Chữa lành các mối quan hệ
Vấn đề cấp
bách nhất của ngành giáo dục hiện nay là chữa lành các mối quan hệ giữa thầy –
trò; giữa giáo viên – phụ huynh; giữa các cấp quản lý giáo dục – nhà giáo bởi
các mối quan hệ này đang chịu nhiều tác động nên bị méo mó, không còn tuân theo
những quy luật bình thường như trước.
Muốn chữa bệnh,
phải chẩn bệnh. Căn bệnh lớn nhất của nền giáo dục là nhầm tưởng về một nghịch
lý: thế giới bên ngoài đánh giá khá cao nền giáo dục Việt Nam trong khi người
trong nước tin chắc nền giáo dục đang có vấn đề và muốn con em mình thoát ra khỏi
môi trường giáo dục đó. Báo chí nước ngoài không hiếm bài khen ngợi giáo dục Việt
Nam, nào là đứng thứ 12 trên thế giới trong bảng xếp hạng của OECD, nào là kết
quả kiểm tra năng lực toán và đọc hiểu còn cao hơn cả Anh lẫn Mỹ... Nhầm tưởng ở
đây là hai thái cực trước sự đánh giá này: người hoài nghi cho rằng đánh giá
như thế là không chính xác, người cả tin yên chí giáo dục Việt Nam đang tốt,
không có gì phải lo, không có gì phải cải tổ.
Đánh giá của
nước ngoài là đúng nhưng chỉ đúng về một số kỹ năng được đem ra đo lường như khả
năng làm toán của học sinh Việt Nam; nếu đo lường các kỹ năng khác như sự sáng
tạo, sự tự chủ, óc phản biện, tinh thần làm việc nhóm, ắt nỗi lo của nhiều người
trong nước lại được củng cố vì kết quả sẽ không đẹp như chuyện làm toán.
Trong một
thế giới đang thay đổi chóng mặt như hiện nay, ngồi nhìn chàng trai sáng lập
Facebook Mark Zuckerberg phải trả lời các câu hỏi ngớ ngẩn của các thượng nghị
sĩ Mỹ già nua, có lẽ ai cũng đồng ý các kỹ năng đem lại sự đánh giá cao của thế
giới ắt không bằng các kỹ năng học sinh Việt Nam đang thiếu để có thể thành
công trong tương lai. Thậm chí chúng ta chưa biết mười năm nữa con người cần có
kỹ năng gì để thành công nữa kia. Vấn đề ở chỗ nhiều người nhầm tưởng đã tốt một
vế, nên để yên vế đó – vế kiến thức sách vở; tập trung giải quyết vế kia - vế dạy làm người là ổn. Đây là điều không tưởng.
Điểm yếu cốt
tử của nền giáo dục là do dồn quá sức cho các kỹ năng mang tính học thuật, từ
chương, nhà trường bỏ quên hay đúng ra, không còn nguồn lực, không còn thời
gian cho việc dạy học sinh các kỹ năng làm người. Để giải quyết điểm yếu này, cần
phải biết đánh đổi; giảm tải việc học từ chương để dành nguồn lực cho các hoạt
động giáo dục khác, rất bình thường, rất cần thiết lại bị lãng quên. Một khi áp
lực điểm số từ cách học từ chương được giải tỏa mới mong môi trường giáo dục trở
lại bình thường để học sinh có thể thuyết trình về bộ phim ưa thích, kể về cuốn
sách thay đổi đời em hay cùng nhau làm một phần mềm nhắn tin đơn giản.
Mối quan hệ
giữa thầy – trò từ chỗ người thầy như một người hướng đạo, dẫn dắt các em tập tễnh
bước vào đời bằng mọi kiến thức, kể cả cách ứng xử, các tập tục, các lề thói lại
trở thành người thợ dạy chữ, tìm mọi cách nhồi nhét kiến thức cho các em, bất kể
sự bội thực, thậm chí nhồi nhét nhiều hay ít theo mức độ học sinh chịu đi học
thêm bên ngoài nhà trường.
Sau các vụ
lình xình gần đây, ắt mối quan hệ này càng thêm méo mó, người thầy ắt sẽ giữ kẻ
hơn, không dám ra khỏi các vòng cương tỏa mà chương trình và giới quản lý ràng
buộc bằng các quy định khắc khe. Các thầy cô từng muốn dạy rộng ra bên ngoài
chương trình để giúp học sinh có các kỹ năng khác, ngoài kiến thức sách vở, ăt
cũng nản lòng để rồi bám víu chương trình chính khóa như cứu cánh cho nghề nghiệp
bạc bẽo của mình. Học sinh lại dễ có tư tưởng bất phục thầy cô vì cứ nghĩ kiến
thức được dạy là lạc hậu, dễ thủ đắc mà đâu biết vai trò thầy cô lẽ ra còn nhiều
hơn chữ nghĩa trong sách vở.
Cách duy nhất
để chữa lành mối quan hệ này là tháo gỡ ràng buộc trách nhiệm bắt thầy cô phải
truyền đạt từng đó, đúng từng đó kiến thức sau mỗi tiết học. Nên tháo khoán cho
thầy cô để họ xây dựng mối quan hệ khác với học sinh – không chỉ là chữ nghĩa
mà là cách người đi trước, có kinh nghiệm, truyền đạt cho người sau những điều
cần biết, cần nắm để vào đời.
Căn bệnh lớn
thứ hai của nền giáo dục là hiểu nhầm về quyền. Phụ huynh hiểu nhầm về quyền của
mình nên mới có chuyện vào trường hành hung giáo viên hay bắt giáo viên quỳ gối;
giáo viên hiểu nhầm quyền của mình nên mới dám đánh học sinh, mạt sát các em
hay tệ hơn nữa bắt học sinh súc miệng bằng nước giẻ lau bảng.
Đây là căn bệnh
khó trị cần sự kiên nhẫn của công luận và sự nghiêm minh của pháp luật. Tác động
tích cực của các vụ lình xình vừa rồi là cái đà thắng, ngăn chận các vụ việc
tương tự. Thầy cô, dù bức xúc học sinh đến mấy cũng không dám vào lớp rồi im lặng
suốt vài ba tháng nữa và ngược lại, học sinh nếu gặp trường hợp tương tự sẽ phản
ứng chính thức với ban giám hiệu ngay. Có lẽ cũng không phụ huynh nào nóng đầu
đến nỗi vào trường bắt giáo viên phải quỳ mới tha cho họ nữa đâu. Nhìn như thế
mới thấy tin tức xấu về ngành giáo dục chưa hẳn vẽ nên bức tranh đen tối mà là
các đốm lửa soi vào các góc khuất của ngành.
Ở đây quan trọng nhất vẫn là giúp
học sinh ý thức quyền của mình, dù ở lứa tuổi rất nhỏ. Ở nước ngoài, khó lòng xảy
ra chuyện thầy cô bắt học sinh uống nước dơ vì các em hiểu rõ quyền của mình để
từ chối.
Căn bệnh cuối
cùng của ngành giáo dục là sự thiếu vắng tinh thần dân chủ. Ở các lãnh vực
khác, đã có những bước tiến dài trên con đường dân chủ hóa như sếp ngày nay đâu
dễ hù dọa hay quấy rối tình dục nhân viên bên dưới; công nhân bị sa thải sai luật
là sẵn sàng kiện chủ ra tòa ngay; thậm chí cảnh sát giao thông cũng phải dè chừng
những lái xe nắm rành luật, đâu dễ phạt theo cảm tính. Thế nưng tinh thần này
thiếu vắng trong giáo dục.
Xin lấy một
ví dụ gần đây nhất: trong một buổi giao lưu với học sinh chuẩn bị thi vào lớp
10, một học sinh hỏi liệu có còn chính sách cộng điểm ưu tiên cho học sinh đạt
giải trong các kỳ thi học sinh giỏi trước đó và nếu bỏ, vì sao thầy cô nghĩ bỏ
việc cộng điểm ưu tiên là đem lại công bằng cho học sinh. Một câu hỏi rất xác
đáng và dễ trả lời. Thế nhưng vị đại diện cho Sở giáo dục và đào tạo địa phương
lại liệt kê số hiệu văn bản rồi nói chúng ta phải sống và làm việc theo hiến
pháp và pháp luật! Một cách trả lời trớt hướt nhưng phản ảnh tinh thần thiếu
dân chủ rõ nét nhất. Vị này nghĩ học sinh nhỏ tuổi biết gì mà hỏi, người ta quy
định như thế nào cứ theo đó mà làm. Hoặc, ở mức độ tốt hơn, vị này sợ trả lời
sai chủ trương nên lãng tránh. Tại sao không đơn giản cung cấp thông tin cho học
sinh và nói thẳng, thay đổi trong chính sách cộng điểm ưu tiên là vì các lý do
như thế này hay như thế này.
Tinh thần
dân chủ sẽ chữa lành nhiều mối quan hệ, như thầy cô sẽ lắng nghe học sinh tốt
hơn, phụ huynh phải cho con em mình cơ hội nhận điểm kém, nhưng quan trọng nhất
vẫn là mối quan hệ giữa nhà quản lý giáo dục và giáo viên. Phải bỏ suy nghĩ
giáo án là pháp lệnh, phải bỏ tư tưởng thi đua có nghĩa trong lớp không có học
sinh học yếu, phải bỏ tư duy thầy cô không được dạy ra bên ngoài giáo trình. Nếu
hiểu vai trò của thầy cô không chỉ là dạy kiến thức mà còn giúp hình thành nhân
cách ở học sinh thì sá gì cháy vài ba cái giáo án miễn sao người thầy đó thật sự
là tấm gương cho học sinh ngay cả khi đã ra đời.