Thăm lại hiện tượng NFT
Cách đây không lâu khi các NFT mới xuất hiện, báo chí trong
đó có Tuổi trẻ Cuối tuần đã có nhiều
bài giải thích, kể đầu đuôi sự ra đời của hiện tượng “Non-Fungible Token” này (Hết tiền mã hóa đến tranh mã hóa). (Đọc thêm bài này). Thế
nhưng không ai ngờ chỉ trong mấy tháng cơn sốt NFT dâng cao gấp mấy lần, tháng
Giêng thị trường NFT vào khoảng 400 triệu đô-la nay đã lên đến 2 tỷ đô-la mỗi
tháng, quý 3-2021 đạt mốc 5,9 tỷ đô-la!
Có lẽ đã đến lúc quay lại hiện tượng này để ít nhất khỏi bị
cuốn vào một mê hồn trận ai nấy đều biết là “ảo”, “không thể duy trì”, “trước
sau gì cũng nổ tung” nhưng ai nấy đều nghĩ mình sẽ kịp thoát trước; ai không
chơi sẽ thua thiệt. Nhắc lại một cách ngắn gọn: NFT là bản chứng nhận ảo duy nhất
cho một tài sản thật. Chẳng hạn cái NFT mà báo Economist đem ra bán đấu giá được gần 422.000 đô-la là giấy chứng
nhận quyền sở hữu trên không gian ảo cái bìa báo thật vẽ hình Alice đang ngắm
nhìn các đồng tiền mã hóa chui vào hang thỏ. Bìa báo in trên giấy, số lượng phát
hành bao nhiêu là có bấy nhiêu bìa thật tồn tại ngoài đời, báo vẫn giữ bản quyền.
Còn giấy chứng nhận NFT chỉ có một – ai mua là có quyền sở hữu. Điều mỉa mai là
báo nào đưa tin cũng kèm theo cái hình bìa để minh họa, xem như có hàng triệu tấm
hình bìa kỹ thuật số nằm khắp nơi, không khác gì nhau.
Thử hình dung sau tờ Economist,
hàng ngàn hàng trăm ngàn nơi khác cũng hăm hở nhảy vào bán thử sản phẩm độc đáo
của họ ở dạng NFT; thử tưởng tượng hàng ngàn, hàng trăm ngàn nhà đầu tư có tiền
không biết bỏ vào đâu để kiếm lời cho nhanh, bèn tranh nhau mua các NFT này với
hy vọng chúng sẽ lên giá như tranh của các danh họa cổ điển. Chừng đó cũng đủ
nuôi “phong trào NFT” thêm một thời gian nữa.
Nhưng đến nay đã rõ bên hưởng lợi ngay tức thì mỗi khi có một
giao dịch NFT chính là mạng lưới các máy tính đang duy trì cuốn sổ cái ghi nhận
sự sở hữu nói trên. Nói cuốn sổ cái đó là blockchain nghe rất “kỹ thuật số” nhưng
nói cho dân dã nó như cuốn sổ của Nam Tào, Bắc Đẩu ghi chuyện sinh tử của con
người. Để một NFT được ghi vào sổ cái, cũng như sau này bán lại cho ai thì ghi
sổ chuyển cho người sở hữu mới, cần phải trả phí xăng nhớt (tiếng Anh gọi là gas), giao động bất thường, có lúc chỉ
5-10 đô-la có lúc lên đến 70 đô-la mỗi giao dịch. Tờ Economist chịu mức phí tạo ra NFT là 98 đô-la.
Nơi hưởng lợi thứ nhì là các dịch vụ tạo ra NFT như Economist cho biết họ sử dụng dịch vụ của
Foundation với mức phí là 15% giá trị giao dịch ban đầu và sau này nơi mua có
bán lại bức tranh NFT này thì phải trả 5% cho mỗi giao dịch bán lại đó. Có lẽ tờ
báo còn phải trả phí cho luật sư để soạn thêm phụ lục hợp đồng, nói rõ người
mua NFT này không nắm copyright của cái bìa gốc, bản quyền vẫn nằm trong tay Economist. Trước khi chuyển số tiền bán
được cho một tổ chức từ thiện, Economist
để dành 16,67% lỡ sau này bị bắt đóng thuế thì có mà đóng.
Như thế thị trường NFT đang sôi động có lợi cho nhiều bên; từ
bên tạo ra NFT để bán đến các nơi làm dịch vụ liên quan, sàn tổ chức các cuộc
bán đấu giá, thậm chí ngân sách các địa phương. Chỉ có nhà đầu tư cuối cùng ôm
các NFT không bán cho ai được nữa mới chịu lỗ nhưng nhà đầu tư này chưa xuất hiện.
Dĩ nhiên bên tin vào giá trị bền vững của các NFT sẽ nói bản
chứng nhận duy nhất này là một hình thức xác lập quyền sở hữu rất độc đáo trong
thế giới ảo. Trong thế giới kỹ thuật số, một bức tranh lưu ở dạng JPEG chỉ cần dùng
lệnh copy là có thể sao chép thành nhiều bản; một bản nhạc gắn vào email gởi đi
cho người khác sẽ thành bản sao không thể phân biệt được với bản gốc… NFT sẽ giải
quyết vấn nạn sao chép này, kiểu như ai cũng có thể mua bản in bức tranh “Mona
Lisa” nhưng chỉ có một bản gốc duy nhất treo ở Viện bảo tàng The Louvre. Vấn đề
ở chỗ làm gì với quyền sở hữu này thì chưa được ai giải thích cho cặn kẽ.
Để thu hút nhiều người tham gia thị trường NFT, người ta
nghĩ ra đủ cách để tạo NFT giá rẻ như trường hợp một người mua bức tranh nổi tiếng
về cắt thành 10.000 mảnh để bán lẻ. Loic Gouzer là một người từng điều hành
hãng đấu giá Christie’s, từng tổ chức cuộc đấu giá một bức tranh của Leonardo
da Vinci với mức giá kỷ lục 450 triệu đô-la. Tháng Năm, ông này cùng một nhóm
chuyên gia tiền mã hóa mua bức tranh “Love Is in the Air” của họa sĩ Banksy với
giá 12,9 triệu đô-la. Giờ nhóm này có kế hoạch cắt nhỏ bức tranh thành 10.000 NFT
để bán, mỗi mảnh giá 1.500 đô-la. Dĩ nhiên, bức tranh mua về vẫn còn đó; cái họ
bán là giấy chứng nhận quyền sở hữu ảo nhưng bán từng phần của giấy chứng nhận
này cho dễ kiếm người mua. Còn lập luận của Gouzer là muốn ai cũng đủ điều kiện
tài chính tham gia thị trường sưu tầm mỹ thuật!
Ở hướng ngược lại, hồi tháng trước hàng ngàn người yêu thích
tiền mã hóa đã cùng nhau góp tiền để tham gia đấu giá mua một bản in gốc Hiến
pháp Mỹ. Họ góp bằng đồng Ether, đổi ra đô-la được 40 triệu nhưng sau rốt thua cuộc
trước một nhà sưu tập tư nhân trả 43,2 triệu đô-la. Điều đáng nói là sau khi đấu
giá thất bại, ban tổ chức đang gặp khó khăn khi trả tiền về cho người đóng góp vì
“phí xăng dầu” quyên góp tiền rồi phí chuyển trả tiền qua blockchain Ethereum đã
ăn hết 1,2 triệu đô-la. Tiền phí không tương quan với tiền gởi – gởi 100 đô-la chịu
phí cũng gần như gởi 1 triệu đô-la nên có người quyên góp 170 đô-la bằng đồng
ether phải tốn phí đến 50 đô-la, tiền mới về ban tổ chức. Nay để yêu cầu trả lại
tiền, người góp thêm một lần nữa phải chịu phí giao dịch! Chừng đó đã thấy sự
phi lý của đồng tiền mã hóa nói riêng và các NFT nói chung.
Với các doanh nghiệp tham gia thị trường NFT, nổi bật là các
hãng giày, đầu tiên là Nike, sau đến Adidas đều tỏ ý sẽ sớm có sản phẩm giày
NFT để dân chúng sử dụng trong không gian ảo metaverse. Sau giày ảo sẽ đến quần
áo thể thao ảo, rồi đủ loại phụ tùng chơi thể thao trong thế giới ảo với lập luận
sau khi con người có vật thế thân trên không gian ảo, cần mặc đồ, đi giày cho nhân
vật thế thân này. Để bán giày NFT cho dễ các hãng này sẽ liên kết với nhiều bên
như bên chuyên mua bán NFT, các ngôi sao thể thao, các sàn tiền mã hóa… Tuy
nhiên có thể họ không tranh đua nổi với các startup nhạy bén như hãng Rtfkt do
ba người bạn thành lập chuyên sản xuất giày thể thao dạng NFT, đã bán được nhiều
giày ảo, mỗi đôi giá từ 3.000 đến 10.000 đô-la.
Vụ gây ồn ào trên thị trường NFT gần đây nhất là đạo diễn Quentin
Tarantino tuyên bố sẽ đem 7 cảnh trước đây chưa từng công bố trong phim Pulp
Fiction năm 1994 ra bán dưới dạng NFT. Ngay lập tức hãng phim Miramax đáp trả sẽ
kiện vì họ đang giữ bản quyền phim này; rằng kế hoạch của Tarantino sẽ làm giảm
giá trị các NFT mà hãng Miranmax đang ấp ủ.
Một điều rất lạ - mặc dù các NFT được mua bán bằng đồng Ether
nhưng lúc nào người ta cũng tự động đổi ra đô-la như để “hù thiên hạ” bằng những
mốc giá trên trời. Như NFT hình bìa tờ Economist
giá gần nửa triệu đô-la chứ thật ra người mua trả 99,9 Ether và với sự sụt giá
thê thảm của các đồng tiền mã hóa vào tuần trước, nay nếu đổi ra đô-la thì giá
chỉ còn chừng 350.000 đô-la. Giả thử cơn sốt Bitcoin hay Ether bị xẹp bóng, giá
các NFT cũng sẽ xẹp theo, bán xong chưa chắc đã đủ để đóng “phí xăng dầu”.
Box
Hiện nay cộng đồng mua bán NFT vẫn còn nhỏ, chừng 1 triệu
người vì quá trình mua bán chúng còn nhiêu khê. Hầu hết các NFT đều được tạo ra
trên blockchain Ethereum; mua bán chúng phải dùng đồng Ether. Có thể mua ether trên
sàn Coinbase, sàn Binance hay dùng các ứng dụng mua bán chứng khoán như
Robinhood.
Người mua phải tạo ví tiền mã hóa để chứa Ether, mua và nhận
NFT, ví phổ biến nhất hiện nay là MetaMask, nằm ngay trên trình duyệt Chrome
hay Firefox khi tải về thành một phần mở rộng. Ví dưới hình thức ứng dụng trên
điện thoại di động hạn chế hơn nhiều. Có ví rồi phải kết nối nó với một chợ NFT
như Foundation, OpenSea, SuperRare mới bắt đầu mua bán NFT.
Vì các NFT được duy trì trên các blockchain, giả thử các
blockchain này giải tán, chưa ai biết số phận các NFT có giá từ vài ngàn đến
vài chục triệu đô-la sẽ đi về đâu hay sẽ tan biến trong không gian ảo?
No comments:
Post a Comment