Vì sao yếu tiếng Anh?
Trình độ tiếng Anh của học sinh Việt Nam càng ngày càng giảm
sút. Đó không phải là nhận định chủ quan của người viết bài này – đó là kết quả
tổng hợp của tổ chức giáo dục EF dựa trên bài khảo sát tiếng Anh với hơn 2,2
triệu người từ 100 nước trên thế giới trong đó năm 2020 Việt Nam xếp hạng 65
trong tổng số 100 nước tham gia.
Nói “ngày càng giảm sút” vì từ năm 2015 đến 2018 Việt Nam
còn được xếp vào loại trung bình về kỹ năng tiếng Anh mặc dù thứ hạng hàng năm tụt
giảm đều. Qua đến năm 2019, bỗng tụt xuống loại kém, đứng thứ 52 trên 100 nước và
năm nay tụt thêm 13 bậc xuống hạng 65 vẫn trên 100 nước.
Có thể đặt dấu hỏi về mức độ chính xác của khảo sát này vì
chỉ dựa vào bài kiểm tra miễn phí làm trên mạng tức những người tham gia là tự
nguyện, có thể tiếng Anh đang yếu nên mới tìm cách học thêm. Điểm số khảo sát
vì thế không đại diện cho năng lực tiếng Anh của người Việt nói chung và khó
lòng có thể so sánh với điểm số của nước khác. Thế nhưng khi so sánh với chính
mình, không thể phủ nhận xu hướng năng lực tiếng Anh, ít nhất là của người Việt
tham gia khảo sát của EF “ngày càng giảm sút” như đã nói ở trên để đi tìm
nguyên nhân và giải pháp.
Các dữ kiện khác cũng cho thấy so với các môn học khác, kết
quả học môn tiếng Anh của học sinh Việt Nam là kém. Với kỳ thi tốt nghiệp THPT
năm nay, trong khi điểm trung bình các môn Văn và Toán của thí sinh là 6,6, điểm
trung bình môn tiếng Anh chỉ ở mức 4,5 – môn duy nhất có điểm trung bình dưới 5;
đến 63,1% thí sinh đạt điểm dưới trung bình; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất
là 3,4 điểm – một mức rất thấp so với các môn thi khác. Phổ điểm môn tiếng Anh lệch
sang trái, tức số thí sinh có điểm dưới mức trung bình năm nào cũng cao, đã kéo
dài trong mấy năm nay.
Trong khi đó, phải nói mức độ đầu tư của toàn xã hội và từng
gia đình, từng vị phụ huynh cho con em học tiếng Anh là rất cao, cao hơn hẳn
các môn khác. Chưa từng có môn học nào có sự phân biệt đối xử với học sinh như
môn tiếng Anh, đóng thêm tiền thì được vào học chương trình nâng cao, tiếng Anh
tích hợp, tiếng Anh tăng cường. Đóng thêm tiền thì được học với giáo viên người
nước ngoài, học sách của nước ngoài. Đó là chưa kể nhiều phụ huynh cho con em
đi học thêm tiếng Anh tại các trung tâm ngoại ngữ, với mức học phí cao gấp mấy
lần các môn khác. Có người nói nửa đùa nửa thật, biết đâu nếu để việc học tiếng
Anh bình thường như các môn khác, có khi kết quả lại khả quan hơn!
* * *
Phải nói thẳng với nhau việc dạy và học tiếng Anh không có
hiệu quả trước hết bởi năng lực các thầy cô môn này đa phần là còn yếu. Một lần
nữa, đây không phải là nhận định của người viết; đây là kết quả khảo sát năng lực
giảng dạy tiếng Anh của giáo viên tại nhiều địa phương – cách đây mấy năm báo
chí đưa tin địa phương nào cũng vậy, vài trăm giáo viên tham dự khảo sát, số đạt
chuẩn chỉ có vài người; trên bình diện toàn quốc, tỷ lệ đạt chuẩn chỉ vào khoảng
2%, 3%. Giáo viên được đào tạo theo kiểu cũ, chú trọng nhiều đến ngữ pháp, dịch;
nay khảo sát cả 4 kỹ năng nghe nói đọc viết theo chuẩn châu Âu thì tỷ lệ đạt thấp
không có gì đáng ngạc nhiên. Nguy hiểm nhất là giáo viên tiếng Anh dạy ở bậc tiểu
học lấy từ nhiều nguồn khác nhau, phát âm không chuẩn vào dạy các em đọc sai
ngay từ đầu, sau này rất khó sửa.
Do yếu về năng lực giao tiếp, việc giảng dạy trở nên máy
móc; chủ yếu dạy về ngôn ngữ tiếng Anh chứ hoàn toàn không xem nó là một phương
tiện giao tiếp. Thử hỏi các thầy cô mà xem, với họ mỗi bài học trọng tâm khi là
dạy cách dùng thì, khi dạy câu bị động, khi thì dạy cách sử dụng giới từ cho
đúng. Với họ, dạy cho học sinh làm đúng bài tập, bài thi là ưu tiên số một nên
giờ học thành giờ dạy các mánh lới làm bài thi. Họ không hề xem bài đọc là một
nội dung cần đọc để hiểu rồi thảo luận, trao đổi, hỏi đáp về nội dung đó.
Học sinh cũng vậy; lúc ở lớp nhỏ, các em còn hăm hở sử dụng
vài ba câu tiếng Anh mới học để đối đáp với bố mẹ ở nhà nhưng qua lớp lớn là hết;
không bao giờ các em nghĩ câu tiếng Anh vừa học là để nói với người nước ngoài
nhằm mục đích giao tiếp. Thấy bài đọc tiếng Anh phản ứng đầu tiên của nhiều em
là cố dịch ra tiếng Việt để xem bài nói chuyện gì, xong rồi chú ý đến các phần
người ta hay hỏi trong bài thi. Không bao giờ với các em, bài đọc có nội dung hấp
dẫn, lôi cuốn hay cung cấp cho các em điều mới, điều hay. Học ngoại ngữ là luyện
tập, cứ luyện đều như múa quyền để khi cần bật ra đánh trúng; đằng này học ngoại
ngữ mà nghiền ngẫm để làm bài tập như toán như hóa thì làm sao không yếu dần
cho được.
* * *
Để thay đổi, không thể một sớm một chiều đào tạo lại giáo
viên nên phải dựa vào công nghệ. Có thể tổ chức các lớp tập huấn để bày cho
giáo viên cách sử dụng các ứng dụng phục vụ chuyện dạy như từ điển có phát âm, phần
mềm đọc to văn bản, thậm chí ngay cả Google Translate để thầy cô tham khảo coi
máy nó dịch như thế nào. Từ đó vào lớp các thầy cô không cần trực tiếp dạy học
sinh nữa mà để các em luyện tập với nhau, mẫu sẽ là máy đọc theo giọng của người
bản ngữ. Chỉ đến khi nào, ví dụ với một em học sinh lớp 3 bắt đầu học tiếng
Anh, suốt một học kỳ không viết chữ tiếng Anh nào vào vở nhưng thuộc nhiều bài
hát, thuộc nhiều mẫu đối thoại để đóng kịch với bạn hay kể được các mẩu chuyện
ngắn trước lớp – lúc đó mới xem giáo viên đã thành công.
Lớp lớn cũng vậy, thầy cô đừng dạy ngữ pháp nữa, đừng ra bài
tập cho học sinh làm để lấy điểm cao nữa. Hãy để học sinh tự do tải về máy điện
thoại các tự điển tiếng Anh có cả phát âm; tải chương trình dịch tự động, tải cả
chương trình máy đối đáp với người như Google Assistant hay Siri. Cứ cho học
sinh quét bài đọc rồi nhờ Google Traslate ngay từ đầu để các em thỏa mãn sự tò
mò bài này nói chuyện gì. Thậm chí khi Google Translate dịch ngây ngô nó cũng
giúp các em đừng quá tin vào máy dịch mà xem đó như bước khởi đầu tương tự như
khi dùng bách khoa trực tuyến Wikipedia. Sau đó tổ chức để các em lên nói về
bài đọc, trình bày lại, các em khác đặt câu hỏi để tranh luận, cãi nhau về nội
dung vừa học. Nói chung, không cần dạy gì nhiều ngoài việc cho học sinh gần như
học thuộc lòng bài đọc để ai hỏi gì là có thể trả lời nhanh gọn, chính xác.
Để làm được điều này, cần giảm tải chương trình, cắt ngắn
bài học, đơn giản hóa chương trình. Lớp nhỏ dạy đi dạy lại những câu giao tiếp
bình thường trong cuộc sống, bắt các em học thuộc lòng; sao cho ít nhất vào
trung học cơ sở các em có chừng vài trăm câu đã thuộc lòng khi cần đem ra mà sử
dụng. Lớp lớn bài đọc đơn giản hơn bây giờ nhưng mang tính thời sự hơn, nói về
những thay đổi trong cuộc sống ở thế kỷ 21. Làm sao để bản thân nội dung là mới,
là hấp dẫn, gây tò mò ở học sinh, như cuộc tranh luận về mạng 5G có gây hại cho
sức khỏe. Học sinh có tò mò thì mới có động lực tìm hiểu bài đọc, tìm mọi cách
để hiểu nội dung và nhớ nội dung để trình bày lại. Chừng nào động lực học tiếng
Anh là vì điểm số chứ không phải vì muốn sử dụng thành thạo một ngoại ngữ, chừng
đó khó lòng cải thiện thứ bậc xếp hạng Việt Nam so với các nước khác.
Ngày xưa người ta thường gọi tiếng Anh là sinh ngữ, một phần
do nó liên tục biến đổi, liên tục tiếp nhận cái mới, nghĩa mới, cách dùng mới. Cách
dạy cách học bấy lâu nay xem nó như một tử ngữ kiểu ngày xưa người ta học tiếng
Latinh bởi thế nên không thể nào hiểu được những khái niệm mới xuất hiện trong
chừng 10 năm, 15 năm trở lại đây. Giờ muốn cải thiện trình độ tiếng Anh của học
sinh Việt Nam thì cần xem nó là sinh ngữ trở lại, tức xem nó như cầu nối giao
tiếp, học cái nội dung mà nó chuyển tải, cách nó chuyển tải, bắt chước chuyển tải
được như nó. Đừng xem bản thân tiếng Anh là đối tượng cần học nên học sinh khi
tranh luận, đối đáp, có sai ngữ pháp cũng bình thường. Để hoàn chỉnh việc giao
tiếp, tự các em sẽ hoàn chỉnh cách nói bằng cách bắt chước người bản ngữ y như
khi các em học tiếng mẹ đẻ vậy.