Thursday, August 29, 2013

Lập lại kịch bản nào – BTA hay WTO?

Lập lại kịch bản nào – BTA hay WTO?
Lịch sử hội nhập kinh tế của Việt Nam chưa lâu nhưng đã cung cấp khá nhiều bài học. Ký Hiệp định Thương mại song phương (BTA) với Mỹ là bước ngoặc giúp Việt Nam ra khỏi nhiều năm dài trì trệ sau khủng hoảng tài chính khu vực, khu vực kinh tế tư nhân cất cánh, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ tăng vọt. Năm 2002, năm đầu tiên ký BTA, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng lên mức 2,4 tỷ đô-la, tăng bốn lần so với năm 1999 và xuất khẩu hàng may mặc năm đó là 952 triệu đô-la, tăng gần 20 lần so với mức 49 triệu đô-la của năm trước đó. Tính đến năm 2012, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt mức 20,3 tỷ đô-la, trong đó có 7,7 tỷ đô-la hàng dệt may (số liệu của AmCham Vietnam).
Ngược lại cột mốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) chỉ đánh dấu sự bùng nổ thị trường chứng khoán, địa ốc, ngân hàng thành những bong bóng mà di chứng vẫn còn lại đến nay. Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, tình hình kinh tế năm năm sau WTO thua xa năm năm trước đó về nhiều mặt, kể cả tốc độ tăng trưởng GDP, chất lượng tăng trưởng, xuất nhập khẩu. Xuất khẩu tăng nhưng phần tăng mạnh nhất rơi vào tay khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (năm 2012, tốc độ tăng xuất khẩu của khu vực FDI là 33,5% trong khi xuất khẩu trong nước chỉ tăng vỏn vẹn 1,3%, kim ngạch của nhóm FDI lên đến 63,9 tỷ đô-la so với nhóm trong nước – 42,3 tỷ đô-la).
Sự khác nhau giữa hai lần hội nhập này là gì. Là sự chuẩn bị và nỗ lực cải cách nền kinh tế một cách cơ bản ở lần đầu, đặc biệt là sự ra đời của Luật Doanh nghiệp và bước phát triển nhảy vọt của khu vực kinh tế tư nhân. Và là sai lầm trong định hướng chính sách ở lần sau khi nguồn lực được rót vào các doanh nghiệp nhà nước, để nơi này nhảy vào kinh doanh đa ngành nghề, bỏ quên năng lực chính. Ở lần đầu doanh nghiệp đầu tư làm hàng xuất khẩu vào Mỹ để tận dụng cơ hội BTA; ở lần sau cơ hội này rơi vào tay doanh nghiệp FDI vì doanh nghiệp trong nước bận mở rộng kinh doanh, nhảy vào ngành nghề trái cựa như địa ốc.
Vậy, có thể kỳ vọng gì ở lần hội nhập sắp tới khi Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương với 11 quốc gia khác?
Đó có thể là sự phục hồi của nền kinh tế nếu nhà nước có những bước đi chủ động chuẩn bị đón nhận cơ hội. Lấy ví dụ ngành may mặc đang lo lắng vì nguyên tắc phải dùng nguyên liệu nội khối. Nếu nhà nước chuyển hướng cho các tập đoàn kinh tế nhà nước đầu tư vào các ngành mới như sản xuất sợi, dệt, nhuộm và các loại nguyên phụ liệu khác thì cơ hội sẽ được tận dụng. Nếu nhà nước lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp đang cần sự hỗ trợ về mặt chính sách để tận dụng cơ hội thì sự thể có thể sẽ khác. Nếu nguồn lực xã hội không bị lãng phí vào chuyện giải cứu bất động sản hay ngân hàng hay tập đoàn kinh tế gần phá sản thì cơ may vẫn còn đó.
Nhưng đó cũng có thể là cơ hội mất đi vào tay các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đang rất nhanh nhạy tìm cách đầu tư đón đầu cơ hội. Với sự hậu thuẫn của chính phủ nước họ trên bàn đàm phán, có thể một lần nữa chúng ta lại thua ngay trên sân nhà.
Rất có thể xung lực từ tiềm năng trở thành thành viên của TPP sẽ lôi kéo đầu tư nước ngoài, cả trực tiếp lẫn gián tiếp, mạnh mẽ như thời mới vào WTO. Và cũng rất có thể doanh nghiệp trong nước một lần nữa nhảy vào các cơ hội ngắn hạn, mang tính đầu cơ chứ không nghĩ đến chiến lược kinh doanh lâu dài. Như vậy cơ hội hay thách thức chính là do nội lực của doanh nghiệp chứ không phải ai khác.
Một điều đáng buồn là cũng như lần gia nhập WTO, một trong những kỳ vọng của mọi người là sức ép từ đàm phán và thực hiện TPP sẽ giúp minh bạch hóa quá trình ra chính sách, quá trình đấu thấu mua sắp chính phủ, tạo dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước. Tại sao lại cần sự dựa vào sức ép TPP trong khi đây là những điều hoàn toàn nằm trong khả năng và tầm tay của chúng ta. Cái trở ngại chính là tệ nạn tham nhũng, là lợi ích nhóm trái phép và là lợi ích cá nhân. Vì thế chỉ nên xem TPP như là bộ lọc giúp phát hiện các tệ nạn này nhanh hơn, khách quan hơn và giải quyết triệt để hơn.
Bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, đã phải thốt lên tại buổi tọa đàm về TPP tuần trước tại TBKTSG: Câu hỏi lớn nhất với bản thân tôi mà tôi chưa giải đáp được là với TPP, chúng ta sẽ có kết quả như với BTA ký với Hoa Kỳ hay như thời điểm sau khi vào WTO… Với BTA thì chúng ta từ đáy dốc đi lên còn vào WTO rồi thì chúng ta từ đỉnh dốc đi xuống. Hiện chúng ta đang ở đáy dốc rồi nên mong muốn của tôi là TPP sẽ là cú hích mới như BTA chứ không phải theo kiểu của WTO.
Mong muốn có lẽ phải đi kèm với hành động thì kịch bản tốt nhất mới diễn ra.


Thursday, August 22, 2013

Ai có thẩm quyền cho phép cờ bạc?

Ai có thẩm quyền cho phép cờ bạc?

Đọc tin Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về hai dự thảo nghị định kinh doanh đặt cược, đua ngựa, đua chó, bóng đá quốc tế và nghị định về hoạt động kinh doanh casino, không khỏi nảy sinh thắc mắc: Các nghị định thường do Chính phủ chủ động soạn thảo và ban hành, vì sao với hai nghị định này lại phải thông qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội?

Hóa ra Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã nêu một ngoại lệ, tức có một loại nghị định đặc biệt mà việc ban hành phải được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đó là các nghị định của Chính phủ được ban hành để “Quy định những vấn đề cần thiết nhưng chưa đủ điều kiện xây dựng thành luật hoặc pháp lệnh để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội”. Loại nghị định không dùng để hướng dẫn thi hành một đạo luật nào đó được gọi là “nghị định tiên phát”.

Chuyện kinh doanh cá cược và chuyện đánh bạc có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội nên chắc chắn thuộc loại “nghị định tiên phát”. Nhưng liệu việc Ủy ban Thường vụ họp, cho vài ý kiến rồi đồng ý cho Chính phủ ban hành hai nghị định này như thế đã chặt chẽ chưa? Liệu hoạt động mang tính cờ bạc này được điều chỉnh bởi một nghị định là đủ chưa hay nên được chi phối bởi một luật hay ít nhất là một pháp lệnh?

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định rõ như trên nên quy trình mà Bộ Tài chính đại diện Chính phủ soạn hai nghị định là đúng thủ tục và trình tự nhưng nếu nhìn rộng ra thì việc Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển giao một phần quyền lập pháp cho Chính phủ như thế là chưa ổn trong một số trường hợp, đặc biệt ở trường hợp kinh doanh cá cược và casino cụ thể này.

Lẽ ra cần phải có những nghiên cứu tác động xã hội, những điều tra xã hội học, những khảo sát các mẫu dân số để trả lời các câu hỏi vẫn đang bỏ ngỏ: cho kinh doanh cá cược như thế liệu có dẫn đến các tệ nạn xã hội hay không; làm sao để hạn chế người nghèo, người đang nhận trợ cấp xã hội tham gia cá cược; đưa cá cược vào kinh doanh liệu có ảnh hưởng đến hoạt động xổ số hiện đang là nguồn thu ngân sách quan trọng của nhiều tỉnh?

Không thể phát biểu cảm tính kiểu mức cược tối thiểu 10.000 đồng là quá thấp, ai mà chơi; mức tối đa 1 triệu đồng không đáp ứng nhu cầu nên vẫn sẽ có cá độ ngầm… Tất cả những con số đó phải lượng hóa bằng các nghiên cứu khoa học, nghiêm túc và có hệ thống.

Vấn đề cho phép hay không cho phép người Việt vào chơi ở các sòng bài casino trong nước cũng vậy. Vừa dựa vào kinh nghiệm của các nước như Singapore, vừa phải nghiên cứu tâm lý ưa cờ bạc của dân ta để từ đó đưa ra những khuyến cáo khách quan, khoa học. Lãnh vực kinh doanh cá cược và nhất là kinh doanh casino có tiềm năng đem lại lợi nhuận lớn. Từ đó hoạt động vận động hành lang để tác động lên chính sách chắc chắn là có và không thể tránh được. Chuyển văn bản chi phối hoạt động của loại hình kinh doanh này từ một nghị định (dù loại đặc biệt phải có ý kiến đồng ý của Thường vụ Quốc hội) sang pháp lệnh hay luật là nhằm có sự bàn bạc rộng rãi hơn, tránh được các tác động vận động hành lang này.


Tuesday, August 20, 2013

Chuyện bầu Đức và HAGL

Vào cuối tháng 4-2013 tôi có nói chuyện khá lâu với ông Đoàn Nguyên Đức và sau đó có viết bài “Bầu Đức có xoay chuyển nổi HAGL?” đăng trên TBKTSG (số 18-2013, ra ngày 2-5-2013). Phần cuối bài này tôi có nhấn mạnh hai điểm: 1/Thông tin Global Witness có khả năng sẽ cho ra mắt báo cáo, cáo buộc HAGL sang Lào và Campuchia để trồng cao su nhưng còn lấy đất của người dân và phá rừng; 2/Việc cân đối dòng tiền vô ra là một bài toán lớn cho HAGL cho nên nếu họ thu xếp được với các nhà đầu tư và các ngân hàng thì triển vọng là có; còn nếu không họ phải bán các dự án để thu tiền mặt.

Hai tuần sau đó nổ ra chuyện Global Witness như mọi người đã biết và đầu tuần này bầu Đức phải tuyên bố bán nhiều dự án. Chuyện bán các dự án thủy điện hay ngành gỗ thì còn dễ hiểu nhưng với các dự án bất động sản, nghe trình bày cách tách các công ty con ra khỏi tập đoàn bằng cách lập công ty An Phú ôm dự án xấu để có tiền trả bớt nợ cho công ty mẹ thiệt là lùng bùng, khó hiểu. Có lẽ mục tiêu của HAGL cũng là bán tống các dự án bất động sản không sinh lời nhưng bán cách nào đó để khỏi ghi nhận lỗ, ít nhất trong vài ba năm tới cho xong cái dự án Myanmar rồi mới tính tiếp. Có lẽ phải đọc kỹ mới hiểu được cách tính toán trong vụ này. Tạm thời giờ đọc lại bài cũ, trước đây chưa đưa lên mạng.

Tái cơ cấu nhìn từ một doanh nghiệp
Bầu Đức có xoay chuyển nổi HAGL?
Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) là một ví dụ không điển hình khi một tập đoàn tư nhân trước đây chủ yếu chuyên về bất động sản nay muốn thoát ra, đổ tiền đầu tư vào cao su, mía đường, thủy điện… Nhưng liệu việc xoay chuyển này có thành công không khi dòng tiền bất động sản vẫn còn mắc nghẽn, dòng tiền của các ngành nghề mới chưa chảy về?
Câu chuyện giữa chúng tôi với Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HAGL bắt đầu xoay quanh những con số liên quan đến sức khỏe tài chính của tập đoàn tư nhân này. Nhưng xin để dành phần này đến giữa bài viết để kể ngay về quyết định “thoát” bất động sản của ông Đức.
Đoàn Nguyên Đức kể, thời điểm 2007, 2008 tiền đổ về ào ạt, “liên tục có mấy máy đếm tiền bị cháy” vì hoạt động hết công suất. “Tôi thấy thị trường phi lý quá, cứ bỏ ra 1 đồng là thu về 3 đồng. Mọi người vác tiền, chen nhau mua nhà, xếp hàng từ khuya. Cứ phát hành cổ phiếu là có thặng dư vốn, cứ có dự án là thu được tiền,” ông nói. “Tôi nghĩ - đã phi lý thì không thể tồn tại lâu dài. Vậy là năm 2007 tôi qua thăm dò cơ hội làm ăn bên Lào và đến năm 2008 đã bắt đầu trồng cao su ở đây”.
“Lúc đó nếu tôi không chuyển hướng mà vẫn bỏ tiền vào bất động sản, vào ngân hàng hay các dạng đầu tư tài chính khác thì nay đã bế tắc rồi,” ông nói. Chính lúc đó là lúc HAGL đưa ra các đợt bán phá giá làm rúng động giới bất động sản. “Đợt đầu tiên, tôi giảm đến 40%, vừa bán được mà vừa có lãi, những đợt tiếp theo tôi giảm giá để thoát khỏi các dự án này. Dĩ nhiên các đợt sau thì chỉ nhằm rút vốn chứ không còn lãi nữa,” bầu Đức nhớ lại. Tiền thu được bắt đầu được rót vào các dự án thủy điện, trồng cao su và trồng mía.
Riêng ở Myanmar, Đoàn Nguyên Đức thừa nhận ông gặp may. Ông kể: “Tôi từng qua Myanmar nhập gỗ từ năm 1997. Năm 2009 tôi trở lại thị trường này thì thấy trước sau gì họ cũng phải mở cửa bởi họ từng có một quá khứ huy hoàng, một nền tảng tốt. Lúc đó Myanmar còn nghèo lắm, phòng khách sạn chừng 35 đô-la. Còn nhớ Sài Gòn lúc mới mở cửa, các mảnh đất ngon đều lần lượt rơi vào tay người nước ngoài hết với giá rất rẻ. Tôi bèn quyết định mua đất ở ngay trung tâm Yangon”. Mảnh đất 74.000 mét vuông mà bầu Đức mua được một cách âm thầm là mảnh đất đầu tiên Myanmar bán theo dạng chỉ định, giá chỉ có 740 đô-la/m2. Mua từ đó nhưng đến năm 2012 ông Đức mới thông báo cho cổ đông biết. Nay cũng miếng đất đó, nghe nói giá đã lên 7.000 đô-la/m2.
“May ở chỗ nhờ tôi vào sớm, lại được Chính phủ hỗ trợ. Tôi cứ tưởng đến 2015, 2016 Myanamar mới chuyển mình, mình mua để đó chờ thời. Ai dè tình hình biến chuyển nhanh chóng, giờ giá phòng đã lên 250-300 đô-la/đêm,” bầu  Đức đưa ra ví dụ. Mảnh đất đó hiện đang được triển khai thành bốn dự án trung tâm thương mại, khách sạn và căn hộ…
Thế nhưng câu hỏi về sức khỏe tài chính HAGL vẫn cứ ám ảnh suốt câu chuyện của chúng tôi.
TBKTSG: Khoan nói chuyện nợ, chỉ riêng chuyện anh thường khoe HAGL luôn có trên 2.500 tỷ đồng tiền mặt chứng tỏ việc quản lý dòng tiền là có vấn đề chứ đâu phải điều hay?
Bầu Đức: Điều đó đúng. Nhưng chỉ đúng cho các thị trường bình thường. Ở một thị trường trong thời kỳ khủng hoảng, thiếu thanh khoản như Việt Nam, tôi phải thủ thế chứ. Duy trì 2.500 tỷ đồng tiền mặt là tốn kém (mất khoản 2% tiền lãi) nhưng đó là cái giá phải trả để có sự yên tâm.
TBKTSG: Thế nợ của HAGL là bao nhiêu, 20.500 tỷ đồng hay 16.500 tỷ đồng? (Bởi trong báo cáo tài chính đã kiểm toán, nợ đến cuối năm 2012 là 20.500 tỷ nhưng ở đâu, trên diễn đàn đại hội đồng cổ đông, bầu Đức đều dùng con số 16.500 tỷ đồng).
Bầu Đức: 16.500 tỷ đồng là nợ các ngân hàng và các tổ chức tín dụng; phần còn lại không hẳn là nợ, chẳng hạn là tiền người mua (nhà) trả trước.
Sau đó ông còn lý giải nhiều con số khác để cho thấy nợ sẽ giảm trong thời gian tới như chuyển trái phiếu của Temasek chuyển đổi thành cổ phần… nhưng chúng tôi nhấn mạnh, đúng là vấn đề không nằm ở con số, vấn đề là chi phí nuôi nợ như thế nào, dòng tiền tương lai ra sao?
Thật ra, tốc độ tăng nợ của HAGL là lớn, năm 2012, nợ tăng đến 32% và cho dù nợ cũ có giảm nhưng gánh nặng chi phí nuôi nợ hàng năm của HAGL vẫn còn rất cao. Bởi theo chính dự báo của HAGL, chi phí lãi vay năm 2012 là 495 tỷ đồng thì sang năm 2013 sẽ tăng lên 628 tỷ đồng và đến năm 2015 vọt lên 1.309 tỷ đồng. Trong khi đó, dòng tiền từ kinh doanh cuối năm 2012 chỉ khoảng 940 tỷ đồng nên việc cân đối dòng tiền vô ra là một bài toán lớn cho HAGL.
TBKTSG: Ngồi trên đống nợ như thế, anh có lo không?
Bầu Đức: Không, tôi hoàn toàn yên tâm bởi tôi biết mình vẫn đang kiểm soát tốt dòng tiền.
TBKTSG: Các nhà phát triển địa ốc khác, xây xong là bán, vì sao ông không làm như thế cho giảm bớt nặng nợ?
Bầu Đức: Tôi không bán vì vẫn còn tự tin sẽ xoay chuyển được. Còn nếu gặp khó khăn về tài chính, tôi vẫn sẵn sàng bán dự án đấy chứ. Ví dụ cái dự án ở Myanmar nay đã có thể bán với giá gấp 10 lần giá mua nhưng tôi không bán.
Vậy bức tranh tổng thể ở đây là gì? Sự chuyển biến, rút dần khỏi bất động sản sang các ngành nghề khác của HAGL là một quyết định đúng nhưng đi kèm đó là chi phí đầu tư rất lớn, kéo dài trong nhiều năm chưa tạo ra doanh thu.
Năm 2012 đã thể hiện rõ sự khó khăn đó. Lợi nhuận trước thuế của HAGL năm 2012 chỉ còn 525 tỷ đồng, thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Doanh thu năm  2013 cũng dự báo sẽ giảm 17,6% do doanh thu từ bất động sản giảm mạnh từ 2.829 tỷ đồng còn 518 tỷ đồng. Cơ cấu doanh thu nhìn chung đang đi theo hướng giảm mạnh bất động sản, tăng dần các ngành nghề khác (năm 2012 bất động sản chiếm đến 64% thì sang năm 2013 chỉ còn 14%). Nhưng vấn đề là các ngành nghề khác đã tạo ra được doanh thu chưa?
Mặc dù trồng cao su phải mất 5, 6 năm mới thu hoạch mủ nhưng nhờ HAGL trồng từ năm 2008 nên nay đã có chừng 7.000 hecta đang cho mủ trong khoảng 43.500 hecta đã trồng. Còn mía thì HAGL năm rồi trồng được trên 5.500 hecta, cũng ở Lào. Ông Đức tiết lộ một chiêu thức mà ông nghĩ đang đem lại cho ông lợi thế cạnh tranh. “Đường xuất từ Lào sang châu Âu không bị vướng quota, thuế lại bằng 0 vì châu Âu đang ưu đãi cho Lào và Campuchia trong khi đường xuất từ Việt Nam chịu thuế đến 40%. Hiện giá đường ở Việt Nam chừng 14.000 đồng/kg trong khi tôi đang bán đường với giá 14.500 đồng/kg cho Trung Quốc ở ngay tại nhà máy”. Về thủy điện thì cho đến nay chỉ có 4 dự án đã hoàn thành, công suất 141 MW trong tổng công suất của các dự án được cấp phép là 700 MW nên cũng không thể kỳ vọng gì nhiều từ chúng.
“Tiền đổ ra nhiều và liên tục trong những năm qua như thế tôi sốt ruột lắm chứ nhưng tôi tin chắc dòng tiền sẽ quay lại,” ông nói. Doanh thu từ cao su năm 2012 chỉ có 1% thì năm 2013 dự báo sẽ lên 14%, năm 2014 lên 23% và năm 2015 lên 30%; Mía đường năm 2012 chưa có doanh thu thì năm 2013 sẽ chiếm 18%, tăng lên 25% vào năm sau nữa.
Nói tóm lại, dòng tiền từ các ngành nghề khác đang tăng dần nhưng dòng tiền này cũng chưa đủ bù vào chi phí đầu tư (HAGL dự kiến trồng tiếp 7.000 hecta cao su và gần 4.500 hecta mía trong năm 2013).
Nếu HAGL thu xếp được với các nhà đầu tư và các ngân hàng như họ từng thu xếp trong những năm qua, triển vọng của HAGL là có, chẳng hạn, dự án tại Myanmar đến giữa năm 2014 là bắt đầu có doanh thu khối nhà văn phòng cho thuê. Nếu gặp khó khăn nữa thì HAGL có thể bán các dự án tốt để thu tiền mặt.
Chưa biết kết quả những năm tới như thế nào bởi mọi chuyện phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, chẳng hạn giá cao su hay giá đường cũng như tình hình ở Myanmar nhưng HAGL là một doanh nghiệp đáng quan sát và Đoàn Nguyên Đức đúng là một doanh nhân dám nghĩ, dám làm, biết quyết đoán khi cần để có những xoay chuyển ít ai dám nghĩ đến.
Năm 2011 người viết bài này được mời làm giám khảo cuộc bình chọn “Bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp” do Enrst & Young tổ chức, năm đó Đoàn Nguyên Đức được giải nhất. Nhưng riêng người viết đã không dành phiếu thứ hạng cao nhất cho ông vì vẫn còn băn khoăn các yếu tố môi trường do làm thủy điện hay chuyện phá rừng ngày xưa. Ngay cả trồng cây cao su cũng là một dạng tàn phá rừng.
Chúng tôi biết Đoàn Nguyên Đức sẽ tranh cãi lại, sẽ đưa ra những lý lẽ cho thấy ông không làm những chuyện đó (chẳng hạn, ông nói một công ty Nhật đã mua chứng chỉ phát thải CO2 từ một dự án thủy điện của ông để chứng tỏ dự án được kiểm soát nghiêm nhặt về yếu tố môi trường, rằng Lào chỉ giao rừng nghèo cho HAGL để trồng cao su…) nhưng câu hỏi vẫn được đặt ra cho ông, để thấy rằng công luận không quan tâm nhiều đến các con số tài chính. Cái còn đọng lại trong tâm trí mọi người là doanh nghiệp lấy gì từ xã hội và làm được gì cho xã hội. Đó mới chính là cái được mất lớn nhất của doanh nhân.
Khi bài báo này lên khuôn, chúng tôi nhận được thông tin Global Witness, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở Anh, có khả năng sẽ cho ra mắt một báo cáo trong đó cáo buộc rằng HAGL sang Lào và Campuchia để trồng cao su nhưng còn lấy đất của người dân và phá rừng, một việc được tổ chức này cho là có tác động xã hội tiêu cực. Trong khi chưa xác minh được nguồn tin này, chúng tôi vẫn thấy đây chính là loại rủi ro mà HAGL phải tính đến khi hoạt động trong những lãnh vực liên quan đến môi trường.



Friday, August 16, 2013

Tin bị sống, tức tin chưa chín!

Tin bị sống, tức tin chưa chín!

Đọc tin “Thành lập Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam” trên báo điện tử Chính phủ được nhiều trang web đăng lại, nhiều người trong đó có anh Lê Hồng Giang (Google Plus) không khỏi ngạc nhiên bởi Bảo hiểm tiền gởi Việt Nam đã ra đời từ 13 năm nay, sao bây giờ mới được thành lập?

Đây là một loại lỗi viết tin xuất hiện khá phổ biến trên báo chí Việt Nam, đó là đưa tin chỉ dựa vào văn bản mà không tìm hiểu ý nghĩa thật sự của văn bản, không chịu đối chiếu so sánh với văn bản cũ và không kiểm chứng thông tin thực tế. Vì khá phổ biến nên hãy phân tích trường hợp cụ thể này xem thử.

Bảo hiểm tiền gởi Việt Nam được thành lập từ năm 2000, dựa theo Quyết định số 218/1999/QĐ-TTg ngày 9-11-1999. Từ đó đến nay tổ chức tài chính này hoạt động bình thường, với mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền (mức bảo hiểm tối đa hiện nay là 50 triệu đồng).

Thế rồi năm 2012 Luật Bảo hiểm tiền gửi ra đời với nhiều quy định mới so với nghị định bảo hiểm tiền gởi trước đó. Đương nhiên cái quyết định cũ phải thay bằng một cái quyết định mới – đó là Quyết định 1394/QĐ-TTg mới toanh, ngày 13-8-2013, là đầu dây mối nhợ cho các bản tin nói trên.

Như vậy khi đưa tin về cái quyết định mới này, phóng viên không thể đơn giản chép một vài đoạn chính của quyết định để làm thành một cái tin được. Nhiệm vụ phóng viên là phải đọc và đối chiếu hai cái quyết định, đọc thêm Luật Bảo hiểm tiền gởi để xem thử điều gì là mới trong cái quyết định vừa được ban hành. Bạn đọc họ đâu có thời gian và năng lực tiếp cận văn bản và quan chức để làm chuyện đó; vì thế mới có báo chí thay mặt bạn đọc làm cho họ công việc đó.

Ví dụ, anh Lê Hồng Giang, sau khi đối chiếu đã nhận xét trên Google Plus: “Khi so sánh 2 quyết định thành lập thì thấy DIV (tức Bảo hiểm tiền gởi Việt Nam) sau quyết định này bị "giáng cấp" từ một cơ quan trực thuộc trực tiếp thủ tướng xuống thành một cơ quan cấp dưới của NHNN”. Một nhận xét khác của anh Giang: “Nhưng có lẽ thay đổi quan trọng nhất là mục 12 trong Điều 3 cho phép BHTG vay tiền của các tổ chức tín dụng để chi trả trong trường hợp không đủ tiền, hay nói trắng ra là bị phá sản (assets < liabilities). Có thể trước đây không ai nghĩ BHTG có thể lâm vào hoàn cảnh này, nhưng tình thế bây giờ đã khác”.

Tôi thì thấy vốn điều lệ của quyết định cũ là 1.000 tỷ đồng nay được nâng lên 5.000 tỷ đồng hay chuyện trong quyết định cũ thì Hội đồng quản trị của tổ chức này phải có hai ủy viên kiêm nhiệm là Thứ trưởng Bộ Tài chính (ông Trần Xuân Hà) và Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (ông Trần Minh Tuấn); quyết định mới không nói chuyện này nữa. Nay chỉ có Chủ tịch HĐQT là do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, các thành viên còn lại là chuyên trách hoặc kiêm nhiệm do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước bổ nhiệm.

Và chắc chắn phóng viên phải phỏng vấn ông Nguyễn Văn Thạch, Chủ tịch HĐQT hay ông Bùi Khắc Sơn, Tổng giám đốc Bảo hiểm Việt Nam hiện thời vài câu mới thành một cái tin hoàn chỉnh.

Cuối cùng, cái này mới lạ: Website Ngân hàng Nhà nước khi đưa tin này đã viết: “Ngày 13/8/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1394/QĐ-NHNN về việc thành lập Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam”. Quyết định của Thủ tướng mà có cái đuôi ký hiệu là NHNN? Để xem phải mất bao lâu, lỗi này mới được sửa.



Thursday, August 15, 2013

Đi về đâu, chính sách vàng?

Đi về đâu, chính sách vàng?
Tuần trước nhiều báo đặt câu hỏi “Vàng đấu thầu đi đâu?”. Thật ra, câu hỏi đúng phải là “Ngân hàng Nhà nước còn bán vàng đấu thầu được bao lâu nữa?”.
Trước sau gì chính sách bán vàng thông qua các phiên đấu thầu cũng phải chấm dứt, vấn đề là vào thời điểm nào. Sức ép chấm dứt bán vàng vào thị trường đến từ nhiều phía. Không một ngân hàng trung ương nào cứ lấy dự trữ ngoại hối nhập vàng về bán như thế. Chủ trương của NHNN là chống “vàng hóa”, là tách vàng khỏi hệ thống tiền tệ thì càng bán vàng cho thị trường là càng tiếp tay cho “vàng hóa”, là đưa một khối lượng lớn vàng vào nằm bất động trong khối tài sản của người dân nói chung. Hàng loạt lý do khác cho thấy NHNN không thể duy trì mãi việc bán vàng thông qua đấu thầu, đặc biệt nếu chúng ta tin rằng các ngân hàng thương mại đã tất toán xong trạng thái vàng, tức NHNN đã giúp các ngân hàng kết thúc chuyện huy động và cho vay bằng vàng như tuyên bố.
Bây giờ chúng ta thử hình dung việc gì sẽ xảy ra khi NHNN chấm dứt bán vàng mà vẫn giữ độc quyền nhập khẩu vàng? Một khi nguồn cung trong nước chấm dứt, giả dụ giá vàng thế giới không đổi thì giá vàng trong nước sẽ tăng vọt, chênh lệch giữa giá vàng quốc tế và giá vàng trong nước sẽ giãn mạnh thêm nữa. Lúc đó những ai nắm giữ vàng sẽ là người nắm giữ thị trường. Do NHNN độc quyền vàng, tức việc mua sẽ không dễ dàng, không người dân nào vội vàng bán số vàng họ đang cất giữ.
Nếu hình dung ra kịch bản như thế, chúng ta đã có thể trả lời ngay câu hỏi các báo đặt ra: “Vàng đấu thầu đi vào kho của những kẻ đầu cơ trường vốn, có tiềm lực tài chính mạnh”. Họ đang chơi một ván bài cân não với NHNN mà kết cục đã có thể đoán trước. Nếu không có chuyện đầu cơ thì sẽ không có chuyện NHNN bán vàng ra bao nhiêu cũng hết trong khi doanh số bán vàng lẻ của các ngân hàng và công ty là không đáng kể. Còn ai đầu cơ thì không ai biết được nhưng rất có thể họ dùng chính số vàng mới mua để thế chấp vay tiền mua vàng tiếp. Chính NHNN cũng đoán được đường đi của vàng đấu thầu nên mới có những biện pháp ngăn chặn đầu cơ như giảm số lượng mua tối đa của các bên dự thầu, buộc báo cáo tình hình kinh doanh mua bán vàng miếng của ngày liền kề trước đó, giao dịch vàng có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên phải báo cáo, giảm số phiên đấu thầu vàng trong tuần... Thực tế cho thấy lượng giao dịch vàng miếng toàn quốc chỉ chiếm một phần nhỏ lượng vàng do NHNN bán ra. Mà đã là dân đầu cơ với quy mô như thế thì các thủ thuật lách quy định nằm trong tầm tay của họ.
Vấn đề là NHNN nên làm gì trong bối cảnh như thế?
Ngưng bán vàng đấu thầu có nghĩa là thua giới đầu cơ, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới sẽ lớn đến mức kỷ lục. Tiếp tục bán thì sức chịu đựng của dự trữ ngoại hối đến đâu, áp lực lên tỷ giá sẽ như thế nào, mục đích chính sách một đằng mà thực hiện một nẻo thì giải thích làm sao cho Quốc hội?
Tính đến đầu tuần này, NHNN đã tổ chức 52 phiên đấu thầu, bán ra 53,9 tấn vàng (hơn 1,4 triệu lượng SJC). Giai đoạn các ngân hàng thương mại chưa tất toán trạng thái vàng của họ thì có thể lý giải NHNN bán vàng là giúp tránh một khủng hoảng thiếu hụt vàng trả cho dân như suýt đã xảy ra vào giữa năm 2012. Nhưng khi giai đoạn này chấm dứt, các ngân hàng đã tất toán xong trạng thái thì mọi việc lại diễn ra như thể đang có cuộc tấn công tiền tệ của giới đầu cơ và NHNN đang “phí đạn” chống đỡ với mục đích không rõ ràng.
Thiết nghĩ cách hay nhất là NHNN chấm dứt đấu thầu vàng theo cách hiện tại, cho phép nhập khẩu vàng nhưng đề xuất đánh thuế chừng 10% lên số vàng nhập khẩu (hay với mức thuế suất tương đương với chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới hiện nay). Với những biện pháp này, dân đầu cơ vàng sẽ chùn tay một khi biết được giá vàng trong nước sẽ liên thông với giá vàng quốc tế, chênh lệch sẽ duy trì ở một mức nhất định (là khoản thuế mà Nhà nước sẽ thu). NHNN cũng nhân đó thoát khỏi vai trò kinh doanh vàng rất “xa lạ” với chức năng của một ngân hàng trung ương.
Ngay cả Ấn Độ, đang đau đầu vì việc nhập vàng làm cán cân thanh toán của nước họ bị thâm hụt nghiêm trọng cũng không áp dụng cách cấm nhập, giành độc quyền bán vàng vào tay mình như NHNN. Họ chỉ đánh thuế và gây khó khăn cho nhà nhập khẩu trong việc mua ngoại tệ.
Giả thử chúng ta đặt mình vào vị trí của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), có thể hiểu NHNN muốn chia mục tiêu đối với vàng thành hai loại, ngắn hạn và dài hạn. Ngắn hạn, NHNN muốn chấm dứt chuyện ngân hàng huy động vàng, trả lãi cho dân vì nó làm méo mó chính sách tiền tệ, tác động lên tỷ giá; dài hạn, NHNN muốn người dân thôi cất giữ vàng mà chuyển tài sản thành tiền đồng gởi vào ngân hàng, hoặc đầu tư thành vốn làm ăn. Cả hai mục tiêu này xem ra đều đúng nhưng cách tiến hành có vấn đề. Nay đã bán vàng ra, cứ coi như thỏa mãn được mục tiêu ngắn hạn. Vậy dài hạn, cớ sao cứ bán vàng đi ngược lại mục tiêu của mình?
Các tuyên bố của quan chức NHNN về chuyện giá vàng sau “tất toán” đã không đúng với diễn biến thực tế. Thiết nghĩ, thừa nhận thực tế phức tạp hơn dự tính và điều chỉnh chính sách để đối phó với thực tế là chuyện bình thường, không nên cứng nhắc.


Friday, August 9, 2013

Ngoại lệ

Ngoại lệ
(Một số chuyện “nhỏ” về VAMC)
Để công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) hoạt động bình thường, người soạn chính sách phải tạo cho nó một số ngoại lệ. Ví dụ Nghị định 53 về thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC có nói, “không áp dụng quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp” đối với việc phát hành trái phiếu của VAMC bởi nếu không VAMC vừa mới ra đời, vốn ít làm sao đủ điều kiện phát hành hàng chục ngàn tỷ đồng trái phiếu đặc biệt để mua nợ của ngân hàng. Không có ngoại lệ này VAMC sẽ làm sai luật ngay.
Tuy nhiên Nghị định 53 vẫn quên trao cho VAMC một số ngoại lệ quan trọng khác. Ví dụ, quy định hiện hành nói, Thành viên Hội đồng thành viên ở các công ty nhà nước “Không là cán bộ lãnh đạo trong bộ máy nhà nước hoặc tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội...”. Thế mà Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC là ông Đặng Thanh Bình, một trong những Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đương nhiệm. Để thúc đẩy giải quyết nợ xấu có hiệu quả, lãnh đạo VAMC ắt phải là lãnh đạo NHNN kiêm nhiệm nhưng dù sao việc bổ nhiệm như thế vẫn là trái quy định, nên liệt kê rõ thành một ngoại lệ miễn trừ.
Lâu nay việc các cựu lãnh đạo doanh nghiệp hay cơ quan nhà nước về hưu vào làm cho các công ty tư nhân là chuyện bình thường. Nhưng ở hướng ngược lại, lãnh đạo các công ty tư nhân chuyển sang làm cho doanh nghiệp nhà nước hay cơ quan nhà nước thì hiếm lắm, có thể xem là ngoại lệ. VAMC dù mang danh là doanh nghiệp nhưng thật ra là một doanh nghiệp rất đặc biệt, mang tính cơ quan nhà nước nhiều hơn. Điều đáng nói là NHNN đã bổ nhiệm một số lãnh đạo các ngân hàng cổ phần sang làm lãnh đạo VAMC, như ông Lê Quang Châu- Giám đốc Ban Quản lý tín dụng thuộc Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); ông Đoàn Văn Thắng – Phó Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện – Liên Việt (LienVietPostBank); ông Bùi Tín Nghị, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn – Hà Nội (SHB), giữ chức Phó Tổng Giám đốc VAMC.
Việc bổ nhiệm này đáng hoan nghênh vì nó mở đường cho việc luân chuyển vị trí, điều hành công ty tư nhân rồi qua lãnh đạo cơ quan nhà nước, sau đó lại quay về với khu vực tư nhân – là một quy trình rất bình thường ở các nước.
Nhưng với VAMC, vẫn còn một điều cấn cái. Trong các quyền của VAMC có một quyền rất lớn, đó là yêu cầu ngân hàng bán nợ cung cấp thông tin, tài liệu. Liệu các ngân hàng thương mại cổ phần khác có yên tâm cung cấp thông tin cho người vừa mới đây là đối thủ cạnh tranh của mình? Đại diện một ngân hàng cổ phần nói, lấy gì bảo đảm sẽ có sự công bằng, không thiên vị. Không rõ các vị được điều chuyển nói trên có còn quyền lợi gì ở ngân hàng cũ, kể cả cổ phiếu hay quyền mua cổ phiếu mà lãnh đạo ngân hàng thường được ưu tiên mua. Có lẽ nên minh bạch chuyện này bằng những cam kết bảo mật, cam kết không có lợi ích cụ thể tại nơi làm cũ để mọi ngân hàng sẽ tin tưởng vào sự công tâm của các lãnh đạo VAMC.
Ở hướng ngược lại, giới nhân sự trẻ mong muốn một cơ hội thử thách khi làm việc cho VAMC, nơi sẽ có môi trường làm việc sôi động, căng thẳng khi mua vào hàng ngàn tỷ đồng nợ xấu, sẽ phải thất vọng quay lưng. Vi VAMC nói rõ trong thông báo tuyển dụng là chỉ tuyển sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học công lập. Lẽ ra, là một doanh nghiệp nhà nước, VAMC không nên có sự phân biệt đối xử với sinh viên tốt nghiệp đại học nước ngoài, đại học tư thục trong nước… Biết đâu đối tác mua lại nợ sau này là các quỹ đầu tư nước ngoài, lúc đó kinh nghiệm học, làm việc, thực tập ở nước ngoài lại là những phẩm chất mà VAMC cần tìm ở nhân viên để giúp đàm phán. Với nhưng tổ chức đặc biệt như VAMC thì bằng cấp đâu quan trọng bằng những cuộc phỏng vấn trực tiếp, những bài trắc nghiệm kỹ năng và thái độ làm việc, nhất là sự liêm chính.
Ngoại lệ sau cùng chúng tôi muốn đề cập là chuyện công khai tài chính của VAMC. Theo dự thảo Thông tư hướng dẫn chế độ tài chính đối với VAMC do Bộ Tài chính soạn thảo thì “công khai tài chính” có nghĩa “VAMC thực hiện quyết toán tài chính, lập và gửi báo cáo tài chính cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính” và ngay cả với báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán chỉ gởi cho Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước mà thôi.
Không biết Bộ Tài chính có tham khảo Nghị định 53 của Chính phủ chưa mà lại quy định như thế. Bởi Nghị định 53 có điều 24 nói về việc công khai, minh bạch của VAMC trong đó yêu cầu VAMC phải công khai báo cáo tài chính được kiểm toán độc lập hàng năm… Nghị định này còn nói rõ VAMC công bố các thông tin cần công khai (như báo cáo tài chính, các quy trình, phương pháp định giá nợ, tài sản, các quy trình, phương pháp bán nợ, tài sản, việc bán nợ, tài sản…) bằng cách họp báo, đăng tải trên trang tin điện tử của VAMC, niêm yết công khai tại trụ sở, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát hành rộng rãi dưới dạng ấn phẩm, tài liệu. Thật là cách hiểu khác nhau một trời một vực hai chữ “công khai”.
Một thông tư có nhiệm vụ làm rõ thêm một số điểm của Nghị định 53 thế mà lại hạn chế, ràng buộc, giảm bớt sự minh bạch, công khai đã được minh định trong Nghị định 53 là một ngoại lệ không thể hiểu nổi và dĩ nhiên là không thể chấp nhận được.


Wednesday, August 7, 2013

Lại chuyện báo chí

Lại chuyện báo chí

Chuyện nhà sáng lập Amazon, Jeff Bezos, bỏ 250 triệu đô-la tiền túi để mua tờ Washington Post đang nóng trên các tờ báo nước ngoài.

Chuyện báo đổi chủ không có gì mới. Trước đó, New York Times vừa bán tờ Boston Globe với giá 70 triệu đô-la mặc dù cách đó 20 năm phải bỏ ra 1,1 tỷ đô-la để mua (Nhưng theo tờ Business Insider, New York Times đâu có thu được 70 triệu đô-la bởi họ phải đảm nhiệm nghĩa vụ trả tiền hưu trí cho nhân viên Boston Globe đến 110 triệu đô-la. Cho nên hóa ra giá bán là ÂM 40 triệu đô-la Mỹ). Trước đó nữa IBT Media mua lại Newsweek với giá như cho không.

Chuyện kinh doanh cũng không phải là đề tài chính. Bởi Washington Post đang lỗ, sáu tháng đầu năm lỗ gần 50 triệu đô-la. Tờ Slate giả định Post cứ lỗ, tài sản Bezos giữ nguyên thì ông này đủ sức bù lỗ cho tờ báo thêm 250 năm nữa!

Chuyện Bezos và Washington Post nóng là vì dân làm báo đang trông chờ Bezos tạo ra phép lạ, mở ra một con đường kinh doanh mới cho báo chí như ông từng xoay chuyển từ ngành bán sách, bán băng đĩa đến bán lẻ trực tuyến mọi thứ và xuất bản sách. Amazon dưới bàn tay lèo lái của Bezos đã thay đổi hẳn thói quen đọc sách của hàng triệu người (qua sách điện tử và máy Kindle).

Trước tiên, người ta nhận định Bezos không phải là người chơi ngông, ưa nổi tiếng mặc dù xét về mặt tài chính, quyết định mua tờ Washington Post rõ ràng không thể hiểu nổi. Một nhà phân tích nói: “It is a combination of good will and real estate – I mean, good will in the moral sense, not the financial sense”. (Câu này có từ good will đáng chú ý: Goodwill trong tài chính là tài sản vô hình như giá trị thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ, mạng lưới khách hàng… Nhưng ở đây người nói muốn dùng theo nghĩa bình thường, khi đó good will là thiện chí). Nhưng rõ ràng Bezos không phải mua tờ Post vì lòng thương hại một di sản đang trên đà xuống dốc.

Có lẽ trước hết phải trả lời câu hỏi vì sao báo chí đang rơi vào thế kẹt như hiện nay. Tờ Slate nói đúng khi cho rằng báo chí từng sống được nhờ kết hợp hai loại thông tin: thông tin sẵn có, chi phí thu thập không bao nhiêu như giá cổ phiếu, kết quả thể thao, thời tiết, lịch giải trí, thậm chí đến đoán số tử vi; bên kia là tin bài tổ chức công phu, chi phí thực hiện cao như các bài điều tra, phân tích, tổng hợp… Báo chí từng hưởng thế độc quyền cung cấp thông tin loại đầu, lấy tiền độc giả mua báo để tài trợ cho loại thông tin sau, khéo cân đối thì có lãi.

Nhưng nay Internet đã làm loại thông tin đầu phổ biến đến nỗi bất kỳ ai cũng tiếp cận được, hoàn toàn miễn phí. Nay đang là giai đoạn mọi người, do hưởng thông tin loại có sẵn miễn phí trên mạng nên bỏ qua loại thông tin sau, hoặc đòi nó cũng phải được miễn phí luôn. Nay cũng là giai đoạn các báo hoặc cho miễn phí hết hoặc đang loay hoay khóa bài, tính tiền đọc. Vậy là bế tắc, báo thua lỗ, người đọc rời bỏ báo in, báo mạng chưa làm ra đủ tiền để trang trải chi phí.

Các nhà báo kỳ cựu vẫn đang tin rằng nhân loại sẽ luôn cần báo chí, cần những nhà báo lọc giùm họ những thông tin nhiễu, những thông tin tạp nham, thay họ tiếp cận những nguồn tin người bình thường không thể tiếp cận. Nhưng làm cách nào, chọn mô hình nào thì ai nấy đều đang lúng túng.

Từ đó mới thấy kỳ vọng của nhiều người vào Jeff Bezos là rất lớn. Ông đã nghĩ ra các mô hình kinh doanh mới, từ các chuyện ai cũng biết trên Amazon đến những dịch vụ ít người biết hơn như cho thuê chỗ trên hệ thống máy chủ khổng lồ của Amazon, cho thuê kho hàng, hệ thống logistics bán hàng để ai cũng có thể bán hàng qua Amazon… Ít nhất Bezos cũng sẽ tìm cách bỏ từ “paper” (giấy) trong “newspaper” (báo) để chỉ còn news rồi tìm cách vận chuyển news đó đến tay người đọc có thu phí. Một cách khác nữa là “cá nhân hóa” tin tức để mỗi người nhận tin họ quan tâm ngay trên thiết bị riêng của họ.

Ý định của Bezos hé lộ phần nào trong bức thư ông gởi cho nhân viên Washington Post với hai ý liên quan đến nghề báo.

Ý đầu là chuyện cũ, Bezos khẳng định lại một nguyên tắc quan trọng: “Những giá trị của tờ The Post không phải thay đổi. Nghĩa vụ của tờ báo vẫn là với độc giả chứ không phải với lợi ích riêng của người chủ sở hữu nó”.

Ý thứ hai là chuyện mới, tương lai của báo chí: “Internet đang biến đổi hầu như mọi yếu tố của ngành báo chí: chu kỳ tin tức ngắn hơn, các nguồn doanh thu truyền thống đang cạn kiệt dần, và đang tạo điều kiện cho những loại hình cạnh tranh mới, có cái không hay ít tốn chi phí sản xuất tin. Không có sẵn lộ trình nào và vạch ra con đường tiến lên sẽ không dễ. Chúng ta cần sáng tạo, có nghĩa chúng ta cần thử nghiệm”. Con đường thử nghiệm mà Bezos muốn nhắm tới là nhu cầu người đọc, xem họ cần gì để từ đó sáng tạo ra những chiêu thức mới. Hãy chờ xem một người từng biến đổi ngành bán sách, bán lẻ qua mạng cũng như xuất bản sách trực tuyến sẽ làm được gì với ngành báo chí.

*                      *                      *
Trong khi đó, không thể không nói về chuyện báo chí nước nhà. Ngoài cái vấn nạn độc giả dần bỏ báo in, chuyển qua báo mạng như ở các nước khác trên thế giới, báo chí Việt Nam còn phải đối đầu với nhiều vấn đề hóc búa khác như cạnh tranh bằng các chiêu thức câu khách rẻ tiền, trắng trợn, bá đạo. Nhưng lớn nhất vẫn là vấn đề bản quyền. Một khi chưa ngăn được các trang tin tổng hợp sao chép bài của báo một cách dễ dàng, vô tội vạ, làm sao nghĩ đến các mô hình kinh doanh tin tức qua mạng, kiểu khóa bài như New York Times.

Cái này ai cũng thấy từ lâu, chỉ có giới quản lý là mới ý thức được tầm quan trọng của bản quyền đối với tương lai của cả ngành báo chí.

Đoạn dưới, xin chép lại một mẩu đã đưa lên Facebook, có liên quan:

Thấy tờ VTC đưa tin không thể không viết vài dòng: “Tại hội nghị giao ban quản lý nhà nước Bộ TT&TT tháng 7, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ TT&TT báo cáo thực trạng hoạt động của trang thông tin điện tử và mạng xã hội, đồng thời đề xuất giải pháp ngăn chặn và chế tài xử lý những hoạt động báo chí trái phép”.

Có chuyện trái khoáy đó chính là do các cơ quan nhà nước cho phép sự ra đời, tồn tại và hoạt động của các trang thông tin điện tử tổng hợp. Sự bát nháo nếu có chủ yếu là do chính sách lỏng lẻo chứ đâu cần tìm nguyên nhân gì sâu xa.

Đầu tiên là Nghị định 97 (năm 2008) tự nhiên cho phép: “Trang thông tin điện tử tổng hợp là trang thông tin điện tử trên Internet của tổ chức hoặc doanh nghiệp cung cấp thông tin tổng hợp về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trên cơ sở trích dẫn lại thông tin từ nguồn chính thức của các cơ quan báo chí hoặc từ các trang thông tin điện tử của các cơ quan Đảng và Nhà nước”. Nghị định 72 mới toanh cũng lập lại gần như thế.

Nói “tự nhiên cho phép” là bởi tin trên báo chí đâu có thuộc quyền sở hữu của các cơ quan nhà nước (nó thuộc quyền sở hữu của cơ quan báo chí), thế mà tự nhiên nghị định lại cho phép các trang thông tin điện tử tổng hợp đăng lại ngon ơ. Một khi đã cho phép như thế (dù có nói phải tuân thủ pháp luật về sở hữu trí tuệ) thì trước sau gì các trang này cũng sao chép, và sao chép chưa đủ nhu cầu thì tự hoạt động như một cơ quan báo chí – đó là cái lẽ rất thường tình. Lẽ ra chỉ nên có loại hình trang web doanh nghiệp và trang web của doanh nghiệp thì nói chuyện hoạt động của doanh nghiệp và đăng tải các thông tin chính sách liên quan đến họ. Không có lý do gì để cho phép họ đăng lại tin trên các báo? Không lẽ để cho họ cái quyền cướp lấy thông tin mà các báo phải dày công tổ chức thực hiện.

Không có một lý lẽ nào mang tính thuyết phục cho sự tồn tại loại hình trang tin điện tử tổng hợp. Bởi tin tức trên các trang báo điện tử chính thức đâu có bị giới hạn bởi không gian hay thời gian để mà khuyến khích có nơi nhân bản tin tức ra? Cho phép loại hình này là gián tiếp cho phép sự vi phạm bản quyền, sự bát nháo trong cạnh tranh câu khách bằng tin giật gân, tin nhảm nhí, tin mà “chính người viết cũng không dám cho con em mình đọc”.


Bây giờ giải quyết làm sao? Chấm dứt chuyện nửa dơi nửa chuột này, cái nào đủ điều kiện thì cấp phép làm báo điện tử; cái nào không đủ điều kiện thì đóng cửa. Đơn giản như vậy chứ đâu có gì phải “đề xuất giải pháp”.

Saturday, August 3, 2013

Chính sách phải vì con người

Chính sách phải vì con người
Chỉ từ một lời giải thích thiếu chính xác của quan chức Bộ Thông tin Truyền thông về Nghị định 72 mà nay báo chí nước ngoài tràn ngập thông tin sai lệch, vẽ nên một hình ảnh rất ngớ ngẩn: “Vietnam adopts regulations to ban Internet users from sharing news reports online”. Không thể trách họ viết sai vì họ dịch nguyên văn: các trang thông tin điện tử cá nhân “… is not allowed to provide compiled information” (không cung cấp thông tin tổng hợp); thậm chí khi trích phát biểu đầu tiên của ông Hoàng Vĩnh Bảo, họ cũng trích lại từ báo trong nước: “and are not allowed to ‘quote’, ‘gather’ or summarise information from press organisations or government websites”.
Loại tin Việt Nam cấm người dùng Internet chia sẻ thông tin, trích dẫn thông tin như thế đang tràn ngập, hầu như báo nào cũng đăng vì thuộc loại tin gây tò mò, tin lạ, tin hiếm. Tờ Telegraph chơi luôn một cái sa-pô rất “ấn tượng”: “Vietnam is to ban bloggers and social media users from sharing news stories, in a further crackdown on online freedom”.
Người dùng trong nước hiểu sai thì còn thuyết phục họ đọc lại Nghị định 72 và hiểu cho đúng (như thông tin tổng hợp không phải là compiled information; trích dẫn không phải là quote) nhưng báo chí nước ngoài phạm vi rộng mênh mông như thế làm sao nói cho họ hiểu hết được và giải thích như thế thì ai nghe!
Theo tôi Bộ TTTT phải kỷ luật quan chức giải thích sai trong cuộc họp báo đầu tiên vì phải nói đã gây hậu quả nghiêm trọng. Xong rồi phải gởi thư đến các báo nói sai yêu cầu họ nói lại cho rõ. Nếu cần phải tổ chức họp báo mời các hãng tin nước ngoài đến. Ngoài ra phải chỉnh sửa lại Nghị định 72 cho chặt chẽ, rõ ràng, tính khả thi cao chứ để nguyên như vậy vẫn còn nhiều điểm mơ hồ. Tôi có viết sơ về chuyện này trên Facebook:
… Nhiều đoạn trong Nghị định này soạn không kỹ, mơ hồ, dễ gây tranh cãi.
Ví dụ khi nói “trang thông tin điện tử cá nhân… không cung cấp thông tin tổng hợp”, người ta phải quay lại định nghĩa “thông tin tổng hợp” là gì. Nhưng đọc xong định nghĩa (thông tin tổng hợp là thông tin được tổng hợp từ nhiều nguồn thông tin, nhiều loại hình thông tin về một hoặc nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội) sẽ không thấy sáng tỏ gì thêm. Không lẽ tôi tổng hợp thông tin xuất nhập khẩu của Việt Nam từ nhiều nguồn rồi đăng lên trang cá nhân của mình mà không được sao?
Một nguyên tắc của định nghĩa là phần giải thích không thể dùng thành phần cần định nghĩa lập lại trong phần định nghĩa để giải thích – cái này là nguyên tắc sơ đẳng ai cũng biết. Nói “thông tin tổng hợp” là “thông tin được tổng hợp…” thì hài quá.
Ở đây người soạn ý muốn nói đến “news aggregator” như kiểu Báo Mới (bán tự động) hay như CafeF (bán thủ công). Vậy thì phần định nghĩa phải viết lại toàn bộ. Thứ hai, đưa điều cấm “không cung cấp thông tin tổng hợp” thì phải minh định rõ, mục đích là gì? Nếu để giúp bảo vệ bản quyền thì lời văn sẽ khác (và thật ra đã có văn bản khác lo chuyện này rồi); nếu để ngăn chận việc “làm báo trá hình” thì phải viết khác (và chắc chắn chuyện này không chặn được); nếu muốn dẹp các trang mạo danh các quan chức cấp cao thì cũng phải viết khác. Nói chung kỹ năng soạn văn bản ở đây còn có nhiều vấn đề.
Một ví dụ khác, ở phần “Đăng ký tên miền”, Nghị định nói sẽ tuân thủ nguyên tắc “bình đẳng, không phân biệt đối xử”, “đăng ký trước được quyền sử dụng trước”. Thế nhưng ngay sau đó lại nói “Tên miền là tên gọi của tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước chỉ dành cho tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước; tổ chức, cá nhân khác không được đăng ký, sử dụng tên miền này”. Quy định này cũng hợp lý thôi nhưng muốn vậy, phần nói về nguyên tắc ở trên phải có đoạn loại trừ (để loại trừ tên gọi của tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước ra, áp dụng quy định ở đoạn sau). Cái này cũng là nguyên tắc soạn văn bản pháp luật sơ đẳng. Còn soạn ở mức cao cấp hơn, phần tên gọi nói trên phải quy định rất rõ (tên đầy đủ, tên tắt, tên tiếng Anh, tên tắt tiếng Anh, phần phân biệt trong tên…) thì mới tránh được các tranh cãi sau này.
Nói chung đây là cách làm không vì người dân mà chỉ muốn sao cho thuận lợi trong công tác quản lý; khi soạn văn bản, cái mục đích luôn hiện trước mắt là sao cho xong việc của mình chứ không bao giờ nghĩ đến lợi ích, nhu cầu, suy nghĩ hay cuộc sống người dân nói chung. Cứ giữ cách nghĩ như thế thì sẽ còn sai sót dài dài. Phần sau là một đoạn tôi viết trước nay bỏ vào đây vì cùng chủ đề này.
*                      *                      *
Một cách khá ngẫu nhiên hai ngành giáo dục và y tế trong thời gian qua có nhiều chính sách mà chỉ vừa mới ban hành đã gặp phải sự phản đối của công luận. Có thể thấy cái chung nhất của những chính sách hay chủ trương này là không xuất phát từ lợi ích của người dân mà nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước hay do quán tính muốn đối phó với dư luận.
Khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo muốn giám đốc sở ở 63 tỉnh thành cùng cam kết không để tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông cao hơn những năm trước, mục đích chưa chắc đã là chống tiêu cực như giải thích. Rõ ràng mục đích là không để địa phương nào bỗng có tỷ lệ tốt nghiệp cao hơn hẳn năm trước, khơi gợi sự tò mò của báo chí và công luận sẽ vào cuộc, lên án tình hình tiêu cực trong thi cử dẫn tới sự dễ dãi cho tốt nghiệp cao này. Mục đích rõ ràng là tạo sự bình thường, và từ đó sự yên thân không bị công luận quá chú ý đến kết quả thi tốt nghiệp.
Giả thử lãnh đạo Bộ trước khi đưa ra chủ trương này, đặt mình vào vị trí của người học sinh sắp thi tốt nghiệp. Các em đâu cần biết bức tranh tổng quát tỉnh mình sẽ đỗ bao nhiêu, so với năm trước là như thế nào. Các em chỉ muốn bài thi được chấm một cách khách quan trung thực nhất. Điểm các em như thế nào các em mong muốn được thừa nhận như thế đó. Trong bối cảnh có cái cam kết lạ đời không để tỷ lệ tốt nghiệp cao hơn năm trước, thử hỏi ai mà không lo lắng chủ trương này sẽ ảnh hưởng đến việc chấm điểm như thế nào, chặt hơn, dễ dãi hơn, so đo, tính toán hơn? Toàn là những nghi ngại rất có cơ sở mà lãnh đạo Bộ phải hiểu và ý thức được cái tác hại của một chủ trương gây ra.
Một dẫn chứng khác. Khi Bộ trưởng Y tế đề nghị công an vào cuộc, điều tra nguyên nhân gây ra cái chết của 3 trẻ sơ sinh sau khi tiêm chủng ngừa viêm gan B tại Quảng Trị, chủ trương này xuất phát từ lợi ích của ai - người dân hay của bản thân lãnh đạo Bộ? Nếu mục đích của việc công an điều tra là nhằm làm rõ ai chịu trách nhiệm để trừng phạt thì nó chỉ phục vụ cho việc quản lý của Bộ, hay đúng hơn là để tìm ra chỗ trút trách nhiệm gây ra sự việc.
Nhưng đòi hỏi của công luận hiện nay không phải là tìm ra địa chỉ chịu trách nhiệm như thế. Các bậc cha mẹ có con phải tiêm chủng đều mong muốn mọi việc sáng tỏ: chủng ngừa có an toàn không, việc sản xuất vaccine có đúng quy trình, quy chuẩn không, có gì sai sót trong quá trình vận chuyển, bảo quản và sử dụng vaccine không, quy trình chủng ngừa có đúng không, người tiêm chủng cần được huấn luyện gì trước và sau khi tiêm chủng cho trẻ… Mục đích của chủ trương điều tra vụ việc phải là như thế và khi đó vai trò chủ chốt không phải là công an nữa mà vai trò chính là ngành y tế với đầy đủ thẩm quyền về chuyên môn.
Nếu Bộ trưởng Y tế xuất phát từ lợi ích thật sự của người dân khi cân nhắc chủ trương, sẽ thấy ngay việc gì nên làm, việc gì không nên làm chứ không cần sự thúc ép của dư luận.

Có thể khái quát: các quan chức trong bộ máy quản lý nhà nước nên dùng phép thử để đo lường mức độ tiếp nhận của xã hội đối với các chủ trương, chính sách mà mình sắp đưa ra. Nếu họ xuất phát từ lợi ích cục bộ, của cơ quan hay bản thân họ, chắc chắn các chủ trương chính sách này sẽ bị phản ứng. Ngược lại, nếu họ dựa trên lợi ích chính đáng của người dân, họ có thể yên tâm công luận sẽ đón chào những gì họ đưa ra và ủng hộ hết lòng.

AI - hype and reality

  AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...