Saturday, April 18, 2009

Nghich ly tu khung hoang

Nghịch lý từ khủng hoảng

Nguyễn Vạn Phú

Chúng ta đang chứng kiến khá nhiều nghịch lý: thông thường khi làm ăn khó khăn, điều đầu tiên phải nghĩ đến là “thắt lưng, buộc bụng”; thế nhưng, dường như chính phủ các nước đều kêu gọi người dân chi tiêu mạnh hơn nữa để đưa kinh tế thoát khỏi khủng hoảng. Họ làm điều này bằng nhiều cách, từ giảm thuế đến tặng tiền cho dân tiêu.

Đấy là mâu thuẫn đầu tiên của toàn cầu hóa mà nay mới có cơ hội bộc lộ. Nền kinh tế toàn cầu như một quái thú khổng lồ, phải nuôi sống nó bằng nguyên vật liệu, bằng chu chuyển dòng vốn và hàng hóa đi khắp nơi. Bằng không nó sẽ lâm bệnh và kéo theo là sự sụp đổ của nhiều nền kinh tế. Ở quy mô từng nước cũng xảy ra tình trạng này.

Điều mỉa mai là Thomas Friedman, tác giả hai cuốn sách nổi tiếng cổ xúy cho toàn cầu hóa (Thế giới phẳng và Chiếc Lexus và cây ô-liu) gần đây phải viết: “Biết đâu cuộc khủng hoảng 2008 biểu hiện một điều gì đó căn cơ hơn là suy thoái kinh tế? Biết đâu nó đang nói cho chúng ta hay rằng toàn bộ mô hình tăng trưởng chúng ta xây dựng nên trong 50 năm qua đơn giản là không thể bền vững cả về kinh tế và sinh thái, rằng năm 2008 là lúc chúng ta chạm đáy khi Bà mẹ Thiên nhiên và thị trường đều nói: ‘Thế là đủ rồi’.”

Ý của Friedman muốn phê phán mô hình tăng trưởng dựa vào việc mở rộng mạng lưới bán lẻ để bán ngày càng nhiều hàng hóa sản xuất ở các nước đang phát triển như Trung Quốc, tiêu thụ ngày càng nhiều năng lượng gây biến đổi khí hậu nhưng giúp Trung Quốc có tiền mua ngày càng nhiều trái phiếu Mỹ để Mỹ có thêm tiền chi tiêu rồi thúc đẩy vòng xoáy đó mãi mãi. Thật là một sự thay đổi quan niệm bất ngờ so với những gì ông này viết ra trước đây.

Một nghịch lý khác nổi lên từ cuộc khủng hoảng hiện nay là nó làm đảo lộn hết thảy mọi đánh giá trước đó, từng được xem là chân lý. Ví dụ, Singapore là một mô hình mẫu mực về phát triển kinh tế nay lại chịu tác động của khủng hoảng mạnh hơn ai khác. Cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ trước đây bị chê trách vì không chịu mở cửa thị trường tài chính thì nay được ca tụng như anh hùng vì nhờ kiểm soát hệ thống tài chính chặt chẽ nên nước này ít bị tác động từ khủng hoảng hơn cả. Những công cụ tài chính phức tạp trước đây được khen ngợi bao nhiêu thì nay bị đổ lỗi góp phần làm sụp đổ nhiều hệ thống tài chính bấy nhiêu. Nếu trước đây, các nước được khuyến cáo đẩy mạnh quá trình tư nhân hóa hệ thống ngân hàng thì nay chính Mỹ và châu Âu đang “quốc hữu hóa” các ngân hàng lớn nhất của họ.

Chẳng lạ gì, đã có nhiều tiếng nói và chính sách đảo ngược quá trình toàn cầu hóa trước đây và xu hướng này được dự báo ngày càng mạnh lên, xuất hiện ở cả ba khía cạnh: luân chuyển vốn, lao động và hàng hóa, dịch vụ - tất cả đều đang giảm mạnh. Thương mại toàn cầu ước tính sẽ giảm hơn 2,1% trong năm nay, xuất khẩu của nhiều nước tụt theo chiều thẳng đứng. Dòng vốn đầu tư năm nay chỉ còn bằng khoảng 1/5 của năm 2007 còn nhiều nước đã tuyên bố đóng cửa thị trường lao động đối với công nhân nước ngoài, kể cả Mỹ. Liên tục có tin các nước nâng thuế nhập khẩu để hạn chế hàng nhập và bảo vệ sản xuất nội địa.

Nhưng đảo ngược như thế sẽ càng làm trầm trọng cuộc khủng hoảng hiện nay, trong khi sẽ làm cho các xung đột thương mại, người nhập cư, áp lực tài chính, tài trợ chính phủ càng sâu đậm hơn. Khủng hoảng mang tính toàn cầu cho nên từng nước đóng cửa cố gắng tự mình giải quyết sẽ khó lòng thành công.

Thiết nghĩ nếu cứ xem chuyện toàn cầu hóa theo góc cạnh ranh giới địa lý, chúng ta vẫn cứ rơi vào vòng luẩn quẩn: khủng hoảng thì khép lại, hết khủng hoảng lại mở ra. Thực tế phải thừa nhận là lợi ích từ toàn cầu hóa rất lớn và tác hại từ nó cũng lớn không kém. Lợi ích và tác hại này không diễn ra theo ranh giới địa lý vì ở ngay một nước như Mỹ chẳng hạn, có người chịu thiệt hại khi công việc làm bị chuyển ra nước ngoài và cũng có người lời to khi lương làm cho một tập đoàn tài chính tăng vọt so với những năm trước. Ở Việt Nam, có nông dân mất đất cho một nhà máy nhưng cũng có người đột nhiên giàu lên nhờ cổ phiếu…

Vì vậy, nên xem xét các nghịch lý của toàn cầu hóa bộc lộ từ cuộc khủng hoảng hiện nay theo số phận của từng tầng lớp dân cư, bất kể họ đang ở đâu. Với những chính sách thích hợp hơn để nâng đỡ người bị gạt ra rìa trong toàn cầu hóa và đặt ra những ràng buộc chặt chẽ hơn để hạn chế những ai hưởng lợi trên thua thiệt của người khác, toàn cầu hóa mới vượt khỏi cơn khủng hoảng hiện nay.

Một tầm nhìn như thế đòi hỏi sự phối hợp của các nước chứ không phải là cạnh tranh như hiện nay, nhất là trong việc đặt ra những luật lệ nghiêm khắc hơn cho thị trường tài chính và chứng khoán. Điều này khó xảy ra trong ngắn hạn nhưng chắc chắn là con đường thế giới phải trải qua để cùng chia sẻ nguồn lực của trái đất này một cách công bình và bền vững hơn.

No comments:

Post a Comment

Cryptocurrency

  Phép thử tiền crypto   Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocur...