Friday, November 15, 2013

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau


Người hói đầu thường rất ghét từ bald nhưng nếu bạn tả họ chỉ hơi thin on top là họ hài lòng ngay. Đây chỉ là một trong muôn ngàn ví dụ cho việc tránh dùng từ chính xác vì những lý do tế nhị. Trong tiếng Việt ít khi ta nói toạc móng heo vì sợ phiền lòng người nghe thì trong tiếng Anh, người ta cũng tránh call a spade a spade nhất là trong giao dịch trên thương trường. Lối nói khéo này trong tiếng Anh gọi là euphemism (được định nghĩa là the substitution of a mild, bland, inoffensive expression for a blunt or harsh one).
Thường gặp nhất là trên các cáo phó; thay vì nói thẳng “somebody has died”, văn cáo phó dùng to depart this life, to pass away. Sau đó là các tính từ miêu tả thân thể người ta. Thay vì chê một người nào đó gầy gò (skinny) ta có một loại từ để chọn lựa, vừa chính xác, vừa dễ lọt tai hơn như lean, slender. Trong câu “an old man, very tall and spare, with an ascetic aspect” thì spare mang nghĩa tốt như kiểu “She has the spare figure of a marathon runner”. Tệ lắm thì dùng lanky (theo kiểu gầy mà thanh) chứ ai lại dùng những từ chỉ cảnh gầy trơ xương như skinny, scrawny, hay gaunt như câu “He had a long, scrawny neck that rose out of a very low collar”.
Chê một người chậm hiểu, thay vì dùng từ stupid ta có thể nói nhẹ nhàng, rằng anh ta hơi slow in his thinking. Kể chuyện bà xã có bầu nên dùng expecting hơn là pregnant. Ít ai dùng từ fat một cách thẳng thừng mà nên tả một cô trông portly hay stout. Hay nhất là dùng plump như trong câu a plump, rosy little girl. Nói chung những người bị khuyết tật thân thể không còn bị gọi là handicapped nữa. Họ chỉ là những người differently-abled mà thôi.
Trong ngoại giao, cách nói euphemism cũng rất thường được áp dụng. Như vụ các bà người Hàn Quốc bị lính Nhật bắt làm “comfort women” trong thời kỳ chiến tranh thế giới lần thứ hai. Hay như trước đây phương Tây thường chia thế giới làm hai loại quốc gia: phát triển (developed) và kém phát triển (underdeveloped) sau bị phản đối dữ quá nên mới đổi lại là developing (đang phát triển). Nói tóm lại, đây là những từ được xem là phải đạo (politically correct).
Có những từ nghe qua phải được chính giới ngoại giao dịch lại người ta mới hiểu; ví dụ the disadvantaged để chỉ người nghèo, underachievers để tả những người lười biếng, không chịu vươn lên, senior citizens là những người già lão, disturbed dùng cho những kẻ bị tâm thần.
Cũng do đó, những từ chỉ nghề nghiệp hàm ý coi nhẹ đều được đổi lại trong những năm gần đây. Secretary thành executive assistant; air hostess hay stewardress trở thành flight attendant; người quét đường từ street-sweeper hay garbage man thành sanitation engineer; gate-keeper thành security guard và bà đỡ - midwife thành birth assistant.
Trong phong trào phụ nữ bình đẳng với nam giới, các bà đã đòi thay hết những từ có chữ man thành person như chairman - chairperson; salesman - sales representative; mailman - mail carrier; fireman - firefighter. Thậm chí từ nhân loại - human race vì có man nên bị đề nghị đổi thành people và có người cực đoan đến độ đòi viết từ women thành womyn housewife được thay bằng home maintenance engineer! Dĩ nhiên trong thực tế đâu có ai nói như thế.
Thế nhưng có những thay đổi đã được nhiều người chấp nhận nhất là những từ liên quan đến vấn đề chủng tộc. Ngày nay đến Mỹ bạn sẽ không còn nghe từ American Indians để chỉ người dân da đỏ ở đây nữa, thay vào đó là Native American. Nếu ngày xưa đọc trong tiểu thuyết đôi lúc bạn bắt gặp từ nigger với ý miệt thị người da đen, bây giờ nếu xài từ đó hay thậm chí từ negro ở New York, bạn rất dễ bị đòn hội chợ. Nên tả họ bằng từ African (Afro-) Americans. Dân Eskimo cũng bị xúc phạm nếu bạn gọi họ bằng cái tên quen thuộc này, ngày nay họ được gọi là Inuit.
--------------
Trích từ cuốn “Chuyện Chữ & Nghĩa” vừa xuất bản trên Smashwords:

Mua ở Amazon: https://www.amazon.com/dp/B00GOWZE18


Cryptocurrency

  Phép thử tiền crypto   Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocur...