Bài đăng trên TBKTSG:
Saturday, October 27, 2012
Thursday, October 25, 2012
In tiền để tăng lương?!
In tiền để
tăng lương?!
Tuần qua, vấn đề tăng lương lại
nóng lên khi được đưa ra bàn trước Thường vụ Quốc hội. Theo lộ trình cải cách
tiền lương, từ ngày 1-5-2013, lương tối thiểu sẽ tăng từ 1,05 triệu đồng lên
mức 1,3 triệu đồng/tháng. Thế nhưng Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho biết
không thể bố trí nguồn ngân sách để thực hiện lộ trình tăng lương, “trừ phi
Thường vụ Quốc hội đồng ý cho in thêm tiền”.
Phải nói thẳng, đây là một tuyên
bố không nghiêm túc!
Việc tăng lương nằm trong lộ
trình đã định từ trước, có nghĩa ngân sách 2012 và 2013 đã chuẩn bị trước các
nguồn tiền để thực hiện. Nay ngân sách không kham nổi thì Bộ trưởng Tài chính
phải chịu trách nhiệm giải trình vì sao, hụt thu ở nguồn nào, cách giải quyết
ra sao trước khi loại bỏ một mục chi lớn đã được phê duyệt. Ngân sách nhà nước
cũng không phải là chuyện nhỏ để muốn tăng chi ở một mục nào đó thì chỉ cần
Thường vụ Quốc hội đồng ý cho in thêm tiền. Đây là một cách nói dễ gây hiểu
nhầm rất tai hại. Quốc hội là nơi thông qua ngân sách hàng năm, kèm theo đó là
mức bội chi được phê duyệt chung. Nhiệm vụ của Chính phủ là thuyết trình vì sao
cần tăng thêm bội chi, cho khoản mục nào, cách bù đắp sau đó sẽ ra sao để
thuyết phục đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua. Không hề có chuyện Thường vụ
Quốc hội có thẩm quyền cho in thêm tiền để tăng lương! Vậy mà cũng chẳng thấy
các quan chức trong Thường vụ Quốc hội nói lại cho rõ.
Ở hướng ngược lại, Ủy ban Tài
chính Ngân sách Quốc hội hoàn toàn có lý khi gợi ý thay vì tăng lương từ 1,05
triệu lên 1,3 triệu đồng/tháng thì có thể chỉ tăng lên 1,15 triệu đồng/tháng. Nhưng
để ý kiến này mang tính thuyết phục cao hơn, cần yêu cầu Bộ Tài chính trình bày
cụ thể, với phương án này mức tăng cho ngân sách là bao nhiêu, với phương án
kia, thiếu hụt sẽ lên đến bao nhiêu và các phương án bù đắp. Quốc hội là nơi
buộc các thành viên của Chính phủ phải trần tình với số liệu chuẩn bị đầy đủ -
chứ không phải là nơi mặc cả chuyện… in tiền để chi tiêu.
Trong câu chuyện này, cần phân
biệt hai khái niệm “tăng lương” và “bù trược giá”. Lương tối thiểu của công
chức, viên chức được tăng từ 730.000 đồng lên 830.000 đồng/tháng trong năm 2011
(tăng 13,7%) và lên 1.050.000 đồng/tháng trong năm 2012 (tăng 26,5%). Trong khi
đó lạm phát của năm 2010 là 11,75% và năm 2011 là 18,13%. Như thế nếu loại trừ
yếu tố trược giá, mức tăng lương trong những năm vừa qua là không đáng kể. Hay
nói cách khác mức tăng lương này không theo kịp mức tăng danh nghĩa tổng thu
nhập quốc dân (GDP danh nghĩa năm 2010 tăng 19,4% và năm 2011 tăng 28%).
Như vậy những “mức tăng” lương
tối thiểu những năm trước chưa thể nào gọi là góp phần nâng cao mức sống của
cán bộ, công chức, người lao động… mà chỉ mới phần nào bảo vệ thu nhập của họ
trước cơn bão tăng giá.
Nay cũng vậy, ngân sách phải có
nhiệm vụ ít nhất bảo đảm thu nhập tối thiểu của người hưởng lương từ ngân sách không
bị hao hụt vì lạm phát chứ khoan nói gì đến chuyện tăng lương. Đặt vấn đề như
thế để thấy trách nhiệm của Bộ Tài chính là bảo đảm ngân sách kham được chuyện
này, ít nhất như các năm vừa qua.
Điều đáng nói hơn nữa, trong
những lần tăng lương tối thiểu trước đây, rõ ràng không phải tất cả khoản tăng
dồn về ngân sách trung ương phải gánh chịu. Chẳng hạn để tăng lương các đơn vị
sự nghiệp thuộc ngành y tế được sử dụng tối thiểu 35% khoản thu được để lại
trong khi ngành này vừa tăng viện phí trong năm nay. Không biết Bộ Tài chính đã
tính toán chi ly những khoản như thế hay chưa trước khi tuyên bố ngân sách
không kham nổi.
Thursday, October 18, 2012
Những người xây chợ đặc biệt
Những người
xây chợ đặc biệt
Chợ là nơi mua bán trao
đổi hàng hóa dịch vụ. Quy luật cung cầu của chợ phát huy tác dụng khi bên mua
bên bán gặp nhau thông qua giá cả thỏa thuận. Thế nhưng gặp những chợ đặc biệt
nơi tiền không đóng vai trò quan trọng thì sao? Giải Nobel Kinh tế năm nay giải
quyết câu hỏi đó.
Tuyển sinh đại học là một dạng
chợ đặc biệt. Các trường đại học danh tiếng như Harvard không thể cứ đưa ra giá
học phí thật cao đến mức tuyển vừa đúng được số người muốn tuyển có đủ khả năng
tài chính để trả học phí cao này. Ngược lại các trường cũng không thể chỉ nhận
đúng 1.000 hồ sơ nếu muốn tuyển 1.000 sinh viên bởi sinh viên cũng nộp hồ sơ
nhiều trường, sinh viên giỏi cũng có nhiều chọn lựa, sẵn sàng từ chối nhiều
trường.
Có lẽ những nhà quản lý giáo dục
nước ta, thường phải đau đầu giải quyết bài toán nguyện vọng 1, nguyện vọng 2
của học sinh khi dự tuyển vào lớp 10, hiểu rõ vấn đề này nhất. Tuyển sinh vào
các trường công lập ở New York và Boston cũng gặp vấn đề
tương tự. Theo cách làm cũ, học sinh nộp đơn vào nguyện vọng 1, thường là
trường tốt nhất, được nhiều người xin vào học nhất. Nếu không được tuyển, học
sinh sẽ chuyển qua nguyện vọng 2, cũng là trường tốt thứ nhì nên cũng đông
không kém và đã tuyển đủ người. Cứ như thế, một học sinh lẽ ra có thể vào được
trường nguyện vọng 3 nhưng bị trượt hết vì đã không sắp xếp
các nguyện vọng một cách khôn ngoan.
Đến đây Alvin Roth xuất hiện. Ông
đã thiết kế những cơ chế sàng lọc và ghép nối sao cho kết quả sau cùng làm cả
nhà trường và học sinh đều hài lòng. Công việc này gọi là “thiết kế thị trường”
và những nỗ lực của Roth trong thực tế, từ việc thiết kế cơ chế sắp xếp sinh
viên y khoa vào đúng bệnh viện nội trú đến mai mối những người hiến tạng và cần
ghép tạng với nhau đã giúp ông đoạt giải Nobel Kinh tế năm nay.
Để hiểu được thuật toán dùng
trong việc ghép nối này, thử hình dung chuyện mai mối một nhóm đàn ông với một
nhóm đàn bà. Để có kết quả tối ưu, các bà phải áp dụng chiến thuật “chấp nhận trong
trì hoãn”. Đầu tiên, mỗi ông ngỏ ý với người họ thích nhất. Dĩ nhiên sẽ có bà
nhận được nhiều lời dạm ý và có bà không có ai hỏi han. Các bà nhận được nhiều
lời ngỏ ý sẽ từ chối những ông nào họ ít thích nhất nhưng chưa quyết định chọn
ai trong số còn lại. Các ông bị từ chối lại ngỏ lời một vòng khác, cứ thế cho
đến khi không còn ai bị từ chối. Lúc đó các bà mới đưa ra chọn lựa của mình và
việc mai mối thành công.
Điều ít người để ý là Roth xuất
thân là một kỹ sư. Ông lấy bằng tiến sĩ về nghiên cứu vận hành tổ chức, tức
dùng thuật toán để giúp các tổ chức hoạt động hiệu quả hơn. Năm 1995, người ta
đã nhờ ông cải tiến cách sắp xếp sinh viên y khoa về các bệnh viện nội trú vì
nó đã trở thành một mớ bòng bong. Ví dụ hệ thống cũ khó lòng sắp xếp hai vợ
chồng cùng là bác sĩ về cùng một bệnh viện hay ít nhất cũng được ở gần nhau. Trước
đó Roth, từng nghiên cứu về lý thuyết trò chơi, đã viết nhiều về hệ thống sắp
xếp này với những nguyên tắc gợi ý để giải quyết những tồn tại của nó. Bắt tay
vào việc, Roth đưa ra một thuật toán sắp xếp mới và thành công trên mức mong
đợi. Roth bắt đầu nổi tiếng như một người thay vì quan sát, nghiên cứu thế giới
đã áp dụng lý thuyết để giải quyết những bài toán của thực tế. Bài học “thiết
kế thị trường” của ông được áp dụng trong nhiều lãnh vực, từ các trang web
chuyên mai mối đến cách các trường sắp xếp thời khóa biểu sao cho hợp lý nhất.
Công trình của Roth cứu được
nhiều mạng người khi áp dụng vào chuyện ghép tạng. Một cặp vợ chồng, chẳng hạn,
vợ cần ghép thận nhưng chồng không hiến được vì không cùng nhóm máu. Một cặp vợ
chồng khác cũng rơi vào tình huống tương tự. Nhờ Roth, một trung tâm dữ liệu
hình thành để những cặp như thế có thể gặp nhau, chồng cặp này hiến thận cho vợ
cặp kia và ngược lại. Thuật toán của Roth giúp các bệnh viện sẵn sàng chia sẻ
thông tin, từ đó mới ghép nối các cặp với nhau và giảm đến mức tối thiểu số
lượng các cặp cần thiết để trao đổi thành công.
Thế nhưng các công trình trong
thực tế của Alvin Roth (60 tuổi) sẽ khó lòng diễn ra nếu trước đó không có Lloyd
Shapley (89 tuổi) tiên phong đưa ra những lý thuyết làm nền tảng cho việc
“thiết kế thị trường”. Shapley, nhận bằng tiến sĩ toán học từ năm 1953, được
xem là một trong những nhà lý thuyết trò chơi hàng đầu cùng thời với nhà toán
học nổi tiếng John Nash. Chuyện mai mối các cặp nói ở trên chính là ý tưởng của
Shapley từ năm 1962. Lúc đó Shapley (với đồng tác giả là David Gale trong bài
viết “Tuyển sinh đại học và tính ổn định
của hôn nhân”) khái quát hóa một lý thuyết về nguyên tắc có thể tạo ra
những cuộc hôn nhân bền vững: nếu để các cặp tìm nhau như trên, sẽ không còn ai
muốn ly hôn để đi lấy người khác. Vì thế lý thuyết của ông được gọi là “phân bổ
bền vững”. Dĩ nhiên lý thuyết này không thể áp dụng vào hôn nhân thực tế nhưng
đã thành công trong các dự án mà Roth thực hiện.
Roth hiện đang giảng dạy tại
trường Stanford sau nhiều năm dạy tại Harvard còn Shapley là giáo sư hưu trí
của trường UCLA. Cả hai là người Mỹ.
Giải Nobel Kinh tế năm nay được
đánh giá là đã cứu vãn uy tín của kinh tế học nhờ áp dụng lý thuyết để giải
quyết các bài toán của cuộc sống một cách thành công. Kinh tế học gần đây bị
chê trách là không dự đoán được các biến động kinh tế, các cuộc khủng hoảng tài
chính trong khi các nhà kinh tế thay nhau tranh cãi về mọi vấn đề. Tuy nhiên
công trình của hai ông Shapley và Roth có thuần túy là kinh tế học hay không
cũng là điều đáng bàn bởi chính Shapley cho biết: “Tôi tự xem mình là nhà toán
học trong khi giải trao cho kinh tế học. Tôi chưa bao giờ, chưa bao giờ ghi
danh học lớp kinh tế học nào trong đời tôi”.
Friday, October 12, 2012
Tiền đâu ra?
Tiền đâu ra?
Khi nói đến các chương trình an
sinh xã hội, điều đầu tiên phải nghĩ đến là kinh phí để thực hiện. Ngân sách
nhà nước hàng năm là con số hầu như đã cố định, chi cho an sinh xã hội tăng lên
thì phải giảm bớt các khoản mục chi tiêu khác xuống. Tăng chi cho an sinh xã
hội để giảm bớt các cảnh đời khốn khó của người nghèo có lẽ là điều ai cũng
mong muốn.
Thế nhưng một nghịch lý hiện nay
là tiếng nói của người nghèo, đối tượng cần nhận được sự hỗ trợ từ các chương
trình an sinh xã hội nhiều nhất, rất mờ nhạt trong khi tiếng nói của giới có
thu nhập cao hơn lại mạnh hơn, chi phối đến dư luận nhiều hơn.
Lấy ví dụ, cách đây không lâu có
ý kiến từ Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đề xuất giảm mức khởi điểm
chịu thuế lẫn mức giảm trừ gia cảnh xuống. Nói cách khác ủy ban này muốn nhiều
người nộp thuế thu nhập cá nhân hơn, số tiền thuế nộp cao hơn để ngân sách thu
được nhiều hơn. Một khi ngân sách không bị thất thu một khoản thuế thu nhập khá
lớn thì khả năng tăng chi cho an sinh xã hội sẽ cao hơn. Đề xuất của ủy ban này
có thể hiểu là cách phân bổ lại thu nhập để giảm bớt chênh lệch giàu nghèo - là
một cách làm đúng bài bản của những đại biểu dân cử.
Trong thực tế, đề xuất này đã
gặp phải sự phê phán kịch liệt của công luận và ngay cả những đại biểu khác của
Quốc hội. Và dĩ nhiên sự phản bác này nhận được sự đồng tình của đa số mọi
người có tiếng nói được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Người
dân nghèo mà thu nhập không bao giờ đến ngưỡng chịu thuế thì không nắm được vấn
đề, lại không có tiếng nói nên chiều dư luận ngược lại không thấy xuất hiện
trên báo chí.
Loại ví dụ như trên xảy ra nhiều
lần, từ những than phiền mức thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam quá cao đến những chỉ trích các loại thuế cao
đánh vào ô-tô và câu chuyện chung mức thuế, phí ở Việt Nam thuộc loại cao nhất trên thế
giới. Những chính sách miễn giảm thuế cho doanh nghiệp, cho những địa chỉ đã
sẵn có thu nhập cao lại được hưởng ứng và hoan nghênh.
Vì sao như vậy? Vì sao những
động thái tăng thu ngân sách với hàm ý tăng khả năng chi ngân sách cho an sinh
xã hội lại bị phản đối?
Bởi một lý do đơn giản: không ai
tin rằng đi cùng với tăng thu ngân sách theo kiểu tăng mức thu thuế thu nhập
doanh nghiệp hay thu nhập cá nhân là sự tăng chi cho an sinh xã hội. Bởi nhiều
người nghĩ các khoản tăng thu rồi sẽ lãng phí cho tham nhũng, cho trợ cấp doanh
nghiệp nhà nước, được đổ vào các công trình đầu tư công lãng phí hay để giải
quyết gánh nặng nợ nần của nhiều doanh nghiệp nhà nước từng đổ vỡ như Vinashin.
Những khoản vay của Vinashin ắt rồi được khoanh lại và cuối cùng ngân sách nhà
nước cũng phải đứng ra chịu trách nhiệm hoàn trả.
Để các chương trình an sinh xã
hội, như tấm lưới cuối cùng nâng đỡ những người dân nghèo khó, được tiến hành
như ở các nước khác, tức là tăng chi cho chúng sẽ là động lực thu hút sự ủng hộ
của đông đảo người dân, việc chi tiêu ngân sách nhà nước phải minh bạch, công
khai một cách thực chất. Trong đó việc kết nối giảm chi ở những khoản mục này
sẽ giúp tăng chi ở những khoản mục khác phải được chú trọng làm rõ, nhấn mạnh
và được kiểm tra chặt chẽ. Có như thế quyền lợi của người dân nghèo mới được
bảo vệ, tiếng nói của họ mới được chú ý lắng nghe và vang lên trên các diễn đàn
công luận.
Friday, October 5, 2012
Nếu không có khu vực FDI…
Nếu không có
khu vực FDI…
Nhìn vào kết quả xuất khẩu 9
tháng đầu năm 2012 có thể rút ra ngay một kết luận về vai trò của khu vực kinh
tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Trong tổng kim ngạch xuất khẩu 83,8 tỷ đô-la
Mỹ, khu vực FDI chiếm đến 52,5 tỷ đô-la, tức 62,6% bất kể số lượng doanh nghiệp
trong nước lớn hơn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài rất nhiều lần.
Quan trọng hơn, 9 tháng đầu năm,
xuất khẩu tăng 18,9% chính là nhờ mức tăng rất cao của khu vực FDI, đến 34,6%
chứ còn khu vực kinh tế trong nước, tức kể cả doanh nghiệp nhà nước lẫn doanh
nghiệp tư nhân, xuất khẩu 9 tháng đầu năm sụt 0,6%!
Rõ ràng là nếu không có khu vực
FDI, xuất khẩu Việt Nam
sẽ sụt giảm so với mức tăng cao đều đặn trong nhiều năm trước. Sẽ có người nhận
xét, xuất khẩu của khu vực FDI tăng cao là nhờ tính cả dầu thô. Không phải,
xuất khẩu dầu thô 9 tháng đầu năm chỉ tăng 14,7% và nếu không tính dầu thô,
xuất khẩu của khu vực FDI tăng đến 37,9%.
Thế nhưng trong cân nhắc chính
sách, nhiều người lại bỏ quên khu vực FDI. Việc kêu gọi thu hút đầu tư nước
ngoài không còn được chú trọng như những năm trước; các khó khăn của giới doanh
nghiệp nước ngoài không được quan tâm tháo gỡ kịp thời như xưa…
Kết quả có thể thấy ngay, mức
đăng ký vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm đến 39% (còn 6,1 tỷ đô-la), vốn
FDI thực sự triển khai trong 9 tháng đầu năm cũng giảm 1,2% so với cùng kỳ năm
ngoái (còn 8,1 tỷ đô-la).
Những khó khăn của doanh nghiệp
trong nước dẫn đến những vận động hành lang của các nhóm lợi ích khác nhau rồi
dẫn đến những thay đổi chính sách thường xuyên, gây lúng túng bối rối cho các
doanh nghiệp FDI đang hoạt động. Các doanh nhân nước ngoài từng làm ăn lâu năm
tại Việt Nam
phải nhận xét: chưa bao giờ họ thấy tương lai sản xuất và kinh doanh mờ mịt như
hiện nay bởi không thấy sự nhất quán trong chính sách hay một lộ trình rõ ràng
nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế.
Trong bối cảnh đó, thay vì lắng
nghe những phản hồi về môi trường kinh doanh ở nước ta, nhiều người lại cứ phân
trần rằng nhận định của giới phân tích nước ngoài là phiến diện, không khách
quan. Họ không nhận ra rằng nhà đầu tư nước ngoài dựa vào những nhận xét như
thế trước khi quyết định đầu tư vào Việt Nam hay thôi chứ đâu quan tâm đến
việc nhận xét này đúng sai đến mức độ nào.
Lấy ví dụ nhận định của hãng xếp
hạng tín dụng Moody’s vào tuần trước khi đánh tụt hạng trái phiếu chính phủ
Việt Nam là rất đáng quan tâm. Moody’s cho rằng trong khoản thời gian 5 năm từ
năm 2007 đến 2011, tín dụng tăng trưởng bình quân hằng năm đến 33,7%, vượt xa
mức tăng bình quân GDP là 6,6% hay kể cả mức tăng GDP danh nghĩa là 21,3%. Sau
đó tín dụng bị thắt chặt, làm cho nợ xấu ngày càng tăng. Nay việc tái cấp vốn
cho hệ thống ngân hàng là không thể tránh khỏi và gánh nặng đó sẽ rơi vào ngân
sách chính phủ, càng trói chân khả năng vận dụng chính sách tài khóa. Trong khi
đó, ngân hàng vì lo cho bảng cân đối kế toán không thể để ngày càng xấu đi nên
đang hạn chế cho vay, làm nghẽn dòng tăng trưởng kinh tế.
Thiết nghĩ, bên cạnh các số liệu
thô sơ về đầu tư nước ngoài, Tổng cục Thống kê và Bộ Kế hoạch & Đầu tư cần
có những phân tích sâu hơn như số liệu doanh nghiệp FDI phá sản, đóng cửa trong
quý, số việc làm do khu vực này tạo ra, số thuế các doanh nghiệp FDI nộp cho
ngân sách, mức độ lan tỏa của một dự án FDI đến các doanh nghiệp trong nước làm
vệ tinh cho dự án… Những số liệu này sẽ làm cơ sở cho giới hoạch định chính
sách kịp thời đưa ra những quyết sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài có chất
lượng thật sự. Một dự án sản xuất điện thoại của Samsung có thể làm thay đổi bức
tranh xuất khẩu ở góc độ sản xuất công nghiệp – hàng loạt dự án như thế có thể
là chỗ dựa để nền kinh tế thoát khỏi trì trệ, đình đốn như hiện nay.
PS: Ngoài ra, khu vực FDI xuất
siêu trên 8,6 tỉ đô la Mỹ (hay 2,28 tỷ đô-la nếu không tính xuất khẩu dầu thô) trong khi khối doanh nghiệp trong nước, trái lại,
nhập siêu đến 8,5 tỉ đô la.
Subscribe to:
Posts (Atom)
AI - hype and reality
AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...
-
“Đơn vị sự nghiệp công lập có thu” là cái chi chi? Khi Bộ Tài chính công bố “Quy chế thí điểm chuyển đơn vị sự nghiệp công lập có thu thàn...
-
AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...
-
Đấu giá ngược Phiên đấu thầu bán vàng miếng đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước tổ chức hôm qua bị các báo sáng nay phê phán dữ quá. Báo T...