Sunday, June 23, 2013

Trung Quốc sắp chịu khủng hoảng tài chính?

Trung Quốc sắp chịu khủng hoảng tài chính?

Bài “Say Hello to China's Brewing Financial Crisis” của tờ Foreign Policy có dùng những cấu trúc tiếng Anh và thành ngữ đáng chú ý. Có lẽ tác giả muốn dùng cách hành văn bay bướm để bù vào sự khô khan của đề tài?

Câu mở đầu là một ví dụ điển hình: “In the global economy these days, there are known unknowns, unknown unknowns, and then there's the Chinese credit market”.

Hãy bắt đầu bằng một câu có cấu trúc đơn giản hơn: “There are friends and then there are friends”. Ý nói ai cũng có bạn nhưng chỉ có một số ít là bạn thật sự. Một câu khác: “There's football and then there's football” có hàm ý trận đấu đang được nhắc đến là tuyệt vời, là số một từ trước tới nay. Như vậy cấu trúc “There’s A and then there’s A” muốn nhấn mạnh cái A cụ thể ở vế sau là vượt trội, là hơn hẳn cái A thường thấy.

Câu trong bài báo vừa dùng cấu trúc đó, lại vừa chơi chữ, ý nói, trong thời buổi kinh tế toàn cầu [khó khăn] này, có nhiều cái chưa rõ mà ai cũng biết, có nhiều cái chưa rõ chưa ai biết (tức nhấn mạnh đến yếu tố ẩn số, bí ẩn, mơ hồ) nhưng thị trường tín dụng Trung Quốc mới thật là bí ẩn hơn cả.

Phần sau, tác giả thích dùng các phrasal verbs rất thông dụng, dễ bỏ sót.

Ví dụ, sau khi nhắc đến hiện tượng lãi suất liên ngân hàng Thượng Hải tăng vọt, tác giả nói: “its surprising rise on Thursday has reinvigorated fears that the Chinese banking system is far more rickety than Beijing would like to let on”. Cụm từ “let on” là “muốn tiết lộ”.

Hay, tình hình xập xệ của hệ thống ngân hàng Trung Quốc cũng do nợ xấu mà ra, nhưng “The problem is that very little is known about just how much debt Chinese banks have taken on amid that country's infrastructure-fueled growth”. “Take on” ở đây là “nhận lãnh”.

Câu tiếp thì có cụm từ “make good”: “a slight slowdown in the country's economy could prevent debtors from making good on their loans”. “Make good” là lo xoay xở trả được [nợ].

Trong câu này tác giả không dùng thành ngữ mà dùng điển cố: “Charlene Chu, a senior China analyst at Fitch, has emerged as a leading Cassandra on the Chinese economy”. Cassandra là một vị nữ thần có tài tiên đoán sự việc nhưng không ai tin cả. Tuy nhiên, câu này ý nói Charlene Chu là chuyên gia từng đưa nhiều dự báo bi quan về nền kinh tế Trung Quốc nhất, chứ không phải lời dự đoán của bà không ai nghe.

Về nội dung, bài báo cho rằng việc Mỹ tuyên bố sẽ dần chấm dứt chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ làm cho nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng. Một khi tiền không còn dồi dào, nhà đầu tư sẽ rút vốn ở các thị trường đang phát triển để quay về các thị trường phương Tây. Trong khi đó bong bóng tín dụng ở Trung Quốc có thể vỡ tung, bắt đầu bằng chuyện các ngân hàng không chịu cho nhau vay nữa, đẩy lãi suất liên ngân hàng lên cao, nợ xấu bộc lộ, giá bất động sản sụt giảm, kinh tế chựng lại và các ngân hàng Trung Quốc sẽ là nạn nhân đầu tiên của cuộc khủng hoảng đang dần lộ diện này. Hãy chờ xem bài báo này có phải là một Cassandra hay không.



Saturday, June 22, 2013

Khi “room” không phải là “room”

Khi “room” không phải là “room”

Không biết từ đâu trong kho từ vựng tài chính – chứng khoán của Việt Nam có thêm từ “room” được dùng theo nghĩa “tỷ lệ sở hữu cổ phiếu tối đa (đặc biệt của các công ty niêm yết) [dành cho nhà đầu tư nước ngoài]”. Các câu như “Tháng tới sẽ đề xuất Chính phủ nâng room cho khối ngoại”, “Nới room  ngân hàng cho khối ngoại”… xuất hiện thường xuyên trên báo chí chính thống, thậm chí trong phát biểu của các quan chức nữa.

Trong khi đó, thuật ngữ tài chính – chứng khoán nước ngoài không có chữ “room” dùng theo nghĩa này. Các hãng tin khi tường thuật cùng nội dung như báo trong nước họ dùng từ theo cách bình thường như “foreign ownership limit”, “ceiling ownership for foreign investors”…

Có lẽ ban đầu người ta dùng từ “room” theo kiểu tiếng Anh giao tiếp (chỗ, còn chỗ) (There is no more room for foreign investors in that company), rồi quen miệng nói qua tiếng Việt luôn. Biết đâu lâu ngày tiếng Anh lại chấp nhận từ này theo nghĩa mới!!! Chỉ có điều khi chuyện đó chưa xảy ra, khi nói bằng tiếng Anh, đừng dùng từ “room” theo nghĩa nói trên kẻo người ta không hiểu gì hết.

*                      *                      *

Xin kể thêm một số từ tiếng Anh và tiếng Việt nhìn qua tưởng tương đương trong khi thực tế trái nghĩa nhau rất dễ gây hiểu nhầm.

- Từ “xã hội hóa” mà dịch thành “socialization” nghe hay quá gì nữa? Nhưng thực tế hai từ này có nghĩa khác nhau xa. “Xã hội hóa” trong tiếng Việt có nghĩa mở cửa những lãnh vực trước đây chủ yếu của nhà nước lo, nay mời tư nhân hay tổ chức khác tham gia. Chẳng hạn khi nói xã hội hóa các hoạt động y tế, có nghĩa cho phép mở phòng khám tư, bệnh viện tư, cho tư nhân tham gia đầu tư mua sắm máy móc để cùng kinh doanh… Xã hội hóa còn hàm nghĩa… thu tiền chứ không miễn phí như xưa!

“Socialization” trong tiếng Anh lại có nghĩa một quá trình cá nhân tương tác với xã hội, tiếp thu các chuẩn mực, giá trị của xã hội để sống với người khác như một thành viên xã hội. Ngoài ra, còn có từ “socialized medicine” lại có nghĩa chính phủ can thiệp điều hành hệ thống y tế để có thể chăm sóc cho tất cả người dân bằng tiền thuế (cho nên hàm ý ngược lại nghĩa của từ tiếng Việt).

- Từ “thương mại hóa” trong tiếng Việt thường hàm ý chê bai, như “thương mại hóa” giáo dục, “thương mại hóa” báo chí. Ý muốn nói đây là những lãnh vực lẽ ra là phi lợi nhuận, không nên dùng làm phương tiện để làm giàu, kiếm lợi nhuận nhưng đã bị “thương mại hóa”. Trong khi đó, “commercialization” trong tiếng Anh chỉ là quá trình đưa một sản phẩm hay một phương pháp sản xuất vào kinh doanh. Ví dụ một người làm ra cái máy cắt cỏ nhỏ gọn, nay tìm đối tác có vốn để cùng nhau “thương mại hóa” sản phẩm.

- Như một post trước tôi có nói sơ qua, hóa ra “criminalization” không phải là hình sự hóa theo kiểu chúng ta thường hiểu; nó chỉ là quá trình định danh một tội phạm vào luật hình sự đi kèm là mức phạt tù hay tiền… Ví dụ, trước đây Việt Nam chưa có thị trường chứng khoán nên Bộ luật Hình sự 1999 đâu có các tội như giao dịch nội gián, thao túng giá chứng khoán. Nay xuất phát từ thực tiễn, nhà làm luật quy định (tức hình sự hóa) những hành vi như thế này liên quan đến thị trường chứng khoán là phạm tội hình sự “sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán”, mức phạt như thế kia… (Sửa đổi, bổ sung năm 2009). Cho nên “hình sự hóa” không mang ý nghĩa tiêu cực.

Trong tiếng Việt, cũng có hai cách hiểu nhưng cách hiểu “hình sự hóa” theo nghĩa lạm dụng pháp luật hình sự để giải quyết các quan hệ pháp luật hành chính, kinh tế, dân sự phổ biến hơn. Khi dịch cũng cần chú ý đến yếu tố này để khỏi dịch sai.

- Từ “propaganda” trong tiếng Anh hàm ý xấu, theo kiểu dùng những thủ thuật như lập đi lập lại, chọn lọc thông tin,  để tác động lên dư luận theo hướng mong muốn. Tuyên truyền dù sao cũng mang nghĩa trung tính. Nhưng một điểm thú vị là “Học viện báo chí và tuyên truyền” khi tự dịch tên mình sang tiếng Anh đã chọn “Academy of Journalism & Communication” chứ không dùng từ propaganda.

Còn khá nhiều từ nữa, có ai biết thì chia sẻ.

Bổ sung: Bác Giang Lê bổ sung cặp từ “budget deficit-bội chi ngân sách”.
Cái này phải nói lại từ đầu cho dễ theo dõi. Thu ngân sách dự trù 100 đồng nay chỉ thu được 90 đồng thì người ta gọi là “thâm hụt ngân sách”.
Thu 100 đồng mà chi đến 110 đồng thì người ta gọi là “bội chi ngân sách”. Vì vậy hai từ “thâm hụt ngân sách” và “bội chi ngân sách” là khác nhau. Ví dụ câu này: “Vì sao năm 2009 không thâm hụt ngân sách mà bội chi vẫn ở mức cao: 6,9%?”.
Trong khi đó “budget deficit” là chi nhiều hơn thu; “budget surplus” là thu nhiều hơn chi.
Vì thế dịch “budget deficit” là phải dùng cụm từ “bội chi ngân sách” chứ không phải là “thâm hụt ngân sách”.
Khổ nỗi những sách báo, tài liệu nào có dính một xíu đến nước ngoài như các nghiên cứu của các tổ chức tài chính quốc tế hay các bài dịch các tài liệu này hay các công trình có các tổ chức này tài trợ thì người ta dùng “thâm hụt ngân sách” theo nghĩa “budget deficit”. Như câu: “Thâm hụt ngân sách của Việt Nam cao nhất khu vực”… Thế mới gọi là mớ bòng bong từ ngữ tài chính ở Việt Nam.






Friday, June 21, 2013

Ghi chép - 4

Ghi chép - 4

Việc hoãn thông qua Luật Đất đai sửa đổi sẽ có nhiều tác động:

- Thứ nhất, nó cho thấy chưa chắc mọi ý kiến sẽ chìu theo dự thảo hiện nay của Hiến pháp liên quan đến đất đai; tức là luồng ý kiến đòi hỏi đa sở hữu đất đai (thay cho đất đai thuộc sở hữu toàn dân) vẫn còn đó. Đặc biệt quy định Nhà nước thu hồi đất cho các dự án kinh tế-xã hội trong dự thảo hiện nay không dễ gì được thông qua. Bởi nếu đã bảo đảm được hai chuyện này rồi thì người ta đã thông qua Luật Đất đai sửa đổi ngay trong kỳ họp này chứ không việc gì phải hoãn đến sau khi thông qua Hiến pháp sửa đổi. 

- Một số bạn cho rằng trên thực tế đôi lúc chỉ vì một hai trường hợp người dân không chịu nhận đền bù mà gây khó khăn cho cả một dự án lớn. Nay bỏ quy định thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế thì càng khó khăn hơn cho doanh nghiệp. Có thể có chuyện đó. Nhưng theo tôi, cân nhắc trao công cụ để người dân tự bảo vệ tài sản của họ, trao cho họ quyền được mặc cả sòng phẳng với doanh nghiệp thì hay hơn là trao công cụ cho phía doanh nghiệp hoặc quan chức giúp lấy đất của dân dễ dàng hơn. Doanh nghiệp có khó thì vẫn còn những chọn lựa khác nhưng người dân thì tay trắng làm gì có leverage để mặc cả.

- Một số chuyên gia địa ốc cho rằng, giả thử sau này Luật Đất đai được thông qua như thế nào đó mà làm cho việc thu hồi đất khó khăn hơn thì có lẽ một hai năm nữa giá đất sẽ phục hồi và tăng trở lại. Nhưng trên thực tế điều này e khó xảy ra. Theo số liệu của Bộ Xây dựng, tính đến hết quý 1-2013, cả nước có 3.742 dự án phát triển nhà ở được triển khai với tổng mức đầu tư ước tính là trên 3,5 triệu tỷ đồng – một con số kinh khủng. Mặc dù đây là con số ảo nhưng nó cho thấy cái khả năng lấy đất của dân làm dự án là khổng lồ, có thể đã lấy rồi, vượt cả nhu cầu tính đến năm 2020 nên khó lòng có chuyện giá đất tăng lên.

- Riêng chuyện hoãn thông qua Luật Đất đai, tờ TBKTSG đã nêu lên ý kiến này từ hồi giữa tháng 3-2013. Bài “Nên hoãn thông qua Luật Đất đai” có đoạn viết: “Một khi vẫn còn ý kiến khác nhau ở các vấn đề nói trên, dự thảo Luật Đất đai sẽ khó lòng đứng độc lập mà phải dựa vào tinh thần của Hiến pháp sửa đổi. Và một khi chúng ta chưa có bản Hiến pháp sửa đổi được chính thức thông qua, rất khó lòng bàn một cách rốt ráo những khái niệm liên quan huống chi thông qua dự thảo sửa đổi Luật Đất đai một cách trọn vẹn, không lấn cấn”.  Bài báo kết luận: “Vì những lý do đó, nên chăng hoãn thông qua Luật Đất đai tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 5 sắp tới. Việc thông qua Luật Đất đai sửa đổi chỉ nên tiến hành sau khi đã thông qua bản Hiến pháp sửa đổi”.

*                      *                      *

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, “từ ngày 28/3/2013 đến nay, NHNN đã tổ chức 33 phiên đấu thầu bán vàng miếng với tổng khối lượng trúng thầu là 839.200 lượng trên tổng số 926.000 lượng chào thầu”.

Giả thử lấy giá bình quân bán vàng là 40 triệu đồng/lượng thì số tiền mà NHNN hút về từ các ngân hàng thương mại bỏ tiền ra mua vàng là trên 33.500 tỷ đồng. So sánh với gói hỗ trợ lãi suất mua nhà xã hội là 30.000 tỷ đồng mà NHNN dự trù sẽ giải ngân trong ba năm (từ đây đến cuối năm cố gắng giải ngân 15.000-20.000 tỷ đồng) mới thấy đây không phải là con số nhỏ.

Vì sao trong khi cố gắng thúc đẩy các ngân hàng cho vay để tăng dư nợ tín dụng lên mà NHNN lại rút tiền về thông qua việc bán vàng? Để làm gì? Có thật là NHNN bán ra gần 1 triệu lượng vàng không?

Ngoài ra, chuyện giá cả lên xuống thì không ai dự đoán chính xác được hết nên không thể sau khi giá hạ rồi để nói lẽ ra…, lẽ ra… Tức là không thể dựa vào giá hiện nay để phê phán chuyện quá khứ. Nhưng một sự thật là NHNN nói có lãi trong việc bán vàng nhưng ai cũng thấy mua khi giá đắt, giờ đây giá giảm thì dù NHNN có lãi, họ cũng đã chuyển cái khoản thua lỗ ấy cho bên mua vàng, tức các ngân hàng thương mại (nơi không thể quyết định được thời điểm mua cho dù họ có dự báo giá vàng giảm). Bởi vàng mua bán trong nước thì bù qua sớt lại không ai lãi lỗ cả nhưng vàng nhập về (lúc giá cao, nay giá giảm) thì rõ ràng chúng ta đã lỗ nặng một khoản tiền lớn và khoản lỗ này các ngân hàng thương mại đang gánh chịu.

*                      *                      *
Một bài viết nhân ngày 21-6: “Cuộc chiến bản quyền”.


Mời các bạn đọc ở đây: http://www.thesaigontimes.vn/Home/diendan/sotay/98219/Cuoc-chien-ban-quyen.html

Và bài trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ: "Nghề báo đích thực luôn có những nền tảng bất biến".
http://tuoitre.vn/Tuoi-tre-cuoi-tuan/Van-de-Su-kien/555330/nghe-bao-dich-thuc-luon-co-nhung-nen-tang-bat-bien.html#ad-image-0


Thursday, June 20, 2013

Ghi chép - 3

Ghi chép - 3
(chuyện tăng trưởng tín dụng)

Ngân hàng Nhà nước đang cố gắng tìm mọi cách để các ngân hàng cho vay nhiều thêm, mức thêm cố gắng chừng 12% so với năm ngoái, bởi phải tăng dự nợ tín dụng tối thiểu ở mức này thì GDP mới tăng như dự tính. Nhưng thay vì thúc giục các ngân hàng thương mại, tại sao không thử hỏi các doanh nghiệp, là nơi đi vay tiền, vì sao họ không thèm vay thêm nữa.

Khác với suy nghĩ bình thường, lãi suất cao nhưng đi kèm lạm phát cao thì không làm doanh nghiệp lo ngại. Đầu năm họ vay một khoản tiền mua nguyên vật liệu về để sản xuất, giá chừng đó; giữa năm bán hàng (giá đã lên) thu tiền về. Vì tình hình lạm phát, hàng bán ra sẽ có giá cao hơn dự tính, dư sức chịu lãi suất cao mà vẫn còn có lãi.

Cái thời điểm khó khăn nhất của doanh nghiệp là giai đoạn chuyển đổi, từ lạm phát cao sang chững lại và giảm xuống. Lúc đó lãi suất cao mới là gánh nặng vì đội giá thành trong khi giá bán không tăng được nữa. Đó chính là giai đoạn hiện nay nên doanh nghiệp không vay, không mở rộng sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra những doanh nghiệp còn làm ăn được, cũng đang tìm những nguồn vốn khác chứ không chịu vay ngân hàng nữa. Làm ăn được hiện nay chỉ có những ngành liên quan đến xuất khẩu và nông nghiệp. Cả hai đều đang tận dụng khả năng chiếm dụng vốn (hoặc của nông dân, hoặc của khách hàng bằng nguyên vật liệu) nên cũng không đụng tới tín dụng ngân hàng.

Nhiều doanh nghiệp chọn con đường bán bớt cổ phần cho nước ngoài, tiền cũng rót vào kinh doanh, không qua tín dụng ngân hàng. Kiều hối những năm trước chảy vào địa ốc, nay địa ốc đóng băng, tiền sẽ chảy vào sản xuất, kinh doanh – chảy trực tiếp, không qua tín dụng ngân hàng.

Chính vì vậy trong năm 2012, tổng phương tiện thanh toán tăng 22,38% mà tín dụng chỉ tăng 8,91%; Đến cuối tháng 5/2013, tổng phương tiện thanh toán tăng 5,46% mà tín dụng chỉ tăng 2,98%. Nói tóm lại, vẫn có tiền để duy trì mức tăng GDP như dự kiến, chỉ có điều một phần tiền này nó không chảy qua kênh tín dụng của ngân hàng (nền kinh tế phi chính thức của Việt Nam chiếm đến 30%).

Về phía ngân hàng, tín dụng không tăng nhiều khi là điều hay. Mấy năm trước có lúc huy động được 100 đồng, họ lại cho vay lên đến 116 đồng! Nay tỷ lệ này giảm còn 95% nhưng phải xuống nữa, chừng 80% mới phù hợp và 70% mới an toàn. Chứ cứ như mấy ngân hàng làm liều, vay tiền ngân hàng khác để cho vay thì sẽ sớm sụp tiệm.

*                      *                      *

Trước đó, các báo chạy tít “Mỗi tháng bơm thêm 40.000 tỷ đồng”; hay “Bơm 40.000 tỷ đồng tín dụng vào nền kinh tế mỗi tháng”… là sai rồi. Viết như thế nhiều người sẽ hiểu nhầm Chính phủ sẽ bơm một lượng tiền khổng lồ, 40.000 tỷ đồng/tháng, vào nền kinh tế. Tiền ở đâu mà “bơm” như thế?

Thật ra, tại Quốc hội, ông Nguyễn Xuân Phúc (Phó Thủ tướng) nói “…tất cả các tháng còn lại mỗi tháng chúng ta phải giải ngân được 40 nghìn tỷ/ tháng” để tín dụng cả năm tăng 12%. Chữ chúng ta ở đây phải hiểu là hệ thống ngân hàng.

Tín dụng tăng hay không là do ngân hàng (người cho vay), doanh nghiệp (người đi vay); còn chính phủ chỉ đóng vai trò thúc đẩy.

Những năm trước tín dụng tăng kỷ lục, có năm tăng trên 50%, chủ yếu đổ vào bất động sản và những ngành nghề liên quan. Nay bất động sản không hút tiền vì đang đóng băng thì tín dụng làm sao tăng được.

Giả thử năm ngoái bạn cho vay 100 đồng, muốn tăng 12% tức năm nay phải cho vay 112 đồng. Nhưng nay người vay cũ trả nợ và không vay nữa, tức duy trì 100 đồng đã khó, làm sao nghĩ đến chuyện cho vay 112 đồng. Ngân hàng cũng vậy, nợ cũ tăng nhanh, nay xẹp cũng nhanh, có cái thành nợ xấu, có cái người nào giỏi trả được nợ thì đâu dám vay nữa nên duy trì tín dụng ở mức bằng năm ngoái là đã giỏi lắm (chỉ sợ nó co hẹp lại, tăng trưởng âm nữa kìa) nói gì đến tăng trưởng. Cho nên trông chờ ngân hàng giải ngân mỗi tháng 40.000 tỷ đồng là chuyện khó, hầu như không thể thực hiện được.

Các nước cũng rơi vào tình trạng như thế nên cũng có chuyện bơm tiền ra. Và bơm hiểu theo nghĩa ngân hàng trung ương mua trái phiếu chính phủ (hay các tài sản tài chính) mà ngân hàng thương mại đang nắm giữ, đưa tiền cho ngân hàng để tiền chảy vào nền kinh tế. Thế mà ở Việt Nam đang làm ngược lại, ngân hàng thương mại bỏ tiền ra mua trái phiếu chính phủ! Và để cho khỏe Ngân hàng Nhà nước bèn tính khoản mua trái phiếu chính phủ đó cũng là tăng trưởng tín dụng!


Thursday, June 13, 2013

Lạc quan TPP?

Đừng lặp lại sự kỳ vọng phi lý như WTO

… Cũng như WTO, tư cách thành viên TPP của Việt Nam trong tương lai trước tiên sẽ là cục nam châm thu hút sự quan tâm của giới đầu tư nước ngoài, cả trực tiếp lẫn gián tiếp. Sự quan tâm này có thể tạo ra những bong bóng mới, nhưng cũng có thể trở thành cú hích để sản xuất trong nước có bước biến chuyển mới. Và từ sự quan tâm này, các doanh nghiệp trong nước có mối quan hệ tốt với đối tác nước ngoài sẽ xác định được cơ hội làm ăn mới. Vì thế, có thể nói, dù ai hưởng lợi nhiều, cái lợi ích tổng thể cho nền kinh tế khi Việt Nam tham gia TPP vẫn cao hơn là không tham gia. Đó là điều đáng lưu ý.

Xin đọc toàn bài ở đây:

Chiếc áo đi ăn cỗ

… Theo Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, nhà bán lẻ số 1 thế giới Walmart từ Mỹ đã chính thức có giấy phép mua hàng từ Việt Nam, và trong những ngày vừa qua họ đang có những động thái đáng chú ý. Không chỉ tiếp xúc với các doanh nghiệp của Amcham, Walmart còn gặp gỡ các hiệp hội doanh nghiệp trong nước. Trước mắt, Walmart đánh tiếng tìm đối tác để mua hàng bán vào hệ thống phân phối của họ, sau nữa, họ vừa vận động, gây sức ép vừa đón đầu cơ hội cho Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sớm được ký kết...




Cái gốc của chuyện xử phạt hành chính

Có nhiều hành vi, như đổ rác xuống kênh, mương, phải xử phạt hành chính vì không thể đưa hết ra tòa phân xử. Nhưng một khi có hàng ngàn hành vi (như chửi thề) được đưa vào nhiều dự thảo từ nhiều Bộ để xử phạt hành chính thì phải tìm hiểu nguyên nhân do đâu, xử như thế có đúng không?
Cái gốc của chuyện xử phạt hành chính
Trong một thời gian ngắn chúng ta nghe đến nhiều dự thảo xử phạt hành chính được các bộ lần lượt đưa ra để người dân góp ý. Quy trình này tạo ra hai hiệu ứng hay đúng hơn là hai cảm giác: cảm giác rất nhiều văn bản bỗng tập trung vào quản lý hành vi con người, chăm chăm chuyện xử phạt và cảm giác sự phản ứng của người dân vào nhiều điểm của các bản dự thảo là có lý và lan rộng từ ngành giáo dục, lao động đến giao thông, an ninh trật tự, tư pháp. Bất cứ văn bản dự thảo nào đưa ra dường như đều có vấn đề.
Loại trừ chuyện hiểu sai như chuyện phạt người không mặt quần áo lót, đa số các chi tiết được báo chí nêu lên để phản đối là có cơ sở.
Lấy ví dụ chuyện xử phạt “quấy rối tình dục” của Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội. Quấy rối tình dục là một hiện tượng khá phổ biến, đáng lên án và phải tìm cách giải quyết để phòng ngừa. Nhưng phòng ngừa, ngăn chặn bằng xử phạt hành chính thì không ăn thua gì cả vì nhiều lý do. Thay vào chuyện xử phạt hành chính, lẽ ra phải khuyến khích một hai trường hợp bị quấy nhiễu tình dục kiện ra tòa, đối tượng bị kiện không chỉ là người gây ra chuyện quấy rối tình dục mà còn là nơi để xảy ra tình trạng này. Mức phạt thật nặng, mức yêu cầu bồi thường thật cao đối với đơn vị, tổ chức hay doanh nghiệp để xảy ra tình trạng quấy rối tình dục sẽ làm họ phải đề ra nội quy, thủ tục báo cáo, giám sát để không xảy ra chuyện quấy rối trong tương lai.
Chuyện xử phạt “ngoại tình” của Bộ Tư pháp cũng tương tự; đây là mối quan hệ dân sự, phải được xử lý bằng tòa án, giữa các bên liên quan chứ Nhà nước không có vai trò can thiệp ở đây.
Nhìn lại hàng loạt dự thảo nghị định xử phạt hành chính ở nhiều lãnh vực, do nhiều bộ đưa ra mới thấy đó là do Luật Xử phạt vi phạm hành chính ra đời vào năm 2013 và có hiệu lực từ 1-7-2013. Để luật đi vào cuộc sống cần có nhiều nghị định cụ thể hóa mức phạt ở nhiều lãnh vực và đây là đầu dây mối nhợ cho nhiều bài báo nhiều tranh cãi trong thời gian gần đây liên quan đến cụm từ “xử phạt hành chính”. Đã có những bộ đưa ra dự thảo riêng của ngành mình như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội… và gần đây nhất là Bộ Công an.
Nếu mọi người cứ mãi săm soi những điều khoản cụ thể ở các nghị định này thì sẽ không bao giờ bàn hết được vì các lãnh vực có thể áp dụng xử phạt hành chính rất rộng, không thể liệt kê hết ở đây. Vấn đề đáng bàn hơn là liệu xử phạt hành chính tràn lan như thế là một sự lẫn lộn giữa chức năng hành pháp của bộ máy hành chính với chức năng tư pháp và lập pháp hay không? Bao nhiêu hành vi có thể phạt, bao nhiêu hành vi là nói chơi cho vui vậy thôi?
Lấy ví dụ một hành vi bị phạt là “Có hành vi bạo lực trong sinh hoạt tình dục của vợ chồng” – làm sao có ai chứng kiến để phạt, nghe một trong hai bên mà phạt thì liệu có chính xác, làm sao một cơ quan hành chính lại đóng vai trò phân xử đúng sai.
Thiết nghĩ mọi văn bản pháp luật điều chỉnh hành vi con người đều phải do Quốc hội ban hành, Chính phủ giám sát việc thực thi và hệ thống tòa án sẽ phân xử đúng sai dựa theo luật. Không thể có chuyện Luật Xử phạt vi phạm hành chính không quy định cụ thể hành vi mà giao cho Chính phủ quy định hành vi vi phạm rồi đưa ra mức phạt. Trong một bài viết, GS Nguyễn Đăng Dung (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định: “Việc ủy quyền cho Chính phủ quy định hành vi vi phạm và hình thức xử phạt đối với hành vi đó là chưa thực sự phù hợp với Hiến pháp, trong trường hợp này, các cơ quan hành pháp đã thực thi chức năng lập pháp”.
Nay chỉ mới có các bộ đưa ra dự thảo Nghị định mà dư luận đã xôn xao, hiểu nhầm và phản đối như thế, thử hỏi nếu các địa phương cũng vào cuộc, đưa ra những quy định của riêng họ để xử phạt vi phạm hành chính tràn lan thì luật pháp nước nhà sẽ đi về đâu. Cần phải hạn chế việc các cơ quan hành chính xử phạt mà nên chuyển sang cho ngành tư pháp phân xử tại tòa án.  
Hiến pháp hiện hành quy định: “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Phạt tiền cũng là một dạng hình phạt cho nên rất có thể mọi quy định phạt tiền do vi phạm hành chính đều là trái với Hiến pháp.  

Bổ sung: Nói đến chuyện xử phạt hành vi chửi tục nơi công cộng, tôi bỗng nhớ đến phim Demolition Man, vai chính là  Sylvester Stallone, một cảnh sát thời 1996 bị đông cứng đến năm 2032 mới được rã băng để truy lùng tội phạm. Anh này chuyên bị máy phạt vì quen miệng chửi thề như ngày xưa; đến thời điểm này dân chúng không còn chửi thề nữa, ai chửi đều bị máy báo phạt. Lúc coi phim cứ nghĩ chuyện khoa học viễn tưởng là phải vậy, ai dè chúng ta cũng có quy định phạt chửi thề!!!

Chửi thề là một phản xạ tự vệ về mặt tâm lý, một kiểu xả xú báp, bằng không tâm lý đè nén mãi sẽ đến chỗ bùng nổ rất nguy hiểm. Phạt là vô lý.

Saturday, June 8, 2013

Ghi chép - 2

Ghi chép - 2

Dù có cổ xúy cho việc mở rộng cửa cho đầu tư nước ngoài, cũng phải thừa nhận một thực tế đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong nền kinh tế.

Ví dụ, trong lĩnh vực xuất khẩu, năm 2006, năm trước khi Việt Nam gia nhập WTO, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước cao hơn khu vực FDI (16,7 tỷ đô-la so với 14,5 tỷ đô-la). 

Thế nhưng đến năm 2012 thì xuất khẩu của khu vực trong nước tụt lại đằng sau một cách thảm hại so với khu vực FDI (42,3 tỷ đô-la so với 63,9 tỷ đô-la). Cả hai năm đều đã loại trừ dầu thô trong số liệu.

Đáng chú ý hơn là năm 2012, tốc độ tăng xuất khẩu của khu vực FDI là 33,5% trong khi xuất khẩu trong nước chỉ tăng vỏn vẹn 1,3%!

Cứ theo cái đà này, chẳng mấy chốc rất có thể xuất khẩu của FDI chiếm 80-90% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Lúc đó doanh nghiệp FDI nói gì Nhà nước cũng phải nghe, vận động cho chính sách gì cũng phải nghe bởi với một tỷ lệ như thế họ nắm lấy một phần rất lớn cái hầu bao ngoại tệ của Việt Nam.

Chuyện này thật ra đã xảy ra rồi, điển hình là việc sửa điều 170 Luật Doanh nghiệp đang được đưa ra Quốc hội. Báo chí đưa tin: “Việc sửa đổi Điều 170 Luật Doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì hoạt động…” Thật ra phải nói cho chính xác việc sửa đổi điều luật này là do Nhà nước bất lực không làm gì được gần 3.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không chịu làm theo luật. Nguyên do là trước đây doanh nghiệp FDI hoạt động theo Luật Đầu tư nước ngoài, đến khi Luật Doanh nghiệp chung ra đời, họ phải chọn lựa, hoặc là đăng ký lại theo luật mới, hoặc không đăng ký lại, cứ hoạt động theo giấy phép cũ nhưng đổi lại họ không được gia hạn, không được mở rộng, đầu tư thêm. Việc chọn lựa lúc đầu cho họ thời gian 2 năm, sau nâng lên thành 5 năm nhưng cuối cùng vẫn còn đến gần 3.000 doanh nghiệp không chịu đăng ký lại. Giờ thì Nhà nước chịu thua, bởi khi giấy phép họ hết hạn, không lẽ không cho họ gia hạn (mà cho gia hạn thì sai luật vậy thì đành phải sửa luật, không đặt ra thời hạn nữa – và chỉ sửa 1 điều đó thôi). Soạn luật sơ hở thì nay phải sửa nhưng điều đó cũng cho thấy sức nặng thương thảo của doanh nghiệp FDI đã lớn dần lên. Nhưng biết đâu được, đó có thể là điều hay?

*                      *                      *
Ban đầu tôi hơi ngạc nhiên thấy nhiều người hiểu sai cái quy định về chuyện mặc quần áo lót thành ra phạt người KHÔNG mặc quần áo lót ở chỗ hội họp đông người. Nhưng rồi sau đó mặc dù có các báo khác đưa tin đúng, chỉ phạt hành vi mặc quần áo lót ở chỗ hội họp đông người, vẫn có nhiều người phản đối, chê bai, dè bỉu cái quy định này cũng như nhiều quy định khác được đưa ra lấy ý kiến mọi người.

Ngạc nhiên là bởi một số lý do:
- Đây là quy định cũ, đã có từ lâu. Sao trước đây không ai phản đối?
- Trước đây nhiều người than phiền và so sánh, vào chùa chiền ở các nước như Thái Lan mà mặc quần đùi, áo may-ô là họ không cho vì sao ở Việt Nam dễ dãi đến thế. Nay có quy định gần giống như vậy vì sao vẫn phản đối?
- Văn bản nói cũng khá rõ là “hội họp đông người”, “các địa điểm văn hoá, tín ngưỡng, nơi làm việc” của cơ quan… Họ đâu nói sẽ phạt ở bất cứ nơi nào?

Hóa ra, đặt nó vào bối cảnh hiện nay thì không có gì đáng ngạc nhiên cả. Đó là trong khi trật tự an ninh xã hội còn nhiều chuyện bức bối hơn chả ai lo, cướp giật khắp nơi, hành vi côn đồ nhan nhản mà lực lượng công an không làm được gì thì chuyện tập trung lo xử phạt các hành vi như trong dự thảo nó phi lý, nó xa vời và nó đáng để mọi người phản đối. Thỉnh thoảng cứ nghe tin người dân vào đồn công an một thời gian ngắn sau là chết – ai không bức xúc, thế nên nghe chuyện xử phạt chuyện chửi tục, say rượu trong nhà hàng có lẽ sự bức xúc và so sánh ngầm trong tiềm thức đã diễn ra và người ta càng phản đối hơn nữa.

Thứ nữa là tính khả thi. Nghe thử quy định này “Có hành vi bạo lực trong sinh hoạt tình dục của vợ chồng”, ai mà tưởng tượng được cách kiểm tra, chứng kiến để phạt cho chính xác! Hay “không cho thành viên gia đình sử dụng tài sản chung vào mục đích chính đáng” là một quy định can thiệp quá sâu vào đời sống riêng tư của công dân. Nhà nước lấy cái gì bảo đảm họ phán xử đúng đắn? Cho nên Bộ Công an đã lấy cái dự thảo ấy xuống – là một việc đúng đắn, phải nhờ chuyên gia họ coi lại trước khi đưa ra công luận một dự thảo như thế.



Wednesday, June 5, 2013

Tình hình kinh tế Việt Nam đang như thế nào?

Tình hình kinh tế Việt Nam đang như thế nào?
Một câu hỏi thường trực trong tâm trí nhiều người là sức khỏe kinh tế thực sự đang ra sao mà thấy sao có nhiều dấu hiệu trái ngược nhau quá. Nhìn quanh, ai cũng nói chuyện doanh nghiệp tư nhân rơi rụng đến con số hàng chục ngàn, thậm chí cả trăm ngàn, ai cũng có quen biết với một người vừa mới thất nghiệp và ai cũng thấy làm ăn ngày càng khó khăn, thậm chí đến chỗ bế tắc. Các đại biểu Quốc hội than nghe còn bi đát hơn như “Tình hình kinh tế gay go lắm rồi”.
Nhưng lùi lại một chút, nhìn vào các chỉ số quan trọng thì thấy tình hình đang cải thiện: lạm phát được kềm chế, tỷ giá ổn định, cán cân thương mại tương đối cân bằng, xuất khẩu tăng trưởng tốt, và đặc biệt thị trường chứng khoán đang ấm dần lên.
Tìm đâu ra một góc nhìn khách quan, có thể tin cậy được!
Trong một tài liệu bằng tiếng Anh tôi được đọc qua, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright kết hợp với Trung tâm Ash thuộc trường Harvard Kennedy School lại một lần nữa đưa ra những nhận định sắc bén, phân tích thẳng những vấn đề của nền kinh tế.
Trước hết bản báo cáo cho rằng Việt Nam vừa thoái khỏi một tình hình nguy cấp, nền kinh tế suýt đổ vỡ cách đây khoảng 12 tháng. Nhưng nền kinh tế không phải đang phục hồi mà đúng hơn là rơi vào tình trạng trì trệ kéo dài. Muốn thoái khỏi tình trạng này, Việt Nam phải dọn dẹp hệ thống ngân hàng, tiếp tục cải tổ khối doanh nghiệp nhà nước và hồi sức cho khu vực tư nhân trước khi thành tựu của 14 năm qua bị xóa sạch.
Tuy nhiên dường như không ai muốn hành động gì, không muốn thay đổi hiện trạng vì 5 nhầm tưởng (myths) khá phổ biến trong giới lãnh đạo.
-          Nhầm rằng: Khủng hoảng đã qua, tình hình đang dần cải thiện (nên không cần làm gì cả);
-          Nhầm rằng: Giải quyết nợ xấu của hệ thống ngân hàng không cần phải dùng đến ngân sách Chính phủ (nên vốn VAMC chỉ có 500 tỷ đồng);
-          Nhầm rằng: Các tập đoàn, tổng công ty có thể tự tái cấu trúc bằng các kế hoạch do chính họ soạn thảo (theo kiểu tự mình nắm đầu tóc kéo lên khỏi bùn);
-          Nhầm rằng: Có thể phục hồi khu vực tư nhân bằng các biện pháp tài khóa (giảm thuế) và tiền tệ (giảm lãi suất) (trong khi thực tế các thành tựu của Luật Doanh nghiệp đang gần như bị xóa sổ dần);
-          Nhầm rằng: Khu vực nông nghiệp có thể tiếp tục là tấm đệm, giảm sốc cho nền kinh tế, thu nhận hết lượng lao động công nghiệp bị mất việc (thực tế nền nông nghiệp rất dễ bị tổn thương, môi trường đang ô nhiễm, sức nông dân đã cạn).
Khác với lần khủng hoảng cuối thập niên 1990, lúc đó Việt Nam đã đưa ra những cải cách mạnh mẽ, nhất là việc cho ra đời Luật Doanh nghiệp năm 2000 nên kinh tế phục hồi nhanh chóng và bền vững trong nhiều năm liền, lần này chính sách chỉ thấy xoay quanh hai chuyện “nới lỏng” và “thắt chặt” nên nền kinh tế cứ giật cục, tăng trưởng cao thì lạm phát nhiều, kềm chế lạm phát thì kinh tế trì trệ. Ba chương trình cải cách lớn về doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng và đầu tư công hầu như chưa triển khai được gì cụ thể. Nợ xấu mà giải quyết theo cách như hiện nay chỉ là tạm thời khoanh nó lại, chuyển sang tương lai.
Nếu cứ để yên như thế này thì nền kinh tế sẽ chỉ còn tăng trưởng khoảng 3%, khó khăn kéo dài, doanh nghiệp tư nhân tiếp tục phá sản, thất nghiệp tiếp tục lan rộng.
Riêng tôi chỉ bổ sung thêm một ý: Nền kinh tế Việt Nam trước nay phát triển chủ yếu nhờ yếu tố vốn. Nay tín dụng không tăng thì làm sao có tăng trưởng? Tín dụng chắc chắn sẽ không tăng mạnh vì ngân hàng đang lo dọn dẹp lại bảng cân đối tài chính cho lành mạnh, doanh nghiệp cũng không còn sử dụng đòn bẩy nợ mạnh mẽ như trước, sức lực cũng không còn để đi vay chịu rủi ro. Nợ xấu mà giải quyết theo cách kéo dài trong năm năm thì ngân hàng càng không có sức lực hay động lực đâu để cho vay. Trong bối cảnh đó, như một quy luật bù trừ về khoản trống vốn, nhiều lãnh vực quan trọng của nền kinh tế tiếp tục rơi vào tay đầu tư nước ngoài, kể cả trực tiếp lẫn gián tiếp.


Tuesday, June 4, 2013

Paul Krugman phá sản

Paul Krugman phá sản, nợ ngập đầu?
Paul Krugman thì ai đọc tờ New York Times đều biết vì ông này vừa là nhà kinh tế được giải Nobel vừa là nhà báo nổi tiếng, giữ một mục bình luận rất sắc sảo trên tờ New York Times đều đặn nhiều năm nay. Vậy nên khi đọc thấy tin ông nợ nần ngập đầu đến nỗi phải tuyên bố phá sản trên tờ Boston.com, ai nấy đều bất ngờ.
Hóa ra đó là trò đùa của một trang web chuyên sản xuất tin vịt “The Daily Currant”, đã cất công viết một tin dài rất công phu, y như thật. Bài báo đưa ra những con số cụ thể như nợ lên đến 7.346.000 đô-la trong khi tài sản chỉ còn 33.000 đô-la do mua cái nhà giá lên đến 8,7 triệu đô-la... Cái hay của bài này là viết theo kiểu mỉa mai Krugman nhưng khó nhận ra. Nguyên do Krugman là người chủ xướng “kích cầu”, vay tiền để chi tiêu cho mạnh vào để thoát khỏi khủng hoảng (mở rộng chính sách tài khóa) trái ngược với đường lối thắt lưng buộc bụng (austerity) của nhiều nước. Lấy ý này bài báo nói Krugman đã vung tay vay tiền mua xe hơi sang, nhà lớn để hy vọng tờ New York Times sẽ tăng lương, thương hiệu cá nhân có giá hơn và công chúng sẽ mua sách của ông nhiều hơn… Bài báo còn trích lời người mua lại được ngôi nhà của Krugman với giá hời, rằng không ngờ một nhà kinh tế được giải Nobel mà còn bị chóa mắt vì bong bóng bất động sản. Kết của bài báo là phát biểu của Krugman cho biết dù thất bại ở góc độ cá nhân, ông vẫn sẽ khuyên ở mức độ vĩ mô rằng khủng hoảng nợ công chỉ có thể được giải quyết bằng tăng chi tiêu của chính phủ để nâng tổng cầu. Haha. Nghe như thiệt vậy đó.
Vấn đề là rất nhiều báo bị dính cú lừa này. Từ một tạp chí của Áo, đến Boston.com, Breitbart.com và vô số trang web nhỏ khác. Sau này Paul Krugman nói trên blog ông biết ngay khi bài báo dỏm xuất hiện nhưng không lên tiếng và y như ông tiên đoán các tờ báo cánh hữu sẵn ghét Krugman đã mắc bẫy đăng lại mà không thèm kiểm chứng. Cái lạ là bây giờ click vào đường dẫn, cũng xuất hiện thông báo lỗi (404) y như báo Việt Nam khi lấy bài xuống chứ họ cũng không xin lỗi như thường lệ.
Cũng may không có báo Việt Nam nào dính lỗi này, trừ một trang tên là Book Hunter Club, dịch nguyên văn, dịch rất công phu, có chú thích, giải nghĩa rõ ràng toàn văn bài trên tờ the Daily Currant nhưng không ghi nguồn chỉ ghi tên người tổng hợp. Nay vẫn còn. Và cỡ chục trang sao chép lại bài này từ nguồn này. Nay vẫn còn.
Các bạn nào tò mò muốn biết họ đăng như thế nào thì gõ cụm từ này vào ngoặc kép, tìm trong Google sẽ ra: “Paul Krugman – Nhà kinh tế học được giải Nobel phá sản vì đuổi theo bong bóng”. Còn bài gốc thì dùng cụm từ “Paul Krugman Declares Personal Bankruptcy”.

Monday, June 3, 2013

Tham gia TPP, GDP sẽ tăng bao nhiêu?

Tham gia TPP, GDP sẽ tăng bao nhiêu?

Mặc dù đang bận một kế hoạch làm sách nhưng không thể không nói cho rõ một con số có nguy cơ gây hiểu nhầm.

Đó là hiện nay một khi nói đến Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) người ta thường nói tham gia TPP thì Việt Nam sẽ hưởng lợi lớn như GDP sẽ tăng khoảng 11%, xuất khẩu sẽ tăng khoảng 28%.

Nói như thế là không có nghĩa gì cả nếu không muốn nói là dễ làm hiểu sai lệch. GDP tăng 11% rồi xuất khẩu tăng 28% là so với năm nào? Hay cứ việc tham gia TPP là GDP cứ thế tăng mỗi năm 11%, xuất khẩu mỗi năm tăng 28%?!!!

Thật ra đây là các con số người ta đưa ra để so sánh hai kịch bản. Lấy cột mốc là năm 2025, nếu không tham gia TPP thì GDP sẽ bằng chừng ấy, xuất khẩu sẽ bằng chừng ấy; còn nếu tham gia TPP thì GDP sẽ lên chừng này, xuất khẩu cũng lên chừng này. Tức là nếu tham gia thì GDP sẽ cao hơn không tham gia 11% và xuất khẩu cũng vậy, cao hơn 28%.

Cụ thể hơn, theo tính toán của GS Peter Petri (đại học Brandeis) thì năm 2025, xuất khẩu Việt Nam ước chừng 239 tỷ đô-la Mỹ nếu không tham gia TPP; còn tham gia TPP (có Nhật Bản) thì ước tính sẽ tăng lên 307 tỷ đô-la Mỹ, tức tăng 67,9 tỷ đô-la hay tăng thêm 28,4%.

Con số 11% ở đâu ra không biết, còn tính toán của GS Petri về GDP là như vầy: GDP 2025 không có TPP: 340 tỷ đô-la. Có TPP mà thêm Nhật tham gia nữa thì GDP năm 2025 của Việt Nam sẽ tăng thêm 35,7 tỷ đô-la Mỹ (tăng 10,5%)  lên mức 375,7 tỷ đô-la.

Ở đây xin lưu ý, tài liệu của Amcham khi nói đến đây thì nhầm GDP tăng 35,7% cũng là một lỗi sai bị lập đi lập lại nhiều nơi, nhiều lần.

Bản thân GS Petri cũng thay đổi số liệu ước tính nhiều lần với rất nhiều con số khác nhau, các con số trên là năm 2013 còn mấy tài liệu năm 2012 và 2011 thì ổng ước tính khác nữa. Và cuối cùng nếu tham gia TPP vào năm 2013 hay 2014 thì cũng đến năm 2020 mới bắt đầu thấy tác dụng lên tăng trưởng GDP hay xuất khẩu.

Bổ sung: Cái ở trên là do thấy nhiều nơi, mỗi khi nói về TPP, đều dùng câu đó cả. Mới nhất là trong bài viết “Bao giờ nền kinh tế Việt sẽ phục hồi?” của ông Alan Phan cũng nói: “Theo dự tính, nếu Việt Nam gia nhập TPP sau khi quốc hội Mỹ thông qua, GDP của Việt Nam có thể tăng trưởng 11% trong khi xuất khẩu gia tăng 26% mỗi năm”rất là mơ hồ.

Còn ông giáo sư đó tính toán như thế có đúng hay không thì làm sao mình biết được.  

Anh Lê Hồng Giang, một chuyên gia tài chính, có ý kiến như sau:

Peter Petri sử dụng mô hình CGE (GTAP) để dự báo cho một số kịch bản khác nhau.  Hầu như tất cả các dự báo chính sách liên quan đến tự do hóa thương mại đều sử dụng CGE, kết quả bao giờ cũng rất lạc quan vì CGE xây dựng trên cơ sở kinh tế học tân cổ điển trong đó thuế luôn luôn có tác động tiêu cực nên giảm bớt những thứ đó bao giờ cũng giúp kinh tế tăng trưởng mạnh hơn.

Những con số tăng trưởng GDP và xuất khẩu do Petri tính toán đều là tương đối so với kịch bản base case, thường được giả định là kịch bản có tăng trưởng ổn định và nền kinh tế (Việt Nam và thế giới) không có các thay đổi về cấu trúc và các cú sốc bất ngờ. Bởi vậy nếu có một cuộc khủng hoảng tài chính khác nổ ra hay Việt Nam có những structural change đáng kể thì những con số nói trên không còn mấy ý nghĩa. Cứ lấy những đánh giá CGE về lợi ích của việc gia nhập WTO trước đây ra xem lại thì biết.

Tuy Việt Nam vẫn nên gia nhập TPP vì nhiều lý do nhưng không nên có quá nhiều kỳ vọng vào những con số tăng trưởng được quảng cáo dù về mặt định tính có lẽ đúng.


AI - hype and reality

  AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...