Thursday, July 30, 2009

Không nên cười cợt bài làm của học sinh

Không nên cười cợt bài làm của học sinh

Sau mỗi kỳ thi, thường thấy có những bài trích các câu văn ngây ngô của thí sinh để dè bỉu, cười cợt, hay để cảm thán trình độ của học sinh ngày nay tệ hại như thế, như thế.

Theo tôi, đây là việc không hay ho gì cả và không nên làm. Nếu bài làm của thí sinh dở tệ, đấy chính là sản phẩm của nền giáo dục mà các thầy cô cũng phải phần nào chịu trách nhiệm. Ai lại đi cười cợt chính sản phẩm của mình, dù đó là thứ phẩm.

Nếu bài viết được thực hiện nghiêm túc, phân tích các lỗi sai để rút ra những kết luận gì đó, phục vụ cho việc cải thiện chuyện dạy chuyện học, trích dẫn bài làm của học sinh còn khả dĩ chấp nhận được. Chứ như các bài dạng này hiện nay chỉ là những tiểu phẩm nhàm, viết vội theo kiểu chắp nhặt.

Điều tệ hại nhất là những câu trích đôi lúc lại cho thấy học sinh viết chân thật, có ý tưởng riêng, suy nghĩ độc lập, dù cách diễn đạt có thể lủng củng hay ngây ngô. Đem những câu này ra phê phán chính các thầy cô được giao nhiệm vụ giáo dục làm sai chức năng của mình, tầm nhìn còn thiển cận hơn cả em học sinh bị phê phán. Ví dụ, câu trích mở đầu một bài viết trên tờ VnExpress: “Em cũng không hiểu tại sao trong cái đói quay quắt như vậy, người ta vẫn lấy chồng lấy vợ làm gì. Phải chăng bà cụ Tứ muốn có cháu bế cho đỡ buồn, đỡ khổ vì đói?” (một thí sinh tại Vinh (Nghệ An) cảm nhận về tác phẩm Vợ nhặt). Hay một câu khác trong bài này: “Nhận xét về bút pháp lãng mạn của Thạch Lam, một thí sinh đã viết: "Nếu như Vũ Trọng Phụng là bậc thầy trong phóng sự, Xuân Diệu là bậc thầy trong thơ ca, Thạch Lam lại là người xuất sắc nhất Việt Nam về nghệ thuật miêu tả, từ một phố huyện bình thường như những làng quê khác nhưng Thạch Lam đã tưởng tượng ra một phố huyện chỉ có trong ... truyện ngắn của ông”. Tại sao lại đem những câu này ra để minh họa cho chuyện “cán bộ chấm thi cười ra nước mắt”.

Đi kèm với bài này là ảnh của một thí sinh đang làm bài thi. Tại sao những người làm báo cứ cho mình cái quyền sử dụng ảnh của bất kỳ ai vào bất kỳ nội dung gì, miễn sao có ghi thêm dòng chữ “ảnh minh họa”, là nghĩ mình được miễn trừ trách nhiệm với thí sinh bị minh họa. Người viết, người làm tòa soạn cứ nghĩ nếu ảnh đó là của em mình, con mình, liệu họ có chịu đăng kèm với bài viết phê phán sự ngô nghê trong bài làm của thí sinh?

Một chuyện nữa là công khai điểm thi của từng thí sinh trên báo, trên mạng. Điểm thi phải được xem là bí mật cá nhân, tại sao lại đăng công khai một cách thoải mái như vậy? Ở nước khác, mỗi lần thầy cô phát bài, họ đều tế nhị lật sấp bài làm, trao tận tay cho học sinh để ngay trong lớp không ai biết điểm của ai. Cái hay của cách làm này là học sinh không học vì điểm, học sinh kém không bị mặc cảm, học sinh giỏi cũng không ngại mình bị chê là “mọt sách”… Học thực chất, dạy thực chất nên bắt đầu từ những việc như thế.

Không phải là chuyện nhỏ

Không phải là chuyện nhỏ!

Một nền thương mại điện tử cần những cơ sở hạ tầng cơ bản như hệ thống thanh toán điện tử, kết nối Internet, hệ thống vận chuyển hàng hóa… Thế nhưng quan trọng hơn thế là một môi trường mua bán trong tin cậy, tin tưởng lẫn nhau giữa những người tham gia. Đáng tiếc là nền thương mại điện tử Việt Nam chưa phát triển bao nhiêu đã bị ảnh hưởng xấu bởi một số cá nhân sử dụng nhiều phương thức khác nhau để lừa đảo, gian lận khắp nơi trên thế giới thương mại ảo.

Nếu thử tìm kiếm thông tin về lừa đảo trong thương mại điện tử (bằng tiếng Anh), chúng ta sẽ thấy nhiều công ty cung cấp dịch vụ bảo mật và nhiều hãng lớn xếp Việt Nam cùng nhóm các nước có nhiều trường hợp lừa đảo nhất thế giới như Nigeria, Ghana… Phổ biến là dùng thẻ tín dụng đánh cắp để mua hàng, trả tiền dịch vụ và thậm chí người sử dụng thẻ trái phép còn rao chia sẻ cho người khác một cách công khai. Đối với trong nước, đã xảy ra nhiều trường hợp lừa đảo khi mua bán qua mạng dưới đủ hình thức. Ở đây, câu nói “con sâu làm rầu nồi canh” phản ánh chính xác tình hình khi hậu quả việc làm của một số cá nhân đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cộng đồng những người tham gia thương mại điện tử bình thường: hàng loạt website từ chối giao dịch với máy tính có địa chỉ IP từ Việt Nam; nhiều trang mua bán điện tử không chấp nhận đơn đặt hàng từ Việt Nam và nhiều hãng lớn khóa nhiều dịch vụ tiện ích đối với người sử dụng từ Việt Nam.

Ở một khía cạnh khác, báo cáo của hãng Anchor Intelligence vào tuần trước cho biết Việt Nam đứng đầu thế giới về gian lận trong quảng cáo trực tuyến là một mối lo ngại khác. Hình thức quảng cáo trực tuyến phổ biến hiện nay là người chủ website chèn quảng cáo lên trang của mình, quảng cáo này do một công ty dịch vụ quản lý, dựa vào nội dung do nơi quảng cáo cung cấp. Mỗi khi có ai nhấp chuột vào quảng cáo này, nơi quảng cáo trả tiền cho công ty dịch vụ và nơi này chia cho chủ website theo một tỷ lệ thỏa thuận. Gian lận xảy ra khi có người (có thể là chủ website hay công ty dịch vụ) cố tình nhấp chuột liên tục bằng nhân công hay bằng phần mềm để tăng số lượng người xem quảng cáo, bắt nơi quảng cáo trả nhiều tiền. Lý do gần một nửa số lần nhấp chuột như thế từ Việt Nam được xem là gian lận có thể do tập quán sử dụng chung máy tính ở các tiệm café Internet nhưng một tỷ lệ cao như thế chắc chắn sẽ ngán trở con đường phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam nói chung và ngành quảng cáo trực tuyến nói riêng.

Xây dựng lại uy tín cho cộng đồng thương mại điện tử Việt Nam là một chuyện khó, cần sự phối hợp của nhiều bên, kể cả ngành giáo dục và quản lý nhà nước. Trong tình hình này, rất cần sự ra đời của các công ty trung gian có uy tín, làm nơi xác nhận giao dịch thật cho người dùng trong nước với các hãng thương mại điện tử bên ngoài làm bước khởi đầu cho quá trình xây dựng ấy. Nếu không chẳng mấy chốc Việt Nam sẽ bị “ngăn sông, cấm chợ” trên Internet với thế giới và thương mại điện tử nội địa cũng khó lòng phát triển.

Thursday, July 16, 2009

Nhiều hiểu nhầm tai hại

Chuyện thỏa thuận tác quyền với Google

Nhiều hiểu nhầm tai hại

Thông tin về việc Google sẽ bồi thường hàng trăm triệu đô-la tiền tác quyền cho các tác giả Việt Nam được nhiều báo đăng tải trong tuần trước gây ra nhiều hiểu nhầm tai hại. Thật ra có thể vào trang web chính thức, có cả tiếng Việt, để tìm hiểu. Đây không phải là trang web của Google mà là của Ban Điều hành vụ hòa giải – Google chỉ là nơi cung cấp kỹ thuật nên có thể tin tưởng vào sự khách quan của thông tin.

Hiểu nhầm đầu tiên là không phân biệt được dịch vụ tìm kiếm thông tin bình thường của Google và dịch vụ tìm sách. Giả dụ gõ vào ô tìm kiếm của Google cụm từ “Nguyễn Huy Thiệp”, sẽ hiện lên rất nhiều trang web cho phép đọc hay tải về các tiểu thuyết của ông ở các định dạng như pdf. Chuyện này hoàn toàn không liên quan gì đến Google và vụ kiện bản quyền sách họ đang phải đối mặt bởi với dịch vụ này Google chỉ tìm kiếm để trả về thông tin chúng ta tìm. Không hiểu sao lại có tuyên bố “tất cả các xuất bản phẩm Việt Nam sẽ không tồn tại trên bất kỳ cơ sở dữ liệu tìm kiếm nào của Google… nếu Việt Nam không đạt được thỏa thuận bản quyền với Google sau ngày 4-9-2009”.

Có lẽ phải nhắc lại ngắn gọn đầu đuôi câu chuyện (chi tiết xin xem trên trang web nói trên). Năm 2004, Google giới thiệu dịch vụ Book Search và đến cuối năm 2008 đã quét để số hóa khoảng 7 triệu cuốn sách nhờ vào thỏa thuận hợp tác với một số thư viện lớn của Mỹ. Một khi đã số hóa nội dung, Google có thể giúp người dùng tìm kiếm thông tin về cuốn sách họ đang cần (tại trang books.google.com), cho xem trước vài ba trang rồi hướng dẫn họ mượn hay mua từ các nguồn khác. Google chỉ cho phép đọc toàn bộ các cuốn sách đã hết thời hạn bảo vệ bản quyền. Mặc dù vậy, Hiệp hội tác giả Mỹ vẫn kiện Google vào năm 2005 vì cho rằng Google vi phạm bản quyền; Google phản bác, cho rằng chuyện giới thiệu một số chi tiết cuốn sách hay vài ba trang xem trước trên mạng không vi phạm bản quyền. Sau nhiều năm tranh cãi, đến tháng 10-2008 hai bên đạt được thỏa thuận, trong đó Google đồng ý trả 125 triệu đô-la cho những tác giả các cuốn sách họ đã quét. Thỏa thuận này còn phải được tòa án phê chuẩn mới có hiệu lực, dự kiến vào ngày 7-10-2009.

Thế vì sao có sách của Việt Nam dính vào đây. Trong số trên 7 triệu cuốn sách đã được số hóa có sách của Việt Nam, viết bằng tiếng Việt, do các nhà xuất bản trong nước ấn hành. Đó là do các thư viện hợp tác với Google nói trên có các cuốn sách này trong thư viện. Muốn biết sách của mình có nằm trong số đó không, các tác giả có thể vào trang web nói ở đầu bài, sau một vài thao tác đăng ký đơn giản, sẽ được dẫn đến trang tìm cơ sở dữ liệu để gõ vào tựa sách hay tên tác giả hay nhà xuất bản và sẽ biết ngay kết quả. Ví dụ, gõ vào từ “Trẻ” ở ô nhà xuất bản, kết quả tìm kiếm cho thấy có trên 500 cuốn sách của nhà xuất bản này đã được Google số hóa.

Nếu thấy có sách mình bị Google số hóa, tác giả hay bên nắm bản quyền có thể điền vào mẫu yêu cầu bồi thường trên trang web trước ngày 5-1-2010 để được trả ít nhất là 60 đô-la mỗi cuốn. Sau đó Google sẽ thương mại hóa cuốn sách bằng nhiều cách như bán ở dạng sách điện tử hay quảng cáo kèm nội dung và tác giả sẽ được chia 63% doanh thu. Ở đây, đâu cần có một tổ chức như Trung tâm Quyền tác giả Việt Nam đứng ra làm trung gian và nhận 20% hoa hồng!

Thế còn những thông tin có vẻ cấp bách như phải quyết định tham gia vụ kiện hay không trước ngày 4-9-2009 là gì? Trong một vụ kiện tập thể, những người có liên quan dù không trực tiếp kiện thường vẫn được xem là thành viên của bên đi kiện và nếu có thỏa thuận hòa giải, mọi người đều phải được hỏi ý kiến. Nếu các tác giả Việt Nam không làm gì cả, điều đó có nghĩa họ vẫn đồng ý tham gia vào việc hòa giải. Cột mốc 4-9-2009 chỉ dành cho những ai phản đối, không muốn tham gia vào cách hòa giải như thế để sau này tự họ có thể kiện Google chơi. Làm gì có chuyện đấy là hạn chót để các tác giả đăng ký tham gia như nhiều phát biểu trong tuần qua!

Nói tóm lại các tác giả Việt Nam hầu như không cần phải làm gì cả, ngoài việc vào xem có sách của mình trong cơ sở dữ liệu của Google hay không để điền mẫu đòi bồi thường hay thậm chí yêu cầu xóa sách mình ra khỏi cơ sở dữ liệu của Google.

Những thông tin như “Google chào giá 400 triệu đô-la/năm bản quyền tác phẩm Việt Nam” là hoàn toàn vô căn cứ hay tuyên bố “Google đã gửi Thông báo pháp lý đến Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả văn học Việt Nam - tổ chức đại diện quản lý tập thể quyền tác giả, để thương thảo” là không chính xác, gây hiểu nhầm không đáng có. Buồn cười nhất là khẳng định các trang web trong nước có nguy cơ bị Google kiện ngược lại nếu trả thấp hơn mức 60 đô-la mỗi lần số hóa một tác phẩm. Như đã nói ở trên, vụ dàn xếp thỏa thuận này không mang tính độc quyền cho Google đối với các tác phẩm số hóa, khẳng định các chủ trang web khác không được đăng tải các tác phẩm đã “bán” cho Google là một chuyện hiểu nhầm nữa.

Cập nhật: Bài này post lên chậm vì còn đợi bản in trên TBKTSG phát hành sáng nay. Trước đó, tôi có gởi thư cho Ban Điều hành hòa giải, họ cho biết Google không hề liên lạc với cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào ở Việt Nam cả. Cũng như các vụ kiện tập thể khác, liên lạc với những người có quyền lợi liên quan là bên Nguyên đơn (tức là những tác giả và nhà xuất bản đi kiện) chứ không phải Bị đơn (tức là Google, nơi bị kiện). Chính luật sư của Nguyên đơn đã liên lạc với các tổ chức ở Việt Nam bao gồm: Trung tâm Quyền tác giả Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Liên hiệp các hội khoa học & kỹ thuật Việt Nam, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Phụ nữ Việt Nam. Họ cho biết họ đã có cuộc nói chuyện qua điện thoại rất dài với Trung tâm Quyền tác giả Việt Nam, giải thích mọi thắc mắc về chuyện hòa giải, không biết vì sao Trung tâm này vẫn cứ đưa ra nhiều thông tin sai lạc!

Wednesday, July 15, 2009

Vấn đề không nằm ở GDP

Vấn đề không nằm ở GDP

Một trong những nội dung tranh luận giữa đại biểu Hội đồng Nhân dân TPHCM và chính quyền thành phố tại cuộc họp kết thúc vào giữa tuần trước là mức độ tăng trưởng GDP của TPHCM: giữ nguyên 10% như kế hoạch cũ hay điều chỉnh giảm xuống.

Khái niệm GDP địa phương là khái niệm dễ gây hiểu nhầm vì việc tính toán chồng lấn, thừa thiếu, rất khó tách bạch. Ví dụ xuất khẩu dầu thô hiện được tính vào kim ngạch xuất khẩu của TPHCM. Hay nhập khẩu thông qua các cảng ở TPHCM nhưng hàng hóa được tiêu thụ khắp cả nước.

Cho nên nếu GDP trên bình diện cả nước liệu có phải là một tiêu chí đánh giá về kinh tế chính xác hay không vẫn còn đang được tranh luận thì con số tăng trưởng GDP của TPHCM càng không có ý nghĩa gì nhiều.

Quan trọng hơn, chính quyền thành phố rất ít có khả năng tác động vào tăng trưởng GDP của thành phố. Khác với ngày xưa khi mỗi quận huyện đều có những doanh nghiệp trực thuộc và thành phố có trong tay hàng loạt doanh nghiệp nhà nước có thể huy động vào việc thực hiện các mục tiêu ngắn hạn hay dài hạn, ngày nay loại hình doanh nghiệp quận huyện đã không còn tồn tại, các doanh nghiệp quốc doanh lớn phần đông là doanh nghiệp trung ương thì lấy gì để thành phố tác động lên tăng trưởng GDP?

Trong các thành phần cấu thành GDP, tiêu dùng của người dân cũng không nằm trong vòng ảnh hưởng của các chính sách mà thành phố có thể ban hành. Các đợt bán hàng khuyến mãi chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong tổng tiêu dùng. Chi tiêu của chính quyền cũng có giới hạn, không thể có chuyện sử dụng ngân sách thành phố để “kích cầu” như chính quyền trung ương. Đầu tư của doanh nghiệp hay tăng giảm kim ngạch xuất nhập khẩu cũng nằm ngoài vòng cương tỏa của thành phố. Vậy đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP cho riêng thành phố liệu có ý nghĩa gì chăng?

Thật ra, nêu một con số cụ thể GDP tăng 10% chẳng hạn cũng có ý nghĩa nếu cách tiếp cận vấn đề được nhìn nhận một cách khác hẳn.

Lấy ví dụ chuyện “lô cốt” do đào đường làm các dự án hạ tầng gây ắch tắc giao thông như thế nào, ai cũng đều đã trải nghiệm. Tìm biện pháp hạn chế “lô cốt”, làm cho giao thông thông thoáng chính là thành phố đã góp phần nâng cao mức tăng trưởng GDP một cách rất thiết thực. Hàng hóa có luân chuyển trôi chảy từ thành phố về các tỉnh hay ngược lại thì GDP thành phố mới tăng; cảng có thông quan nhanh, kim ngạch xuất nhập khẩu mới được cải thiện...

Hay ở góc độ doanh nghiệp, nếu thành phố tập trung cải tiến công tác hành chính liên quan đến cấp phép thành lập, triển khai dự án đầu tư, tháo gỡ những khó khăn trong hoạt động thì đó chính là những nỗ lực làm tăng trưởng GDP hữu hiệu hơn cả.

Hiện nay tư duy về công tác quản lý đô thị đã khác trước nhưng quán tính làm theo cách cũ muốn bao quát mọi chuyện, lo hết mọi chuyện vẫn còn khá phổ biến. Thiết nghĩ chính quyền thành phố nên xác định nhiệm vụ chính yếu của mình là quản lý đô thị sao cho cuộc sống của người dân, trong đó có cả doanh nghiệp, ngày càng tốt lên chứ không phải lo chuyện GDP năm nay phải đạt bao nhiêu phần trăm tăng trưởng. Đó là hệ quả chứ không phải là cứu cánh. Cuộc sống tốt lên đó bao gồm chuyện đường sá, an ninh trật tự, chuyện rác thải, ngập nước, chuyện hành chính, giáo dục... Đến lượt mình, người dân và doanh nghiệp sẽ đóng đúng vai trò của mình trong một môi trường tốt hơn và GDP dù không ai đặt chỉ tiêu cho nó, cũng sẽ tăng trưởng bền vững hơn nhiều lần.

Monday, July 13, 2009

Thong tin sai ve Google va tac quyen

Thông tin sai về vụ Google và tác quyền

Cả tuần qua, báo chí đưa thông tin, trích lời từ Trung tâm Quyền tác giả Việt Nam với nhiều chi tiết sai lạc. Mọi người nên vào trang web chính thức của vụ kiện để tham khảo, nó có cả tiếng Việt và có phần tóm tắt, phần đầy đủ, phần các câu hỏi thường gặp cũng như hướng dẫn cặn kẽ việc kiểm tra xem tác phẩm của mình có bị số hóa hay không, phải làm gì để nhận bồi thường….

Giữa tuần tôi sẽ post bài về vụ này bởi thấy người ta nói sai một cách đáng buồn, kiểu như:

- Việc các tác giả Việt Nam muốn tìm hiểu tác phẩm của mình đã được Google số hóa hay chưa không phải là điều dễ dàng bởi việc này phải nhờ cậy vào những người giỏi chuyên môn vi tính.

- Google chào giá 400 triệu USD/năm bản quyền tác phẩm Việt Nam.

- Tất cả các xuất bản phẩm Việt Nam sẽ không tồn tại trên bất kỳ cơ sở dữ liệu tìm kiếm nào của Google - trang công cụ tìm kiếm có lượng truy cập lớn nhất thế giới. Đó là một trong số những điều sẽ xảy ra nếu Việt Nam không đạt được thỏa thuận bản quyền với Google sau ngày 4-9-2009.

- Nếu các trang web trong nước không dàn xếp được về bản quyền và không "phá giá" của Google, thì từ sau ngày thỏa thuận với Google có hiệu lực, chủ website sẽ không được phép đăng tải bất kỳ tác phẩm nào của hơn 4.000 tác giả đã bán cho Google.

Vì sao lại đưa thông tin sai lạc như thế trong khi chỉ cần một vài thao tác kiểm chứng là biết ngay người ta nói… chuyện trên trời.

Saturday, July 11, 2009

De thi the la hay?

Đề thi thế là hay?

Cuối tuần rảnh rỗi mới có dịp đọc lại báo trong tuần những mục ngày thường không đủ thời gian để theo dõi và phát hiện các báo khen đề thi đại học môn Văn năm nay là hay và khơi gợi sự sáng tạo ở thí sinh. Tôi lại thấy đề thi môn Văn khối C đã triệt tiêu tính sáng tạo ở những sinh viên tương lai.

Đề thi này có một phần như sau:

Trong thư gửi thầy hiệu trưởng của con trai mình, Tổng thống Mỹ A. Lin-côn (1809-1865) viết: “Xin thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận khi thi.” Từ ý kiến trên, anh/chị hãy viết 1 bài văn ngắn (không quá 600 từ) trình bày suy nghĩ của mình về đức tính trung thực trong khi thi và trong cuộc sống.

Có thể viết được gì từ đề thi này? Quanh đi quẩn lại cũng là những ý như đáp án (được chia nhỏ ra rất chi ly như phần trong “trong khi thi”, phần “trong cuộc sống”, phần “bài học nhận thức và hành động”): Trung thực trong khi thi dù bị rớt vẫn vinh dự hơn đỗ đạt nhờ gian lận; Trung thực là một phẩm chất cao đẹp làm nên nhân cách con người và là đức tính cần thiết cho cuộc sống, góp phần tích cực thúc đẩy tiến bộ xã hội…

Toàn là những lập luận có thể dự đoán trước – làm gì có chỗ cho sự sáng tạo ở đây. Giả thử một thí sinh mạnh dạn nêu suy nghĩ thật của mình rằng xã hội ngày nay khó sống cho trung thực, rằng các quan chức đang tiến thân nhờ vào bằng giả, học vị giả, nên em đang hoang mang không biết lời nói của Lincoln có ứng nghiệm ở Việt Nam, liệu em này có được điểm cao chăng? Một em khác đặt vấn đề trung thực và môi trường nuôi dưỡng lòng trung thực, liệu em này có lạc đề không?

Tôi nghĩ đề thi ở dạng như trên chỉ đáng dành cho các em thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở. Đề thi đại học, lại là khối C, cần phải “mở” hẳn, ít nhất là như thế này:

Trong thư gửi thầy hiệu trưởng của con trai mình, Tổng thống Mỹ A. Lin-côn (1809-1865) viết: “Xin thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận khi thi.” Anh/chị suy nghĩ gì về phát biểu này (viết không quá 600 từ).

Nếu đề thi ở dạng này, thí sinh sẽ có nhiều cơ hội để sáng tạo thật sự, có thể viết ở nhiều góc cạnh:

- một tuyên bố về sứ mệnh giáo dục;

- một kỳ vọng không chỉ của phụ huynh mà còn là của người đứng đầu chính phủ, tức là một cam kết về việc thực hiện sứ mệnh giáo dục và chắc chắc đi kèm là các cam kết lớn hơn để nền giáo dục như thế được phát huy;

- sự đánh đổi giữa việc tiến thân bằng mọi giá và lòng danh dự;

- cách hiểu những thông điệp ngầm gián tiếp trong vỏ bọc phát ngôn xoáy vào chuyện cụ thể; lối văn “biền ngẫu”…

Trở lại khả năng một thí sinh “sáng tạo” thật sự và viết ra ngoài các ý nêu trong đáp án nên không được điểm cao, chỉ xin nhắc các giảm khảo một chi tiết: đoạn tiếp theo trong thư của Lincoln ngay sau câu được trích là: “Xin giúp cháu có niềm tin vào ý kiến riêng của bản thân, dù tất cả mọi người đều cho rằng ý kiến đó hoàn toàn sai lầm…”

Cập nhật: Nếu đề có một chút nào đó tạm gọi là “mở” thì đáp án do Bộ Giáo dục & Đào tạo đưa ra đã “đóng” hẳn mọi góc cạnh sáng tạo. Đáp án đã phân nhỏ câu hỏi 3 điểm này thành từng ý, mỗi ý 0,5 điểm, rất chi ly và giám khảo chắc sẽ dựa vào những gợi ý này để chấm.

Thiệt tình không thể hiểu nỗi tư duy chấm bài văn như thế. Tại sao lại chấm ý tưởng trong khi lẽ ra phải chấm các yếu tố khác liên quan đến môn Văn mà các em được học 12 năm ở trường. Lẽ ra Bộ chỉ cần đưa ra hướng dẫn chấm, ví dụ, 1 điểm cho ngữ pháp, chính tả, cách diễn đạt; 1 điểm cho tính lô-gích, cách lập luận, cách dẫn dắt và 1 điểm cho tính lôi cuốn, hấp dẫn, thuyết phục.

Lấy ví dụ hướng dẫn chấm phần viết luận trong bài thi SAT (một dạng tương tự bài thi tuyển sinh đại học ở Mỹ), không bao giờ người ta chấm ý tưởng (đồng tình hay phản đối một luận đề đưa ra không phải là điều bắt buộc). Người ta chỉ xem thí sinh phát triển một quan điểm có hiệu quả không, có dùng ví dụ minh họa sống động không, cách tổ chức bài viết có chặt chẽ không, bài văn có mạch lạc, ý tưởng có được kết nối thông suốt không, cách dùng từ có sáng tạo không, vốn từ có phong phú không, bài có lỗi ngữ pháp hay chính tả nào không…


Tuesday, July 7, 2009

Danh gia cua Fitch

Đánh giá của Fitch

Tuần trước, hãng xếp hạng tín dụng Fitch đã giảm mức đánh giá uy tín tín dụng nội tệ của Việt Nam từ mức BB xuống mức BB-, tín dụng ngoại tệ giữ nguyên mức BB- và triển vọng của cả hai được nâng từ “tiêu cực” lên “ổn định”. Tuy nhiên những phân tích cụ thể của Fitch có một số điểm đáng tham khảo.

Theo Fitch, những vấn đề cấu trúc trong tài chính công của Việt Nam như quy mô nguồn thu ngân sách nhỏ hơn quy mô các khoản chi, nỗ lực của Chính phủ giảm thuế để nâng tính cạnh tranh, nguồn thu ngân sách tương đối phụ thuộc vào giá dầu đang biến động không lường được, đang ảnh hưởng đến việc hãng này đánh giá uy tín tín dụng nội tệ của Việt Nam. Hãng này dự báo tổng thu ngân sách sẽ giảm từ mức 27,6% GDP xuống còn 25,4% và vì thế, thâm hụt ngân sách sẽ tăng mạnh trong năm 2009 lên 9,3% GDP và sẽ ở mức 7,8% GDP trong năm 2010.

Chính vì thế những nỗ lực bán trái phiếu bằng tiền đồng của Việt Nam từ đầu năm đến nay hầu hết đều thất bại. Việc phát hành trái phiếu bằng đô-la tuy sẽ giảm gánh nặng lãi suất trong ngắn hạn nhưng hàm chứa những rủi ro về tỷ giá trong trung hạn.

Fitch dự báo thâm hụt thương mại của Việt Nam giảm đáng kể trong năm 2009, chủ yếu do nền kinh tế nội địa suy giảm và mua sắm của các dự án FDI cũng giảm và do đó, thâm hụt tài khoản vãng lai sẽ giảm mạnh, còn 2,5% GDP. Fitch cho rằng mặc dù dự trữ ngoại hối tăng lên trong năm nay nhưng sẽ ổn định ở mức 24 tỷ đô-la vào cuối năm do Chính phủ phải sử dụng nhiều tiền cho các chương trình kích cầu kinh tế.

Trong phần phân tích tính cạnh tranh, Fitch cho rằng chính sách vĩ mô của Việt Nam nhắm đến tăng trưởng qua việc đặt ra một số chỉ tiêu kinh tế hằng năm có thể làm “trói tay” các chính sách ứng phó mỗi khi có sự mất cân đối, dù từ bên trong hay bên ngoài. Cụ thể hơn, khi đặt mục tiêu tăng trưởng cụ thể thì Ngân hàng Nhà nước khó lòng tiến hành các chính sách tiền tệ phù hợp mang tính đón đầu mà kinh nghiệm phát triển nóng trong năm 2008 là một minh họa.

Cơ chế gắn tiền đồng với đô-la Mỹ cũng gây ra những hạn chế mỗi khi cần điều chỉnh những mất cân đối giữa Việt Nam và nước ngoài. Tình trạng đô-la hóa trong nền kinh tế dù đã giảm mạnh so với mức 41% vào năm 2001 vẫn còn phổ biến. Vì thế bảng cân đối của các ngân hàng chịu rủi ro khi tiền đồng mất giá. Các khoản vay bằng ngoại tệ, chủ yếu phục vụ cho các hoạt động ngoại thương hiện chiếm khoản 20% tổng dư nợ tín dụng.

Về nợ nước ngoài, Fitch cho rằng tổng nợ nước ngoài của Việt Nam thấp hơn mức trung bình của các nước trong mức xếp hạng BB. Hơn nữa, nợ ngắn hạn chỉ chiếm 7,4% tổng nợ nước ngoài và khu vực nhà nước chiếm đến 77% tổng nợ nước ngoài. Hầu hết nợ nước ngoài của khu vực nhà nước là nợ dài hạn của chính phủ có mức ưu đãi, như thời hạn trả nợ dài, trung bình đến 29 năm và lãi suất thấp, chừng 1,2%.

AI - hype and reality

  AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...