Không phải là chuyện nhỏ!
Một nền thương mại điện tử cần những cơ sở hạ tầng cơ bản như hệ thống thanh toán điện tử, kết nối Internet, hệ thống vận chuyển hàng hóa… Thế nhưng quan trọng hơn thế là một môi trường mua bán trong tin cậy, tin tưởng lẫn nhau giữa những người tham gia. Đáng tiếc là nền thương mại điện tử Việt Nam chưa phát triển bao nhiêu đã bị ảnh hưởng xấu bởi một số cá nhân sử dụng nhiều phương thức khác nhau để lừa đảo, gian lận khắp nơi trên thế giới thương mại ảo.
Nếu thử tìm kiếm thông tin về lừa đảo trong thương mại điện tử (bằng tiếng Anh), chúng ta sẽ thấy nhiều công ty cung cấp dịch vụ bảo mật và nhiều hãng lớn xếp Việt Nam cùng nhóm các nước có nhiều trường hợp lừa đảo nhất thế giới như Nigeria, Ghana… Phổ biến là dùng thẻ tín dụng đánh cắp để mua hàng, trả tiền dịch vụ và thậm chí người sử dụng thẻ trái phép còn rao chia sẻ cho người khác một cách công khai. Đối với trong nước, đã xảy ra nhiều trường hợp lừa đảo khi mua bán qua mạng dưới đủ hình thức. Ở đây, câu nói “con sâu làm rầu nồi canh” phản ánh chính xác tình hình khi hậu quả việc làm của một số cá nhân đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cộng đồng những người tham gia thương mại điện tử bình thường: hàng loạt website từ chối giao dịch với máy tính có địa chỉ IP từ Việt Nam; nhiều trang mua bán điện tử không chấp nhận đơn đặt hàng từ Việt Nam và nhiều hãng lớn khóa nhiều dịch vụ tiện ích đối với người sử dụng từ Việt Nam.
Ở một khía cạnh khác, báo cáo của hãng Anchor Intelligence vào tuần trước cho biết Việt Nam đứng đầu thế giới về gian lận trong quảng cáo trực tuyến là một mối lo ngại khác. Hình thức quảng cáo trực tuyến phổ biến hiện nay là người chủ website chèn quảng cáo lên trang của mình, quảng cáo này do một công ty dịch vụ quản lý, dựa vào nội dung do nơi quảng cáo cung cấp. Mỗi khi có ai nhấp chuột vào quảng cáo này, nơi quảng cáo trả tiền cho công ty dịch vụ và nơi này chia cho chủ website theo một tỷ lệ thỏa thuận. Gian lận xảy ra khi có người (có thể là chủ website hay công ty dịch vụ) cố tình nhấp chuột liên tục bằng nhân công hay bằng phần mềm để tăng số lượng người xem quảng cáo, bắt nơi quảng cáo trả nhiều tiền. Lý do gần một nửa số lần nhấp chuột như thế từ Việt Nam được xem là gian lận có thể do tập quán sử dụng chung máy tính ở các tiệm café Internet nhưng một tỷ lệ cao như thế chắc chắn sẽ ngán trở con đường phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam nói chung và ngành quảng cáo trực tuyến nói riêng.
Xây dựng lại uy tín cho cộng đồng thương mại điện tử Việt Nam là một chuyện khó, cần sự phối hợp của nhiều bên, kể cả ngành giáo dục và quản lý nhà nước. Trong tình hình này, rất cần sự ra đời của các công ty trung gian có uy tín, làm nơi xác nhận giao dịch thật cho người dùng trong nước với các hãng thương mại điện tử bên ngoài làm bước khởi đầu cho quá trình xây dựng ấy. Nếu không chẳng mấy chốc Việt Nam sẽ bị “ngăn sông, cấm chợ” trên Internet với thế giới và thương mại điện tử nội địa cũng khó lòng phát triển.
No comments:
Post a Comment