Điểm bất thường
Bản thân cuốn “L’Anomalie” của nhà văn người Pháp, Hervé Le
Tellier là một điểm bất thường: ông từng viết hơn 20 cuốn tiểu thuyết nhưng
chưa có cuốn nào lọt vào danh sách bán chạy, mãi cho đến cuốn này. Xuất bản bằng
tiếng Pháp vào giữa năm ngoái, “L’Anomalie” nhanh chóng bán được hơn 1 triệu cuốn
– một kỷ lục chưa từng thấy tại Pháp trong mấy chục năm qua. Sách được trao giải
Goncourt năm 2020 và tháng rồi đã được dịch sang tiếng Anh với tựa đề “The
Anomaly”.
Điểm bất thường ở đây là chuyến bay Air France 006 từ Paris
đến New York ngày 10 tháng 3 năm 2021 bị rơi vào vùng thời tiết xấu, máy bay chao
đảo, có lúc rơi tự do nhưng cuối cùng cũng hạ cánh an toàn. Một trăm linh sáu
ngày sau, cùng chuyến bay Air France 006 đó, cũng trên lộ trình Paris đến New
York, cũng bay bằng máy bay Boeing 787, cũng hai viên phi công và 230 hành
khách đến sợi tóc, lông chân không khác gì chuyến bay trước… lại rơi vào vùng
thời tiết xấu, máy bay quăng quật một lúc, phát tín hiệu cấp cứu và sau đó hạ
cánh. Thế là thế giới rơi vào tình huống kinh khủng: có mấy trăm bản sao những
con người cụ thể đang song song tồn tại trên thế giới này; chỉ khác nhau ở hơn
ba tháng ký ức một bên có một bên không.
“The Anomaly” không bắt đầu ngay bằng câu chuyện khoa học viễn
tưởng như thế. Tác giả nhẩn nha mỗi chương viết về một nhân vật trên chuyến bay
này: từ tay sát thủ chuyên thực hiện các hợp đồng giết mướn đến ông nhà văn
thành công hơn trong nghề dịch sách; từ viên phi công sau khi hạ cánh phát hiện
mình bị ung thư giai đoạn cuối đến anh chàng ca sĩ đồng tính người Nigeria… Điểm
chung duy nhất của các nhân vật này là đi trên chuyến bay 006 định mệnh.
Xin bạn đọc thứ lỗi vì người viết đã tiết lộ một phần cốt
truyện nhưng chỉ là một phần rất nhỏ - câu chuyện sau khi phát hiện chuyến bay
006 bỗng dưng tạo ra thêm một bản sao y chang mới là phần chính. Các nhân vật trên
chuyến bay nghĩ gì khi biết có thêm một bản sao của chính mình đang tồn tại, hiện
đang ăn ngủ chơi đùa với vợ con mình? Ghen tức, tranh giành hay đồng cảm, thú vị
quan sát? Những người chung quanh sẽ phản ứng như thế nào, chọn ai là người thật,
ai là bản sao? Bạn bè sẽ chơi với ai, e dè ai? Luật pháp sẽ thừa nhận người
trên chuyến bay trước hay chuyến bay sau, ai có quyền sở hữu nhà, nhận tiền
lương hay bị vào tù vì phạm tội?
Giả thử cuộc đời này là một không gian giả lập do con cháu
chúng ta vài ngàn năm nữa dựng lên trong các hệ thống máy tính siêu mạnh của
chúng, rất có thể chương trình bị một lỗi nhỏ, một chuyến bay bỗng dưng tách
làm hai bản sao, hạ cánh cách nhau 106 ngày. Nếu vậy cách xử lý hay nhất là gì?
Tiếp tục cho mấy trăm con người giống nhau đến tận các DNA va chạm nhau với đủ
thứ rắc rối từ đạo đức đến luân lý đến luật lệ hay cứ “delete” bớt một bản sao
như có người đề nghị với Tổng thống Mỹ sau khi hiểu sự tình?
Đến đây bạn đọc có thể hình dung ra sức hút của “The
Anomaly”, mở đầu như một tiểu thuyết hình sự với một nhân vật giết thuê rồi
chuyển sang truyện tình cảm khi miêu tả cuộc tình lãnh mạn. Sau khi để lộ ra
đây có thể là một cuốn khoa học giả tưởng kiểu như phim “The Matrix” sách nhanh
chóng chuyển qua dạng triết học với những câu hỏi không dễ trả lời. Như nhân vật
nữ luật sư có thai trong thời gian ba tháng bản sao của cô chưa xuất hiện – đối
diện với chọn lựa ai phải ra đi, người nữ luật sư tháng Sáu nhường cuộc sống có
chồng, có sự nghiệp cho nữ luật sư tháng Ba vì cái thai mà cô không có. Như nhà
văn tháng Ba sau chuyến bay bổng lên tay, viết một tác phẩm bán chạy cả triệu bản
nhưng cuối cùng đi tìm cái chết không ai hiểu vì sao. Nhà văn tháng Sáu bỗng
dưng nổi tiếng vì một tác phẩm đọc thì đúng là giọng điệu của mình như không phải
do mình viết ra – nay có nhận không, có hưởng vinh quang đó không!
Có lẽ dân Pháp tìm đọc cuốn “L’Anomalie” bởi khung cảnh bị
cách ly với bên ngoài trong suốt một thời gian dài chống dịch Covid-19, họ tìm
thấy sự đồng cảm như thể đang sống trong một thế giới giả lập. Khó lòng tin được
thực tế đường phố Paris đông đúc tấp nập nay vắng hoe không một bóng người. Chấp
nhận giả thuyết giả lập còn dễ hơn chuyện thừa nhận phải làm việc từ nhà, con
cái học trên các lớp ảo, gặp người thân qua màn hình máy tính, mọi việc ngưng đọng
lại vì một con virus không ai tường mặt…
Có người bảo thế giới này đúng là giả lập; chứ làm sao giải
thích được cho đến nay vẫn có người tin trái đất phẳng, có người tranh nhau mua
các tác phẩm ảo giá cả triệu đô-la. Không giả lập sao được khi ông chủ Facebook
Mark Zuckerberg chỉ vừa tuyên bố đổi tên công ty thành Meta để xây dựng một đa
vũ trụ Metaverse, người ta bắt đầu tranh nhau mua bán địa ốc ảo, tài sản áo, kể
cả giày Nike ảo để sau này đem ra xài trên thế giới Metaverse kia. Chỉ là do một
tay lập trình nào đó 1.000 năm sau tinh nghịch chế ra chứ làm sao thiên hạ có
thể tin vào những chuyện điên rồ thế kia.
Trả lời phỏng vấn của báo chí, nhà văn 64 tuổi nói: “Tôi ngạc
nhiên vì sự thành công của cuốn sách, nhất là khi nó mang tính thử nghiệm, rất
kỳ quái và hơi điên một chút”. Ông nói thêm: “Có lẽ đọc nó là phương cách trốn khỏi
thực tế chăng”. Le Tellier cho biết ông bị cuốn hút vào ý tưởng bản sao con người:
“Thật thú vị nếu về nhà tôi thấy một bản sao chính tôi đang ngồi chờ ở đấy. Tôi
sẽ phản ứng như thế nào đây?” Thế là ông bỏ ra một năm để viết cuốn “Điểm bất
thường”, thỉnh thoảng lại đem chính mình ra diễu nhại bằng một nhân vật nhà văn
giống như ông.
Cách các nhà văn thường dùng khi viết tiểu thuyết là sáng tạo
ra các nhân vật rồi đẩy nhân vật vào các hoàn cảnh có gút thắt để làm họ sống như
thật. Ở đây Le Tellier làm ngược lại: dựng ra một bối cảnh kỳ dị trước rồi thả
vào đó bảy tám nhân vật sẽ bị hoàn cảnh buộc phải có những ứng xử bất thường. Như
khi được giải thích một trong những giả thuyết giải thích trường hợp kỳ lạ của
chuyến bay 006, Tổng thống Mỹ giận dữ đáp: “Những gì ông miêu tả thật quái đản.
Tôi không thể nào là một chú Super Mario (nhân vật trong trò chơi hái nấm) và
chắc chắn tôi sẽ không đứng ra giải thích cho dân Mỹ rằng họ chỉ là những
chương trình máy tính trong một thế giới ảo”.
Để chuyện thật, ảo chuyện giả lập sang một bên, cuốn tiểu
thuyết buộc người đọc phải trả lời một câu hỏi như cách tác giả đặt vấn đề: “Rốt
cuộc, câu hỏi mấu chốt cho mọi nhân vật, câu hỏi duy nhất là, tôi sẽ làm gì với
tình yêu của tôi?”. Le Tellier nói với báo chí: “Tình yêu là điểm khi mọi nhân
vật sẽ chao đảo, nơi họ mềm yếu và nơi họ phải quyết định. Với mọi thứ khác, họ
có thể thương lượng. Tình yêu đi liền với sự chiếm hữu; khi một biến thành hai,
mọi chuyện trở nên phức tạp”. Đúng là mọi chuyện có thể thương lượng – trừ tình
yêu.
No comments:
Post a Comment