Lại thêm… Web3
Nghĩ cũng vất vả cho những người muốn bám theo các chuyển động
công nghệ, hết “dữ liệu lớn” đến “học máy”, hết “trí tuệ nhân tạo” đến “công
nghệ 4.0”. Nay thêm một khái niệm mới đang trở nên thời thượng, chưa biết sẽ mở
ra một giai đoạn mới của Internet hay chỉ là một cơn sốt chóng qua – đó là Web3.
Các đời Web
Web 1.0 là các trang web tĩnh, chỉ hiển thị văn bản, chữ
không là chữ vì ảnh được dùng hạn chế; càng nhiều ảnh, tốc độ tải về càng chậm,
có lúc sau khi gõ địa chỉ phải chờ một lúc sau toàn bộ trang mới hiện lên màn
hình. Lúc đó bấm vào đường dẫn, máy tự động chuyển chúng ta sang trang khác đã
là một sự diệu kỳ. Với Web 1.0 chèn video là điều xa xỉ, ít ai làm. Thông tin
chỉ đi một chiều từ web đến người xem.
Đến đầu thế kỷ này, Web 2.0 thay chân Web 1.0 để biến
Internet thành một thế giới động, có tương tác hai chiều, có hình ảnh, video đủ
cả. Cứ nhìn vào những gì Gmail có thể làm được trên nền tảng web mới thấy Web 2.0
đã đi rất xa so với Web 1.0. Hiện nay người dùng vào Facebook, tương tác đủ kiểu,
từ bấm “like” đến gõ nhận xét, từ tạo ra một mẩu chuyện mới đến phát video trực
tuyến cho cả ngàn người xem. Đó chính là Web 2.0. Cần lưu ý người ta dùng Web
2.0 nhưng không chỉ trình duyệt dùng trên máy tính mà còn các ứng dụng trên điện
thoại di động và các thiết bị khác.
Nay, theo nhận định của một số tên tuổi lớn trong ngành công
nghệ, giai đoạn Web3 đã bắt đầu, dù mới manh nha nhưng, theo họ, sẽ thay đổi tận
gốc rễ cách con người sử dụng Internet. Web3 có thật hay không, bao giờ nó phổ
biến hay Web3 chỉ là cách truyền bá cho các loại tiền mã hóa, cho giới mua bán NFT
dụ dỗ người mới – đến nay vẫn chưa có câu trả lời dứt khoát.
Dù có nhiều người hình dung Web3 theo những cách khác nhau, cái
nguyên lý ai nấy đều đồng ý là Web3 khác các đời web trước ở chỗ “phi tập
trung”. Cả tỷ người dùng phải dựa vào Google để tìm kiếm thông tin, nhận, gởi
email; dựa vào Facebook để duy trì liên lạc với bạn bè; vào Spotify để nghe nhạc;
vào Netflix để xem phim. Các nơi này đóng vai một trung tâm, một đầu mối để các
bên gặp nhau mà giao dịch như ca sĩ gặp người nghe, diễn viên gặp người xem,
nhà quảng cáo gặp khách tiêu dùng. Đó là tính chất tập trung của Web 2.0. Với
Web 3.0 thì ngược lại vì thế thay cho các app (ứng dụng) trên Web3 sẽ là các
dApp (ứng dụng phi tập trung).
Người ta kỳ vọng Web3 (cũng lạ hầu hết đều viết là Web3 chứ
không phải Web 3.0) sẽ loại bỏ các tổ chức trung gian hiện đang ăn một phần rất
lớn doanh thu cho các bên tạo ra. Trên lý thuyết Web3 sẽ giúp ca sĩ tiếp cận trực
tiếp với người nghe, nhận thù lao thẳng, không chia hoa hồng cho ai. Web3 chia
tiền quảng cáo cho người dùng Facebook chứ không để nơi này hưởng trọn như bây
giờ. Nói cách khác Web3 là một nền tảng “dân chủ hóa” Internet, đưa nó về lại với
các ý tưởng nguyên thủy, ai nấy bình đẳng như nhau, không chịu lệ thuộc vào các
ông lớn công nghệ.
Nhiên liệu
của Web3
Để thực hiện nguyên lý “phi tập trung”, các máy tính kết nối
với nhau đều ngang hàng, Web3 phải dựa vào công nghệ blockchain. Nghe đến đây sẽ
có nhiều người nản vì đụng phải khái niệm “chuỗi khối” mà họ đã ghét hay bó tay
không thể hiểu. Cứ hình dung mỗi máy tính là một khối, liên kết với nhau một
cách chặt chẽ thành chuỗi để duy trì một cuốn sổ cái, máy nào cũng như nhau, ai
ghi thêm gì vào đều phải được toàn bộ các máy trong chuỗi chấp nhận. Vì thế cuốn
sổ cái này ai cũng truy cập được nhưng không thể một ai tự mình sửa chữa thông
tin.
Như vậy sau này dùng Web3 để mua hàng, nghe nhạc, coi phim, chơi
game, tham gia mạng xã hội… tất cả đều sử dụng công nghệ blockchain, về lý thuyết
sẽ tạo ra các mối liên kết, dù đó là để trả tiền, nhận tiền, đăng nội dung, tải
nhạc… Không có máy chủ, không có tổ chức đầu mối mang tính tập trung – tức
không có Mark Zuckerberg phán bạn viết như thế này là vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng
rồi, phải xóa thôi. Còn nền tảng kỹ thuật của Web3 phải như thế nào để giải quyết
hàng loạt các vấn đề như vận hành blockchain cần nguồn năng lượng lớn, phí
“xăng nhớt” duy trì blockchain cao, ai đứng ra phân xử nếu có tranh chấp, làm
sao ngăn ngừa đạo nhạc, đạo phim, thậm chí lừa đảo lấy hết hàng hóa… thì chịu,
chưa có tài liệu nào về Web3 nói cho cặn kẽ.
Hiện nay các nơi ứng dụng Web3 ở mức sơ khai thì tặng người
dùng các token như các đồng xu ảo sau này sẽ dùng vào nhiều việc như tiền để trả
dịch vụ đọc báo hay phiếu bầu để quyết định một số vấn đề được đưa ra để trưng
cầu. Có lẽ các bạn đã nghe nói đến NFT – tức một mã chứng nhận quyền sở hữu trên
thế giới ảo một tài sản nào đó. Thị trường mua bán NFT đang được tiến hành trên
Web3, thật ra là một tiện ích mở rộng của các trình duyệt Chrome hay Firefox,
được biến thành ví điện tử chứa tiền mã hóa hay sản phẩm NFT. Các sàn giao dịch
tiền mã hóa phi tập trung, tức không có công ty nào đứng ra làm chủ xị, không
có con người điều hành, tất cả tiến hành giao dịch với nhau một cách tự động
thông qua các hợp đồng thông minh cũng là một dạng Web3.
Hoài nghi
và kỳ vọng
Mặc dù hầu hết giới công nghệ đều thừa nhận blockchain sẽ có
nhiều ứng dụng thú vị trong tương lai chứ không chỉ dùng để quản lý tiền mã hóa
như Bitcoin hay Ether nhưng cũng không ít người cho rằng khái niệm Web3 hiện
đang được thổi phồng quá đáng, đặc biệt là việc mua bán NFT tiền triệu, tiền tỷ.
Một điều lạ mà nhân loại nhiều lần chứng kiến, hễ đẻ ra một thứ công nghệ mới,
y như rằng một thời gian ngắn sau sẽ có kẻ tận dụng nó để làm điều xấu như máy
tính và virus, tiền mã hóa và lừa đảo đầu tư đa cấp…
Web3 vận hành trên blockchain hay trên các hợp đồng thông
minh – mà những thứ này do con người soạn ra nên nó có bảo đảm an toàn hay
không tùy thuộc vào tay nghề và đạo đức của người lập trình. Hai bên giao dịch
với nhau bằng một hợp đồng thông minh nhưng một bên cố ý cài cắm các điều khoản
gài bẫy bên kia, nếu không phát hiện mà cứ ký, dù “thông minh” vẫn xảy ra khả
năng bị lừa.
Ở hướng kỳ vọng, người ta mong Web3 sẽ phá vỡ thế độc quyền của
các đại gia công nghệ, từ Google đến Apple, từ Facebook đến Twitter… Thử nghĩ
mà xem, hiện nay có ai đủ khả năng tạo ra một mạng xã hội khác để cạnh tranh với
Facebook, nó quá lớn, số người dùng áp đảo nên hàng loạt mạng tìm cách ngoi lên
nhưng không cạnh tranh nổi. Ai có thể xây một ngôi nhà chứa các ứng dụng trên
điện thoại di động để người dùng vào tải về, trừ phi phải khép mình núp bóng
vào App Store hay Google Play. Nếu Web3 thành công, sẽ có hàng loạt Facebook mới
ra đời do người dùng xây dựng nên và tự họ quản lý.
Nhưng mới tuần trước hai nhân vật nổi
tiếng trong làng công nghệ đã lên tiếng chê bai Web3. Cựu giám đốc điều hành
Twitter là Jack Dorsey cho rằng Web3 nếu
vận hành cũng sẽ nằm dưới quyền kiểm soát của các quỹ đầu tư mạo hiểm. Ông viết
trên Twitter: “Bạn không sở hữu được Web3 đâu. Các quỹ đầu tư mạo hiểm và đối
tác nắm hết. Web3 sẽ không bao giờ thoát được vòng kềm tỏa của họ. Suy cho cùng
nó sẽ là một hình thái tập trung với một cái nhãn khác mà thôi”. Elon Musk, ông
chủ hãng Tesla thì nói Web3 là một từ marketing kêu rổn rảng hơn là một thực tế.
Cũng trên Twitter, ông này viết: “Có ai thấy Web3 đâu không? Tôi không tìm ra
nó”.
Nói tóm lại, Web3 hiện giờ mới chỉ ở mức “tiềm năng to lớn”,
trên đó có cả những người say mê xây dựng các nền tảng cho nó, cũng có người
săm soi các khe hở để lừa đảo làm giàu và nhiều nhất là giới kinh doanh đang
thích nghi với nó để soạn các lời có cánh, chiêu dụ đủ loại khách hàng tham gia
kẻo lỡ cơ hội. Người bình tĩnh chỉ cần nhớ khái niệm blockchain được rao giảng
cả chục năm nay, thử hỏi nó đã được ứng dụng vào việc gì thật sự có ích chưa,
ngoại trừ quản lý tiền mã hóa và các loại NFT? “Phi tập trung” đồng nghĩa 10
người 10 ý, rất khó để những con người say mê ý tưởng “phi tập trung” ngồi lại
với nhau để xây dựng các chuẩn mực cho thế giới Web3 này.
Box
Cách những người
nổi tiếng đang tận dụng Web3
Michael Jordan, cầu thủ bóng rổ nổi tiếng cùng con trai là
Jeffrey Jordan vừa thành lập công ty Heir để kết nối các danh thủ thể thao với
người hâm mộ thông qua Web3. Bỏ ra các ngôn ngữ có cánh thường thấy trong các
thông cáo báo chí, có thể thấy Heir sẽ làm một ứng dụng HEIR để phân phối một
token xây dựng trên công nghệ chuỗi khối Solana. Trên nền tảng này các vận động
viên và người hâm mộ có thể gặp nhau, dùng token này để mua đồ lưu niệm, xem
video độc quyền, mua ảnh có chữ ký… Chưa biết ứng dụng này có thành công hay
không vì năm 2022 mới ra mắt nhưng về nguyên tắc, vẫn chưa “phi tập trung” hẳn vì
các bên còn dựa vào một công ty điều hành làm trung gian là Heir của gia đình
Jordan.
No comments:
Post a Comment