếng. Thần Zeus trao cho Pandora một chiếc hộp và dặn kỹ đừng mở ra. Nói như thế chẳng khác nào kích thích tính tò mò của phụ nữ. Pandora cuối cùng không cưỡng nổi, mở chiếc hộp và thế là mọi điều ác, mọi sự phiền não của cuộc đời bay ra để làm hại nhân loại. Cho nên "open a Pandora's box" là gây hậu quả khôn lường.

Điển cố dùng nhiều lần sẽ biến thành idiom như "dog in the manger". Trong chuyện ngụ ngôn của Esop, một con chó nằm trên một máng cỏ đầy. Khi bò đến ăn, chó cắn đuổi đi mặc dù chó không dùng cỏ làm gì cả. Sau này điển cố và thành ngữ này được dùng để chỉ những người có cá tính tương tự. "We asked our neighbor for the fence posts he had left over, but, like a dog in the manger, he threw them out rather than give them to us". Chính trong loại văn này chúng ta sẽ tìm được cách dịch chính xác những câu tục ngữ của tiếng Việt. Giàu như Thạch Sùng - rich as Croesus; lấy của làng trao cho xã - rob Peter to pay Paul.

Cuối cùng, mặc dù từ baggravation không liên quan đến một điển cố nào nhưng cách tạo từ cũng rất thú vị. Máy bay hạ cánh, đến băng chuyền nhận hành lý, ai cũng đã tìm ra va-li của mình còn hành lý của bạn ở đâu không thấy, vừa bực vừa lo. Cảm giác đó được gọi bằng một từ mới toanh, baggravation. "Nancy couldn't help but feel baggravation as she watched other passengers get their luggage and leave the airport". Đây là từ ghép của bagaggravation, vừa được Oxford ghi nhận trong năm 1997.

Trích từ cuốn “Chuyện chữ & nghĩa” vừa xuất bản trên Smashwords và Amazon




AI - hype and reality

  AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...