Thursday, July 25, 2013

Trở lại chuyện GDP và GNI

Trở lại chuyện GDP và GNI
Nếu tính cho đúng thì tổng thu nhập quốc dân của Việt Nam năm ngoái bị giảm đi 7,5 tỷ đô-la; thu nhập đầu người của dân Việt Nam giảm 196 đô-la. Số giảm này chạy đi đâu, vào tay ai và vì sao có chuyện kỳ lạ này?
Đầu tư nước ngoài (cả trực tiếp lẫn gián tiếp) ngày càng chiếm một tỷ lệ quan trọng trong nền kinh tế. Chỉ cần quan sát trên thị trường cũng có thể thấy từ những sản phẩm đơn giản như bột giặt, kem đánh răng đến các sản phẩm lâu bền như TV, tủ lạnh rồi những sản phẩm đắt tiền như máy tính, xe hơi… toàn là hàng của các doanh nghiệp FDI sản xuất hay lắp ráp. Đầu tư nước ngoài hiện đang lấn sang những lãnh vực trước đây là của doanh nghiệp trong nước như nhà hàng và nhiều loại dịch vụ, mua nông sản như cà phê, sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc, bán lẻ. Lần lượt các tên tuổi trong nước gầy dựng từ thời mở cửa đến nay đã sang tay cho nhà đầu tư nước ngoài.
Có cách nào để đo lường sự thay đổi này?
Có lẽ mọi người đều biết ngoài GDP ra, người ta còn tính GNI để biết chính xác hơn công dân một nước làm ra bao nhiêu để loại trừ công dân nước ngoài đang làm ăn trên nước họ. Trong khi GDP (tổng sản phẩm quốc nội) tính theo địa bàn lãnh thổ thì GNI (tổng thu nhập quốc dân) tính theo công dân hay pháp nhân của nước đó, bất kể họ đang ở đâu. Bởi vậy một nhà máy của người Nhật đầu tư ở Việt Nam thì lợi nhuận ròng của họ được tính vào GNI của Nhật chứ không phải của Việt Nam. Nói cách khác, GNI bằng GDP + thu nhập sở hữu – chi trả sở hữu.
Số liệu của World Bank (GDP và GNI theo giá thực tế) cho thấy chênh lệch giữa GDP và GNI của Việt Nam ngày càng lớn (xem bảng).
                   2003   2004   2005   2006   2007   2008   2009   2010   2011   2012
GDP (tỷ USD)   39,5   45,4    52,9    60,9     71       91       97,2   106,4   123,7  141,7
GNI (tỷ USD)   38,9    44,6    51,9   59,5      68,8    88,1    92,6   102     117,8   134,2
Chênh lệch    0,6      0,8      1        1,4        2,2      2,9     4,6      4,4     5,9      7,5
(tỷ USD)

GDP đầu người        492    558    642    731    843    1.070  1.130  1.224  1.408  1.596
GNI đầu người         480    550    630    700    790    920    1.030  1.160   1.270  1.400
Chênh lệch                   12          8        12       31      53      150          100        64        138        196
(USD)
(Nguồn: World DataBank)
Chênh lệch năm ngoái lên đến 7,5 tỷ đô-la là rất lớn so với cách đây 10 năm, chênh lệch chỉ 0,6 tỷ đô-la mặc dù lúc đó Việt Nam đã mở cửa cho đầu tư nước ngoài đã hơn 15 năm. Còn thu nhập đầu người chênh nhau gần 200 đô-la, cũng là con số đáng lo khi vào năm 2003, mức cách biệt chỉ là 12 đô-la.  
Đáng chú ý hơn, nhiều dữ kiện cho thấy mức chênh lệch này ngày sẽ càng lớn hơn trong những năm sắp tới. Đó là hiện nay đầu tư nước ngoài chưa đưa thu nhập ròng về nước nhiều, họ dùng nó để mở rộng đầu tư. Thứ hai, khi việc trả lãi nợ nước ngoài ngày càng nhiều thì tương lai GNI lại càng nhỏ hơn GDP bởi trả nợ nước ngoài thì GDP vẫn không thay đổi trong khi sẽ làm GNI giảm đi tương ứng. Thứ ba, nếu các doanh nghiệp trong nước bán một phần tài sản của mình cho nhà đầu tư nước ngoài, GDP vẫn y nguyên nhưng GNI bị khấu trừ. Một bài viết trên TBKTSG của Bùi Trinh vào năm 2010 từng nhận định: “Nếu năm 2000 phía Việt Nam phải chi trả cho nước ngoài 6.300 tỉ đồng thì đến năm 2009 phần phải chi trả sở hữu cho nước ngoài lên đến gần 91.000 tỉ đồng, chủ yếu là lãi tiền vay và doanh nghiệp FDI chuyển lợi nhuận về nước”.
Người bi quan có thể cho rằng nếu xu hướng này tiếp diễn, chẳng bao lâu nữa, GDP Việt Nam vẫn tăng nhưng thu nhập đầu người Việt Nam chẳng tăng thêm bao nhiêu và cuối cùng thu nhập ấy dồn về cho người nước ngoài cả. Cũng trong bài báo của Bùi Trinh đã trích dẫn ở trên, tác giả cho biết: “Tốc độ chi trả sở hữu ra nước ngoài tăng bình quân hàng năm khoảng 34% (còn GDP tăng bình quân 7,3%)”, tức tiền trả cho nhà đầu tư nước ngoài tăng nhanh hơn tốc độ tăng GDP nhiều lần, dẫn đến chênh lệch giữa GDP và GNI ngày càng lớn là chuyện không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế đang lâm vào cảnh bế tắc, nền kinh tế dân doanh gây dựng từ sau đổi mới đến giờ đã cạn sức, co cụm và phòng thủ, để tạo công ăn việc làm, để xã hội không rơi vào chỗ xáo động, càng khó khăn hơn nữa, việc nhà đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế vẫn là xu hướng tích cực hơn là đáng lo ngại. Nhưng đây là xu hướng không mong muốn về lâu về dài và mọi nỗ lực phục hồi nền kinh tế trong dài hạn phải tính đến chuyện nâng sức cho khu vực kinh tế trong nước để con số tăng trưởng GDP thường được nhắc đến là có ý nghĩa thật sự cho người dân, chứ không phài chủ yếu cho nhà đầu tư nước ngoài. Nhìn vào số liệu trên cũng có thể thấy tăng trưởng GDP thường cao hơn tăng trưởng GNI hay nói cách khác, nhìn vào GDP không thôi thì sẽ ảo tưởng hơi nhiều về sự thật sức mạnh của nội lực kinh tế trong nước. Điều cuối cùng, chênh lệch giữa GNI và GDP càng lớn thể hiện mức độ dễ tổn thương của kinh tế Việt Nam với những cú sốc của dòng vốn ngoại.

Chỉ còn biết hy vọng đến lúc nền kinh tế phục hồi, biết đâu sẽ có làn sóng mua lại sản nghiệp từ tay người nước ngoài. Và hiện nay cũng đã có nhiều doanh nghiệp tìm đường làm ăn ở bên ngoài. Biết đâu tương lai họ sẽ góp phần vào GNI của Việt Nam một cách đáng kể.

Cập nhật: Anh Vũ Quang Việt có góp ý: GNI và GDP đều không dựa vào khái niệm công dân (citizens) mà chỉ dựa vào khái niệm thường trú - residents (tức là ở một địa bàn kinh tế hơn 1 năm). Mặc dù trong trường hợp Việt Nam 99,9% residents là citizens nhưng phải dùng từ chính xác để khỏi hiểu sai. Cám ơn anh Việt.

Cập nhật ngày 23-12-2013: Hồi tháng 7 tôi có viết một bài nói chuyện “Nếu tính cho đúng thì tổng thu nhập quốc dân của Việt Nam năm ngoái bị giảm đi 7,5 tỷ đô-la; thu nhập đầu người của dân Việt Nam giảm 196 đô-la”. Đó là bởi GDP (tổng sản phẩm quốc nội) thì như thế, như thế... nhưng nếu loại trừ thu nhập của công dân hay pháp nhân nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam thì GNI (tổng thu nhập quốc dân) chỉ còn như thế, như thế...

Hôm nay Tổng cục Thống kê họp báo, cho biết chênh lệch giữa GDP và GNI ngày càng lớn. Cụ thể:
Năm 2010 GDP lớn hơn GNI 82.250 tỷ đồng. Năm 2011 là 119.800 tỷ đồng. Năm 2012 là 142.800 tỷ đồng và năm 2013 lên đến 171.930 tỷ đồng.

Nói như vậy rất khó hình dung. Chỉ cần nhớ năm nay có ai nói GDP của Việt Nam là bao nhiêu đó thì chỉ cần nhớ phải trừ ra hơn 8 tỷ đô-la bởi đó là của người nước ngoài, trước sau gì họ cũng chuyển về nước họ.
 

Saturday, July 20, 2013

Vàng – vẫn có cách khác

Vàng – vẫn có cách khác
Con ngáo ộp “vàng hóa”
Chuyện tách vàng ra khỏi hệ thống tiền tệ là đúng nhưng nói “vàng hóa” đang gây tác động lớn lên tỷ giá, cán cân thanh toán e rằng hơi nói quá. Để vàng thật sự là một loại tiền tệ, tác động trực tiếp lên chính sách thì nó phải có đầy đủ cả ba chức năng như tờ đô-la: lưu giữ giá trị, đơn vị kế toán và phương tiện thanh toán. Hai chức năng sau ngày nay hầu như đã biến mất, người ta chỉ còn giữ vàng như một phương tiện cất giữ tài sản mà thôi. Câu hỏi đặt ra là hiện nay ai đang “vàng hóa”?
Một điều khá lạ: Tuần trước, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm 2013. Nhưng toàn văn báo cáo không có một dòng nào về chuyện vàng, ngoại trừ một câu gián tiếp: “…vẫn còn dựa nhiều vào các biện pháp hành chính để giải quyết các vấn đề - trần lãi suất huy động, trần lãi suất cho vay, độc quyền một số ngành nghề (như vàng)…”. Các báo cáo phân tích kinh tế Việt Nam của các tổ chức nước ngoài hầu như cũng không đề cập gì đến vàng hay chính sách quản lý vàng.
Đúng là vàng lẽ ra không chiếm một vị trí nổi bật như thời gian qua trong quản lý, điều hành cũng như trong tâm trí mọi người; lẽ ra đã có thể có những giải pháp thay thế nhẹ nhàng hơn nhiều mà vẫn đạt được mục tiêu loại bỏ dần vàng ra khỏi hệ thống tiền tệ của nền kinh tế. Ngoài vàng, nền kinh tế đang có vô số vấn đề cần quan tâm hơn nhiều.
Điều đầu tiên phải khẳng định là sự xáo động do vàng gây ra nếu có là từ phía cơ quan quản lý với những chính sách bất nhất và sự tham gia của các ngân hàng vì động cơ lợi nhuận chứ đa phần người dân không có khả năng để đầu cơ hay thao túng giá. Sự bất nhất về chính sách (xem thêm bài “Vàng nhìn từ góc độ chính sách”, trang xxx) đã lôi kéo nhiều ngân hàng vào cuộc chơi huy động vàng, bán lấy tiền đồng để kinh doanh chênh lệch lãi suất trong suốt 10 năm trời. Việc ngưng, rồi lại hoãn, rồi lại cho, rồi ngưng huy động vàng cứ lập đi lập lại nhiều lần, gây chây nhờn về mặt tuân thủ, nhất là khi các ngân hàng làm theo lời kêu gọi và hứa hẹn của NHNN vào cuối năm 2011.
Lẽ ra NHNN đã có thể đưa ra một lộ trình rõ ràng, dứt khoát, không nhân nhượng về chuyện các ngân hàng phải tất toán vàng nhưng lộ trình phải khả thi, không gây sức ép lên thị trường. Lộ trình từng giai đoạn này nếu được công khai, các ngân hàng chủ động tuân thủ và thông tin tuân thủ đến đâu cũng được công khai thì sẽ không còn chỗ cho đầu cơ, thao túng giá. Việc huy động vàng kéo dài cả 1 thập kỷ thì không việc gì chỉ có một cột mốc duy nhất, lại dời đi dời lại nhiều lần. Định ra các cột mốc tất toán dần dần được 20%, 50%, 70%... hoàn toàn nằm trong tầm tay nhà quản lý. Nếu vàng cũng có vai trò như ngoại tệ thì nên nhớ cho đến nay chúng ta đã chống được việc đô-la hóa 100% đâu và đô-la hóa, vì thế, vẫn còn có vai trò của nó trong một thời gian dài nữa.
Một góc độ khác của sự nhất quán trong chính sách nằm ở chỗ, nếu NHNN đã hứa với các ngân hàng tham gia “bình ổn giá vàng” vào cuối năm 2011 là sẽ “xem xét cho phép nhập khẩu vàng để bù đắp lượng vàng tồn quỹ đã chuyển đổi” thì nay cứ cấp giấy phép cho nhập khẩu vàng. Để các ngân hàng không lợi dụng hưởng siêu lợi nhuận thì cứ đánh thuế nhập khẩu 10%-15% như Ấn Độ đang tiến hành (thuế suất 8%). Lúc đó ngân sách nhà nước vẫn thu được khoản tiền chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới nhưng sẽ danh chính ngôn thuận hơn nhiều so với việc NHNN nhập vàng về độc quyền bán đấu giá.
Cái lập luận NHNN bán đấu giá vàng nên chủ động thu về cho ngân sách chừng 5.000 tỷ đồng là không chính xác. Với bất kỳ mặt hàng nào trong nước không sản xuất được, chỉ cần ra lệnh cấm nhập, rồi giao cho một đơn vị độc quyền kinh doanh, độc quyền định giá thì tiền thu về cho ngân sách sẽ không biết bao nhiêu mà kể. Vấn đề là sự độc quyền như thế sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế như thế nào. Ngân hàng giả thử mua vàng giá cao nên bị thua lỗ, thay vì đóng thuế cao nay không đóng thuế thì rốt cuộc ngân sách cũng không lợi được thêm 5.000 tỷ đồng như chúng ta tưởng.
Tiến hành như thời gian vừa qua, lợi đâu chưa rõ mà thiệt hại ít nhất về mặt tâm lý là rất rõ. Mọi tuyên bố cũng như lý giải của các quan chức quản lý đã lần lượt bị thị trường chứng minh ngược lại; công cuộc chống “vàng hóa” chưa được bao nhiêu thì sự “vàng hóa” tâm lý thị trường lại được tô đậm; giá vàng vẫn tác động lên tỷ giá ngoại tệ; tình hình đầu cơ vàng vẫn chưa biến mất; sự găm giữ vàng như một nơi trú ẩn an toàn cho tài sản người dẫn vẫn không giảm sút. Có một sự lúng túng thấy rõ, ít ra là về mặt giải thích chính sách và công khai thông tin (chẳng hạn, hơn 1 triệu lượng vàng vừa qua nay đang ở đâu, không ai biết).
Thị trường luôn luôn có cách ứng xử của nó và tâm lý, thói quen của người dân không thể thay đổi dễ dàng trong một sớm một chiều. Cách tốt nhất hiện nay là dần dần rút khỏi các biện pháp mang tính hành chính, trả các mối quan hệ về cho thị trường chi phối và trong lúc chuyển đổi, nên công khai thông tin để hạn chế việc lạm dụng như ai mua, mua bao nhiêu trong từng phiên đấu thầu vàng để thị trường thay mặt nhà nước sẽ giám sát và làm lộ diện bất kỳ kẻ đầu cơ nào.



Thursday, July 18, 2013

Nợ chưa xấu mới đáng lo

Nợ chưa xấu mới đáng lo
Ngân hàng X cho doanh nghiệp Y vay 100 tỷ đồng, nhận thế chấp bằng một công trình bất động sản trị giá 140 tỷ đồng. Quá hạn trả nợ đã hơn một năm nay nhưng doanh nghiệp Y làm ăn thua lỗ, không trả được cho ngân hàng X đồng nào, cả lãi lẫn vốn. Theo quy định, X phải xếp khoản nợ này vào nhóm 5 và phải trích lập dự phòng rủi ro 100%, tức trích lập 30 tỷ đồng (100 tỷ trừ cho 50% của 140 tỷ; 50% là tỷ lệ áp dụng cho tài sản thế chấp là bất động sản).
Theo quy định kế toán 30 tỷ đồng này là con số âm, đã khấu trừ vào lãi của ngân hàng X hay không còn lãi thì trừ vào vốn chủ sở hữu. Điều này có nghĩa nếu đã phân loại một khoản nợ là nợ xấu nhóm 5 thì ngân hàng coi như đã chấp nhận một khoản thiệt hại rồi. Chính vì vậy cụm từ “dự phòng rủi ro” không chính xác bằng cụm từ tiếng Anh tương ứng là “loan loss provision”, tức dành ra một khoản để bù vào tiền cho vay có khả năng bị mất.
Có hăm hở bán nợ xấu?
Nay xuất hiện Công ty Quản lý tài sản (VAMC) sẽ mua khoản nợ này từ ngân hàng X. Chuyện gì sẽ xảy ra? VAMC sẽ mua theo giá sổ sách trừ đi khoản trích lập dự phòng, nghĩa là mua nợ với giá 70 tỷ đồng và trao cho ngân hàng X 70 tỷ đồng trái phiếu. Ngân hàng X sau này có thể đem 70 tỷ đồng trái phiếu này lên Ngân hàng Nhà nước để được vay tái cấp vốn, tức chuyển trái phiếu thành tiền thật để kinh doanh. Nhưng đồng thời mỗi năm Ngân hàng X phải trích lập dự phòng rủi ro 20% (14 tỷ đồng) sao cho sau năm năm họ có 70 tỷ đồng để khi lấy khoản nợ xấu kia về thì có sẵn tiền để xử lý. (VAMC còn có thể mua nợ theo giá thị trường nhưng sẽ rất ít có trường hợp này)
Hãy xem Ngân hàng X có động cơ mạnh mẽ nào để bán nợ xấu cho VAMC hay không (ngoài chuyện bắt buộc phải bán)? Động cơ đầu tiên là được nhận tái cấp vốn từ NHNN, có tiền để kinh doanh (tỷ lệ được cấp chưa quy định rõ). Nhưng tình hình hiện nay, các ngân hàng đang ngồi trên đống tiền mà không cho vay được, họ phải đem tiền đi mua trái phiếu chính phủ, động lực nhận tái cấp vốn từ NHNN là không cao đối với nhiều ngân hàng.
Thế mà khi đồng ý tham gia cuộc chơi, trong chi phí hoạt động mỗi năm phải gánh thêm 20% khoản trích lập dự phòng cho trái phiếu nhận từ VAMC, hay nói cách khác họ phải bắt tay vào quá trình xử lý hẳn khoản nợ xấu, dù được kéo dài thành 5 năm, nhưng cũng là gánh nặng kinh doanh.
Hiện nay nhiều người thắc mắc vì sao ngân hàng không xử lý hẳn nợ xấu, nhất là nợ nhóm 5 đã trích lập 100% vì đâu mất thêm tiền? Theo quy định, ngân hàng có quyền bán tài sản đảm bảo một khi khách hàng không trả được nợ nhưng với tài sản đảm bảo là bất động sản thì phải bán cho được trong vòng 2 năm. Nếu sau 2 năm mà không bán được xem như giá trị tài sản đảm bảo bằng 0 và lúc đó ngân hàng phải trích lập dự phòng đầy đủ (trong trường hợp trên là trích thêm 70 tỷ đồng nữa). Bán với giá cao thì không nói làm gì nhưng giả thử chỉ bán được 50 tỷ đồng thì ngân hàng phải bù thêm 20 tỷ đồng nữa. Với tình hình thị trường địa ốc trầm lắng như hiện nay không ai dám liều lĩnh cả nên ngân hàng mới phải thỏa thuận với con nợ để liên tục đảo nợ, giữ nguyên hiện trạng thì có lợi cho cả đôi bên!
Dĩ nhiên với những món nợ xấu nhóm 3 và nhóm 4 thì tình hình có khác. Bởi tỷ lệ trích lập thấp hơn (20% và 50%) nên động lực bán nợ có thể cao hơn. Trong tình hình bất động sản rất khó bán như hiện nay, giá trị giảm mạnh, việc trích lập càng không đầy đủ - cũng là những yếu tố thúc đẩy việc bán nợ cho VAMC, nhất là những ngân hàng đang thiếu thanh khoản. Nhưng bản chất việc bán nợ như thế cũng chỉ là tạm thời đưa nợ xấu ra khỏi ngân hàng, cho vào “kho hàng VAMC” và ngân hàng phải dần dần trong 5 năm xử lý cho hết đống nợ này chứ thật sự không bán cho ai cả. Nhìn theo góc độ đó, mô hình VAMC còn tốt hơn là ngân hàng không làm gì, nợ xấu đè nặng bản cân đối kế toán làm tê liệt hoạt động của ngân hàng.
Không biết từ đâu có ý nghĩ cho rằng không thể dùng tiền ngân sách để xử lý nợ xấu và ý nghĩ này được chia sẻ rộng rãi (ai sai nấy chịu không thể bắt dân chịu thông qua tiền thuế). Vì thế mô hình VAMC không thể đặt nặng chuyện mua đứt bán đoạn nợ xấu theo giá thị trường – mà chỉ có cách này mới thật sự giải quyết vấn đề nợ xấu một cách dứt khoát.  
Thế còn nợ chưa xấu?
VAMC sẽ chỉ đụng đến nợ xấu, tức nợ thuộc nhóm 3, 4 và 5, là nợ quá hạn từ 90 ngày đến trên 360 ngày. Điều đó có nghĩa một khối lượng nợ xấu thật sự nhưng chưa được xếp vào các nhóm này nên trên danh nghĩa vẫn chưa là nợ xấu, không được giải quyết lần này. Đó là loại nợ gì?
Đầu tiên là những khoản nợ của các tập đoàn kinh tế nhà nước như Vinashin bởi nợ loại này được tạm thời khoanh lại, chưa phân loại, chưa trích lập dự phòng. Con số cụ thể rõ ràng là không dễ có nhưng chắc chắn là rất lớn, từ vài chục ngàn đến cả trăm ngàn tỷ đồng.
Thứ hai, lớn hơn nhiều lần là các khoản lẽ ra là nợ xấu nhưng nhờ “cơ cấu lại” nên biến thành chưa xấu. Theo báo cáo của NHNN tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, tính đến cuối tháng 4-2013, có đến 284,4 nghìn tỷ đồng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm theo Quyết định số 780/QĐ-NHNN. Nói cách khác, nếu không áp dụng Quyết định 780 thì cho đến nay có lẽ đã có thêm gần 300.000 tỷ đồng nợ xấu! Nhưng một điều chắc chắn trước sau gì con số khổng lồ này cũng trở thành nợ xấu một cách chính thức, vấn đề là trì hoãn thừa nhận chúng đến bao giờ mà thôi. Cũng theo NHNN, nhờ “cơ cấu lại” như thế mà tỷ lệ nợ xấu chính thức đến cuối tháng 4-2013 là 4,67% (con số tuyệt đối là 137,1 nghìn tỷ đồng). Còn nếu không, tỷ lệ nợ xấu đã lên 11,5% (con số tuyệt đối là 362,8 nghìn tỷ đồng).
Chính NHNN trong báo cáo nói trên phải đưa ra nhận định: “Nếu các biện pháp tự xử lý nợ xấu của TCTD và cơ cấu lại nợ theo Quyết định 780/QĐ-NHNN không được hỗ trợ tích cực bởi sự phục hồi kinh tế, thực thi có hiệu quả các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường bất động sản và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì nợ xấu tiềm ẩn rất lớn, xử lý khó khăn hơn và có nguy cơ tăng mạnh”.
Các khoản nợ “chưa xấu” này mới thật sự đáng lo vì chưa được trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ nên một khi bộc lộ ra thì ngân hàng phải chịu ghi nhận thiệt hại rất lớn. Với quy mô như nói trên thì khả năng nhiều ngân hàng mất hết vốn chủ sở hữu cũng chưa đủ để xử lý nợ “chưa xấu” này. Chính vì thế, việc các ngân hàng ngại ngần cho vay hiện nay không hẳn là do nợ xấu (đã trích lập đầy đủ) mà do nợ “chưa xấu” (chưa trích lập nên còn khả năng gây mất mát).


Wednesday, July 3, 2013

Chuyện giáo dục - 1

Chuyện giáo dục - 1

Bạn có thể tin được là câu sau được trích nguyên văn từ sách giáo khoa bộ môn “Giáo dục Công dân” lớp 10 không? -  “Phủ định siêu hình là sự phủ định được diễn ra do sự can thiệp, sự tác động từ phía bên ngoài, cản trở hoặc xóa bỏ sự tồn tại và phát triển tự nhiên của sự vật đó”.

Thêm một câu nữa cho mọi người dễ hình dung: “Phủ định biện chứng là sự phủ định được diễn ra do sự phát triển của bản thân sự vật và hiện tượng, có kế thừa những yếu tố tích cực của sự vật và hiện tượng cũ để phát triển sự vật và hiện tượng mới”.

Tôi nghĩ không chỉ học sinh, ngay cả thầy cô khi phải dạy những điều này trên lớp ắt cũng ngao ngán không biết mình đang làm gì, có ích lợi gì cho việc hình thành nhân cách của học sinh qua một bộ môn lẽ ra rất thiết thực là “Giáo dục Công dân”.

Lẽ ra học sinh phải được học những điều căn bản về quyền công dân để không có học sinh nào vì sợ không có tiền nộp phạt vi phạm giao thông mà đành phải tự tử; các em phải được học thế nào là phẩm giá đích thực để không bị trào lưu khoe thân thể lôi kéo, tự quay video hạ nhục chính mình hay ngược lại tự tử vì hình ảnh bị bêu xấu trên mạng xã hội.

Nhưng không, học sinh sẽ được học những chương như “Thế giới quan duy vật và phương pháp luận biện chứng”, “Thế giới vật chất tồn tại khách quan”, “Tồn tại xã hội và ý thức xã hội”… Xin nhớ đây là sách giáo khoa dành cho học sinh lớp 10 (tôi không có điều kiện đọc sách giáo khoa dành cho các lớp còn lại nên nhận xét có thể chủ quan).

Thậm chí những người biên soạn sách này, người thiết kế chương trình và lãnh đạo ngành giáo dục, thôi thì nói thật tâm với nhau đi, là họ có nghĩ những nội dung ấy là thiết thực, là bổ ích, là cần thiết cho một công dân ứng xử với xã hội hiện đại hay không?

Vấn đề là vì sao không ai lên tiếng, không ai đòi hỏi phải cải tổ chương trình, viết lại sách giáo khoa, thay đổi cách dạy?

Vì thế tôi nghĩ giáo dục là vấn đề lớn nhất hiện nay của chúng ta, không giải quyết sự yếu kém của giáo dục thì không giải quyết được chuyện gì khác. Nhưng vấn đề lớn nhất trong giáo dục là sự thiếu vắng một áp lực cải cách từ dưới dội lên trên bởi không thể trông chờ sự chuyển biến trong nhận thức từ trên xuống dưới. Sự thiếu vắng đó là do tinh thần dân chủ trong giáo dục hoàn toàn không tồn tại, mong muốn lên tiếng vì cái đúng cũng mai một vì ngại ngùng hay sợ bị chụp mũ; ai cũng im lặng chấp nhận sự phi lý, lâu ngày thành quen. Kết cục là nhiều thế hệ học sinh bị lạc lõng, bơi trong một bể kiến thức vô hồn trong khi cuộc sống ngày càng phức tạp, đòi hỏi những kỹ năng sống mới nếu muốn tiến thân.

*                      *                      *

Nói đến chuyện giáo dục, một người bạn tỏ vẻ lo lắng khi thấy hết địa phương này đến địa phương khác cứ tuyên bố rót hàng chục, hàng trăm tỷ đồng để triển khai chương trình dạy ngoại ngữ tạo thành một làn sóng tốn kém, cả tiền bạc và công sức mà chưa biết hiệu quả có hay không.

Tôi thì nghĩ có tiền để triển khai nâng cấp chuyện dạy tiếng Anh cũng tốt. Nhưng tốt hơn hết là dồn nỗ lực để cải tiến việc học và dạy tiếng Việt. Học sinh nếu chưa thành thạo tiếng Việt, chưa sử dụng được tiếng mẹ đẻ trong việc diễn đạt ý tưởng của mình một cách rõ ràng, súc tích thì chưa nên học ngoại ngữ làm gì.

Quan sát tiếng Việt được dùng trên các diễn đàn, mạng xã hội, bài viết… tôi thấy khả năng sử dụng ngôn ngữ của giới trẻ đang yếu đi trông thấy. Bỏ ra một bên các biểu hiện hình thức như chính tả, cách đánh vần, cách viết tắt… người sử dụng tiếng Việt thiếu hẳn sự làm chủ ngôn ngữ, bắt nó phục vụ mình, nói lên cho mình điều muốn nói. Trong bối cảnh đó, học thêm tiếng Anh liệu có ích gì?

Ước gì học sinh ngày nay được học tiếng Việt như đang học tiếng Anh, tức có người sửa lỗi ngữ pháp, diễn đạt, triển khai ý cho các em. Ước gì bài tập các em phải viết là những bài văn hết sức đơn giản, những lập luận thông thường, cách tường thuật sự việc sao cho khách quan… Thay vào đó, các em bị ép đi theo con đường học vẹt, viết theo khuôn sáo, viết một cách vô cảm. Không có gì bất hạnh hơn là viết mà không tin vào điều của chính mình viết ra.

Một giáo sư dạy môn Văn (tức tiếng Anh) ở các đại học danh tiếng như Harvard, Yale tỏ vẻ lo ngại rằng không biết dạy gì cho sinh viên vì chắc họ đã biết viết nhưng hóa ra không phải. Phân biệt loại văn cầu kỳ, kêu rổn rảng và loại văn mà tác giả cho là hay, bà viết: “They can assemble strings of jargon and generate clots of ventriloquistic syntax. They can meta-metastasize any thematic or ideological notion they happen upon. And they get good grades for doing just that. But as for writing clearly, simply, with attention and openness to their own thoughts and emotions and the world around them — no.

Văn hay hay đúng ra “biết viết” là phải như thế: viết rõ ràng, đơn giản và có tính nhân văn.




Từ chuyện gạo của Thái Lan

Từ chuyện gạo của Thái Lan

Từ một sự kiện người ta có thể có nhiều góc nhìn phân tích, bình luận rất khác nhau.

Ví dụ sự kiện chỉ là: Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Boonsong Teriyapirom bị Thủ tướng Yingluck Shinawatra cách chức vì chương trình trợ cấp giá gạo gây thua lỗ nặng nề cho ngân sách và làm Thái Lan mất đi vị trí nước xuất khẩu gạo số một thế giới.

Nhưng bình luận có thể diễn ra ở nhiều tầng nấc.

Tầng thứ nhất: Chính phủ họ làm việc nghiêm túc, ai làm sai là bị kỷ luật liền!

Tầng thứ hai: Chủ trương trợ giá gạo cho nông dân là của chính bà Yingluck, là yếu tố tranh cử của bà nên khi đắc cử bà phải thực thi thôi chứ đâu phải là quyết định riêng của bộ trưởng bị cách chức. Ông này chỉ là tấm bình phong để hướng sự giận dữ của nông dân vào một địa chỉ mà đã bị sa thải.

Tầng thứ ba: Sau khi thừa nhận thiệt hại từ chính sách mua gạo giá cao cho nông dân (lên đến 4,4 tỷ đô-la trong niên vụ 2011-2012, Chính phủ Thái Lan buộc phải cắt giảm giá mua gạo cho nông dân đến 20% vì càng để lâu càng thiệt hại nặng nề. Tưởng rằng sa thải Bộ trưởng Thương mại là xoa dịu được nông dân nhưng sự phản đối vẫn lan rộng (ai nấy đang tính toán thu nhập dựa trên mức giá bán cao nay tự nhiên bị mất 20% thu nhập, làm sao nông dân không phản ứng?). Cuối cùng Chính phủ Thái Lan phải tiếp tục nâng giá mua gạo lên mức cũ. Bế tắc vẫn hoàn bế tắc.

Tầng thứ tư: Tính toán của Thái Lan khi nâng giá mua gạo cho nông dân là có cơ sở. Bởi lúc đó Thái Lan là nước xuất khẩu gạo số một thế giới. Một khi họ cắt cung trong lúc cầu không giảm, chắc chắn (theo tính toán của họ) giá thế giới sẽ lên. Vậy là họ làm được một công đôi việc: giúp nâng cao mức sống cho nông dân, thực hiện cam kết khi tranh cử vừa có lợi khi giá thế giới tăng như năm 2008. Ai dè Ấn Độ tăng cường sản xuất và mọi toan tính sụp đổ khi cung không giảm mà thậm chí còn tăng. Như vậy bản chất của vấn đề là Thái Lan xui, không gặp thời mà thôi.

Tầng thứ năm: Sai lầm của Chính phủ Thái Lan đã dẫn đến sự sụp đổ một ngành xuất khẩu quan trọng của nước này (năm ngoái xuất khẩu gạo giảm 37%, hiện gạo tồn kho lên đến 17 triệu tấn), làm nông dân bị “hư” theo nghĩa sẽ quen với trợ giá, không chịu bán giá rẻ. Thiệt hại cho ngân sách có thể lên đến hàng chục tỷ đô-la trong khi ngân sách đang thâm hụt và đây là yếu tố có thể dẫn đến sự ra đi của bà Yingluck. Rồi ra câu chuyện dân chủ hay mị dân trên chính trường Thái Lan vẫn sẽ tiếp diễn như thời Thaksin.
  
Tầng thứ sáu: Thế còn các nước giàu như Nhật, Mỹ hay các nước châu Âu thì sao? Bản chất họ cũng đang trợ giá cho nông sản nước họ chẳng khác gì Thái Lan đang cố gắng làm. Vì sao một bên thì khen là biết lo cho người dân nghèo; một bên lại chê trách chính sách mị dân?

….


Có thể đưa ra hàng loạt góc nhìn khác nữa (như kinh tế thị trường không có chỗ cho việc thao túng giá, làm gì có chuyện yêu nước trong kinh doanh vì thương nhân Thái Lan đang đổ xô đi mua gạo của Campuchia, Việt Nam, Miến Điện, rẻ hơn mua trong nước …). Cho nên đứng trước một vấn đề, thu lượm thông tin đầy đủ là quan trọng hơn cả chứ nghe và tin theo bất kỳ một phân tích hay bình luận nào thật dễ bị hố. 

AI - hype and reality

  AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...