Saturday, February 17, 2018

Tích hợp là gì?

Ủa, tích hợp đâu phải vậy

Hồi ức về mười năm đi dạy của tôi gói gọn trong hai chữ "giáo án" hay đúng ra là ba chữ "cháy giáo án". Lúc mới vào nghề dạy, tôi phản đối ghê lắm – cứ nghĩ miễn sao người thầy truyền đạt đủ lượng tri thức đã ghi rõ trong chương trình còn hàng ngày, hàng tiết ông ta dạy như thế nào thì kệ ông ta chứ. Phải để cho ông ta có thời giờ, lúc hứng lên kể chuyện cho học trò mình nghe chuyện đời, chuyện thế sự, lúc bực mình đem học sinh ra mắng cho chúng nó khá lên. Phải để ông ta nhấn nhá phần này thật dài, lướt qua phần kia hay có phần giao hẳn cho học sinh tự về nhà tìm hiểu.

Không được! Lúc đó mọi giờ, mọi phút lên lớp của người thầy đều được vạch lộ trình sẵn; mọi câu, mọi ý đều được ghi rõ ra; thậm chí bao nhiêu phút dành cho học sinh trả bài cũng phải lường trước – tất cả nằm trong một bản vẽ chi tiết gọi là giáo án. 

Riết rồi quen, không còn phản ứng gì đã đành mà thói quen dựa vào giáo án mới dạy suôn sẻ lại hình thành. Sách giáo khoa là pháp lệnh -  lỡ sách có in sai cũng phải chờ đính chính từ cấp có thẩm quyền – người thầy không được tự tiện sửa sách. Người thầy như một cái máy dạy được lập trình sẵn như lời một đồng nghiệp miêu tả - "dạy đồng phục".

Nay bỗng dưng đọc báo thấy miêu tả hoạt động dạy học dưới cái tên "tích hợp" sao nghe như một thái cực khác. Một chuyên gia ngành giáo dục nói: "Có thể nêu ngắn gọn ưu điểm của việc tích hợp là tránh được chồng chéo, trùng lặp về nội dung kiến thức, đặt nội dung của các môn học trong một môn sẽ có tác dụng bổ sung, hỗ trợ và làm sáng tỏ cho nhau khi cùng hướng đến một mục tiêu chung". 

Nghe thì quá hay nhưng, ông chuyên gia ơi, người thầy bị bắt dạy theo kiểu "đồng phục" một thời gian dài rồi nay yêu cầu họ chủ động "dạy học tích hợp liên môn" rồi "dạy học qua trải nghiệm sáng tạo" – chẳng khác gì đẩy một người không biết bơi vào con sông chảy siết và nói "cứ bơi mạnh dạn đi". Không tin cứ thử khảo sát 100 người thầy để coi họ hình dung dạy tích hợp là dạy cái gì, dạy như thế nào. Nếu cứ ép dạy theo kiểu tích hợp sẽ nảy sinh tình huống dở khóc dở cười mà báo chí từng tường thuật. "Một giáo viên thực hiện bài giảng về chủ đề ảnh hưởng của thuốc lá đối với hệ hô hấp cho rằng đã vận dụng gần cả chục môn. Chẳng hạn khi đưa ra số liệu, giáo viên này nói đã tích hợp được môn toán, trình chiếu bài giảng trên máy tính là tích hợp tin học, dùng các từ khóa tiếng Anh là tích hợp ngoại ngữ, thông tin cảnh báo là tích hợp giáo dục công dân…" 

Hiện nay giới nghiên cứu giáo dục đang hiểu tích hợp khác hẳn giới thực hành giảng dạy; giới biên soạn chương trình hiểu tích hợp khác với cách làm của các nước – có thể gói gọn vào một ý: cơm chưa chín mà đã rút củi ra khỏi nồi.

Lấy nền tảng được đào tạo chính quy ngành sư phạm lại có thêm kinh nghiệm mười năm dạy học, tôi tự nhủ mình phải tự tìm hiểu "tích hợp" chứ khó khăn gì một khái niệm mà đành chịu thua nó. Nhưng phải nói khi tra cứu các tài liệu nghiên cứu chính quy, gặp phải câu này trong Tạp chí Nghiên cứu Giáo dục, tôi như đụng đầu vào đá bị dội ngược: "Có thể phân biệt ba dạng tích hợp: đa môn học, liên môn học và xuyên môn học. Đa môn học thể hiện sự đặt cạnh nhau một cách đơn giản của các môn học mà không phá vỡ quá nhiều logic nội tại của nội dung khoa học mỗi môn học. Liên môn áp dụng cho sự tương tác giữa các môn học nhưng đã thay đổi một cách tinh tế…" Chịu, cao siêu quá. Phải tìm con đường khác thôi.

Chuyển sang tìm hiểu "tích hợp" nhân tranh cãi về vị trí môn Sử, đọc trả lời phỏng vấn của các quan chức Bộ Giáo dục & Đào tạo, tôi hình dung ngành giáo dục đang hiểu tích hợp theo nghĩa, ví dụ, tích hợp lịch sử với giáo dục công dân và giáo dục quốc phòng  thành môn Công dân với tổ quốc hay tích hợp lịch sử với địa lý thành môn Khoa học xã hội. Hiểu theo cách đó thì cả mười năm nữa vẫn chưa tích hợp được như kỳ vọng vì phải soạn xong chương trình tổng thể, rồi soạn chương trình từng môn, rồi biên soạn sách giáo khoa hoàn toàn mới, rồi đào tạo lại giáo viên rồi tập huấn… Mà dường như thế giới cũng chưa tích hợp đến mức độ đó. 

Có thể hình dung ngành giáo dục các nước không tự trao cho mình nhiệm vụ biên soạn chương trình tích hợp cho cả nước làm theo. Họ chỉ việc công bố chương trình chuẩn ở mức tối thiểu theo các môn, thị trường làm sách vẫn sẽ biên soạn các sách bộ môn tách biệt, phần đông các trường vẫn đưa ra chương trình gồm các môn tự chọn và bắt buộc cho học sinh. Song song đó, các trường hay cụm trường sẽ nỗ lực giới thiệu phương pháp tích hợp vào dạy và học với điểm nhấn là học sinh dùng kiến thức liên môn để giải quyết các vấn đề đặt ra dưới sự hướng dẫn của nhóm giáo viên liên môn. 

Nói cách khác, tích hợp không có nghĩa gom các môn vào chung thành một môn có tên gọi cụ thể nào đó. Hiểu như thế là sai tinh thần tích hợp vì không lẽ phải tổ hợp các môn thành hàng ngàn môn tích hợp để đáp ứng các yêu cầu rất đa dạng của cuộc sống và vì nói thế thì làm sao còn khái niệm tích hợp liên môn hay đa môn nữa! Vẫn phải duy trì các môn riêng lẻ và sự sáng tạo của người thầy là tìm kiếm chủ đề sao cho khi tìm hiểu, giải quyết hay giải thích, học sinh phải vận dụng kiến thức và kỹ năng hình thành được từ các môn khác nhau. Học sóng âm ở môn Vật lý rồi học các bộ phận của các nhạc cụ rồi "tích hợp" chúng lại với nhau để giải thích vì sao nhạc cụ phát ra tiếng nhạc. Hay người thầy đặt ra một vấn đề cho học sinh: làm sao để biến rác thải của cộng đồng thành vật có ích. Khi đó, học sinh có thể học về vai trò của chính quyền địa phương từ môn Khoa học xã hội; về các phản ứng hóa học trong môn Khoa học tự nhiên; về cách tính toán khối lượng trong môn Toán…

Còn nhớ cách đây chưa lâu, rộ lên cái tin Phần Lan đòi bỏ các môn Toán, Lý Hóa làm xôn xao dư luận. Thật ra Phần Lan vẫn dạy cho học sinh các môn này nhưng không thành môn học riêng biệt mà “tích hợp” chúng trong các tình huống cụ thể. Nhưng đây cũng chỉ mới là dự kiến yêu cầu các trường xây dựng ít nhất một kỳ học “đa môn” tập trung vào một hiện tượng hay một chủ đề mà học sinh quan tâm và sẽ áp dụng vào năm 2016. Ở nước ta cũng nổ ra tranh cãi bỏ hay không bỏ môn Sử, do hiểu nhầm nhau cũng chẳng khác gì báo chí thế giới hiểu nhầm vụ Phần Lan. 

Cuối cùng, xin đề nghị những người biên soạn chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, hãy dùng đúng từ "ghép môn" khi muốn ghép một số môn lại với nhau để tạo ra môn mới. Đừng dùng từ "tích hợp" sẽ gây hiểu nhầm và lúng túng. Hãy để dành chuyện tích hợp nói sau, sau khi chuẩn bị thậm chí đào tạo lại một thế hệ giáo viên mới đủ sức làm chuyện tích hợp như thế giới đang làm bởi đó thuộc về phương pháp giảng dạy, cách tiếp cận chương trình giảng dạy chứ không phải bản thân cái chương trình đang muốn xây dựng. 

Monday, February 12, 2018

Đề thi thời sự


Không biết bắt đầu từ lúc nào, các thầy cô nay thích ra đề thi có yếu tố thời sự. Ngay cả sự kiện đội bóng U23 Việt Nam cũng vào đề thi, kiểu như hãy viết nghị luận về hình ảnh hậu vệ Văn Thanh khoanh tay trước ngực mừng chiến thắng sau khi sút thành công đem về chiến thắng trước đội U23 Qatar (đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn của trường THPT Nguyễn Huệ ở Thái Nguyên).

Trước đó, một trường khác tại TPHCM cũng ra đề thi kiểm tra một tiết môn Văn cho học sinh lớp 11: Sau khi kết thúc trận chung kết giải U23 châu Á năm 2018 giữa U23 Việt Nam và U23 Uzbekistan, HLV đội tuyển Việt Nam Park Hang-seo đã nói với cầu thủ của mình: "Chúng ta đã cố gắng hết sức, tại sao phải cúi đầu?". Anh/chị hãy chia sẻ ý kiến của mình về câu nói này?

Và lần nào cũng vậy, dư luận lại có dịp cãi nhau: bên khen đề mở, sát với cuộc sống; bên chê, đâu phải ai cũng quan tâm đến bóng đá, các em nữ sinh làm sao viết! Các đề thi “thời sự” khác thì gây tranh cãi về nhân vật được chọn để đưa vào, ví dụ, nhân vật trong giới showbiz “không xứng đáng”, nhân vật ông bảo vệ lại được khen, có tính giáo dục đạo đức cao! Học sinh sau khi bức tai làm bài xong về đọc các tranh luận này ắt sẽ vò đầu, chẳng biết đúng sai ở đâu.

Thiết nghĩ nên chấm dứt việc đưa các nội dung mang tính thời sự vào đề thi khi đó mới tạo ra sự khách quan, công bằng và công tâm cho môi trường học tập. Chuyện thời sự lúc nào cũng kéo theo một dòng nhận định chủ lưu, sức nặng của dư luận trở thành một áp lực lớn, ai dám nói khác; yếu tố thời sự sẽ chi phối hết, còn đâu không gian sáng tạo, óc quan sát hay tính phản biện ở học sinh? Thầy cô chấm bài cũng bị tác động bởi các nhận định liên quan đến vấn đề thời sự được đưa vào đề, làm sao thầy cô có sự tỉnh táo cần thiết để chú tâm vào các kỹ năng đang được kiểm tra, chứ không để bị lôi vào nội dung. Và tại sao lại để nội dung thời sự đó làm loãng đi, làm nhiễu nội dung cần kiểm tra?

Thật ra vấn đề đâu phải nên đưa hay không đưa chuyện thời sự vào đề thi, vấn đề cũng không phải là chọn ai để đưa.

Ở đây cần phân biệt hai dạng đề thi: một là kiểm tra kiến thức, bên kia là đánh giá năng lực. Đánh giá năng lực thì người ra đề muốn sử dụng chất liệu như thế nào tùy ý, miễn sao bản thân chất liệu được đưa ra là đầy đủ, hoàn chỉnh và người ra đề xác định kỹ năng muốn đánh giá. Ví dụ để đánh giá năng lực diễn đạt ý tưởng một cách mạch lạc, thuyết phục lại có sự sáng tạo, người ra đề muốn dựa vào bất kỳ sự kiện thời sự nào cũng được nhưng tất cả chỉ là cái nền để thí sinh nêu được ý tưởng và người chấm bài đánh giá được khả năng lập luận của thí sinh.

Cứ cho là đề thi học sinh giỏi chú trọng đến năng lực hơn là kiến thức nên lấy chuyện cầu thủ khoanh tay trước ngực chào chiến thắng cũng được đi nhưng bản thân cái đề không đầy đủ vì chỉ có một tấm ảnh và yêu cầu viết nghị luận nêu cảm nhận về bức ảnh. Chúng ta trông chờ kiểm tra được chuyện gì từ học sinh qua một đề thi như thế ngoài một bài văn y như khuôn mẫu như gợi ý của đề?

Còn đề thi kiểm tra một tiết, rõ ràng là để kiểm tra xem học sinh có nắm được bài học trước đó, bài gì thì chúng ta không biết nhưng đề thi thì rõ ràng không giúp thầy cô đo lường được mức độ học sinh tiếp nhận kiến thức mới trong những tiết học trước đó. Có chăng chỉ là những sự nhắc lại các bình luận của báo chí, của dư luận chung quanh câu nói của ông huấn luyện viên và liệu cái đó liên quan gì, liên quan như thế nào đến việc kiểm tra một tiết? Showbiz đã xin thôi thì bóng đá cũng xin thôi, đừng đưa vào đề thi nữa.



Chuyện đá bóng không bóng


Cầu thủ bóng đá khi đã ký hợp đồng “trao thân” với một câu lạc bộ nào đó thì đương nhiên câu lạc bộ này có quyền sử dụng hình ảnh của cầu thủ trong các chiến dịch quảng cáo. Mọi nhãn hàng muốn mời cầu thủ tài trợ đều phải thông qua câu lạc bộ, kể cả xuất hiện tại các sự kiện, các buổi khai trương, động thổ…

Thế nhưng giờ đây lại xuất hiện các hình thức quảng cáo mới, cụ thể là viết lách (status) trên trang facebook riêng, phát video từ trang này (livestream), vào một điểm vui chơi, ăn uống, giải trí rồi báo cho mọi người trên facebook biết (check in)… tất cả đều thông qua mạng xã hội mang tính riêng tư thì sao, đây là hoạt động cá nhân mà?

Hỏi một số chuyên gia quảng cáo, họ đều nói thông lệ quốc tế, quảng cáo trên mạng xã hội cũng chịu sự ràng buộc như sử dụng hình ảnh, tên tuổi trên các phương tiện khác, tức nếu hợp đồng giữa cầu thủ và câu lạc bộ có câu “including, but not limited to” (theo kiểu liệt kê cho hết mọi trường hợp sử dụng hình ảnh để thu tiền phải thỏa thuận với câu lạc bộ nhưng sợ liệt kê không hết bèn viết, “bao gồm cả, nhưng không chỉ giới hạn có chừng đó”) thì coi như cầu thủ bó tay.

Mà cũng đúng, không lẽ trong hợp đồng bảo trợ chính thức, cầu thủ A luôn xuất hiện với tuyên bố chỉ xài sản phẩm X nhưng khi lên facebook cá nhân lại khen sản phẩm Y của đối thủ X nức nở rồi nhận tiền cả hai bên coi sao được?

Việc kinh doanh hình ảnh cầu thủ hay nói chung là người nổi tiếng trên mạng xã hội là một xu hướng bùng nổ trong mấy năm gần đây, tổng doanh thu lên đến cả tỷ đô-la mỗi năm. Một tấm hình chụp cạnh một chiếc xe hơi mới ra mắt đăng lên facebook có thể đem về cho người nổi tiếng, có chừng vài trăm ngàn người theo dõi, từ vài ngàn đến vài chục ngàn đô-la dễ như chơi. Tuy nhiên vì nhiều lý do, trong đó có cả vấn đề pháp lý, các dạng quảng cáo trên mạng xã hội như thế này đều được dán nhãn quảng cáo dưới một hình thức nào đó, tức làm sao để người đọc, người xem biết đây là quảng cáo, là “bảo trợ”. Giả dụ một minh tinh màn bạc nổi tiếng nào đó viết trên facebook là vừa xài kem dưỡng da Z, hiệu quả tuyệt vời; giả dụ tiếp có người làm theo và sưng vù mặt vì dị ứng loại kem này – nếu không dán nhãn quảng cáo, cả minh tinh lẫn chủ sản phẩm dễ bị kiện lắm.

Quay trở lại thị trường Việt Nam, dùng người nổi tiếng để nhờ quảng bá sản phẩm hay dịch vụ trên facebook cũng là thị trường béo bở, nghe kể một status lên đến cả trăm triệu! Rất dễ gặp tình huống một hôm thấy cậu diễn viên bạn đang theo dõi vì yêu mến tài diễn xuất bỗng viết trên facebook rằng mới được tặng chiếc đồng hồ quá đẹp, phải chụp nhiều kiểu để khoe – đó là quảng cáo đó chứ không phải tình cờ có ai cho thật đâu. Cái khó là ở Việt Nam quảng cáo kiểu này thường rất nhập nhèm; một số ít nói rõ đây là quảng cáo nhưng đa số thì lơ, chỉ hết lời khen ngợi sản phẩm.

Chính vì thế, cầu thủ bóng đá một khi đã muốn kinh doanh tên tuổi qua mạng xã hội thì không hợp đồng nào ràng buộc nổi anh ta. Anh ta cứ khơi khơi vào nhà hàng nào đó, ăn uống tưng bừng và đăng lên facebook, ai dám bảo đó là quảng cáo theo dạng check in? Cứ than nhức mỏi rồi dùng thuốc XYZ là khỏe ngay, làm sao cáo buộc anh ta quảng cáo trá hình?

Nhưng đó không phải là điều nên cổ súy; ngược lại, nên hoan nghênh thông lệ quốc tế được áp dụng trong lãnh vực mới mẻ này ở Việt Nam. Bởi người hâm mộ cũng là người theo dõi facebook rất tinh, quảng cáo lừa họ được vài ba lần, làm hoài mà không nói rõ, e sẽ phản tác dụng.

*                           *                           *

AI - hype and reality

  AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...