Friday, March 29, 2013

Đấu giá ngược


Đấu giá ngược

Phiên đấu thầu bán vàng miếng đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước tổ chức hôm qua bị các báo sáng nay phê phán dữ quá. Báo Tuổi Trẻ rút tít: “Ngân hàng Nhà nước đẩy giá vàng lên?” vì thực tế phiên đấu thầu chẳng những không đạt được mục tiêu thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới mà còn góp phần kích giá vàng trong nước lên cao hơn; báo Thanh Niên thì than “Phiên đấu thầu vàng khó hiểu” và nói “Dư luận đang đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước giải thích rõ về phiên đấu thầu vàng đầy bất thường vào hôm qua”.
Đó là bởi NHNN áp dụng cách đấu giá thông thường (đấu giá thông thường thì người tổ chức bán muốn giá càng cao càng tốt) trong khi lẽ ra phải áp dụng cách đấu giá đặc biệt (đẩy giá xuống).
Ở đây phải thú thiệt tôi không có thực tế về chuyện đấu giá này nhưng theo tôi, nếu áp dụng cách đấu thầu giá ngược có khi lại đáp ứng yêu cầu kéo giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới.
Trên thế giới có cách đấu giá gọi là Dutch auction, đầu tiên người bán ra giá cao xong rồi từ từ giảm dần, giảm dần cho đến khi có người đồng ý mua.
Ví dụ người bán muốn bán bức tượng bằng vàng, giá trần là 100, giá sàn là 50. Đầu tiên rao 100, rồi giảm dần còn 90, 80, 70… Đến 60 thì có người đồng ý mua. Vì đây là người dầu tiên ra giá nên trúng thầu, mua được bức tượng với giá 60.
Áp dụng trong việc đấu thầu vàng miếng, NHNN có thể ra giá cao, thậm chí cao hơn giá hôm qua và đồng thời cho giá sàn, tức giá vàng thế giới quy đổi. Xong rồi NHNN hạ thấp giá dần dần, các ngân hàng tham gia sẽ phải canh chừng đến lúc thấy giá đúng ngang tầm mình muốn mua thì ra dấu đòi mua. Bán từng lô như thế, chẳng mấy chốc, giá sẽ hạ dần, đồng thời tạo được sự cân bằng về cung cầu.
Cái quan trọng là cách làm này sẽ phát ra tín hiệu cho thị trường bên ngoài phải giảm giá theo nếu không muốn thiệt hại.
Có người sẽ thắc mắc tại sao ngay lúc đầu NHNN không ra giá thấp ngang bằng giá thế giới luôn cho khỏe? Làm vậy người ta sẽ tranh nhau mua và đẩy giá lên như cũ, hoặc nhà nước sẽ thiệt hại vì luôn phải tung vàng ra để bán rẻ, không ai dám cho giá rẻ như thế ngay từ đầu.
Vấn đề còn lại là làm sao ngăn ngừa việc các thành viên tham gia đấu thầu câu kết nhau để ép giá. Chuyện này thì áp dụng lý thuyết trò chơi để giải quyết.


Nói thêm: Ở trên chỉ là nói chuyện kỹ thuật, chứ trước sau tôi vẫn nghĩ không việc gì NHNN nhảy ra kinh doanh vàng miếng, không việc gì phải chọn SJC làm thương hiệu vàng độc quyền.
Hôm nay, báo Dân Trí đưa tin: “Tổng cục cảnh sát cho rằng, việc [NHNN] quy định SJC là thương hiệu vàng quốc gia đã đem lại lợi ích cho Công ty SJC, làm phương hại đến lợi ích của các thương hiệu vàng miếng khác”.
Khi có nhiều tiếng nói phản đối như thế này, trước sau gì NHNN cũng sẽ phải thay đổi quan điểm, lại thay đổi chính sách thêm một lần nữa.

Wednesday, March 27, 2013

Dõi theo nợ xấu


Dõi theo nợ xấu
Từ khi Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết tại cuộc họp báo Chính phủ vào cuối tháng 2 rằng Ngân hàng Nhà nước báo cáo nợ xấu đã giảm từ 8,6% xuống còn 6%, Thời báo Kinh tế Sài Gòn liên tục có những bài viết nhằm làm sáng tỏ vấn đề này.
Đầu tiên là bài “Nợ xấu đã giảm 80.000 tỷ đồng, liệu có đúng?” của Hồ Bá Tình trên số báo ra ngày 7-3. Tác giả đã cất công đọc báo cáo tài chính của bảy ngân hàng đang niêm yết trên thị trường chứng khoán, thêm BIDV sắp niêm yết nữa là tám để kết luận nợ xấu của các ngân hàng này, chiếm hơn 50% tổng dư nợ của nền kinh tế, đang tăng chứ không giảm.
Sau đó, trên số báo ra ngày 14-3, Hồ Bá Tình tiếp tục có bài “Tăng trích lập dự phòng đột biết, vì sao?” cho biết vốn tự có của hệ thống ngân hàng giảm 3,79%, tương đương với giảm 15.487 tỷ đồng. Vốn tự nhiên giảm như thế chỉ có thể lý giải vì ngân hàng tăng trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu (trích hết lãi thì phải ăn vào vốn). Tính toán của bài báo cho thấy nợ xấu tháng 1 có thể tăng đến 33.000 tỷ đồng.
Cũng trên số báo này có bài “Tin mừng: sáng mở mắt thấy nợ xấu giảm?” của Vũ Quang Việt. Tác giả lập luận việc giảm nợ xấu là khó lòng xảy ra vì tình hình thực tế không cho thấy doanh nghiệp làm ăn khá lên nên trả được nợ xấu, Nhà nước cũng chưa mua lại nợ xấu hay ngân hàng tự xóa nợ xấu cho doanh nghiệp.
Quan trọng hơn anh Vũ Quang Việt nhấn mạnh dự phòng rủi ro (là con số âm) chính là sự phản ánh mức độ nợ xấu – cho nên dự phòng rủi ro tăng thì nợ xấu tăng chứ không phải giảm. Bài báo đặt vấn đề, có chăng chuyện giảm nợ xấu là do đảo nợ - một thủ thuật kế toán không được chấp nhận ở nhiều nước?
Đến số báo ra ngày 21-3, Huỳnh Thế Du có bài “Bung xung nợ xấu” dùng tài liệu của chính NHNN để khẳng định nợ xấu dù có được xử lý bằng dự phòng rủi ro và đưa ra ngoại bảng vẫn là nợ xấu. Từ đó tác giả yêu cầu NHNN giải thích rõ ràng hơn về chuyện nợ xấu giảm.
Và tuần này TBKTSG có bài “Sự thật nợ xấu giảm” của Hải Lý, cho biết nợ xấu giảm là do… cơ cấu lại nợ. Bài báo viết: “Nợ được phân thành năm nhóm và từ nhóm ba đến nhóm năm mới bị coi là nợ xấu. Nhờ tái cơ cấu, thí dụ nợ nhóm ba được đẩy lên nhóm một, nhóm bốn đẩy lên nhóm hai… nên nợ xấu giảm rõ rệt”. Con số nợ được “cơ cấu lại” theo kiểu này, mà thực chất là đảo nợ, lên đến 260.000 tỷ đồng!
Từ đó có thể  suy ra con số nợ xấu thật của Việt Nam. “Đã cơ cấu rồi mà nó vẫn còn 6%. Lấy tổng dư nợ của toàn hệ thống cuối năm ngoái là 2,984 triệu tỉ đồng, thì 6% còn lại tương đương 179.000 tỉ đồng. Cộng với 260.000 tỉ đồng, trong trường hợp không cơ cấu lại, nợ xấu nhảy vọt 439.000 tỉ đồng, xấp xỉ 14,7% dư nợ. Đây mới là sự thật của nợ xấu!”
Con số 439.000 tỷ đồng nợ xấu có vẻ gần với con số 400.000 mà Thủ tướng nói ra tại một cuộc họp tại TPHCM vào cuối năm ngoái.
Mời mọi người đón đọc bài này và nhiều bài hấp dẫn khác trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn phát hành sáng thứ Năm, 28-3. Loại bài này không đưa lên mạng nên phải mua báo in thôi.

Monday, March 25, 2013

Khủng hoảng và tiếng Anh


Khủng hoảng và tiếng Anh
Cuộc khủng hoảng ở Cyprus có nhiều tình tiết và diễn biến đầy kịch tính và tiếng Anh sử dụng trong các bản tin cũng có nhiều từ thú vị.
Ví dụ ngay trong tít “Cyprus and Troika come to terms on haircut” có ít nhất hai từ đáng chú ý. Ba định chế Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ủy ban châu Âu được gọi gọn là Troika. Từ haircut trong tài chính là tỷ lệ chiết khấu – một tài sản đem đi làm vật thế chấp ở ngân hàng thì thường được định giá thấp hơn giá trị thị trường của nó, khoảng trừ lùi so với giá trị thị trường đó gọi là haircut. Ở đây haircut chắc mọi người cũng đoán được – là mức thuế đánh lên tiền gởi ngân hàng. Năm ngoái dân nắm giữ trái phiếu Hy Lạp cũng chịu thiệt thòi đến 75% giá trị trái phiếu – tức “a 75 percent haircut” – nghe như bị vặt lông chứ không chỉ là hớt tóc!
Thỏa thuận nói ở tít trên dẫn đến hậu quả: “One banking chain goes to the wall, and major clients, who include many Russians, will take a giant hit”. Nghe go to the wall giống như “dựa cột” (bị xử bắn) nhưng không phải. Go to the wall bình thường là liều hết mình (This is a very important matter and I will go to the wall if necessary), còn khi nói đến doanh nghiệp thì mang nghĩa sụp tiệm (After nine months of massive losses, the company finally went to the wall). Ngân hàng goes to the wall lần này là Popular Bank of Cyprus (Laiki Bank), ngân hàng lớn thứ nhì Cyprus.
Với tuyên bố về ngân hàng lớn nhất: “Bank of Cyprus needs to be recapitalized and the contribution to this recapitalization must come, inevitably, from senior bondholders, junior bondholders and shareholders” thì từ đáng chú ý là senior bondholder. Một doanh nghiệp hay ngân hàng phát hành trái phiếu thường đưa ra loại trái phiếu được ưu tiên chi trả trước nếu doanh nghiệp gặp khó khăn, loại trái phiếu này gọi là senior bond, người nắm giữ chúng là senior bondholders. Loại junior bond không được ưu tiên như thế nên rủi ro cao hơn và lãi suất cũng cao hơn. Trong trường hợp này senior hay junior gì cũng chịu thiệt hết.
Đáng chú ý là các báo, dù là báo chuyên về kinh doanh như Forbes, khi miêu tả hệ thống ngân hàng của Cyprus dùng từ rất đơn giản: “The tiny island’s financial sector is, indeed, enormous—it’s roughly eight times its yearly economic output”. Câu này mà dịch ra tiếng Việt đúng kiểu sẽ trở thành: Tổng tài sản của toàn bộ các ngân hàng ở đảo quốc bé nhỏ này là cực lớn – khoảng bằng 8 lần GDP. Hèn gì văn báo chí kinh tế Việt Nam khô như ngói.
Nếu tạm thời quên chuyện tiếng Anh, chúng ta dễ bị sốc khi thấy người nào lỡ gởi tiền vào ngân hàng Laiki trên 100.000 euro nay có khả năng mất trắng. “Another €4.2 billion worth of uninsured deposits would be placed into a “bad bank”, to be disposed of, with no certainty that big depositors will get any money back”. Nghe chuyện “to be disposed of” – xử lý, thanh lý tức là mất tiền rồi.
Riêng câu sau, có lẽ cần giải thích nhiều hơn: “It is to be restructured severely by wiping out shareholders and bailing in bondholders, both junior and senior”. Chúng ta thường thấy từ bail out là giải cứu, một chuyện gây bức xúc ở người dân trả thuế thấy tiền bị đem đi cứu ngân hàng vô tội vạ. Từ đó nảy sinh khái niệm bail in – yêu cầu người nắm giữ trái phiếu ngân hàng phải chịu một mức thiệt hại nào đó (còn cổ đông thì đương nhiên đã chịu mất trắng) trước khi dùng ngân sách để cứu. Đây là đang nói về số phận ngân hàng lớn nhất Cyprus – đúng như câu ở trên. “Uninsured depositors would probably incur haircuts of the order of 35%” – từ haircut bây giờ có lẽ không còn gây thắc mắc nữa (còn of the order of là khoảng chừng).
Câu trên là từ tờ the Economist, tờ này dùng từ rất hình ảnh: “The IMF had suggested winding down both Laiki and Bank of Cyprus and splitting them into good and bad banks. Now Mr Anastasiades has salvaged the shell of the Bank of Cyprus, but at the cost of encumbering it with bad assets”. Đúng là Bank of Cyprus sẽ chỉ còn cái vỏ mà lại phải gánh chịu tài sản xấu của Laiki.
Phải nói là nếu không theo dõi thường xuyên sẽ khó hiểu hết các bài báo trên tờ này. Ví dụ câu “The scale of the bail-in that will be required to bring it to the target capital-ratio of 9% remains unclear” đòi hỏi phải hiểu ý nghĩa của từ bail-in nói trên dù cụm từ capital-ratio thì đã quen thuộc, nhất là khi viết đầy đủ ra thành capital adequacy ratio.
Dù sao số phận của Cyprus coi như xong - Some sources in the troika tentatively estimate that GDP will shrink by about 10% before any hope of recovery – rõ ràng bộ ba nói ở đầu bài biết rõ ép Cyprus như thế thì kinh tế Cyprus sẽ suy sụp nặng nhưng họ vẫn làm.
Thế nhưng Bộ trưởng Tài chính Pháp vẫn biện giải: “To all those who say that we are strangling an entire people ... Cyprus is a casino economy that was on the brink of bankruptcy”. Gọi Cyprus là một casino economy ý nói nơi đây đã bị biến thành thiên đường tài chính cho giới tài phiệt rửa tiền rồi giới ngân hàng Cyprus đem tiền đầu tư đầy rủi ro vào Hy Lạp.
Có lẽ kết luận của một người dân Cyprus là xác đáng hơn cả: “It’s like you have cancer and instead of treating the patient, you kill him. And then you say the problem is solved.” Vì thế chuyện dài số phận đồng euro còn chưa xong, có lẽ sẽ sớm có một Cyprus khác.


Friday, March 22, 2013

Cách tiếp cận mới


Cách tiếp cận mới
Chỉ cần trích hai điều từ bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp, sẽ thấy ngay có nhiều chuyện đáng bàn mà chưa thấy ai bàn (về mối tương quan giữa hai điều này):
-          Chủ tịch nước có những nhiệm vụ và quyền hạn [sau đây]:… Thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân… (trích điều 93).
-          Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân… (trích điều 70).
Nhưng… bàn như thế là rơi vào cách làm cũ; cần một cách tiếp cận mới để giải quyết rốt ráo mọi vấn đề mà việc sửa đổi Hiến pháp đặt ra.
Mọi góp ý cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp, cho dù chỉ nhắm vào một chi tiết nào đó, cũng cần được trân trọng như nhau. Tuy nhiên, nếu chỉ góp ý dựa vào câu chữ của bản dự thảo rồi thêm từ này bớt từ kia; Hội Thanh niên thì đề nghị nói thêm về thanh niên, Hội Nông dân đòi hỏi phải có điều khoản về nông dân thì hiệu quả góp ý sẽ không cao. Thực tế các đợt góp ý vừa qua được tiến hành theo cách đó – tức đối chiếu bản dự thảo với Hiến pháp hiện hành rồi nêu lên những điểm mà người góp ý cho là tốt hay chưa tốt, đồng tình hay chưa đồng tình. Ví dụ cuối tuần trước nhiều ý kiến trong Đoàn Luật sư TPHCM tỏ vẻ không đồng tình khi dự thảo bỏ điều 132 về luật sư.
Một cách tiếp cận khác, mang tính khái quát hơn, là xuất phát từ những vấn đề lớn mà đất nước phải đối diện để nêu lên giải pháp, đồng thời nói rõ giải pháp đó cần sửa đổi những điều khoản trong Hiến pháp như thế nào để mang tính khả thi cao nhất và thúc đẩy quá trình cải cách nhanh nhất.
Chẳng hạn, trước đây không lâu, rất nhiều ý kiến đề nghị bỏ Hội đồng nhân dân cấp huyện, quận, phường để bộ máy chính quyền địa phương được gọn nhẹ, tiến tới chỗ người dân trực tiếp bầu chủ tịch phường hay chủ tịch xã để phát huy dân chủ cơ sở. Nhưng do Hiến pháp 1992 quy định “Ủy ban nhân dân do Hội đồng nhân dân bầu” (Điều 123) nên nếu bỏ Hội đồng nhân dân thì ai lập ra Ủy ban nhân dân cấp huyện, quận, phường; để dân bầu hay cấp trên cử thì e rằng vi hiến. Bởi vậy nên cuối cùng Quốc hội phải ra nghị quyết cho làm thí điểm vào năm 2008 cho đến nay.
Nay lẽ ra nhân việc sửa đổi Hiến pháp lần này, phải bàn rốt ráo: chúng ta muốn cải cách bộ máy hành chính ở địa phương theo hướng nào, cần làm gì để có sự thông suốt giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương, làm sao để chính quyền cấp cơ sở do dân bầu ra nhưng vẫn chịu sự điều hành của chính quyền cấp trên thì bộ máy mới chạy đều. Tất cả những điều này đòi hỏi phải chỉnh sửa Hiến pháp một cách căn cơ với sự thiết kế cho những mục đích cụ thể chứ không chỉ dừng lại ở câu chữ (Dự thảo Hiến pháp lần này đã bỏ câu “Ủy ban nhân dân do Hội đồng nhân dân bầu”, chỉ giữ lại ý “Ủy ban nhân dân là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương”).
Những vấn đề như vậy có nhiều lắm.
Cựu Thủ tướng Phan Văn Khải thường than “trên bảo dưới không nghe” – vậy Hiến pháp phải sửa thế nào để “trên nói dưới nghe lời răm rắp”, tức tạo ra cơ chế bổ nhiệm và cách chức trực tiếp. Có nên quy định Thủ tướng có quyền bổ nhiệm hay cách chức các bộ trưởng không cần sự phê chuẩn của Quốc hội, chẳng hạn.
Cho đến nay hầu như ai cũng đồng ý khu vực doanh nghiệp nhà nước, do cơ chế quản lý lỏng lẻo, đã gây ra không biết bao nhiêu là thất thoát tài sản nhà nước, lãng phí tài nguyên, hoạt động kém hiệu quả trong khi hút hết nguồn vốn của xã hội. Do vậy dự thảo lần này đã không còn hiến định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước nữa, là một sự tiến bộ đáng hoan nghênh. Thế mà vẫn có những ý kiến đòi phải ghi trở lại điều này trong khi không nêu được lý do tại sao.
Tương tự, hầu như ai cũng thấy sự suy thoái của “một bộ phận không nhỏ” trong bộ máy chính quyền dẫn tới những tệ nạn như tham nhũng, bè phái và nguy hiểm nhất là sự hình thành những nhóm lợi ích tác động lên chính sách theo hướng có lợi cho một nhóm nhỏ nào đó mà thôi đang là trở lực lớn cho sự phát triển của đất nước. Lẽ ra làm sao để ngăn chận hiện tượng này phải là mối quan tâm lớn khi sửa đổi Hiến pháp, tức phải xây dựng một cơ chế kiểm soát quyền lực để không ai có thể lạm quyền, không ai có điều kiện tham nhũng dễ dàng mà không sợ bị phát hiện, trong đó sự tham gia của người dân và vai trò của báo chí phải được nhấn mạnh.
Mặc dù đã có bản so sánh giữa Hiến pháp 1992 với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, mặc dù cũng đã có tờ thuyết minh về dự thảo sửa đổi Hiến pháp, chưa thấy có bài viết nào từ các nguồn chính thống – tức từ Ủy ban dự thảo hay Ban biên tập dự thảo nêu rõ những điểm chính được sửa đổi là gì, vì sao phải sửa, ý nghĩa khi được sửa đổi là gì, tác động như thế nào đến việc “đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị”. Việc đổi mới chính trị được thể hiện như thế nào trong dự thảo để đồng bộ với đổi mới kinh tế trong hơn 20 năm qua?
Thay vào đó cụm từ “tiếp tục khẳng định”, tức nội dung dự thảo được giữ nguyên như cũ lại thấy xuất hiện nhiều nhất trong tờ thuyết minh.
Thiết nghĩ, việc đầu tiên phải làm trước khi mời người dân góp ý là phải nói rõ, dự thảo lần này sửa những điểm gì là chính yếu, hướng thảo luận về những điểm này là như thế nào, những lập luận tranh cãi chung quanh những điều đó ra sao, quan điểm của Ủy ban như thế nào. Không làm được điều đó thì không loại trừ sẽ có rất nhiều góp ý chỉ nêu chuyện dấu chấm, dấu phẩy mà thôi.

Thursday, March 21, 2013

Vinashin gây hại như thế nào?


Vinashin gây hại như thế nào?
Thời báo Kinh tế Sài Gòn tuần này có hai bài quan trọng về hậu quả mà Vinashin đang gây ra cho hệ thống ngân hàng trong nước.
Đó là bài “Phá sản Vinashin, tại sao không?” của Hải Lý và bài “Nỗ lực lội ngược dòng của PVFC” của Ngọc Lan.
Lâu nay nói đến Vinashin chúng ta đều hình dung một cục nợ khổng lồ nhưng hầu như không có thông tin gì cụ thể về cục nợ này. Chỉ đến khi các ngân hàng hay công ty liên quan có vấn đề, phải sáp nhập, hợp nhất hay nói chung có động thái gì đó phải công khai thông tin thì “cục nợ Vinashin” mới dần lộ diện. Quy mô và sự độc hại của một Vinashin đang trên bờ phá sản có thể vượt quá sự hình dung của mọi người.
Nổi lên gần đây nhất là chuyện đảo nợ. Toàn bộ số tiền 600 triệu đô-la nợ của các tổ chức tài chính nước ngoài được Vinashin đề xuất hoán đổi thành trái phiếu kỳ hạn 12 năm, có sự bảo lãnh của Bộ Tài chính Việt Nam. Trước đó khoản trái phiếu quốc tế 750 triệu đô-la thì chắc chắn Nhà nước phải gánh vì do Chính phủ phát hành lấy tiền về giao cho Vinashin.
Bài báo của Hải Lý viết: “Nếu tính cả khoản trái phiếu quốc tế 750 triệu đô la Mỹ mà Chính phủ đã phát hành dành cho Vinashin, từ nay ngân sách nhà nước có khả năng phải gánh 1,35 tỉ đô la Mỹ nợ của tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy. Số tiền này gần bằng 30.000 tỉ đồng mà Ngân hàng Nhà nước dự tính sẽ tái cấp vốn cho 5 ngân hàng, do Nhà nước nắm quyền chi phối, trong ba năm để hỗ trợ viên chức, bộ đội mua, thuê nhà ở xã hội”.
Với những khoản nợ trong nước, nạn nhân đầu tiên của Vinashin là Habubank, phải sáp nhập với SHB vì không gánh nổi khoản nợ xấu hơn 3.345 tỉ đồng của Vinashin để lại. Rồi đến Tổng công ty cổ phần Tài chính dầu khí (PVFC) và Ngân hàng Phương Tây (Western Bank) lên kế hoạch sáp nhập, phải xin phép Ngân hàng Nhà nước cho phép không tính hai khoản nợ xấu của Vinashin và Vinalines trị giá hơn 2.800 tỉ đồng vào tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng hợp nhất.
Bài báo của Ngọc Lan kể lại: “Đầu năm 2010, khi công bố báo cáo tài chính năm 2009, PVFC đã phải giải trình về khoản dư nợ tín dụng 1.305 tỉ đồng cho các khách hàng thuộc nhóm Vinashin vay quá hạn thanh toán mà không tính vào nợ xấu. Tại thời điểm đó, PVFC viện dẫn tất cả các quyết định của Chính phủ và NHNN cho phép khoanh, cơ cấu lại các khoản nợ cũ của Vinashin, chưa đưa vào nợ xấu nhằm “giữ” được lợi nhuận hơn 500 tỉ đồng của năm tài chính 2009. Kết quả kinh doanh những năm tiếp theo cũng không khá hơn vì cục nợ này vẫn còn nguyên đó”.
Ngoài trường hợp cụ thể này, bài báo còn cho biết hàng chục ngân hàng chủ nợ khác cũng được Chính phủ chỉ đạo khoanh nợ, không yêu cầu nhận nợ bắt buộc, không phát mãi tài sản đối với con nợ Vinashin. Đổi lại, tất cả các khoản vay, mua trái phiếu của Vinashin tại các ngân hàng được hoán đổi thành trái phiếu đảo nợ có bảo lãnh của Chính phủ, thời hạn 10 năm nhưng có giá trị bằng 30% dư nợ gốc mà các tổ chức tín dụng đã cho Vinashin vay. Các ngân hàng thiệt hại đến 70%, rồi 10 năm nữa không biết sẽ nhận về được bao nhiêu. Mỗi ngân hàng thiệt hại cả ngàn tỷ đồng nhưng chưa biết sẽ hạch toán ra sao như “BIDV đã trích tới gần 4.000 tỉ đồng [dự phòng rủi ro đối với các khoản vay của Vinashin] mà vẫn chưa hết nợ”.
Chính vì thế bài của Hải Lý cho rằng cần phải để Vinashin phá sản vì “sự phá sản của Vinashin là một bài học cảnh tỉnh cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, buộc họ phải đẩy nhanh cải cách, tự nâng cao hiệu quả kinh doanh, vì nếu không họ sẽ bị đào thải”.
Dù còn chưa đi vào chi tiết, hai bài báo cũng bước đầu làm rõ cái tác hại của Vinashin lên nền kinh tế.
Xin mời mọi người mua báo để đọc.
*                      *                      *
Vấn đề đặt ra ở đây là vì sao không công khai thông tin giải quyết cục nợ Vinashin để xã hội giám sát? Sau khi vụ việc Vinashin nổ ra từ năm 2010, đã có nhiều văn bản liên quan đến chuyện tái cơ cấu tập đoàn này, trong đó luôn nhấn mạnh đến yêu cầu minh bạch thông tin nhưng tình hình làm ăn của Vinashin những năm gần đây, cách giải quyết nợ nần, cách sắp xếp tổ chức lại tập đoàn này ra sao thì hoàn toàn thiếu vắng thông tin.
Lúc trước các quan chức nói cũng có phần đúng là Vinashin nợ 86.000 tỷ đồng nhưng tiền không mất đi đâu, tiền nằm trong tài sản của Vinashin. Lúc mới nổ ra vụ việc, dù giá trị thật của tài sản Vinashin thấp hơn nợ nần nhưng dù sao cũng có giá trị nào đó. Nay bên nợ thì khoanh lại, không cho đòi, lại giải quyết theo kiểu “đẩy về tương lai” thì chắc chắn bên tài sản do không ai giám sát, không ai đòi quyết liệt, sẽ hao hụt theo ngày tháng. Lẽ ra đã phải cho Vinashin phá sản từ lâu để chủ nợ chăm lo việc thanh lý tài sản, biết đâu thu về còn nhiều hơn bây giờ.

Tuesday, March 19, 2013

Giải pháp nào cho chuyện đạt chuẩn?


Giải pháp nào cho chuyện đạt chuẩn?
Như tôi đã nói trong entry trước, chuẩn hóa giáo viên là bước đi đúng đắn vì không thể nào hy vọng học sinh giỏi lên theo đề án nếu giáo viên vẫn còn yếu kém. Chuyện giáo viên không nói được tiếng Anh với người nước ngoài hay thầy cô giáo phát âm sai, dạy sai là không thể chấp nhận. Chỉ có 2% đến 3% thi đạt chuẩn là chuyện lớn, có khả năng làm thất bại một đề án. Vấn đề còn lại là tiến hành việc chuẩn hóa như thế nào.
Trước tiên, cần khẳng định không hề có cái giấy nào chứng nhận người học tiếng Anh đạt các cấp độ trong chuẩn châu Âu CEFR như B1, B2, C1. Cho nên một trường đại học nào đó tổ chức thi rồi tuyên bố bao nhiêu người thi đạt chuẩn là chuyện tầm phào. Cái này đang bị lợi dụng để làm tiền mà tôi sẽ nói ở phía dưới.
Chỉ có thể công nhận đạt chuẩn B1, B2, C1… bằng cách sử dụng các hệ thống kiểm tra hiện có rồi phiên ngang xem thử đạt mức nào thì đến cấp độ nào. Ví dụ nếu dùng cách kiểm tra IELTS thông dụng thì 4.0 đến dưới 5.0 tương đương B1; 5.0 đến 6.5 tương đương B2; 7.0 đến dưới 8.0 tương đương C1; 8.0 đến 9.0 tương đương C2 (thông tin trên trang web của Cambridge English).
Vì vậy trước tiên Bộ Giáo dục & Đào tạo phải ra thông tư nói rõ có thể dùng các hệ thống kiểm tra này để công nhận đạt chuẩn. Có thể lấy các chương trình thông dụng hiện nay như IELTS, TOEFL, Cambridge Exam, thậm chí TOEIC để thi. Thông tư nói rõ với từng loại thì yêu cầu như thế nào.
Sau đó thông báo rộng rãi cho giáo viên rằng tôi cho anh chị 3 tháng hay 6 tháng ôn tập, xong rồi tự chọn một trong các hệ thống kiểm tra nói trên để thi, trong thời gian ôn tập, có thể phát phiếu học miễn phí cho giáo viên, giáo viên lấy phiếu để học ở bất kỳ trung tâm ngoại ngữ hay trường đại học nào mình chọn với điều kiện nơi này không được tổ chức thi.
Để tránh chuyện cạnh tranh không lành mạnh, Bộ phải yêu cầu các nơi muốn dạy giáo viên để lấy phiếu (tức nhận tiền từ Bộ) phải tổ chức đấu thầu theo các tiêu chí do Bộ đề ra, nơi nào đạt mới được dạy. Còn cho phép các trường đại học và một số trung tâm soạn ra chuẩn của họ, đề thi của họ và tuyên bố thế này thế kia là đạt chuẩn là một sai lầm.
Hiện nay cả nước chỉ có khoảng 8 trường đại học được Bộ công nhận cho phép đào tạo và cấp chứng chỉ. Vì vừa được tổ chức dạy vừa tổ chức thi nên học phí rất lung tung. Ví dụ một nơi lấy 3,5 triệu/học viên, dạy trong 3 tháng, 150 giờ. Nhưng một nơi khác lại lấy đến 8,5 triệu/học viên, cũng gọi là dạy chừng ấy giờ nhưng thực chất chỉ 3 tuần học 6 tối rồi các giảng viên bay vào ôn và cho thi, hầu như ai cũng đạt! Ở miền Trung thì các trường đại học ngoại ngữ cứ soạn đề không theo chuẩn mực nào cả, lấy đề thi IELTS một chút, TOEFL một chút, First Certificate một chút rồi kiểm tra. Làm vậy là sai phương pháp rồi.
Chuyện thi phải nghiêm túc và vì các hệ thống kiểm tra đa phần là của nước ngoài nên cứ để nước ngoài tổ chức, không để tình trạng vừa dạy vừa kiểm tra. Đã làm thì phải cương quyết, chứ cứ cho các trường đại học dạy bồi dưỡng rồi tổ chức thi và công nhận đạt chuẩn thì chẳng mấy chốc, tỷ lệ đạt chuẩn sẽ cao, mọi chuyện đâu vào đó nhưng thực chất chất lượng giáo viên không thay đổi được gì.
Ngược lại cũng đừng thần tượng hóa bất kỳ hệ thống kiểm tra nào, chẳng hạn cứ đòi Cambridge mới được. TOEIC coi bộ gần gũi với người Việt Nam hơn.
Để nước ngoài kiểm tra cũng hạn chế chuyện tiết lộ kết quả thi. Hiện nay kết quả được giữ kín nhưng ở Việt Nam cái gì cũng lộ ra. Tâm lý giáo viên bị ảnh hưởng là vì thế.
Và cuối cùng cũng phải nhấn mạnh, chuẩn này chỉ mới là kỹ năng ngôn ngữ; để làm người thầy dạy học sinh, cần phải có nhiều kỹ năng khác, nhất là kỹ năng sư phạm.
Chắc chắn không thể nào một sớm một chiều nâng số giáo viên đạt chuẩn từ 2%-3% lên 50% chứ chưa cần nói 80-90%. Vậy ai thi đạt chuẩn thì tốt rồi; ai chưa đạt cho phép học thêm một thời gian nữa để thi lại nhưng lần này chỉ cấp phiếu miễn phí 50% - 50% còn lại họ phải chịu nhưng ít nhất cũng đạt chuẩn thấp hơn một cấp. Tôi tin các thầy, cô có lòng tự trọng ắt sẽ tự mình đối chiếu năng lực với chuẩn rồi tự ôn luyện để thi cho đạt chứ không cần ai thúc đẩy. Cái họ đang cần là sự minh bạch và lộ trình kèm với cách làm rõ ràng.

Cập nhật: Hai entries này được viết lại thành bài "Khi nhà giáo ôm cặp đi thi", đăng trên Tuổi Trẻ Cuối tuần.
http://tuoitre.vn/Tuoi-tre-cuoi-tuan/539351/khi-nha-giao-om-cap-di-thi.html

Sunday, March 17, 2013

Rối rắm chuyện đạt chuẩn


Rối rắm chuyện đạt chuẩn
Có thể tóm tắt theo kiểu đơn giản hóa câu chuyện đang rối như đống bùi nhùi liên quan đến dạy và học ngoại ngữ ở Việt Nam như sau:
+ Đầu tiên nhà nước thấy việc dạy và học ngoại ngữ ở Việt Nam không có hiệu quả bèn soạn đề án để cải tiến với cột mốc 2020, kinh phí lên đến nửa tỷ đô-la Mỹ.
+ Một trong những bước triển khai đầu tiên là khảo sát năng lực giáo viên theo chuẩn châu Âu (CEFR), giáo viên cấp 1 phải đạt cấp độ B1, giáo viên cấp 2 – cấp độ B2, giáo viên cấp 3 – cấp độ C1. Từ đó, mọi việc rối lên vì tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn rất thấp, ví dụ ở TPHCM, 1.100 giáo viên đi thi thì đến 929 vị không đạt. Trên bình diện toàn quốc, chỉ có 2%-3% giáo viên đạt chuẩn.
·         Chuẩn hóa giáo viên là bước đi đúng đắn vì không thể nào hy vọng học sinh giỏi lên theo đề án nếu giáo viên vẫn còn yếu kém. Những lập luận theo kiểu ăn lương Việt Nam mà đòi chuẩn châu Âu thiệt phi lý là lập luận không xác đáng.
·         Tuy nhiên, điều mỉa mai ở đây là chính Bộ Giáo dục & Đào tạo đã phủ nhận toàn bộ bằng cấp đã cấp cho sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng ngoại ngữ trong hàng chục năm qua. Thừa nhận quá trình đào tạo là sai thì bây giờ song song với việc kiểm tra năng lực giáo viên, phải nhanh chóng ưu tiên cải cách chương trình giảng dạy đào tạo giáo viên ngoại ngữ ở các trường đại học đi chứ. Cứ đào tạo theo kiểu cũ rồi sẽ sản sinh một lớp giáo viên không đạt chuẩn mới.
·         Song song với việc yêu cầu giáo viên đạt chuẩn châu Âu (tức phải có cả bốn kỹ năng nghe nói đọc viết) thì chương trình học từ cấp 1 đến cấp 3 phải thay đổi, phải dạy cho học sinh cả bốn kỹ năng lúc đó tự nhiên sẽ nảy sinh yêu cầu giáo viên rành bốn kỹ năng. Việc thi cũng vậy.
+ Các trường đại học là nơi đào tạo giáo viên không đạt chuẩn nay lại được giao nhiệm vụ đào tạo lại chính những giáo viên đó rồi được phép tổ chức thi sao cho giáo viên đạt chuẩn. Đó là điều không tưởng. Vì vậy mới có chuyện biến tướng có hai loại khảo sát: khảo sát theo kiểu nước ngoài (tức nhờ Cambridge khảo sát) và khảo sát theo kiểu nội bộ (rồi sẽ xuất hiện các kiểu chạy giấy chứng nhận). Các trường đại học còn xem đây là dịp “cải thiện” thu nhập cho giảng viên, tổ chức dạy, tổ chức thi đủ kiểu.
+ Chuẩn mực là cái cần hướng tới nhưng chuẩn châu Âu như quy định là khá cao: C1 tương đương với IELTS 7.0 đến 8.0, hay bằng TOEFT-iBT đến 110-120 điểm. Đã nhiều năm thi cử cứ hướng đến chuyện đọc hiểu rồi ngữ pháp, làm sao giáo viên không mai một các kỹ năng khác. Nên có một giai đoạn chuyển tiếp để giáo viên tự điều chỉnh lại bốn kỹ năng của mình, nhất là hiện nay đối với đa số học sinh, kỹ năng đọc hiểu vẫn là kỹ năng hữu dụng nhất khi đi thi, kể cả thi tuyển sinh đại học, khi vào đại học hay khi ra đời làm việc. Cũng có người nói, nếu cứ kiểm tra theo kiểu này thì dẹp quách các trường đại học sư phạm ngoại ngữ đi, chỉ cần tổ chức thi tuyển, ai đạt B1, B2 hay C1 thì cho dạy ở các cấp tương ứng!!!
+ Quan trọng hơn cả chuẩn châu Âu (vào Google gõ CEFR sẽ thấy chi tiết) là để dành cho người học, sao lại áp dụng cho người dạy. Nói theo kiểu người dạy phải cao hơn người học hai cấp độ là không chuẩn. Người dạy đòi hỏi một bộ kỹ năng hoàn toàn khác, trong đó kỹ năng sư phạm là rất quan trọng.
+ Vấn đề cũng còn nằm ở chỗ chuẩn châu Âu như thế nhưng không hề có những bài kiểm tra để coi thử người thi có đạt hay không mà phải dùng các hệ thống kiểm tra đang tồn tại để kiểm tra rồi công nhận theo cách so sánh tương đương, ví dụ hệ thống kiểm tra TOEFL hay IELTS. Cái này phải nói cho rõ không thôi cứ lẫn lộn đủ thứ, tức là không hề có bằng (hay chứng chỉ hay chứng nhận) B1, B2, C1, C2…
+ Nhận xét cuối cùng, các trung tâm giảng dạy tiếng Anh tự nhiên có thêm một loại khách hàng mới: giáo viên tiếng Anh đi học lại – kể cũng là chuyện hy hữu.
Cập nhật: Có khá nhiều phản hồi về đề tài này. Tôi sẽ tổng hợp và viết tiếp bài khác, về việc đi tìm một giải pháp khả dĩ cho vấn đề này trong một hai ngày tới.

Saturday, March 16, 2013

Nhượng bộ

Nhượng bộ

Hơn hai năm trước vào tháng 12-2010, tôi có viết bài “Cứng rắn trước sức ép” để khuyên chính phủ không nên đứng ra trả nợ thay Vinashin. Đó là chuyện liên quan đến khoản trái phiếu quốc tế 600 triệu đô-la mà tập đoàn này phát hành không có bảo lãnh của chính phủ. “Vinashin vay không có sự bảo lãnh của Chính phủ thì cứ để Vinashin chịu trách nhiệm. Nếu chủ nợ tuyên bố Vinashin default (mất khả năng chi trả), ảnh hưởng là có và sẽ rất lớn. Nhưng chẳng thà chịu đau lần này, nhân đó thắt lưng buộc bụng để vượt qua các thử thách còn hơn vì lợi ích ngắn hạn mà nhượng bộ sức ép” (trích).
Sau đó là chuyện một chủ nợ (Elliott) kiện ra tòa, rồi dàn xếp và giờ đây cuối cùng 600 triệu đô-la không bảo lãnh (cộng 23 triệu lãi chưa trả) đã trở thành 623 triệu đô-la trái phiếu có bảo lãnh của chính phủ, 12 năm nữa đáo hạn, lãi suất 1% mỗi năm. Điều này đồng nghĩa với chuyện ngân sách trước sau gì cũng phải chính thức gánh chịu thêm một khoản nợ lớn nữa.
Cứng rắn không nổi bởi dù chính phủ không đứng ra bảo lãnh cho khoản vay này, Vinashin là một doanh nghiệp nhà nước, Vinashin không trả nợ thì uy tín tín dụng của Việt Nam bị ảnh hưởng, không một doanh nghiệp nào đi vay nước ngoài được nữa.
Có lẽ anh Vũ Quang Việt nói đúng, nợ doanh nghiệp nhà nước phải tính hết vô cho nợ công vì nợ của các tập đoàn nhà nước trước sau gì nhà nước cũng phải gánh chịu trách nhiệm.
Nhưng nợ Vinashin không chỉ có chừng đó. Không biết bao nhiêu chục ngàn tỷ Vinashin nợ các ngân hàng trong nước đang nằm trong cục nợ xấu chiếm đến 8,6% tổng dư nợ và không biết bao nhiêu trong số đó sẽ phải “cơ cấu lại” theo kiểu “đưa về tương lai, để từ từ rồi tính”. Nếu vậy đề án giải quyết nợ xấu mà có dùng ngân sách nhà nước để trang trải theo kiểu tương tự như trên thì cũng không có gì đáng ngạc nhiên – đấy cũng là nợ xấu do các con cưng của nhà nước gây ra mà thôi.
Và 600 triệu đô-la chứ đâu phải một khoản tiền nhỏ, Vinashin vay về làm gì để giờ này không trả được nợ? Câu chuyện phát hành trái phiếu của Vinashin sau đó chia nhau khoản tiền này trong các thành viên của tập đoàn như thế nào được kể rõ trong các lần thanh tra Vinashin – tại sao thông tin này cho đến bây giờ vẫn chưa được công khai?

Wednesday, March 13, 2013

NHNN đã chịu điều chỉnh


NHNN đã chịu điều chỉnh
Hôm trước tôi có đặt câu hỏi vì sao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cứ khăng khăng đòi chỉ mua bán vàng miếng SJC trong khi văn bản của Chính phủ không yêu cầu, không bắt buộc, thậm chí không đề cập đến SJC.
Nay khác với dự thảo, NHNN đã nhượng bộ, nói tại Thông tư mới nhất rằng trong trường hợp cần thiết, NHNN có thể xem xét mua bán các loại vàng miếng khác (tức vàng phi SJC).
Đây là một sự điều chỉnh cần thiết bởi nếu không Thông tư sẽ trái với Nghị định và trái với Quyết định của Chính phủ.
Thật ra điều chỉnh như vậy là khôn ngoan bởi giả thử NHNN mua vàng phi SJC đang rẻ hơn vàng SJC để đưa vào dự trữ thì được nhiều cái lợi: mua được vàng cùng chất lượng bốn số chín mà giá lại rẻ hơn; giúp đưa giá vàng phi SJC và vàng SJC về bằng nhau. Bây giờ các thương hiệu phi SJC đâu còn sản xuất nữa nên không ngại chuyện nhập lậu vàng về bán cho Nhà nước để hưởng chênh lệch giá.
Vì vậy NHNN nên chấm dứt chuyện cho các ngân hàng tạm xuất vàng phi SJC rồi nhập lại vàng nguyên liệu vê để dập thành vàng miếng SJC. Làm như thế vừa lãng phí, lợi nhuận lại rơi vào tay các ngân hàng.
Ngoài ra, NHNN cần coi kỹ câu này: “Loại vàng miếng giao dịch mua bán với NHNN là vàng miếng do NHNN tổ chức sản xuất (vàng miếng SJC)”. Nói như vậy tức chỉ mua bán loại vàng SJC sẽ sản xuất theo hợp đồng vừa mới ký với NHNN. Tất cả loại vàng SJC trước đây là không phải loại vàng “do NHNN tổ chức sản xuất”. Lại một sự tự trói buộc không cần thiết.

Tuesday, March 12, 2013

Vì sao vốn chủ sở hữu của ngân hàng giảm mạnh?


Vì sao vốn chủ sở hữu của ngân hàng giảm mạnh?
Giả thử bạn có 100 đồng, đem đi cho vay, 100 đồng đó là tài sản của bạn. Giả thử tiếp người vay vì lý do nào đó, không thể trả nợ, bạn mất 100 đồng, tài sản giảm tương ứng.
Đối với giới ngân hàng, sự việc không đơn giản như vậy, 100 đồng nợ xấu đó họ vẫn xem là tài sản nhưng để phản ánh đúng thực tế là nợ không đòi được nữa rồi, họ mới thêm một khoản mục gọi là “dự phòng rủi ro”, âm 100 đồng. Có một mục âm như thế nên tài sản giảm đi và vốn chủ sở hữu cũng giảm tương ứng trên bảng cân đối kế toán.   
Về chuyện tính toán, anh Lê Hồng Giang có viết một bài giải thích cặn kẽ ở đâyở đây. Anh Vũ Quang Việt cũng có một bài về vấn đề này trên TBKTSG số ra tuần này.
Có thể rút ra một số nhận định từ nội dung nói trên.
-          Dự phòng rủi ro chính là (sự phản ánh) nợ xấu (con số có thể không khớp nhau, nợ xấu thường cao hơn dự phòng bởi nợ tỷ lệ trích lập khác nhau, chưa kể giá trị thế chấp được khấu trừ; dự phòng cũng có thể cao hơn nếu tính cả dự phòng chung 0,75% cho mọi khoản vay).
-          Dự phòng rủi ro không phải là một khoản tiền mặt bỏ vô một quỹ nào cả. Nó chỉ là một quy định kế toán và là số âm.
-          Dự phòng rủi ro tăng có nghĩa nợ xấu tăng chứ không phải như người ta thường nhầm (trích lập dự phòng rủi ro làm giảm nợ xấu) bởi trích lập dự phòng rủi ro có nghĩa là ngân hàng thừa nhận khoản đó là nợ xấu, còn một khi chưa trích lập dự phòng thì chưa có nợ xấu.
-          Nếu có công ty mua bán nợ, giả thử theo như đề xuất của NHNN, mua nợ xấu bằng mệnh giá thì dự phòng rủi ro từ con số âm trở thành con số dương (là trái phiếu mà công ty mua bán nợ trả cho ngân hàng để lấy nợ xấu). Lúc đó vốn chủ sở hữu ngân hàng được hoàn nhập, tăng trở lại theo mức tăng tài sản.
Đối với dân ngoại đạo, không chuyên về tài chính, ngân hàng như chúng ta thì không biết những điều trên cũng chả sao cả. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là một số vị được mệnh danh là chuyên gia ngân hàng, tài chính cũng phát biểu rất là… thiếu chính xác.
Một chuyên gia ngân hàng nói: “Trích lập dự phòng rủi ro là một giao dịch phi tiền mặt… Số tiền trích dự phòng là một cách hạch toán những khoản lỗ có khả năng xảy ra, số tiền này vẫn nằm trong ngân hàng và không mất đi đâu cả mà nó hình thành một quỹ bảo hiểm cho ngân hàng. Khi có thiệt hại, ngân hàng sẽ lấy quỹ đó để bù đắp, tránh ảnh hưởng quá lớn tới kết quả kinh doanh các kỳ sau”.
Ở trên ông này nói “giao dịch phi tiền mặt” nhưng ở dưới lại nói “số tiền này vẫn nằm trong ngân hàng và không mất đi đâu cả mà nó hình thành một quỹ bảo hiểm cho ngân hàng” thiệt là mâu thuẫn. Như chúng ta đã thấy trích lập dự phòng rủi ro đúng là giao dịch phi tiền mặt nên làm gì có tiền đâu, từ quỹ nào mà bù đắp cho nợ xấu.
Một chuyên gia khác nói, nợ xấu giảm từ 8,6% xuống còn 6% là do các ngân hàng đã xử lý các khoản nợ xấu bằng nguồn dự phòng rủi ro. Như ở trên đã nói, nợ xấu thể hiện ra dưới hình thức trích lập dự phòng rủi ro nên không thể lấy con số trích lập dự phòng của các ngân hàng trừ đi nợ xấu để nói tổng nợ xấu đã giảm được từng ấy, từng ấy.
Nói cách khác khi thấy tuyên bố: Nguyên nhân chính khiến nợ xấu giảm là do các ngân hàng đã tăng cường trích lập dự phòng rủi ro theo quy định thì chúng ta biết ngay chuyên gia này nói sai, nói ngược rồi, trừ phi ngân hàng xóa nợ.
Vấn đề khác, hấp dẫn hơn, là vì sao tài sản của các ngân hàng giảm mạnh, sụt đến 102.000 tỷ đồng trong tháng 1-2013? Vốn chủ sở hữu của ngân hàng cũng giảm, thoạt tiên báo cáo giảm 32.000 tỷ đồng, sau đó NHNN đính chính, chỉ giảm 16.300 tỷ đồng.
Nếu đọc lại phần đầu, chúng ta có thể kết luận ngay tài sản giảm là do ngân hàng thừa nhận nợ xấu, ghi nhận một mất mát là dự phòng rủi ro (con số âm làm giảm tài sản). Dĩ nhiên là có những nguyên nhân khác nữa như vàng huy động không còn được xem là tài sản nhưng kèm theo việc tài sản giảm, con số trích lập dự phòng tăng trong thực tế. Vậy thì trích lập dự phòng rủi ro tăng tức nợ xấu tăng, chứ tại sao lại tuyên bố nợ xấu đã giảm từ 8,6% xuống còn 6%?
Và vì sao bỗng dưng ngân hàng chịu thừa nhận nợ xấu để rồi phải giảm tài sản, giảm vốn chủ sở hữu? Bởi NHNN đã có kế hoạch thành lập công ty mua bán nợ, sẽ mua nợ của ngân hàng bằng với mệnh giá trả bằng trái phiếu. Nếu được vậy, ngân hàng sẽ được quyền hoàn nhập trích lập dự phòng rủi ro, âm trở thành dương, vốn chủ sở hữu trước bị trừ nay được cộng trở lại. Ai chậm chân không khai nợ xấu mất cơ hội ráng chịu!


Sunday, March 10, 2013

Cứ để theo lẽ tự nhiên


Cứ để theo lẽ tự nhiên
Nếu nhìn lại quá trình đổi mới với cột mốc 1986, nổi lên có những cụm từ như cởi trói, tháo gỡ, phá rào, tháo khoán, tức điểm nổi bật của lần đổi mới nền kinh tế đó là thay đổi tư duy bao cấp, tránh tư tưởng can thiệp, để cho nền kinh tế vận hành theo quy luật thị trường. Từ chỗ nhà nước lo hết mọi việc trong một nền kinh tế kế hoạch hóa, từ cây kim, sợi chỉ đến chai nước mắm, chiếc lốp xe… nay nhà nước chỉ việc đứng sang một bên để mọi người tự tổ chức làm ăn với nhau, nông dân được cấy cày trên mảnh ruộng của mình thì bỗng chốc nền kinh tế khởi sắc trở lại. Bước đột phá lúc đó là khoán 10 cho phép nông dân chủ động canh tác, chủ động bán sản phẩm theo giá thị trường và mở cửa nền kinh tế cho đầu tư nước ngoài vào đầu thập niên 1990.
Nay thiết nghĩ tái cơ cấu nền kinh tế cũng không cần những đề án gì to tát, chỉ cần rà soát lại, coi còn những gì là rào cản thị trường không để cho nó vận hành đúng quy luật, cái gì là sự can thiệp làm méo mó thị trường. Phát hiện và bãi bỏ những rào cản can thiệp đó chính là đem đến một sức sống mới cho nền kinh tế, tương tự như một cuộc đổi mới lần thứ hai.
Theo lẽ đó, trao cho người dân, đặc biệt là nông dân, quyền sở hữu đất đai là điều quan trọng nhất, tác động đến nhiều người dân nhất, sẽ là bước đột phá, mở ra những hướng đi mới cho nền kinh tế. Một thị trường to lớn, liên quan đến 70% dân số sẽ được khai thông, vận hành đúng quy luật. Thử hình dung, người dân được làm chủ chính thức mảnh đất của họ thì trong một thời gian, bộ mặt nông thôn sẽ thay đổi, cơ sở hạ tầng sẽ được cải thiện, nông dân làm ăn với tư cách chủ ruộng sẽ có tầm nhìn dài hơn, bao quát hơn và hiệu quả hơn.
Điều thứ nhì là thay đổi tư duy đối với khu vực doanh nghiệp nhà nước. Đừng gán cho khu vực này cái vai trò nó làm không nổi là giữ vững đặc trưng xã hội chủ nghĩa. Có nhiều cách khác để duy trì đặc trưng đó ít tốn kém hơn mà lại hiệu quả hơn nhiều. Chỉ cần chấm dứt dùng ngân sách như bầu sữa nuôi các doanh nghiệp nhà nước cồng kềnh, kém hiệu quả, nhiều lỗ hổng gây thất thoát là đã nâng hiệu quả của toàn bộ nền kinh tế lên một mức cao hơn trước nhiều.
Kế đó là sự dứt khoát, đoạn tuyệt với tư duy ưa can thiệp vào sự vận hành của nền kinh tế. Chính phủ đã có kinh nghiệm trong việc can thiệp vào thị trường chứng khoán – với bài học là không thể nào can thiệp được. Ở những lần can thiệp được như lần bơm vốn kích cầu vào mấy năm trước thì sự can thiệp ấy để lại hậu quả cho đến ngày nay với một thị trường địa ốc sớm bùng phát và cũng sớm lụi tàn. Nay cũng vậy, nếu vẫn còn những loại chính sách như kiểu giải cứu thị trường địa ốc thì quy luật vận hành thị trường sẽ bị méo mó ngay, nợ xấu sẽ khó lòng giải quyết vì không ai có động lực tự mình một khi còn le lói khả năng được Chính phủ giải cứu.
Dĩ nhiên, đi kèm với các thay đổi chính sách này là chấn chỉnh hệ thống luật lệ theo hướng siết lại những lỗ hổng từng bị lợi dụng như tình trạng sở hữu chéo trong ngân hàng, dùng tiền ký gởi của dân để đầu tư vào doanh nghiệp khác, tình trạng vẽ ra dự án ma để chiếm đất của người dân, là khai thác tài nguyên bừa bãi, gây ô nhiễm…
Đó chính là con đường “tái cơ cấu” hiệu quả, mở đầu cho một quá trình đổi mới lần thứ hai.

Thursday, March 7, 2013

Ai lợi, ai thiệt


Ai lợi, ai thiệt
Rốt cuộc chủ trương của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đối với vàng là gì?
Sở dĩ có thắc mắc này là bởi tháng 11-2012, khi trả lời chất vấn trước Quốc hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã khẳng định không có chuyện liên thông với giá vàng thế giới. Nay các hoạt động gần đây của NHNN lại nhắm đến mục tiêu kéo giá vàng trong nước về sát giá vàng thế giới như cho phép tạm xuất, tái nhập vàng, thử nghiệm đấu thầu vàng miếng… Sự mâu thuẫn trong tuyên bố và trong chính sách như thế buộc người dân đặt câu hỏi, trong thực tế, những chính sách như thế có lợi cho ai?
Thử nghĩ cho tạm xuất vàng bốn số chín phi SJC rồi nhập lại vàng nguyên liệu cũng bốn số chín về để dập thành vàng SJC, người có lợi đầu tiên là các hãng nước ngoài nhận mua rồi nhận bán, dùng uy tín của họ để lấy tiền của dân Việt Nam. Quy trình này rõ ràng gây ra một sự lãng phí không đáng có (9 tấn trong tháng 3 không phải là con số nhỏ). Người hưởng lợi lớn hơn là các ngân hàng được cấp giấy phép tạm xuất, tái nhập vì chênh lệch giữa hai loại vàng (chất lượng tương đương, chỉ khác nhau cái mác SJC) dù sau này có kéo xuống vẫn là món lãi cao. Người chịu thiệt hại rõ ràng là người dân trước đó đã lỡ mua vàng phi SJC. Và quan trọng nhất, gây ra những phiền phức, lãng phí không đáng có này là chủ trương chọn SJC làm thương hiệu vàng quốc gia – một khái niệm do NHNN đặt ra trong khi các văn bản của Chính phủ không có văn bản nào yêu cầu chuyện này cả. Ngay cả quyết định mới nhất của Thủ tướng Chính phủ ký hôm thứ Hai, 4-3, cho phép NHNN mua bán vàng miếng, cũng không có chữ nào về SJC hay thương hiệu vàng quốc gia. Nói cách khác, NHNN được phép mua bán vàng miếng bất kể thương hiệu, vì sao NHNN lại tự hạn chế mình vào thương hiệu SJC để nền kinh tế chịu thua thiệt, phải nhờ nước ngoài “đóng dấu bảo chứng lên vàng” giùm?
Trong buổi lễ ký kết hợp đồng nguyên tắc gia công vàng miếng giữa NHNN và SJC, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch SJC tuyên bố: “Tôi đảm bảo chỉ trong vòng một tuần sau cuộc ký kết này, giá vàng trong nước sẽ sát với giá vàng thế giới”. Ở các thị trường khác, một tuyên bố như thế là cơ sở vững chãi để giới đầu cơ “đánh xuống” (short position) hưởng lợi đến 4, 5 triệu đồng/lượng vàng. Ở nước ta hiện nay người dân bình thường không có đủ điều kiện để “đánh xuống”, chỉ có ngân hàng mới làm được mà thôi. Ngân hàng, kể cả NHNN không những chỉ hưởng lợi từ khả năng “làm giá ngược” này mà còn hưởng lợi khi đánh xuống giá vàng để khi phải tất toán vàng vào cuối tháng 6-2013 được mua vàng giá rẻ. Thị trường có chịu để người ta “đánh xuống” như thế hay không lại là chuyện khác.
Câu trả lời cho câu hỏi, có lợi cho ai, thiết nghĩ đã rõ.
Với chủ trương đấu thầu vàng cũng vậy – mục đích của nó là gì? Tại sao trước đây NHNN nói không việc gì phải bình ổn giá vàng (một quan niệm đúng vì giá vàng thế giới khi lên khi xuống làm sao chúng ta bình ổn được), nay lại cho đó (đấu thầu vàng) là cơ sở pháp lý cho việc can thiệp bình ổn thị trường vàng. Trước nay mục tiêu của NHNN là làm sao cho người dân không còn mặn mà với việc cất giữ tài sản ở dạng vàng nữa để đưa vào sản xuất, kinh doanh nay bán vàng từ quỹ dự trữ quốc gia chẳng phải là đi ngược chủ trương đó hay sao? Không lẽ vừa loay hoay tìm cách huy động vàng của dân lại vừa tìm cách bán vàng ra cho dân nắm giữ? Tại sao lại kỳ vọng khi giá vàng trong nước bám sát giá vàng thế giới thì người dân sẽ bán vàng ra?
Một khi mục đích chưa rõ ràng, chưa nhất quán, việc quản lý sẽ lúng túng, dễ bị lợi dụng. Chính sách quản lý vàng hiện đang rơi vào tình trạng như thế.

Wednesday, March 6, 2013

Lý do thật


Lý do thật
+ Những lập luận ủng hộ và phản bác việc phá giá tiền đồng đều có tính thuyết phục như nhau, nghe bên nào nói cũng hay cả. Tuy nhiên một điều mà cả hai bên đều thấy là tỷ giá cứ để nguyên như vậy trong khi lạm phát nhiều năm qua lại cao như thế là không ổn. Ví dụ, GDP năm 2012 tính theo giá so sánh chỉ tăng 5,03% nhưng tính theo giá thực tế tăng đến 16,3%. Nói cách khác, thu nhập đầu người nước ta khi đã khử lạm phát thì không tăng bao nhiêu cả - đúng với thực tế một năm làm ăn nhiều khó khăn cho tất cả; thế nhưng tính theo đô-la Mỹ thì tăng vọt từ 1.386 đô-la/người lên đến 1.609 đô-la/người!
Cái khoản tăng thêm ấn tượng ấy rơi vào tay ai chưa biết nhưng rõ ràng không rơi vào tay người dân bình thường – nói cách khác tỷ giá giữ cố định như hiện nay đang mang tính bao cấp và một số người hưởng lợi, đa phần dân số thì không.
Lô-gích bình thường là NHNN không nên điều chỉnh tỷ giá đột ngột một lần năm ba phần trăm gây biến động, nhất là về mặt tâm lý mà nên điều chỉnh từ từ, để cả năm tỷ giá sẽ được điều chỉnh trong khoảng 3%.
Tại sao chuyện này không diễn ra? E rằng do việc điều chỉnh dần dần như thế đòi hỏi sự chủ động của một bộ máy điều hành cấp vụ - một sự chủ động hiện nay đang thiếu vắng.
*                      *                      *
+ Cái đề xuất đánh thuế lên tiền gởi tiết kiệm nhằm chuyển hướng dòng tiền của dân thay vì chảy vào ngân hàng nay chảy vào sản xuất, kinh doanh là đề xuất phi lý đến nỗi không cần đưa ra nhiều lập luận để phản bác làm gì. Chỉ cần nhớ nguồn vốn cung cấp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế chủ yếu đến từ ngân hàng, dân không gởi tiền vào thì ngân hàng lấy gì cho vay – lúc đó ngành nghề nào cũng đổ vỡ chứ không riêng gì bất động sản. Chuyện đó thôi không nói nữa.
Vấn đề là vì sao giới bất động sản đưa ra một kiến nghị như thế?
Giám đốc một công ty địa ốc cho biết giới kinh doanh bất động sản hiểu rất rõ, Luật Đất đai sắp được sửa đổi ít nhất cũng làm cho việc giải tỏa đất đai của người dân sẽ khó hơn bội phần. Dù Luật có thể chưa công nhận quyền sở hữu đất đai nhưng đất của dân sẽ khó lấy hơn trước vì ai cũng biết đấy là đầu mối của những căng thẳng kiến kiện khắp nơi. Khó hơn có nghĩa quỹ đất sẽ cạn kiệt, giá đất sẽ tăng chứ không thể nào giảm. Vấn đề là bắt đầu tăng vào thời điểm nào mà thôi.
Giới bất động sản hiểu rõ điều đó nên đang tìm mọi cách trụ lại thị trường. Một trong những cách đó là liên tục kiến nghị để nhà nước giải cứu, mong cầm cự thêm ít lâu, chờ giá đất phục hồi như họ kỳ vọng. Đánh thuế kiểu như kiến nghị cũng là một cách giải cứu.

Saturday, March 2, 2013

Đa sở hữu đất đai: Tại sao không?


Đa sở hữu đất đai: Tại sao không?
Những lập luận đằng sau sự khẳng định đất đai phải thuộc quyền sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý hầu như vắng bóng. Không ai giải thích cho cặn kẽ vì sao không cho nông dân sở hữu mảnh đất họ đang canh tác.
Dường như sự “kiên định” này là do quán tính: hễ nói đến chủ nghĩa xã hội thì đất đai phải của tập thể như cách suy nghĩ ngày xưa, nông dân phải vào hợp tác xã mới đúng định hướng chứ không được làm ăn riêng lẻ.
Điều mỉa mai là những nguyên tắc mang tính giáo điều đó đã bị bỏ đi trong các lãnh vực khác, trừ đất đai. Doanh nghiệp tư nhân, kể cả nước ngoài được phép “bóc lột” thoải mái “giá trị thặng dư”, quy mô càng lớn càng được khuyến khích.
Đứng ở góc độ lý thuyết, hiện nay chúng ta đã thừa nhận một nền kinh tế đa sở hữu, trong đó chủ doanh nghiệp tư nhân được quyền sở hữu tư liệu sản xuất, thậm chí các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm quốc dân được cam kết bảo vệ quyền sở hữu tư liệu sản xuất của họ. Cách đây hai năm, tranh luận về chế độ công hữu các tư liệu sản xuất – điểm then chốt của chủ nghĩa xã hội - đã kết thúc với kết quả là khái niệm này đã được gác lại. Các doanh nghiệp nhà nước đang được cổ phần hóa, tức đa dạng hóa sở hữu, chứ đâu có khăng khăng nhà nước phải làm chủ.
Nay với nông dân, tại sao không thể mạnh dạn áp dụng một sự ứng xử tương tự - tức là công nhận người dân có quyền sở hữu đất đai – là tư liệu sản xuất chính của họ. Làm khác đi là không tạo ra sự công bằng, là tước bỏ của người nông dân cái quyền họ mơ ước bao giờ nay. Làm khác đi, có nghĩa chỉ áp dụng “định hướng xã hội chủ nghĩa” với nông dân, còn giới doanh nghiệp thì thôi khỏi? Hay nhìn ở góc ngược lại, xây dựng nền nông nghiệp mà đất đai không vận hành theo đúng quy luật thị trường thì, đến một ngưỡng nào đó, làm sao nông nghiệp phát triển tiếp tục.
Thừa nhận nhiều hình thức sở hữu đất đai dẫn đến một số lo ngại – vấn đề là những lo ngại này có cơ sở hay chỉ là lo ngại vô căn cứ?
Lo ngại đầu tiên là sở hữu tư nhân sẽ dẫn đến tích lũy ruộng đất, làm nảy sinh “tầng lớp địa chủ” mới. Cái vô căn cứ ở đây là ràng buộc hạn điền vẫn còn đó; thậm chí nếu sau này không còn hạn điền nữa, người nào muốn canh tác quy mô lớn, tại sao không khuyến khích? Điều đó khác gì một chủ doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn, tuyển hàng ngàn công nhân? Không lẽ một bên khuyến khích, một bên thì cấm?
Lo ngại thứ nhì là đất đai của tư nhân sẽ khó giải tỏa để làm các công trình công cộng hay đơn thuần là để phát triển các khu đô thị mới. Cái khó của việc giải tỏa sẽ tồn tại dù đất là thuộc quyền sử dụng hay quyền sở hữu của người dân. Vấn đề là chính sách công bằng, công trình thật sự cần thiết và quyền lợi của người có đất được tôn trọng thì không có gì khó khăn cả. Thật ra, để bảo vệ quyền lợi của người dân nghèo chỉ còn mảnh đất để canh tác thì càng khó giải tỏa đất càng tốt chứ sao. Để bất kỳ công trình nào cũng phải cân nhắc thiệt hơn chứ không làm đại, làm theo kiểu dự án treo, rồi đẩy người dân vào chỗ mất đất.
Ngược lại, cái lợi của một chế độ đa sở hữu sẽ rất nhiều: nông dân sẽ ứng xử với đất như người chủ chứ không như người thuê như hiện nay, năng suất ắt sẽ tăng, hiệu quả sử dụng đất sẽ được nâng cao. Ngày xưa chỉ cần mảnh đất 5% mà người dân đã có thể xoay xở vượt qua những năm tháng khó khăn của thời bao cấp; nay được sở hữu 100% thì người nông dân sẽ làm ra điều thần kỳ mới.
Quan trọng nhất, hiện tượng đau lòng khi những người dân bị tước mất đất, phải vác đơn đi khiếu kiện khắp nơi sẽ không còn nữa. Giới cường hào mới ở các địa phương không còn có thể dễ dàng vẽ ra dự án để tước đoạt đất của dân; giới làm ăn bất lương không thể cấu kết với giới có quyền lực để đuổi người dân ra khỏi ngôn nhà của họ. Đó mới gọi là đúng định hướng xã hội chủ nghĩa nếu hiểu khái niệm này theo nghĩa chính xác nhất của nó. 

AI - hype and reality

  AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...