Nobel Kinh tế 2007
Lý thuyết trò chơi “đảo ngược”
Nguyễn Vạn Phú
Ba nhà khoa học người Mỹ nhận giải Nobel Kinh tế năm nay, Leonid Hurwicz, Eric Maskin và Roger Myerson xuất thân là nhà toán học ứng dụng. Tuy thế những nghiên cứu của họ đã có tác động lớn đến kinh tế học vi mô và được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lãnh vực.
Những ai có nghiên cứu về kinh tế học đều biết đến khái niệm “bàn tay vô hình” của Adam Smith, cổ xúy cho các nguyên tắc thị trường tự do. Nhưng “bàn tay vô hình” chỉ phát huy tác dụng ở một thị trường hoàn hảo, nơi thông tin được cung cấp đầy đủ. Trong trường hợp thị trường không hoàn hảo, giao dịch có thể thất bại vì người mua, người bán, do thiếu thông tin, có thể đưa ra giá không bên nào chấp nhận được. Ví dụ, một hợp đồng bảo hiểm ốm đau sẽ thất bại nếu đưa ra mức bồi thường quá thấp hay ngược lại, cũng thất bại nếu đưa ra điều kiện quá dễ dàng vì bị lạm dụng. Người bán luôn có động cơ đưa ra giá cao nhất có thể đưa và người mua luôn có động cơ ngược lại, cả hai bên lại không đủ thông tin của nhau (tình trạng thông tin bất đối xứng) nên kết quả giao dịch có thể không hoàn hảo hay thậm chí thất bại. Nghiên cứu của ba người nhận giải Nobel năm nay - gọi chung là “lý thuyết thiết kế cơ chế” đã giúp người ta hiểu được các cơ chế cần có để tìm một sự cân bằng tối ưu giúp thị trường hoạt động.
Nghiên cứu về thiết kế cơ chế là một phân ngành kinh tế học trừu tượng, sử dụng các mô hình và công thức toán học phức tạp. Các tạp chí kinh tế nước ngoài, khi đưa tin về giải Nobel Kinh tế năm nay, đều phải dựa vào các ví dụ được đơn giản hóa. Một trong những cơ chế được lấy làm ví dụ là đấu giá. Giả thử một bức tranh của danh họa Picasso được bán đấu giá, cơ chế đấu giá như thế sẽ buộc người tham gia phải phát ra thông tin - thông qua các mức đấu giá - về giá trị bức tranh theo đánh giá của từng người. Như vậy, vai trò của các nhà khoa học này là sử dụng toán học để phân tích và mô tả quy trình “thúc đẩy người giao dịch cung cấp thông tin thật”.
Có lẽ chúng ta còn nhớ giải Nobel Kinh tế năm 2005 (trao cho Thomas Schelling và Robert Aumann) về các công trình ứng dụng lý thuyết trò chơi. Trước đó, John Nash, mà cuộc đời được đưa lên màn ảnh qua phim “A Beautiful Mind” cũng được trao giải Nobel Kinh tế năm 1994 nhờ lý thuyết trò chơi.
“Thiết kế cơ chế” là một dạng lý thuyết trò chơi đảo ngược. Trong khi lý thuyết trò chơi tìm hiểu xem cá nhân sẽ hành xử như thế nào trong những hoàn cảnh nhất định khi có những tác nhân nhất định thì lý thuyết “thiết kế cơ chế” tìm cách thiết kế các hoàn cảnh và các tác nhân sao cho đạt được cách hành xử mong muốn.
Alvin Roth, một giáo sư kinh tế tại Đại học Harvard giải thích trên tờ Wall Street Journal: “Có thể nói trước khi có lý thuyết trò chơi hiện đại, các nhà kinh tế học nhìn vào thị trường như nhà thực vật học nhìn vào cây cảnh, tìm cách nghiên cứu các hiện tượng tự nhiên. Thiết kế cơ chế nhìn nhận rằng thị trường là do con người xây dựng nên để bắt đầu tự hỏi: chúng ta có thể làm gì hay không làm được gì với thị trường, cách nào là tốt nhất để tác động lên nó”.
Vì thế thiết kế cơ chế được ứng dụng trong rất nhiều lãnh vực: từ chính sách quản lý nhà nước, phân bổ nguồn lực, chính sách thuế đến cơ chế đấu giá, lập hợp đồng bảo hiểm. Nói chung lý thuyết của các nhà kinh tế học được giải Nobel năm nay có thể sử dụng làm cơ sở giúp xác định lúc nào thị trường hay cơ chế nào có tác dụng cung cấp kết quả mong muốn. Ví dụ, chính phủ Anh đã thiết kế một cơ chế tối ưu khi bán đấu giá giấy phép khai thác mạng điện thoại di động 3G năm 2000, thu về cho ngân sách hơn 22 tỷ bảng Anh. Cơ chế này buộc các hãng tham gia phải đưa ra giá phản ánh được giá trị thật của giấy phép và ngăn cản họ liên kết với nhau để ép giá và hưởng lợi.
Giáo sư Leonid Hurwicz (Đại học Minnesota) năm nay 90, là người lớn tuổi nhất đoạt giải Nobel từ trước đến nay. Ông là người khởi sự nghiên cứu về lý thuyết thiết kế cơ chế từ những năm 1950. Giáo sư Eric Maskin, 57 tuổi, hiện đang giảng dạy tại Học viện Nghiên cứu Cao cấp, Đại học Princeton, là người nghiên cứu sâu về thiết kế tối ưu cho các hình thức đấu giá. Riêng Roger Myerson, 56 tuổi, hiện là giáo sư của Đại học Chicago, là một trong những tác giả của một định lý quan trọng của lý thuyết thiết kế cơ chế. Mặc dù được báo chí gọi là giải Nobel Kinh tế, tên chính thức của giải này là Giải thưởng Tưởng niệm Nobel về Khoa học Kinh tế, không liên quan trực tiếp đến các giải Nobel khác vì do ngân hàng trung ương Thụy Điển tổ chức. Trị giá giải năm nay vào khoảng 1,5 triệu đô-la Mỹ, sẽ được trao chính thức vào ngày 10-12.
Windows:
“Thiết kế cơ chế” là một dạng lý thuyết trò chơi đảo ngược. Trong khi lý thuyết trò chơi tìm hiểu xem cá nhân sẽ hành xử như thế nào trong những hoàn cảnh nhất định khi có những tác nhân nhất định thì “thiết kế cơ chế” tìm cách thiết kế các hoàn cảnh và các tác nhân sao cho đạt được cách hành xử mong muốn.
Box
Các giải Nobel khác:
+ Hòa bình: Trao cho cựu phó tổng thống Mỹ Al Gore và Ủy ban liên chính phủ về thay đổi khí hậu của Liên hiệp quốc về những nỗ lực đối phó với tình trạng thay đổi khí hậu.
+ Văn học: Nữ văn sĩ người Anh Doris Lessing.
+ Hóa học: Nhà khoa học người Đức Gerhard Ertl nhờ công trình nghiên cứu về phản ứng hóa học trên bề mặt rắn.
+ Vật lý: Nhà khoa học người Pháp Albert Fert và đồng sự người Đức Peter Grunberg nhờ khám phá công nghệ đọc dữ liệu trên ổ cứng.
+ Y học: Mario Capecchi (người Mỹ gốc Ý), Martin Evans (người Anh) và Oliver Smithies (người Mỹ gốc Anh) cho các nghiên cứu về công nghệ gen.
Thursday, October 18, 2007
Subscribe to:
Posts (Atom)
AI - hype and reality
AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...
-
“Đơn vị sự nghiệp công lập có thu” là cái chi chi? Khi Bộ Tài chính công bố “Quy chế thí điểm chuyển đơn vị sự nghiệp công lập có thu thàn...
-
Phép thử tiền crypto Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocur...
-
Đấu giá ngược Phiên đấu thầu bán vàng miếng đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước tổ chức hôm qua bị các báo sáng nay phê phán dữ quá. Báo T...