Sunday, January 13, 2019

Một thế giới đầy nghịch lý


Một thế giới đầy nghịch lý

Các mâu thuẩn nổi lên trong năm tới sẽ định hình cho dòng chảy thời sự của cả năm.

Toàn cầu hóa 4.0 cho ai?

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thường niên tại Davos năm tới (từ 22-25/1/2019) chọn chủ đề “Toàn cầu hóa 4.0”. Điều này không lạ vì nhà sáng lập và giám đốc điều hành WEF, ông Klaus Schwab là người thường xuyên nói về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Điều lạ là thay vì ca tụng tiềm năng “đổi đời” của cuộc cách mạng công nghiệp này, nhiều người gắn khái niệm “Toàn cầu hóa 4.0” với những thử thách to lớn mà nhân loại đang phải đối diện và tìm cách giải quyết.

Viết trên tờ Project Syndicate, bà Winnie Byanyima, giám đốc điều hành Oxfam International hỏi thẳng: “Toàn cầu hóa 4.0 cho ai?” Một mặt thừa nhận những lợi ích to lớn mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có thể đem lại cho mọi người, mặt khác, bà lo sợ đây là một cuộc đua xuống đáy mới, làm bùng nổ bất bình đẳng và gieo rắc sự bất mãn khắp nơi. Đúng là mô hình phát triển kinh tế trong mấy chục năm qua đẩy thế giới vào một sự chênh lệch giàu nghèo khó tưởng tượng nổi: năm ngoái 1% người giàu nhất lấy hết 82% thu nhập toàn cầu; gần như một nửa nhân loại chỉ cần đột ngột mắc bệnh hay mất mùa là sẽ rơi ngay vào cảnh cùng cực. Trong khi đó các vấn đề dai dẳng như biến đổi khí hậu, phân biệt chủng tộc, phân biệt nam nữ hầu như không có chút tiến triển nào. Thế nên các đột phá trong công nghệ, kiểu như trí tuệ thông minh nhân tạo, tự động hóa, vạn vật kết nối… để làm gì, chúng phục vụ cho ai, ai sở hữu chúng?

Nếu dòng tự sự về toàn cầu hóa giai đoạn mới vẫn do các tay tỷ phú ở Silicon Valley chủ động dẫn dắt nhằm tăng thêm chút giá cổ phiếu, giảm thêm chút thuế; nếu chính phủ các nước ngồi lại với nhau chỉ để tính chuyện giảm thuế cho hàng hóa của nhau rồi rót tiền thuế của dân cho các dự án với tham vọng thống trị thị trường thế giới… thì toàn cầu hóa 4.0 chẳng khác gì toàn cầu hóa của ba bốn thập niên trước.

Thế nhưng kỳ vọng một diễn đàn kinh tế thế giới tổ chức ở khu nghỉ dưỡng sang trọng Davos sẽ giải quyết vấn đề bất bình đẳng toàn cầu là một điều không tưởng. Với Klaus Schwab, “toàn cầu hóa” (globalization) khác với “chủ nghĩa toàn cầu” (globalism). Theo ông, trong khi toàn cầu hóa là một hiện tượng thúc đẩy bởi công nghệ và sự dịch chuyển của ý tưởng, con người và hàng hóa thì chủ nghĩa toàn cầu là hệ tư tưởng ưu tiên một trật tự thế giới tân tự do hơn là các lợi ích quốc gia. Ý ông muốn nói toàn cầu hóa là không thể tránh được còn chủ nghĩa toàn cầu lại là một chọn lựa mang tính chính trị. Thế nhưng chính những người theo chủ nghĩa toàn cầu lại thúc đẩy cho một thế giới toàn cầu hóa thì tính sao?

Rõ ràng những người yếu thế trong cuộc cách mạng công nghiệp hiện nay càng chịu thua thiệt vì mô hình phát triển sắp tới càng dựa vào lợi thế sở hữu vốn, sở hữu trí tuệ và công nghệ, những tài sản giới công nghệ có sẵn còn người thường ngày càng đánh mất. Ngay chính dữ liệu của người dân mà cũng bị đem ra đánh đổi, mua bán nói gì đến thứ khác.

Khó thoát kiếp gia công làm công xưởng cho thế giới

Ba bốn thập niên vừa qua, Trung Quốc học rất thuộc bài “toàn cầu hóa” nên đã trở thành cơ sở sản xuất hàng hóa khổng lồ cho cả thế giới: mở cửa đón làn sóng đầu tư nước ngoài muốn tận dụng lợi thế nhân công giá rẻ, đồng thời cải cách môi trường kinh doanh, khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển để tiếp nhận kinh nghiệm sản xuất, quản lý từ khu vực đầu tư nước ngoài, dần dần tiến lên các bực thang cao hơn trong chuỗi sản xuất toàn cầu.

Thế nhưng một khi Trung Quốc muốn thoát khỏi vai trò này, đề ra chiến lược “Made in China 2025” nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất Trung Quốc vươn lên dẫn đầu các ngành công nghệ mới, họ đã bị Mỹ tìm mọi cách cản trở. Tin tức cả năm 2018 xoay quanh những diễn biến được gọi là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung hết bên này áp thuế lên hàng nhập khẩu của nước kia đến những cáo buộc thao túng tỷ giá… Tuy nhiên, đằng sau những thông tin này là cả một chiến lược Mỹ muốn triển khai để trói tay Trung Quốc không cho bước lên các bậc thang cao hơn. Nói cách khác, Trung Quốc được hoan nghênh tham gia toàn cầu hóa nhưng muốn có chính sách theo chủ nghĩa toàn cầu lại bị chặn đường.

Đó là bởi Trung Quốc trở thành một chiếc gai nhọn làm Mỹ khó chịu: thâm hụt thương mại ngày càng lớn trong khi công nhân Mỹ mất việc làm về tay Trung Quốc; nước này lại tìm mọi cách để thụ đắc bí kíp công nghệ, kể cả buộc doanh nghiệp Mỹ phải chuyển giao mới được làm ăn ở nước này; nay Trung Quốc lại có tham vọng vượt lên đứng đầu trong những lãnh vực mũi nhọn như viễn thông, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo… Các doanh nghiệp viễn thông Trung Quốc đang đi đầu trong công nghệ 5G trong khi doanh nghiệp Mỹ chưa có gì trong tay. Mỹ có gì Trung Quốc cũng có cái tương đương để cạnh tranh như Baidu, Alibaba và Tencent. Trung Quốc lại đang phát triển mạnh những công nghệ vẫn còn ở thời kỳ sơ khai tại Mỹ như xe chạy bằng điện, tự động hóa trong sản xuất, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nhiều lãnh vực.

Lý do Mỹ đưa ra là Trung Quốc đã sử dụng các doanh nghiệp nhà nước, nhận tài trợ từ ngân sách nhà nước để tạo ra đột phá trong kế hoạch “Made in China” 2025 nên không công bằng với các doanh nghiệp khác. Các dấu hiệu cho đến nay cho thấy có thể Trung Quốc sẽ phải nhượng bộ Mỹ, giảm bớt tham vọng “Made in China” 2025 để tránh hậu quả tai hại của cuộc chiến thương mại đang diễn ra, nhất là trong lĩnh vực bảo vệ sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ bắt buộc.

Điều hay là Mỹ không “chạy đua vũ trang” bằng cách hậu thuẫn cho các doanh nghiệp lớn của họ để cạnh tranh trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; ngược lại, họ đang hành xác các doanh nghiệp này như liên tục bắt CEO của Google, Facebook ra điều trần. Ngày xưa họ từng ép Microsoft không được dùng thế độc quyền của Windows để chèn ép các ứng dụng duyệt web khác; ngày nay cũng có nhiều ý kiến muốn chẻ nhỏ Google ra để tránh độc quyền. Đó là bởi họ hiểu chỉ có chống độc quyền triệt kể, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh mới làm doanh nghiệp của họ lớn lên thật sự. Và cũng nhờ vậy, ngày trước Google mới thoát khỏi cái bóng của Microsoft để lớn mạnh. Trung Quốc e còn lâu mới học được bài học này.




Saturday, January 12, 2019

Công nghiệp mấy chấm cũng có mặt trái


Công nghiệp mấy chấm cũng có mặt trái

Cách đây mười lăm, hai chục năm, mọi người hăm hở nói về toàn cầu hóa, về thế giới phẳng tương tự như sự hăm hở chúng ta đang chứng kiến chung quanh khái niệm cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nếu như mặt trái của toàn cầu hóa đã được xác định rõ, mặt trái của công nghiệp 4.0 lại chưa được nhắc đến hoặc bị chìm lấp trong sự hứng khởi mà khái niệm này đem lại.

Kinh tế toàn cầu chỉ còn lại vài tay chơi khổng lồ

Mặt trái đầu tiên của cuộc cách mạng công nghiệp, dù thứ ba hay thứ tư, chính là sự thống trị của một số doanh nghiệp, làm bóp nghẹt tinh thần cạnh tranh, chặn đường tham gia thị trường của các doanh nghiệp khác.

Hiện chúng ta đang lệ thuộc vào Google khi tìm kiếm thông tin, vào Facebook khi tạo dựng các mối quan hệ xã hội ảo, vào Spotify hay Apple Music khi nghe nhạc trực tuyến… Trước đây hàng trăm hàng ngàn doanh nghiệp cạnh tranh để bán hàng cho chúng ta nhưng nay khi nghĩ đến mua hàng trực tuyến chỉ còn lại một số rất ít như Amazon (hay tại Việt Nam, chỉ vài ba tên tuổi như Lazada, Tiki hay Shopee, Sendo). Các khách sạn, muốn bán được phòng cho bên ngoài, ắt phải dựa vào một số dịch vụ đặt phòng trực tuyến và chịu phụ thuộc vào họ như Agoda hay Booking.com.

Thử tưởng tượng chúng ta không khoái cách ứng xử của Facebook, rất muốn ủng hộ một mạng xã hội khác nhưng con đường để một doanh nghiệp nào đó vươn lên xây dựng một hệ sinh thái như Facebook là cực kỳ khó khăn. Chúng ta đã có trải nghiệm trong việc này: khi Uber rút lui khỏi thị trường Đông Nam Á nhường sân chơi lại cho Grab, cứ tưởng viết một chương trình ứng dụng đặt xe rồi kêu gọi lái xe tham gia là chuyện dễ làm nhưng chưa có doanh nghiệp nào trong nước vươn lên kịp thời để thế chỗ Uber.

Cái cách nguồn vốn khởi nghiệp, vốn mạo hiểm đổ vào các doanh nghiệp như Uber hay Grab làm các nơi khởi nghiệp khác khó lòng cạnh tranh. Họ rót vào một số doanh nghiệp những khoản tiền khổng lồ để định hình một dịch vụ mới với kỳ vọng thu được lợi nhuận trong tương lai còn trước mắt là để khỏi tụt hậu trong thời công nghiệp 4.0. Uber hay Grab hay cả GoViet không để tâm đến thu chi sao cho nhanh chóng huề vốn và có lãi. Mục đích của họ chỉ là tăng trưởng nhanh chóng để đem lại giá trị cho phần vốn đầu tư của giới tài chính thì làm sao những doanh nghiệp bình thường với kế hoạch lời lỗ cụ thể cạnh tranh lại nổi.

Tài chính ăn hết

Bạn có biết Jeff Bezos, người sáng lập và hiện là chủ tịch Amazon, năm 2017 chỉ nhận lương chừng 80.000 đô-la nhưng tài sản của ông ta hiện lên đến 163 tỷ đô-la và tài sản này cứ gia tăng từng phút từng giây. So với mức lương trung bình của nhân viên Amazon là 28.000 đô-la/năm thì cứ 10 giây gia sản của ông ta tăng còn hơn mức đó.

Trong nền kinh tế số, tài sản của những người giàu nhất hành tinh ngày càng phình to ra. Trước đây Oxfam nghiên cứu tính toán thấy 1% người giàu nhất thế giới có tài sản nhiều hơn 99% dân số còn lại nhưng đó là vào năm 2015. Giờ chỉ cần 9 người giàu nhất cũng đã có gia sản bằng một nửa số dân của cả hành tinh, tức 4 tỷ người.

Trước đây một người muốn lọt vào danh sách 100 người giàu nhất cần phải tích lũy sản nghiệp qua nhiều thế hệ. Nay Mark Zucerberg, tay sáng lập Facebook, chỉ cần chừng hơn 10 năm để trở thành người giàu thứ 5 toàn thế giới, với tài sản khoảng 71 tỷ đô-la. Các thanh niên khởi nghiệp ngủ một đêm thức dậy trở thành tỷ phú là chuyện không còn hiếm hoi nữa.

Nếu chọn cách nói ngắn gọn nhất, có thể nói cách mạng công nghiệp 4.0 thay con người bằng máy móc, từ sử dụng trí tuệ nhân tạo đến tự động hóa các dây chuyền sản xuất, từ xe tự lái đến vạn vật kết nối, máy móc sẽ đảm nhận nhiều công việc trước đây do con người thực hiện. Như vậy lợi nhuận của nền kinh tế không còn phải chi một phần khá lớn cho lao động nữa mà dồn về cho vốn.

Nói cách khác, toàn cầu hóa là cách giới doanh nghiệp tìm nguồn lao động rẻ nhất để tiết kiệm chi phí; chuyển nhà máy từ Mỹ qua Trung Quốc có thể làm dân lao động Mỹ mất việc làm, lao động Trung Quốc thêm việc làm nhưng phải nhận đồng lương ít hơn, phần chênh lệch rơi vào túi dân tài chính. Nay công nghiệp 4.0 không cần tìm nơi lao động rẻ nhất nữa, giới chủ chỉ cần đầu tư vào máy móc, khấu hao dần và một lần nữa tài chính lại hưởng phần chênh lệch.

Người lao động bị vắt kiệt

Trước đây công nhân còn có sức mạnh thương lượng thông qua số đông và tổ chức kiểu như công đoàn. Nay nền kinh tế số dẫn tới những nghề tự do, tham gia vào thị trường lao động bằng mối liên kết lỏng lẻo hơn nhiều. Vì tham gia với tư cách cá nhân nên người lao động đánh mất sức mạnh thương lượng. Đó là tình cảnh của những công nhân trong nền kinh tế chia sẻ mà có thể là hình thức lao động chủ yếu trong công nghiệp 4.0. Uber rút ra khỏi Đông Nam Á hé lộ cho thấy số phận của những người lái xe trước đó được Uber o bế và khi không cần nữa, đã bị gạt ra rìa như thế nào.

Hãy lấy một ví dụ khác, Google Translate và nhiều ứng dụng dịch thuật khác, dù chưa hoàn chỉnh nhưng đã có những bước tiến đột phá. Người ta có thể dùng Google Translate để dịch nháp một văn bản nhanh như chớp, xong rồi bỏ công ra chỉnh sửa cho khớp với văn bản gốc, viết lại câu cú cho trôi chảy – nói chung là người dịch đã có thể trông cậy vào tiến bộ công nghệ để tăng năng suất lên nhiều lần. Bên cạnh đó, công nghệ cũng giúp việc liên lạc khắp thế giới thuận tiện như ngồi cùng tòa nhà; số lượng người dịch ở các nước đang phát triển gia tăng nhanh chóng. Thị trường dịch thuật bị xáo động khi nguồn cung về người dịch tăng vọt, giá cả bị cạnh tranh đẩy xuống mức thấp chưa từng có. Người dịch phải bỏ công sức gấp nhiều lần so với trước mà chưa chắc đã có thu nhập bằng như cũ vì miếng bánh phải chia cho gấp mấy lần so với trước.

Mặt khác, hàng triệu người trước đây kinh doanh nhỏ lẻ nhưng bị đẩy vào tình cảnh phá sản vì các mô hình mới như Amazon phải trở thành công nhân cho bộ máy đó, thu nhập thấp hơn, làm việc quần quật hơn. Cũng đã có những cảnh báo về việc công nghiệp 4.0 hay tự động hóa sẽ lấy đi nhiều công ăn việc làm nhưng dường như chưa ai hoảng hốt vì các cảnh báo này. Hàng triệu công nhân may mặc sẽ thất nghiệp không ngăn được doanh nghiệp đầu tư vào robot biết cắt may quần áo vì lúc đó biết đâu biên lợi nhuận của họ sẽ tăng cao hơn bây giờ. Người làm chính sách vẫn say sưa với viễn cảnh hàng may mặc chất lượng đều tăm tắp vẫn sẽ được xuất đi các nước vì chưa nghĩ đến hậu quả nặng nề mà hàng triệu công nhân mất việc kia sẽ đè nặng lên xã hội.

Cứ hình dung như thế này sẽ thấy: Năm 1990 ba công ty lớn nhất Detroit có tổng doanh thu 250 tỷ đô-la, thuê mướn 1,2 triệu công nhân; năm 2014, ba công ty lớn nhất Silicon Valley có doanh thu gần tương đương là 247 tỷ đô-la nhưng chỉ tuyển dụng có 137.000 nhân viên. Tiền thu được thay vì trả lương cho công nhân nay được rót cho tư bản tài chính.

Phá vỡ nhiều cơ cấu xã hội

Công nghiệp 4.0 đã và đang tạo ra những thay đổi tận gốc rễ ở nhiều ngành nghề, nhiều lãnh vực. Chỉ cần nhìn vào ngành báo chí sẽ thấy chưa chắc thay đổi như thế là điều tốt đẹp cho xã hội. Trước đây báo chí tồn tại là nhờ quảng cáo và miếng bánh quảng cáo ngày xưa chỉ chia cho các mảng rất rõ như báo in, radio, truyền hình, quảng cáo ngoài trời, cùng lắm là quảng cáo di động in trên thân xe. Nay miếng bánh quảng cáo chia phần lớn cho các mạng đang chiếm hết thời gian của người xem như Facebook, YouTube, Google… Trên không gian của các gã khổng lồ đó, rất nhiều tay chơi mới xuất hiện giành thêm một số khách hàng trước đây của báo chí nữa. Vì thế báo chí suy yếu, co cụm và thu nhỏ lại là điều không thể tránh khỏi.

Ngày nay ai cũng có thể trở thành một nguồn giải trí và nhờ đó được trả công bằng tiền quảng cáo. Còn báo chí với chức năng cung cấp thông tin đã trở thành thứ yếu, không cạnh tranh nổi với các nguồn giải trí kia.

Thế nhưng xã hội thiếu vắng báo chí sẽ bị lấp đầy bởi tin đồn, tin vịt, tin giả… Cơ chế kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải của báo chí bị bỏ qua trên các kênh thông tin khác. Con người, hàng ngày bị phơi nhiễm các nguồn thông tin không chính thống chắc chắc sẽ bị tác động để cuối cùng trở thành người để cảm xúc chi phối thay vì tin vào dữ kiện khách quan do báo chí đem lại. Thay thế các định chế lâu đời như báo chí bằng Facebook hay Twitter thì liệu có đáng đánh đổi không?

Nhìn tổng quát, bài toán của nền kinh tế khi bước vào một giai đoạn mới là rất rõ ràng: sẽ có nhiều người hưởng lợi nhiều nhất và cũng sẽ có nhiều người khác chịu thiệt hại nhiều nhất do những thay đổi mà cuộc cách mạng này đem lại. Hăm hở với khái niệm 4.0 một cách chung chung là một sự hăm hở đầy rủi ro. Ngó lơ đi nơi khác cũng đưa xã hội vào tình thế bế quan tỏa cảng ngày xưa. Cả hai thái độ đều có thể dẫn đến sai lầm. Chỉ có hiểu rõ những mặt trái của công nghiệp 4.0 trong khi tiếp nhận nó, sử dụng nó ở mức độ tốt nhất cho xã hội bằng cách lường trước những tác hại có thể xảy ra mới mở ra những giải pháp khả thi.




Tuesday, January 8, 2019

Công nghiệp 4.0 thực ra là gì?


Công nghiệp 4.0 thực ra là gì?

Cụm từ cách mạng công nghiệp lần thứ tư hay công nghiệp 4.0 là một từ thời thượng, nhiều người dùng nó một cách say sưa cho nhiều tình huống và nhiều người khác cười chê ai dùng nó như những kẻ hoang tưởng. Nhưng dường như ít ai bỏ công tìm hiểu nguồn gốc của nó cũng như nói cho cặn kẽ nội dung của nó là gì.

Năm 2011, Liên đoàn nghiên cứu kinh tế và khoa học Đức đưa ra cho Thủ tướng Merkel một đề xuất thực hiện chương trình nghiên cứu sử dụng máy tính vào công nghiệp để duy trì thế mạnh của Đức trong lãnh vực này. Chương trình được đặt tên Cách mạng công nghiệp 4.0 với lập luận thế giới đang bước vào ngưỡng cửa của một cuộc cách mạng công nghiệp mới tiếp nối cuộc cách mạng công nghiệp 3.0 vốn đã là ứng dụng máy tính, công nghệ thông tin, truyền thông và tự động hóa vào sản xuất và mọi mặt của cuộc sống.

Thủ tướng Merkel ủng hộ chương trình nhưng không hài lòng với cái tên vì đời nào chính phủ Đức lại đi tài trợ cho một cuộc cách mạng, dù là trong công nghiệp. Thế là tên được đổi thành Công nghiệp 4.0, trở thành nội dung chính của sáng kiến “Chiến lược Công nghệ cao 2020 cho nước Đức”.

Theo lời kể chuyện của giáo sư Christoph Roser, chuyên ngành quản lý sản xuất tại Đại học Karlsruhe, Đức, ngoài phần giới thiệu ai cũng biết về các cuộc cách mạng công nghiệp trước đó, không ai rõ nội hàm của khái niệm Công nghiệp 4.0 là gì. Nhưng vì chính phủ Đức đồng ý tài trợ đến 400 triệu euro nên nhiều cơ quan, trường đại học và doanh nghiệp nhảy vào cuộc, các đề tài nghiên cứu đẻ ra như nấm mọc sau mưa, chủ yếu xoanh quanh nội dung liên quan đến máy tính dùng trong công nghiệp như dữ liệu lớn, in 3D, nhận diện khuôn mặt, xe tự hành, điện tử đám mây và vạn vật kết nối.

“Bạn có thể đọc những tài liệu rất dài về Công nghiệp 4.0 nhưng trang nào cũng nói một chuyện như nhau chỉ có điều bằng từ khác mà thôi” – GS Roser viết.

Những năm sau đó hàng loạt các nhà nghiên cứu cũng như các chuyên gia về công nghiệp đã dồn về Đức để học hỏi về Công nghiệp 4.0. Các phần mềm hỗ trợ Công nghiệp 4.0 bán chạy như tôm tươi. Nhưng GS Roser thú nhận: “Người Đức chúng ta cũng không biết gì nhiều hơn phần còn lại của thế giới. Cũng như câu chuyện về hoàng đế với bộ quần áo mới, có nhiều bài viết ca tụng chuyện mọi thứ sẽ tuyệt vời hơn như thế nào với Công nghiệp 4.0 nhưng nếu nhìn cho kỹ, nội dung không có gì cả. Tuy thế, vẫn có nhiều người khen bộ quần áo mới của Công nghiệp 4.0!”

Một trong những đề tài thu hút sự chú ý của nhiều người là về các hệ thống vật lý ảo (Cyber-Physical Systems) – ý tưởng ở đây là kết nối máy móc, thậm chí các linh kiện với nhau bằng mạng kỹ thuật số. Nhờ thế thông tin về hiện trạng của hệ thống sẽ dễ có sẵn đó kèm theo là một lượng thông tin khổng lồ giúp phân tích hiện trạng. Từ đó trên báo chí phổ thông mới xuất hiện các hình ảnh, một quản lý nhà máy sáng sớm biết ngay máy nào cần dầu, máy nào cần thay linh kiện, máy nào chạy tốt, máy nào có vấn đề. Thậm chí ông ta không cần ra lệnh nữa mà máy thiếu dầu tự động yêu cầu dầu, máy thiếu linh kiện ra lệnh thay linh kiện. Thật là một hình ảnh hấp dẫn. Người ta tính toán nếu máy móc biết trước được hỏng hóc để tránh, hệ thống biết trước nguyên liệu cần có, chừng đó cũng đã tiết kiệm đến 270 tỷ euro mỗi năm cho nước Đức. Thế là từ đó về sau Công nghiệp 4.0 được gán với nội dung này là chủ yếu.

*                           *                           *

Người đưa cụm từ cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào ngôn ngữ hàng ngày, gán cho nó những ý nghĩa rộng hơn, mang tính khái quát hơn chính là Klaus Schwab, nhà sáng lập và hiện đang làm giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF). Theo ông ba cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên được thúc đẩy bởi than đá và hơi nước, đến điện và xe hơi, rồi đến máy tính. Nay loài người, theo ông đang tiến vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mà động lực là tự động hóa và trí tuệ thông minh nhân tạo. Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2016, Schwab đã chọn cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hay nói gọn là công nghiệp 4.0 làm chủ đề, từ đó ý tưởng này lan rộng.   

Một số bài viết của các tác giả khác sau đó triển khai về hướng người tiêu dùng nên chú trọng đến vạn vật kết nối, mọi thứ đồ dùng quanh ta đều nói chuyện với nhau và nói chuyện với máy tính để mọi người cũng có thể nắm được thông tin mọi thứ trong đời sống như trong sản xuất. Đây là hướng triển khai của các nước bên ngoài Đức.

Kể từ đó, bất kỳ một xu hướng ứng dụng công nghệ làm thay đổi cuộc sống nào cũng được gán cho cái nhãn công nghiệp 4.0 như robot thông minh, xe tự lái, biên tập bộ gen… Tuy nhiên điều đáng lưu ý là các tác giả khi nói về công nghiệp 4.0 thường dành phần đầu để ca ngợi các đột phá công nghệ làm thay đổi tận gốc rễ cơ cấu xã hội nhưng phần sau đều nhắc đến các thách thức mà loài người phải vượt qua. Chủ đề lớn nhất vẫn là bất bình đẳng gia tăng, xã hội tan rã thành cụm nhỏ, các định chế lâu đời bị phá vỡ trong khi cái thay thế lại chưa định hình. Xã hội có thể tiến tới chỗ có một “giai tầng vô tích sự” gồm hầu hết nhân loại và một số ít những người thuộc giai tầng công nghệ nắm trong tay bí quyết và phương tiện để sống tách biệt với phần còn lại của nhân loại.

Ở Việt Nam, khái niệm công nghiệp 4.0 được đón nhận với một sự nhiệt thành đáng kinh ngạc; có lẽ vì khái niệm này có thể giúp “đi tắt, đón đầu” và có lẽ không ai muốn lập lại sai lầm “bế quan tỏa cảng” ngày xưa. Khát vọng mở cửa “đi tắt, đón đầu” này có tác dụng thúc đẩy các chính sách tiếp nhận cái mới mà làn sóng công nghệ tạo ra. Tuy nhiên gần đây khái niệm công nghiệp 4.0 được gán cho quá nhiều xu hướng nên ý nghĩa của nó gần như bão hòa, không còn mang hàm ý như thế giới hiểu công nghiệp 4.0: một sự tổng hòa khi vạn vật kết nối tạo ra sự thông minh trong quản lý sản xuất, khi trí tuệ thông minh nhân tạo, rô-bốt làm thay cho con người trong nhiều hoạt động và khi dữ liệu lớn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra các thuật toán ẩn đằng sau sự vận hành của xã hội.



AI - hype and reality

  AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...