Sunday, June 27, 2010

Chuyện đất, nhìn từ góc độ ngân sách

Chuyện đất, nhìn từ góc độ ngân sách

Tại kỳ họp Quốc hội vừa kết thúc vào cuối tuần trước, đã có nhiều đại biểu bày tỏ trực tiếp nỗi lo ngại lợi ích của một số cá nhân đang tác động lên những quyết sách sao cho có lợi cho họ nhất. Việc lên kế hoạch xây dựng trục Thăng Long hay việc chuyển khu hành chính lên Ba Vì mà nhiều đại biểu cho là không cần thiết đã giúp nhiều nhà đầu tư đẩy giá đất lên cao chỉ trong một thời gian ngắn. Không biết bao nhiêu người đã hưởng lợi từ kế hoạch chỉ mang tính phác thảo này. Và sau đó không biết bao nhiêu người đã mất những khoản tiền khổng lồ khi sự thảo luận tại Hội trường Quốc hội không diễn ra như nhà đầu tư mong muốn.

Thật đáng tiếc, ngoài lợi ích cá nhân đã nhận nhiều lời phê phán, nhiều địa phương khác cũng chăm chăm vào việc thu hồi, đền bù, giải tỏa đất đai, gây xáo trộn cho đời sống người dân khắp nơi chỉ vì họ thấy số tiền thu được từ đất đai đang làm cho ngân sách địa phương vượt thu nhanh chóng.

Thử nhìn lại ngân sách năm 2009, con số thực thu tăng đến 51.690 tỷ đồng so với tổng thu dự kiến đã báo cáo với Quốc hội trước đó. Nhưng đáng ngạc nhiên nhất, chiếm phần rất lớn trong con số tăng thu này là 14.370 tỷ đồng, thu từ nhà đất. (Nên nhớ, tăng thu từ khu vực quốc doanh chỉ là 2.430 tỷ đồng, từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chỉ là 4.880 tỷ đồng).

Chính Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, trong bài trả lời phỏng vấn trên báo Tuổi Trẻ - “Vượt thu chủ yếu nhờ bán đất”, đã cho biết: “Nhiều địa phương đã tập trung đẩy nhanh việc đấu giá quyền sử dụng đất, kịp thời giao đất và thu tiền sử dụng đất phát sinh. Do vậy, số thu tiền sử dụng đất năm 2009 đạt mức cao nhất trong những năm gần đây”.

Chiến lược quản lý đất nước không chỉ nhắm đến một hai mục tiêu trước mắt. Tăng thu ngân sách là một mục tiêu tốt, nhằm giảm áp lực bội chi, địa phương lại cho nguồn thu để phát triển. Tuy nhiên, như Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội nhận định, “việc tăng thu từ nguồn đất đai cũng sẽ kéo theo những hệ lụy tiêu cực đối với kinh tế - xã hội”, lợi ích từ tăng thu ngân sách có thể bị triệt tiêu nếu việc quản lý đất đai không khéo, dẫn đến hàng loạt người dân mất phương tiện sinh kế, cuộc sống xáo trộn, mọi cơ sở an sinh xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, môi trường phải làm lại ngay từ đầu.

Thật ra, mục đích tăng thu ngân sách từ đất đai và mục đích phát triển kinh tế-xã hội không đối chọi nhau, không triệt tiêu lẫn nhau, thậm chí còn hỗ trợ cho nhau nữa. Cái khó là làm sao ngăn chận được hiện tượng lạm dụng chính sách để tư lợi cá nhân và quan trọng hơn, lãnh đạo địa phương không vì lợi ích trước mắt mà quên đi những chi phí tương lai sẽ phải gánh chịu nếu không hài hòa lợi ích của người dân bị giải tỏa với lợi ích nguồn thu ngân sách. Để làm được điều này vẫn không có gì khác hơn ngoài sự minh bạch và sự tham gia của các tầng lớp xã hội. Tầm nhìn của người lãnh đạo để phân biệt được lợi ích ngắn hạn và lợi ích dài hạn chỉ có thể được phát huy và củng cố nhờ sự giám sát của công luận và sự tham gia vào quá trình hoạch định chính sách của người dân.

Saturday, June 19, 2010

Nhẹ lòng nhưng chưa thể gọi là mừng

Nhẹ lòng nhưng chưa thể gọi là mừng

Quốc hội cuối cùng đã không thông qua dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam. Đây là một sự kiện quan trọng mà ý nghĩa của nó có lẽ phải một thời gian nữa chúng ta mới lường được hết. Quyết định của Quốc hội đã làm nhẹ lòng công luận, trong một thời gian dài đã lên tiếng bày tỏ sự lo lắng về những hậu quả khó lường nếu dự án này được thông qua.

Tuy nhiên, nếu nhìn lại suốt cả câu chuyện, thật khó lòng bày tỏ một sự vui mừng trọn vẹn:

- Với một dự án mà phía đồng tình ủng hộ chỉ đưa ra được những luận cứ cảm tính, gây cười hay áp đặt (như câu “Người ta cho vay thì mình cứ vay, có nơi cho vay là tốt quá. Cứ ý kiến ra, ý kiến vào”); còn phía phản đối có những lập luận vững chắc, được sự hỗ trợ của công luận gồm các nhà chuyên môn trong lãnh vực này với những con số và lý lẽ hết sức thuyết phục, lẽ ra người dân đã không phải thấp thỏm chờ đến phút thứ 89 như lần biểu quyết chiều nay. Tại sao trước sự phân tích lợi hại quá rõ như thế, nhiều người trong chúng ta vẫn hoài nghi, e rằng Quốc hội, bàn thì bàn nhưng đến khi bỏ phiếu ắt sẽ chiều theo ý muốn của Chính phủ? Lẽ ra mọi người đã phải có quyền tin chắc vào kết cục không thông qua ngay sau khi Quốc hội họp tại hội trường để thảo luận về dự án. Cũng may (lại phải dùng từ “cũng may”), quyết định của Quốc hội đã cứu một bàn thua trông thấy cho nền dân chủ nghị trường.

- Thứ hai là chuyện bỏ phiếu thăm dò trước khi chính thức bấm nút. Theo kết quả thăm dò bằng phiếu kín, có 271/474 (57,17%) đại biểu đồng ý ra nghị quyết về chủ trương xây dựng dự án. Tại sao đến khi bấm nút công khai, chỉ có 185 đại biểu tán thành (cho dù lấy con số nào thì số đại biểu tán thành cũng thấp hơn con số 271 kia). Không thể chỉ trong vòng mấy ngày nhiều đại biểu thay đổi ý định như vậy. Từ đó rất dễ nghi ngờ tính chính xác của việc thăm dò vào đầu tuần này. Đại biểu gánh vác trách nhiệm đại diện cho cử tri nên mọi ý kiến của họ phải công khai cho cử tri biết; liệu cách làm bỏ phiếu kín có hợp lệ không, có trái với tinh thần công khai kia không? Cử tri phải biết đại biểu của họ thể hiện chính kiến như thế nào chứ.

- Bác bỏ dự án đường sắt cao tốc không có nghĩa là không hiện đại hóa, nâng cấp hệ thống đường sắt hiện nay. Đã có biết bao ý kiến tâm huyết của những nhà khoa học chứng minh việc cần thiết nâng cấp hệ thống đường sắt, mở rộng thành khổ 1,435 mét, tốc độ 150-200km/giờ, vừa chở hàng vừa chở hành khách… Có lẽ sau lần trình dự án đường sắt cao tốc bất thành, mọi chuyện nâng cấp như thế sẽ bị xếp xó một thời gian dài. Lẽ ra với quyền lực của mình, Quốc hội phải buộc Chính phủ làm dự án nghiên cứu chuyện hiện đại hóa và nâng cấp đó để trình ra Quốc hội trong khóa tới.

- Dự án đường sắt cao tốc là câu chuyện thu hút biết bao tâm trí của người dân. Còn biết bao vấn đề kinh tế xã hội nóng bỏng khác, làm sao để phát huy được trí tuệ chung của mọi người, làm sao để đại biểu Quốc hội nghe được những góp ý trung thực, thẳng thắn, công tâm và quan trọng nhất là có chuyên môn sâu của các chuyên gia của từng chuyên ngành. Rõ ràng không phải ai cũng rành về tài chính-ngân hàng để góp ý cho dự thảo luật ngân hàng chẳng hạn. Lẽ ra đại biểu Quốc hội phải hoạt động dưới một cơ chế cho phép họ tận dụng được nguồn lực trí tuệ trong nước, để sau này khi cần, họ sẽ có được những thông tin cần thiết giúp họ yên tâm và mạnh dạn nhấn nút cho quyết định của mình.

Mọi việc còn ở phía trước. Nhưng phiên họp chiều nay (19/6) sẽ được ghi nhận như một bước khởi đầu đầy ý nghĩa của việc người dân, thông qua đại biểu của mình, thật sự tham gia vào quá trình lập chính sách.

Sunday, June 13, 2010

“Lung linh” những con số

“Lung linh” những con số

Bạn có biết thu nhập đầu người nước ta tính theo USD tăng cao nhất vào năm nào không? Năm 2008! Đúng là năm nền kinh tế rơi vào khó khăn nhất.

Đây là những con số chính thức do Tổng cục Thống kê công bố vào cuối năm ngoái. Lúc đó Tổng cục Thống kê và Bộ Kế hoạch Đầu tư tổ chức họp báo (ngày 31-12-2009) và cho biết: GDP bình quân đầu người năm 2008 đạt 1.024 USD. Trong khi con số đó của năm 2007 chỉ là 833 USD, một mức tăng đến 22,9%.

Trích: “Ông Bùi Bá Cường, Vụ trưởng Vụ Thống kê Tài khoản Quốc gia: Nếu lấy con số GDP theo giá thực tế của năm 2008 là hơn 1.487 nghìn tỷ đồng, chia cho dân số là 86,16 triệu người thì GDP bình quân đầu người của Việt Nam là cỡ khoảng trên 17 triệu đồng/năm. Sau đó chia cho tỷ giá là 16.700 đồng/USD thì GDP bình quân đầu người một năm của Việt Nam vào khoảng 1.024 USD”.

Có chuyện lạ kỳ như vậy vì GDP đầu người tính theo con số danh nghĩa gồm luôn cả lạm phát năm 2008, lên đến gần 23% (cũng là con số tại buổi họp báo này). Chính vì vậy, đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng “nếu như tính theo các chỉ số giá và tỷ giá như năm 2007, GDP bình quân đầu người ở Việt Nam chỉ tăng khoảng trên 900 USD/người”. Có thể tham khảo nguồn ở đâyở đây.

Trên trang web của Tổng cục Thống kê, có thể lấy được con số GDP tuyệt đối tạm tính cho năm 2009 là 1.645.481 tỷ đồng. Dân số nước ta năm 2009 vào khoảng 87 triệu người. Tỷ giá liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố vào cuối năm 2009 là 17.941 đồng/USD. Như vậy GDP đầu người năm 2009 là vào khoảng 1.050 USD. Không còn mức tăng kinh khủng như năm 2008 nữa là vì lạm phát năm 2009 thấp hơn nhiều; tỷ giá lại được điều chỉnh mấy lần (tỷ giá mà Tổng cục Thống kê lấy để tính toán cho năm 2008 là 16.700 đồng/USD).

Không cần để ý đến các con số, chúng ta cũng có thể thấy GDP bình quân đầu người không phản ánh được điều gì cả nếu tính theo con số danh nghĩa vì phụ thuộc vào lạm phát, tỷ giá…

Nay Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng vừa mới cho biết thu nhập bình quân đầu người nước ta trong năm 2010 là 1.200 USD. Đây là con số rất đáng phấn khởi!!! Nhưng hãy bình tĩnh xem ở đâu ra con số này. Nếu so với năm 2009 thì ngay cả khi giả định là dân số không tăng, GDP năm 2010 phải tăng 14,3% mới ra con số này! Còn nếu tính cả việc tăng dân số và khả năng điều chỉnh tỷ giá thì trong năm 2010, GDP danh nghĩa phải tăng chừng 17% thì mới có thể đạt 1.200 USD/ đầu người. Nếu loại trừ yếu tố tăng CPI chừng 7-8% thì GDP thực phải tăng trên dưới 9-10% trong khi con số từng được công bố chính thức làm mục tiêu là 6,5%.

Nếu bỏ vô exel những thông số kiểu “du di” như thế, tính toán một hồi thì GDP đầu người năm 2020 cũng rất có thể tăng thành 3.000 USD và năm 2050 thành 20.000 USD như chơi.

Nhưng ở đó sẽ phải có hai giả định rất quan trọng: lạm phát trong những năm tới sẽ luôn ở mức cao để duy trì mức tăng GDP danh nghĩa cao, nhưng đồng thời tỷ giá sẽ phải được duy trì ở mức tương đối ổn định.

Bây giờ chúng ta hãy nhìn lại thu nhập đầu người trong mấy năm qua. Lý do quan trọng nhất khiến GDP đầu người tính theo USD của Việt Nam tăng rất nhanh là vì lạm phát của chúng ta rất cao. Lẽ ra tiền đồng phải mất giá tương ứng để khi đổi sang USD thì thu nhập đầu người tăng đúng theo mức tăng GDP thực tế mà chúng ta thường nghe công bố. Nhưng không, hai con số này vẫn cứ đường anh anh đi, đường tôi tôi tính. Duy trì chuyện này được trong bao lâu? Cái giá phải trả là sự hụt giảm dự trữ ngoại tệ lên đến 8,8 tỷ USD trong năm ngoái.

Như vậy, đúng như phân tích của các chuyên gia kinh tế, lạm phát đang như một thứ thuế đánh lên người nghèo; còn người có thể tiếp cận được các phương thức khác, đã chuyển thu nhập của họ sang tài sản khác như tiền đô-la và được nhà nước bảo đảm “sẽ duy trì tỷ giá ổn định”.

Nói một cách đơn giản, có lẽ chúng ta đã từng nghe nói về cân bằng sức mua (ví dụ một một ổ bánh mì ở Mỹ bán giá 1 USD nhưng ở Việt Nam chỉ có 2.000 đồng thì tỷ giá theo cân bằng sức mua là 2.000 đồng/USD). Chính cái tỷ giá này đang tăng vụt (ví dụ bánh mì nay lên 3.000 đồng), làm cho sức mua của người dân ngày càng giảm cho dù GDP đầu người có tăng trên 1.000 hay 1.200 USD.

Thursday, June 10, 2010

Một bài học cho người viết báo

Một bài học cho người viết báo

Internet thật là lợi hại. Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tổ chức họp báo. Một tờ báo đưa tin sai. WB ngay lập tức đưa lên trang web của họ toàn bộ nội dung liên quan. Thế thì người phóng viên đưa tin sai còn biết chống chế vào đâu nữa. Khổ nổi khi WB "nói lại cho rõ" như thế lại phạm phải những lỗi dịch thuật sơ đẳng rất ngớ ngẩn.

Số là trong buổi họp báo về Hội nghị giữa kỳ các nhà tài trợ, có phóng viên hỏi quan điểm của WB về dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam, đại diện WB trả lời với ba ý chính:

- Cho đến nay, WB chưa liên quan gì đến dự án đường sắt cao tốc của Việt Nam.

- Về nguyên tắc, WB không phản đối đường sắt cao tốc nói chung.

- Đồng thời WB cảnh báo Việt Nam nên chú ý đến việc quá tập trung vào các tập đoàn kinh tế vì rủi ro chúng có thể đem lại (tác động lên chính sách – kiểu như các chaebol ở Hàn Quốc từng làm; phải giải cứu nếu chúng thất bại…) cũng như đến các dự án khổng lồ nhưng có thể không đem lại lợi ích về kinh tế.

Có thể đọc nguyên văn tiếng Anh ở đây.

Vậy mà tờ VnExpress khi tường thuật đã thêm vào những ý người ta không nói như: Với các siêu dự án thế này, trèo quá cao có nguy cơ ngã nhanh. Hoặc diễn giả sai ý người nói như: để làm được những siêu dự án lớn, Việt Nam cần phải có một tư duy cũng thật lớn; Việt Nam chưa có tập đoàn nào được gọi là một Chaebol của đất nước và nếu muốn noi gương Hàn Quốc, sự nỗ lực sẽ vô cùng lớn, và hơn thế, cần phải có tư duy xứng tầm

Không được! Cho dù bản thân người phóng viên phản đối dự án đường sắt cao tốc, khi tường thuật phải giữ cho mình thái độ khách quan cần thiết, không được thêm thắt, không được diễn giải ý họ theo ý mình. (Trừ phi chủ nhà dịch sai, xem phần cập nhật).

Điều đáng ngạc nhiên là bản thân WB khi dịch nội dung cuộc họp báo sang tiếng Việt lại dịch sai quá nhiều, làm phần tiếng Việt (có thể đọc ở đây) lại hàm ý khác với tiếng Anh khá xa.

Xin lượm ra một vài điểm sai như thế:

Sau khi dẫn chứng WB từng cho Nhật Bản vay tiền làm đường sắt cao tốc, hay đang cân nhắc một dự án loại này tại Brazil, đại diện WB nói: “Now, this is not to say that the high-speed train of Vietnam is a good idea”, tức là, “Nói vậy không có nghĩa [chúng tôi] cho rằng dự án đường sắt cao tốc của Việt Nam là một ý tưởng hay”. Thế nhưng bản dịch chuyển thành: “Bây giờ, không dễ để nói rằng dự án đường sắt cao tốc ở Việt Nam là một ý kiến hay.

Với nhận định “Vietnam is thinking big, and that has advantages and has risks” (Việt Nam đang cân nhắc các siêu dự án, điều đó vừa có điểm hay vừa có rủi ro), bản tiếng Việt dịch thành: “Việt Nam có những suy nghĩ lớn, có lợi thế cũng như rủi ro”.

Câu “At present, there are problems having more than 25 trains a day between Hanoi and HCMC. Taking freight out of the roads could be a good idea” ý nói hiện nay chưa thể chạy quá 25 chuyến tàu mỗi ngày trên đường sắt xuyên Việt và nếu phát triển thêm các đoàn tàu chở hàng để giảm tải cho đường bộ là điều hay. Thế nhưng tiếng Việt thành một câu ngô nghê: “Hiện tại, có một vấn đề là một ngày có những 25 chuyến tàu chạy giữa Hà Nội – Hồ Chí Minh. Dùng đường sắt vận chuyển hàng hóa có thể là một ý kiến hay”.

Câu này khó hơn một chút: “Now, it doesn’t mean that if Vietnam goes ahead with the high-speed train, from today to tomorrow it will issue 56 billion dollars in debt”. Hàm ý của nó là nếu Việt Nam quyết định thực hiện dự án đường sắt cao tốc hôm nay thì sẽ không có chuyện ngày mai vay được 56 tỷ đô-la. Câu tiếng Việt dịch sát và thành vô nghĩa: “Bây giờ, điều này không có nghĩa là nếu Việt Nam tiếp tục dự án đường sắt cao tốc thì nay mai sẽ phải gánh chịu 56 tỷ đô la tiền nợ.”

Cụm từ dịch sai thì nhiều, kiểu như tập đoàn kinh tế dịch thành “nhóm kinh tế”; thủ đô thành “vốn” (mà ngay sau đó đã có ví dụ về Yamoussoukro (thủ đô của Côte d'Ivoire), sao vẫn dịch sai được nhỉ?); Đại hội Đảng thì biến thành “Hội nghị Đảng” (VietnamNet khi đăng sửa được lỗi này nhưng không sửa các lỗi khác)… Ngay cả khi rào chuyện "trách" VnExpress, bản dịch cũng sai thành "nội dung của bài báo trên báo VN Express được tổng hợp từ nhiều báo Việt Nam và nước ngoài". Có lẽ mọi người cũng đoán được nguyên văn tiếng Anh là "được trích đăng lại trên nhiều báo trong và ngoài nước"!

Lẽ ra một tổ chức lớn như WB nên cẩn thận với chuyện dịch thuật hơn vì người ta đọc chủ yếu là bản dịch tiếng Việt chứ sẽ ít có người đọc bản tiếng Anh.

Cập nhật: Một nguồn tin cho biết việc dịch phát biểu của đại diện WB tại cuộc họp báo bị sai nên các phóng viên viết sai theo. Nếu đúng vậy thì đây là lỗi của WB và họ phải nói rõ trong bản thông báo trên website của mình.

Đến sáng nay (11-6), WB lấy bản dịch tiếng Việt xuống, và sau đó đã đăng tải bản dịch mới, sửa hết các lỗi trong bản dịch cũ.


Tuesday, June 8, 2010

Cách chứng minh tôi là con mèo

Cách chứng minh tôi là con mèo

Nhiều người được một trận cười nghiêng ngả, nhiều người khác lắc đầu chán nản khi nghe lời phát biểu của một đại biểu Quốc hội: “Những nơi có chỉ số IQ cao thì họ có đường sắt cao tốc, Việt Nam ta cũng có chỉ số IQ cao” (Vneconomy).

Tôi thì luôn lắng nghe nghiêm túc mọi phát biểu của các đại biểu Quốc hội bởi nó có thể cho ta hiểu được nhiều điều. Riêng trong trường hợp này, cười hay ngao ngán, chúng ta cũng cần chỉ ra cho được cái sai trong lập luận, kẻo sẽ không công bằng khi chỉ cổ súy cho những ý kiến phản đối dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam.

Lập luận như trích ở trên là một tam đoạn luận rút gọn. Viết đầy đủ sẽ gồm ba phần như thế này:

- Những nước có chỉ số IQ cao thì xây đường sắt cao tốc.

- Việt Nam có chỉ số IQ cao.

- Việt Nam cũng xây đường sắt cao tốc.

Vấn đề ở chỗ tam đoạn luận này sai. Khoan xét đến chuyện IQ bởi nó phức tạp hơn (và cũng mang tính xúc phạm dân tộc mình và dân tộc khác). Chỉ cần đọc lại tiên đề chính, chúng ta sẽ thấy đường sắt cao tốc không phải là thuộc tính duy nhất của các nước có chỉ số IQ cao. Lấy một ví dụ sau cho dễ hình dung:

- Tất cả các con mèo đều có lông.

- Tôi có lông.

- Vậy tôi là mèo.

Cái sai của lập luận này là ở chỗ lông không phải là thuộc tính duy nhất của mèo.

Những người phản đối dự án đường sắt cao tốc có thể dùng chính lập luận trên để tranh cãi. Đại loại những nước có chỉ số IQ cao thì có mạng lưới đường bộ phát triển, đường cao tốc mấy làn xe nối khắp cả nước; Việt Nam ta có chỉ số IQ cao nên Việt Nam phải có mạng lưới đường bộ phát triển… Đáng tiếc là hầu hết mọi ý kiến ủng hộ dự án đường sắt cao tốc đều rơi vào những sai lầm về mặt lập luận như thế.

Về tam đoạn luận nói riêng và những suy diễn sai thường ngày nói chung diễn ra khá phổ biến. Vì thế có nhiều lời khuyên các sinh viên đều nên học qua một khóa về lô-gích học để làm nền tảng cho mọi tranh luận và lập luận của mình. Rất tiếc ở Việt Nam không thấy dạy môn này.

----------------------------------

Cập nhật: Có một số phản hồi rất thú vị cho entry này. Xin trích một mẩu:

Tôi e rằng bác có chỗ nhầm lẫn trong bài trên blog mới đây của mình. Khoan hãy nói lập luận của ông ĐHQH là sai (tôi thì tôi tin nó nhảm). Phát biểu của bác có thể viết lại theo ký hiệu logic bậc 1 (first-order logic) như sau:

Với mọi A: IQ cao(A) -> Xây cao tốc(A)
IQ cao(Việt Nam)

Dẫn đến (entails)
=> Xây cao tốc (Việt Nam)

Lập luận này hoàn toàn logic.

Cái này khác với ví dụ con mèo:
Với mọi A, Là Mèo(A) -> Có lông(A)
Có lông (Tôi)

thì không dẫn đến Là Mèo(Tôi), tức là tôi là mèo.

Cái mà ông Trần Tiến Cảnh sai, là định đề:
Với mọi A: IQ cao(A) -> Xây cao tốc(A)

Định đề này không đúng, vì ba lẽ:

1. Phát biểu này không đầy đủ, đầy đủ hơn phải là:

Với mọi A: IQ cao(A) AND Đạt mức phát triển cao (A) -> Xây cao tốc(A)

2. IQ cao(Việt Nam) - cái này không có bằng chứng.

3. Phát biểu ngược lại có cơ hội đúng cao hơn:

Tồn tại A: Xây cao tốc(A) -> IQ cao(A)

Trân trọng

Wednesday, June 2, 2010

Vay ODA đến 30, 40 năm sau mới trả nợ?

Vay ODA đến 30, 40 năm sau mới trả nợ?

Không biết do đâu, mỗi khi nói đến vay vốn ODA, mọi người thường lập luận đây là gánh nặng nợ nần mà con cháu chúng ta sẽ phải trả. Mặc dù lập luận này nhằm cảnh báo việc sử dụng vốn ODA phải thận trọng nhưng thực tế, vay vốn ODA là phải trả ngay chứ đâu đợi con cháu chúng ta trả.

Củng cố cho lập luận này là phát biểu của Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng vào tuần trước: “Vay ODA thời gian vay 30-40 năm, thời gian trả nợ rất lâu, khi mình phát triển rồi thì có khả năng trả nợ.”

Nói như vậy là không chính xác, không biết báo chí có ghi nhầm gì hay không.

Một dự án vay vốn ODA thường có ba giai đoạn. Giai đoạn giải ngân và triển khai dự án, dài ngắn khác nhau. Giai đoạn ân hạn, thường kéo dài 10 năm, có thể bắt đầu tính từ lúc giải ngân hay lúc hoàn thành dự án, tùy thu xếp (gọi là ân hạn vì trong giai đoạn này, chỉ phải trả lãi cho khoản đã vay chứ chưa phải trả vốn). Giai đoạn hoàn trả cả vốn lẫn lãi, nếu thời gian cho vay 30, 40 năm có nghĩa là 30, 40 năm phải trả cho xong, cả vốn lẫn lãi chứ không phải 30, 40 năm sau mới bắt đầu trả nợ.

Theo báo SGTT, trích nguồn từ Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội thì để trả nợ gốc và lãi tính riêng cho các khoản vay ODA ưu đãi, ngân sách sẽ phải chi 70.250 tỉ đồng trong năm 2010 (gần 3,7 tỷ đô-la), tăng cao so với 58.800 tỉ đồng năm 2009 và 51.200 tỉ đồng năm 2008.

Như vậy hiện nay khoản tiền trả nợ, cả lãi lẫn gốc hàng năm là rất lớn chứ đâu phải chờ đến 30, 40 năm sau mới trả như thường bị hiểu nhầm.

Cryptocurrency

  Phép thử tiền crypto   Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocur...