Monday, July 30, 2018

Mua danh hết mấy vạn?


Mua danh hết mấy vạn?

Danh trên mạng xã hội có uy lực rất lớn. Nếu có dịp theo dõi các vụ ồn ào trên không gian mạng ngay từ đầu sẽ thấy thoạt tiên vụ việc chỉ là một hai ý kiến phê phán nhẹ nhàng nhưng bất chợt một nhân vật có hàng chục ngàn followers (người theo dõi) nhảy vào lớn tiếng hướng câu chuyện theo một chiều nào đó, ngay lập tức các followers này sẽ chia sẻ (share) hay thích (like) và vụ việc nay như đám cháy lan nhanh không cách gì chặn được.

Những nhân vật có uy danh trên mạng, có thể là ca sĩ, diễn viên điện ảnh, cầu thủ bóng đá hay đơn thuần là một người viết khéo, kể chuyện lôi cuốn, thường có tin độc nên được nhiều người theo dõi – tất cả đang là những “thế lực” to lớn trong không gian ảo, có thể gây khốn đốn cho một doanh nghiệp, vùi dập một cá nhân xuống bùn đen hay ngược lại, giúp một sản phẩm bán chạy như tôm tươi, biến một quán café trong góc phố nhỏ thành nơi lui tới của giới trẻ… (xem thêm box về giá cả quảng bá trên mạng xã hội).

Thế nhưng danh này… lại có thể mua được, giá cũng khá bèo. Theo một phóng sự dài trên tờ New York Times, rất nhiều nhân vật nổi tiếng, kể cả giáo sư kinh tế, nhà báo, diễn viên, chính trị gia đã mua một lượng người theo dõi ảo khổng lồ để tạo uy danh giả tạo cho mình. Để nhập vai làm phóng sự điều tra, tờ báo này mua thử 25.000 người theo dõi một tài khoản Twitter tự lập lên với giá 225 đô-la. Mười ngàn người đầu tiên có tài khoản y như thật, tức cũng có tên, hình đại diện, rồi đủ thứ mà một người dùng mạng xã hội có. Đó là các tài khoản bị đánh cắp danh tính, trở nên các “xác ướp” hành động theo lập trình; nếu báo viết một dòng tin gì đó, các tài khoản theo dõi kiểu xác ướp này sẽ lập lại nội dung để chia sẻ thông tin và nhân rộng nó ra.

Chính Facebook thừa nhận với các nhà đầu tư rằng số lượng người dùng giả mạo có thể cao gấp đôi số lượng họ ước tính ban đầu, tức có chừng 60 triệu tài khoản “xác ướp” đang tung hoành trên mạng xã hội này. Còn mạng Twitter, theo New York Times, có chừng 45 triệu tài khoản giả, cũng đang hoạt động ầm ĩ. Một công ty chuyên bán tài khoản giả như thế hiện đang có trong tay chừng 3,5 triệu “xác ướp”, sẵn sàng để bán mình, mà bán đi bán lại nhiều lần cho các khách hàng khác nhau.

Bắt chước New York Times, người viết tò mò tìm hiểu thử coi có thể mua followers ở Việt Nam chăng? Gõ mua followers vào thanh tìm kiếm của Google, ngay lập tức sẽ thấy vô số dịch vụ làm tăng số lượng followers giá rẻ nhảy ra. Nơi thì quảng cáo bán Followers và Likes thật, hứa hẹn “giúp bạn nổi tiếng và thành công trên Facebook”; nơi thì cung cấp bảng giá thật chi tiết, như mua một ngàn like trong một tháng cho tất cả bài viết, giá dưới 500.000 đồng! Thôi, cái này ai quan tâm thì tự tìm hiểu, có lẽ không nên quảng bá cho họ.

Ở nước ngoài, có cả ngàn lý do để mua followers. Theo phóng sự của New York Times, với các nhân vật trong làng giải trí, số lượng người theo dõi quyết định độ thu hút của họ nên dựa vào đó họ mới ký được hợp đồng làm việc và sau đó, dựa vào số lượng người theo dõi thì các hợp đồng “tài trợ” nhãn hàng mới được định giá. Ví dụ, cũng đeo cái kính râm chụp ảnh đưa lên Facebook, nhưng người có 100.000 followers chỉ đòi chủ nhãn hàng trả 2.000 đô-la; còn người có 1 triệu followers có thể đòi giá 20.000 đô-la! Nhiều nhân vật nổi tiếng khác bỏ tiền mua followers vì áp lực công việc, vì bị so sánh với đồng nghiệp và để nâng cao uy thế.

Rất hy vọng ở nước ta, quảng cáo cho dịch vụ bán followers nó tràn lan như thế nhưng chắc ít ai mua. Có lẽ không ai dại gì bỏ tiền mua like cho các bài viết của mình (dù nơi quảng cáo cho giá đủ kiểu like khác nhau: kiểu buồn, kiểu haha, kiểu phẫn nộ, kiểu thả tim, kiểu wow!). Cứ hy vọng thế.

Dù sao, thông tin về followers dỏm này cũng an ủi phần nào cho nhiều người, lâu nay cứ ghen tức sao bạn mình nhiều người theo dõi thế; biết đâu hắn bỏ tiền ra mua cũng như cô bạn kia viết gì ra cũng được like ào ào, chắc cũng vừa ký mua, mức vài trăm like cho rẻ.

Còn nói nghiêm túc, cái thế giới ảo nó vừa có người thật vừa có xác ướp như thế thì không nên đặt cược vào nó mà quảng cáo cho tốn tiền. Ra một sản phẩm rồi cất công nhờ người nổi tiếng giới thiệu vài dòng, tốn bạc triệu với hy vọng một phần nhỏ trong hai triệu người đang theo dõi anh ta ghé mắt, biết đâu, đến cả 1,9 triệu là followers giả, đang sống vật vờ, chờ để like tiếp sản phẩm khác.


Box
Tờ The Economist tổng hợp giá cả phải trả cho người nổi tiếng khi nhờ họ quảng bá sản phẩm trên các mạng xã hội phổ biến, người có lượng theo dõi càng lớn thì tiền thù lao càng cao. Với những ai có từ 3 triệu đến 7 triệu người theo dõi, một đoạn quảng bá trên YouTube sẽ có giá bình quân là 187.500 đô-la; một bài ngắn trên Facebook giá chừng 93.750 đô-la; còn đăng trên Instagram hay Snapchat thì giá là 75.000 đô-la.

Saturday, July 28, 2018

Xin lỗi đi chứ!




Cứ tưởng tượng bạn là thí sinh kỳ thi THPT vừa rồi, dù quá dư điểm để được xét tốt nghiệp nhưng vẫn còn thiếu nửa điểm để vào được trường đại học mơ ước của bạn. 

Cảm giác bạn sẽ như thế nào khi biết có hàng trăm thí sinh như bạn được nâng điểm, không chỉ nửa điểm mà từ 1 đến 8,75 điểm mỗi bài thi. Phẫn nộ vì sự thiếu công bằng? Hoang mang vì không biết còn bao nhiêu bạn khác được nâng điểm? Thắc mắc làm sao trường đại học nơi bạn dự tuyển bảo đảm các thí sinh trúng tuyển đã không gian lận điểm?

Đến khi mọi việc lắng xuống, cảm giác phẫn nộ, hoang mang được thay thế bởi sự cay đắng, rằng người lớn đường như tìm cách đổ lỗi cho nhau; không ai chú ý đến người trực tiếp bị ảnh hưởng từ xì-căng-đan sửa điểm này để có người chịu trách nhiệm, đứng ra xin lỗi học sinh, phụ huynh và xã hội.

Hơn 900.000 thí sinh đăng ký dự thi THPT là đăng ký để được thẩm định một cách công bằng năng lực của các em. Vụ việc sửa khống điểm thi đã tác động lên tất cả; chắc chắn những em được điểm cao một cách bình thường vì học giỏi nay cũng cảm thấy ê chề vì có khả năng bị nghi ngờ, sao điểm cao thế! 

Những em thiếu điểm vào đại học luôn tự hỏi không biết có ai do được sửa điểm mà giành mất chỗ của mình. Những em ở các địa phương bị công luận đang nghi vấn kết quả sẽ bực tức vì bị rơi vào tình thế oan ức.

Thầy cô ở 63 tỉnh thành, chắc chắn đại đa số đã tham gia kỳ thi một cách nghiêm túc như bao năm nay, bỗng tất cả được lệnh rà soát lại như thể họ bị nghi ngờ gian lận thi cử. 

Phụ huynh sớm tối tất bật lo cho con trong một kỳ thi vất vả ắt càng bức xúc hơn hết khi có nơi nhờ vả để không cần mệt nhọc gì vẫn được nâng dư điểm vào đại học hàng đầu. Tất cả cần một lời xin lỗi từ đáy lòng của người đứng đầu ngành giáo dục.

Trong thiết kế một quy trình hay một công trình cụ thể, trách nhiệm của người phụ trách là rà soát để quy trình luôn hoàn thiện, công trình được triển khai đúng mục đích và hiệu năng. Cách phát biểu chung chung như kiểu nhà vệ sinh bệnh viện bẩn, giám đốc chịu trách nhiệm; để xảy ra phá rừng thì chủ tịch huyện chịu trách nhiệm… là chưa thấy trách nhiệm rà soát, điều chỉnh quy trình để tạo điều kiện cho mọi cấp trong hệ thống thực thi chức trách của mình. 

Tương tự như vậy, quy trình thi THPT rõ ràng có lỗ hổng, đã bị lợi dụng để nâng khống điểm – trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục là nhanh chóng phát hiện ra lỗ hổng để từ đó mới có địa chỉ cụ thể mà rà soát.

Với các trường đại học, khi đã tin tưởng giao phó cho Bộ Giáo dục tổ chức kỳ thi mà kết quả được dùng để xét tuyển đại học, họ phải được bàn giao một kết quả chính xác, tin tưởng được. Với tình hình như hiện nay, họ cũng cần được xin lỗi vì kết quả bị nghi ngờ, sản phẩm đầu vào có thể không có chất lượng như ghi trên giấy chứng nhận.

Hiện nay trách nhiệm của Bộ Giáo dục, ngoài những giải pháp nhằm giải quyết việc nâng điểm khống, còn phải phục hồi lại niềm tin cho học sinh, phụ huynh, các trường đại học khi tuyển sinh. 

Để mất niềm tin chỉ cần một hai cán bộ giáo dục hư hỏng nhưng để xây dựng lại niềm tin cần cả nỗ lực của xã hội. 

Nhưng xã hội chưa thể bắt tay vào công cuộc phục hồi niềm tin khi chưa thấy một lộ trình kèm theo sự cam kết của Bộ Giáo dục, sửa đổi quy trình thi THPT như thế nào, cải cách việc xét tuyển như thế nào, gán lại giá trị đúng đắn cho kỳ thi THPT ra sao…



Friday, July 27, 2018

Khi người giàu không muốn khóc


Khi người giàu không muốn khóc

Giáo sư Douglas Rushkoff là lý thuyết gia truyền thông nổi tiếng. Một hôm ông được mời đến nói chuyện tại một khu nghỉ dưỡng cực kỳ sang trọng với một khoản thù lao bằng cỡ nửa năm lương giáo sư. Ông cứ nghĩ sẽ hé lộ một số trực giác của ông về “tương lai công nghệ” cho khoảng một trăm giới chủ ngân hàng đầu tư nên nhận lời.

Trước đây những lần nói chuyện như thế đều kết thúc bằng phần hỏi đáp, trong đó khán giả thích nghe về các từ công nghệ đang thời thượng như blockchain, in 3D, công nghệ sinh học… nhưng không phải để hiểu chúng một cách cặn kẽ - họ chỉ muốn biết có nên đầu tư vào các xu hướng đang nổi lên đó không!

Lần này ông rất ngạc nhiên khi, thay vì đeo micro bước lên sân khấu, ông được dẫn vào một chiếc bàn tròn đơn sơ có sẵn năm tay đàn ông, toàn là kẻ giàu sụ – là tầng lớn trên trong thế giới của các quỹ đầu cơ. Sau màn chào hỏi ban đầu, ông biết ngay họ không một chút quan tâm đến đề tài ông chuẩn bị sẵn về tương lai công nghệ - họ đến, trong đầu có sẵn những câu hỏi của riêng họ.

Thoạt tiên là các câu vô hại: Máy tính lượng tử có thật không? Tiền ảo nào sẽ thắng? Nhưng dần dần các câu hỏi để lộ ra mối lo canh cánh ngày đêm của họ: Vùng nào sẽ ít bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng khí hậu, New Zealand hay Alaska? Có phải Google đang thật sự xây dựng một máy tính để tải nhận thức của nhà khoa học nổi tiếng Ray Kurzweil lên không? Dịch chuyển như thế thì ý thức của ông ta còn tồn tại hay không? Cuối cùng CEO của một tập đoàn chuyên môi giới chứng khoán hỏi câu then chốt, ông ta đã xây gần xong hệ thống hầm ngầm dưới lòng đất, “Làm sao để tôi vẫn kiểm soát được lực lượng bảo vệ sau khi xảy ra biến cố?”

Người ta thường bảo người giàu cũng khóc là hoàn toàn đúng trong trường hợp này. Nếu xảy ra biến cố, tức một từ chung cho cuộc khủng hoảng sẽ diễn ra trong tương lai, có thể là thảm họa môi trường, bất ổn xã hội, nổ bom hạt nhân, virus hủy diệt hay robot nổi loạn tiêu diệt mọi thứ thì tiền bạc và quyền lực cũng không giúp được gì nhiều. Nhưng người giàu không muốn khóc, họ đang tìm cách để đối phó.

Họ hình dung xây được hệ thống ngầm vững chải, có hàng rào bảo vệ ngăn chận đám đông điên cuồng bên ngoài nhưng làm sao dùng tiền để mua bảo vệ vì tiền lúc đó là mớ giấy loại. Đâu có gì ngăn cản bảo vệ tự bầu lãnh đạo rồi chiếm lấy hệ thống? Bắt bảo vệ mang đai kỹ luật chìa khóa do họ cất giữ? Hay chế tạo robot làm bảo vệ?

Đến đây thì Douglas Rushkoff bừng tỉnh. Đối với 5 tay đàn ông này, điều họ đang bàn chính là tương lai công nghệ như kiểu Elon Musk đòi lên sao Hỏa sinh sống, Peter Thiel đòi trường sinh bất tử hay Sam Altman và Ray Kurzweil tải nhận thức lên siêu máy tính để trường tồn. Với họ tương lai công nghệ xoay quanh một từ: thoát thân.

Vì sao ra nông nổi này? Còn đâu thế giới tươi đẹp đầu thập niên 1990 khi tương lai kỹ thuật số mở ra những chân trời mới để cải thiện cuộc sống của nhân loại. Lúc đó những người đi tiên phong nhìn thấy một tương lai bao dung hơn, công bằng hơn, ai cũng như ai trước công nghệ. Đáng tiếc những nhóm lợi ích trong kinh doanh lại thấy cơ hội làm tiền, các thương vụ phát hành cổ phiếu để bán cái tương lai đó cho công chúng. Cả thế giới lên cơn sốt khởi nghiệp làm giàu, ai cũng thế nên không còn ai băn khoăn áy náy về mâu thuẫn đạo đức và tiền bạc. Ai đi ngược lại trào lưu công nghệ đều bị gán nhãn bảo thủ.

Douglas Rushkoff bừng tỉnh nhưng thật ra thế giới đã biết từ lâu con đường khai thác công nghệ một cách sai lạc mà chúng ta đang theo đuổi. Thị trường tập trung không chút khoan dung, đầy dẫy tính bóc lột tổ chức theo kiểu hệ thống siêu thị Walmart khi được bổ sung sức mạnh kỹ thuật số thì biến thành một thứ còn ghê gớm hơn, mất tính người hơn: Amazon. Công ăn việc làm, không còn chút sáng tạo, lại được chẻ nhỏ ra để tự động hóa, cho máy dần thay người. Cả xã hội lao vào các nghề mang tiếng là lao động tự do nhưng thực chất bị sức ép công nghệ bóc lột ngày càng nhiều hơn như lái xe cho Uber, giao hàng cho các trang thương mại điện tử. Văn hóa mua sắm ở các tiệm chạp phô địa phương bị xóa sổ không thương tiếc.

Thế nhưng con người không chịu bỏ thời gian suy nghĩ về cách điều chỉnh để công nghệ chung sống với mình, họ lại biến thành các triết gia, lẩn thẩn tự hỏi: Sau này có nên cho trẻ em cấy não để biết thêm ngoại ngữ? Nhân viên giao dịch chứng khoán cho uống thuốc thông minh thì có sòng phẳng không? Xe tự lái nên ưu tiên cho mạng sống người ngồi trong xe hay khách bộ hành? Các thuộc địa trên sao Hỏa có nên được cai trị theo thể chế dân chủ không? Thay đổi DNA có làm hư bản sắc của tôi không? Robot có quyền như người không? Thật là các câu hỏi sang trọng.

Tệ hại hơn, tiến bộ công nghệ được tô đậm nhờ vắt kiệt môi trường và người nghèo. Hàng triệu triệu máy tính và điện thoại thông minh được sản xuất nhờ sức lao động giá rẻ; nhờ kim loại, đất hiếm khai thác lên thì phá hủy môi trường sống của nhiều cộng đồng. Khi thải loại chúng, nước nghèo trở thành bãi thải chứa rác độc hại nơi trẻ em quần quật phân loại, lựa rác để bán lại các thứ tận thu cho nhà sản xuất, lại thuê người biến chúng thành các món đồ công nghệ thời thượng đắt tiền.

Suy nghĩ theo hướng nhắm mắt làm ngơ các vấn đề xã hội bức bối để cao đạo luận bàn các vấn đề triết lý, riết rồi chúng ta sẽ nhìn không gian chúng ta đang sống theo kiểu: con người là thủ phạm mọi vấn nạn còn công nghệ sẽ là lời giải (nhân vật người máy Smith trong phim Matrix từng bảo con người là dịch bệnh, là ung thư của trái đất này và ta là thuốc chữa). Từ đó mới có những suy nghĩ tải nhận thức lên siêu máy tính, đẻ ra một loại người lai máy để nhân loại bước vào một kỷ nguyên mới, lột bỏ lớp vỏ đầy tội lỗi và phiền muộn chỉ để lại ý thức không bao giờ hư hỏng lên một lớp vỏ mới do công nghệ tạo ra.


*                           *                           *

Trở lại buổi nói chuyện với 5 tay chủ ngân hàng đầu tư giàu có, đang lo cho tương lai có biến không kiểm soát được, Douglas Rushkoff khuyên họ, cách điều khiển lực lượng bảo vệ hiệu quả nhất là đối xử thật tốt với họ, ngay từ bây giờ. Phải xem bảo vệ như người thân trong gia đình. Và họ càng mở rộng cách ứng xử như thế từ bảo vệ ra các nhân viên khác, đến đối tác, chuỗi cung ứng và toàn xã hội thì lúc đó đâu còn lo xã hội có biến.

Rushkoff viết: “Họ mỉm cười khi thấy tôi lạc quan nhưng họ không bị lời tôi thuyết phục. Họ chẳng quan tâm đến cách phòng tránh tai họa vì họ tin chúng ta đã đi quá xa. Bất kể tiền bạc và quyền lực họ đang có, không ai tin họ có thể tác động lên tương lai nữa. Họ chỉ đơn thuần chấp nhận kịch bản xấu nhất và rồi đem hết tiền bạc và công nghệ mà họ có thể huy động để bảo vệ chính họ - đặc biệt khi họ không thể kiếm một chỗ trên con tàu phóng lên sao Hỏa”.

Dù sao với người bình thường như chúng ta, ít ra không có đủ nguồn lực để lo giành chiếc vé lên sao Hỏa hay đủ tiền thuê mướn bảo vệ ngay từ đầu, còn khá nhiều chọn lựa cho tương lai. Rushkoff nói chúng ta có thể phó mặc để trở thành một đơn vị tiêu dùng như những kẻ đứng sau công nghệ mong muốn hay chúng ta có thể tin rằng có một lối sống hài hòa với công nghệ đợi chúng ta tìm ra. Bản chất con người không phải là mạnh được yếu thua, có tiền thì khỏi khóc, có tiền là có lối thoát. Bản chất của con người là sống chết cùng nhau. Nên tương lai của loài người có ra sao thì tất cả đều phải cùng chia sẻ cái tương lai ấy.



Tuesday, July 17, 2018

Đình bản là đình bản như thế nào?


Đình bản là đình bản như thế nào?

Báo Tuổi Trẻ Online bị Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông phạt một mớ tiền và đình bản 3 tháng. Mặc dù vấn đề xử lý các sai sót của báo chí qua hình thức xử phạt vi phạm hành chính hay để tòa án xét xử là chuyện quan trọng hơn bội lần, xin để nói sau. Ở đây cần nói ngay hình thức đình bản đối với Tuổi Trẻ Online phải được hiểu như thế nào.

Theo lô-gích tự nhiên, đình bản báo Tuổi Trẻ Online có nghĩa các báo khác của cơ quan báo chí Tuổi Trẻ vẫn hoạt động bình thường, như Tuổi Trẻ báo giấy, Tuổi Trẻ Cười, Tuổi Trẻ Cuối Tuần – và đương nhiên ấn bản điện tử của báo in hàng ngày, báo Tuổi Trẻ Cười, Tuổi Trẻ Cuối Tuần vẫn phải được xuất hiện một cách bình thường.

Báo Tuổi Trẻ phải làm rõ điểm này và phải duy trì ấn bản điện tử của các báo không bị đình bản. Chẳng hạn, báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần thì có dính líu gì đến quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Đây là một tờ báo có bộ máy tòa soạn riêng biệt, nộp lưu chiểu riêng biệt và có địa chỉ website riêng biệt. Không việc gì phải đình bản cả.

Ngày trước, báo in có giấy phép riêng và sau đó thường có giấy phép đưa nội dung báo in lên mạng, dưới tên gọi chính thức là trang thông tin điện tử. Trang thông tin điện tử về mặt nguyên tắc không được sản xuất tin bài riêng của mình mà phải đăng lại y chang như báo in. Hầu hết các cơ quan báo chí được cấp loại giấy phép này.

Sau đó chỉ một số báo được cấp phép để làm báo điện tử với một tờ giấy phép riêng, có bộ máy tòa soạn riêng, được đưa tin của chính mình sản xuất. Tuổi Trẻ Online là một trong những tờ báo điện tử như thế, nó không dính líu gì đến báo Tuổi Trẻ hàng ngày. Hãy nhìn trước mỗi tin bài đều có ký hiệu khác nhau cho biết tin bài đó thuộc báo nào: TTO hay TT hay TTCT...

Nay Tuổi Trẻ Online bị đình bản, tức bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động trong ba tháng – điều đó có nghĩa báo Tuổi Trẻ thường và trang thông tin điện tử của mình; Tuổi Trẻ Cười và trang thông tin điện tử của mình; Tuổi Trẻ Cuối Tuần và trang thông tin điện tử của mình vẫn hoạt động bình thường như phân tích ở trên.

Thứ nữa, đình bản một tờ báo phải được hiểu như thế nào? Vào website không thấy gì hay vào website thấy nội dung giữ nguyên trong vòng ba tháng? Các nội dung cũ có truy cập được không? Tìm kiếm thông tin được dẫn tới một bài báo của TTO cách đây hai năm – vậy nay trong thời gian đình bản có đọc được không? Nhìn cả cơ sở dữ liệu khổng lồ của TTO mới thấy quyết định xử phạt vi phạm hành chính bằng cách đóng cửa ba tháng là một quyết định xâm phạm đến lợi ích của bạn đọc, của xã hội chứ đâu chỉ phải của một tờ báo. Mức độ xử phạt phải tương ứng với mức vi phạm – làm quá, tức có hại đến lợi ích của xã hội nói chung, không đúng địa chỉ cần xử phạt là lạm quyền đấy.




Sunday, July 15, 2018

Ôm đồm


Ôm đồm

Nguyễn Vạn Phú

Mặc dù Bộ Công Thương đã yêu cầu Vụ Thị trường trong nước và Vụ Pháp chế thuộc Bộ dừng xây dựng dự thảo nghị định về phát triển và quản lý ngành phân phối nhưng câu chuyện cơ quan quản lý nhà nước đặt ra những quy định can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế vẫn là câu chuyện đáng suy ngẫm. 

Đâu là vai trò quản lý của nhà nước, quản lý đến đâu là vừa phải, đến đâu là mang tiếng can thiệp và quan trọng nhất, vì sao có suy nghĩ cơ quan quản lý nhà nước phải can thiệp mới được?

Trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chợ, đã có Nghị định 02/2003 mà sau đó được sửa đổi bổ sung bằng Nghị định 114/2009. Tinh thần toát lên từ Nghị định 02/2003 là cung cấp bộ khung giúp công tác quản lý chợ sao cho tốt nhất chứ không hề quy định người bán trong chợ phải làm gì, bán đến mấy giờ, khuyến mãi ra sao. Nghị định 114/2009 cũng tiếp nối tinh thần đó nên, ví dụ khi phân loại chợ, bổ sung nhiều loại chợ mà nghị định cũ chưa có thì cũng chỉ nhằm giúp công tác quản lý chợ.

Đến cuối năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương rà soát, đánh giá việc thực hiện hai nghị định nói trên, trên cơ sở đó đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung trình Chính phủ ban hành một nghị định mới. 

Không hiểu vì sao Vụ Thị trường trong nước của Bộ Công Thương khi được giao nhiệm vụ này lại soạn thảo một dự thảo nghị định “không giống ai”, đặt ra nhiều quy định mang tính ràng buộc với doanh nghiệp một cách không cần thiết. 

Những quy định phi lý được báo chí nhắc tới nhiều nhất có thể kể: Siêu thị, trung tâm thương mại phải mở tất cả ngày trong tuần kể cả ngày lễ, tối thiểu từ 10 giờ đến 22 giờ; mỗi năm chỉ được tổ chức 3 đợt giảm giá, mỗi đợt phải diễn ra tối thiểu 30 ngày, phải có ít nhất 70% hàng hóa được bày bán nằm trong chương trình giảm giá.

Thiết nghĩ một nghị định tạo hành lang pháp lý cho ngành phân phối cũng có thể đặt ra những điều cấm nhưng mục đích của các điều cấm đoán này phải rõ ràng, để bảo vệ cho ai, tránh nguy cơ gì. Ví dụ có thể cấm siêu thị bán rượu hay thuốc lá chẳng hạn nếu chúng ta chọn lựa cách hạn chế kênh phân phối các mặt hàng có nguy cơ gây hại cho người tiêu dùng. Ai muốn mua rượu phải vào tiệm chuyên bán rượu được cấp giấy phép riêng.

Khá nhiều nước ở châu Âu cấm siêu thị mở cửa vào ngày chủ nhật (chứ không làm ngược đời như dự thảo nghị định là bắt mở cửa suốt tuần) là bởi họ muốn bảo vệ người lao động, có quyền nghỉ ngơi ngày cuối tuần. Tuy nhiên quy định khắc khe này cũng dần bị bãi bỏ ở nhiều nước.

Cũng có thể phân loại siêu thị, trung tâm thương mại với các đặc điểm được quy định rõ ràng về diện tích, các tiện ích và đi kèm là sự cấm đoán đặt tên gây nhầm lẫn ở người tiêu dùng. Một khu mua bán nhỏ xíu mà đặt tên Hypermarket để lừa người mua sắm là không ổn. Để bảo vệ người tiêu dùng, cũng có thể có những quy định về ghi hạn sử dụng; để bảo vệ nhà sản xuất trong nước khỏi bị chủ siêu thị o ép, có thể đặt ra quy định về đối xử với hàng hóa của chính siêu thị đặt làm và dán thương hiệu của mình…

Thế nhưng tinh thần toát ra của một dự thảo vẫn phải là nhắm đến chính cơ quan quản lý, ràng buộc họ lại vào những phạm vi nào để doanh nghiệp hình dung được họ sẽ phải ứng xử như thế nào với nơi sẽ quản lý họ. Không được đặt ra các hình thức can thiệp kiểu như chỉ được giảm giá tối đa 3 lần trong năm và hạn chế tối đa các quy định ràng buộc trừ phi có mục đích bảo vệ cho người tiêu dùng một cách rõ ràng. 

Vì dự thảo có kèm cụm từ “phát triển” bên cạnh “quản lý ngành phân phối”, ban soạn thảo phải làm sao giải quyết các vấn đề đang nảy sinh như mâu thuẫn giữa nhà sản xuất nhỏ và chủ siêu thị, người nước ngoài đang dần làm chủ các kênh phân phối lớn, mâu thuẫn giữa các cửa hàng tiện lợi với các tiệm tạp hóa truyền thống… Các vấn đề lớn không lo, lại đi lo giờ mở cửa siêu thị và trung tâm thương mại nên Bộ Công Thương yêu cầu dừng dự thảo là điều tất yếu.


Chiến tranh thương mại khi nào kết thúc?


Chiến tranh thương mại khi nào kết thúc?

Nguyễn Vạn Phú

Quan sát những diễn biến được gọi là chiến tranh thương mại giữa Mỹ và các nước, đặc biệt là đợt thuế đánh lên hàng hóa của nhau mới tuần trước giữa Mỹ và Trung Quốc, người ta có thể rút ra hai kết luận sơ khởi. Mỹ là nước khơi mào cuộc chiến và Mỹ cũng sẽ là nước hoặc chủ động hoặc bị đẩy vào thế phải kết thúc. Vấn đề là khi nào?

Trước hết chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump là nhằm tìm lại công bằng cho thương mại giữa Mỹ với các nước - theo cách ông ta hiểu. Điều đó có nghĩa nước nào muốn bán hàng cho Mỹ phải mua hàng của Mỹ cho tương đương; bán nhiều hơn mua (tức Mỹ chịu thâm hụt mậu dịch) là không xong. Để giải quyết sự “bất công” Trump chủ trương áp thuế nhập khẩu lên hàng hóa của nước muốn trừng phạt để họ vừa bán hàng không được và dân Mỹ quay sang mua hàng rẻ hơn của doanh nghiệp Mỹ. Chính vì thế Trump từng tuyên bố, chiến tranh thương mại dễ thắng lắm!

Cách hiểu thương mại quốc tế hiện đại như thế có nhiều lỗ hổng mà chúng ta sẽ bàn sau, nhưng trước mắt đã khiến Trump rút khỏi hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào năm ngoái rồi năm này bắt đầu đánh thuế trừng phạt lên nhiều mặt hàng, không phải công bố một lần rồi thôi mà hết mặt hàng này đến mặt hàng khác, hết nước này đến nước khác trong khi để mở khả năng thương lượng để tự các nước hạn chế lượng hàng bán vào Mỹ. Đầu tiên là thuế mang tính trừng phạt đánh lên máy giặt và tấm pin mặt trời. Sau đó là thuế nhôm, thép và đến cuối tuần trước sắc thuế 25% đánh lên lượng hàng hóa trị giá 34 tỷ đô-la nhập khẩu từ Trung Quốc, như tivi màn hình phẳng, linh kiện máy bay và dụng cụ y tế bắt đầu có hiệu lực.

Hiện nay là giai đoạn Tổng thống Trump khuếch trương những thắng lợi ban đầu trên truyền thông như nhờ thuế nhập khẩu máy giặt tăng lên 20% mà hãng Whirlpool của Mỹ bán được hàng, tuyển thêm công nhân, giá cổ phiếu tăng. Tuy nhiên tin tốt lành kiểu đó không nhiều trong khi Trump ngày càng gặp phải sự trả đũa của các đối tác ngoại thương, sự chống đối của giới kinh tế gia trong nước và sự thua thiệt của các doanh nghiệp Mỹ bị tác động xấu bởi các đợt thuế.

Điểm yếu nhất trong chính sách dùng thuế để tạo lợi thế trong ngoại thương, theo nhà kinh tế Paul Krugman viết trên tờ New York Times, nằm ở chỗ, khác với thập niên 1960 khi hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là hàng hóa đã hoàn chỉnh như xe hơi, hàng hóa giao thương ngày nay chủ yếu là hàng trung gian, được dùng làm đầu vào để sản xuất hàng nội địa. Cho nên Mỹ càng đánh thuế lên hàng nhập khẩu thì càng gây khó khăn cho doanh nghiệp Mỹ trong khi nền kinh tế hưởng lợi không được bao nhiêu. Krugman đưa ra ví dụ: đánh thuế lên linh kiện ô tô nhập khẩu thì doanh nghiệp sản xuất linh kiện Mỹ sẽ bán được nhiều hàng hơn nên có thể thuê mướn thêm công nhân. Nhưng do giá linh kiện nói chung tăng nên sẽ gây khó khăn cho những nơi sử dụng linh kiện để làm ra hàng của chính họ nên sẽ phải tinh giảm hoạt động, sa thải công nhân.

Đợt thuế đầu năm 2018 đánh lên máy giặt là hàng hóa tiêu dùng nên giá máy giặt tăng, máy giặt Whirlpool của Mỹ bán chạy nhưng đáng tiếc cho đến nay 95% thuế mà Mỹ áp lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc là hàng trung gian hay máy móc, trang thiết bị nên nếu Mỹ gây khó cho doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc một thì lại tạo ra những bài toán đau đầu cho doanh nghiệp Mỹ đến bội lần. Ngược lại phía Trung Quốc rất khôn; không những tập trung đánh thuế vào hàng tiêu dùng, nếu có áp thuế lên linh kiện hay nông sản thì chủ yếu là hàng xuất khẩu của các tiểu bang đang ủng hộ Trump.

Hay lấy một ví dụ khác, thuế đánh lên thép và nhôm nhập khẩu được một tổ chức nghiên cứu ở Mỹ dự báo sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất hai mặt hàng này ở Mỹ mở rộng sản xuất, thuê mướn thêm 25.000 công nhân trong vòng ba năm tới. Nhưng cũng chính tổ chức này dự báo cứ thêm một công việc trong ngành nhôm thép thì sẽ có 16 công việc trong các ngành sản xuất có sử dụng nhôm thép bị mất đi, tính ra Mỹ sẽ mất 400.000 chỗ làm do thuế nhôm thép.

Một trường hợp điển hình là hãng sản xuất mô tô nổi tiếng Harley-Davidson. Biểu tượng của nền sản xuất Mỹ buộc phải tuyên bố sẽ chuyển một số dây chuyền sản xuất ra khỏi Mỹ để tránh mức thuế trừng phạt mà EU áp lên mô tô nhập khẩu của hãng này để trả đũa các sắc thuế của Trump. Họ tính toán rất cụ thể: thuế nhập khẩu xe tăng từ 6% lên 31% thì giá thành xe sẽ tăng chừng 2.200 đô-la mỗi chiếc. Nếu không tăng giá bán thì mỗi năm hãng sẽ lỗ chừng 100 triệu đô-la; chi bằng chuyển qua làm xe ở Thái Lan, chẳng hạn.

Cách hiểu đơn giản hóa ngoại thương hiện đại của Trump cũng chưa tính đến những đặc điểm liên lập của các chuỗi sản xuất quốc tế. Chẳng hạn, theo một nghiên cứu của đại học Syracuse trong lãnh vực máy tính và sản phẩm điện tử, các tập đoàn đa quốc gia đang hoạt động tại Trung Quốc cung cấp đến 87% hàng hóa bị ảnh hưởng bởi thuế của Trump trong khi các doanh nghiệp thuần túy Trung Quốc chỉ chiếm 13% sản phẩm. Hay một khảo sát khác của Fed chi nhánh San Francisco cho biết  cứ một đô-la chi ra để mua hàng “làm tại Trung Quốc” thì cũng có đến 55 cents chi ra cho các ngành dịch vụ liên quan cung ứng ngay tại Mỹ.

Cứ tưởng dưới áp lực của công luận và giới kinh doanh, Mỹ sẽ nhanh chóng thay đổi chính sách để chấm dứt cuộc chiến thương mại mà phần thắng không chắc chắn, phần thua thì đã rõ. Nhưng nên nhớ, thuế gây ồn ào là thế nhưng tổng cộng các mặt hàng bị ảnh hưởng chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong cán cân ngoại thương của Mỹ cũng như của các nước liên quan. Cộng hết các mức thuế trả đũa mà Trung Quốc và các nước khác dọa sẽ áp lên hàng Mỹ, lượng hàng bị tác động đến nay chừng 75 tỷ đô-la, một con số rất nhỏ so với kim ngạch xuất khẩu của Mỹ vào năm ngoái là 1.550 tỷ đô-la.

Hiện nay tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đang xuống mức thấp nhất, các doanh nghiệp đang tuyển dụng, Trump đang tự hào nước Mỹ hiện vĩ đại hơn bao giờ hết nên không có lý do gì để Trump xuống thang trong thương mại.

Chỉ có điều, cuộc chiến tranh thương mại, do các phân tích nói trên, sẽ không mở rộng quy mô thêm nữa để thế giới bước vào giai đoạn “không có chiến tranh thương mại cũng không có ngoại thương trong hòa bình”.


Saturday, July 7, 2018

Loay hoay trong một thế giới cũ mèm


Loay hoay trong một thế giới cũ mèm

Nguyễn Vạn Phú

Trong khi người dân nước ta bị mắc kẹt trong vòng xoáy tranh cãi chữ nghĩa không dứt, hết “thu giá” đến “tụ nước”, hết “nằm nghỉ mệt” đến “bay chưa đúng giờ” thì ở bên ngoài người ta đang cố gắng sắp xếp cuộc sống theo những quy luật mới để bước chân vào một thế giới tưởng đâu chỉ có trong truyện viễn tưởng.

Quá trình sắp xếp đó cũng đầy tranh cãi, cũng đầy góc nhìn khác biệt nhau nhưng quan trọng là họ tranh cãi để hiểu thế giới của họ hơn và tìm ra giải pháp ổn thỏa cho mọi bên. Vì chúng ta đã kết nối nhiều với thế giới bên ngoài nên sự sắp xếp đó thỉnh thoảng dội vào trong nước, đôi lúc gây nên những hiểu nhầm tai hại.

Châu Âu bảo vệ người dân hay tự cô lập

Nếu đến châu Âu những ngày này, khi truy cập các website báo chí lớn như  tờ Los Angeles Times, Chicago Tribune hay New York Daily News, rất có thể bạn sẽ nhìn thấy thông báo trang web của chúng tôi không dành cho khu vực các bạn – rất tiếc nhưng đành chịu. Số là luật bảo vệ thông tin người dùng của châu Âu (GDPR) bắt đầu có hiệu lực từ ngày 25/5 nhưng chi phí cho các trang web phải bỏ ra để tuân thủ các quy định ngặt nghèo này quá cao, quá phức tạp nên nhiều nơi thà khóa không cho 500 triệu người châu Âu truy cập trang web của họ còn hơn bị phạt nặng. Bình quân mỗi trang web phải tốn chừng 1 triệu đô-la để tổ chức bộ máy chuyên lo tuân thủ quy định mới; vi phạm họ sẽ bị phạt đến 24,8 triệu đô-la hay 4% doanh thu toàn cầu, một con số khổng lồ đối với các nơi như Amazon, Facebook hay Google.

Luật GDPR bắt chủ các trang web phải có sự đồng ý rõ ràng của người dùng mới được thu thập dữ liệu người dùng, người dùng có quyền từ chối không cho ai dùng dữ liệu của họ để làm tiếp thị, quảng cáo, nếu thông tin người dùng bị lộ, phải báo ngay cho cơ quan thẩm quyền và khách hàng chứ không được che giấu như trước. Người dùng ở châu Âu từ nay được quyền truy cập để biết những thông tin gì về họ đã được thu thập, rồi được sử dụng như thế nào, vào chuyện gì... Họ có toàn quyền yêu cầu xóa thông tin cá nhân của họ theo nguyên tắc quyền được quên lãng, ví dụ ngày xưa họ bị kết án ăn trộm bị báo chí đưa rùm ben nay mãn hạn tù thì họ có quyền yêu cầu các báo xóa tin bài cũ.

Trong dòng thông tin tràn ngập về GDPR ít thấy đề cập chuyện châu Âu có bắt các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới đặt máy chủ hay lưu thông tin người dùng tại chỗ không. Có lẽ điều đó không quan trọng vì cách tiếp cận của họ là trao quyền kiểm soát thông tin cho người dùng và bắt các nơi tuân thủ. Một khi người dùng Facebook có quyền trên thông tin cá nhân của chính họ chứ không phải Facebook và đương nhiên không phải chính quyền các nước EU thì dữ liệu nằn ở đâu cũng như nhau. Nếu EU muốn nắm quyền kiểm soát thông tin người dân thì chuyện đặt máy chủ ở đâu mới trở thành vấn đề quan trọng.

Diễn biến mới nhất khi thực thi GDPR cho thấy có nguy cơ người dân châu Âu bị gạt ra rìa dòng chảy thông tin một khi các website thấy chi phí tuân thủ cao hơn lợi nhuận đem lại. Thực tế này sẽ là điểm cân nhắc và chưa biết châu Âu sẽ giải quyết mâu thuẫn này như thế nào nhưng quá trình này cho thấy bất kỳ ai cũng phải đo lường sự thiệt hơn với lợi ích của người dân được đặt lên hàng đầu.

Trung Quốc chấm điểm công dân

Trong một diễn biến khác, báo chí vừa đưa tin hàng triệu người dân Trung Quốc bị cấm bay vì “hạnh kiểm xấu”, gây tò mò và ngạc nhiên cho nhiều người. Hóa ra Trung Quốc đã thử nghiệm hệ thống cho điểm tín nhiệm xã hội, hễ người dân có hành vi gì xấu thì bị trừ điểm. Hành vi xấu có thể là lái xe mà không nhường cho người đi bộ, hút thuốc nơi bị cấm, mua quá nhiều game điện tử hay đăng tải tin giả trên mạng...

Mới nghe qua tưởng đâu là chuyện khoa học viễn tưởng ở một xã hội tương lai khi mọi hành vi của người dân bị kiểm soát để ai nấy đều như người máy, sống như những công dân gương mẫu, vô hồn, vô cảm. Thế mà hệ thống này đã được thử nghiệm từ năm 2014 và được hứa hẹn sẽ triển khai đại trà trước năm 2020.

Câu chuyện này trở thành thời sự khi lần đầu tiên con số người có điểm xấu bị cấm bay hay đi tàu hỏa cao tốc được công bố vào tuần trước. Tờ Global Times của Trung Quốc đưa tin có tổng cộng 11 triệu người bị cấm bay và 4,25 triệu người bị cấm đáp tàu hỏa cao tốc kể từ khi có hệ thống chấm điểm tín nhiệm xã hội. Ngoài ra người bị điểm xấu còn không được truy cập Internet tốc độ cao, con cái không được vào trường tốt, không được làm quản lý ở các doanh nghiệp nhà nước hay ngân hàng... Ngược lại người có điểm cao sẽ được miễn giảm tiền điện, được thuê xe không cần đặt cọc, được hưởng lãi suất cho vay thấp...

Cho dù người dân Trung Quốc khi được hỏi đều nói hệ thống chấm điểm giúp họ sống tốt hơn, cho dù các hành vi bị trừ điểm thật sự đáng bị lên án, thiết nghĩ không ai đứng trên ai để cho điểm người khác được. Mọi quan hệ xã hội đã có luật pháp chi phối, ở mức độ thấp hơn có xử phạt hành chính hay sự lên án của dư luận – nói chung là giềng mối đạo đức truyền từ đời này sang đời khác, nhất là nhờ kênh giáo dục. Vai trò của nhà nước không thể là đi chấm điểm, trừ điểm công dân.  

Khi Mỹ và các nước phải học cách làm ngân hàng

Ở chiều hướng ngược lại, có một lãnh vực rõ ràng Mỹ và các nước đang phải học hỏi Trung Quốc, thể hiện qua hàng loạt bài viết của giới chuyên môn, giới chủ nhà băng Mỹ: đó là lãnh vực thanh toán di động. Tổng giám đốc một ngân hàng lớn của Mỹ khi đến Thượng Hải dạo phố đã hết sức ngạc nhiên khi thấy giới trẻ Trung Quốc đi trước ông cứ mua sắm đủ thứ nhưng không dùng tiền mặt cũng chẳng dùng thẻ tín dụng. Họ chỉ cần bật máy điện thoại di động lên, bấm bấm, lắc lắc là xong.

Hiện nay Alipay và WeChat Pay, con đẻ của hai tập đoàn lớn là Alibaba và Tencent hầu như thống lĩnh thị trường thanh toán qua điện thoại di động bởi sự tiện dụng. Quý 4/2017 các ứng dụng thanh toán trên điện thoại đã xử lý đến 5,9 ngàn tỷ đô-la giao dịch mua bán hàng hóa và dịch vụ, trong đó Alipay chiếm 54% và WeChat Pay chiếm 38%.

Cứ hình dung bên mua không cần thẻ trong túi, bên bán không cần máy quẹt thẻ hai bên cứ dùng điện thoại di động trao đổi thông tin mua bán thì còn gì thuận tiện hơn. Điện thoại di động có màn hình dễ hàng hiển thị mã QR cho riêng mỗi người, lại có camera để quét mã rồi gởi thông tin đi thì Alipay và WeChat Pay đã có thể loại khỏi cuộc chơi các trung gian thanh toán như mạng Visa hay Mastercard. Các ngân hàng giờ đây không còn đóng vai trò phát hành thẻ hay xử lý thẻ nữa – họ chỉ còn là thủ quỹ giữ tiền cho các bên, khi nào được lệnh chi trả thì gởi tiền đi.

Thế là các ngân hàng ở các nước hoảng sợ, vừa mất doanh thu vừa mất vai trò. Họ đang tìm cách xây dựng các hệ thống tương tự ở thị trường nước họ nhưng chuyện đó không dễ chút nào. Apple cũng đang cố xây dựng Apple Pay hay Samsung có Samsung Pay nhưng không ăn thua. Phải cỡ như Facebook nhảy vào xây dựng hệ thống thanh toán ngay bên trong ứng dụng Facebook mới có khả năng bành trướng nhanh như Alipay và WeChat Pay.

Trước mắt các nước Đông Nam Á áp dụng chiêu thức, không chống họ được thì hợp tác với họ. Du khách Trung Quốc, đã quen với cách tiêu tiền bằng điện thoại di động, khi đến nước nào đều ngắm ngía xem có bảng hiệu “chấp nhận thanh toán bằng Alipay (hay WeChat Pay)” hay không. Trước hai cửa hàng một bên có một bên không, ắt hẳn ai hơn ai cũng đã rõ. Thông thường ở các nước hai hệ thống này sẽ ký kết liên doanh, liên kết với một đối tác địa phương để đối tác địa phương này làm đầu mối thương thảo với các ngân hàng. Mục đích trước mắt là nhắm đến du khách Trung Quốc nhưng về lâu về dài họ sẽ bung ra cung cấp dịch vụ cho người dân sở tại.

Tecent được Malaysia cấp phép cho triển khai ứng dụng thanh toán di động WeChat Pay bằng đồng ringgit. Alipay thì không đi theo con đường chính thức này mà làm việc trực tiếp với các điểm bán hàng và liên kết với các doanh nghiệp bản địa để cung ứng dịch vụ thanh toán như ở Malaysia họ liên kết với Touch’n Go, ở Thái Lan là với Kasikornbank, rồi đầu tư vào Ascend Money để tận dụng hệ thống cửa hàng 7-Eleven. Ở Philippines Ant Financial (thuộc tập đoàn Alibaba) liên kết với Mynt để tận dụng ví điện tử GCash của doanh nghiệp này. Alipay còn nhảy vào Singapore qua CC Financial Services, Campuchia qua Anco Group để triển khai Pi Pay...

Xu thế du khách Trung Quốc vào Việt Nam, xài ứng dụng Alipay và WeChat Pay để mua sắm hàng hóa dịch vụ là không thể tránh khỏi. Cho nên hãy thôi, đừng nói kẽ hở tiếp tay rồi báo động chuyển ngân lậu hay thanh toán chui nữa. Hãy tìm hiểu đối thủ, các phương thức hoạt động, kinh nghiệm của các nơi khác  và có biện pháp thích ứng, có chính sách phù hợp, tùy góc nhìn của từng địa chỉ. Người bán thì lúc nào cũng ưu tiên bán được càng nhiều càng tốt còn nhà nước sẽ ưu tiên chuyện thu đủ thuế trong khi giới ngân hàng lo bị bỏ lại đằng sau. Nhưng xu thế thời đại không cho phép các ngân hàng phát hành thẻ cứ chăm chăm ăn chênh lệch tỷ giá “dày” như hiện nay được lâu nữa.



Tuesday, July 3, 2018

Bản chất việc thanh toán bằng WeChat


Sẽ không còn quẹt thẻ 

Nguyễn Vạn Phú

Tuần trước các báo đưa tin du khách Trung Quốc cà thẻ qua máy POS bất hợp pháp, kết nối trực tiếp với ngân hàng bên Trung Quốc không thông qua hệ thống chi trả của Việt Nam, gây thất thu thuế. Thật ra hiện tượng này có quy mô lớn hơn nhiều, không nhất thiết là thẻ tín dụng, liên quan đến nhiều vấn đề và đã là nỗi lo của các nước láng giềng, các hệ thống tài chính truyền thống chứ không riêng gì Việt Nam.

Bước ngoặt bất ngờ

Với khách du lịch khi đến một nước nào đó, thông thường họ mua sắm, ăn uống, trả tiền dịch vụ bằng thẻ tín dụng. Quy trình đó diễn ra trong nháy mắt nhưng khá phức tạp. Ví dụ khi quẹt thẻ VISA ở một nhà hàng, máy POS sẽ chuyển thông tin thẻ và hóa đơn từ quầy thanh toán về ngân hàng thụ hưởng (tức ngân hàng của chủ tiệm ăn), nơi đây gởi thông tin đi tiếp đến hệ thống thẻ VISA, hệ thống này mới gởi tiếp thông tin về ngân hàng phát hành thẻ, nơi đây chấp thuận thì giao dịch mới được tiến hành. Nếu bữa ăn có giá 100 đồng thì nhà hàng sẽ nhận được 97,25 đồng; ngân hàng phát hành thẻ hưởng 2,20 đồng; VISA nhận 13 xu tiền thù lao; ngân hàng thụ hưởng nhận 19 xu và các nơi xử lý giao dịch nhận 23 xu.

Alipay của Alibaba và WeChat Pay của Tencent đã thay đổi hệ thống đó một cách triệt để.

Alipay và WeChat Pay hiện rất phổ biến ở Trung Quốc, cứ 10 giao dịch trực tuyến thì đến 9 giao dịch là thông qua hai hệ thống này. Hiện Alipay có 520 triệu và WeChat Pay có 1 tỷ người dùng thường xuyên, năm 2016 họ chi tiêu hơn 2,9 ngàn tỷ đô-la sử dụng cách chi trả độc đáo của Alipay và WeChat Pay.

Người dùng mở một ví tiền Alipay hay WeChat Pay, kết nối ví với tài khoản của họ ở ngân hàng và được cấp một mã QR riêng biệt. Bên bán hàng cũng vậy, có tài khoản ngân hàng và tài khoản di động, cũng có một mã QR riêng. Khi mua, ví dụ một ly trà đá, người dùng chỉ việc đưa máy điện thoại di động, bấm nút thanh toán, mã QR riêng biệt của họ sẽ xuất hiện trên màn hình cho bên bán quét, là xong. Giả thử bên bán chưa trang bị máy quét mã QR, họ chỉ cần lấy tờ giấy in mã QR của họ ra, dán lên quầy; bên mua mở camera của điện thoại, quét mã, bấm thanh toán, cũng xong. Hiện nay các tiệm Starbuck ở Trung Quốc đã trang bị máy tự quét mã QR cho khách nên dòng người trả tiền chạy mượt mà; ai trả bằng tiền mặt sẽ bị nhìn như người ngoài hành tinh.

Alipay và WeChat Pay có kênh thanh toán riêng, không dùng các mạng thanh toán như VISA hay MasterCard nữa. Nên khi giao dịch, tiền từ tài khoản ngân hàng của người mua chạy vào tài khoản di động cũng của người mua rồi từ đó được chuyển qua tài khoản di động của người bán và cuối cùng chạy về tài khoản ngân hàng của người bán.

Với thẻ tín dụng truyền thống, cho dù mua bán nội địa, bên bán cũng phải trang bị máy quẹt thẻ POS rồi phải chịu phí cao nên mức độ chấp nhận thanh toán bằng thẻ phải một thời gian dài mới tương đối phổ biến. Ngược lại Alipay và WeChat Pay quá đơn giản, không cần trang bị gì nhiều ngoài chiếc điện thoại mà giờ đây ai cũng có nên chỉ trong vòng 5 năm, đã trở thành nền tảng thanh toán chi phối ở Trung Quốc. Người dân nước này dùng điện thoại di động để mua đủ thứ, từ cây kem đến trả tiền đỗ xe, từ tiền học đến mua sắm hàng hóa đắt tiền. Ngay cả người bán hàng rong cũng chấp nhận trả bằng QR. Người dùng cùng mạng có thể chuyển tiền cho nhau dễ dàng, nhanh chóng mà lại không mất phí.

Dân Trung Quốc đã quen Alipay hay WeChat Pay đến nỗi đi du lịch đến các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan... họ chỉ vào tiêu xài ở các tiệm có ghi “chấp nhận thanh toán bằng Alipay hay WeChat Pay”. Và từ đó nảy sinh chuyện báo chí phản ánh tuần trước.

Các vấn đề nảy sinh

Như vậy nỗi lo đầu tiên là giả dụ người dân Trung Quốc đi du lịch đến Việt Nam nhưng chỉ vào toàn các cơ sở của chính dân Trung Quốc đầu tư như khách sạn, nhà hàng. Hai bên đều là khách của hai mạng Alipay hay WeChat Pay, có tài khoản ở ngân hàng Trung Quốc, đương nhiên họ mua sắm, thanh toán cho nhau trực tiếp bằng nền tảng của họ nên dòng tiền, mặc dù tiêu xài ở Việt Nam, nhưng lại chỉ chạy vòng quanh trên đất Trung Quốc.

Nhìn rộng ra, các cơ sở dịch vụ du lịch ở Việt Nam của người Việt Nam, rất nhạy bén, ắt phải tìm cách “chấp nhận thanh toán bằng Alipay hay WeChat Pay” để thu hút khách Trung Quốc. Khi hai mạng này chưa ký kết hợp tác với các ngân hàng Việt Nam, các cơ sở này ắt phải tìm cách mở tài khoản ở ngân hàng Trung Quốc để tiếp nhận tiền thanh toán và từ đó mới có chuyện chuyển ngân lậu.

Thế nhưng dự báo là tình hình tranh tối trang sáng này chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, các ngân hàng Việt Nam trước sau gì cũng phải hợp tác với Alipay và WeChat Pay như các ngân hàng Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và nhiều nước khác. Lúc đó tiền sẽ chạy qua hệ thống thanh toán của ngân hàng nhưng sẽ có một khác biệt đáng kể so với thanh toán qua thẻ tín dụng. Đó là ngân hàng sẽ thất thu mạnh và sẽ không có dữ liệu gì về giao dịch trong khi bên Alibaba và Tencent sẽ vừa thu được phí trung gian vừa nắm dữ liệu lớn phục vụ cho mục đích thương mại khác sau này.

Theo tạp chí Forbes, các ngân hàng Trung Quốc thất thu chừng 23 tỷ đô-la vì mất miếng bánh phí giao dịch về tay Alipay và WeChat Pay vào năm 2015 khi dân Trung Quốc dịch chuyển thanh toán bằng thẻ tín dụng qua thanh toán bằng điện thoại di động. Con số này dự báo tăng lên 61 tỷ đô-la (400 tỷ nhân dân tệ) và năm 2020. Vai trò của ngân hàng giờ đây chỉ còn là nơi giữ tiền cho khách, khi có yêu cầu thì chuyển đi. Thế nhưng các ngân hàng Trung Quốc không thể cưỡng lại nhu cầu của xã hội; đã có hơn 200 ngân hàng ký kết hợp tác với Alipay để khỏi bị loại khỏi cuộc chơi mặc dù miếng bánh của họ teo tóp lại. 

Tổng giám đốc một ngân hàng của Mỹ, sau khi tìm hiểu và chứng kiến sự phổ biến của hệ thống thanh toán di động của Trung Quốc đã phải tuyên bố: “Đừng chống lại nó. Đừng ngăn cản nó. Hãy chấp nhận và học nó”.

Chúng ta làm được gì đây

Về mặt chính sách, có lẽ các cơ quan quản lý nhà nước nên tìm hiểu thực tế để có những quyết sách phù hợp chứ không phải là những cảnh báo hay cấm đoán chung chung. Đầu tiên là đặt ra yêu cầu các cơ sở dịch vụ du lịch ở Việt Nam, dù của người Việt hay của dân Trung Quốc đầu tư đều phải kết nối ví Alipay hay WeChat Pay với một ngân hàng trong nước, không được kết nối ví trực tiếp với ngân hàng Trung Quốc.

Các ngân hàng phải cùng nhau ngồi lại để có tiếng nói chung khi yêu cầu một mức phí giao dịch đúng mức, không để bị ép cạnh tranh nhau rồi hạ giá xuống đáy. Đây cũng là cơ hội cho các ngân hàng thiết kế hệ thống thanh toán di động cho riêng mình vì trước sau người dùng cũng sẽ chuyển sang di động, không còn dùng thẻ nữa. Bởi với ngân hàng, thông tin khách hàng mới là quan trọng vì từ thông tin khách hàng, mới có thể triển khai các dịch vụ khác như quản lý tài chính cá nhân, cho vay tiêu dùng...

Thành công của Alibaba và Tencent khi khai sinh Alipay và WeChat Pay nằm ở chỗ họ đã cung cấp cho người dùng một hệ sinh thái khép kín gồm mạng xã hội, thương mại điện tử và thanh toán di động. Cả ba mảng này Việt Nam đang yếu và thiếu. Hệ thống thương mại điện tử Việt Nam chủ yếu dựa vào nhân công rẻ để giao hàng và thu tiền trực tiếp. Có tiềm năng phát triển nhất là thẻ cào điện thoại dùng như một phương tiện thanh toán nhưng các nhà mạng quá ham tỷ lệ hoa hồng cao nên không đi tới đâu. Giả thử Lazada, hiện đã về tay Alibaba, đẻ ra một loại thanh toán di động kiểu Alipay, họ sẽ dành hết người dùng và chế ngự thương trường trên mạng của Việt Nam.




AI - hype and reality

  AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...