Không nên cười cợt bài làm của học sinh
Sau mỗi kỳ thi, thường thấy có những bài trích các câu văn ngây ngô của thí sinh để dè bỉu, cười cợt, hay để cảm thán trình độ của học sinh ngày nay tệ hại như thế, như thế.
Theo tôi, đây là việc không hay ho gì cả và không nên làm. Nếu bài làm của thí sinh dở tệ, đấy chính là sản phẩm của nền giáo dục mà các thầy cô cũng phải phần nào chịu trách nhiệm. Ai lại đi cười cợt chính sản phẩm của mình, dù đó là thứ phẩm.
Nếu bài viết được thực hiện nghiêm túc, phân tích các lỗi sai để rút ra những kết luận gì đó, phục vụ cho việc cải thiện chuyện dạy chuyện học, trích dẫn bài làm của học sinh còn khả dĩ chấp nhận được. Chứ như các bài dạng này hiện nay chỉ là những tiểu phẩm nhàm, viết vội theo kiểu chắp nhặt.
Điều tệ hại nhất là những câu trích đôi lúc lại cho thấy học sinh viết chân thật, có ý tưởng riêng, suy nghĩ độc lập, dù cách diễn đạt có thể lủng củng hay ngây ngô. Đem những câu này ra phê phán chính các thầy cô được giao nhiệm vụ giáo dục làm sai chức năng của mình, tầm nhìn còn thiển cận hơn cả em học sinh bị phê phán. Ví dụ, câu trích mở đầu một bài viết trên tờ VnExpress: “Em cũng không hiểu tại sao trong cái đói quay quắt như vậy, người ta vẫn lấy chồng lấy vợ làm gì. Phải chăng bà cụ Tứ muốn có cháu bế cho đỡ buồn, đỡ khổ vì đói?” (một thí sinh tại Vinh (Nghệ An) cảm nhận về tác phẩm Vợ nhặt). Hay một câu khác trong bài này: “Nhận xét về bút pháp lãng mạn của Thạch Lam, một thí sinh đã viết: "Nếu như Vũ Trọng Phụng là bậc thầy trong phóng sự, Xuân Diệu là bậc thầy trong thơ ca, Thạch Lam lại là người xuất sắc nhất Việt Nam về nghệ thuật miêu tả, từ một phố huyện bình thường như những làng quê khác nhưng Thạch Lam đã tưởng tượng ra một phố huyện chỉ có trong ... truyện ngắn của ông”. Tại sao lại đem những câu này ra để minh họa cho chuyện “cán bộ chấm thi cười ra nước mắt”.
Đi kèm với bài này là ảnh của một thí sinh đang làm bài thi. Tại sao những người làm báo cứ cho mình cái quyền sử dụng ảnh của bất kỳ ai vào bất kỳ nội dung gì, miễn sao có ghi thêm dòng chữ “ảnh minh họa”, là nghĩ mình được miễn trừ trách nhiệm với thí sinh bị minh họa. Người viết, người làm tòa soạn cứ nghĩ nếu ảnh đó là của em mình, con mình, liệu họ có chịu đăng kèm với bài viết phê phán sự ngô nghê trong bài làm của thí sinh?
Một chuyện nữa là công khai điểm thi của từng thí sinh trên báo, trên mạng. Điểm thi phải được xem là bí mật cá nhân, tại sao lại đăng công khai một cách thoải mái như vậy? Ở nước khác, mỗi lần thầy cô phát bài, họ đều tế nhị lật sấp bài làm, trao tận tay cho học sinh để ngay trong lớp không ai biết điểm của ai. Cái hay của cách làm này là học sinh không học vì điểm, học sinh kém không bị mặc cảm, học sinh giỏi cũng không ngại mình bị chê là “mọt sách”… Học thực chất, dạy thực chất nên bắt đầu từ những việc như thế.
No comments:
Post a Comment