Tuesday, July 3, 2018

Bản chất việc thanh toán bằng WeChat


Sẽ không còn quẹt thẻ 

Nguyễn Vạn Phú

Tuần trước các báo đưa tin du khách Trung Quốc cà thẻ qua máy POS bất hợp pháp, kết nối trực tiếp với ngân hàng bên Trung Quốc không thông qua hệ thống chi trả của Việt Nam, gây thất thu thuế. Thật ra hiện tượng này có quy mô lớn hơn nhiều, không nhất thiết là thẻ tín dụng, liên quan đến nhiều vấn đề và đã là nỗi lo của các nước láng giềng, các hệ thống tài chính truyền thống chứ không riêng gì Việt Nam.

Bước ngoặt bất ngờ

Với khách du lịch khi đến một nước nào đó, thông thường họ mua sắm, ăn uống, trả tiền dịch vụ bằng thẻ tín dụng. Quy trình đó diễn ra trong nháy mắt nhưng khá phức tạp. Ví dụ khi quẹt thẻ VISA ở một nhà hàng, máy POS sẽ chuyển thông tin thẻ và hóa đơn từ quầy thanh toán về ngân hàng thụ hưởng (tức ngân hàng của chủ tiệm ăn), nơi đây gởi thông tin đi tiếp đến hệ thống thẻ VISA, hệ thống này mới gởi tiếp thông tin về ngân hàng phát hành thẻ, nơi đây chấp thuận thì giao dịch mới được tiến hành. Nếu bữa ăn có giá 100 đồng thì nhà hàng sẽ nhận được 97,25 đồng; ngân hàng phát hành thẻ hưởng 2,20 đồng; VISA nhận 13 xu tiền thù lao; ngân hàng thụ hưởng nhận 19 xu và các nơi xử lý giao dịch nhận 23 xu.

Alipay của Alibaba và WeChat Pay của Tencent đã thay đổi hệ thống đó một cách triệt để.

Alipay và WeChat Pay hiện rất phổ biến ở Trung Quốc, cứ 10 giao dịch trực tuyến thì đến 9 giao dịch là thông qua hai hệ thống này. Hiện Alipay có 520 triệu và WeChat Pay có 1 tỷ người dùng thường xuyên, năm 2016 họ chi tiêu hơn 2,9 ngàn tỷ đô-la sử dụng cách chi trả độc đáo của Alipay và WeChat Pay.

Người dùng mở một ví tiền Alipay hay WeChat Pay, kết nối ví với tài khoản của họ ở ngân hàng và được cấp một mã QR riêng biệt. Bên bán hàng cũng vậy, có tài khoản ngân hàng và tài khoản di động, cũng có một mã QR riêng. Khi mua, ví dụ một ly trà đá, người dùng chỉ việc đưa máy điện thoại di động, bấm nút thanh toán, mã QR riêng biệt của họ sẽ xuất hiện trên màn hình cho bên bán quét, là xong. Giả thử bên bán chưa trang bị máy quét mã QR, họ chỉ cần lấy tờ giấy in mã QR của họ ra, dán lên quầy; bên mua mở camera của điện thoại, quét mã, bấm thanh toán, cũng xong. Hiện nay các tiệm Starbuck ở Trung Quốc đã trang bị máy tự quét mã QR cho khách nên dòng người trả tiền chạy mượt mà; ai trả bằng tiền mặt sẽ bị nhìn như người ngoài hành tinh.

Alipay và WeChat Pay có kênh thanh toán riêng, không dùng các mạng thanh toán như VISA hay MasterCard nữa. Nên khi giao dịch, tiền từ tài khoản ngân hàng của người mua chạy vào tài khoản di động cũng của người mua rồi từ đó được chuyển qua tài khoản di động của người bán và cuối cùng chạy về tài khoản ngân hàng của người bán.

Với thẻ tín dụng truyền thống, cho dù mua bán nội địa, bên bán cũng phải trang bị máy quẹt thẻ POS rồi phải chịu phí cao nên mức độ chấp nhận thanh toán bằng thẻ phải một thời gian dài mới tương đối phổ biến. Ngược lại Alipay và WeChat Pay quá đơn giản, không cần trang bị gì nhiều ngoài chiếc điện thoại mà giờ đây ai cũng có nên chỉ trong vòng 5 năm, đã trở thành nền tảng thanh toán chi phối ở Trung Quốc. Người dân nước này dùng điện thoại di động để mua đủ thứ, từ cây kem đến trả tiền đỗ xe, từ tiền học đến mua sắm hàng hóa đắt tiền. Ngay cả người bán hàng rong cũng chấp nhận trả bằng QR. Người dùng cùng mạng có thể chuyển tiền cho nhau dễ dàng, nhanh chóng mà lại không mất phí.

Dân Trung Quốc đã quen Alipay hay WeChat Pay đến nỗi đi du lịch đến các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan... họ chỉ vào tiêu xài ở các tiệm có ghi “chấp nhận thanh toán bằng Alipay hay WeChat Pay”. Và từ đó nảy sinh chuyện báo chí phản ánh tuần trước.

Các vấn đề nảy sinh

Như vậy nỗi lo đầu tiên là giả dụ người dân Trung Quốc đi du lịch đến Việt Nam nhưng chỉ vào toàn các cơ sở của chính dân Trung Quốc đầu tư như khách sạn, nhà hàng. Hai bên đều là khách của hai mạng Alipay hay WeChat Pay, có tài khoản ở ngân hàng Trung Quốc, đương nhiên họ mua sắm, thanh toán cho nhau trực tiếp bằng nền tảng của họ nên dòng tiền, mặc dù tiêu xài ở Việt Nam, nhưng lại chỉ chạy vòng quanh trên đất Trung Quốc.

Nhìn rộng ra, các cơ sở dịch vụ du lịch ở Việt Nam của người Việt Nam, rất nhạy bén, ắt phải tìm cách “chấp nhận thanh toán bằng Alipay hay WeChat Pay” để thu hút khách Trung Quốc. Khi hai mạng này chưa ký kết hợp tác với các ngân hàng Việt Nam, các cơ sở này ắt phải tìm cách mở tài khoản ở ngân hàng Trung Quốc để tiếp nhận tiền thanh toán và từ đó mới có chuyện chuyển ngân lậu.

Thế nhưng dự báo là tình hình tranh tối trang sáng này chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, các ngân hàng Việt Nam trước sau gì cũng phải hợp tác với Alipay và WeChat Pay như các ngân hàng Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và nhiều nước khác. Lúc đó tiền sẽ chạy qua hệ thống thanh toán của ngân hàng nhưng sẽ có một khác biệt đáng kể so với thanh toán qua thẻ tín dụng. Đó là ngân hàng sẽ thất thu mạnh và sẽ không có dữ liệu gì về giao dịch trong khi bên Alibaba và Tencent sẽ vừa thu được phí trung gian vừa nắm dữ liệu lớn phục vụ cho mục đích thương mại khác sau này.

Theo tạp chí Forbes, các ngân hàng Trung Quốc thất thu chừng 23 tỷ đô-la vì mất miếng bánh phí giao dịch về tay Alipay và WeChat Pay vào năm 2015 khi dân Trung Quốc dịch chuyển thanh toán bằng thẻ tín dụng qua thanh toán bằng điện thoại di động. Con số này dự báo tăng lên 61 tỷ đô-la (400 tỷ nhân dân tệ) và năm 2020. Vai trò của ngân hàng giờ đây chỉ còn là nơi giữ tiền cho khách, khi có yêu cầu thì chuyển đi. Thế nhưng các ngân hàng Trung Quốc không thể cưỡng lại nhu cầu của xã hội; đã có hơn 200 ngân hàng ký kết hợp tác với Alipay để khỏi bị loại khỏi cuộc chơi mặc dù miếng bánh của họ teo tóp lại. 

Tổng giám đốc một ngân hàng của Mỹ, sau khi tìm hiểu và chứng kiến sự phổ biến của hệ thống thanh toán di động của Trung Quốc đã phải tuyên bố: “Đừng chống lại nó. Đừng ngăn cản nó. Hãy chấp nhận và học nó”.

Chúng ta làm được gì đây

Về mặt chính sách, có lẽ các cơ quan quản lý nhà nước nên tìm hiểu thực tế để có những quyết sách phù hợp chứ không phải là những cảnh báo hay cấm đoán chung chung. Đầu tiên là đặt ra yêu cầu các cơ sở dịch vụ du lịch ở Việt Nam, dù của người Việt hay của dân Trung Quốc đầu tư đều phải kết nối ví Alipay hay WeChat Pay với một ngân hàng trong nước, không được kết nối ví trực tiếp với ngân hàng Trung Quốc.

Các ngân hàng phải cùng nhau ngồi lại để có tiếng nói chung khi yêu cầu một mức phí giao dịch đúng mức, không để bị ép cạnh tranh nhau rồi hạ giá xuống đáy. Đây cũng là cơ hội cho các ngân hàng thiết kế hệ thống thanh toán di động cho riêng mình vì trước sau người dùng cũng sẽ chuyển sang di động, không còn dùng thẻ nữa. Bởi với ngân hàng, thông tin khách hàng mới là quan trọng vì từ thông tin khách hàng, mới có thể triển khai các dịch vụ khác như quản lý tài chính cá nhân, cho vay tiêu dùng...

Thành công của Alibaba và Tencent khi khai sinh Alipay và WeChat Pay nằm ở chỗ họ đã cung cấp cho người dùng một hệ sinh thái khép kín gồm mạng xã hội, thương mại điện tử và thanh toán di động. Cả ba mảng này Việt Nam đang yếu và thiếu. Hệ thống thương mại điện tử Việt Nam chủ yếu dựa vào nhân công rẻ để giao hàng và thu tiền trực tiếp. Có tiềm năng phát triển nhất là thẻ cào điện thoại dùng như một phương tiện thanh toán nhưng các nhà mạng quá ham tỷ lệ hoa hồng cao nên không đi tới đâu. Giả thử Lazada, hiện đã về tay Alibaba, đẻ ra một loại thanh toán di động kiểu Alipay, họ sẽ dành hết người dùng và chế ngự thương trường trên mạng của Việt Nam.




AI - hype and reality

  AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...