Có hay
không cái “bẫy thu nhập trung bình”?
Chúng ta thường nghe các chuyên gia kinh tế nói nhiều về bẫy
thu nhập trung bình, rằng không khéo nền kinh tế sẽ rơi vào chỗ mắc kẹt ở một mức
thu nhập nào đó, không thoát được đến nỗi ai nấy đều tin có một cái bẫy như thế
đang tồn tại, chực chờ. Các phát biểu này thường có ý tốt, cảnh báo các nhà làm
chính sách không được chủ quan, không được thỏa mãn với hiện tại và đi kèm là
những khuyến nghị hay giải pháp.
Tuy nhiên, tờ The Economist gây ngạc nhiên khi gần đây lại
khẳng định không có bằng chứng gì trong thực tế về cái bẫy thu nhập trung bình.
Trước đó cũng có nhiều nghiên cứu tựu trung cho rằng làm gì có cái bẫy thu nhập
trung bình nào mà cảnh báo!
Trước hết hãy xem khái niệm bẫy thu nhập trung bình ra đời
như thế nào. Năm 2004, tạp chí Foreign Affairs đăng bài “Toàn cầu hóa thiếu mất
những nước trung bình” của GS Geoffrey Garrett, lúc đó đang dạy tại University
of California, Los Angeles.
Bài viết cho rằng các nước thu nhập trung bình bị mắc
kẹt, một bên không cạnh tranh nổi với các nước giàu có công nghệ vượt trội, bên
kia lại cũng thua các nước thu nhập thấp vì giá nhân công thấp. Vì thế trên các
thị trường kết nối toàn cầu hóa, các nước trung bình này có tốc độ phát triển
thua cả nước giàu lẫn nước nghèo.
Để minh họa, bài viết sắp xếp các nền kinh tế theo GDP đầu
người vào năm 1980, rồi chia thành ba nhóm, giàu, trung bình và nghèo. Sau đó
tác giả so sánh tốc độ phát triển của các nhóm trong vòng hai thập kỉ và phát
hiện các nước trong nhóm trung bình thật sự phát triển chậm hơn so với hai nhóm
còn lại.
Ba năm sau, Homi Kharas và Indermit Gill thuộc Ngân hàng Thế giới trích
dẫn bài này trong cuốn sách của họ rồi chế ra cụm từ “bẫy thu nhập trung bình”
– khai sinh một khái niệm được nhiều nhà lãnh đạo các nước, rồi chuyên gia kinh
tế sử dụng trong nhiều tình huống, nghe rất kêu, rất hình tượng.
Được biết đến nhiều nhất là Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc
Lâu Kế Vĩ khi tuyên bố vào năm 2015 là Trung Quốc có 50% khả năng rơi vào bẫy
thu nhập trung bình trong vòng năm đến 10 năm tới. Trong báo cáo Trung Quốc
2030 có một biểu đồ rất ấn tượng, giúp lan tỏa khái niệm bẫy thu nhập trung
bình: nó cho thấy 101 nước được xem là có thu nhập trung bình vào năm 1960, chỉ
có 13 nước thoát ra thành nước có thu nhập cao vào năm 2008, còn lại đều mắc kẹt
trong ngưỡng trung bình suốt 50 năm.
Hai nghiên cứu khác của Barry Eichengreen trường University
of California, Berkeley, Donghyun Park thuộc Ngân hàng Phát triển Á châu và Kwanho
Shin trường Korea University cũng có những kết luận tương tự. Họ xem xét các nền
kinh tế phát triển nhanh rồi sau đó chững lại (nhanh là với tốc độ tăng GDP bình
quân đầu người trên 3,5% và chững lại là GDP bình quân đầu người tăng chậm hơn
trước 2 điểm phần trăm, cả hai tính bình quân trên thời gian bảy năm). Nghiên cứu
cho họ thấy việc chững lại này thường xảy ra khi GDP bình quân đầu người đạt mốc
11.000-15.000 đô-la Mỹ (tính theo cân bằng sức mua).
Như vậy khái niệm “bẫy thu nhập trung bình” không phải là
chuyện giật gân theo kiểu báo chí mà có những nghiên cứu nghiêm túc hậu thuẫn. Vậy
vì sao tờ Economist lại cái bẫy này chỉ là một dạng huyền thoại?
Trước tiên là lập luận các nước có thu nhập trung bình không
cạnh tranh nổi với cả hai đầu: hoặc là công nghệ cao hoặc là lương thấp. Tuy
nhiên thực tế các nước giàu phải dùng công nghệ cao để bù vào chỗ thua thiệt là
chi phí tiền lương cho công nhân quá cao, ngược lại các nước nghèo bị buộc phải
nhận đồng lương thấp để bù vào chỗ công nghệ của họ còn lạc hậu. Vậy, tại sao
không lập luận các nước trung bình có thể cạnh tranh hơn hẳn cả hai đầu khi kết
hợp mức lương vừa phải với công nghệ cũng vừa phải?
Hơn nữa làm gì có sự xếp hạng trung bình chung chung vì ngay
trong một nước, sự cách biệt giữa các công ty hàng đầu với các công ty làng nhàng
là rất lớn. Năng suất của 25% các doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ cao gần gấp 5 lần
25% các doanh nghiệp tốp dưới; chênh lệch này ở các nước đang phát triển còn
cao hơn nhiều lần.
Cách các doanh nghiệp tự vươn lên để tăng năng suất cũng như
các nước tìm cách tăng GDP đầu người. Cách thứ nhất là chuyển công nhân từ các
lãnh vực thâm dụng lao động qua các nhà máy có năng suất cao hơn (tức chuyển dịch
cơ cấu). Cách thứ nhì là đầu tư thêm máy móc cho mỗi công nhân (thâm dụng vốn).
Cách thứ ba là khai thác vốn hay nhân công tốt hơn nhờ ứng dụng công nghệ sẵn
có (đa dạng công nghệ). Các cuối cùng áp dụng những tiến bộ công nghệ mới xuất
hiện một cách nhanh chóng và hiệu quả (cách tân công nghệ).
Nói là bốn cách nhưng thật ra ở các nước, người ta kết hợp
các phương cách này cùng lúc vì các nước không chờ đến khi nông dân dư thừa bỏ
ruộng đồng ra thành thị thì mới đầu tư máy móc hay công nghệ. Họ cũng không chờ
tích lũy vốn đến một mức nào đó mới cải tiến kỹ thuật sản xuất.
Nói cách khác,
không hề có các giai đoạn phát triển rõ ràng để nói một nước nhảy từ bực này
lên bực khác, thoát hay mắc kẹt vì trong chính một nước, trình độ phát triển của
các doanh nghiệp, các khu vực kinh tế là khác nhau, có doanh nghiệp dẫn đầu, có
doanh nghiệp chững lại, không phụ thuộc vào chuyện thu nhập bình quân đầu người
đang ở mức trung bình hay không.
Cụ thể hơn, tờ Economist phân tích vào từng nghiên cứu đằng
sau khái niệm bẫy thu nhập trung bình. Số liệu thống kê trong nghiên cứu của
Eichengreen, Park and Shin cho thấy đúng là tốc độ nhiều nước thu nhập trung
bình bị chững lại thật nhưng nếu cũng dùng phương pháp đó để đo lường các nước
thu nhập thấp thì sự chững lại này xảy ra cũng thường xuyên không kém.
Còn các
nước giàu ít khi có tốc độ phát triển cao hơn 3,5% nên làm gì có chuyện chững lại
như định nghĩa của nghiên cứu (tốc độ tăng thấp hơn trước đến 2 điểm phần trăm).
Việc chững lại cũng không ngăn cản các nền kinh tế sau đó vẫn giàu hẳn lên như Singapore,
Hồng Kong, Đài Loan hay Hàn Quốc.
Thế còn biểu đồ 101 nước, chỉ có 13 nước thoát bẫy? Biểu đồ
này định nghĩa một nước có thu nhập trung bình có GDP bình quân đầu nước (tính
theo cân bằng sức mua) nằm giữa 5,2% và 42,75% GDP bình quân đầu người của nước
Mỹ! Kể từ lúc giới thiệu biểu đồ vào năm 2012 đã có thêm 18 nước ra khỏi danh
sách thu nhập trung bình do tăng trưởng hay do số liệu chính xác hơn.
Quan trọng hơn, biểu đồ có một sai sót căn bản: định nghĩa
thu nhập trung bình như thế thì quá rộng nên không có ý nghĩa. Ví dụ một nước
GDP đầu người chỉ bằng 590 đô-la (theo giá 1990) lại được xem là có thu nhập
trung bình vào năm 1960 trong khi thực tế đây là nước nghèo. Ngược lại một nước
có thu nhập GDP bình quân đầu người lên đến 13.300 đô-la năm 2008 vẫn được xem
là nước trung bình dù nó cao hơn trường hợp “trung bình” ở trên đến 22 lần. Chẳng
lạ gì nhiều nước bị mắc kẹt trong khoảng định nghĩa mênh mang này.
Riêng công trình nghiên cứu của GS Garrett, dẫn tới khái niệm
bẫy thu nhập trung bình thì sao? Nếu thay vì chia ba nhóm nước theo tỷ lệ
25-45-30% khá kiên cưỡng của Garrett mà chia đều các nhóm, cộng với dữ liệu tốt
hơn cho cùng 20 năm đó (1980-2000), người ta thấy cách biệt về tốc độ tăng trưởng
giữa các nhóm không còn nữa! Quan trọng hơn, các nước thu nhập trung bình lại
có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn trong hai thập niên từ 1990 đến 2010 cũng như từ
1995 đến 2015.
Một chuyên viên của Ngân hàng Thế giới có tham gia biên soạn
tài liệu Trung Quốc 2030 sau này là đồng tác giả một công trình nghiên cứu bẫy
thu nhập trung bình lại đi đến kết luận: Không có bằng chứng gì về việc chững lại
bất thường khi đạt đến ngưỡng thu nhập trung bình. Các nghiên cứu khác của Ngân
hàng Phát triển Á Châu, đại học Columbia và đặc biệt nghiên cứu của Lant
Pritchett và Larry Summers, Đại học Harvard cũng tỏ vẻ nghi ngờ về bẫy thu nhập
trung bình.
Nhà kinh tế Robert Barro cũng của Đại học Harvard cho rằng khái niệm
này không có thật, rằng chuyển biến từ thu nhập trung bình lên mức thu nhập cao
là đầy thách thức nhưng mức độ thách thức cũng không có gì đặc biệt hơn khi
chuyển từ thu nhập thấp lên thu nhập trung bình.
Nói tóm lại, có hay không có bẫy thu nhập trung bình đều được
hỗ trợ bằng các lập luận và nghiên cứu. Nhưng dường như các nhà kinh tế nghiên
về hướng cho rằng cái bẫy, tức các rào cản quá trình phát triển không phải do
nước đó đang ở mức thu nhập trung bình mà xuất hiện. Rào cản là do các yếu tố
khác làm việc áp dụng bốn con đường nâng năng suất nói trên bị nghẽn lại.
Trước đây người ta nói nhiều về bẫy thu nhập trung bình chỉ
vì họ không có công thức gì cụ thể rõ ràng để áp dụng cho các nước có thu nhập
trung bình. Bám vào chiến lược tăng trưởng cũ (như bám vào sản xuất thâm dụng
lao động) cũng không ổn mà lao vào ứng dụng các chiến lược cao cấp như kiểu
kinh tế tri thức, kinh tế số, cách mạng 4.0 cũng không xong. Vì thế báo The
Economist kết luận, bẫy thu nhập trung bình thật ra là tình thế tiến thoái lưỡng
nan của các nước có thu nhập trung bình.