Friday, December 28, 2007
Noi khong - noi co
Nguyễn Vạn Phú
Ngành giáo dục nước ta đang dùng biện pháp chống để xây. Từ phong trào “nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” được mở rộng thêm nhiều “nói không” nữa như không ngồi nhầm lớp, không vi phạm đạo đức nhà giáo…
Để giải quyết một vấn đề thường có nhiều cách tiếp cận; chống để xây cũng là một cách nhưng thường là cách “đối đế” lắm mới áp dụng, nhất là trong chuyện dạy và học. Sau một thời gian đầu quan sát và ghi nhận, dường như xã hội đã mất kiên nhẫn, như nhận xét của một nhà nghiên cứu: Bao giờ ngành giáo dục thôi “nói không” để bắt đầu nói có!
Trong một gia đình nếu bố mẹ cứ chăm chăm vào lỗi lầm của con, la mắng trách phạt chúng vì những lỗi lầm ấy, rất dễ tiên đoán con cái họ sẽ khó lòng vượt lên mặc cảm là kẻ “hậu đậu” và rất có thể chúng sẽ trở thành những con người như thế. Trong một tổ chức, nếu cấp quản lý chỉ biết nhìn vào khuyết điểm của nhân viên để đánh giá họ, chắc chắn ưu tiên số một của nhân viên là cố gắng tránh mắc khuyết điểm chứ không phải là nâng hiệu năng làm việc.
Sau các phong trào nói không, ngành giáo dục được những gì? Số học sinh bỏ học ngày càng tăng đến mức báo động, hàng loạt vụ giáo viên dùng vũ lực hay nhờ cơ quan công lực đối phó với học sinh bị vạch trần… Đây là hệ quả ắt phải xảy ra khi chúng ta chú ý đến khía cạnh tiêu cực của vấn đề và xin nói ngay, người viết hoàn toàn không phản bác hay chối bỏ thực tế là nhiều học sinh đang ngồi nhầm lớp, nhiều giáo viên không được đào tạo đúng mực về đạo đức của người thầy và những vụ việc được đưa ra công luận hoàn toàn xác đáng. Tuy nhiên, đọng lại sau những câu chuyện rộ lên lúc này, lúc khác là một tâm lý bi quan bao trùm ngành sư phạm. Nhiều nhà giáo đáng kính nói với người viết họ sẽ không còn an tâm bỏ công sức và tâm huyết cho học sinh nữa, chúng có hư hỏng, mặc chúng, họ sẽ chỉ dạy cho hết giờ, hết việc. Bởi họ không muốn bị dùi xuống vũng bùn dư luận chỉ vì một lúc nào đó lỡ tay “bạt tai” một học sinh hư. Đây là hiện trạng của nền giáo dục Mỹ nơi người thầy không muốn làm gì vượt quá yêu cầu vì sợ bị phụ huynh kiện cáo. Không lẽ đến lúc người thầy ở một nước tôn sự trọng đạo như Việt Nam cũng phải áp dụng chiến thuật “mũi ni che tai” để xin hai chữ bình yên?
Nhìn sự việc ở góc độ tiêu cực, sẽ chỉ thấy những giải pháp để chống tiêu cực – và thường không thành công. Sinh viên vay tiền để học không trả, cách ghi nợ lên bằng là cách dễ nhất nhưng như dư luận những ngày gần đây cho thấy, đó không phải là cách áp dụng cho ngành giáo dục. Cũng những vấn đề hiện nay của ngành giáo dục nhưng nhìn ở góc độ khác, sẽ thấy ngay nhiều biện pháp khác, nghiêng về “nói có” chứ không cần “nói không”. Tiêu cực trong thi cử? Tại sao không giảm hẳn tầm mức quan trọng chúng ta đang gắn cho các kỳ thi, chẳng hạn xét cả quá trình học tập và hoạt động ngoại khóa của học sinh thay vì chỉ dựa vào điểm thi tuyển sinh. Bệnh thành tích? Tại sao không đánh giá thành tích của nhà trường bằng những tiêu chí khách quan thay vì chủ quan để dễ xảy ra tiêu cực. Số lượng sinh viên ra trường có ngay việc làm là một tiêu chí không thể biến báo được để chạy thành tích.
Ngày xưa người viết bài từng có 10 năm đi dạy học và rất tiếc cũng bị góc nhìn tiêu cực cuốn hút. Chấm bài học sinh chỉ chăm chăm tìm lỗi để gạch đỏ và trừ điểm, chỉ quan tâm học sinh viết thiếu ý gì so với đáp án để lấy bớt điểm ra. Vì thế, người viết rất ngạc nhiên thấy giáo viên nước ngoài ít khi chú ý đến lỗi ngữ pháp mà chỉ xem học sinh có diễn đạt được ý các em muốn nói hay không. Nói cách khác, cách tiếp cận của họ là tìm chỗ đúng để cho điểm thay vì tìm chỗ sai để trừ điểm. Ở trường hợp đầu học sinh cố gắng viết sao cho đừng sai ngữ pháp nên câu văn sáo rỗng, khô khan, cứng nhắc; trường hợp sau học sinh được mặc sức sáng tạo trong bài viết và trong quá trình đó, các em phải tìm cách viết ngày càng chính xác hơn để diễn đạt hay hơn sự sáng tạo này.
Căn bệnh hiện nay của ngành giáo dục không thể chữa chỉ bằng cách “nói không”. Phải tôn trọng giáo viên, phải xem họ là một tác nhân chủ động của công cuộc cải cách giáo dục chứ không phải là “đối tượng” bị cải cách. Trao quyền rộng rãi hơn cho nhà giáo, sự tự chủ cho nhà trường để họ có trách nhiệm trong việc đào tạo học sinh chính là bước đi đầu tiên ở hướng “nói có” này.
Thursday, November 29, 2007
Tien cho giao duc
Nguyễn Vạn Phú
Báo cáo “Giáo dục Việt Nam – Đầu tư và Cơ cấu Tài chính” của Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp những con số thú vị mà nếu phân tích kỹ, có lẽ các nhà hoạch định chính sách giáo dục sẽ thay đổi quan điểm đang theo đuổi.
Số học sinh trung học sẽ giảm mạnh
Mặc dù dân số Việt Nam nhìn chung tăng từ 77,6 triệu năm 2000 lên 84,2 năm 2006 nhưng dân số trong độ tuổi 6-10 đã giảm mạnh, năm 2000 là trên 9 triệu thì đến năm 2006 chỉ còn 6,8 triệu. Chính vì thế số lượng học sinh tiểu học đã giảm mạnh trong những năm qua, từ 9,7 triệu năm 2000 còn 7 triệu năm 2006, một mức giảm gần 3 triệu học sinh (xin nói thêm báo cáo có giải thích tỷ lệ đi học ở cấp tiểu học còn cao hơn số lượng các em trong độ tuổi này vì có nhiều em quá 10 tuổi vẫn còn học tiểu học).
Trong lúc đó, dân số trong độ tuổi 11-14 có giảm trong những năm qua nhưng tỷ lệ giảm không đáng kể, còn số lượng dân số trong độ tuổi 15-17 hầu như không thay đổi. Như vậy, rất có thể số lượng học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông trong những năm sắp tới sẽ giảm mạnh nếu vẫn duy trì số học sinh tronh độ tuổi đi học như hiện nay. Không biết Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tính đến đặc điểm cơ cấu dân số này chưa khi lập kế hoạch cho những năm sắp tới, kể cả đội ngũ giáo viên, trường lớp, ngân sách và các nguồn lực khác. Nếu số học sinh giảm mà ngân sách cho ngành giáo dục vẫn tăng đều như những năm qua, tại sao Bộ vẫn khăng khăng đòi tăng học phí? Đó là chưa kể xu hướng thành lập các trường ngoài công lập đang tăng, những trường này chia sẻ bớt số học sinh mà không đụng đến ngân sách giáo dục. Ở đây, cũng có một khả năng là trong những năm tới, khi mức sống người dân tăng lên, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đi học (năm 2006 là 90,33% ở cấp phổ thông cơ sở và 55,51% ở cấp phổ thông trung học) sẽ tăng. Nhưng mức tăng này, nếu xảy ra, sẽ không bằng mức giảm con số tuyệt đối gần 3 triệu học sinh nói trên.
Chi ngân sách giáo dục tăng nhanh
Theo số liệu trong báo cáo, chi từ ngân sách nhà nước cho giáo dục đã tăng nhanh trong những năm qua, tăng đến trên 2,7 lần trong vòng sáu năm. Nếu như ngân sách nhà nước dành cho ngành giáo dục là 19.747 tỷ đồng năm 2001 thì con số này đến năm 2006 đã đạt mức 54.798 tỷ đồng (xem bảng 1). Trong chi ngân sách, có hai khoản gồm chi thường xuyên (trên dưới 82%) và chi đầu tư (trên dưới 18%). Cả hai khoản này đều tăng nhanh và tỷ trọng hầu như không thay đổi trong những năm qua.
Ngược lại, số học sinh phổ thông cùng trong thời gian này đã giảm 1,5 triệu em, từ 17,8 triệu năm 2000 còn 16,3 triệu năm 2006. Còn tính hết tổng số từ mầm non cho đến nghiên cứu sinh, mức tăng không đáng kể, từ 22,3 triệu người năm 2000 lên 22,9 triệu người năm 2006. Điều đáng chú ý là trong khi tiền chi ra tăng trên 270% mà đối tượng nhận lợi ích từ ngân sách này không tăng bao nhiêu thì thật khó giải thích các khoản tiền tăng này đi về đâu. Chắc chắn mức thụ hưởng của học sinh ở góc cạnh tài chính ngân sách không thể tăng 270% được rồi. Mức tăng học phí, nếu có thực hiện theo đề án của Bộ Giáo dục & Đào tạo, cũng không thể nào bằng một phần rất nhỏ của mức tăng ngân sách giáo dục hằng năm, làm sao có thể kỳ vọng vào nó để xoay chuyển chất lượng giáo dục khi thực tế đã cho thấy ngân sách ưu ái cho giáo dục như thế mà ngành này đã duy trì được chất lượng hay chưa?
Mơ hồ ngân sách giáo dục
Một đặc điểm của ngân sách giáo dục, theo báo cáo, là đến 95% được chi trực tiếp cho các địa phương hay bộ ngành khác; Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ nắm trong tay 5% thôi. Đây chính là một vùng xám cần làm rõ để biết ngân sách được cho là dành cho ngành giáo dục được sử dụng như thế nào. Thường xuyên có chuyện tỉnh hay huyện cứ tạm sử dụng phần ngân sách giáo dục vào việc khác rồi trả lại sau – từ đó mới có chuyện nợ lương giáo viên, nợ tiền đầu tư xây dựng cơ bản cho trường lớp.
Cựu Bộ trưởng Giáo dục Phạm Minh Hạc, khi trả lời phỏng vấn báo chí, đã phải than: “Tôi ở Quốc hội 2 khóa, Trung ương 3 khóa, ở cấp thứ trưởng rồi bộ trưởng, tổng cộng 21 năm cho đến lúc về hưu đã rút ra một điều là tài chính là một trong những bí hiểm nhất của các bí hiểm. Tiền Nhà nước cho bao nhiêu, ghi thế thôi chưa chắc chi đã đúng. Về đến địa phương thì bao nhiêu số đó thực chi cho giáo dục? Không ai biết.”
Thay vì loay hoay soạn thảo và bảo vệ cho đề án tăng học phí, lẽ ra Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tìm cách giải mã “hộp đen” này. Không phải bộ giành hết ngân sách về tay mình để chi – vì đó là điều không tưởng – mà phải “lật bài ngửa” công khai hết cho người dân biết, phải đào tạo cán bộ ở cấp sở và phòng giáo dục, sao cho họ biết cách đấu tranh để địa phương phải chi đúng, chi đủ phần ngân sách đã phân bổ, phải dùng báo chí, đại biểu Quốc hội để làm sao đồng tiền ngân sách, tức cũng là tiền đóng thuế của người dân, đến đúng địa chỉ.
Cách làm tương đối khả thi là chọn một hai địa phương làm trọng điểm kiểm tra việc chi ngân sách cho ngành giáo dục, từ đó xây dựng mô hình mẫu về lương giáo viên, các khoản chi thường xuyên khác và chi đầu tư cho từng trường, tính trên số lượng học sinh… (có người tính toán rằng với mức chi thường xuyên như hiện nay, lương bình quân của giáo viên phải ở mức 3,6 triệu đồng/tháng). Người dân và ngành giáo dục ở các địa phương khác có thể đối chiếu để chất vấn lãnh đạo địa phương mình tiền chi cho giáo dục đi về đâu.
Còn đó nhiều câu hỏi khác
Những con số được trích dẫn trên đây là giả định báo cáo ““Giáo dục Việt Nam – Đầu tư và Cơ cấu Tài chính” hoàn toàn chính xác. Tuy thế, khi đọc báo cáo, người ta không thể không đặt ra những câu hỏi cho nhiều con số được đưa ra.
Xin lấy ví dụ, báo cáo viết: “Năm 2006, số trẻ 6 đến 10 tuổi là 6,81 triệu em, số học sinh tiểu học là 7,029 triệu em, chiếm tỷ lệ 103%. Tức là hầu như tất cả trẻ em ở độ tuổi tiểu học đều đi học, ngoài ra có một số trẻ em quá 10 tuổi vẫn đi học tiểu học (3%)”. Không thể nào tin được 100% học sinh trong độ tuổi đều đi học tiểu học. Báo chí đã nói khá nhiều về hiện tượng học sinh bỏ học ở các vùng khó khăn về kinh tế; chúng ta đều đã nghe nói về các nỗ lực đưa trẻ em đường phố vào các lớp học tình thương; thực tế có bao nhiêu em vì bệnh tật, vì khuyết tật và vì nhiều lý do khác đã không thể đến trường. Nếu trừ đi con số này, không biết Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy đâu ra học sinh để cho đủ con số 100%. Nếu tính số học sinh tiểu học trên số lớp thì bình quân mỗi lớp chỉ có 26 em, một con số lý tưởng và không có trong thực tế. Tình hình cũng tương tự khi tính chung số học sinh phổ thông trên số lớp phổ thông thì mỗi lớp chỉ có bình quân 32,4 em!
Báo cáo cho biết nguồn vốn vay ODA cho ngành giáo dục hằng năm khoảng từ 4.200 đến 4.600 tỷ đồng – tức ở mức 260 triệu đến 280 triệu đô-la Mỹ (riêng năm 2006 chỉ còn 1.200 tỷ đồng tương đương với chừng 75 triệu đô-la Mỹ). Cứ tạm cho con số này là chính xác, và lấy số liệu năm 2005 cho dễ hình dung, chúng ta thấy nguồn vốn vay ODA (4.640 tỷ đồng) chiếm trên 10% tổng chi ngân sách cho giáo dục (42.943 tỷ đồng); chiếm trên 60% khoản chi đầu tư cho giáo dục (7.226 tỷ đồng). Đây là một tỷ lệ không nhỏ chút nào nhưng hầu như không thấy Bộ Giáo dục & Đào tạo phân tích, giải trình trong báo này hay các báo cáo trước người dân.
Cách so sánh chi phí học tập trên thu nhập của hộ gia đình của báo cáo cũng không ổn vì chỉ dùng các phép tính đơn giản để kết luận thu nhập bình quân hộ gia đình 3 người (có 1 người đi học) ở thành thị là 3,2 triệu/tháng và ở nông thôn là 1,5 triệu/tháng; hộ 4 người (có 2 người đi học) ở thành thị là 4,2 triệu/tháng và ở nông thôn là 2 triệu/tháng. Hai vợ chồng ở nông thôn làm sao có thu nhập 2 triệu đồng mỗi tháng? Bình quân thu nhập GDP đầu người là chia đều, nếu có những người thu nhập cả mấy trăm triệu mỗi tháng thì sẽ có những người hầu như không có thu nhập. Hơn nữa, chỉ nhìn những con số trên cũng đã thấy cực kỳ phi lý, thu nhập ở gia đình gồm bố mẹ và 2 con đang đi học tăng nhiều so với gia đình gồm bố mẹ và 1 con đang đi học, khoảng tăng 1 triệu đồng này lấy ở đâu ra?
Xin ngưng tính toán đơn thuần trên giấy mà hãy tổ chức khảo sát thực tế để có thể đưa ra những nhận định chính xác và chính sách hợp lòng dân.
Saturday, November 24, 2007
Các thành viên của Chính phủ đã trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội vào cuối tuần trước và đầu tuần này. Nhiều vấn đề được nêu lên, nhiều giải pháp và lời hứa hẹn được đưa ra. Nhưng dường như cảm nhận chung từ các phiên chất vấn này là nội dung chất vấn bị lập lại và cách trả lời cũng giống như các phiên họp trước đây. Hàng chục triệu cử tri ắt sẽ có hàng triệu câu hỏi, không thể trông chờ các câu hỏi và trả lời ở các phiên chất vấn sẽ thỏa mãn hết mọi người.
Vậy cái thiếu ở những phiên chất vấn này là gì, có cách làm nào khác hay hơn để thỏa mãn được đa số cử tri hơn? Theo chúng tôi, điều cần nhất ở các thành viên đang đảm đương những nhiệm vụ quan trọng trong bộ máy Chính phủ là một tầm nhìn giúp xác định được vấn đề cần giải quyết, cả ngắn hạn và dài hạn, cũng như quyết tâm theo đuổi, đấu tranh để thực hiện các giải pháp đi liền với tầm nhìn này.
Cho đến nay không ai không ý thức được mức độ nghiêm trọng của các vấn đề xã hội, từ nạn kẹt xe, ô nhiễm môi trường đến chất lượng giáo dục, tham nhũng của công, giá cả tăng vọt… Vấn đề là ở cương vị người đứng đầu các ngành, các bộ trưởng đã xây dựng cho mình tầm nhìn như thế nào về các vấn nạn xã hội đang phải đương đầu, giải pháp nào để vượt qua chúng, những trở ngại nào khi thực hiện các giải pháp ấy. Tất cả phải xuất phát từ một sự bức xúc của người chịu trách nhiệm để chuyển tải tinh thần tập trung giải quyết vấn đề theo đúng nguyện vọng của cử tri đến tận mọi cấp trong bộ máy của mình.
Phiên chất vấn không chỉ là lúc người bộ trưởng phải chật vật tìm cách trả lời thắc mắc của cử tri hay vượt qua sự truy hỏi của đại biểu Quốc hội. Cũng phải xem đây là dịp người bộ trưởng trình bày quan điểm, lộ trình và kế hoạch của mình, thuyết phục Quốc hội cung cấp đủ cho mình những công cụ, kể cả tài chính hay sửa đổi luật lệ, để thực hiện tầm nhìn đó. Xin lấy ví dụ, phiên chất vấn không thể là nơi Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo đôi co với đại biểu Quốc hội về trọng lượng của cặp học sinh, 3 ký hay 4 ký! Đây cũng không phải là nơi người đứng đầu ngành giáo dục than phiền về chất lượng đào tạo tiến sĩ của nước nhà. Điều cử tri trông đợi là ngành giáo dục sẽ làm gì để nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, hay xa hơn, chất lượng đó gắn với cách sử dụng tiến sĩ của xã hội như thế nào. Kêu gọi người không có điều mới không nên “làm tiến sĩ” là lạc hướng giải quyết vì bộ máy ngành giáo dục hoàn toàn có thể đánh giá và phải có trách nhiệm đánh giá một luận án tiến sĩ có đóng góp gì mới cho xã hội không. Hoặc một Bộ trưởng Giao thông Vận tải không thể nào trả lời chính xác vì sao một dự án cụ thể có công trình cầu đường không đồng bộ. Nhưng người bộ trưởng phải có giải pháp xóa bỏ sự không đồng bộ này ở mọi dự án, thậm chí bằng cách đề nghị Quốc hội sửa đổi cơ chế, quy định có thể gây ra tình trạng này.
Chúng ta trông đợi các phiên chất vấn tương lai sẽ là diễn đàn để các thành viên Chính phủ cho cử tri thấy họ đã trăn trở với các vấn đề của đất nước thuộc trách nhiệm của họ như thế nào. Lúc đó, không cần chất vấn, đại biểu hay cử tri đối chiếu câu hỏi của mình với tầm nhìn hay giải pháp chung đã được trình bày ắt sẽ tự mình tìm thấy ngay câu trả lời cần có.
Ai chịu trách nhiệm?
Thủ đoạn lừa đảo của cái gọi là tập đoàn Colony Invest và những đường dây tương tự rất đơn giản, thậm chí thô thiển vì đánh vào lòng tham của con người với mức lãi suất hứa hẹn lên đến 3%/ngày. Vì thế ngay khi nhóm lừa đảo này bắt đầu mồi chài người dân, báo chí đã phát hiện và đã lên tiếng cảnh báo ngay từ những tháng đầu năm nay. Điều đáng nói là từ đó cho đến cuối tuần trước, không hề có một cơ quan chức năng chính thức nào đưa ra phát biểu mang tính cảnh báo cho người dân. Và có lẽ đến khi kết thúc vụ án lừa đảo quy mô hàng vạn người này, cũng sẽ chẳng có cơ quan nào chịu trách nhiệm cho sự chậm trễ này để cuối cùng nạn nhân vẫn là những người dân nghèo, cả tin và dễ bị lường gạt.
Thử nhìn lại những tháng qua, sau khi báo chí đã có những bài điều tra về loại hình lừa đảo này, có thể có cơ quan nào đứng ra làm nhiệm vụ cảnh giác cho xã hội? Chúng ta còn nhớ cách đây không lâu, Ngân hàng Nhà nước đã dự thảo cho Chính phủ ban hành Nghị định 74 về việc chống rửa tiền, trong đó các tổ chức tín dụng phải giám sát và báo cáo các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ, đặc biệt là những khoản giao dịch có tổng giá trị từ 200 triệu đồng trở lên trong ngày. Nhóm lừa đảo này bị báo chí ghi rõ tên tuổi; giao dịch cũng thực hiện qua nhiều ngân hàng với các khoản tiền tỉ đồng trở lên. Sao chẳng thấy ai lên tiếng? Ngân hàng Nhà nước lẽ ra đã có thể sử dụng các kênh truyền thông, nhất là truyền hình hay phát thanh để phân tích một cách đơn giản nhất cho người dân thấy bản chất của sự lừa đảo, nhất là khi có dấu hiệu vi phạm các quy định liên quan đến lĩnh vực cơ quan này phụ trách.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các sở kế hoạch và đầu tư ở các tỉnh thành ắt biết rõ mình chưa bao giờ cấp phép cho loại hình kinh doanh này, cũng như chưa bao giờ cấp phép cho Colony Invest, tại sao không họp báo nói rõ sự thật để giúp giảm bớt số người bị lừa. Cơ quan an ninh mạng, từng phối hợp rất nhanh chóng với cơ quan điều tra trong những vụ như truy tìm thủ phạm tung phim sex lên mạng, sao không thấy phản ứng gì, để mặc cho đường dây này “lòe mắt” những người nông dân với những kỹ xảo như username (tên để truy cập) hay password (mật mã).
Đáng nói nhất là chính quyền cơ sở ở các địa phương, lẽ ra khi nắm được sự việc đang diễn ra tại địa phương mình, phải nhanh chóng tìm hiểu vấn đề, liên lạc với các cơ quan chức năng để được hỗ trợ về kiến thức hay nghiệp vụ chuyên môn. Chỉ khi cán bộ cơ sở làm việc với tinh thần “chức trách” cao như thế, họ mới có đủ khả năng ngăn chặn các hoạt động lừa đảo trên địa bàn của mình.
Vụ Colony Invest rồi cũng sẽ trôi qua với những bản án dành cho những kẻ lợi dụng sự thiếu hiểu biết và thiếu cơ hội làm ăn của người dân nghèo. Vấn đề là các cơ quan nhà nước rút ra được bài học gì để trong tương lai có thể ngăn chặn ngay một vụ tương tự, không để hàng vạn người bị mất tiền như lần này? Cần tập huấn những gì cho cán bộ địa phương bên cạnh các bài giảng chính trị? Cần có cơ chế phối hợp như thế nào giữa các cơ quan nhà nước để định rõ trách nhiệm của từng cơ quan? Và cuối cùng, phải làm gì để khắc phục một não trạng phổ biến hiện nay tại nhiều cơ quan: Chuyện đó không thuộc trách nhiệm của chúng tôi?
Monday, November 5, 2007
Duong tinh... voi cai gi?
Nguyễn Vạn Phú
Chắc chắn những ngày tới công luận sẽ bắt đầu lên tiếng phê phán thái độ lẫn tránh sự thật của Bộ Y tế khi miêu tả đợt dịch bệnh hiện nay ở nhiều tỉnh phía Bắc là … tiêu chảy cấp tính.
Vấn đề muốn nói ở đây là nghiệp vụ của phóng viên đã chấp nhận sự lẫn tránh này mà không chịu đi đến cùng sự thật. Thật không thể tin nổi khi đến sáng thứ Hai, ngày 5/11, vẫn còn đọc được các thông tin trên báo như thế này:
“Hiện cả nước đã có hơn 600 ca nghi mắc tiêu chảy cấp, trong đó gần 80 trường hợp dương tính với vi khuẩn tiêu chảy cấp nguy hiểm”.
“… trong ngày đã có thêm 148 ca nghi mắc bệnh tiêu chảy cấp, trong đó có 3 ca dương tính với vi khuẩn tiêu chảy cấp.”
“… riêng trong ngày hôm qua đã có thêm 148 ca nghi mắc bệnh tiêu chảy cấp, trong đó có 3 ca dương tính với vi khuẩn.”
Đó là tin trong ngày thứ Hai (5/11), lúc đó đã có bài của bác sĩ Lê Đình Phương (Bệnh viện FV) trên tờ Sài Gòn Tiếp Thị (Bệnh tả: Phải gọi đúng tên để trị đúng bệnh). Cả tuần trước đó, có những đoạn tin không thể nào hiểu được:
“… Hiện đã có 144 ca tiêu chảy đang điều trị, qua xét nghiệm ban đầu xác định 108 ca dương tính.”
Ít nhất người phóng viên khi viết đến đây cũng phải tự mình vò đầu bứt tai mà hỏi: “Dương tính? Vậy dương tính với cái gì?” Trên kia có câu “dương tính với vi khuẩn” là sao? Vi khuẩn gì? Những ca nghi mắc bệnh tiêu chảy cấp không dương tính với vi khuẩn chăng? Tiêu chảy vì stress chăng? Tiêu chảy cấp nguy hiểm là bệnh gì? Phóng viên được phân công theo dõi lãnh vực y tế tức đã có một số kiến thức y tế nhất định. Khi nghe những thông tin mà mình sẽ viết trong tin bài thì phải hỏi chứ, hỏi người phát ngôn “tiêu chảy cấp” khác với “tiêu chảy cấp nguy hiểm” ở chỗ nào? Chỉ cần hỏi và tìm câu trả lời cho các câu hỏi này, phóng viên sẽ đóng trúng vai trò chất vấn cho ra thông tin trung thực: Trong các ca tiêu chảy cấp ấy, có nhiều ca mắc bệnh tả!
Thông tin như thế có gây hoang mang, hoảng sợ trong người dân không? Cứ làm thử một cuộc thăm dò bỏ túi – cả tuần trước, hỏi nhiều người về nguy cơ lây lan “bệnh tiêu chảy cấp”, đa số trả lời “tôi đâu ăn mắm tôm đâu mà sợ mắc bệnh!” Đấy mới chính là khoảng trống thông tin sẽ gây hoang mang trong người dân khi sự thật trước sau gì cũng được phơi bày.
Cứ thử nghĩ mà xem, miền Trung hiện đang đối đầu với bão lụt. Nếu dịch tả lan vào những vùng đang bị ngập nước, mguy cơ lây lan sẽ kinh khủng như thế nào. Nhưng nếu người dân biết họ phải đối đầu với nguy cơ dịch tả, họ sẽ không chủ quan, nhớ lại những bài học kinh nghiệm dân gian (khi vẫn còn sự thiếu vắng thông tin tuyên truyền chính thống) để đối phó.
Có lẽ Bộ Y tế sợ trách nhiệm, rằng quản lý như thế nào mà để xảy ra dịch tả ở những năm đầu thế kỷ 21. Vì vậy mới có chuyện ông cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch tiêu chảy cấp Nguyễn Huy Nga tuyên bố khi trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ: “Cảnh báo tiêu chảy và tả thì biện pháp phòng chống như nhau”. Xin đầu hàng! (Xin đọc thêm thông báo khẩn về “quy trình xử lý dịch tả” và “hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh tả” của Bộ Y tế lưu hành trong ngành y tế, những văn bản này thì giải thích rất rõ cách chẩn đoán phân biệt bệnh tả với các bệnh tiêu chảy khác).
Thôi, cái đó sẽ có công luận lên án và pháp luật xử lý sau. Trước mắt chỉ xin nói đến trách nhiệm của người phóng viên, làm sao để thông tin thực đến với người dân nhanh hơn, chính xác hơn.
Thursday, November 1, 2007
Thi truong bong bong
Nguyễn Vạn Phú
- Khủng hoảng tín dụng địa ốc ở Mỹ, đang gây chao đảo cho thị trường tài chính toàn cầu, liệu có cung cấp bài học gì cho thị trường địa ốc nước ta?
Năm 2004, khi sang Mỹ công tác, tôi hơi ngạc nhiên khi thấy đi đến đâu, người ta cũng bàn chuyện mua bán nhà. Nhiều người Việt sống ở những vùng gần Washington DC, Houston, Texas hay Santa Ana, California mua vài ba căn nhà, ai nấy đều “phấn khởi” vì giá nhà tăng nhanh, tính ra, họ đã lời những khoản rất lớn. Hỏi chuyện mới biết, mua nhà những năm ấy khá dễ dàng. Họ chỉ cần trả ngay khoảng 20% giá trị căn nhà, còn lại sẽ trả góp trong vòng 20 năm hoặc lâu hơn. Lãi suất lúc ấy lại rất thấp nên mua xong, cứ cho thuê để lấy tiền trả góp ngân hàng, được giá là bán lại, lấy lời.
Lúc đó, tôi có đến thăm những khu phát triển địa ốc ở Texas mà có dạo cũng quảng cáo rao bán cho người trong nước, gây xôn xao ở nước ta một thời gian. Bây giờ nhìn lại, mới thấy đấy là tiền đề của cuộc khủng hoảng tín dụng địa ốc đang gây khó khăn cho nền kinh tế của Mỹ và kéo theo sự phá sản của nhiều tổ chức tín dụng trên khắp thế giới.
Thị trường lúc nào cũng chịu tác động của quy luật cung cầu. Người ta mua nhà không phải vì nhu cầu chỗ ở mà sử dụng nó như một công cụ đầu tư thì chắc chắn sau một thời gian xây thêm nhà để bán, thị trường sẽ thừa nhà. Để “kích cầu”, giới tài chính Mỹ “làm liều” cho vay mua nhà ngay cả những người có tiền sử tín dụng xấu – gọi là subprime loan mà chúng ta bây giờ hay nghe báo chí sử dụng để tính lãi trên trời. Khi lãi suất được liên tục nâng lên trong những năm gần đây, món nợ vay mua nhà bỗng tăng vọt (vì áp dụng lãi suất thả nổi). Nhiều người mất khả năng chi trả - nhà lại không bán được dễ dàng như trước vì lãi suất cao rồi, tính ra không còn lời nhanh như mấy năm trước. Sau khi tận dụng các kỹ thuật để thu thêm một khoản lãi nữa như cho vay để tái cấu trúc nợ, cho vay khoản vay thứ nhì trên cùng căn nhà đã thế chấp, các tổ chức tín dụng bắt đầu công bố tin xấu: nợ khó đòi tăng vọt.
Thế là sụp đổ dây chuyền. Cái tinh vi của thị trường tín dụng địa ốc này là ở chỗ: các khoản vay tín dụng xấu này được “đóng gói” thành các loại cổ phiếu, chẻ nhỏ ra rồi đem lên giao dịch trên thị trường chứng khoán. Vì thế, dù là chuyện cho vay mua nhà ở Mỹ nhưng ảnh hưởng thì lan đến tận New Zealand, Đức, Pháp, Úc… vì họ tham gia mua bán chứng khoán loại này.
Đó là chuyện của người ta. Liệu nó có liên quan gì đến những đợt sốt nhà đất ở nước ta trong thời gian gần đây? Nhiều người nói không hề vì ở nước ta mua nhà thường trả bằng tiền mặt chứ không có chuyện vay ngân hàng để mua. Có vay ngân hàng chăng nữa, thì tỷ lệ cho vay trên giá trị căn nhà rất thấp, tiền sử tín dụng của người vay được cân nhắc kỹ. Có lẽ họ nói đúng nhưng có những dấu hiệu cảnh báo rất rõ ràng, không thể không nói ra.
Khủng hoảng tín dụng địa ốc ở Mỹ có quy mô lớn, nhưng lẽ ra nó còn lớn hơn gấp nhiều lần nếu không có những sắc thuế ngăn chận bớt lòng tham của nhà đầu cơ. Nhắc lại chuyến đi Mỹ hồi năm 2004, nhiều người Việt cũng cho biết họ không tham gia vào phong trào đầu cơ nhà cửa vì họ ngại chuyện thuế. Ở Mỹ, sở hữu nhà thì phải đóng thuế bất động sản cho chính quyền địa phương – thuế suất mỗi nơi mỗi khác. Ví dụ ở Houston, Texas, một căn nhà của một gia đình trung lưu có mức thuế hằng năm chừng 8.000 đô-la. Ngoài ra, nếu bán căn nhà mua chưa đầy hai năm và có lãi thì phải đóng thuế thu nhập chừng 15%. Người mua nhà hòng kiếm lời còn phải tính đến phí hoa hồng giao dịch (ít ai mua bán trực tiếp), mua về để cho thuê phải tính đến thuế kinh doanh nhà cho thuê…
Ở ta, chưa có những sắc thuế như vậy nên người có tiền cứ thoải mái đầu cơ vào nhà đất, giá lên bao nhiêu là hưởng lợi bấy nhiêu. Đây là một điểm khác biệt lớn mà nếu không có chính sách điều chỉnh sớm, cơn sốt nhà đất sẽ khó lòng hạ nhiệt.
Thứ nữa, mặc dù chưa thấy có hiện tượng người dân bình thường vay tiền mua nhà để bán lại, nên nhớ rất nhiều dự án nhà đất lớn trong thời gian vừa qua được các ngân hàng tài trợ vốn. Hiện nay, theo quan sát của giới chuyên môn, đến 80-90% người mua các căn hộ chung cư đang sốt nóng không mua để ở mà mua để dành đó sau này bán lại kiếm lời. Cứ tạm tính chỉ một phần ba các vụ giao dịch ở dạng này, chẳng mấy chốc, nhu cầu mua nhà sẽ đạt để đỉnh và nhanh chóng rớt xuống. Lúc đó, chủ đầu tư lấy tiền đâu trả nợ cho ngân hàng? Dòng tiền họ tính toán sẽ thu được trong thời gian tới liệu có trôi chảy như trong bản thuyết minh dự án đi vay tiền? Chưa kể, với sự đóng mặt của thị trường chứng khoán, các khoản vay này cũng được “đóng gói” biến thành cổ phiếu đang được ngay chính các tổ chức tín dụng hay các công ty khác sở hữu; liệu có gì khác với các công cụ tài chính với các tên rất kêu từng được rao bán ở thị trường tài chính quốc tế?
Sức hút của những khoản lời khổng lồ đang cuốn nguồn lực của xã hội vào cơn lốc đầu tư và đầu cơ địa ốc; chắc chắn nguồn lực dùng để xây dựng nhà giá thấp cho người có thu nhập bình thường sẽ bị chia sẻ. Hình ảnh hàng ngàn căn hộ đắt tiền bỏ trống, không ai ở bên cạnh những khu ổ chuột mới hình thành với hàng ngàn công nhân sống chen chúc từng xảy ra ở Thái Lan, sẽ có khả năng xảy ra ở nước ta nếu chúng ta không nhận ra nguy cơ “bóng bóng” của thị trường và nhanh chóng có biện pháp điều chỉnh.
Thursday, October 18, 2007
Giai Nobel Kinh te 2007
Lý thuyết trò chơi “đảo ngược”
Nguyễn Vạn Phú
Ba nhà khoa học người Mỹ nhận giải Nobel Kinh tế năm nay, Leonid Hurwicz, Eric Maskin và Roger Myerson xuất thân là nhà toán học ứng dụng. Tuy thế những nghiên cứu của họ đã có tác động lớn đến kinh tế học vi mô và được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lãnh vực.
Những ai có nghiên cứu về kinh tế học đều biết đến khái niệm “bàn tay vô hình” của Adam Smith, cổ xúy cho các nguyên tắc thị trường tự do. Nhưng “bàn tay vô hình” chỉ phát huy tác dụng ở một thị trường hoàn hảo, nơi thông tin được cung cấp đầy đủ. Trong trường hợp thị trường không hoàn hảo, giao dịch có thể thất bại vì người mua, người bán, do thiếu thông tin, có thể đưa ra giá không bên nào chấp nhận được. Ví dụ, một hợp đồng bảo hiểm ốm đau sẽ thất bại nếu đưa ra mức bồi thường quá thấp hay ngược lại, cũng thất bại nếu đưa ra điều kiện quá dễ dàng vì bị lạm dụng. Người bán luôn có động cơ đưa ra giá cao nhất có thể đưa và người mua luôn có động cơ ngược lại, cả hai bên lại không đủ thông tin của nhau (tình trạng thông tin bất đối xứng) nên kết quả giao dịch có thể không hoàn hảo hay thậm chí thất bại. Nghiên cứu của ba người nhận giải Nobel năm nay - gọi chung là “lý thuyết thiết kế cơ chế” đã giúp người ta hiểu được các cơ chế cần có để tìm một sự cân bằng tối ưu giúp thị trường hoạt động.
Nghiên cứu về thiết kế cơ chế là một phân ngành kinh tế học trừu tượng, sử dụng các mô hình và công thức toán học phức tạp. Các tạp chí kinh tế nước ngoài, khi đưa tin về giải Nobel Kinh tế năm nay, đều phải dựa vào các ví dụ được đơn giản hóa. Một trong những cơ chế được lấy làm ví dụ là đấu giá. Giả thử một bức tranh của danh họa Picasso được bán đấu giá, cơ chế đấu giá như thế sẽ buộc người tham gia phải phát ra thông tin - thông qua các mức đấu giá - về giá trị bức tranh theo đánh giá của từng người. Như vậy, vai trò của các nhà khoa học này là sử dụng toán học để phân tích và mô tả quy trình “thúc đẩy người giao dịch cung cấp thông tin thật”.
Có lẽ chúng ta còn nhớ giải Nobel Kinh tế năm 2005 (trao cho Thomas Schelling và Robert Aumann) về các công trình ứng dụng lý thuyết trò chơi. Trước đó, John Nash, mà cuộc đời được đưa lên màn ảnh qua phim “A Beautiful Mind” cũng được trao giải Nobel Kinh tế năm 1994 nhờ lý thuyết trò chơi.
“Thiết kế cơ chế” là một dạng lý thuyết trò chơi đảo ngược. Trong khi lý thuyết trò chơi tìm hiểu xem cá nhân sẽ hành xử như thế nào trong những hoàn cảnh nhất định khi có những tác nhân nhất định thì lý thuyết “thiết kế cơ chế” tìm cách thiết kế các hoàn cảnh và các tác nhân sao cho đạt được cách hành xử mong muốn.
Alvin Roth, một giáo sư kinh tế tại Đại học Harvard giải thích trên tờ Wall Street Journal: “Có thể nói trước khi có lý thuyết trò chơi hiện đại, các nhà kinh tế học nhìn vào thị trường như nhà thực vật học nhìn vào cây cảnh, tìm cách nghiên cứu các hiện tượng tự nhiên. Thiết kế cơ chế nhìn nhận rằng thị trường là do con người xây dựng nên để bắt đầu tự hỏi: chúng ta có thể làm gì hay không làm được gì với thị trường, cách nào là tốt nhất để tác động lên nó”.
Vì thế thiết kế cơ chế được ứng dụng trong rất nhiều lãnh vực: từ chính sách quản lý nhà nước, phân bổ nguồn lực, chính sách thuế đến cơ chế đấu giá, lập hợp đồng bảo hiểm. Nói chung lý thuyết của các nhà kinh tế học được giải Nobel năm nay có thể sử dụng làm cơ sở giúp xác định lúc nào thị trường hay cơ chế nào có tác dụng cung cấp kết quả mong muốn. Ví dụ, chính phủ Anh đã thiết kế một cơ chế tối ưu khi bán đấu giá giấy phép khai thác mạng điện thoại di động 3G năm 2000, thu về cho ngân sách hơn 22 tỷ bảng Anh. Cơ chế này buộc các hãng tham gia phải đưa ra giá phản ánh được giá trị thật của giấy phép và ngăn cản họ liên kết với nhau để ép giá và hưởng lợi.
Giáo sư Leonid Hurwicz (Đại học Minnesota) năm nay 90, là người lớn tuổi nhất đoạt giải Nobel từ trước đến nay. Ông là người khởi sự nghiên cứu về lý thuyết thiết kế cơ chế từ những năm 1950. Giáo sư Eric Maskin, 57 tuổi, hiện đang giảng dạy tại Học viện Nghiên cứu Cao cấp, Đại học Princeton, là người nghiên cứu sâu về thiết kế tối ưu cho các hình thức đấu giá. Riêng Roger Myerson, 56 tuổi, hiện là giáo sư của Đại học Chicago, là một trong những tác giả của một định lý quan trọng của lý thuyết thiết kế cơ chế. Mặc dù được báo chí gọi là giải Nobel Kinh tế, tên chính thức của giải này là Giải thưởng Tưởng niệm Nobel về Khoa học Kinh tế, không liên quan trực tiếp đến các giải Nobel khác vì do ngân hàng trung ương Thụy Điển tổ chức. Trị giá giải năm nay vào khoảng 1,5 triệu đô-la Mỹ, sẽ được trao chính thức vào ngày 10-12.
Windows:
“Thiết kế cơ chế” là một dạng lý thuyết trò chơi đảo ngược. Trong khi lý thuyết trò chơi tìm hiểu xem cá nhân sẽ hành xử như thế nào trong những hoàn cảnh nhất định khi có những tác nhân nhất định thì “thiết kế cơ chế” tìm cách thiết kế các hoàn cảnh và các tác nhân sao cho đạt được cách hành xử mong muốn.
Box
Các giải Nobel khác:
+ Hòa bình: Trao cho cựu phó tổng thống Mỹ Al Gore và Ủy ban liên chính phủ về thay đổi khí hậu của Liên hiệp quốc về những nỗ lực đối phó với tình trạng thay đổi khí hậu.
+ Văn học: Nữ văn sĩ người Anh Doris Lessing.
+ Hóa học: Nhà khoa học người Đức Gerhard Ertl nhờ công trình nghiên cứu về phản ứng hóa học trên bề mặt rắn.
+ Vật lý: Nhà khoa học người Pháp Albert Fert và đồng sự người Đức Peter Grunberg nhờ khám phá công nghệ đọc dữ liệu trên ổ cứng.
+ Y học: Mario Capecchi (người Mỹ gốc Ý), Martin Evans (người Anh) và Oliver Smithies (người Mỹ gốc Anh) cho các nghiên cứu về công nghệ gen.
Friday, September 28, 2007
Nha bao va thue
Tạp chí "Nghề báo" số mới nhất (9-2007) có bài "Chuyện tiền của các báo". Đoạn đầu có một câu rất ... phi kinh tế.
"Mức thuế 13-15% chỉ là để áp dụng cho các cơ quan báo chí làm ăn có lãi thôi, còn những tờ báo không có lãi thì phải được miễn luôn". Đây là phát biểu của Tổng biên tập báo Công An Nhân Dân. Không biết ông Hữu Ước có nói vậy không hay phóng viên ghi sai vì đã không có lãi thì làm gì có chuyện phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp!
Monday, August 27, 2007
Ky luc chup anh
1. Chụp được 2 triệu bức ảnh
Báo Sài Gòn Giải Phóng (26/8/2007) đưa tin:
Hội Nhà báo - CLB Ảnh báo chí TPHCM đã tổ chức chuyến đi xuyên Việt cho các thành viên có điều kiện đi chụp ảnh dài ngày. Xuất phát từ Hội Nhà báo TPHCM ngày 10-3 và trở về ngày 10-8, với sự tài trợ của Ngân hàng cổ phần Thương mại Sài Gòn và shop thời trang Sóng Nhạc, hai thành viên CLB Ảnh Báo chí TP là Hoàng Chí Hùng (PV Tạp chí Điện ảnh TP) và Bùi Ngọc Tuấn (PV Báo Pháp luật TP) đã kết thúc chuyến đi an toàn và họp mặt tại Hội Nhà báo chiều 24-8 (ảnh).Hai phóng viên đã thu hoạch 2 triệu bức ảnh qua 64 tỉnh thành trong chuyến đi xuyên Việt với 4 đề mục được CLB đề ra là: phong cảnh đất nước; các di tích lịch sử cách mạng; các di tích lịch sử được Nhà nước công nhận; phong tục tập quán của 54 dân tộc sinh sống trên đất Việt. Trải qua 162 ngày với chiều dài chặng đường khoảng 30.000km, bằng xe ô tô tự lái và được sự giúp đỡ của hội nhà báo các tỉnh thành, các đồn biên phòng, cửa khẩu biên giới…, hai phóng viên đã vượt qua nhiều khó khăn và kết thúc chuyến đi có thể lập kỷ lục về thời gian, chiều dài chặng đường, số lượng ảnh chụp được… trong giới ảnh báo chí.
Đọc tin này chúng ta sẽ thấy những điểm phi lý rất dễ phát hiện:
- Trong 162 ngày, hai người chụp được 2 triệu bức ảnh, tức bình quân mỗi ngày chụp được 12.346 tấm ảnh. Một con số không tưởng.
- Cũng trong 162 ngày, hai người đi được 30.000km, tức mỗi ngày phải đi chừng 185km và ắt phải đi vòng vòng vì lấy chỗ đâu mà đi.
2. Tạp chí Newsweek thông tin Bin Laden đã chết
Cũng báo Sài Gòn Giải Phóng số ra ngày 27/8/2007 đã đưa tin có tít như trên. Đây là một tít sai vì theo các báo nước ngoài tờ Newsweek làm hồ sơ về Bin Laden, trong đó có chi tiết: "US forces in Afghanistan came so close to discovering Osama bin Laden in the winter of 2004-2005 that his supporters were on the verge of killing him to prevent his capture, Newsweek reported."
Thế mà bản tin lại dịch thành: "Theo tạp chí Newsweek của Mỹ số ra ngày 26-8, bin Laden đã ra lệnh cho những thân cận giết y, trước khi lực lượng của Mỹ ập vào nơi trú ẩn của y trong mùa đông 2004-2005, tại một khu vực biên giới Afghanistan – Pakistan". Một bên là "suýt nữa" còn một bên là giết rồi. Và có lẽ dựa vào đó, người viết hay biên tập viên đã rút tít sai như trên.
(còn nữa)
Saturday, July 7, 2007
Wikipedia
Nguyễn Vạn Phú
Wikipedia là một hiện tượng lạ - trong vòng năm năm, trang web này đã trở thành một cuốn từ điển bách khoa lớn nhất thế giới với hàng chục ngàn người tình nguyện viết bài không công. Nhưng cũng từ cơ chế mở này, Wikipedia cũng chứa nhiều sai sót – như kiểu David Beckham là một thủ môn người Hoa sống ở thế kỷ 18 – gây nỗi hoài nghi vào sự thành công của mô hình “nhà nhà cùng viết từ điển bách khoa”.
Khởi đầu thuận lợi
Wikipedia được thành lập vào tháng Giêng năm 2001 như một thể nghiệm về tính dân chủ của mạng Internet. Thoạt tiên, một nhóm các chuyên gia về từ điển bách khoa làm việc cho công ty Bomis hợp tác với nhau tổ chức một dạng từ điển bách khoa trực tuyến dưới sự điều hành của trưởng nhóm Jimmy Wales. Sau khi tiêu của Bomis chừng 100.000 đô-la, Wales thành lập một tổ chức phi lợi nhuận để đảm trách dự án này chỉ với ba nhân viên chính thức. Thế nhưng Wikipedia lớn nhanh như thổi, với khoảng 1.000 người tình nguyện làm việc không ăn lương để quản lý website, thêm chừng 13.000 cộng tác viên thường xuyên lo chuyện biên tập chỉnh sửa nội dung. Cơ chế của Wikipedia là mở hoàn toàn, bất kỳ ai cũng có thể tham gia viết bài và sửa bài đã có. Nhóm Wikipedia chủ trương thông tin có thể tiến hóa theo thuyết Darwin để ngày càng tự hoàn thiện hơn. Họ cho rằng càng có nhiều người chỉnh sửa, những bài sau sẽ càng hay hơn, càng chính xác hơn bài trước.
Khoan nói đến tính chính xác, về mặt quy mô, suy nghĩ này là chính xác. Chỉ trong một thời gian ngắn, Wikipedia phát triển thành cuốn bách khoa đa ngôn ngữ có 2,6 tỷ bài viết bằng 200 thứ tiếng, mỗi tháng thu hút đến 2 tỷ lượt người vào xem. Chỉ tíng riêng tháng 12-2005, bản tiếng Anh có thêm 45.000 mục từ và con số ngày đang tăng ở mức độ 7% mỗi tháng. Đến nay bản tiếng Anh có trên 950.000 mục từ (nên nhớ cuốn Bách khoa toàn thư Britannica nổi tiếng chỉ có 120.000 mục từ). Thành công buổi đầu của Wikipedia là nhờ sự nhiệt tình của cộng tác viên khắp thế giới. Năm ngoái, độc giả tặng cho trang web này 1 triệu đô-la để bù đắp chi phí. Giai đoạn đầu cuốn từ điển “nhân dân” này được mọi người tin dùng vì thông tin khá chính xác. Một khảo sát của tạp chí Nature vào năm ngoái kết luận thông tin trên Wikipedia chỉ thua Britannica một chút thôi. Nature cho rằng mỗi mục từ chỉ có bình quân bốn lỗi thiếu chính xác so với ba lỗi trên Britannica. Một tạp chí tin học của Đức cho Wikipedia 3,6 điểm về tính chính xác so với 3,1 điểm cho Encarta của Microsoft. Gõ vào ô tìm kiếm của Wikipedia cụm từ “trận đánh Waterloo”, người ta sẽ đọc được những trang viết sống động về một sự kiện đánh dấu sự sụp đổ của Napoleon. Ngay cả những sự kiện nhỏ, những địa danh ít ai biết, những nhân vật chỉ nổi lên một thời cũng được đề cập.
Sai sót và bị lợi dụng
Sự đời lúc nào “ăn nên làm ra” cũng dễ sinh chuyện. Đầu tiên là trò đùa nghịch ngợm của nhiều người thiếu ý thức. Họ vào Wikipedia, chỉnh sửa tiểu sử của nhiều nhân vật nổi tiếng, biến David Beckham thành một thủ môn người Hoa sống vào thế kỷ 18, cho rằng chữ lót của Thủ tướng Anh Tony Blair là “Whoop-dee-do”, rằng thời trai trẻ ông này còn dán hình Adolf Hitler lên tường.
Loại phá phách này dễ bị phát hiện và trong thực tế, ít xuất hiện và mỗi lần xuất hiện đều bị độc giả xóa ngay. Jimmy Wales từng trả lời phỏng vấn báo chí rằng ban đầu nhóm sáng lập Wikipedia cứ tưởng trò đùa nghịch này sẽ làm họ đau đầu nhưng “hóa ra có nhiều người làm việc tốt hơn loại người phá hoại”.
Thế nhưng loại tin tặc bất ngờ nhất cho Wikipedia là các ông nghị trên điện Capitol Hill của Quốc hội Mỹ. Một số chính khách Mỹ đã cho “hiệu đính” tiểu sử của mình, như nhân viên nghị sĩ Marty Meehan xóa đi đoạn nói về lời hứa của ông này chỉ làm nghị sĩ trong bốn nhiệm kỳ, thêm đoạn khen ngợi các lần bỏ phiếu có trách nhiệm của ông ta. Nhân viên Thượng nghị sĩ Tom Harkin xóa nhiều đoạn thông tin bất lợi cho sếp còn nhân viên Thượng nghị sĩ Norman Coleman “đánh bóng” tiểu sử ông ta để hình ảnh Coleman ít “cấp tiến” hơn. Ngược lại, có người vào sửa tiểu sử của thượng nghị sĩ Tom Coburn, chêm thêm nhận xét ông này được bầu là ông nghị khó chịu nhất.
Trò này lan rộng đến nỗi ban quản lý Wikipedia phải khóa không cho các máy tính từ khu vực Quốc hội Mỹ truy cập trang web này nguyên một tuần vào tháng Giêng và thêm ba tiếng vào tháng 2 này.
Sự cố ầm ĩ nhất về Wikipedia xảy ra vào tháng 12-2005 khi nhà báo John Seigenthaler phát hiện mục từ về ông trên Wikipedia cáo buộc ông có liên quan đến vụ ám sát Tổng thống John Kennedy và cả người em - Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Robert Kennedy. Hóa ra, đây là trò đùa của một người muốn lừa đồng nghiệp.
Nhiều lúc, Wikipedia là nơi diễn ra những tranh chấp mang tính tôn giáo hay chính trị. Ví dụ mục từ “Muslim” (Hồi giáo) hiện bị phá cả chục lần mỗi ngày, nhất là sau vụ báo chí Đan Mạch và một số nước khác đăng trang biếm họa về nhà tiên tri Mohamed. Mục từ Tony Blair cũng là nơi bị tấn công nhiều vì người đọc cứ vào bổ sung nghề của Tony Blair như là “bạn nối khố của George Bush”.
Với đại đa số thông tin khác trên Wikipedia, nhận xét của nhiều chuyên gia là nó “nhàn nhạt”, thiếu tính chuyên nghiệp. Sử gia Antony Beevor nhận xét: “Với các mục từ của Wikipedia, có cảm giác đọc không đã, không hẳn vì thiếu chính xác mà vì có nhiều câu chung chung, không thể bảo là sai nhưng cũng không ích lợi gì”.
Robert McHenry, cựu tổng biên tập Bách khoa toàn thư Britannica nhận xét: “Quan điểm của tôi là, trái với ý tưởng hoàn thiện liên tục của Wikipedia, rất dễ xảy ra chuyện bài tệ trở nên khá hơn, bài hay bị sửa thành ra dở và đại đa số bài ở mức thường thường bậc trung... Vấn đề ở chỗ người dùng bình thường khó lòng phân biệt bài đúng bài sai”.
Ngay chính Wikipedia cũng nói rõ điểm yếu của mình, xác nhận ngay trong mục từ “Wikipedia” rằng trang web này hiện phải đối mặt với nhiều vấn đề từ định kiến, dùng nguồn không thẩm quyền, khó kiểm chứng thông tin đến phá hoại, xâm phạm đời tư, cuồng tín và kiểm duyệt.
Có lẽ chỉ nên xem Wikipedia là nguồn thông tin tham khảo thô. Ý tưởng của Wikipedia là một ý tưởng tuyệt vời trong một thế giới hoàn hảo: mọi người cùng nhau chia sẻ thông tin, mỗi người đóng góp một phần, kể cả kiến thức, kinh nghiệm, ý tưởng, hình ảnh minh họa và liên kết đến trang web khác. Tuy nhiên, thế giới ngày nay vẫn còn nhiều kẻ phá hoại và nhiều người muốn dùng thông tin cho ý đồ lợi ích cá nhân. Wikipedia vì thế là một chỉ dẫn tốt nhưng người dùng phải tỉnh táo để kiểm chứng thông tin để chúng có thể thật sự hữu ích cho mình.
Box
Sẽ có nhiều loại Wiki khác
Từ thành công (dù cũng đầy tai tiếng) của Wikipedia, người ta đang dự tính cho ra đời nhiều loại Wiki khác, cũng dựa vào mô hình hợp tác cùng làm. Nhà sáng lập Jimmy Wales đang triển khai Wiktionary, một loại từ điển đa ngữ do nhiều nhà làm từ điển biên soạn. Những người thích các câu danh ngôn, lời hay ý đẹp đang cùng soạn Wikiquote bằng 30 thứ tiếng. Trong dự án Wikibook, bất kỳ ai cũng có thể tham gia soạn sách giáo khoa cho học sinh. Tổ chức Wikipedia Foundation cũng đã bắt đầu dịch vụ Wikinews, bằng cách tổng hợp đủ mọi nguồn tin tức trên khắp thế giới.
Friday, June 22, 2007
Tan man DVD
Nguyễn Vạn Phú
Nói thật, người mê xem phim ở Việt Nam sướng hết chỗ nói. Trong khi dân nước Mỹ phải bỏ hàng chục đô la để mua một đĩa phim DVD, ở ta cứ ra chợ Huỳnh Thúc Kháng hay bất kỳ tiệm bán đĩa nào, tha hồ lựa phim, mỗi đĩa chỉ khoảng 15.000-18.000 đồng, phim mới phim cũ, phim bộ phim lẻ, kiểu nào cũng có. Chẳng lạ gì khi dân Tây hay Việt kiều cũng xúm vào mua cả chồng đĩa. Tuy nhiên, cái sướng đó ngày nay đã chấm dứt - mà cũng chẳng phải do các công ước bảo vệ bản quyền gì cả.
Đầu tiên, thị trường chỉ có đĩa DVD của Trung Quốc sao chép đĩa gốc. Dù đĩa không có các mục “Bonus Features” như hậu trường làm phim, phỏng vấn đạo diễn, diễn viên, đây chính là thời kỳ “sướng hết chỗ nói” nói ở trên. Chẳng mấy chốc, giới làm ăn nghiệm ra rằng phim càng mới, bán càng chạy ; thế là không cần đợi phát hành đĩa gốc để mua về sao chép lậu, giới đạo tặc phim ảnh vác nguyên camera kỹ thuật số vào rạp, quay lại hình ảnh chiếu trên màn hình, về chuyển thành phim DVD và bán ra cùng một lúc với phim được chiếu ở rạp tận bên Mỹ !
Mua đúng loại phim này về, tức không chịu được. Hình ảnh mờ mờ, phủ một lớp màu xanh nhợt nhạt, thỉnh thoảng lại thấy một cái đầu của khán giả trong rạp nhô lên. Âm thanh chát chúa pha lẫn tiếng cười, tiếng bình phẩm của người xem. Sau này kỹ thuật quay lén bằng camera ngày càng tinh vi, nhưng chất lượng vẫn tệ hại. Thế là lần lượt ra đời các loại đĩa “bản đẹp 98%”, “bản đẹp” và “bản chính thức”. Bản đẹp là phim tải từ trên mạng Internet, rồi được chuyển thành dạng DVD nên gọi là “đẹp” nhưng chỉ khá hơn bản camera đôi phần. Bản đẹp còn là dạng phim dành riêng để quảng cáo trước cho các nơi phát hành phim, hay để gửi cho giám khảo các cuộc thi, có in chình ình dòng chữ cảnh báo. Đĩa DVD thời “sướng hết chỗ nói” bây giờ được gọi là “bản chính thức”. Những người rành rẽ chọn phim bằng cách hỏi âm thanh mấy chấm ! Nếu hai chấm (tức stereo) đích thị là phim “dỏm”, còn năm chấm (Dolby 5.1) là phim “xịn”. Ngay cả phim tốt, chất lượng cũng sút giảm nhiều so với bản gốc vì đĩa gốc thường cài mã khóa để bảo vệ bản quyền. Giới sao chép phải dùng phần mềm trích hình ảnh ra rồi ghi lại. Chưa kể, để chứa vừa một đĩa DVD loại thường, họ bỏ nhiều mục và cố ý giảm độ phân giải.
Phụ đề phim cũng gây đau đầu không kém. Có phim tự dưng lấy hẳn phụ đề của một phim khác, hoàn toàn không ăn nhập đâu vào đâu ; có phim phụ đề được dịch từ tiếng Hoa ngược ra lại tiếng Anh nên đọc buồn cười không chịu được.
Muốn xem phim DVD loại tốt bây giờ chỉ còn cách mua loại đĩa DVD 9, tức đĩa hai lớp dung lượng đến 8,5 GB trong khi DVD bán ngoài chợ là DVD 5 chỉ chứa được tối đa 4,7 GB.
Nói chuyện DVD để thấy rằng tuân thủ vấn đề bảo vệ bản quyền là không dễ. Cho dù bây giờ có công ty chuyên nhập DVD bản gốc về bán, cũng ít ai sẵn sàng bỏ khoản tiền gấp mấy chục lần trước đây để mua phim có bản quyền. Mà thị trường nhỏ sẽ khó có chuyện DVD đại hạ giá như ở các nước khác.
Cách tốt nhất là tổ chức mô hình cho thuê DVD như nhiều nước. Giả thử có ai nảy ra ý tưởng kinh doanh, mua đĩa “xịn” rồi tổ chức cho thuê qua mạng, ắt có cơ hội thành công. Hiện đã có một số trang web ở Việt Nam chuyên cho thuê DVD qua mạng khá chuyên nghiệp như ezrentdvd.com hay thuedvd.com. Mô hình này như các loại cửa hàng cho thuê phim Blockbuster, người tham gia trả một khoản phí hàng tháng (từ 90.000 đồng), vào trang web chọn phim, sẽ có người đưa phim đến tận nhà, không hạn chế số ngày giữ phim, số lần mượn (càng xem nhanh càng mượn được nhiều)… Khổ nỗi những sự bực mình của việc mua phim DVD “dỏm” cũng sẽ xuất hiện nếu nơi cho thuê không chịu chọn lọc phim cho kỹ. Vì thế, ý tưởng cho thuê phim DVD có bản quyền đàng hoàng vẫn chờ người triển khai.
Monday, June 18, 2007
Thieu nguoi lanh dao?
Điều chưa được nhắc đến
Nguyễn Vạn Phú
Khi nói đến thị trường nhân lực cấp cao ở Việt Nam, người ta thường đề cập đến các vấn đề như thiếu người giỏi dù mức lương chào mời rất cao, thói quen nhảy từ công ty này sang công ty khác của loại nhân lực này hay cách làm mới của nhiều công ty giữ chân người giỏi bằng cổ phiếu… Tuy nhiên, hầu như chưa ai chú ý đến sự khác biệt giữa nhân lực cấp cao trong vai trò quản lý và nhân lực cấp cao trong vai trò lãnh đạo dù đây là mấu chốt có thể giải quyết nạn thiếu hụt nhân sự ở nhiều công ty.
Đừng ngạc nhiên
Nhiều người bất mãn vì một hôm bỗng thấy đồng nghiệp thua sút mình trong nghề nghiệp lại được cất nhắc lên chức vụ cao hơn. Thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp người được đưa vào vị trí lãnh đạo doanh nghiệp chưa chắc đã có chuyên môn vững vàng như nhân viên bên dưới. Nhiều người khác chia sẻ nhận xét, tại sao anh chàng đó mà được làm sếp trong khi chỉ biết chỉ tay năm ngón; người giỏi hơn, nhiều kinh nghiệm hơn trong công ty không thiếu…
Trong nghệ thuật quản trị doanh nghiệp, người ta phân biệt rất rõ sự khác biệt giữa loại người lãnh đạo, người có chuyên môn và người quản lý ở bất kỳ cấp độ nào. Lấy ví dụ phòng kế toán, tài chính của một công ty lớn sẽ có một vài chuyên gia có bằng cấp cao, chuyên thực hiện những yêu cầu tính toán phức tạp khi làm dự toán một dự án nào đó. Họ có thể làm việc say mê, hết giờ vẫn chưa chịu về khi chưa tìm ra lời giải. Nhưng họ sinh ra không phải để làm lãnh đạo vì thiếu những đức tính cần thiết. Người quản lý tốt rất giỏi về khả năng tổ chức thực hiện công việc, bám theo các quy trình có sẵn và đốc thúc nhân viên theo các mục tiêu đã định. Họ hầu như có mặt khắp nơi, giải quyết ổn thỏa mọi trục trặc của quy trình, và biết tận dụng kiến thức chuyên môn của từng nhân viên để thúc đẩy công việc. Nhưng họ cũng chưa phải là nhà lãnh đạo.
Người lãnh đạo đúng nghĩa chính là một người “chỉ tay năm ngón”, nhân viên không tiếp xúc trực tiếp sẽ dễ có cảm giác ông này không làm gì cả. Bởi người lãnh đạo giỏi định hướng đi cho doanh nghiệp hay tổ chức và khơi gợi sự hứng thú của mọi người cùng đi trên con đường này. Người lãnh đạo tốt sẽ không chịu duy trì hiện trạng như người quản lý mà luôn luôn tìm cách phát triển; có tầm nhìn dài hạn chứ không bó hẹp vào các tình huống trước mắt như nhà quản lý. Nói tóm lại, người quản lý chú trọng vào hệ thống còn người lãnh đạo chú trọng vào con người. Ở đây cần lưu ý vai trò người lãnh đạo không hẳn là từ chức vụ doanh nghiệp phân công chính thức; người lãnh đạo có thể ở bất kỳ vị trí nào và có thể là cấp dưới của nhà quản lý. Bởi ngoài vai trò lãnh đạo đến từ chức vụ, còn có sự lãnh đạo (tức là sự dẫn dắt) đến từ nhiệm vụ, kiến thức, mối quan hệ hay cá tính.
Thị trường đang thiếu cái gì?
Vì thế khi nói đến thị trường nhân lực cấp cao, cần xác định chúng ta đang nói đến ai, trong vai trò như thế nào. Đúng là chúng ta đang thiếu đủ loại nhân lực cấp cao nhưng giới chuyên môn, sau quá trình đào tạo (trong hay ngoài nước hay tại chỗ), doanh nghiệp sẽ dễ dàng lấp các chỗ trống này. Ở vai trò quản lý cũng vậy, hàng loạt nhân viên trước đây từng làm cho các công ty có vốn đầu tư nước ngoài hay văn phòng đại diện các công ty đa quốc gia trở về làm quản lý cho các doanh nghiệp trong nước là một ví dụ. Nếu thiếu nữa, doanh nghiệp vẫn có thể tuyển dụng người nước ngoài vào các vị trí quản lý cấp cao cần thiết. Hiện nay, giới quản lý đang chịu khó học, từ các lớp MBA chính quy đến các khóa đào tạo ngắn hạn. Hàng loạt sinh viên ngành quản trị kinh doanh được đào tạo bài bản ở nước ngoài sẽ về tìm cơ hội làm việc trong nước vì dư địa cho họ thi thố tài năng ở Việt Nam lớn hơn nhiều so với ở các nước họ đang học tập.
Điều thị trường đang thiếu trầm trọng là các nhân sự cấp cao đóng vai trò lãnh đạo thật sự ở doanh nghiệp. Thị trường hiện đang nhầm lẫn nên vẫn thường xảy ra trường hợp một quản lý cấp cao ở một công ty nước ngoài về đầu quân cho doanh nghiệp trong nước và lầm tưởng mình sẽ lãnh đạo doanh nghiệp thành công. Họ thất bại vì ở họ thừa kỹ năng quản lý nhưng thiếu các đức tính cần thiết của một lãnh đạo. Và khi hệ thống họ sao chép từ nơi khác xảy ra các tình huống chưa lường trước, họ sẽ dễ dàng đổ lỗi cho các yếu tố khách quan hay đổ tội cho người khác.
Một nhầm lẫn khác nữa là chủ doanh nghiệp có thể tuyển đúng một người có khả năng lãnh đạo doanh nghiệp cho họ nhưng lại sử dụng họ như nhà quản lý bằng cách bắt ép họ điều hành theo một hệ thống cứng nhắc không có chỗ cho sự sáng tạo.
Để giải quyết nạn thiếu hụt nhân lực cấp cao, thiết nghĩ doanh nghiệp nên phân biệt rõ các vai trò nói trên, xác định xem mình đang thiếu loại gì và đã sử dụng đúng nhân lực có sẵn chưa. Xét cho cùng, phẩm chất lãnh đạo không thể chỉ hình thành qua đào tạo, không thể bỏ tiền ra thuê là có, và càng không thể trông chờ từ một môi trường không thuận lợi cho sự thách thức cái cũ để nảy sinh cái mới.
Tuesday, June 5, 2007
Nhat ky phong vien
Nguyễn Vạn Phú
Mức độ cạnh tranh quyết liệt giữa các báo đã tạo nên một sự sôi động chưa từng thấy trong làng báo Việt Nam. Tuy nhiên, thông thường, khi một sự kiện nổ ra, hầu như tất cả các tin, bài đều đi theo cùng một hướng – đôi lúc khá phiến diện, nhiều chủ quan. Lúc đó, chỉ những tin bài vượt lên chiều hướng chung này để nhìn sự kiện dưới một góc độ khác biệt mới tạo ra dấu ấn mạnh trong lòng độc giả.
Nếu có ai dùng cụm từ “Viết báo bầy đàn”, ắt hẳn nhiều nhà báo sẽ cảm thấy phật lòng. Nhưng không khác lắm hiện tượng các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán nhìn nhau để cùng đổ xô mua hay bán cùng loại cổ phiếu, nhiều phóng viên cũng chịu ảnh hưởng của nhau khi xử lý tin bài về cùng một sự kiện.
Xin dẫn một số ví dụ gần đây nhất. Lúc nổ ra tin ngư dân cắt trộm đường dây cáp quang dưới biển, hầu như tất cả các báo đều bình về sự thiếu ý thức của người dân, phỏng vấn các quan chức về tác hại của việc phá hoại này hay dẫn lời của các công ty viễn thông về thiệt hại vật chất… Chỉ sau đó khá lâu, báo Thanh Niên mới có bài với phát hiện động trời: Chính UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có công văn cho phép bộ đội biên phòng phối hợp với tư nhân khai thác cáp phế liệu tồn tại từ trước năm 1975 (có thể có báo khác đưa tin này trước mà người viết không biết) và sau đó ngư dân tham lợi làm theo, làm càn. Chi tiết này đã làm thay đổi toàn bộ cục diện, dẫn đến những bình luận chính xác hơn về nguyên nhân sự việc, thậm chí giúp cơ quan chức năng có các biện pháp thích hợp hơn để giải quyết sự việc.
Với vụ bán đấu giá cổ phiếu Đạm Phú Mỹ, trong một thời gian dài, khi nhắc đến kết quả, hầu như bài báo nào cũng tỏ ra ngạc nhiên vì sao giá trúng thầu sao thấp hơn dự kiến, bài nào cũng có cụm từ “bất ngờ lớn”! Hóa ra, nhà đầu tư bỏ giá không bị bất ngờ như nhà báo vì họ đọc kỹ bản cáo bạch và biết rõ tương lai nhà máy sản xuất phân bón này không sáng sủa cho lắm vì giá mua khí đốt đầu vào sẽ không còn được bù lỗ, phải mua với giá cao hơn. Các khoản lãi trước khi cổ phần hóa là nhờ được bao cấp giá mua khí đốt nên mới có chuyện Bộ Tài chính đòi điều tiết bớt khoản lãi những năm đó.
Điều đáng nói là sự cạnh tranh lành mạnh về đưa tin “nóng”, tin “độc” đã giúp kéo ngắn thời gian giữa loạt bài cùng khuôn mẫu và thời điểm xuất hiện các bài hay – loại bài mà các báo phải đọc kỹ để “cạo” cho phóng viên viết khuôn mẫu một trận. Vụ một em học sinh đột nhập và phá trang web của Bộ Giáo dục được một vài báo ca ngợi chưa lâu thì báo khác đã đưa ra những chứng cớ “không chối cãi vào đâu được” để phê phán hiện tượng phá phách này. Vụ Microsoft vào ký hợp đồng bán bản quyền phần mềm trọn gói cho Chính phủ được nhiều báo “tán lên tận mây xanh” lại được phân tích bình luận một cách tỉnh táo ở báo khác với những góc nhìn mới về phần mềm nguồn mở, về giá cả và kinh nghiệm của các nước khác trong khu vực… Còn nhớ lúc thị trường chứng khoán lên cơn sốt, giá cổ phiếu tăng vùn vụt, rất nhiều bài báo nói Nhà nước nên bán bớt cổ phần đang nắm giữ ở các công ty đã cổ phần hóa. Nghe qua rất hợp lý nhưng vẫn có những bài đưa ra ý kiến ngược lại, nêu lên vai trò và tầm nhìn dài hạn của cổ đông nhà nước đối với thị trường.
Chỉ đáng tiếc một vài sự vụ vẫn đang còn dừng ở mức báo nào cũng giống nhau, thiếu hẳn cái nhìn tỉnh táo và sâu hơn. Ví dụ, chúng ta còn nhớ siêu dự án 30 tỷ USD của “tập đoàn” Eminence được báo chí trong nước tập trung chứng minh một cách thuyết phục nó thiếu khả thi như thế nào. Nhiều báo đã điều tra một cách rất công phu năng lực tài chính thực sự của Eminence; các báo khác lấy được phát biểu dứt khoát của các quan chức… Nhưng tất cả mới chỉ dừng ở mức độ chứng minh đây là dự án “bánh vẽ”. Người đọc, trong khi đó, còn đòi hỏi chúng ta nhiều hơn nữa – chẳng hạn vì sao Eminence vẽ ra dự án này; phải chăng đang có xu hướng di dời các nhà máy sản xuất gây ô nhiễm ở nước khác sang Việt Nam; phải chăng Eminence chỉ là người tiền trạm cho xu hướng đầu tư đáng cảnh báo hơn bội lần này; nếu đúng thì liệu Việt Nam đã có các biện pháp nào để ngăn ngừa; Eminence dùng con số khổng lồ gây nghi ngờ ngay từ đầu là 30 tỷ USD, giả dụ có dự án khác chỉ 1 tỷ USD và trong bối cảnh các địa phương đang tranh nhau thu hút đầu tư về địa phương mình thì làm sao phát hiện nó gây tác hại đến môi trường…
Cuộc họp báo của World Bank về đánh giá các dự án ODA tại Việt Nam trong đó có các dự án do PMU 18 quản lý để lại nhiều câu hỏi hơn là giải đáp chuyện có hay không có bằng chứng về sự tham nhũng của cán bộ PMU 18. Người đọc đòi hỏi phóng viên phải truy vấn cho được Bộ Giao thông Vận tải, là cơ quan chủ trì cuộc họp báo, liệu kết luận này của World Bank sẽ tác động như thế nào đến vụ án PMU 18. Lẽ ra, trước khi dự họp báo, phóng viên phải đọc lại tất cả các bài báo điều tra công phu trước đó về các bằng chứng sai sót của PMU 18 liên quan đến các dự án của World Bank cho vay để chất vấn lại đại diện của World Bank tại cuộc họp…
Nền kinh tế nước ta hiện đang trải qua những chuyển biến sâu sắc sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Những chuyển biến này phần lớn thể hiện qua các chi tiết mới nhìn khó đặt chúng vào một tổng thể để hiểu được xu hướng chung của nền kinh tế. Vì thế, trong thời gian tới báo chí sẽ còn sôi động hơn nữa và người viết báo sẽ càng thấy khó hơn nữa khi đi tìm cho mình một góc nhìn độc đáo, mới lạ và sâu sắc để bài viết của mình nổi lên trong hàng loạt bài báo về cùng một đề tài. Nhưng chính trong môi trường này, những phóng viên nào có lòng yêu nghề, say mê với cái mới, tò mò về cái lạ, sẽ có nhiều cơ hội thi thố tài năng của mình.
Chưa thấy làng báo nào thoải mái đăng bài của nhau trên các website thông tin điện tử như ở Việt Nam. Một báo vừa tổ chức được một bài báo xuất sắc, thực hiện công phu, ngay lập tức hàng loạt website khác cứ thế “cắt” và “dán” nguyên văn vào trang web của mình. Trước đây tình hình còn tệ hại hơn khi nhiều tờ báo điện tử thoải mái biên tập, cắt xén, sửa đổi, rút tít cho bài báo vừa “mượn tạm” của báo khác. Đã từng có nhiều lời than phiền về cách làm ẩu tả của các tờ báo điện tử này khi cố ý rút tít giật gân, biên tập sai hay thêm vào nhiều đoạn không có trong bản gốc. Hiện nay chuyện tùy tiện sửa chữa như vậy đã giảm hẳn; đa phần các trang web đều để nguồn ở cuối bài mình “mượn tạm”. Tuy nhiên, không thể nào chấp nhận việc sử dụng công sức người khác để làm lợi cho mình như vậy; không thể nào không tìm cách chấn chỉnh chuyện bản quyền báo chí ở nước ta.
Thiết nghĩ giải quyết vấn đề này không khó. Cách làm phổ biến nhất ở hầu như các nước người viết có tìm hiểu là trang web thông tin điện tử có thể trích bài của nguồn khác nhưng chỉ trích tiêu đề và vài câu dẫn nhập. Nếu người đọc cần đọc vào chi tiết, họ nhấp chuột vào tiêu đề và sẽ được dẫn đến trang web nguyên thủy có đăng bài này. Hai trong các website làm tốt theo cách này là www.baomoi.com và www.thegioitin.com.
Làm theo cách này, trang web tổng hợp tin tức vẫn hưởng được nhiều điều lợi. Người đọc, nếu tin tưởng vào sự chọn lựa thông tin, sắp xếp tin tức và tổng hợp được nhiều nguồn khác nhau sẽ thu hút được khách vào xem. Dù họ có bấm để sang trang gốc vẫn sẽ quay về trang tổng hợp để đọc các tin khác ở nguồn khác mà vì thiếu thời gian, họ không thể lần lượt vào hết. Lúc đó lo gì trang web tổng hợp không tìm được quảng cáo trực tuyến cho mình. Ở nước khác, làm theo cách này như trang tin tức của Google (news.google.com) cũng đang bị các hãng tin và các tờ báo kiện tụng nhưng dù sao cũng đỡ hơn cách bê nguyên đồ đạc của nhà khác về nhà mình để trưng bày.
Xin đừng viện dẫn luật lệ về bản quyền để cho rằng Việt Nam chưa có quy định trong lãnh vực này. Các tờ báo lớn, cả báo in lẫn báo mạng, nên ngồi lại với nhau để đạt được thỏa thuận nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh thật sự. Lúc đó phóng viên mới có động lực săn tin độc quyền mà không sợ đăng lên một phút sau đã bị hớt tay trên.
Các cuộc thảo luận với những nhận định khá bi quan về tương lai báo in ở nước ngoài liệu có đúng với báo chí Việt Nam? Ở các nước, báo in đang than trời vì số lượng phát hành giảm, quảng cáo sa sút vì sự xuất hiện của báo mạng và loại báo phát không. Có lẽ tình hình này chưa xảy ra ở Việt Nam vì trước mắt vẫn thấy nhiều tờ báo xin tăng kỳ, tăng trang, ra phụ trương, ra ấn bản đặc biệt, nhiều tờ báo mới ra đời.
Tuy nhiên, người làm báo in không thể lẩn tránh những lợi thế to lớn của báo mạng: đưa tin ngay tức thì trong khi báo ngày phải đợi đến mai, đưa tin dài bao nhiêu cũng được, kèm bao nhiêu ảnh cũng được trong khi báo in bị hạn chế bởi khuôn khổ tờ báo. Báo mạng dễ dàng nhận ngay phản hồi của độc giả, tạo ra sự tương tác mà báo in khó thực hiện. Báo mạng giúp độc giả theo dõi dòng tin bằng các công cụ mà báo in có nằm mơ cũng không làm nổi như làm đường dẫn đến các thông tin nền, cụm các tin bài liên quan, tin kèm âm thanh, phim ảnh…
Vì thế, dù tình hình không như ở các nước, báo in ở Việt Nam cũng đang phải tự đổi mới chính mình trước sự cạnh tranh của thông tin trên Internet. Báo in sẽ quay trở lại loại tin bài truyền thống, tức loại tin sâu, có phân tích, có bình luận, có giải thích. Nếu độc giả báo mạng được thỏa mãn ngay bằng tin thô thì độc giả báo in đòi hỏi tin bài phải cung cấp cho họ những chi tiết đắt giá, những con người đằng sau tin, phải có phóng sự, điều tra, tổng hợp.
Quan trọng hơn là xu hướng kết hợp báo in với báo mạng để phát huy lợi thế của cả hai. Khi đó, tờ báo sẽ khai thác tin nhanh để đưa ngay lên mạng và viết sâu hơn để đăng trên báo in. Tờ báo nào không làm được điều này chắc sẽ chịu nhiều thua thiệt. Cũng giống như cơ cấu thu nhập của các tờ báo nước ngoài, doanh thu quảng cáo của đa phần báo chí nước ta chiếm tỷ trọng lớn hơn doanh thu phát hành. Nếu thiếu vắng hẳn sự hiện diện trên Internet, tức là không tạo được ấn tượng với nhà quảng cáo, doanh thu của tờ báo in thuần túy sẽ sụt giảm so với tờ báo in có thêm ấn bản online.
Vì thế xu hướng sắp tới đòi hỏi người phóng viên phải biết kèm theo bài viết của mình những hình ảnh, âm thanh, thậm chí các đoạn phim ngắn để sử dụng trên báo in và báo mạng. Người phóng viên phải biết viết ngắn, viết nhanh để đưa lên mạng càng nhanh càng tốt, đồng thời phải biết viết sâu, viết ở góc độ riêng để đăng trên báo in. Và chính vì xu hướng này, chuyện yêu cầu chấm dứt thói quen “mượn tạm” bài của báo khác để thu hút người xem vào trang web của mình nói ở trên càng bức thiết hơn bao giờ hết.
Thursday, May 3, 2007
Van hoa doanh nghiep
Nguyễn Vạn Phú
Có một điều đáng ngạc nhiên: đa số doanh nhân Việt Nam khi nhắc đến khái niệm văn hóa doanh nghiệp đều hiểu nó theo nghĩa văn hóa kinh doanh, tức là nói đến chuyện đạo đức kinh doanh, giữ chữ tín hay bất tín, cạnh tranh lành mạnh hay dùng “bá đạo”… Có lẽ quán tính này là do nhiều người đồng nhất văn hóa doanh nghiệp với văn hóa nói chung và tâm lý xem văn hóa của mình là chuẩn mực để xét đoán các tập quán văn hóa dị biệt. Bài viết này muốn dựa vào các khía cạnh văn hóa doanh nghiệp được nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới thừa nhận để, thông qua các ví dụ từ cuộc sống, các cuộc khảo sát nhỏ, các trường hợp điển hình trên báo chí, thử tìm hiểu xem các đặc trưng của văn hóa doanh nghiệp Việt Nam là gì.
Văn hóa và văn hóa doanh nghiệp
Mặc dù các nhà nghiên cứu đã cảnh báo việc phải phân biệt giữa văn hóa quốc gia và văn hóa doanh nghiệp, thiết tưởng cũng nên nhìn lại những đặc điểm văn hóa Việt Nam vì chúng có những tác động trực tiếp lên nền văn hóa doanh nghiệp tại mỗi công ty. Trong khi văn hóa của các nước khác nhau ở mức độ giá trị, văn hóa doanh nghiệp giữa doanh nghiệp này và doanh nghiệp kia khác nhau ở mức độ lề thói, tập tục, hành vi. Nhưng ở đây chúng ta đang tìm hiểu về đặc trưng văn hóa doanh nghiệp tại Việt Nam nói chung nên tìm hiểu về văn hóa Việt Nam cũng phần nào soi rọi vào văn hóa doanh nghiệp tại Việt Nam.
Có hàng chục định nghĩa khác nhau về văn hóa. Hofstede cho rằng văn hóa là “sự lập trình tâm trí tập thể, phân định các thành viên trong một nhóm với nhóm khác”. Định nghĩa gần đây nhất của Harris P.R. và Moran R.T (1987) cho rằng văn hóa là “khả năng riêng biệt của con người biết thích nghi với hoàn cảnh và biết truyền đạt kỹ năng thích ứng và kiến thức này cho thế hệ sau.”
Có lẽ định nghĩa sau dễ hiểu nhất và được sử dụng nhiều nhất: Văn hóa là những giá trị, thái độ và hành vi giao tiếp được đa số thành viên của một nhóm người cùng chia sẻ và phân định nhóm này với nhóm khác.
Hofstede định nghĩa văn hóa bằng khái niệm “lập trình” là vì ông ta muốn phân biệt bản chất con người là điều nhân loại ai cũng như nhau, được di truyền từ đời này sang đời khác nên không thể “lập trình được”. Ở cực kia, con người ai cũng có cá tính riêng biệt, không ai hoàn toàn giống ai. Phần giữa, do học hỏi từ khi mới sinh ra như thế nào là điều đúng, điều sai, thế nào là đẹp, là lô-gích - phần đó gọi là văn hóa.
Để nghiên cứu khác biệt văn hóa, các nhà nghiên cứu thường đưa ra các khía cạnh để khái quát hóa những khác biệt. Hofstede nổi tiếng hơn cả trong lãnh vực này nhờ các khía cạnh văn hóa ông tìm ra sau khi nghiên cứu hơn 100.000 bản trả lời câu hỏi của nhân viên IBM toàn cầu trong đầu thập niên 70. Ông khái quát hóa các khác biệt văn hóa giữa các nước bằng các khía cạnh văn hóa (dimensions) gồm tâm lý trọng quyền, tâm lý cá nhân/tập thể, tâm lý tránh bất định, tâm lý nam tính/nữ tính, định hướng ngắn hạn/dài hạn.
Đối với tâm lý trọng quyền[1], người Việt Nam, cũng giống như nhiều dân tộc Á Đông khác chịu nhiều ảnh hưởng của hàng ngàn năm sống dưới chế độ phong kiến, trong đó vua được xem là con trời, nhận lãnh sứ mạng đương nhiên để cai trị. Hệ thống giáo dục Nho giáo lại càng củng cố hệ thống thứ bậc, tôn ti trật tự. Ngày nay người dân hay nhân viên trong tổ chức vẫn quen với chuyện chấp nhận quyền lực đương nhiên ở các quan chức hay lãnh đạo công ty. Và khá nhiều công ty phát triển trên nền tảng “gia đình trị”, ý muốn của người sếp là trên hết. Quan sát tâm lý ứng xử của nhân viên trong nhiều công ty, dễ thấy xu hướng muốn chìu lòng cấp trên, muốn cấp trên có sự cảm thông với mình, không phải dựa trên khả năng hoàn thành công việc mà là sự biệt đãi. Nhân viên trong công ty cũng thích có sự giám sát chặt chẽ, dù ngoài miệng phê phán tính gia trưởng của sếp nhưng trong thâm tâm lại thích sự phục tùng, thích môi trường làm việc có kỷ luật chứ ít chịu chủ động sáng tạo trong công việc. Chính vì mối quan hệ tôn trọng thứ bậc như thế đã làm môi trường làm việc ở Việt Nam khá căng thẳng, là một môi trường cho những lời đồn, đàm tiếu và ganh tị lẫn nhau.
Ở đây còn phải thêm một nhận xét nữa là người Việt dễ phục tùng sếp nước ngoài hơn sếp trong nước, dễ phục tùng người được đào tạo ở nước ngoài hơn người học trong nước. Từng có những trường hợp các công ty đa quốc gia ở Việt Nam phải cử nhân viên sắp đề bạt ra nước ngoài làm việc một thời gian để đến khi về, anh ta dễ làm việc hơn với những đồng sự cũ nay là cấp thuộc quyền.
Người Việt Nam thường hay hiểu lệch khái niệm tập thể/cá nhân. Vì thế khía cạnh tâm lý tập thể/cá nhân[2] có những biểu hiện khó phân tích rạch ròi hơn các khía cạnh khác. Trước hết rõ ràng người Việt Nam thường quan tâm đến quan hệ giữa các thành viên với nhau, ít thích va chạm, không muốn đối đầu, không muốn làm người khác mất mặt. Họ quan tâm đến quan hệ hơn là nhiệm vụ trước mắt. Khó lòng nói người Việt Nam thích nói thẳng, thích chất vấn, chú trọng đến hiệu quả công việc hơn là quan hệ. Và vì thế, quan hệ công việc trong một công ty thường được khoác dưới chiếc áo tập thể, thường là theo nghĩa tiêu cực của khái niệm này.
Chúng ta thường nghe những nhận xét, đại loại một người Việt có thể làm giỏi hơn một người nước ngoài nhưng ba người Việt chắc chắn sẽ thua ba người nước ngoài. Đấy là vì người ta từng quan sát và rút ra kết luận trong thực tế những người có tâm lý tập thể cao thường ít thành công hơn trong những dự án có nhiều người làm chung so với người có tính cá nhân cao. Người có tâm lý tập thể cao khi bắt tay làm chung nhóm thì mục tiêu đầu tiên là tạo ra sự đồng thuận của nhóm, xây dựng quan hệ hài hòa giữa mọi thành viên trước. Quá trình này sẽ làm chậm công việc của nhóm, và đôi lúc mục tiêu ban đầu bị quên béng. Còn người có tâm lý cá nhân, dù làm chung, mục tiêu cao nhất của họ là hoàn thành công việc của nhóm, quan hệ giữa những người trong nhóm là chuyện thứ yếu.
Trong một khảo sát bỏ túi với 10 doanh nhân Việt Nam, với tình huống kinh điển – người sếp công ty chuẩn bị đi công tác với người phụ tá có trách nhiệm chuẩn bị mọi báo cáo quan trọng, bỗng có tin con nhỏ của người này bệnh nặng phải nhập viện, gần như tất cả những người được khảo sát đều giải quyết cho người phụ tá nghỉ phép dù điều này có ảnh hưởng đến công việc chung. Ở đây, lý giải quan trọng nhất được đưa ra là các doanh nhân muốn xây dựng một mối quan hệ vì lợi ích lâu dài, dựa trên sự gắn bó tình cảm chứ không cứng nhắc vì công việc. Ở góc độ tích cực của khái niệm tập thể, sự đối xử giữa các thành viên với nhau, giữa lãnh đạo doanh nghiệp và nhân viên thường dựa vào cung cách “có tình, có lý”. Còn ở góc độ tiêu cực, trong doanh nghiệp, ít ai dám đứng ra chịu trách nhiệm, ít ai nhận lỗi về riêng mình. Một đối tác nước ngoài đến làm việc với doanh nghiệp thường chỉ gặp cấp dưới nên sẽ thấy ngạc nhiên khi người đứng ra thương thảo ít khi đưa ra quyết định dứt khoát mà chỉ nhận được lời hứa sẽ xem xét sau.
Với khía cạnh tâm lý tránh bất định[3], khác với suy nghĩ thông thường là người Việt Nam thích sự ăn chắc mặc bền hơn là sự mạo hiểm, quá trình lịch sử nhiều biến động của Việt Nam có tác động lớn lên tâm lý này, tạo cho nhiều người khả năng chịu rủi ro cao trong lúc tìm kiếm cơ hội mới. Óc khởi nghiệp, chí làm giàu, sự chuyển đổi mô hình kinh doanh nhanh chóng để thích nghi với môi trường mới chứng tỏ người Việt Nam có tâm lý tránh bất định thấp và đây chính là điểm mạnh của doanh nghiệp Việt Nam mà nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài về Việt Nam từng nêu ra.
Khó lòng xác định người Việt Nam ở thang bậc nào khi xét đến khía cạnh tâm lý nam tính/nữ tính[4]. Xin hiểu các từ nam tính/nữ tính theo cách phân tích của Hofstede, chứ không phải nghĩa thông thường. Vì một mặt người Việt có nhiều tham vọng tiến thân, họ cũng sống thoải mái theo kiểu “chất lượng cuộc sống” quan trọng hơn là thành quả, là tiền bạc. Họ vừa quyết đoán, vừa thích quyết định theo trực giác. Họ thích sự bình đẳng, thích can thiệp theo dạng “thấy chuyện bất bình chẳng tha” nhưng cũng tôn trọng sự hợp tình hợp lý của việc người có năng lực cao sẽ có cuộc sống “ngon” hơn người yếu hơn mình.
Cuối cùng, với tâm lý định hướng ngắn hạn/dài hạn[5], người Việt hầu như rất khác các dân tộc phương Đông khác – cái gì cũng nhắm đến ngắn hạn hơn là dài hạn. Trong kinh doanh, điều này biểu lộ rõ nhất – ít ai chịu nhìn đến một chiến lược dài hạn mà phần lớn chỉ nhắm đến cái lợi trước mắt. Có lẽ do hoàn cảnh bất ổn của một xã hội chuyển đổi buộc người ta phải đi ngược lại với tâm lý dài hạn, thường biểu lộ ở mức độ cá nhân hay trong quan hệ gia đình (dành dụm, chịu kiên nhẫn vì một tương lai xa).
Văn hóa doanh nghiệp
Trước khi bàn vào chuyện văn hóa doanh nghiệp, tưởng cũng nên phân biệt các cách tiếp cận đề tài này. Với sự mở cửa, hội nhập kinh tế, nhiều doanh nghiệp đang du nhập các chiêu thức quản lý từ phương Tây nên họ tiếp cận vấn đề văn hóa doanh nghiệp như một trong những biện pháp xây dựng công ty một cách bền vững. Họ kỳ vọng một nền văn hóa doanh nghiệp tốt sẽ tự thân nó giải quyết mọi vấn đề, từ quan hệ nhân viên đến năng suất, sự tự giác, tính chủ động… Đó là bởi họ đã tiếp cận các tài liệu huấn luyện quản trị bài bản theo sách vở.
Thật ra, nên nhớ văn hóa doanh nghiệp (như một công cụ quản trị) chỉ mới trở thành đề tài thời thượng ở một số nước phương Tây từ đầu thập niên 1980. Lúc đó nhiều người bắt đầu cho rằng sự vượt trội của doanh nghiệp nằm ở sự hòa đồng của mọi thành viên trong suy nghĩ, hành động vì những mục tiêu được mọi người cùng chia sẻ. Tuy nhiên, chính những nhà nghiên cứu về văn hóa nổi tiếng như Geert Hofstede từng cảnh báo: “Không khéo văn hóa doanh nghiệp sẽ là một loại tài sản tâm lý của một tổ chức, có thể dùng để tiên đoán tài sản tài chính của tổ chức này sẽ như thế nào trong năm năm nữa”. Ý ông ta muốn nói vấn đề văn hóa doanh nghiệp có khả năng bị lạm dụng để biến thành một công cụ trong nhiều công cụ khác nhằm quản lý doanh nghiệp theo mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận của người chủ[6].
Văn hóa doanh nghiệp dù có cố ý xây dựng hay không vẫn tồn tại ở doanh nghiệp. Nó là tập hợp những giả định và giá trị mà các thành viên trong doanh nghiệp chia sẻ. Trong khi đa phần giá trị văn hóa con người có được là nhờ quá trình học hỏi khi còn rất nhỏ để đến khi lớn lên chúng trở thành những giá trị được chấp nhận một cách vô thức, tự nguyện, giá trị văn hóa doanh nghiệp tuy được mọi thành viên chia sẻ (nếu không chia sẻ ắt phải bị bỏ ngoài rìa hay bị loại bỏ khỏi tổ chức) nhưng chưa chắc là do tự nguyện. Giá trị này có thể chỉ được tôn trọng trong giờ làm việc còn đến khi thành viên ra khỏi môi trường doanh nghiệp về với gia đình hay bạn bè, họ sẽ tự động quay về với những giá trị có khi ngược hẳn giá trị kia. Nói cách khác, trong môi trường doanh nghiệp, văn hóa thể hiện qua hành vi hơn là giá trị.
Hofstede nhận định, khác với văn hóa quốc gia, văn hóa doanh nghiệp thể hiện ở sáu khía cạnh: Định hướng theo quy trình/theo kết quả; Định hướng theo nhân viên/theo công việc; Quyền lực/Chuyên môn; Hệ thống mở/đóng; Kiểm soát lỏng/chặt; Theo quy phạm/Theo thực tiễn.
Phần lớn doanh nghiệp không tiếp cận vấn đề văn hóa doanh nghiệp theo hướng này mà chỉ dừng lại ở những tầng lớp biểu hiện bên ngoài của văn hóa doanh nghiệp – từ cách bài trí, đồng phục đến nề nếp ứng xử, hành vi giao tiếp, từ các biểu tượng đến “triết lý kinh doanh” nhưng chỉ dừng ở mức thể hiện trên văn bản.
Văn hóa doanh nghiệp tại Việt Nam
Các doanh nghiệp ở Việt Nam đa phần đều rất non trẻ vì thế đặc điểm lớn nhất là sự linh động, sự nhạy bén trong thích ứng với hoàn cảnh bên ngoài. Phần lớn phát triển từ loại hình công ty gia đình nên giai đoạn đầu được quản lý theo sự thuận tiện (từ dùng của Nguyễn Ngọc Bích). Các công ty loại này mang nặng dấu ấn của người sáng lập, từ tính gia trưởng, sự khép kín với bên ngoài đến việc quản lý vì kết quả chứ không cứng nhắc theo quy trình, quy phạm. Người giám đốc điều hành hầu như nhúng tay vào bất kỳ quyết định lớn nhỏ của công ty. Nhân viên ít có tính sáng tạo, chỉ làm theo những chỉ dẫn của người chủ. Chuyện đưa người thân vào nắm những vị trí trọng yếu của công ty là đương nhiên. Giám đốc thường quan niệm xây dựng văn hóa doanh nghiệp (dù họ không nghĩ trực tiếp đến khái niệm này) là “ăn cùng mâm” với nhân viên, cùng đi nhậu sau giờ làm việc. Sự gắn bó của nhân viên với công ty theo dạng “tâm lý trọng quyền” đã nói ở trên. Nền kinh tế phát triển nhanh chóng đã đẩy nhiều công ty đến chỗ lớn nhanh quá sức người chủ. Đã từng có nhiều giám đốc than phiền, công ty của họ phát triển quá nhanh, họ không quản lý xuể.
Tuy nhiên, chính phong cách làm ăn “nhẹ nhàng” này đã giúp doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng vượt qua những khó khăn gây bởi chính sách thay đổi, biết nắm bắt cơ hội mới như tăng mạnh giao thương với Mỹ nói riêng hay với bên ngoài nói chung.
Nhìn ở góc độ này, các doanh nghiệp Việt Nam rất giống các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đài Loan và khác xa cách tổ chức doanh nghiệp của Nhật Bản, Hàn Quốc. Vì thế giai đoạn đầu thu hút vốn đầu tư nước ngoài, các liên doanh có vốn Đài Loan chiếm ưu thế cả về số lượng lẫn sự thành công. Nhiều liên doanh với Mỹ, Úc đã thất bại, đi đến chỗ hoặc nước ngoài mua lại để biến chúng thành công ty 100% vốn nước ngoài hoặc phải bán lại phần hùn cho đối tác khác.
Dần dần những công ty lớn hình thành, sự quản lý theo cung cách thuận tiện không còn phù hợp, nhiều công ty chuyển sang quản lý theo các bài bản quản trị kinh doanh. Góp phần thúc đẩy nhanh quá trình này là một đội ngũ khá đông đảo những nhân viên làm cho các công ty có vốn đầu tư nước ngoài từ thập niên 1990 quay về đầu quân cho các công ty trong nước. Tuy vậy, nét chính của doanh nghiệp Việt Nam vẫn là cung cách gia đình, từ đối xử với nhân viên đến quan hệ với đối tác. Vì thiếu sự bài bản nên doanh nghiệp Việt Nam chưa coi trọng hợp đồng, thường hứa ẩu dù chưa biết mình có đủ khả năng hoàn thành cam kết hay không. Các vụ kiện tụng gần đây đã buộc nhiều doanh nghiệp xem lại quan điểm này.
Thứ hai, đa phần các công ty Việt Nam đều coi trọng việc xây dựng quan hệ, xem đó là vũ khí cạnh tranh lợi hại. Quan hệ ở đây là quan hệ với giới chức có quyền hay đối tác có thể đem lại cơ hội kinh doanh chứ không phải quan hệ hội đoàn. Các quan chức, ngược lại, cũng thường góp tay lập nên các công ty “một nhà” để làm sân sau cho mình nhằm tư lợi nhờ quyền hạn của mình.
Doanh nghiệp Việt Nam cũng thường có tầm nhìn ngắn hạn, thích các thương vụ đem lại lợi ích ngay chứ ít chịu xây dựng quan hệ với tầm nhìn dài hạn. Một liên doanh lỗ liên tục trong ba năm đầu tiên hoạt động là chuyện bình thường ở nơi khác nhưng ở Việt Nam, bên trong nước sẽ cáo buộc bên nước ngoài cố ý lỗ để thôn tính đối tác trong nước.
Doanh nghiệp Việt Nam ít sử dụng các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh. Ví dụ, họ sẽ loay hoay tự thiết kế quảng cáo chứ ít khi nhờ đến công ty quảng cáo chuyên nghiệp. Họ ít chịu chi tiền làm nghiên cứu thị trường mà họ cho là tốn kém vô ích. Họ có thể bắt nhân viên dịch một hợp đồng dù họ biết nhân viên mình năng lực còn kém chứ khó lòng nghĩ đến chuyện nhờ công ty dịch thuật chuyên nghiệp. Nhìn chung, doanh nghiệp Việt Nam chú trọng đến bên trong hơn bên ngoài.
Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam rất đặc trưng cho loại hình “low-context” bởi khi đàm phán nhiều doanh nhân người Việt gây hiểu nhầm vì cứ gật đầu, miệng nói “no problem”. Thật ra thâm tâm họ chỉ nghĩ vấn đề này tôi hiểu rồi, các ông khỏi cần giải thích dài dòng chứ không phải nhất thiết họ đồng ý với những gì được trình bày. Trong khi các doanh nhân phương Tây chú ý đến nghĩa đen của cuộc thương lượng hay chữ nghĩa trong hợp đồng, doanh nhân Việt Nam thường chú ý đến các yếu tố phi ngôn ngữ để tìm hiểu ý đồ của đối tác.
Nói đến văn hóa doanh nghiệp là nói chuyện cùng chia sẻ những giá trị mà mọi thành viên trong doanh nghiệp coi trọng. Xã hội Việt Nam lại là xã hội không trọng thương cho nên, khác với các doanh nghiệp ở nước khác, doanh nghiệp Việt Nam không lấy tiêu chí lợi nhuận hay chiếm lĩnh thị trường làm mục tiêu hoạt động. Họ thường chia sẻ các mục tiêu hơi có vẻ “lý tưởng” như làm được một điều gì đó cho xã hội, là đem lại giá trị mới… Các vụ đua tranh mua đấu giá một vật phẩm nào đó (với giá cực cao) được đưa ra để làm từ thiện trên truyền hình là một ví dụ.
Cuối cùng, xin nói đôi chút về nhân viên trong các doanh nghiệp Việt Nam. Họ thiếu sự gắn bó với công ty như người Nhật. Không những giới quản lý cấp trung mà ngay cả công nhân các loại hình đơn giản cũng dễ dàng chuyển từ chỗ làm này sang chỗ làm khác. Ở họ thiếu vắng tâm lý “rat race” mà do tâm lý trọng quyền nói ở phần trên, họ sẵn sàng bỏ chỗ làm nếu cho rằng mình bị đối xử bất công, có nơi khác chào mời lương cao hơn… Phần lớn làm không đúng nghề mình được đào tạo và những người có bằng cấp đại học có thể làm những công việc rất đơn giản mà ở nước khác người tốt nghiệp trung học có thể đảm nhận. Nhân viên ít thành công khi làm việc theo nhóm; nhưng thành quả cá nhân cũng ít được ghi nhận một cách đầy đủ.
Những nhận xét trên đây về văn hóa doanh nghiệp tại Việt Nam có thể mang nặng tính chủ quan, thiếu khảo sát diện rộng và có tính khoa học. Mong muốn của người viết chỉ là cung cấp các suy nghĩ và mô tả ban đầu về một đề tài chưa được đề cập nhiều để hy vọng sẽ có những nghiên cứu mà người viết nghĩ là rất cần thiết cho nền kinh tế Việt Nam.
18-2-2007
[1] Tâm lý trọng quyền (Power Distance): Là mức độ khác nhau giữa các nhóm về việc chấp nhận và tôn trọng quyền lực. Tâm lý trọng quyền cao xem quyền lực là chuyện đương nhiên ở những người có chức vụ cao; tâm lý trọng quyền thấp xem quyền lực là một phần của chức vụ nếu người có chức vụ đó thực hiện tốt vai trò của mình.
[2] Tâm lý cá nhân/tập thể (Individualism/Collectivism): Ở đây thường có sự hiểu nhầm nghĩa của các từ cá nhân/tập thể. Chúng ta thường gắn ý tốt cho từ tập thể (đoàn kết, chung sức...) và ý xấu cho từ cá nhân (ích kỷ, chơi trội..). Nói như vậy cũng đúng nhưng chưa đầy đủ. Tâm lý cá nhân xuất hiện ở những xã hội nơi mỗi người tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình, mỗi người tự lo cho mình và quan hệ giữa các cá nhân là lỏng lẻo. Tâm lý tập thể có ở những xã hội nơi con người gắn kết nhau, sống dựa vào nhau. Không nên nói tâm lý nào là hay hơn, tốt hơn dạng tâm lý khác.
[3] Tâm lý tránh bất định (Uncertainty Avoidance): Mức độ cảm thấy bất an vì tình huống chưa rõ hay chưa biết. Người có tâm lý tránh bất định cao thì thường thích có nhiều luật lệ, nội quy, không thích phiêu lưu, mạo hiểm. Họ thường chống đối các ý tưởng mới lạ. Người có tâm lý tránh bất định thấp thì ngược lại. Họ ít có luật lệ nhưng mức độ tôn trọng luật lại cao hơn. Họ chấp nhận sự bất định và các ý tưởng dù kỳ lạ đến đâu.
[4] Tâm lý nam tính/nữ tính (Masculinity/Femininity): Xã hội nam tính phân định rạch ròi vai trò của nam giới và phụ nữ, xã hội nữ tính cho rằng nam nữ như nhau, đều phải tôn trọng chất lượng cuộc sống hơn là những tham vọng tiến thân.
[5] Định hướng dài hạn/ngắn hạn (Long-term versus Short-term Orientation): Sau này đến năm 1991, Hofstede hợp tác với Michael Bond, đưa ra một khía cạnh mới - Định hướng dài hạn và ngắn hạn – để bổ sung một khía cạnh văn hóa mà ông cho là tiêu biểu hơn cho những nước phương Đông. Định hướng dài hạn nhắm đến nuôi dưỡng những giá trị nhằm hưởng thành quả trong tương lai. Ngược lại, định hướng ngắn hạn nhắm đến những giá trị liên quan đến quá khứ và hiện tại.
[6] Một số ý trong phần này đã được người viết sử dụng trong bài “Thực chất văn hóa doanh nghiệp” đăng trên tạp chí “Tia Sáng” - 2006
Nha bao va chung khoan
Nguyễn Vạn Phú
Thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển với tốc độ vũ bão làm đủ loại cơ sở hạ tầng, trong đó có cả báo chí, chạy theo không kịp. Trong một thời gian ngắn, nhu cầu thông tin mọi mặt về thị trường chứng khoán từ công chúng buộc các báo, kể cả những tờ trước đây không quan tâm đến kinh tế tài chính, cũng phải đẩy phóng viên ra sàn, vừa quan sát vừa ghi nhận tin tức, phỏng vấn, viết phóng sự và thậm chí cả bình luận nữa.
Không ít sai sót
Bên cạnh những bài báo chính xác, khách quan về hoạt động mọi mặt của thị trường chứng khoán, vẫn còn nhiều bài viết vội, người viết chưa tìm hiểu kỹ cách vận hành thị trường nên còn nhiều sai sót đáng tiếc. Điều này cũng dễ hiểu vì, lấy ví dụ, một người chuyên viết về kinh tế nay nhảy sang viết bình luận kịch nghệ hay phê bình văn học, làm sao tránh sai sót. Các báo không chuyên về kinh tế, vì một nhu cầu mới nảy sinh trong một thời gian ngắn, phân công phóng viên chưa biết “giá tham chiếu” là gì ra sàn viết bài, thì khó lòng tránh được sự chủ quan, kết luận vội vã. Ví dụ có phóng viên viết: “Nhìn vào bảng cân đối kế toán của công ty X, có thể thấy mức tăng trưởng lợi nhuận đã vượt mục tiêu đặt ra ban đầu”. Trong “bảng cân đối kế toán” không có một dòng nào nói về lợi nhuận cả; nó ở trong “báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh”.
Rất nhiều bài báo trong thời gian vừa qua nhắc đến hệ số P/E và… chú thích lung tung, như tờ T.S. (số ra ngày 5/4/2007) vẫn còn ghi “tỷ lệ P/E – lợi nhuận đầu tư”, một tờ khác trích lời một chuyên gia, viết rằng P/E là tỷ lệ phần trăm. Có báo tính P/E của một công ty lên đến trên 1.000 lần!
Một tờ báo lớn, cử phóng viên ghi nhận tình hình mua bán chứng khoán ở “phố Wall”-Việt Nam đã tả, “Buổi chiều, khi các nhà đầu tư bán được cổ phiếu vào buổi sáng khệ nệ xách từng giỏ tiền ra về thì câu chuyện của những bà, những chị ở “Phố Wall” lại càng xôm tụ hơn”. Nếu phóng viên này chịu khó vào hỏi nhân viên công ty chứng khoán sẽ biết ngay bán cổ phiếu xong, ba ngày sau tiền mới về tài khoản, chứ làm gì có chuyện sáng bán, chiều xách tiền về.
Nhiều trang diễn đàn vẫn còn nhắc chuyện một phóng viên đưa tin giá cổ phiếu của một công ty “sập sàn” vì giảm quá nhiều trong một ngày (728.000 đồng xuống còn 190.000 đồng), trong khi không biết rằng cổ phiếu này được giao dịch trong ngày không hưởng cổ tức 15% và mỗi cổ phiếu được thưởng ba cổ phiếu! Có người bình luận rất đau: “Cần biết rằng viết về chứng khoán rủi ro rất cao nếu không hiểu biết về nó”.
Rất nhiều chủ quan
Nhưng hóa ra những sai sót nhỏ, dễ thấy như trên không gây tác hại gì lắm, có lẽ vì chúng dễ phát hiện. Cái nguy hiểm lớn nhất, theo ý kiến chủ quan của người viết, là một số bài báo trong thời gian qua đã góp phần kích thích lòng tham làm giàu chóng vánh ở nhiều người. Tập trung trong một thời gian ngắn, hàng loạt bài báo ở dạng phóng sự, ghi nhận chuyện anh T., cô G. hay bà Đ. bỏ tiền vào thị trường chứng khoán, và như một câu chuyện cổ tích có hậu, những người này biến thành tỷ phú hầu như tức thời.
Có những trường hợp này không? Có thể có. Rất có thể nữa là đằng khác. Nhưng vì có hàng loạt bài báo viết với một mô-típ tương tự, xin được rất nghi ngờ tính chính xác của nó. Vì cho dù thị trường chứng khoán tăng trưởng nóng, nhưng so giữa tháng 4 năm ngoái và tháng 4 năm này, mức tăng cũng chỉ khoảng gấp hai lần. Nếu không có cái nhìn tỉnh táo, chỉ bị tác động bởi những câu chuyện làm giàu nhờ chứng khoán dễ dàng như “báo đăng”, sẽ có nhiều người sẽ lấy hết tiền dành dụm, đổ vào chứng khoán trong khi chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng về cả tâm lý lẫn kiến thức.
Một dạng bài cũng rất nguy hiểm là bình luận, mới nghe qua rất hợp lý, nhưng đọc kỹ mới thấy thực tế nó không đúng như vậy. Xin dẫn chứng một câu bình luận: “Cần nhớ rằng, tổng giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán đã lên đến gần 400 nghìn tỉ đồng, chỉ cần một phần tư số vốn này chuyển sang thì thị trường địa ốc cũng đã bềnh lên, trong đó cả số lượng giao dịch, cả về giá cả cũng tăng cao!” Tổng giá trị vốn hóa đúng là nhiều nhưng đa phần cổ phiếu nằm yên thế, không phải cổ phiếu nào cũng được giao dịch hàng ngày. Hơn nữa, nếu một phần tư số vốn này chuyển đi thì chắc chắn giá cả thị trường sẽ thay đổi khủng khiếp chứ không có chuyện từ chứng khoán chuyển sang địa ốc một cách dễ dàng như thế.
Nhiều phóng viên nghe giám đốc công ty nói gì bèn viết lại thế mà không cần suy nghĩ họ nói đúng hay sai. Ví dụ một tờ báo phỏng vấn một tổng giám đốc và ông này nói: “Tập đoàn XZY, với tổng giá trị thị trường ước tính trên 11.000 tỉ đồng, đảm bảo đủ khả năng tài chính khi quyết định mua cổ phiếu của YZX”. Tổng giá trị thị trường của công ty này là ở ngoài thị trường chứng khoán chứ đâu phải của công ty đâu mà ông ta bảo đủ khả năng mua lại công ty khác với giá cao. Cứ giả thử toàn bộ cổ phiếu của công ty nằm trong tay công ty này, nếu họ bán ra để có tiền mua YZX thì giá sẽ rớt ngay chứ đâu ở mức 11.000 tỷ đồng nữa.
Ở đây cũng xin nhận xét như thế này: Một người được gọi là chuyên gia thì chỉ là chuyên gia trong lãnh vực chuyên ngành của ông ấy thôi. Vì thế một tiến sĩ chuyên về kinh tế phát triển có thể không phải là chuyên gia chứng khoán. Người viết báo cần phân biệt như thế để khỏi phỏng vấn sai đối tượng. Nói như thế vì vừa qua cũng có nhiều chuyên gia lấn sân, nhảy sang bình luận về chứng khoán và cũng đầy chủ quan, phiến diện. Mà chứng khoán là vậy, nếu ai cũng dự đoán đúng thì họ đã đi mua bán chứng khoán cho rồi; nếu chuyên gia dự báo giỏi, họ đã trở thành tỷ phú cổ phiếu rồi, không ai dại đi chia sẻ cho người đọc báo chí. Lấy ví dụ, lúc chỉ số VN-Index mới tăng lên mức 800, đã có rất nhiều phỏng đoán thị trường quá nóng, sắp vở như bong bóng. Những ai lỡ dại nghe theo các bình luận này chắc sẽ tức điên đầu khi VN-Index vượt mốc 1.000 điểm. Phải công nhận tâm lý nhà đầu tư ở Việt Nam chưa thể dự báo nỗi – có nhiều phiên giao dịch, cứ tưởng giá sẽ sụt mạnh vì trước đó có hằng loạt cảnh báo dữ dội, những bài viết về một viễn cảnh ảm đạm, thế mà thị trường vẫn tăng giá như không.
Sắp tới sẽ như thế nào?
May thay, sau một thời gian tăng trưởng quá sức tưởng tượng, thị trường chứng khoán Việt Nam đang đi vào giai đoạn có tăng có giảm. Vì thế, các bài báo mang tính “cảnh báo”, mang tính phê phán “tâm lý bầy đàn” (như thể những nhà đầu tư là đàn thú!) đã gần như biến mất. Những bài báo miêu tả thị trường như một canh bạc cũng đã giảm. Thay vào đó, báo chí đã nhanh chóng đáp ứng yêu cầu thông tin của nhà đầu tư bằng các tin thuần túy sự kiện, thông số và các bài điều tra khá công phu về các chiêu thức kỹ thuật của một số công ty nhằm nâng giá cổ phiếu một cách giả tạo. Các báo bắt đầu có những bài bảo vệ nhà đầu tư nhỏ trước những biện pháp cố tình ưu đãi cổ đông lớn. Ngay cả khi một báo trích lời một nhà đầu tư tài chính nước ngoài, nói thị trường sẽ giảm đến 30%, ngay lập tức có những bài khác đặt vấn đề động cơ phát biểu, cơ sở phát biểu…
Theo tôi, sẽ đến lúc thị trường chứng khoán nước ta đi vào nề nếp, giao dịch sôi động nhưng giá cả chỉ biến động nhỏ như các thị trường khác. Lúc đó, thị trường sẽ đóng đúng vai trò của nó là cung cấp vốn và tính thanh khoản cho nền kinh tế. Và lúc đó, liệu các báo sẽ hết chuyện viết vì không lẽ cứ phân tích chung chung mãi?
Như vậy, câu hỏi đặt ra là nhà đầu tư cần gì ở báo chí? Trước đây khi chưa có Internet, các tờ như Wall Street Journal đăng kết quả giao dịch hằng ngày, cả cổ phiếu, trái phiếu, những thông số cơ bản mà hầu hết đã được các công ty chứng khoán tính sẵn. Họ có một tin chung về thị trường, các tin về các công ty có cổ phiếu chịu biến động giá cao nhất. Nay phần lớn các nhà đầu tư truy cập thông tin loại này trên Internet vì nhanh hơn và tìm đúng thông tin mình cần tìm hơn.
Ở đây, xin nhấn mạnh một điều, nhà đầu tư không chỉ đọc các trang chứng khoán để thu nhận thông tin cho mình. Tin họ cần nhiều lúc nằm ở các trang khác. Ví dụ, nhà đầu tư đã phân tích giá cả cổ phiếu của một công ty dựa vào những thông số đã có hay đã dự báo. Nay vì một sự kiện nào đó, ví dụ công ty X mất một khách hàng lớn vì khách hàng này phá sản, dòng tiền của công ty X bị ảnh hưởng, nhà đầu tư sẽ tiếp nhận thông tin này và điều chỉnh phân tích cổ phiếu X theo kịch bản mới.
Nhà đầu tư cũng cần những thông tin vĩ mô. Ví dụ giá cổ phiếu của các công ty thủy sản chắc chắn bị ảnh hưởng nếu tôm hay cá xuất từ Việt Nam bị kiện bán phá giá ở một thị trường nào đó. Giá xăng thả nổi sẽ ảnh hưởng lớn đến các công ty tiêu thụ nhiều xăng dầu… Nhiều lúc một tin ở tuốt châu Phi lại được nhiều nhà đầu tu quan tâm vì họ đang giữ cổ phiếu của một công ty có thị trường xuất khẩu chủ yếu là châu Phi.
Có thể nói, với đa số các tờ báo đại chúng, mọi chuyện sẽ trở về nhịp điệu trước khi chứng khoán tăng trưởng nóng. Điều khác biệt là người viết ở bất kỳ trang mục nào sẽ viết với ý thức tin tức của mình đưa ra công chúng sẽ có tác động lên giá cả cổ phiếu ở một khía cạnh nào đó, không ít thì nhiều. Còn các tờ báo chuyên về kinh tế sẽ phải phân tích sâu tình hình hoạt động của các công ty niêm yết và sắp niêm yết, xem thử thực tế có gì khác với dự báo của công ty đưa ra cho đại hội cổ đông. Lúc đó, hy vọng giới đầu tư sẽ tin cậy báo chí như người bạn đường giúp họ đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn chứ không phải một sự nghi ngại về chất lượng hay tính khách quan như hiện nay.
AI - hype and reality
AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...
-
“Đơn vị sự nghiệp công lập có thu” là cái chi chi? Khi Bộ Tài chính công bố “Quy chế thí điểm chuyển đơn vị sự nghiệp công lập có thu thàn...
-
AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...
-
Đấu giá ngược Phiên đấu thầu bán vàng miếng đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước tổ chức hôm qua bị các báo sáng nay phê phán dữ quá. Báo T...