Friday, July 5, 2024

AI - hype and reality

 AI – cường điệu và thực tế

Nguyễn Vạn Phú

Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ nhân tạo), về các chatbot thông minh trong khi mình chưa bao giờ dùng nó vào công việc, ngay cả đối đáp thì chỉ thử vài ba lần rồi thôi. Xin đừng quá tự ti, một nghiên cứu của Reuters Institute và đại học Oxford, khảo sát hơn 12.000 người ở 6 nước cho thấy một điều tương tự - chỉ có 7% ở Mỹ và 2% ở Anh, Pháp, 1% ở Nhật nói họ sử dụng các công cụ AI tạo sinh hàng ngày; đa số chỉ xài một hai lần cho biết. Nghiên cứu cũng cho thấy một tỷ lệ lớn người được khảo sát (47% ở Mỹ và 42% ở Anh) chưa hề nghe nói đến ChatGPT; tỷ lệ này còn cao hơn ở các AI tạo sinh khác như Gemini của Google, hay Copilot của Microsoft.

AI cho từng người

Vì sao thế giới hay ít ra trên mặt báo cứ xôn xao chuyện AI mà thực tế ít người dùng như thế? Đó là bởi đứng trước màn hình ChatGPT thiệt tình không biết hỏi gì luôn. Có lẽ ai cũng thử hỏi các câu mang tính kiểm tra kiến thức xem nó có thông minh thật không. Cách chúng trả lời gây ấn tượng cho nhiều người nhưng cũng có thể gây thất vọng ở nhiều người khác bởi trước sau gì cũng bắt gặp nó trả lời sai,            nhiều cái sai rất vớ vẩn. Từ đó ấn tượng của người dùng là ChatGPT quá giỏi, quá tài nhưng không tin được, dùng để giải trí thì được còn dùng nó để giải quyết các vấn đề vướng mắc thật sự thì chưa.

Điều này cũng giải thích các bài viết cứ chỏi nhau về AI: một bên nói nó sẽ lấy đi nhiều công ăn việc làm, sẽ đẩy hàng triệu người vào chỗ thất nghiệp; một bên nói còn lâu, tất cả chỉ là sự cường điệu hóa của một số doanh nghiệp đánh cược vào AI. Ở đây có lẽ nên phân biệt hai loại góc nhìn, phân tích, đánh giá, đo lường tiềm năng của các công cụ AI nhìn từ góc độ cá nhân và từ góc độ chung cho cả nền kinh tế.

Ở góc độ cá nhân, nếu vượt qua được giai đoạn xài thử cho biết, không còn dè chừng ChatGPT như một trợ lý thông minh nhưng không đáng tin, chúng ta có thể biến nó thành công cụ hỗ trợ công việc rất có ích. Lấy ví dụ công việc bếp núc của tòa soạn một tờ báo, là chuyện chuyên môn của người viết bài này, giả thử một phóng viên ngày mai có cái hẹn phỏng vấn một nhân vật quan trọng, bình thường phóng viên sẽ gặp trưởng ban hay thư ký tòa soạn để được hướng dẫn nên hỏi gì, hướng câu chuyện phỏng vấn vào những đề tài nào… Nay với ChatGPT người phóng viên có thể hỏi ngay công cụ AI này, miễn sao cứ cung cấp càng nhiều chi tiết càng tốt như chức vụ người được phỏng vấn, lãnh vực chuyên môn, đề tài đang quan tâm, thông tin nền… Bảo đảm câu trả lời chi tiết của ChatGPT cùng với hàng loạt câu hỏi phỏng vấn nó gợi ý sẽ gây ngạc nhiên cho nhiều người.

Các cuộc họp giao ban tin vào mỗi buổi sáng thường là cơn ác mộng với nhiều phóng viên vì không tìm ra đầu tin để báo. ChatGPT có thể gợi ý đề tài, hay cứ cung cấp cho nó các mảng thời sự chính rồi nhờ nó chỉ ra các đề tài để viết tiếp (follow-up). Trong các buổi động não chung ở tòa soạn, nó sẽ là trợ lý đắc lực đưa ra các ý tưởng mới cho mọi người thảo luận. ChatGPT và các công cụ AI tạo sinh tương tự nay đã có thể phân tích sâu một báo cáo tài chính, tóm tắt một tài liệu dài, nêu những điểm chính của một văn bản vừa ban hành. Chúng có thể giúp phóng viên tạo ra các biểu bảng, đồ họa, thậm chí cả hình minh họa nữa.

Đây chỉ là một minh họa cho việc sử dụng AI tạo sinh như các công cụ hỗ trợ hữu ích trong nghề báo; mọi nghề khác đều có thể tìm thấy các ứng dụng tương tự, từ dịch thuật đến tóm tắt văn bản, từ viết kế hoạch marketing đến viết đơn xin việc. Chúng không thể thay thế hoàn toàn con người nhưng sẽ là cánh tay nối dài đắc lực cho những ai biết cách sử dụng chúng. Chí ít chúng cũng giúp chúng ta giải thích các khái niệm mới lạ, một câu tiếng nước ngoài chưa biết, một tít báo khó hiểu – tất cả có sẵn trong lòng bàn tay.

AI cho cả nền kinh tế

Ở góc nhìn toàn bộ nền kinh tế, tác động của AI, cho dù được khuếch trương bằng cả ngàn bài viết, là chưa đến đâu cả. Cái làm nên sôi động của lãnh vực AI chính là giá cổ phiếu của các công ty liên quan đang tăng mạnh, như hãng Nvidia, chuyên sản xuất chip dùng trong AI, giá cổ phiếu liên tục tăng không ngừng nghỉ, giúp giá trị vốn hóa công ty này đến tháng 6-2024 vượt qua Microsoft, Apple, trở thành công ty lớn nhất thế giới ở mức giá trên 3.300 tỷ đô-la.

Ngược lại, sau cơn sốt đầu tư vào AI như một xu hướng thời thượng, các công ty mới vỡ lẽ, cuộc chơi AI rất tốn kém nhưng hiệu quả chưa thấy đâu cả. Theo Bloomberg, tỷ lệ các công ty có kế hoạch tăng mức đầu tư vào AI trong 12 tháng tới đã giảm từ mốc rất cao 93% cách đây một năm nay chỉ còn 63%. Trong khi đó, theo Cục Thống kê Mỹ, chỉ có 5% công ty Mỹ có sử dụng AI. Trong bình diện từng công ty, có thể từng cá nhân các nhân viên mày mò tìm cách sử dụng AI để nâng hiệu suất công việc nhưng cả công ty ứng dụng AI để cải tiến sản phẩm hay dịch vụ thì chưa thông suốt.

Philipp Carlsson-Szlezak, nhà kinh tế trưởng của Boston Consulting Group nhận định: “Với tôi, đây là câu chuyện năm năm nữa, chứ không phải năm quý”. Ý ông muốn nói phải chừng năm năm nữa mới chứng kiến được sự thay đổi trong hoạt động của doanh nghiệp dưới tác động của AI. Trở lại câu chuyện một tòa soạn để minh họa ứng dụng AI, từng phóng viên, từng thư ký tòa soạn có thể sử dụng AI để hỗ trợ cho công việc. Còn nói tờ báo dùng AI để thay phóng viên viết tin bài thì còn lâu.

Nhà kinh tế MIT nổi tiếng Daron Acemoglu viết trên tờ Project Syndicate bài “Đừng tin vào sự cường điệu AI” với câu mở đầu: “Nếu bạn lắng nghe các lãnh đạo công nghệ, các nhà dự báo kinh doanh và hầu hết báo chí, bạn có thể sẽ tin rằng các bước tiến gần đây của AI tạo sinh sẽ sớm đem lại các lợi ích năng suất to lớn, cách mạng hóa cuộc sống của chúng ta bây giờ. Tuy nhiên lý thuyết kinh tế cũng như dữ liệu không ủng hộ lời dự báo hồ hởi này”.

Bàn về tác động lâu dài của AI, có lẽ bài viết của Ray Kurzweil trên tờ Economist tóm gọn súc tích nhất. Ông cho rằng AI sẽ đem lại những lợi ích to lớn trong ba lãnh vực: năng lượng, sản xuất và y tế. Về năng lượng, nếu con người chỉ cần khai thác 0,01% năng lượng mặt trời hàng ngày rót xuống mặt đất thì cũng đủ cho thế giới dư xài, không cần phụ thuộc vào xăng dầu, than đá gây ô nhiễm nữa. Thế nhưng cuộc cách mạng năng lượng mặt trời chưa diễn ra mạnh mẽ là do vật liệu chế tạo pin để trữ điện vào ban ngày khi dư thừa đem sang sử dụng vào ban đêm còn quá đắt. Sử dụng AI để sàng lọc hàng ngàn nguyên liệu có thể dùng để làm pin chọn ra hợp chất tối ưu là thế mạnh của AI – khi đó nguồn năng lượng sạch, dồi dào và rẻ tiền sẽ biến đổi hoàn toàn thế giới.

Năng lượng dồi dào sẽ dẫn tới sản xuất giá rẻ, kể cả robot thông minh thay dần con người trong các công việc nặng nhọc, nguy hiểm. Ở lãnh vực thứ ba, AI sẽ thúc đẩy những bước tiến đột phá trong công nghệ sinh học, giúp thử nghiệm nhanh nhiều loại thuốc, giả lập hàng triệu tình huống khác nhau trong các phòng thí nghiệm ảo, từ đó tìm ra các loại thuốc mới cho loài người.

Cho dù những dự báo của Kurzweil mang tính khả thi cao, chúng cũng đòi hỏi thời gian, tính bằng cả thập niên nữa. Vì thế có thể tạm thời kết luận, AI rất có ích nhưng hãy bắt tay vào sử dụng chúng đi cho nhu cầu từng cá nhân, từng tổ chức, từng công ty. Đừng ca tụng tiềm năng của chúng nữa vì sự cường điệu thường đem đến thất vọng trong khi AI cũng như nhiều đột phá công nghệ, cần sự kiên nhẫn và dụng công để khai thác.

 

Box

Nhờ AI viết tít báo

Đặt tít thường là công việc của người biên tập chứ không phải của phóng viên. Đặt tít là một nghệ thuật, sao cho vừa ngắn gọn vừa thu hút sự chú ý của người đọc, nếu có các yếu tố hài hước, chơi chữ và trong thời đại Internet, đáp ứng yêu cầu SEO nữa thì quá tốt.

Người viết thử tải toàn bộ bài này lên một số AI tạo sinh phổ biến rồi nhờ chúng đặt dùm cái tít, lưu ý văn phong dí dỏm nhưng ngắn gọn. ChatGPT cho vài tít có vẻ như muốn tạo sự hấp dẫn: AI: Siêu trí tuệ hay trợ lý mau quên?; AI: Đột phá công nghệ hay chỉ là “thánh phán”?

Gemini của Google đề nghị đến 10 tít, kể cả một vài tít khá bí ẩn, không biết sao nó đưa ra: AI: "Lên Giàn Giả" Hay "Xuống Giếng Thật"?; AI: "Giải Mã Bí Ẩn" Hay "Tạo Ra Mê Cung"?; AI: "Chìa Khóa Tương Lai" Hay "Hố Đen Vô Tận"?

Nhìn chung là chưa ổn – thôi cứ để công việc này cho biên tập viên như họ đang làm, chưa AI nào thay được.

 

 

“AI Washing” là gì?

 

Từ tháng 3-2024 đến nay có ít nhất 3 công ty niêm yết tại Mỹ bị Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) cáo buộc đã sử dụng chiêu thức “AI Washing”. Đây là tội gì? Nó có phổ biến không?

Nói cho đơn giản, giả dụ bạn đang viết một kế hoạch kinh doanh trên máy tính xách tay. Thỉnh thoảng phải dùng Google để tìm kiếm tài liệu nên có thể khoe đã sử dụng thuật toán tìm kiếm tân kỳ; viết xong dùng chức năng kiểm tra chính tả tuyệt vời của Microsoft; đôi lúc gặp cụm từ khó chưa hiểu nghĩa bèn dùng ChatGPT đa năng để hỏi han. Vậy cuối cùng bạn có thể kết luận kế hoạch kinh doanh của bạn được biên soạn có sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong mọi bước đi, tích hợp các mô hình học máy, kết hợp với AI tạo sinh được chăng? Nếu bạn khoe như vậy, đó chính là một dạng “AI Washing” mà SEC đang cảnh báo – nói nôm na theo tiếng Việt là “Nổ AI”.

Cá nhân “nổ AI” không ai nói làm gì nhưng công ty mắc lỗi “AI Washing” sẽ gây hiểu nhầm cho giới đầu tư, làm họ bỏ tiền ra mua cổ phiếu vì cứ tưởng công ty đang đầu tư mạnh vào một lãnh vực đang nóng là AI. Chủ tịch SEC, Gary Gensler đã nhiều lần cảnh báo các công ty không được “nổ” quá thực tế ứng dụng AI vì như thế họ đang vi phạm luật chứng khoán. Giải thích một cách chính thức thì “AI Washing” được xem là một chiêu thức marketing một số công ty sử dụng để phóng đại tầm mức ứng dụng công nghệ AI trong các sản phẩm của họ. Mục tiêu là nhằm biến sản phẩm của công ty có vẻ hiện đại hơn thực tế, tận dụng mối quan tâm và sự thổi phồng quanh AI. Sở dĩ gọi là “AI Washing” bởi trước đó đã có khái niệm “Greenwashing”, để chỉ các chiêu thức một số công ty sử dụng nhằm tạo cảm giác họ đã nổ lực có những bước tiến mạnh theo hướng sản xuất xanh, sạch, bảo vệ môi trường trong khi thực tế không phải như vậy.

Mới đây nhất, vào giữa tháng 6-2024, SEC kiện nhà sáng lập, cựu tổng giám đốc điều hành Joonko, một nền tảng tuyển dụng trực tuyến, từng tuyên bố họ sử dụng AI để kết nối các công ty cần tuyển dụng với các ứng viên xuất thân từ các nhóm người ít được chú ý. Trong số các cáo buộc, SEC cho rằng Joonko hoàn toàn không sử dụng gì dính líu đến AI như họ khoe. Ngoài ra người sáng lập còn bị các cáo buộc khác như giả mạo hợp đồng, chỉnh sửa các bản sao kê ngân hàng, báo cáo thổi phồng số lượng khách hàng của công ty.

Vào tháng 3-2024, hai công ty Delphia và Global Predictions đồng ý nộp tổng cộng 400.000 đô-la để giải quyết đơn kiện của SEC cho rằng cả hai đưa ra những tuyên bố sai và gây hiểu nhầm về việc sử dụng AI. Delphia từng khoe biết cách làm cho trí tuệ nhân tạo của họ thông minh hơn nên có thể dự báo công ty nào hay xu hướng nào sẽ nổi trội để mọi người có thể đầu tư vào chúng sớm hơn những người khác. Global Predictions thì tuyên bố họ là nhà tư vấn tài chính AI đầu tiên được quản lý và nền tảng của họ cung cấp các dự báo do chuyên gia AI dẫn dắt. Dù vậy cả hai đều không thừa nhận hay bác bỏ cáo buộc của SEC.

Nhiều luật sư cho rằng nỗ lực của SEC trong thời gian qua tương tự những gì họ từng làm vào thời kỳ đầu nóng sốt các loại tiền mã hóa. Hilary Allen, một giáo sư luật của trường American University cho rằng lúc nào cũng có những người cố tình lợi dụng công nghệ để hưởng lợi. Giai đoạn này dễ phát hiện vì chưa tinh vi, chỉ e rằng sau này có những nỗ lực kín đáo khoe ứng dụng AI khó lật tẩy hơn.

Một cách để phát hiện xem công ty có “nổ AI” không là đặt câu hỏi: liệu phần mềm sử dụng trong sản phẩm có những thuật toán có khả năng tự học để đưa ra các quyết định mới chứ không phải do lập trình để thực hiện. Cũng cần lưu ý với người tiêu dùng bình thường ngày nay khi nghe nói đến AI họ liền liên tưởng đến các AI tạo sinh như ChatGPT hay Gemini trong khi thật ra AI có thể nói đến một phổ rộng rãi hơn nhiều các công nghệ sử dụng học máy để huấn luyện dựa trên dữ liệu chứ không phải được lập trình từ trước.

Rất nhiều sản phẩm tiêu dùng ngày nay, từ tủ lạnh, máy giặt đến máy hút bụi thực chất chỉ là có kết nối Internet để điều khiển thông qua các ứng dụng trên điện thoại di động nhưng cũng được quảng bá là sản phẩm AI. Phép thử kiểm tra là xem kỹ chúng có tự thực hiện được thao tác nào không do chúng tự quyết định thực hiện dựa trên các dữ liệu đầu vào do chúng thu thập. Hay tất cả là do chúng ta cài đặt một loạt các điều kiện trên ứng dụng rồi để chúng lần lược tiến hành các thao tác đã được lập trình.

Trong bối cảnh ngay cả các “ông lớn” công nghệ như Google, OpenAI hay Microsoft đều đang đau đầu với hiện tượng các chatbot của họ dễ bịa chuyện, gọi là bị ảo giác (hallucination) thì các lời khẳng định của một công ty nào đó cam đoan trợ lý ảo sử dụng AI tạo sinh của họ hoàn toàn chính xác 100%, không hề nói sai lần nào chắc chắn là một dạng “nổ AI”. Khi bên dưới các sản phẩm ChatGPT, Gemini hay Copilot đều thận trọng nhắc người dùng, không nên tin hẳn vào kết quả vì chúng có thể nói sai, một lời cam đoan ẩu như thế sẽ gây tác hại to lớn đến người dùng cả tin, xứng đáng bị gán danh “AI Washing”.

  

AI - hype and reality

  AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...