Friday, December 19, 2014

Dạy kinh tế ở trường phổ thông

Kinh tế như một môn học phổ thông – tại sao không?

Giả thử có hai chọn lựa cho một học sinh lớp 11, chọn lựa thứ nhất là học các khái niệm như “thế nào là sản xuất của cải vật chất” hay “cơ cấu kinh tế là gì”; chọn lựa thứ hai là học cách tính tổng số tiền sẽ nhận được sau 10 năm nếu bây giờ đem 1 triệu đồng đầu tư vào một nơi sẽ sinh lời 8% mỗi năm trong bài “Giá trị thời gian của tiền bạc”.

Chọn lựa thứ nhất hiện đã diễn ra – đó là hai trong số nhiều khái niệm về kinh tế mà học sinh lớp 11 phải học trong môn “Giáo dục công dân”.

Chọn lựa thứ hai chưa diễn ra – đó là ước mong của người viết thấy học sinh cấp ba được chọn môn Kinh tế như một trong các môn tự chọn và nội dung các em được học sẽ rất gần gũi với cuộc sống, sẽ giúp các em ứng xử với những tình huống có thật hay ít nhất cũng hiểu được những gì đang diễn ra quanh em.

Bộ Giáo dục & Đào tạo đang chuẩn bị cho việc biên soạn lại chương trình và sách giáo khoa cho học sinh phổ thông. Không biết chương trình và sách mới sẽ như thế nào nhưng đọc thử sách giáo khoa hiện nay, có cảm tưởng như người lớn đã hình thành một số định kiến rằng học sinh phải học cái này hay cái kia để thành người hữu dụng. Kiến thức phải được sắp xếp, ấn xuống cho học sinh theo kiểu phải đi theo bài bản như thế này mới thành kiến thức. Lấy lại ví dụ cuốn “Giáo dục công dân” lớp 11, trong Phần 1 – “Công dân với kinh tế”, có cảm tưởng người soạn sách cứ nghĩ khi nói đến kinh tế thì một công dân điển hình phải biết “quy luật giá trị trong sản xuất và lưu thông hàng hóa”, phải nắm “nền kinh tế nhiều thành phần và vai trò quản lý kinh tế của Nhà nước”.

Chưa nói đến đúng sai trong kiến thức, thử tưởng tượng làm sao khơi gợi được lòng yêu thích kinh tế của học sinh bằng những khái niệm khô khan, mơ hồ và không gắn một chút gì với trải nghiệm của học sinh.

Trong khi đó, thử nhìn vào chương trình môn Kinh tế tự chọn của học sinh cấp 3 ở các nước như Singapore, các em được học những gì? Các em sẽ được học về “chi phí cơ hội” để nhìn lại những chọn lựa các em phải đưa ra hàng ngày với con mắt của “nhà kinh tế” – ví dụ, xem thử đi coi phim với bạn thay vì ở nhà làm bài tập thì “chi phí cơ hội” có phải chỉ là tiền vé hay hơn thế? Các em sẽ được học về “lợi thế so sánh” để biết vì sao sản xuất gạo ở Nhật đắt gấp chục lần nhập khẩu gạo từ nước khác, thế mà chính phủ Nhật vẫn phải bỏ tiền trợ cấp cho nông dân Nhật trồng lúa và dùng thuế cao cản trở hàng nhập khẩu.

Các em sẽ được học qua lạm phát, thất nghiệp, chu kỳ kinh tế, tăng trưởng. Các em sẽ được biết tiền được tạo ra như thế nào, ngân hàng hoạt động ra sao, chính phủ phát hành trái phiếu để vay nợ bằng cách nào…

Nhìn vào chương trình học này, ước gì các quan chức hay đại biểu Quốc hội cũng được học qua dù chỉ một hay hai học kỳ cũng giúp tránh những hiểu nhầm tai hại từng được phát biểu trên báo chí như kiểu tốc độ tăng trưởng phải cao hơn lạm phát bằng không lạm phát sẽ ăn hết tăng trưởng!  

Thế nên việc biên soạn chương trình và sách giáo khoa xin đừng rơi vào chỗ tranh luận mông lung, tốn công sức vào các khái niệm mơ hồ như “triết lý giáo dục”, “tinh thần tích hợp và phân hóa”, “phát triển phẩm chất và năng lực”…

Nên đi theo con đường mà mọi nước đã đi: đó là xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, xem các em cần những kiến thức nền tảng gì, cần các công cụ nào để tự tìm hiểu, tự học hỏi suốt đời. Vai trò của giáo dục bao giờ cũng là chuẩn bị cho người học bước vào đời cho nên thời Trung Cổ học sinh mới học tiếng La Tinh, đánh kiếm, cỡi ngựa, kể cả thuật giả kim…

Ngày nay để bước vào đời thành công cần rất nhiều kỹ năng mà nhà trường phổ thông không thể nào cung cấp trọn vẹn cho tất cả học sinh. Bởi thế điều đầu tiên chương trình có thể làm là xác định một  số - ít thôi – các môn học bắt buộc mà bất kỳ học sinh nào cũng phải theo học như Toán Văn… Còn lại là các môn tự chọn kể cả Lý Hóa hay Âm nhạc, Hội họa… Mỗi học sinh thoải mái chọn môn mà các em ham thích, miễn sao hoàn tất đủ số môn bắt buộc và số môn tự chọn là được tốt nghiệp. Lúc đó không cần phân ban, không cần phân luồng gì nữa cả.

Nếu xác định được một chương trình giảng dạy như thế, vai trò của ngành giáo dục là khuyến khích việc giới thiệu càng nhiều môn tự chọn càng tốt; trường nào có các môn như Lập trình, Kiến trúc, Mỹ thuật, Ẩm thực, Du lịch, Viết báo… càng dễ thu hút học sinh và xây dựng uy tín riêng cho mình.

Và tinh thần biên soạn chương trình và sách giáo khoa cho từng môn không phải là ấn từ trên xuống những kiến thức áp đặt mà xuất phát từ nhu cầu quay trở ngược lại thành kiến thức cần thiết. Lấy ví dụ môn Tin học, báo chí từng viết về chuyện nhà trường vẫn đang dạy những nội dung lạc hậu như lập trình bằng ngôn ngữ Pascal. Cũng không cần dạy quá cụ thể như cách sử dụng Windows XP, Office 2003 vì các kiến thức loại này nhanh chóng lỗi thời. Nếu được quyền biên soạn chương trình, nội dung đầu tiên mà người viết muốn học sinh nắm được là kỹ năng tìm kiếm thông tin trên Internet – đó là kỹ năng nền tảng cho các kiến thức khác.

Quay trở lại môn Kinh tế như một môn tự chọn, một học sinh đã học qua nhập môn kinh tế học ắt sẽ có đủ kiến thức để khuyên ông anh không nên chạy theo món mồi bán hàng đa cấp, bảo bà chị thận trọng với khoản vay tính lãi theo ngày vì lãi mẹ đẻ lãi con, tính dùm ông bố thực chất món hàng mua trả góp đó giá bao nhiêu, kiểm tra lại giúp bà mẹ cái hợp đồng bảo hiểm xem có hợp lý không.


Điều đó sẽ khơi gợi ở học sinh niềm thích thú tìm hiểu sức mạnh của kiến thức kinh tế để biết đâu em sẽ trở thành một nhà kinh tế hay một doanh nhân thành công trong tương lai. Hay ít ra em cũng chọn cho mình một lập trường đúng đắn trước các vấn đề thời sự như đầu tư xây dựng sân bay Long Thành hay thôi.

Cryptocurrency

  Phép thử tiền crypto   Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocur...