Wednesday, December 13, 2017

Vòng kim cô Facebook

Nhảy khỏi vòng kềm tỏa của Facebook

Một hôm có chàng trai buồn bã đến gặp vị thiền sư, nói: “Thưa thầy, không biết vì sao dạo này tâm con bất định, suy nghĩ mông lung, không dứt khoát được chuyện gì?” Thiền sư bèn đưa tay giật lấy chiếc điện thoại trong tay chàng trai, chưa kịp nói gì thì chàng trai đã nhanh nhẩu thốt lên, như thể ngộ ra: “Thưa thầy con hiểu rồi. Ý thầy nói con nên dùng Google để tìm hết mọi chân lý cuộc đời chứ gì!” Thiền sư lắc đầu đáp: “Không, con. Ta chỉ muốn bảo con về tháo gỡ ứng dụng Facebook đi mới mong tìm được sự thanh thản và minh triết”.

Gạt bỏ chuyện chọc cười sang một bên, rõ ràng hiện nay nhiều người bỏ ra nhiều giờ cho Facebook nhưng chưa hiểu gì mấy về cơ chế hoạt động của nó. Nếu bắt chước lối nói gây sốc của nhà sử học Yuval Harari, cũng có thể khái quát, rằng mọi người không phải đang “chơi” Facebook mà Facebook đang biến mọi người thành nô lệ, quần quật làm công không lương cho nó!

Yaval Harari, tác giả cuốn Sapiens, Lược sử loài người thì kiêu khích, rằng đâu phải con người thuần hóa cây lúa mì; đúng ra cây lúa mì thuần hóa con người. Chứ gì nữa: lúa mì bắt nhân loại lao động miệt mài để chăm sóc nó, nhổ cỏ, bón phân, tưới nước; thậm chí sống quần cư quanh lúa mì để suốt đời phụng sự cho nó.

Chúng ta thì tự hỏi, Facebook có chút giá trị nào không khi không có ai thèm viết các dòng trạng thái rồi vào đọc tin tức của bạn bè, nhấn thích, nhấn chia sẻ… Cái giá trị mấy chục tỷ đô-la của Facebook là nhờ cả hai tỷ người đang miệt mài viết cho nó, biến nó thành cơ thể sống mà họ là các tế bào nhiệt tình nhất. Và trong quá trình đó, Facebook đang tác động đến con người ở nhiều góc cạnh không ai ngờ đến.

Nhốt con người trong những bong bóng ngăn cách vô hình

Ai cũng bảo, ưu điểm lớn nhất của Facebook là kết nối mọi người, bất kỳ ở đâu, bất kỳ lúc nào. Có đúng thế không khi cơ chế hoạt động của Facebook dần dần sàng lọc để chỉ còn những nhóm cùng suy nghĩ, cùng quan điểm chơi với nhau. Câu dọa thường thấy nhất là, đừng nói bậy, bị block (chặn) giờ. Riết rồi trong danh sách bạn bè của một người không còn bóng dáng của người “bất đồng chính kiến”, chỉ còn những kẻ “đồng thanh tương ứng”, thật lòng hay miễn cưỡng.

Đó là do người dùng chọn lựa nhưng quan trọng hơn Facebook có những thuật toán rất tinh vi. Nếu để yên không sàng lọc, không người nào hàng ngày có thể đọc hết những gì bạn bè viết hay chia sẻ trên Facebook.Sàng lọc thì phải sắp xếp ưu tiên để làm biên tập viên vô hình cho người dùng. 

Thế là, thấy người dùng thích gì, chia sẻ gì vài lần là sau đó Facebook sẽ bày mâm bày bát chủ yếu các món tương tự cho họ, ưu tiên cho cái gì vui vui, hấp dẫn, bắt mắt, không cãi cọ. Vì thế người thích tiệc tùng sẽ thấy toàn các chia sẻ ăn chơi, người thích du lịch sẽ thấy nhiều chia sẻ về thắng cảnh, người thích chính trị sẽ thấy toàn các dòng trạng thái đầy trăn trở trước mọi chuyển biến của xã hội. Và dần dà cái thế giới của Facebook mênh mông như thế nhưng lại gồm vô số các bong bóng đóng khung người dùng, nhốt họ trong đó, với cái thế giới của riêng họ.

Thoạt đầu nhiều người hy vọng nền tảng Facebook sẽ mở rộng tầm nhìn cho họ, giúp họ tiếp xúc với các quan điểm khác nhau, cọ xát với những lập luận đối chọi. Thực tế việc tranh luận lành mạnh trên không gian Facebook gần như là không thể, tất cả phải nhường bước cho sự cả vú lấp miệng em vì trên đó cũng có những kẻ chuyên gây hấn, những kẻ hà dùa, những người to miệng thích bắt nạt kẻ yếu hơn, y như trong đời thật, lại không có những ràng buộc mà nền văn minh nhân loại dày công dựng nên để chi phối ứng xử của con người với nhau.

Cái hại lớn nhất của Facebook, vì thế, là củng cố thiên kiến của mọi người một cách rất tinh vi vì cứ tưởng ai ai trên thế gian này cũng suy nghĩ như mình. Hay nói cách khác, Facebook cho bạn thấy cái bạn muốn thấy, thích đọc chứ không phải cái bạn nên thấy, nên đọc.

Thật giả lẫn lộn

Tin giả thời nào cũng có nhưng Facebook là mảnh đất màu mỡ cho tin giả lan tràn. Trước đây những người cổ xúy cho thế giới phẳng thường ca tụng các nền tảng như Yahoo 360° hay Facebook giúp trao quyền cho cá nhân để một người bình thường có tiếng nói ngang bằng các tờ báo lâu đời khác. Nhìn từ góc độ từng cá nhân như vậy thì quá đúng nhưng nhìn từ góc độ người tiếp nhận thông tin thì sao? Các tờ báo có uy tín, đáng tin cậy không bao giờ khinh suất đăng bậy một tin chưa kiểm chứng nhưng từng cá nhân thì lúc nào cũng sẵn sàng đăng các dòng trạng thái được càng nhiều người đọc càng tốt. Có gì khoái hơn đăng vài câu mà hàng loạt người vào đọc, thích và chia sẻ, tin càng giật gân càng được chia sẻ nhiều.

Đó là cơ chế đẻ ra tin giả, tin bịa. Điều đáng buồn là bản năng con người giúp lan truyền loại tin giả này, ai cũng muốn có gì đó mới, lạ, độc, sốc để khoe với bạn bè. Ai cũng nghĩ nó vô hại vì đăng hôm nay, mai bị phát hiện sai thì xóa và lúc đó lại nghĩ mình chỉ là một cá nhân nhỏ xíu, đâu ai để ý.

Lâu dần tin tức của báo chí đàng hoàng, nghiêm túc, loại tin mà cả đội ngũ làm báo bỏ công bỏ sức ra để đem về cho người đọc lại không thu hút người đọc bằng các dòng trạng thái của từng cá nhân. Mỹ đang đau đầu vì tin giả tác động đến cả cuộc bầu cử tổng thống của họ; các nơi khác đau đầu vì tin giả từng phá hại thanh danh hay cả cuộc đời của nhiều cá nhân khác.

Theo tờ The Economist, Facebook thừa nhận trước và sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm ngoái, 146 triệu người dùng có thể đã đọc những thông tin sai lệch do phía Nga tung ra trên Facebook. Tờ này nhận định, thay vì đem lại sự khai sáng thì mạng xã hội lại làm lan truyền độc chất.

Ngày xưa thuyết âm mưu cũng tồn tại, kiểu như Mỹ chưa hề đặt chân lên mặt trăng hay người ngoài hành tinh đang sống giữa loài người nhưng chúng ít phổ biến. Ngày nay các tay bơm thổi cho các thuyết âm mưu xoa tay hứng khởi vì mỗi khi tung ra một thuyết mới là Facebook giúp họ chia sẻ, lan truyền chúng khắp nơi. Và một khi mạng xã hội lôi kéo đủ một lượng người nào đó chia sẻ thì báo chí chính thống phải nhảy vào, chứ đứng ngoài cuộc chơi lại mất thêm độc giả.

Kẻ phát hành báo chí không được mời

Hiện nay Facebook là kênh phát hành báo chí trực tuyến cực kỳ quan trọng. Các báo dù không muốn cũng phải thừa nhận vai trò phát hành này. Cuối năm 2013, theo lời kể của tờ The Atlantic, Facebook âm thầm thử nghiệm quảng bá cho các báo bằng cách dùng quảng cáo nội bộ lôi kéo người dùng “thích” các trang Facebook của một số báo nổi tiếng. Bỗng chốc lượng người dùng vào đọc các báo này tăng vọt mà không cần có động thái cải tiến nào cả. Các báo vừa thích vừa lo sợ, than, Facebook nó làm chủ chúng ta rồi. Theo bàn tán của giới báo chí Mỹ lúc đó, Facebook làm vậy để cạnh tranh với Twitter đang chiếm sự chú ý của báo chí.

Mới đây Facebook lại thử nghiệm khóa các dòng thông tin người dùng không cho các chia sẻ từ báo chí xuất hiện nữa; ai muốn hiện lên thì phải trả tiền. Thử nghiệm này mới chỉ tiến hành ở sáu nước nhưng kết quả đã gây lo ngại cho báo chí: lượng người đọc ở sáu nước này giảm sút nghiêm trọng. Theo nhiều khảo sát, trên 60% giới trẻ đọc tin tức là dựa vào giới thiệu của bạn bè trên Facebook; kết hợp với các loại hình như kết quả tìm kiếm trên Google, các nơi tổng hợp tin như Google News (ở Việt Nam như Báo Mới) thì số phận các báo xem như do người khác định đoạt. Gián tiếp nắm trong tay báo chí như thế, không lạ gì Facebook dễ dàng tác động vào mọi khía cạnh của đời sống mọi người mà họ không hề hay biết.

Sống chung với lũ

Dưới áp lực của người dùng Facebook phải đang điều chỉnh nhiều thứ như cố dẹp bỏ tin giả. Họ đã nhiều lần thay đổi các thuật toán điều chỉnh sự xuất hiện thông tin trên trang Facebook của người dùng. Facebook làm ra tiền nhờ vào người dùng nên bằng mọi giá họ phải giữ chân người dùng trên Facebook nhiều chừng nào tốt chừng đó. Vì thế, thay đổi gì thì thay đổi, ưu tiên của thuật toán Facebook là làm sao mọi thứ bày biện bắt mắt bạn, làm bạn không rời, cứ cuộn lên đọc tiếp. Cho nên đó vẫn sẽ là mảnh đất màu mỡ cho mọi tay chơi nghĩ ra đủ cách để điều khiển bạn một cách vô thức, dù chỉ để thuyết phục bạn mua hàng.

Vì vậy khó lòng chống chọi lại các ảnh hưởng không như ý của Facebook trừ phi xóa hẳn nó đi như lời khuyên của vị thiền sư kia. Còn vẫn dùng, cách tốt nhất là chủ động bắt Facebook bày mâm bày bát theo kiểu có lợi cho bạn như chọn theo dõi các nhóm có những hoạt động bạn quan tâm.Bấm thích một hội những người thích một loại xe gì đó có thể đem lại cho bạn những thông tin hữu ích hay bất ngờ về loại xe bạn cũng mê; bấm theo dõi một hội những người cùng chia sẻ một thú vui sưu tầm vật gì đó, bạn khỏi cần vào các diễn đàn khó theo dõi vì Facebook sẽ hiện thông tin lên cho bạn.

Hãy bấm thích thật nhiều cho các trang báo mà bạn tin tưởng vào uy tín để tận dụng thuật toán của Facebook. Sẽ đến lúc Facebook phải dán nhãn cho các nguồn thông tin đáng tin cậy, nguồn chưa kiểm chứng vì sẽ đến lúc các nước đòi hỏi Facebook chịu một phần trách nhiệm cho những thông tin đăng tải trên trang của họ như báo chí đang phải chịu trách nhiệm. Suy cho cùng Facebook là tờ báo khổng lồ mà phóng viên là hai tỷ người dùng; chỉ có điều vì họ làm không công nên Facebook phải chịu tốn tiền cho một bộ lọc để duy trì một độ tin cậy nhất định cho tờ báo khổng lồ đó; bằng không quy luật cuộc sống bắt phải đẻ ra một thứ khác để thay Facebook.



Thursday, December 7, 2017

Chuyện thuế Google, Facebook

Nói thêm lần cuối về chuyện thuế Facebook

Đến hẹn lại lên, cứ dăm bữa nửa tháng lại có một bài báo hay một ý kiến than trách chuyện các tập đoàn nước ngoài kinh doanh dịch vụ xuyên biên giới tại Việt Nam, tiền thì thu nhiều mà thuế không phải nộp đồng nào. Vấn đề là câu chuyện này không có gì mới, đã rộ lên mấy năm nay, vì sao đến nay vẫn chưa tìm ra cách hóa giải? Và có đúng là cơ quan thuế đang bó tay, không thu được thuế từ Facebook hay Google không?

Nhà nước đang nắm đằng cán

Nói đến nghĩa vụ thuế của Facebook hay Google thì trước hết phải xác định cho chính xác quy mô thị trường quảng cáo trực tuyến của Việt Nam. Theo số liệu của TS. Đinh Lê Đạt, một chuyên gia trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến, thì tổng doanh thu quảng cáo trực tuyến của thị trường Việt Nam năm 2014 là 216 triệu đô la Mỹ và năm 2015 ước tính 329 triệu đô la Mỹ. Trong đó phần bánh của hai gã khổng lồ Google và Facebook tăng chóng mặt, lên đến lần lượt 65 triệu và 80 triệu đô la Mỹ cho năm 2014; còn năm 2015 là 100 triệu cho Google và 140 triệu đô la Mỹ cho Facebook.

Nói cách khác, hai anh chàng này từ chỗ chỉ chiếm chừng 6% thị phần thì đến năm 2015 đã tăng vọt lên đến 73%! Giả thử số liệu này là chính xác thì năm 2015, ước tính doanh thu quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam của Google và Facebook chừng trên 5.000 tỉ đồng và số thuế họ phải nộp chừng 500 tỉ đồng.

Trước khi nói đến biện pháp thu thuế, tưởng cũng nên nhắc lại nguyên tắc chống thất thu thuế: đó là thuế của người này là phần khấu trừ của người kia cho nên lúc nào cũng có một bên có động lực đòi bên kia minh bạch chuyện thuế. Nếu bạn được giao đi mua một món đồ gì đó cho cơ quan, ắt phòng tài vụ sẽ đòi bạn đem về cho họ hóa đơn đỏ, đó là bởi hóa đơn này là cơ sở để cơ quan bạn liệt kê chi phí được khấu trừ trước khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Bên bán đã phát hành hóa đơn ra thì phải nộp thuế giá trị gia tăng cho cơ quan thuế.

Đó là với hàng hóa hay dịch vụ trong nước với nhau. Với các dịch vụ giao dịch xuyên biên giới thì Nhà nước tìm cách nắm đằng cán, còn chặt chẽ hơn thế nữa. Theo quy định về thuế đối với nhà thầu nước ngoài thì bên mua dịch vụ từ Việt Nam “có trách nhiệm khấu trừ số thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp... trước khi thanh toán cho nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài”. Như vậy một công ty, ví dụ Vinamilk dùng công cụ Google Adsense để quảng cáo trên hàng loạt ấn phẩm và trả tiền trực tiếp cho Google, khoản chi này đến khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp cho Vinamilk sẽ không được chấp nhận nếu Vinamilk trước đó không mạnh tay cộng thêm 5% thuế giá trị gia tăng và 5% thuế thu nhập doanh nghiệp vào hợp đồng để nộp thay cho Google vì Google chưa hiện diện tại đây.

Nói cách khác một khi Google hay Facebook chưa có sự hiện diện chính thức ở Việt Nam theo Luật Đầu tư thì nghĩa vụ thuế trực tiếp của họ đâu có đâu mà cứ nói họ trốn thuế! Nghĩa vụ thuế của họ đã gián tiếp chuyển sang cho những người mua dịch vụ của họ tại Việt Nam và ai cẩn thận sẽ cộng thêm khoản này trước khi chi trả cho Google (để sau này nộp cho cơ quan thuế), ai không cẩn thận sẽ phải chịu xem khoản chi đó là không hợp lệ, không được khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp. (Nên nhớ trong doanh thu mà Google hay Facebook nhận được từ thị trường Việt Nam, đâu phải họ hưởng trọn 100%? Với Google, đến 68% sẽ được chia cho các tờ báo hiển thị cái quảng cáo đó).

Đến đây có lẽ mọi người đã thấy vì sao báo chí thì cứ than, cơ quan thuế thì bình chân như vại. Bởi cứ như hiện nay đằng nào họ cũng thu được thuế, hoặc là thuế suất thu nhập doanh nghiệp (chủ yếu là 20-22%) trên 5.000 tỉ đồng hay thu trọn 500 tỉ đồng giá trị gia tăng và thu nhập doanh nghiệp mà người mua dịch vụ thu hộ.

Và thật tình mà nói, muốn “làm người lương thiện” thu thuế Google hay Facebook giùm cho Nhà nước cũng nhiêu khê lắm. Thanh toán tiền dịch vụ quảng cáo bằng thẻ tín dụng mang tên cá nhân là không được chấp nhận rồi. Hóa đơn chứng từ đầu vào mang tên cá nhân cũng không được kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào và không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Bộ chứng từ cần có để tính vào chi phí được khấu trừ gồm nào là “quy chế của đơn vị về việc mua các dịch vụ qua mạng”, “đề xuất bằng văn bản của bộ phận kinh doanh cần quảng cáo với cấp trên”, “báo cáo nghiệm thu”, “chứng từ thanh toán”, và quan trọng nhất “tờ khai và chứng từ nộp thuế nhà thầu nước ngoài”. Chẳng lạ gì trên các diễn đàn kế toán, rất nhiều người hoang mang không biết làm sao để hợp thức hóa các khoản chi cho Facebook hay Google, nói gì thu thuế giùm.

Thế còn các dịch vụ khác như Netflix hay Apple Music?

Với các dịch vụ mà người tiêu dùng đầu cuối là cá nhân thì khó lòng áp dụng chuyện bắt họ thu thuế nhà thầu giùm. Với các trường hợp này, phải xác định đòi thu thuế nhưng nhắm thu loại thuế nào là khả thi nhất? Bình thường nhiều người nghĩ đó là thuế thu nhập doanh nghiệp, tức làm ăn có lãi thì phải nộp thuế! Đừng hòng, chuyện thu thuế thu nhập doanh nghiệp các công ty cung ứng dịch vụ xuyên biên giới như Netflix hay Uber là chuyện xa vời - đa phần có thành lập pháp nhân ở Việt Nam đâu mà thu và nếu có, hầu như chắc chắn họ sẽ từ lỗ vừa đến lỗ lớn (xem thêm box).

Loại thuế Việt Nam, cũng như các nước khác, phải nhắm tới là thuế bán hàng, ở nước ngoài phổ biến tên gọi sales tax còn ở Việt Nam là thuế giá trị gia tăng. Sẽ có người nói ngay, đây là thuế gián thu, thực chất là người tiêu dùng nộp, doanh nghiệp chỉ thu hộ thôi. Thu thuế này thì chẳng khác nào thu thuế dân mình chứ đâu có đụng đến các doanh nghiệp đó?

Trong bối cảnh các doanh nghiệp nội địa cung ứng dịch vụ tương tự phải nộp thuế giá trị gia tăng mà doanh nghiệp nước ngoài không nộp thì tính bình đẳng nằm ở đâu, làm sao doanh nghiệp trong nước cạnh tranh cho lại. Dù biết đó là thuế gián thu nhưng thu được còn hơn không và doanh nghiệp muốn cạnh tranh phải chia sẻ gánh nặng thuế đó cho người tiêu dùng.

Có lẽ ít người biết tổng thu thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn nhiều so với tổng thu thuế giá trị gia tăng. Ví dụ theo dự toán ngân sách năm 2015 thì sắc thuế đầu thu 226.700 tỉ đồng trong khi sắc thuế sau thu đến 281.500 tỉ đồng.

Để thu thuế giá trị gia tăng Việt Nam cần theo chân các nước châu Âu xác định rõ các tập đoàn đa quốc gia khi cung ứng dịch vụ xuyên biên giới thì thuế sẽ thu theo vị trí địa lý của người tiêu dùng chứ không phải phụ thuộc vào nơi đóng trụ sở của các tập đoàn này. Ví dụ Anh thay đổi cách tính thuế theo hướng này từ đầu năm 2015 đối với các dịch vụ kỹ thuật số. Trước đây khi còn tính giá trị gia tăng theo vị trí của người bán, nhiều công ty dựng lên trụ sở ở Luxembourg để tránh mức thuế giá trị gia tăng, có khi cao đến 27% ở nhiều nước châu Âu khác.

Các doanh nghiệp lớn như Amazon đã thu thuế giá trị gia tăng trên sản phẩm và dịch vụ số bán ra, ví dụ thuế giá trị gia tăng cho các sách điện tử Kindle bán ở Thụy Điển phải cộng thêm 25% thuế trong khi bán cho người ở Pháp thì chỉ cộng thêm 5,5% thuế. Đáng tiếc trong danh sách mức thuế giá trị gia tăng cụ thể này không thấy có Việt Nam. Hóa đơn của Apple phát hành hiện cho dịch vụ nghe nhạc ở Việt Nam cũng không thấy dòng nào nói chuyện thuế cả. Có lẽ trong giai đoạn này đánh thuế giá trị gia tăng lên sách điện tử làm nó đắt đỏ hơn chưa hẳn là điều hay. Chứ còn với các doanh nghiệp như Amazon hay Netflix, chỉ cần gửi công văn chính thức yêu cầu họ phải giữ lại thuế giá trị gia tăng rồi chuyển nộp cho Chính phủ Việt Nam, chắc họ sẽ tuân thủ như đang tuân thủ với nhiều nước khác trên thế giới. Xét cho cùng họ đâu mất thêm gì đâu, ngoài việc khách hàng của họ than trời chuyện thuế khóa!


Riêng chuyện Facebook và Google cùng nhiều tên tuổi lớn khác đang bị chê trách vì trốn tránh đóng thuế ở các nước họ hoạt động chính thức lại là một đề tài khác. Ví dụ báo chí đầu năm 2016 tràn ngập tin Facebook chỉ đóng vỏn vẹn 122 triệu đô la tiền thuế mặc dù lợi nhuận lên đến 3,4 tỉ đô la, tức chỉ chịu thuế suất 3,6%. Nhân đó báo chí Anh nhắc lại năm 2014 Facebook ghi nhận doanh thu đến gần 1 tỉ bảng nhưng chỉ nộp chừng 6.000 bảng tiền thuế!

AI - hype and reality

  AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...