Friday, August 16, 2013

Tin bị sống, tức tin chưa chín!

Tin bị sống, tức tin chưa chín!

Đọc tin “Thành lập Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam” trên báo điện tử Chính phủ được nhiều trang web đăng lại, nhiều người trong đó có anh Lê Hồng Giang (Google Plus) không khỏi ngạc nhiên bởi Bảo hiểm tiền gởi Việt Nam đã ra đời từ 13 năm nay, sao bây giờ mới được thành lập?

Đây là một loại lỗi viết tin xuất hiện khá phổ biến trên báo chí Việt Nam, đó là đưa tin chỉ dựa vào văn bản mà không tìm hiểu ý nghĩa thật sự của văn bản, không chịu đối chiếu so sánh với văn bản cũ và không kiểm chứng thông tin thực tế. Vì khá phổ biến nên hãy phân tích trường hợp cụ thể này xem thử.

Bảo hiểm tiền gởi Việt Nam được thành lập từ năm 2000, dựa theo Quyết định số 218/1999/QĐ-TTg ngày 9-11-1999. Từ đó đến nay tổ chức tài chính này hoạt động bình thường, với mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền (mức bảo hiểm tối đa hiện nay là 50 triệu đồng).

Thế rồi năm 2012 Luật Bảo hiểm tiền gửi ra đời với nhiều quy định mới so với nghị định bảo hiểm tiền gởi trước đó. Đương nhiên cái quyết định cũ phải thay bằng một cái quyết định mới – đó là Quyết định 1394/QĐ-TTg mới toanh, ngày 13-8-2013, là đầu dây mối nhợ cho các bản tin nói trên.

Như vậy khi đưa tin về cái quyết định mới này, phóng viên không thể đơn giản chép một vài đoạn chính của quyết định để làm thành một cái tin được. Nhiệm vụ phóng viên là phải đọc và đối chiếu hai cái quyết định, đọc thêm Luật Bảo hiểm tiền gởi để xem thử điều gì là mới trong cái quyết định vừa được ban hành. Bạn đọc họ đâu có thời gian và năng lực tiếp cận văn bản và quan chức để làm chuyện đó; vì thế mới có báo chí thay mặt bạn đọc làm cho họ công việc đó.

Ví dụ, anh Lê Hồng Giang, sau khi đối chiếu đã nhận xét trên Google Plus: “Khi so sánh 2 quyết định thành lập thì thấy DIV (tức Bảo hiểm tiền gởi Việt Nam) sau quyết định này bị "giáng cấp" từ một cơ quan trực thuộc trực tiếp thủ tướng xuống thành một cơ quan cấp dưới của NHNN”. Một nhận xét khác của anh Giang: “Nhưng có lẽ thay đổi quan trọng nhất là mục 12 trong Điều 3 cho phép BHTG vay tiền của các tổ chức tín dụng để chi trả trong trường hợp không đủ tiền, hay nói trắng ra là bị phá sản (assets < liabilities). Có thể trước đây không ai nghĩ BHTG có thể lâm vào hoàn cảnh này, nhưng tình thế bây giờ đã khác”.

Tôi thì thấy vốn điều lệ của quyết định cũ là 1.000 tỷ đồng nay được nâng lên 5.000 tỷ đồng hay chuyện trong quyết định cũ thì Hội đồng quản trị của tổ chức này phải có hai ủy viên kiêm nhiệm là Thứ trưởng Bộ Tài chính (ông Trần Xuân Hà) và Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (ông Trần Minh Tuấn); quyết định mới không nói chuyện này nữa. Nay chỉ có Chủ tịch HĐQT là do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, các thành viên còn lại là chuyên trách hoặc kiêm nhiệm do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước bổ nhiệm.

Và chắc chắn phóng viên phải phỏng vấn ông Nguyễn Văn Thạch, Chủ tịch HĐQT hay ông Bùi Khắc Sơn, Tổng giám đốc Bảo hiểm Việt Nam hiện thời vài câu mới thành một cái tin hoàn chỉnh.

Cuối cùng, cái này mới lạ: Website Ngân hàng Nhà nước khi đưa tin này đã viết: “Ngày 13/8/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1394/QĐ-NHNN về việc thành lập Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam”. Quyết định của Thủ tướng mà có cái đuôi ký hiệu là NHNN? Để xem phải mất bao lâu, lỗi này mới được sửa.



Cryptocurrency

  Phép thử tiền crypto   Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocur...