Dương tính… với cái gì?
Nguyễn Vạn Phú
Chắc chắn những ngày tới công luận sẽ bắt đầu lên tiếng phê phán thái độ lẫn tránh sự thật của Bộ Y tế khi miêu tả đợt dịch bệnh hiện nay ở nhiều tỉnh phía Bắc là … tiêu chảy cấp tính.
Vấn đề muốn nói ở đây là nghiệp vụ của phóng viên đã chấp nhận sự lẫn tránh này mà không chịu đi đến cùng sự thật. Thật không thể tin nổi khi đến sáng thứ Hai, ngày 5/11, vẫn còn đọc được các thông tin trên báo như thế này:
“Hiện cả nước đã có hơn 600 ca nghi mắc tiêu chảy cấp, trong đó gần 80 trường hợp dương tính với vi khuẩn tiêu chảy cấp nguy hiểm”.
“… trong ngày đã có thêm 148 ca nghi mắc bệnh tiêu chảy cấp, trong đó có 3 ca dương tính với vi khuẩn tiêu chảy cấp.”
“… riêng trong ngày hôm qua đã có thêm 148 ca nghi mắc bệnh tiêu chảy cấp, trong đó có 3 ca dương tính với vi khuẩn.”
Đó là tin trong ngày thứ Hai (5/11), lúc đó đã có bài của bác sĩ Lê Đình Phương (Bệnh viện FV) trên tờ Sài Gòn Tiếp Thị (Bệnh tả: Phải gọi đúng tên để trị đúng bệnh). Cả tuần trước đó, có những đoạn tin không thể nào hiểu được:
“… Hiện đã có 144 ca tiêu chảy đang điều trị, qua xét nghiệm ban đầu xác định 108 ca dương tính.”
Ít nhất người phóng viên khi viết đến đây cũng phải tự mình vò đầu bứt tai mà hỏi: “Dương tính? Vậy dương tính với cái gì?” Trên kia có câu “dương tính với vi khuẩn” là sao? Vi khuẩn gì? Những ca nghi mắc bệnh tiêu chảy cấp không dương tính với vi khuẩn chăng? Tiêu chảy vì stress chăng? Tiêu chảy cấp nguy hiểm là bệnh gì? Phóng viên được phân công theo dõi lãnh vực y tế tức đã có một số kiến thức y tế nhất định. Khi nghe những thông tin mà mình sẽ viết trong tin bài thì phải hỏi chứ, hỏi người phát ngôn “tiêu chảy cấp” khác với “tiêu chảy cấp nguy hiểm” ở chỗ nào? Chỉ cần hỏi và tìm câu trả lời cho các câu hỏi này, phóng viên sẽ đóng trúng vai trò chất vấn cho ra thông tin trung thực: Trong các ca tiêu chảy cấp ấy, có nhiều ca mắc bệnh tả!
Thông tin như thế có gây hoang mang, hoảng sợ trong người dân không? Cứ làm thử một cuộc thăm dò bỏ túi – cả tuần trước, hỏi nhiều người về nguy cơ lây lan “bệnh tiêu chảy cấp”, đa số trả lời “tôi đâu ăn mắm tôm đâu mà sợ mắc bệnh!” Đấy mới chính là khoảng trống thông tin sẽ gây hoang mang trong người dân khi sự thật trước sau gì cũng được phơi bày.
Cứ thử nghĩ mà xem, miền Trung hiện đang đối đầu với bão lụt. Nếu dịch tả lan vào những vùng đang bị ngập nước, mguy cơ lây lan sẽ kinh khủng như thế nào. Nhưng nếu người dân biết họ phải đối đầu với nguy cơ dịch tả, họ sẽ không chủ quan, nhớ lại những bài học kinh nghiệm dân gian (khi vẫn còn sự thiếu vắng thông tin tuyên truyền chính thống) để đối phó.
Có lẽ Bộ Y tế sợ trách nhiệm, rằng quản lý như thế nào mà để xảy ra dịch tả ở những năm đầu thế kỷ 21. Vì vậy mới có chuyện ông cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch tiêu chảy cấp Nguyễn Huy Nga tuyên bố khi trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ: “Cảnh báo tiêu chảy và tả thì biện pháp phòng chống như nhau”. Xin đầu hàng! (Xin đọc thêm thông báo khẩn về “quy trình xử lý dịch tả” và “hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh tả” của Bộ Y tế lưu hành trong ngành y tế, những văn bản này thì giải thích rất rõ cách chẩn đoán phân biệt bệnh tả với các bệnh tiêu chảy khác).
Thôi, cái đó sẽ có công luận lên án và pháp luật xử lý sau. Trước mắt chỉ xin nói đến trách nhiệm của người phóng viên, làm sao để thông tin thực đến với người dân nhanh hơn, chính xác hơn.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
AI - hype and reality
AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...
-
“Đơn vị sự nghiệp công lập có thu” là cái chi chi? Khi Bộ Tài chính công bố “Quy chế thí điểm chuyển đơn vị sự nghiệp công lập có thu thàn...
-
Phép thử tiền crypto Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocur...
-
Đấu giá ngược Phiên đấu thầu bán vàng miếng đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước tổ chức hôm qua bị các báo sáng nay phê phán dữ quá. Báo T...
No comments:
Post a Comment