Thursday, January 18, 2018

Internet đâu chỉ có Facebook hay Google

Internet đâu chỉ có Facebook hay Google

Không biết vì sao mỗi lần bàn đến vấn đề an ninh mạng hay nói chung là chuyện Internet, người ta cứ đem Google, Facebook ra làm ví dụ. Cho dù đây là những doanh nghiệp lớn nhưng chúng đâu có đại diện cho hết thảy mọi loại hình kinh doanh dịch vụ qua mạng. Nếu cứ chăm chăm vào chúng, có thể sẽ dẫn đến những chính sách không bao quát được thực tế phong phú của đời sống mạng.

Lấy ví dụ, loại hình nghe nhạc trực tuyến mà nổi tiếng nhất hiện nay là Spotify. Spotify chưa cung cấp dịch vụ cho người dùng ở Việt Nam, có thể do thị trường ở đây còn nhỏ hay có thể do tình hình sao chép nhạc lậu tràn lan. Nhưng giả thử Spotify đã cung cấp dịch vụ cho người Việt từ lâu nay và bỗng đối diện với yêu cầu phải đặt máy chủ quản lý dữ liệu người dùng ở Việt Nam hay thậm chí, duy trì sự hiện diện dưới hình thức có người đại diện ở Việt Nam, liệu họ sẽ quyết định như thế nào?

Nếu cân nhắc giữa lợi ích và chi phí cho thấy lợi ích từ việc tuân thủ quy định này là không đáng kể trong khi chi phí thì quá lớn, ắt Spotify sẽ quyết định chấm dứt cuộc chơi. Người dùng ở Việt Nam mất đi một chọn lựa quan trọng, có thể giúp họ tiếp cận với âm nhạc có bản quyền, luôn cập nhật, chất lượng cao. Quan trọng hơn, điều ít ai để ý khi phân tích, là các ca sĩ từ Việt Nam mất đi một cơ hội rất lớn để đưa âm nhạc của họ ra khắp thế giới. Mô hình kinh doanh như Spotify giúp ca sĩ bỏ qua các khâu phát hành trung gian, các hãng băng đĩa đầy quyền lực khi người Việt ở Mỹ chẳng hạn cũng có thể nghe một album của một ca sĩ vừa đưa lên từ Mỹ Tho.

Giả thử Spotify tuân thủ thì chúng ta được lợi gì? Bảo vệ sự riêng tư thông tin đăng ký của người dùng, kể cả thẻ tín dụng của họ chăng? Đó là điều Spotify phải lo, bất kể họ đặt máy chủ ở đâu nếu không muốn người dùng bỏ qua đối thủ cạnh tranh như Tidal hay Apple Music. Người dùng loại hình dịch vụ này không hề giao tiếp gì qua mạng nên không việc gì phải quản lý họ.

Đó cũng là lý do không nên chỉ đem Facebook hay Google ra làm ví dụ vì đại đa số các dịch vụ qua mạng không có sự tương tác như Facebook hay YouTube của Google, người dùng không hề có chuyện nói xấu quan chức, đưa tin giả, xuyên tạc sự thật hay phỉ báng người khác. Một diễn đàn rộng khắp như Facebook có thể dẫn tới cái nhìn sai lạc, rằng cần quản lý thông tin mạng trong khi đại đa số dịch vụ qua mạng là để phục vụ việc kinh doanh, học hành hay giải trí thuần túy.

Vậy một luận an ninh mạng cần đề cập đến vấn đề gì, phải cân nhắc như thế nào để vừa đạt được các yêu cầu đặt ra nhưng không làm theo kiểu “bế môn tỏa cảng” gây hại cho nền kinh tế?

Yêu cầu đầu tiên của an ninh mạng là bảo vệ sự riêng tư của người dùng. Nếu chú ý, chúng ta sẽ thấy mọi trang web đàng hoàng đều nêu rõ lập trường của họ về điều này như họ thu thập thông tin gì, có chuyển giao cho ai không, họ dùng thông tin thu thập được như thế nào, có khả năng nào bị lộ không, nếu người dùng không đồng ý thì sẽ có những chọn lựa vào để trong tương lai không bị quấy rầy bởi thư mời chào dịch vụ…

Internet là không có biên giới nhưng người dùng lúc nào cũng là công dân của một nước cụ thể nào đó. Chính phủ của nước cụ thể này luôn xem nhiệm vụ của mình là bảo vệ công dân, ngay cả khi họ tham gia vào hoạt động trên Internet không biên giới. Luật an ninh mạng của nhiều nước do vậy đặt nặng yêu cầu bảo vệ người dùng là công dân nước họ khi sử dụng dịch vụ của một nước khác cung cấp.

Tương tự như vậy, yêu cầu tiếp đến là bảo vệ người dùng trước các đòn phép tinh vi của tin tặc muốn đánh cắp thông tin hay kẻ lừa đảo, chuyên rình rập để sụp bẫy người dùng. Đó cũng là yêu cầu bảo vệ doanh nghiệp và mạng thông tin của họ, đặc biệt là các doanh nghiệp như ngân hàng, tổ chức tín dụng, nơi cung cấp dịch vụ trực tuyến… Chính phủ nhiều nước đặc biệt coi trọng việc bảo vệ trẻ vị thành niên trước những nguy cơ như xâm hại tình dục, dụ dỗ mua bán ma túy, bạo lực.

Đó là nói từ góc độ người sử dụng; còn các yêu cầu an ninh của quốc gia thì dĩ nhiên có những yêu cầu cao hơn như chống chiến tranh mạng, gián điệp mạng hay khủng bố mạng.

Đối chiếu các yêu cầu này sẽ thấy ngay một luật an ninh mạng cần đưa ra những quy định mà mục đích cuối cùng là tạo ra một không gian minh bạch, rõ ràng, không ai có thể giấu mình sau các biện pháp kỹ thuật để làm hại đến người khác. Các vấn đề còn lại sẽ được giải quyết bằng các luật đã có sẵn chứ không thể trông chờ luật an ninh mạng chi phối hết mọi hành vi trên mạng.

Như vậy một cá nhân bỗng dưng bịa chuyện nói xấu một doanh nghiệp nào đó trên Facebook, luật an ninh mạng lúc đó là công cụ để doanh nghiệp này buộc Facebook phải chịu một phần trách nhiệm như gỡ bỏ thông tin sai lệch và doanh nghiệp này có thể dùng luật khác như Bộ luật Dân sự để kiện cá nhân kia ra tòa. Xu hướng của các nước cũng đi theo cách này nên chúng ta thấy rõ Facebook chịu áp lực rất lớn buộc người dùng phải dùng tên thật, dùng tên giả thì bị khóa tài khoản…

Yêu cầu đặt máy chủ ở Việt Nam không tạo ra sự minh bạch nói trên bằng các áp lực mà người dùng tạo ra đối với các dịch vụ như Facebook. Ngược lại, nó tạo ra những gánh nặng không cần thiết và có nguy cơ đẩy Việt Nam vào thế bị cô lập so với thế giới bên ngoài khi nói đến không gian mạng.

Thử nhìn vào các dịch vụ mà nhiều người trong chúng ta đang sử dụng để hình dung ra sự cô lập đó. Sẽ khó khăn dường nào khi không còn có thể dùng dịch vụ lưu trữ của Dropbox, không thể chi trả một cách an toàn nhờ Paypal, không còn chia sẻ các công trình tập thể nhờ Onedrive, không thể nhắn tin khắp thế giới bằng Viber hay WhatsApp…

Với học sinh, sinh viên, có hàng ngàn website cung cấp bài giảng trực tuyến, phần lớn là miễn phí như một hình thức truyền bá tri thức phi lợi nhuận. Không việc gì họ phải tuân thủ chuyện đặt máy chủ ở Việt Nam và người thiệt thòi là học sinh của chúng ta chứ còn ai khác.

Đối với doanh nghiệp, các ứng dụng Internet, các website họ thường sử dụng nay đã trở thành một phần hoạt động của họ. Cứ hình dung xem chuyện gì sẽ xảy ra khi các trang web này không truy cập được từ Việt Nam. Báo chí thì có dịch vụ mua tin, mua ảnh trực tuyến của các hãng thông tấn như Reuters (nơi nhiều doanh nghiệp tài chính, xuất nhập khẩu cũng phải mua thông tin). Lại có những dịch vụ như tạo ấn bản Online cho tạp chí mà không có thì không thể nào phát hành lên Internet. Một cơ sở sản xuất mỹ phẩm nhỏ cũng cần mua hàng, mua hóa chất từ mạng, nay không thể mua được ắt phải ngừng sản xuất. Facebook chủ yếu là chuyện chơi, còn hàng ngàn website khác là chuyện sống còn trong hoạt động doanh nghiệp, không thể khinh suất đưa ra các quy định vội vàng được.





Friday, January 12, 2018

So sánh năng suất kiểu… tào lao

So sánh năng suất kiểu… tào lao

Mấy năm gần đây, năm nào cũng thế cuối năm sẽ thấy một loạt các bài báo giật tít so sánh năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 7% năng suất lao động của Singapore, thậm chí còn thua cả Lào. Có năm thì so theo kiểu 18 người Việt làm mới bằng một người Singapore. 

So sánh mang tính cảnh báo để quân bình lại với sự hăm hở kiểu tốc độ tăng GDP của Việt Nam thuộc loại hàng đầu thế giới… cũng cần thiết nhưng năm nào vẫn nói theo khuôn mẫu này hóa ra nhàm và mất tác dụng.

Thử tưởng tượng năm nào Tổng cục Thống kê công bố số liệu GDP rồi từ đó các báo rút tít GDP đầu người của Mỹ hay của Na Uy cao gấp mấy chục lần Việt Nam, năm nào cũng gấp mấy chục lần như thế, cách so sánh như thế liệu có ý nghĩa gì chăng? Dĩ nhiên không ai so sánh kiểu này nên thôi, cũng đừng so sánh năng suất lao động hơn thua bao nhiêu lần nữa.

Trong năng suất lao động điều quan trọng là tốc độ tăng năm nay là bao nhiêu, cao hay thấp so với năm ngoái; tốc độ tăng năng suất như thế so với các nước láng giềng thì sao, so với mức tăng bình quân của khu vực như thế nào; các yếu tố nào tác động mạnh lên năng suất lao động trong năm vừa rồi, có cách nào để năm tới chú ý vào các yếu tố giúp tăng năng suất hơn hay không? Đó là các câu hỏi mà thông tin liên quan đến năng suất lao động phải cung cấp lời giải chứ không phải kiểu so sánh dễ dãi năm nào cũng như năm nào.

Lấy ví dụ từ số liệu của chính Tổng cục Thống kê công bố trên trang web của mình, trong báo cáo tình hình kinh kế - xã hội năm 2014, Tổng cục Thống kê nói “hiện nay năng suất lao động Việt Nam chỉ bằng 1/18 năng suất lao động của Singapore; bằng 1/6 của Malaysia; bằng 1/3 của Thái Lan”. 

Đến báo cáo năm 2017 vừa mới công bố, cơ quan này nói “năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD, chỉ bằng 7,0% của Singapore; 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái Lan”.

Như thế sao không nói, so với Singapore, năng suất lao động của Việt Nam từ chỗ bằng 1/18 năm 2014 thì ba năm sau còn bằng 1/14. Cũng chính báo cáo cũ của Tổng cục Thống kê cũng từng nói rõ: “Tính theo sức mua tương đương, năng suất lao động của Singapore năm 1994 gấp 29,2 lần năng suất lao động của Việt Nam thì đến năm 2013, khoảng cách này chỉ còn gấp 18 lần”.

So sánh kiểu “Một người Singapore làm bằng 14 người Việt Nam” như một báo khác rút tít cũng dễ gây nhầm lẫn rằng con số Tổng cục Thống kê đưa ra nói lên khả năng làm việc của người lao động Việt Nam nên từ đó thường thấy các nhận xét đi kèm là, đúng rồi, dân Việt Nam nhậu suốt, làm thì lười biếng nên thua là phải. 

Lao động Việt Nam đúng là có nhiều vấn đề như kỷ luật kém, không chịu theo quy trình mà cứ làm theo ý mình, khả năng hợp tác yếu, mạnh ai nấy làm nhưng đó là vấn đề khác; con số đi kèm với năng suất còn gắn với nhiều yếu tố khác nữa.

Lấy ví dụ Đường Tăng sau khi thỉnh kinh về bèn thuê ba người chép kinh để phổ biến. Người đầu tiên cặm cụi chép tay ngày đêm nên rất chậm, nhiều lỗi, năng suất thấp; người thứ nhì dùng máy tính, gõ nhanh, sửa dễ, năng suất cao hơn  nhiều lần và người thứ ba mua cái máy quét hiện đại, bỏ kinh vào bấm nút là toàn bộ nội dung biến thành văn bản trong bộ nhớ muốn in bao nhiêu bản đều dễ dàng. So sánh năng suất ba người này thì cách biệt cả trăm lần nhưng có ai chê trách người chép tay, rằng làm dối, lười biếng vì người thứ ba chỉ bấm bấm vài cái nút rồi đi chơi suốt.

Năng suất lao động các nước như Singapore cao là nhờ đầu tư, đầu tư từ nhiều năm tích gộp lại thành một cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất hiệu quả; cũng là nhờ ứng dụng khoa học, công nghệ; là cách tổ chức dây chuyền sản xuất hay cung ứng dịch vụ tinh vi, hiện đại.

Khi nhìn vào số liệu thống kê thấy năng suất Việt Nam còn thấp, thua xa các nước khác, liệu có ai nghĩ đến những nghịch lý khi một bộ phận lao động ở các doanh nghiệp không làm gì để tạo ra giá trị gia tăng, là tử số của năng suất lao động vì họ phải dùng thời giờ đối phó với sự nhũng nhiễu của bộ máy hành chính, thuế khóa, thanh tra, kiểm tra. Liệu có ai nghĩ đến năng suất nông nghiệp  thấp vì sản xuất manh múm, không thể tích tụ ruộng đất để tăng quy mô. Liệu có ai nhớ đến tình cảnh kẹt xe ở cảng, làm cho năng suất tài xế giảm sút rõ rệt.

Nói cách khác, những rào cản chặn đường GDP tăng trưởng cũng sẽ làm nghẽn mạch năng suất lao động và đó mới là cảnh báo cụ thể hữu ích hơn nhiều lần so với cái mặc cảm tự ti Việt Nam thua cả Lào về năng suất lao động.

Một nhầm lẫn thứ ba dễ xảy ra khi thấy cách so sánh năng suất lao động là chuyện thu nhập. Thấy năng suất lao động Việt Nam tính theo sức mua tương đương chỉ có 9.894 USD trong khi của người lao động Singapore lên đến 141.343 USD, dễ kết luận lương của lao động Singapore chắc cao lắm, cao gấp 14 lần lao động Việt Nam!

Nhìn lại cái ví dụ chép kinh cho Đường Tăng, giá trị do ba người tạo ra khác xa nhau nhưng tiền thù lao cho ba người ắt hơn kém nhau không bao nhiêu vì với người thứ hai phải trừ tiền khấu hao chiếc máy tính; người thứ ba thì cả máy tính, máy scan lẫn máy in. Lao động Singapore tạo ra một giá trị gia tăng cao nhưng phải trừ tiền hoàn lại cho các khoản đầu tư trang thiết bị, máy móc; tiền bản quyền cho công nghệ… Thực tế cho thấy lương của một điều dưỡng bệnh viện Việt Nam thu nhập chừng 300 đến 500 đô-la mỗi tháng thì điều dưỡng ở Singapore cũng hơn chừng 3 lần là mức phổ biến.

Điều này không nói lên một hàm ý nào cả nhưng có một thực tế là mức lương ở Việt Nam đã trải qua nhiều thay đổi khi nhiều giới như kỹ sư công nghệ thông tin, quản lý doanh nghiệp có mức lương tăng vọt, gần như đuổi kịp các nước láng giềng trong khi nhiều giới khác như lao động phổ thông, nhà giáo, giới làm dịch vụ tự do thấy mức lương tăng không đáng kể. Trong khi GDP đầu người tăng đều và khá nhanh, thu nhập của những người thu gom rác ở các đô thị chẳng hạn, gần như bị đông cứng.

Năng suất lao động tăng nhanh nhưng thu nhập tăng chậm hơn thì chỉ có một khả năng xảy ra: chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn, bao nhiêu tiền xã hội làm ra rót về cho giới nhà giàu, hưởng lợi từ đầu tư vốn, đầu tư máy móc…

Chính vì thế, số liệu thống kê chính thức của Singapore cho thấy, thu nhập ở mức trung vị của người làm công ăn lương ở Singapore là 4.000 đô-la Singapore mỗi tháng. Sự khác biệt giữa năng suất lao động tính bình quân theo sức mua (141.343 đô-la Mỹ) và thu nhập trung vị (chừng 35.000 đô-la Mỹ) sẽ còn lớn hơn nữa trong tương lai khi robot và trí tuệ nhân tạo đảm nhiệm thêm nhiều phần việc hiện do con người làm. Lúc đó tiền làm ra cũng phải khấu hao cho robot, cho cả công tác nghiên cứu phát triển hiện nay để có cái trí tuệ nhân tạo trong tương lai nữa.

Trong khi đó với ví dụ chép kinh cho Đường Tăng, nếu người thứ nhì mua máy tính về nhưng chưa học sử dụng thì loay hoay cũng chịu, không phát huy được khoản đầu tư khá tốn kém. Nếu người thứ ba mua đủ loại máy, kể cả máy quét hiện đại mà bị nhũng nhiễu, đòi giấy phép nhập ở đâu, thỉnh thoảng phải đón đủ kiểu thanh tra xem dùng máy quét vào việc gì, có lẽ năng suất cũng chẳng tăng là bao. Vì thế các yếu tố như giáo dục, đào tạo, hiệu quả đầu tư và một môi trường kinh doanh thuận lợi còn quan trọng gấp bội lần chuyện cứ so sánh năng suất lao động với nước khác.



Box:

Ở Việt Nam, theo hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, năng suất lao động được đo bằng GDP tính bình quân một lao động trong thời kỳ tham chiếu, thường là một năm.
                                                          Tổng sản phẩm trong nước (GDP)
Năng suất lao động xã hội = -----------------------------------------------------------
                                                          Tổng số người làm việc bình quân


Thursday, January 11, 2018

Huyền thoại về “bẫy thu nhập trung bình”?

Có hay không cái “bẫy thu nhập trung bình”?

Chúng ta thường nghe các chuyên gia kinh tế nói nhiều về bẫy thu nhập trung bình, rằng không khéo nền kinh tế sẽ rơi vào chỗ mắc kẹt ở một mức thu nhập nào đó, không thoát được đến nỗi ai nấy đều tin có một cái bẫy như thế đang tồn tại, chực chờ. Các phát biểu này thường có ý tốt, cảnh báo các nhà làm chính sách không được chủ quan, không được thỏa mãn với hiện tại và đi kèm là những khuyến nghị hay giải pháp.

Tuy nhiên, tờ The Economist gây ngạc nhiên khi gần đây lại khẳng định không có bằng chứng gì trong thực tế về cái bẫy thu nhập trung bình. Trước đó cũng có nhiều nghiên cứu tựu trung cho rằng làm gì có cái bẫy thu nhập trung bình nào mà cảnh báo!

Trước hết hãy xem khái niệm bẫy thu nhập trung bình ra đời như thế nào. Năm 2004, tạp chí Foreign Affairs đăng bài “Toàn cầu hóa thiếu mất những nước trung bình” của GS Geoffrey Garrett, lúc đó đang dạy tại University of California, Los Angeles. 

Bài viết cho rằng các nước thu nhập trung bình bị mắc kẹt, một bên không cạnh tranh nổi với các nước giàu có công nghệ vượt trội, bên kia lại cũng thua các nước thu nhập thấp vì giá nhân công thấp. Vì thế trên các thị trường kết nối toàn cầu hóa, các nước trung bình này có tốc độ phát triển thua cả nước giàu lẫn nước nghèo.

Để minh họa, bài viết sắp xếp các nền kinh tế theo GDP đầu người vào năm 1980, rồi chia thành ba nhóm, giàu, trung bình và nghèo. Sau đó tác giả so sánh tốc độ phát triển của các nhóm trong vòng hai thập kỉ và phát hiện các nước trong nhóm trung bình thật sự phát triển chậm hơn so với hai nhóm còn lại. 

Ba năm sau, Homi Kharas và Indermit Gill thuộc Ngân hàng Thế giới trích dẫn bài này trong cuốn sách của họ rồi chế ra cụm từ “bẫy thu nhập trung bình” – khai sinh một khái niệm được nhiều nhà lãnh đạo các nước, rồi chuyên gia kinh tế sử dụng trong nhiều tình huống, nghe rất kêu, rất hình tượng.

Được biết đến nhiều nhất là Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vĩ khi tuyên bố vào năm 2015 là Trung Quốc có 50% khả năng rơi vào bẫy thu nhập trung bình trong vòng năm đến 10 năm tới. Trong báo cáo Trung Quốc 2030 có một biểu đồ rất ấn tượng, giúp lan tỏa khái niệm bẫy thu nhập trung bình: nó cho thấy 101 nước được xem là có thu nhập trung bình vào năm 1960, chỉ có 13 nước thoát ra thành nước có thu nhập cao vào năm 2008, còn lại đều mắc kẹt trong ngưỡng trung bình suốt 50 năm.

Hai nghiên cứu khác của Barry Eichengreen trường University of California, Berkeley, Donghyun Park thuộc Ngân hàng Phát triển Á châu và Kwanho Shin trường Korea University cũng có những kết luận tương tự. Họ xem xét các nền kinh tế phát triển nhanh rồi sau đó chững lại (nhanh là với tốc độ tăng GDP bình quân đầu người trên 3,5% và chững lại là GDP bình quân đầu người tăng chậm hơn trước 2 điểm phần trăm, cả hai tính bình quân trên thời gian bảy năm). Nghiên cứu cho họ thấy việc chững lại này thường xảy ra khi GDP bình quân đầu người đạt mốc 11.000-15.000 đô-la Mỹ (tính theo cân bằng sức mua).

Như vậy khái niệm “bẫy thu nhập trung bình” không phải là chuyện giật gân theo kiểu báo chí mà có những nghiên cứu nghiêm túc hậu thuẫn. Vậy vì sao tờ Economist lại cái bẫy này chỉ là một dạng huyền thoại?

Trước tiên là lập luận các nước có thu nhập trung bình không cạnh tranh nổi với cả hai đầu: hoặc là công nghệ cao hoặc là lương thấp. Tuy nhiên thực tế các nước giàu phải dùng công nghệ cao để bù vào chỗ thua thiệt là chi phí tiền lương cho công nhân quá cao, ngược lại các nước nghèo bị buộc phải nhận đồng lương thấp để bù vào chỗ công nghệ của họ còn lạc hậu. Vậy, tại sao không lập luận các nước trung bình có thể cạnh tranh hơn hẳn cả hai đầu khi kết hợp mức lương vừa phải với công nghệ cũng vừa phải?

Hơn nữa làm gì có sự xếp hạng trung bình chung chung vì ngay trong một nước, sự cách biệt giữa các công ty hàng đầu với các công ty làng nhàng là rất lớn. Năng suất của 25% các doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ cao gần gấp 5 lần 25% các doanh nghiệp tốp dưới; chênh lệch này ở các nước đang phát triển còn cao hơn nhiều lần.

Cách các doanh nghiệp tự vươn lên để tăng năng suất cũng như các nước tìm cách tăng GDP đầu người. Cách thứ nhất là chuyển công nhân từ các lãnh vực thâm dụng lao động qua các nhà máy có năng suất cao hơn (tức chuyển dịch cơ cấu). Cách thứ nhì là đầu tư thêm máy móc cho mỗi công nhân (thâm dụng vốn). Cách thứ ba là khai thác vốn hay nhân công tốt hơn nhờ ứng dụng công nghệ sẵn có (đa dạng công nghệ). Các cuối cùng áp dụng những tiến bộ công nghệ mới xuất hiện một cách nhanh chóng và hiệu quả (cách tân công nghệ).

Nói là bốn cách nhưng thật ra ở các nước, người ta kết hợp các phương cách này cùng lúc vì các nước không chờ đến khi nông dân dư thừa bỏ ruộng đồng ra thành thị thì mới đầu tư máy móc hay công nghệ. Họ cũng không chờ tích lũy vốn đến một mức nào đó mới cải tiến kỹ thuật sản xuất. 

Nói cách khác, không hề có các giai đoạn phát triển rõ ràng để nói một nước nhảy từ bực này lên bực khác, thoát hay mắc kẹt vì trong chính một nước, trình độ phát triển của các doanh nghiệp, các khu vực kinh tế là khác nhau, có doanh nghiệp dẫn đầu, có doanh nghiệp chững lại, không phụ thuộc vào chuyện thu nhập bình quân đầu người đang ở mức trung bình hay không.

Cụ thể hơn, tờ Economist phân tích vào từng nghiên cứu đằng sau khái niệm bẫy thu nhập trung bình. Số liệu thống kê trong nghiên cứu của Eichengreen, Park and Shin cho thấy đúng là tốc độ nhiều nước thu nhập trung bình bị chững lại thật nhưng nếu cũng dùng phương pháp đó để đo lường các nước thu nhập thấp thì sự chững lại này xảy ra cũng thường xuyên không kém. 

Còn các nước giàu ít khi có tốc độ phát triển cao hơn 3,5% nên làm gì có chuyện chững lại như định nghĩa của nghiên cứu (tốc độ tăng thấp hơn trước đến 2 điểm phần trăm). Việc chững lại cũng không ngăn cản các nền kinh tế sau đó vẫn giàu hẳn lên như Singapore, Hồng Kong, Đài Loan hay Hàn Quốc.

Thế còn biểu đồ 101 nước, chỉ có 13 nước thoát bẫy? Biểu đồ này định nghĩa một nước có thu nhập trung bình có GDP bình quân đầu nước (tính theo cân bằng sức mua) nằm giữa 5,2% và 42,75% GDP bình quân đầu người của nước Mỹ! Kể từ lúc giới thiệu biểu đồ vào năm 2012 đã có thêm 18 nước ra khỏi danh sách thu nhập trung bình do tăng trưởng hay do số liệu chính xác hơn.

Quan trọng hơn, biểu đồ có một sai sót căn bản: định nghĩa thu nhập trung bình như thế thì quá rộng nên không có ý nghĩa. Ví dụ một nước GDP đầu người chỉ bằng 590 đô-la (theo giá 1990) lại được xem là có thu nhập trung bình vào năm 1960 trong khi thực tế đây là nước nghèo. Ngược lại một nước có thu nhập GDP bình quân đầu người lên đến 13.300 đô-la năm 2008 vẫn được xem là nước trung bình dù nó cao hơn trường hợp “trung bình” ở trên đến 22 lần. Chẳng lạ gì nhiều nước bị mắc kẹt trong khoảng định nghĩa mênh mang này.

Riêng công trình nghiên cứu của GS Garrett, dẫn tới khái niệm bẫy thu nhập trung bình thì sao? Nếu thay vì chia ba nhóm nước theo tỷ lệ 25-45-30% khá kiên cưỡng của Garrett mà chia đều các nhóm, cộng với dữ liệu tốt hơn cho cùng 20 năm đó (1980-2000), người ta thấy cách biệt về tốc độ tăng trưởng giữa các nhóm không còn nữa! Quan trọng hơn, các nước thu nhập trung bình lại có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn trong hai thập niên từ 1990 đến 2010 cũng như từ 1995 đến 2015.

Một chuyên viên của Ngân hàng Thế giới có tham gia biên soạn tài liệu Trung Quốc 2030 sau này là đồng tác giả một công trình nghiên cứu bẫy thu nhập trung bình lại đi đến kết luận: Không có bằng chứng gì về việc chững lại bất thường khi đạt đến ngưỡng thu nhập trung bình. Các nghiên cứu khác của Ngân hàng Phát triển Á Châu, đại học Columbia và đặc biệt nghiên cứu của Lant Pritchett và Larry Summers, Đại học Harvard cũng tỏ vẻ nghi ngờ về bẫy thu nhập trung bình. 

Nhà kinh tế Robert Barro cũng của Đại học Harvard cho rằng khái niệm này không có thật, rằng chuyển biến từ thu nhập trung bình lên mức thu nhập cao là đầy thách thức nhưng mức độ thách thức cũng không có gì đặc biệt hơn khi chuyển từ thu nhập thấp lên thu nhập trung bình.

Nói tóm lại, có hay không có bẫy thu nhập trung bình đều được hỗ trợ bằng các lập luận và nghiên cứu. Nhưng dường như các nhà kinh tế nghiên về hướng cho rằng cái bẫy, tức các rào cản quá trình phát triển không phải do nước đó đang ở mức thu nhập trung bình mà xuất hiện. Rào cản là do các yếu tố khác làm việc áp dụng bốn con đường nâng năng suất nói trên bị nghẽn lại.

Trước đây người ta nói nhiều về bẫy thu nhập trung bình chỉ vì họ không có công thức gì cụ thể rõ ràng để áp dụng cho các nước có thu nhập trung bình. Bám vào chiến lược tăng trưởng cũ (như bám vào sản xuất thâm dụng lao động) cũng không ổn mà lao vào ứng dụng các chiến lược cao cấp như kiểu kinh tế tri thức, kinh tế số, cách mạng 4.0 cũng không xong. Vì thế báo The Economist kết luận, bẫy thu nhập trung bình thật ra là tình thế tiến thoái lưỡng nan của các nước có thu nhập trung bình.



Tuesday, January 2, 2018

Net Neutrality

Net không trung tính: thì xưa nay đã vậy

Thuở xưa không gian Internet chia làm hai thế giới, sống tách biệt, nước sông không phạm nước giếng. Một bên là các công ty cung cấp dịch vụ kết nối Internet như ở Việt Nam là VNPThay Viettel; ở Mỹ là AT&T hay Comcast và bên kia là các nơi cung cấp nội dung, ứng dụng và các dịch vụ khác như đủ loại báo chí, nơi lưu trữ phim ảnh, chia sẻ nhạc… Thế nhưng sự tách biệt này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.

Thoạt tiên, các công ty cung cấp dịch vụ kết nối Internet mà thông thường cũng là nơi cung cấp đường truyền điện thoại mới nhận ra các bên cung cấp ứng dụng trên Internet là đối thủ của chính họ trong nhiều trường hợp. 

Chẳng hạn, chắc nhiều người còn nhớ dịch vụ gọi điện trên nền tảng Internet (VoIP) mà nhiều nơi chào mời. Bạn là công ty điện thoại, sống nhờ khách chịu dùng điện thoại thông thường để liên lạc với nhau nay bỗng nhiên khách không chịu gọi như cũ nữa mà dùng đường truyền Internet cũng do chính bạn lắp đặt để liên lạc với nhau, khỏi tốn tiền, thông qua dịch vụ của một anh chàng nào đó cung cấp. Ai mà không tức.

Thế là các nơi cung cấp dịch vụ Internet bèn bắt đầu khóa van, chặn các dịch vụ Internet nào có khả năng ảnh hưởng đến doanh thu của họ như vụ Madison River Communication, một công ty điện thoại và kết nối Internet khóa chức năng VoIP trên đường truyền Internet của khách hàng và bị kiện. Có lúc AT&T hạn chế không cho khách hàng xài chức năng Facetime của Apple và cũng bị khiếu nại. 

Lúc đó, Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) bèn đề ra nguyên tắc Net trung tính (Net Neutrality), đại khái cho rằng khách hàng có quyền truy cập các nội dung trên Internet trên nguyên tắc bình đẳng, các nơi cung cấp dịch vụ không được chặn hay hạn chế đường truyền hay nói cách khác, phân biệt đối xử trên Internet, theo kiểu ai trả thêm tiền thì được ưu tiên.

Giả dụ không có nguyên tắc này, có lẽ các hãng điện thoại như AT&T đời nào cho khách hàng của mình xài Viber hay iMessage lúc đó mới ép họ xài dịch vụ tin nhắn truyền thống của mình. Thử tưởng tượng tình huống tương tự giả định xảy ra ở Việt Nam: các nhà mạng như Mobifone hay Vinaphone, nếu được quyền, ắt sẽ vui sướng chặn các dịch vụ nhắn tin miễn phí qua nền tảng Internet như WhatsApp, Zalo hay Viber. Cứ nhìn doanh thu dịch vụ tin nhắn SMS của các nhà mạng tụt giảm như thế nào sẽ hình dung được ngay giả định này.

Sau đó hàng loạt vụ kiện khác diễn ra nhưng tình tiết thì ngày càng phức tạp vì lập luận hai bên đều có tình, có lýnhư Comcast bị kiện vì chặn không cho khách sử dụng chức năng chia sẻ các file qua giao thức BitTorrent. Lúc đó, giao thức chia sẻ tập tin thì hợp pháp nhưng người dùng lại tận dụng nó để chia sẻ các tập tin vi phạm bản quyền như phim ảnh mà dung lượng chia sẻ lại lớn, có lúc chiếm đến 35%-40% tổng lưu lượng của Internet. Người dùng bình thường bực mình vì băng thông bị chiếm để hàng xóm tải phim nên Comcast nói họ khóa hay hạn chế chia sẻ kiểu BitTorrent chỉ để bảo vệ sự công bằng cho khách hàng nói chung.

Sau đó đến lượt các công ty cung cấp dịch vụ Internet cũng nhảy ra làm nội dung, nói cho dễ hình dung VNPTvừa giúp khách hàng kết nối Internet vừa có báo Vietnamnet, FPT cũng có dịch vụ lưu trữ file, chia sẻ file… Ở Mỹ thì Comcast cũng làm chủ NBC Universal, AT&T đang mua lại Time Warner… Một nơi cung cấp đường truyền Internet cho khách hàng, bỗng thấy khách cứ dùng băng thông của mình để coi phim của Netflix trong khi mình cũng có dịch vụ coi phim trực tuyến mà không ai xài, ắt hẳn sẽ nghĩ ngay đến cách thức ép, ai muốn coi Netfix trên đường truyền của tôi thì trả thêm tiền, bằng không phải chịu tốc độ chậm.

Đó là cách thức báo chí đang trình bày vấn đề Net Neutrality để dẫn tới vấn đề thời sự làm nóng đề tài này: FCC nay dưới thời của Tổng thống Donald Trumpvừa mới quyết định dẹp bỏ sự trung tính của Internet hay nói cách khác các công ty cung cấp dịch vụ kết nối Internet từ nay muốn làm gì thì làm, muốn chặn địch thủ, ưu tiên cho gà nhà thì cứ việc, không ai cấm. Đó là lý do báo chí Mỹ đang phê phán quyết định của FCC như một cách thủ tiêu tính công bằng của Internet, từ nay chỉ còn các ông lớn chèn ép doanh nghiệp nhỏ, rằng nếu quyết định như FCC thì đã không có sự trổi dậy của các tên tuổi như Facebook, Google….

Thật ra, nói như vậy cũng không sòng phẳng cho lắm vì không lẽ FCC không hiểu được vấn đề báo chí nêu ra. Nhìn từ vai trò quản lý nhà nước thì lập luận mới của FCC là Internet không cần bàn tay can thiệp của chính phủ, Internet là một nơi tự do nên quyết định của họ tháo các ràng buộc mang tính quản lý cho Internet. Các vấn đề chặn đối thủ, ưu ái cho chính mình sẽ để cho thị trường quyết định, ai chơi xấu thì khách hàng sẽ bỏ đi; nhiệm vụ của FCC là bảo đảm sự minh bạch, ai chặn, khóa van hay ưu ái thì phải nói rõ cho khách hàng biết. 

Chính vì vậy FCC đã chuyển giao việc giám sát cạnh tranh công bằng cho Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC), là nơi có chuyên môn cũng như các quy định chặt hơn về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chống độc quyền. FCC lập luận bỏ quy định về sự trung tính của Internet thì mới tạo động lực cho các nơi cung cấp dịch vụ kết nối đầu tư nâng cao chất lượng để giành khách hàng về cho mình.

Tranh cãi ầm ĩ trên công luận là thế chứ thật ra Internet đã mất tính công bằng từ lâu chứ đâu đợi đến bây giờ. Thế giới Internet hiện nay bị chi phối bởi vài ba tên tuổi lớn như Apple, Amazon, Facebook hay Google. Họ có tiền, có lực để đầu tư xây dựng các trung tâm dữ liệu ở khắp nơi trên thế giới nên dù nhà mạng có khóa hay ưu ái gì gì đi nữa họ vẫn chiếm phần tiện nghi trong mọi phương diện. Thậm chí cả Facebook lẫn Google đều có những dự án cung cấp kết nối Internet miễn phí cho toàn cầu, miễn sao mọi người cứ vào dùng dịch vụ của họ. Apple và Google hiện đang kiểm soát ai muốn đưa một ứng dụng nào lên hai hệ điều hành iOS và Android đều phải thông qua họ; họ không chịu thì dễ gì phân phối ứng dụng đến tay người dùng.

Ở Việt Nam chẳng hạn, không có vấn đề Net Neutrality nhưng Facebook hay Google vẫn chiếm thế thượng phong. Facebook thì liên kết với các nhà mạng để bất kỳ ai, dù không có 3G vẫn có thể truy cập Facebook dễ dàng. Google thì thuê máy chủ của chính các nơi cung cấp dịch vụ kết nối Internet, kể cả cho dịch vụ YouTube của mình. Thế nên mỗi khi đường truyền Internet quốc tế bị cắt vì đứt cáp quang, Facebook hay Google vẫn chạy vù vù.

Nay, sau vụ Net mất sự trung tính, vẫn chẳng có gì đột biến xảy ra. Các nhà mạng lớn như AT&T, Verizon hay Comcast không dại gì một sớm một chiều thay đổi chính sách ứng xử với khách hàng như bóp băng thông dùng cho dịch vụ của đối thủ vì quá lộ liễu và dễ bị kiện. Dần dần sự không trung tính của Internet sẽ được tô đậm mà khách hàng có lẽ cũng chẳng sẽ phản đối. Ấy là bởi họ đã được điều kiện hóa để làm quen với sự bất bình đẳng này rồi. 

Giờ họ vào Amazon mua hàng nhanh như gió đã quen nên chẳng mất thời giờ vào các nơi bán hàng khác tương tự như Amazon nhưng không tên tuổi, không đủ lực để đầu tư như Amazon. Và dĩ nhiên ví dụ AT&T cho khách hàng mua gói kết nối Internet của mình được thêm dịch vụ coi truyền hình miễn phí DirecTV thì ai lại không thích. Hiện nay T-Mobile đã cho các ứng dụng YouTube hay Netflix chạy trên miễn cước trên mạng của họ; tức họ lấy tiền của các nơi này chứ không thu tiền của khách hàng, ắt ai nấy đều hài lòng.

Vụ Net Neutrality, xét cho cùng, chỉ là một vụ bị chính trị hóa nhiều hơn là một tranh cãi về công nghệ. Hiện nay chính trường Mỹ đang lật ngược lại những gì Tổng thống Obama từng làm như bỏ đạo luật Obamacare và nay là Net Neutrality. 

FCC gồm năm người, ba ủy viên theo đảng Cộng hòa, hai ủy viên thuộc đảng Dân chủ. Ajit Pai, chủ tịch FCC do Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm là người từng phản đối Net Neutrality dưới thời Obama khi ông ta là ủy viên thiểu số,nay là lá phiếu quyết định lật ngược thế cờ. Không có gì đáng ngạc nhiên khi quyết định của FCC trong tuần rồi được thông qua với ba phiếu thuận, hai phiếu chống.Có lẽ sau này khi thời thế thay đổi vấn đề Net Neutrality lại được xới lên với những lá phiếu mới.



AI - hype and reality

  AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...