Saturday, February 22, 2014

Trông chờ ngoại lực!

Trông chờ ngoại lực!

Đúng vào ngày cuối cùng của năm 2013, hãng tin Reuters đưa tin Việt Nam sẽ sửa những quy định hiện hành để cho nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu tối đa đến 60% một số loại công ty niêm yết thay vì chỉ 49%. Mặc dù đây là tin không đầy đủ và báo trong nước đã đăng cách đó cả hai tuần, thị trường chứng khoán vẫn phản ứng tích cực (hình như có tâm lý tin nước ngoài có vẻ đáng tin hơn chăng?) – hàng loạt cổ phiếu tăng giá mạnh.

Tăng tỷ lệ cho người nước ngoài sở hữu cổ phiếu, mở rộng cửa tối đa cho người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam, tích cực đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) để thu hút thêm đầu tư nước ngoài... dường như không chỉ thị trường mà cả nhà làm chính sách cũng đang kỳ vọng đầu tư nước ngoài sẽ là liều thuốc cứu tinh cho nền kinh tế Việt Nam, đưa nó ra khỏi tình trạng suy trầm, thậm chí có thể nói là bế tắc. Liệu đây có phải là kỳ vọng hợp lý, liệu năm 2014 sẽ chứng kiến sự phục hồi kinh tế dựa vào ngoại lực?

Trước khi trả lời câu hỏi này, thiết tưởng phải định bệnh chính xác cho nền kinh tế bởi các biểu hiện tăng trưởng thấp, nợ xấu cao, sức mua yếu, nhiều doanh nghiệp đóng cửa ngừng hoạt động... không phải là nguyên nhân mà chỉ là hệ quả.

Không cần dẫn các con số thống kê chính thức như tăng trưởng GDP, có lẽ ai cũng đồng ý nền kinh tế đang tăng chậm lại trong những năm gần đây, từ đó gây ra những biểu hiện nói trên. Nguyên nhân chủ yếu là do tính cạnh tranh của nền kinh tế đã giảm mạnh; tính cạnh tranh giảm mạnh là do nhiều nguyên nhân như chi phí sản xuất tăng quá nhanh, có một thời gian ai ai cũng lao vào địa ốc, chứng khoán, tức hăm hở làm giàu nhờ nền kinh tế ảo chứ không quan tâm đến nền kinh tế thật nữa. Nói đến chi phí sản xuất, có lẽ ai cũng thấy tiền lương danh nghĩa ở nước ta tăng quá nhanh do lạm phát – lương tăng mà mức sống hầu như không thay đổi cho nên thực tế xem như không tăng gì cả. Vấn đề ở chỗ mức lương này tính bằng ngoại tệ thì tăng thật, tăng mạnh và làm cho sức cạnh tranh của lao động Việt Nam giảm mạnh so với trước. Ví dụ ngày xưa lương của công nhân may mặc có thể chỉ là 100 đô-la, tức chừng 1,6 triệu đồng/tháng, công nhân xoay xở cũng tạm qua ngày. Nay mức lương này phải chừng 4 triệu đồng/tháng mới duy trì được mức sống tương đương. Nhưng, thử tính mà coi, lúc này mức lương này đã gần bằng 200 đô-la/tháng thì những ai làm kế hoạch kinh doanh dựa trên mức lương công nhân 100 đô-la/tháng xem như bỏ cuộc.

Trong khi đó, giá trị tài sản ở Việt Nam sau khi trở thành thành viên WTO tăng vọt không theo quy luật gì cả. Bất kỳ ai bỏ tiền đầu tư vào địa ốc đều trúng lớn, gấp cả chục lần so với ngành nghề kinh doanh chính của họ như thủy sản, may mặc, thủ công mỹ nghệ, sản xuất hàng tiêu dùng nội địa... Giá trị tài sản đó còn là mức định giá cổ phần doanh nghiệp, làm ai nấy đều hăm hở tưởng mình giàu đến nơi. Giá trị tài sản tăng kéo theo lượng tiền tăng tương ứng, là nguyên nhân của các đợt lạm phát cao trong mấy năm liền. Để khống chế lạm phát, lãi suất phải được nâng lên – lại là tác nhân làm chi phí sản xuất tăng vọt thêm nữa, làm xói mòn thêm nữa năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước. Tất cả những yếu tố này làm doanh nghiệp trong nước suy kiệt, không thể trông mong họ tự thoát suy trầm, tự kéo nền kinh tế đi lên.

Trong khi đó, giới đầu tư nước ngoài, không bị lôi cuốn vào cuộc chạy theo bong bóng giá tài sản, không chịu lãi suất cao, đang tiếp tục là động lực thúc đẩy tăng trưởng hiện nay. Cứ nhìn vào con số so sánh tăng trưởng xuất khẩu giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ thấy rõ điều này. Từ đó mới có kỳ vọng vào khối doanh nghiệp nước ngoài như nói ở đầu bài.

Kỳ vọng đó hoàn toàn có thể trở thành hiện thực nếu giá tài sản ở Việt Nam giảm mạnh đến mức nhà đầu tư nước ngoài thấy là hấp dẫn đối với họ. Ví dụ, rõ ràng không thể trông chờ người nước ngoài ồ ạt vào đây mua nhà, chuyện đó khó lòng xảy ra; ngay cả với những ai đang thuê nhà, muốn họ bỏ tiền ra mua nhà thì chi phí bỏ ra nhằm sở hữu nhà phải tương đương mức họ đang bỏ ra để thuê nhà, bằng không sẽ không có động lực nào để họ mua nhà cả. Nhưng nếu nhà đầu tư thấy tiềm năng của việc đầu tư vào các dự án bất động sản đang đóng băng khi giá giảm đến mức họ kinh doanh có lãi thì họ sẽ nhảy vào khi các ràng buộc được tháo gỡ. Các bản tin gần đây về những dự án chuyển chủ cho nước ngoài cho thấy điều đó.

Với những ai sử dụng Việt Nam như một công xưởng gia công, kiểu như nhập nguyên liệu, lắp ráp, xuất đi bán nơi khác thì Việt Nam vẫn còn sức hấp dẫn nhất định, bất kể giá công nhân tăng mạnh. Với những ai trông mong mua lại công ty trong nước để tận dụng các mạng lưới có sẵn, cơ hội mua sản nghiệp tốt với giá rẻ là nhiều.

Như vậy vấn đề còn lại là những băn khoăn liệu mở cửa cho đầu tư nước ngoài như thế cuối cùng chúng ta được gì, không lẽ ai nấy đều đi làm thuê ngay chính trên đất nước mình? Có lẽ, như một số nước sau khủng hoảng kinh tế, chúng ta đành phải chấp nhận một giai đoạn chuyển tiếp khi tài sản sẽ chuyển cho nước ngoài. Khi nền kinh tế phục hồi, chắc chắn người dân sẽ tìm cơ hội kinh doanh, lúc đó họ sẽ tìm cách mua lại tài sản. Lúc đó có lẽ không còn ai dám chạy theo ảo tưởng làm giàu nhờ vào nền kinh tế ảo nữa.

Chỉ có điều trong giai đoạn chuyển tiếp đó, mỗi khi cứ đọc trên báo các tin như vừa nhập hai chuyến bò Úc về Việt Nam, tổng cộng 10.000 con, có thể thấy ngay đằng sau dòng tin này là hàng ngàn nông dân nuôi bò trong nước sẽ gặp khó khăn vì giá bán bò không cạnh tranh nổi. 

Hay với tin Việt Nam nhập hơn 385 triệu đô-la rau quả trong năm vừa qua, có thể hình dung hàng chục ngàn hộ gia đình trồng rau ở các tỉnh sẽ vất vả nhiều hơn trong sản xuất và kinh doanh. Đi kèm với mở cửa là cái giá phải trả cho những xáo động xã hội, những khó khăn không lường hết được. 

Cho nên nếu Walmart vào đây mở siêu thị thì đó là xu thế không cưỡng được nhưng cũng phải hiểu xu thế này buộc nhiều cửa hàng tạp hóa thu gọn kinh doanh để dần biến mất; một cửa hàng McDonald’s mở ra, vài ba cửa tiệm phở phải giảm khách. Đó là chuyện đương nhiên và người làm chính sách phải biết để điều chỉnh kịp thời.  




Cái gì mới quan trọng

Flappy Bird: Tiền không quan trọng, vậy cái gì mới quan trọng?

Trò chơi Flappy Bird gây sóng gió trên thế giới và trong nước từ Tết đến giờ bởi tác giả, anh Nguyễn Hà Đông, một lập trình viên trẻ tuổi ở Hà Nội đã một thân một mình làm nên kỳ tích: đưa trò chơi này lên vị trí đầu bảng cả trên App Store của hệ điều hành iOS lẫn Google Play của hệ điều hành Android.

Một trong những góc cạnh được bàn tán nhiều là liệu trò chơi đã được 50 triệu lượt tải về này có đem lại cả triệu đô-la Mỹ cho tác giả mới 29 tuổi này? Có người nói doanh thu hàng ngày của Flappy Bird có thể hơn 50.000 đô-la Mỹ; có người tỏ vẻ nghi ngờ, không thể nào đến con số đó. Tuy nhiên, mặc dù tiền rất quan trọng nhưng yếu tố tiền bạc không phải là vấn đề lớn nhất mà Flappy Bird đem lại cho giới trẻ Việt Nam.

Tiền không quan trọng nhưng cũng nên tìm hiểu cơ chế làm ra tiền của Flappy Bird

Flappy Bird là một loại trò chơi miễn phí. Nó kiếm ra tiền là nhờ chạy dòng quảng cáo nhỏ xíu ở trên màn hình của người chơi. Cho đến nay ngoài nguồn tin từ tờ The Verge nói rằng tác giả cho biết doanh thu quảng cáo của Flappy Bird lên đến 50.000 đô-la Mỹ mỗi ngày, Nguyễn Hà Đông chỉ mới nói với một tờ báo trong nước là có thể so sánh một trò chơi tương đương có 47 triệu lượt tải về thì thu được nửa triệu đô-la mỗi tháng nhờ quảng cáo. Trả lời TBKTSG qua Twitter, Đông chỉ giải thích vì sao có cái tên Flappy Bird (ban đầu đặt tên cho trò chơi là Flap Flap – tức [chim] vỗ cánh) nhưng không tiết lộ gì về doanh thu.

Nếu chú ý khi đọc báo trên điện thoại di động, có thể thấy dưới chân màn hình xuất hiện băng quảng cáo cho một sản phẩm nào đó. Chiếm thị phần lớn nhất dạng quảng cáo này là AdMob của Google. Chủ nhân sản phẩm (có thể là tờ báo, trò chơi hay một ứng dụng bất kỳ) chừa ra một ô trống rồi đăng ký tiếp nhận quảng cáo từ Google. Nếu thỏa mãn một số tiêu chí nào đó thì Google sẽ đồng ý đưa quảng cáo mà khách hàng khắp thế giới đã đặt chỗ thông qua Google lên ô trống này. Cái hay là do Google hiện diện khắp thế giới, khách hàng cũng ở khắp thế giới nên khi người dùng mở ứng dụng ở đâu thì quảng cáo liên quan sẽ tự động xuất hiện. Nhờ vậy mức độ liên quan của quảng cáo với người dùng là rất cao.

Người dùng khi nhấn vào quảng cáo thì Google sẽ ghi nhận và sẽ dựa vào đó để trả tiền cho chủ nhân sản phẩm (cost per click – CPC hay PPC). Ngoài ra với những nhà quảng cáo khác người ta còn tính số lần quảng cáo xuất hiện trên sản phẩm để trả tiền, đơn vị thường là 1.000 lần (cost-per-thousand impressions - CPM). Số liệu CPM rất khác nhau, có thể từ 2 xu đến 2 đô-la cho mỗi CPM; với CPC cũng vậy, có nơi nói bình quân 0,3 đô-la, có nơi nói 0,8 đô-la... Cho nên ngoài chủ nhân của sản phẩm ra không ai có thể tính toán để đoán mò doanh thu quảng cáo được. Theo tờ TechCrunch, các ứng dụng miễn phí nằm trong top 100 ứng dụng dành cho iPhone có doanh thu quảng cáo từ 400 đô-la đến 5.000 đô-la/ngày.

Nên xem đây là nguồn cảm hứng

Khi khai thác đề tài Flappy Bird, nhiều báo nước ngoài tập trung vào yếu tố tâm lý con người, như sự hoài niệm hình ảnh trò chơi kiểu cổ (trò chơi hái nấm ngày xưa), như sự bực giọc khi không vượt qua được một trò chơi trông rất đơn giản, như sự ngạc nhiên của làng công nghệ game online – một bộ máy khổng lồ với đủ nguồn nhân lực, vật lực lại thua xa một cá nhân đơn lẻ, chi phí ít ỏi...

Nhưng có lẽ điều quan trọng nhất của Flappy Bird là nó chứng minh, trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay, một cá nhân ở bất kỳ đâu, cũng có thể vươn ra làm ăn toàn cầu, không còn lo ngại những rào cản vốn, công nghệ, kinh nghiệm, bộ máy, chi phí quảng bá, tiếp thị.

Một nhạc sĩ ở một địa phương xa xôi, nếu có tác phẩm làm lay động lòng người vẫn có thể tìm con đường đưa sản phẩm của mình đến tay người nghe ở khắp thế giới và thu được tiền bằng nhiều hình thức. Một nhà văn có thể xuất bản sách bằng tiếng Việt trên Amazon và có thể làm giàu nhờ sách. Một người dạy nấu ăn bày cách nấu các món ngon của Việt Nam cho thực khách khắp năm châu bốn biển vẫn có thể sống được nếu biết cách dành diện tích trên blog dạy nấu ăn này các quảng cáo đăng ký từ xa qua Google. Tất cả đều có thể, miễn sao làm đúng quy định của luật pháp, không dùng chiêu trò lừa dối, tôn trọng luật chơi quốc tế và nộp thuế đầy đủ.

Trước đây không thể tưởng tượng ra những kịch bản như thế, không ai tin vào một kịch bản “quá tốt đẹp” như thế. Nguyễn Hà Đông và Flappy Bird đã chứng minh chuyện đó hoàn toàn khả thi, mặc dù ở trường hợp này may may cũng là một yếu tố quan trọng. Cho dù hiện tượng Flappy Bird có chóng qua đi chăng nữa, cái nó để lại là đã rõ và không ai phủ nhận được.

Trước đây, rào cản lớn nhất cho những người làm công việc sáng tạo ở Việt Nam là quyền sở hữu thông tin không được coi trọng. Giả dụ có người bỏ công suốt 10 năm trời để biên soạn một cuốn tự điển dưới dạng phần mềm cài trên điện thoại di động, chỉ cần một người mua về là hàng triệu người khác sẽ sao chép trái phép, làm tác giả không còn động lực nào để miệt mài suốt 10 năm. Nay họ có thể nghĩ đến phần mền miễn phí, có chèn quảng cáo như Flappy Bird đã làm được.

Với dân làm game online, Flappy Bird buộc họ phải suy nghĩ lại toàn bộ chiến lược làm game nhưng với người khác, nó giúp họ nghĩ đến những mô hình, những cách thức kinh doanh trước đây chưa nghĩ đến.

Với ý nghĩa đó thì đúng là Flappy Bird quan trọng hơn số tiền người ta đồn nhau đã đem về cho tác giả của nó. Nó không còn là trò chơi mà là cuộc chơi cho nhiều cá nhân khác.


Con đường “fast food”

Con đường “fast food”

Phan Xích Long quận  Phú Nhuận là con đường tôi phải đi qua hàng ngày nên tự dưng thành người chứng kiến bất đắc dĩ sự chuyển mình của con đường này trên phương diện ăn uống.

Mới hôm nào còn thấy quán bún bò, tiệm bán cơm văn phòng bỗng dưng biến thành một nơi sang trọng với những cái tên lạ hoắc. Nào là Texas Chicken, nào là Popeyes rồi Dunkin’ Donuts, rồi Baskin-Robbins...

Có lẽ người nào một hai năm không đi qua con đường này nay sẽ ngạc nhiên thấy hàng loạt tên tuổi chỉ quen thuộc ở nước ngoài nay lần lượt xuất hiện trên con đường ngắn này. Có thể liệt kê các cửa hàng có mặt đầu tiên như Lotteria, Pizza Hut, đến những nơi mở được cả năm nay như Burger King, Sumo BBQ, Kichi Kichi...

Tuần trước McDonald’s đã khai trương cửa hàng nhượng quyền đầu tiên ở Sài Gòn với tuyên bố sẽ mở rộng ra cả trăm cửa hàng trong những năm tới. Rất có thể Phan Xích Long lại có thêm một McDonald’s trong thời gian tới. Và cũng rất có thể những loại cửa hàng ăn uống nhượng quyền thương hiệu của nước ngoài như Domino’s Pizza, Dairy Queen, Subway, Starbucks sẽ lần lượt hiện diện trên con đường “fast food” này.

Nếu vậy thì đã sao nhỉ?

Người hoài niệm sẽ nghĩ, vì sao thế giới đang say mê ẩm thực Việt Nam như món phở lừng danh khắp toàn cầu, các món “ăn nhanh” truyền thống như xôi, hủ tiếu, bún bò, bánh cuốn lành mạnh lại phải nhường chỗ cho các loại thức ăn nhanh công nghiệp, không có lợi cho sức khỏe chút nào? Người phương Tây sợ béo phì, cố gắng tránh xa “fast food”, kẹt lắm mới ăn cho qua bữa; dân mình lại xem “fast food” như một cái gì đó “đặc biệt”, trở thành một buổi “đi ăn ngoài” trang trọng ở Việt Nam!

Người theo chủ nghĩa bảo hộ sẽ nghĩ, vì sao ngày xưa Việt Nam rất kỹ trong việc cấp phép đầu tư nước ngoài trong lãnh vực dịch vụ nhất là cửa hàng ăn uống nay lại quay ngược 180 độ, cho phép vào hết, mở bao nhiêu cửa hàng cũng được? Làm thế này thì các cơ sở ăn uống thuần Việt chết hết!

Người thích hội nhập lại cho rằng, nhìn vào các thương hiệu nổi tiếng kia ai cũng thấy đó là minh chứng cho sự hội nhập của nền kinh tế nước nhà. Du khách vào đây, thấy các tên tuổi quen thuộc như McDonald’s hay Starbucks thì họ yên tâm hơn nhiều. Biết đâu chúng chính là ấn tượng tốt đẹp đầu tiên thu hút du khách hay nhà đầu tư khác?

Riêng tôi, quan sát cái quá trình thâm nhập thị trường Việt Nam của nhiều nhãn hiệu quốc tế trong mấy năm qua mới thấy họ tài. Ở nước ngoài, nhãn hiệu này có thể bị gán với chuyện kia (tránh thuế quá tài), nhãn hiệu nọ có thể dính tới chuyện khác (công nhân bị bạc đãi, nguyên liệu không đảm bảo vệ sinh...) nhưng qua Việt Nam tất cả đều đẹp đẽ, hoành tráng, chiếm vị trí bắt mắt và quan trọng nhất là họ bán được cái ý tưởng dùng sản phẩm của họ là hợp thời trang, đúng gu, là hiện đại, ít ra là cho giới trẻ.

Tôi nghĩ càng nhiều cửa hiệu tên nước ngoài như ở đường Phan Xích Long cũng chẳng sao cả vì nghe nói vài chục, đến cả trăm cửa hàng là nhiều nhưng loại quán bún đầu hẻm có cả trăm ngàn – quy mô hai bên không so sánh được. Dĩ nhiên vì miếng bánh không to thêm lên nên một cửa hàng McDonald’s mở ra hàng loạt quán xôi, xe bánh mì sẽ giảm khách nhưng mục đích khách hàng vào hai nơi này khác nhau nên chúng không cạnh tranh trực tiếp với nhau. Biết đâu các cửa hàng sạch sẽ này sẽ buộc các quán ăn thuần Việt tự nâng cấp, lo chuyện an toàn vệ sinh thực phẩm để giữ khách. Chuyện lợi nhuận rồi sẽ đi về đâu, chúng đóng góp vào GDP hay GNI của nền kinh tế... mấy cái đó to tát quá, thôi chưa dám bàn tới.

Chỉ có một điều thú vị mà Thomas Friedman, tác giả cuốn Chiếc Lexus và cây ô-liu từng “lập thuyết”, rằng hai nước nào cùng có cửa hàng McDonald’s thì chưa bao giờ thấy đánh nhau – nếu đúng vậy, chừng đó cũng đủ hoan nghênh McDonald’s vào Việt Nam rồi.



AI - hype and reality

  AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...