Sunday, April 11, 2010

Kiện tụng quanh việc ra đời Facebook

Kiện tụng quanh việc ra đời Facebook

Những tình tiết thú vị chung quanh sự ra đời mạng xã hội nổi tiếng Facebook do tờ Silicon Alley Insider tiết lộ sau cuộc điều tra kéo dài hai năm trời.

Trong kinh doanh, tranh chấp về quyền sở hữu ý tưởng kinh doanh xảy ra thường xuyên nhưng với một mạng xã hội lớn như Facebook, có đến 400 triệu người sử dụng thường xuyên, được định giá cỡ 5-10 tỷ đô-la Mỹ thì ý tưởng khai sinh Facebook ắt có giá hàng chục triệu đô-la.

Chính thức mà nói, Facebook do cậu sinh viên năm hai trường đại học Harvard tên Mark Zuckerberg, lúc đó mới 19 tuổi thành lập vào ngày 4-2-2004. Chỉ một tuần sau đó, ba sinh viên Harvard khác cáo buộc Mark ăn cắp ý tưởng của họ. Việc cáo buộc bùng nổ thành một vụ kiện um xùm, kéo dài trong mấy năm liền. Đến năm 2008, hai bên thỏa thuận dàn xếp ngoài tòa án, ba sinh viên Harvard nhận một khoản tiền đền bù lên đến 65 triệu đô-la mặc dù Mark khẳng định anh không ăn cắp ý tưởng của ai cả. Đây là câu chuyện vào những ngày đầu tiên đó, theo tường thuật của Silicon Alley Insider .

Để tôi làm thử xem sao

Mùa thu năm 2003, hai anh em Cameron Winklevoss, Tyler Winklevoss cùng người bạn tên Divya Narendra, tất cả đang là sinh viên năm cuối đại học Harvard đang cần tìm một lập trình viên chuyên thiết kế trang web để biến một ý tưởng của họ thành hiện thực. Đó là ý tưởng của Divya nảy sinh vào năm 2002: làm một mạng xã hội cho sinh viên và cựu sinh viên Harvard, dự tính đặt tên là HarvardConnections.com.

Trước đó họ đã nhờ một sinh viên Harvard khác nhưng anh này từ chối và giới thiệu Mark Zuckerberg, một sinh viên năm hai nhưng đã khá nổi tiếng vì đã xây dựng trang web Facemask. Facemask từng đẩy Mark vào chỗ gặp phiền toái vì trang web này chuyên lấy hình ảnh của sinh viên Harvard từ website chính thức của nhà trường rồi xếp từng cặp ảnh với nhau. Người xem có thể bình chọn ảnh của người nào là hấp dẫn hơn, rồi tổng hợp thành danh sách sinh viên Harvard theo mức độ hấp dẫn theo đánh giá của bạn bè. Facemask ngay lập tức trở thành một hiện tượng trong giới sinh viên, sau hai tuần có đến 22.000 lượt bình chọn. Trong lúc đó nhiều sinh viên Harvard khác nổi giận, lôi Mark ra trước hội đồng kỷ luật của sinh viên vì tội vi phạm an ninh mạng, vi phạm bản quyền, vi phạm tính riêng tư của cá nhân.

Lúc được giới thiệu làm ăn với ba người định khai sinh HarvardConnections, Mark đồng ý hẹn gặp. Tối ngày 30-11-2003, bốn người hẹn nhau tại một nhà ăn trong khuôn viên trường; Cameron, Tyler và Divya lần lượt trình bày ý tưởng của mình – xây dựng trang web HarvardConnections, lúc đầu giới hạn cho những ai có địa chỉ email harvard.edu tham gia và sau đó mở rộng ra các trường đại học ở Mỹ. Mark tỏ vẻ thích thú với ý tưởng này.

Ngay tối hôm đó, Mark gởi email cho ba người, nói rằng đã đọc những tài liệu ba người vừa gởi và vì cấu trúc trang web không phức tạp lắm nên hứa sẽ bàn tiếp sau khi phác thảo xong hình hài trang web ngay tối mai. Ngày hôm sau, Mark gởi thư tiếp cho nhóm HarvardConnections, cho biết đã soạn xong hai trang đầu, phần đăng ký làm thành viên, đang sửa lỗi và sẽ thông báo tiếp khi trang web hoạt động hoàn chỉnh.

Ngược lại với hai thư ban đầu này, chỉ mấy ngày sau đó, thư của Mark chuyển giọng, không còn sự hào hứng thực hiện ngay ý tưởng đã bàn mà tìm mọi lý do trì hoãn, như bận học, bận làm bài tập. Mọi nỗ lực liên lạc của nhóm với Mark không thành công và cuối cùng đến ngày 8-1-2004, Mark gởi thư cáo lỗi với các lý do bận rộn như từng viết và nói thêm là trang web chưa có đủ chức năng cần thiết để hấp dẫn người dùng.

Nghiên cứu các thư từ email trao đổi trong thời gian này, tờ Silicon Alley Insider kết luận đồng ý với cáo buộc của nhóm HarvardConnections là Mark Zuckerberg tìm cách trì hoãn việc phát triển mạng HarvardConnections để anh ta tự mình xây dựng một mạng tương tự và tung ra trước nhằm cạnh tranh. Tờ báo này cho biết các email nói trên thì đã được công khai từ lâu sau vụ kiện; kết luận của họ còn dựa vào những trao đổi tin nhắn (chat) giữa Mark với bạn bè người thân trong giai đoạn này. Như trao đổi giữa Mark và bạn đồng lớp, người sau này trở thành đồng sáng lập Facebook - Eduardo Saverin vào ngày 7-12-2003.

Họ chọn nhầm người – haha

Cựu tổng giám đốc PayPal thường được cho là nhà đầu tư đầu tiên bỏ tiền vào Facebook với khoản tiền 500.000 đô-la vào tháng 9-2004 nhưng thật ra người tài trợ cho Mark ngay từ đầu là Eduardo. Đây là một sinh viên giàu có hay ít nhất bề ngoài của anh ta cho mọi người cảm giác như thế. Eduardo đồng ý bỏ ra 15.000 đô-la để đổi lại 30% cổ phần trong công ty Facebook sẽ thành lập. Và những ngày đầu khởi nghiệp đó, hai bên trao đổi tin nhắn thường xuyên. Mark kể cho Eduardo chuyện ba người trong nhóm HarvardConnections mời tham gia như thế nào, xong rồi viết: “Nhưng họ đã chọn sai, haha. Họ chọn chính tớ để làm dự án này. Cho nên tớ sẽ trì hoãn để mạng này không thể làm xong cho đến khi cái dự án facebook ra đời”.

Như thế, tờ Silicon Alley Insider kết luận, trong vòng một tuần sau khi gặp nhóm HarvardConnections, Mark đã có ý tưởng tự mình phát triển một mạng xã hội tương tự và cũng đã đề ra kế hoạch ngăn cản đối thủ: trì hoãn việc lập trình dù được thuê thực hiện.

Một vài tuần sau đó, Mark lại họp với bộ ba Cameron, Tyler và Divya nhưng không phải ở nhà ăn mà là khu nội trú của Mark. Phòng của Mark có hành lang hẹp nối với các phòng khác. Khi Cameron và Tyler ngồi xuống trong phòng của Mark, Cameron thoáng thấy ngoài hành lang một tấm bảng trắng có ghi dòng chữ Harvard Connection, loại bảng mà nhà lập trình thường dùng để vẽ sơ đồ ý tưởng trang web. Nhưng khi Cameron đứng lên bước ra để nhìn cho rõ thì Mark yêu cầu Cameron không được vào hành lang.

Mark cũng thường xuyên trao đổi tin nhắn với một người bạn khác tên Adam D'Angelo. Cả hai học trường nội trú Phillips Exeter Academy và trong thời gian này, hai người hợp tác viết phần mềm nghe nhạc MP3 Synapse, có khả năng học sở thích của người dùng và đưa ra gợi ý thông minh. Tốt nghiệp trung học, Mark vào Harvard còn Adam vào trường Cal Tech nhưng hai người duy trì liên lạc thường xuyên. Sau này Adam vào làm Kỹ sư trưởng cho Facebook. Đọc những trao đổi qua chat giữa hai người, Silicon Alley Insider một lần nữa kết luận Mark song song làm hai dự án, Facebook của riêng mình và cố ý trì hoãn HarvardConnections để tiêu diệt đối thủ tiềm năng. Mặc dù Adam khuyên Mark nên từ chối thẳng nhóm HarvardConnections, Mark cho rằng nhóm này rất có tiềm năng, cả về lập trình và tài chính hỗ trợ nên ngại nếu cả hai ra đời cùng lúc thì tất cả đều thất bại.

Tớ sẽ chơi họ

Ngày 14-1-2004, Mark lại họp với nhóm HarvardConnections, có vẻ như lần gặp nhau cuối cùng. Lúc này Mark chưa làm xong Facebook nhưng đang nỗ lực hết sức, lấy tiền từ Eduardo để thuê máy chủ, đăng ký tên miền thefacebook.com… Vấn đề còn lại là có nên nói thẳng cho ba người kia chưa hay vẫn lần lữa chờ cho xong mạng Facebook. Mark đã nỏi ý kiến của một người bạn – bạn khuyên “không nên làm điều xấu cho ai cả”. Mark vẫn khẳng định: “Tớ sẽ chơi họ”. Lần gặp ngày 14-1, Mark vẫn chưa từ chối hẳn dự án HarvardConnections trong khi nhấn mạnh anh không có thời gian làm ngay. Mark cũng không tiết lộ gì về Facebook.

Ngày 4-2-2004, Mark công khai dự án Facebook, lúc đó có địa chỉ thefacebook.com; ngày 10-2-2004, Cameron gởi thư cho Mark, cáo buộc anh vi phạm hợp đồng và ăn cắp ý tưởng. Cuối tháng 5-2004, sau khi làm việc với hai nhà lập trình mới, nhóm HarvardConnections cũng cho ra đời mạng ConnectU, kết nối 15 trường với nhau nhưng không đạt được bất kỳ thành công nào.

Thực tế

Thực tế thì sau khi Mark khai sinh Facebook, mạng xã hội này đã nhanh chóng trở thành một hiện tượng trong giới sinh viên. Hè năm 2004, Mark bỏ học, chuyển sang California để điều hành Facebook toàn thời gian. Đến tháng 8-2005, mạng xã hội chính thức chuyển địa chỉ từ thefacebook.com sang facebook.com sau khi mua lại địa chỉ này với giá 200.000 đô-la. Mọi chuyện sau đó về sự phát triển kỳ diệu của Facebook thì ai cũng đã biết. Tháng 10-2007, Microsoft cho biết họ đã mua 1,6% cổ phần Facebook với giá 240 triệu đô-la, tức tính ra tổng giá trị của Facebook là chừng 15 tỷ đô-la Mỹ. Cho đến nay Mark vẫn chưa bán Facebook cho ai và cũng chưa chịu đưa Facebook niêm yết trên thị trường chứng khoán. Thông tin mới nhất cho rằng doanh thu hàng năm của Facebook có thể lên đến 1 tỷ đô-la nhờ quảng cáo.

Về vụ kiện tụng chung quanh những ngày đầu ra đời Facebook, tờ Silicon Alley Insider cho rằng không có bằng chứng giấy trắng mực đen nào về hợp đồng hợp tác giữa Mark Zuckerberg và nhóm HarvardConnections. Những ràng buộc nếu có cũng chỉ ở dạng email hay chat mà tòa án từng kết luận chỉ là “tán gẫu trong khu nội trú”. Cùng lúc với việc tiếp cận ý tưởng của nhóm HarvardConnections, Mark cũng đã thai nghén ý tưởng cho mạng xã hội Facebook, dù hướng đến cùng một đối tượng nhưng cách triển khai có nhiều khác biệt. Tuy nhiên, Mark đã cố ý trì hoãn việc thực hiện mạng HarvardConnections với ý đồ cạnh tranh. Vì thế Silicon Alley Insider kết luận khoản tiền bồi thường 65 triệu đô-la mà Facebook trả cho ba người Cameron, Tyler và Divya là xứng đáng, thậm chí còn quá hào phóng vì thời gian diễn ra tranh cãi này chỉ kéo dài trong khoảng 2 tháng trong khi Mark đã mất đến 6 năm mới xây dựng Facebook được như ngày nay.

Tuy vậy, Silicon Alley Insider cũng chê trách Mark đã sử dụng những chiêu thức không hay ho gì khi sử dụng thông tin truy cập Facebook để xâm nhập tài khoản của các phóng viên tờ báo sinh viên của trường Harvard khi họ đang điều tra vụ kiện nói trên. Nhưng đây là một câu chuyện khác, sẽ được lược thuật ở một dịp khác.

No comments:

Post a Comment

AI - hype and reality

  AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...