Tuesday, August 7, 2012

Nói vậy mà không phải vậy!


Nói vậy mà không phải vậy!
+ Trong những tháng đầu năm nay, người ta thường nghe các nhà phân tích nhấn mạnh sức mua yếu kém của thị trường như một dẫn chứng cho tình hình khó khăn của nền kinh tế. Tuy nhiên, nhận định về sức mua như thế thường không được hỗ trợ bằng số liệu nào cả.
Nay trong thống kê tình hình kinh tế sáu tháng đầu năm, Tổng cục Thống kê chính thức đưa ra những con số liên quan: Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 6,5%. Cụ thể hơn, kinh doanh thương nghiệp tăng 18,9%; khách sạn nhà hàng tăng 20,2%; dịch vụ tăng 22,3%; du lịch tăng 26,6%.
Như thế sức mua của thị trường nhìn chung đâu có giảm sút, thậm chí còn tăng khá mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Ở một ví dụ khác, chúng ta cũng thường đọc trên báo chí hay nghe các doanh nghiệp phát biểu về những khó khăn gay gắt của họ, nhiều trường hợp đóng cửa, nhiều trường hợp khác phải thu gọn quy mô sản xuất. Chắc chắn với đại đa số không hề có chuyện đầu tư mở rộng.
Thế nhưng lý giải làm sao đây khi Tổng cục Thống kê cho biết sáu tháng đầu năm, đầu tư từ khu vực tư nhân vẫn tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước! Nếu biết rằng tín dụng sáu tháng đầu năm chỉ tăng 0,76%, một mức tăng không đáng kể thì làm sao lý giải khu vực tư nhân lấy vốn từ đâu để tăng 18,1%? Lưu ý là cả hai con số, mức tăng hàng hóa bán lẻ và đầu tư tư nhân trong sáu tháng đầu năm 2012 đều cao hơn mức tăng của các lãnh vực này trong năm 2011.
Ở đây có hai khả năng xảy ra: một là con số của Tổng cục Thống kê đưa ra không chính xác; hai là các nhận định trước đó trên các phương tiện thông tin đại chúng chỉ đúng với một số trường hợp và sai với toàn bộ nền kinh tế. Không có cách gì để khẳng định khả năng nào đúng. Trước mắt, có lẽ tất cả chúng ta đều phải dè dặt trước mọi con số hay mọi phản ánh mang tính khái quát hóa vội vàng.
*                      *                      *
+ Trong khi tính chính xác của các con số chưa được minh định rõ ràng, sức mua đã cạn kiệt của người dân được đem ra để giải thích cho hiện tượng chỉ số giá tiêu dùng giảm liên tiếp trong hai tháng qua.
Kể cũng lạ, trước đây có những chuyên gia kinh tế phân tích chi li cái hại của lạm phát lên nền kinh tế, nhất là lên mức sống của người dân nghèo bởi họ là người chịu nhiều thiệt thòi nhất khi giá cả tăng cao. Nay cũng những chuyên gia này lại cảnh báo tình trạng giảm phát sẽ “bất lợi cho những người sống chỉ dựa vào nguồn thu nhập cố định”!
Với lạm phát, tâm lý thị trường còn quan trọng hơn cả con số. Tâm lý kỳ vọng chỉ số giá cả tăng cao vẫn còn rất mạnh, người tiêu dùng vẫn còn bị ám ảnh bởi khả năng giá sẽ lên nữa. Vì thế, có lẽ cần bình tĩnh để thấy nói đến nỗi lo giảm phát hiện nay là quá sớm. CPI giảm chủ yếu do giá lương thực và năng lượng giảm; nếu hai yếu tố này quay đầu tăng trở lại, lạm phát vẫn sẽ là nỗi lo lớn chứ không phải là giảm phát.
*                      *                      *
+ Có những quy định không ai biết vì sao được sinh ra nhưng vẫn tồn tại dai dẳng, bất kể những hệ lụy to lớn chúng gây ra. Cộng đồng doanh nghiệp từng kiến nghị dai dẳng về chuyện không được chi quá 10% tổng chi phí cho quảng cáo, khuyến mãi bởi họ cho rằng áp đặt một mức trần như thế không có ý nghĩa gì cả ngoài việc trói chân trói tay doanh nghiệp. Ngày xưa lúc Việt Nam mới mở cửa, quy định như thế là nhằm ràng buộc các tập đoàn đa quốc gia thường mạnh tay chi tiền quảng bá lúc mới thâm nhập thị trường, giúp các doanh nghiệp non trẻ trong nước cạnh tranh ngang sức hơn. Thật ra, mức trần này không hề là rào cản với các tập đoàn này bởi họ phân bổ chi phí quảng cáo cho một chi nhánh nào đó ở nước ngoài trong khi một doanh nghiệp trong nước mới ra đời, muốn chi mạnh để tìm chỗ đứng trong tâm trí người tiêu dùng cũng đành chịu.
Đọc quảng cáo của một hãng chuyên bán điện thoại di động, rằng nếu mua chiếc điện thoại X với giá 8,6 triệu, khách hàng sẽ được tặng quà khuyến mãi trị giá lên đến 6,8 triệu, người tinh ý sẽ biết hãng này làm sai quy định. Bởi theo luật, giá trị hàng hóa dùng để khuyến mãi không vượt quá 50% giá của hàng hóa đem bán trong khi tỷ lệ ở đây là 79%!
Hay chuyện báo in không được quảng cáo quá 10% diện tích cũng là một quy định phi lý đã tồn tại từ rất lâu. Lúc đó, các báo đều do Nhà nước bao cấp, giá bán rất thấp, số trang cố định. Người ta suy nghĩ nếu báo cứ đăng quảng cáo hết thì lấy diện tích đâu để đăng tin, bài, ảnh hưởng đến chức năng tuyên truyền của báo chí, làm lãng phí ngân sách nhà nước. Quy định như thế xem ra hợp lý. Nhưng nay đa phần các báo tự chủ tài chính, lời ăn lỗ chịu, nếu cứ quảng cáo nhiều, không có nội dung thì bạn đọc không mua, không biết vì sao vẫn quy định, can thiệp vào tỷ lệ quảng cáo một cách máy móc. Từ đó mới hình thành cách trình bày báo rất đặc trưng cho Việt Nam là mọi quảng cáo dồn vào một tập – việc đầu tiên nhiều người đọc báo làm là tách nó ra và quẳng vào sọt rác – một sự lãng phí ghê gớm.
Điều đáng nói là những quy định bất hợp lý nói trên ít khi được thực thi đến nơi đến chốn nên chuyện vi phạm vẫn diễn ra thường xuyên, chỉ khi cần mới có chuyện phạt vạ.

Saturday, August 4, 2012

Hai nghịch lý từ một cuộc họp


Hai nghịch lý từ một cuộc họp
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã dự báo đường đi của lãi suất trong vòng hai năm tới tại hội nghị kết nối ngân hàng với doanh nghiệp được tổ chức cuối tuần qua tại TPHCM. Ông cho biết nếu lạm phát năm 2012 dừng ở mức 7% thì trần lãi suất huy động ngắn hạn sẽ giảm về 8% từ mốc 9% hiện nay, lãi suất cho vay nhờ đó sẽ giảm thêm. Lãi suất cho vay có thể xuống mức dưới 10% trong vòng tối đa hai năm nữa nếu lạm phát được khống chế, thậm chí mục tiêu đưa lãi suất xuống dưới 10% có thể đạt được vào giữa năm sau nếu lạm phát năm 2013 được chận đứng ở mức 4-6%.
Qua phát biểu này, có thể thấy đối với Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất là mục tiêu nhắm đến và điều kiện để giảm lãi suất là lạm phát được duy trì ở mức thấp.
Trong khi đó, các văn bản chính thức từ Chính phủ đều cho thấy Việt Nam đang theo đuổi chính sách “lạm phát mục tiêu”, ví dụ tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh yêu cầu điều hành lãi suất theo lạm phát mục tiêu (7-8%). Một trong những lý do giải thích chỉ số giá tiêu dùng đang giảm mạnh là nhờ chuyển từ bị động đối phó với lạm phát, sang chủ động điều hành theo lạm phát mục tiêu.
Lẽ ra với những công cụ lãi suất điều hành trong tay như lãi suất tái cấp vốn, NHNN phải lấy lạm phát là mục tiêu nhắm đến và việc điều chỉnh lãi suất lên xuống như một công cụ là nhằm đạt được con số lạm phát mong muốn chứ không phải ngược lại. Nói như Thống đốc thì doanh nghiệp không thể trông chờ vào việc lãi suất sẽ giảm vì còn phụ thuộc vào yếu tố lạm phát cao hay thấp trong khi nhiệm vụ của NHNN là “ổn định giá trị đồng tiền biểu hiện bằng chỉ tiêu lạm phát” và “sử dụng các công cụ và biện pháp để thực hiện mục tiêu đề ra” (Luật Ngân hàng Nhà nước).
                               *                                *                                  *
Từ cuộc họp này cũng nổi lên một nghịch lý khác. Đó là việc nhiều doanh nghiệp “chê trách” ngân hàng không chịu mở hầu bao cho doanh nghiệp vay, rằng ngân hàng còn xa doanh nghiệp như tít một bài báo phản ánh không khí cuộc họp. Một số doanh nghiệp khác cho rằng ngân hàng chỉ mặn mà làm ăn với doanh nghiệp tốt, đang ăn nên làm ra còn rất khắc khe với doanh nghiệp đang gặp khó khăn nên không cứu giúp được gì cho đa số doanh nghiệp cả.
Giới ngân hàng đang canh cánh nỗi lo nợ xấu, là hậu quả của việc mở rộng tín dụng tràn lan trong những năm trước đây khi có năm tăng trưởng tín dụng lên đến trên 50%. Nay ngân hàng quản trị rủi ro chặt chẽ, đưa ra điều kiện khắc khe trước khi cho vay là điều đáng mừng, sao lại chê trách.
Ngân hàng chỉ là nơi trung gian, huy động vốn rồi cho vay, nếu chỉ huy động mà không tìm được đầu ra cho nguồn vốn thì ngân hàng cũng chịu gánh nặng hàng tồn kho – tồn kho tiền và sẽ gánh chịu nhiều tổn thất. Thật ra, tình trạng ngân hàng không thể cho vay được, vốn ứ đọng trong hệ thống và tăng trưởng tín dụng 7 tháng đầu năm dưới 1% là do những nguyên nhân khác chứ không hẳn vì ngân hàng “xa” doanh nghiệp, ngân hàng thiếu tích cực, chủ động trong nghiệp vụ.
Ở nhiều nước, cụm từ “bẫy thanh khoản” được nhắc tới nhiều trong thời gian gần đây. Đó là tình trạng lãi suất về gần bằng không, chính sách tiền tệ mất tác dụng, ngân hàng ngồi trên một đống tiền nhưng không cho vay được. Tình trạng này cũng kéo theo giảm phát, sản xuất đình đốn, nền kinh tế suy thoái kéo dài, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng tăng cao.
Ở Việt Nam, không có chuyện “bẫy thanh khoản” theo nghĩa các nước đang dùng bởi không có chuyện lãi suất về gần bằng không hay việc tăng cung tiền không nhằm để nới lỏng chính sách tiền tệ mà chỉ nhằm cải thiện thanh khoản cho hệ thống ngân hàng và do bơm tiền đồng mua ngoại tệ trong những tháng đầu năm. Tuy nhiên, những biểu hiện khác của “bẫy thanh khoản” là rất rõ ràng. Cho dù lãi suất huy động đã giảm mạnh, ngân hàng vẫn không thể cho vay được bởi khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế hiện rất yếu kém. Doanh nghiệp vay tiền, sản xuất ra hàng hóa mà không bán được thì họ sẽ không vay làm gì; ngân hàng biết doanh nghiệp vay tiền cũng không thể tạo ra dòng tiền mới để trả nợ thì làm sao họ cho vay. Hiện nay tái cơ cấu các khoản nợ cũ, tức là đảo nợ, cho doanh nghiệp đã làm cho ngân hàng tiêu tốn hết mọi thời gian và nguồn lực cũng như tác động rất lớn vào lợi nhuận sắp tới của ngân hàng nên họ không mặn mà cho vay mới. Vì thế mới có chuyện ngân hàng mạnh tay mua trái phiếu chính phủ hay tín phiếu NHNN.
Đây là giai đoạn nền kinh tế tìm cách cân bằng trở lại sau một thời gian dài thổi phồng bong bóng bất động sản và các loại tài sản khác, đòn bẩy tài chính (vay nợ ngân hàng) được sử dụng tối đa. Nay giới doanh nghiệp lo giảm tỷ lệ nợ vay trên vốn còn giới ngân hàng lo giải quyết nợ xấu để làm đẹp sổ sách. Khi đi tìm sự cân bằng thì không ai mặn mà với tín dụng mới – đây là thực tế phải chấp nhận chứ không có chuyện đối đầu giữa doanh nghiệp và ngân hàng.

Wednesday, August 1, 2012

Thị trường và phi thị trường


Thị trường và phi thị trường
* Vì sao những biện pháp phi thị trường lại được dư luận trông chờ và không bị doanh nghiệp phản ứng mạnh? Vì sao hiện tượng này sẽ có những hệ quả xấu về lâu về dài?
Nếu đứng về lý, rất dễ bác bỏ yêu cầu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đối với các ngân hàng thương mại phải giảm lãi suất cho những khoản vay cũ về dưới 15%. Luật các tổ chức tín dụng quy định tại điều 91: Tổ chức tín dụng được quyền ấn định mức lãi suất huy động vốn; Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất. NHNN không có cơ sở pháp lý nào để yêu cầu các ngân hàng thương mại hạ lãi suất cho những khoản đã cho vay bình thường. Đây là giao kết dân sự giữa hai bên, không liên quan gì đến NHNN. Các ngân hàng thương mại đã huy động vốn dài hạn với lãi suất cao thì cũng phải cho vay cao tương ứng nếu không muốn thua lỗ.
Thế nhưng trên thực tế, hầu như không có sự phản đối công khai nào từ phía các ngân hàng thương mại. Họ chỉ đối phó bằng các chiêu thức thường thấy như trì hoãn, chọc lọc người vay để giảm lãi suất, đặt ra những điều kiện bổ sung… Công khai chỉ thấy các lời trần tình, cần thêm thời gian, cần sự đồng thuận của hội đồng quản trị, cần cân nhắc rủi ro… Trong khi đó, không ít phương tiện thông tin đứng về phía doanh nghiệp đi vay để chất vấn giới ngân hàng: “Hạ lãi suất, không lẽ là chuyện đùa?” Quan chức NHNN cũng khẳng định sẽ xử lý các ngân hàng không chịu giảm lãi suất cho các khoản vay cũ.
Không lẽ tinh thần tôn trọng nguyên tắc thị trường trong lãnh vực ngân hàng đã lụi tàn? Nguyên do chính là vì giới ngân hàng từng bỏ lơ nguyên tắc thị trường để được hưởng lợi từ lâu nay khó lòng nói khác.
Nếu áp dụng đúng nguyên tắc và tôn trọng luật lệ một cách đằng thẳng, nhiều ngân hàng không thể nào vượt qua yêu cầu tăng vốn điều lệ mấy năm trước, không thể nào cho nhiều dự án “sân sau” vay vượt quá tỷ lệ quy định, không thể nào cho vay vượt quá mức huy động… Tình trạng sở hữu chéo giữa các ngân hàng cũng không dễ diễn ra. Quan trọng hơn cả, tình hình nợ xấu không thể che giấu và báo cáo sai lệch như thời gian qua được. Vì nỗi lo cho sự an toàn của cả hệ thống, NHNN từng đối xử với mọi ngân hàng, cả tốt lẫn xấu như nhau, không công khai sức khỏe của từng ngân hàng để khách hàng chọn lựa, không xử lý mạnh các sai phạm của một số ngân hàng khác…
Sự nương nhẹ của cả hai bên dẫn tới tình trạng như hiện nay khi NHNN điều hành thị trường bằng mệnh lệnh hành chính và hướng điều hành là tùy thuộc vào lợi ích hay mục tiêu ngắn hạn. Cứ mãi như thế, biết bao giờ mới khởi động quá trình tái cơ cấu thật sự hệ thống ngân hàng, làm cho nó lành mạnh và hoạt động đúng nguyên tắc thị trường?
*                      *                      *
* Thu nhập đầu người của Việt Nam tính trên cơ sở cân bằng sức mua (PPP) đang giảm mạnh. Để dễ hình dung, hãy lấy một ví dụ được đơn giản hóa: cách đây 5 năm, khi tỷ giá tiền đồng là khoảng 16.000 đồng ăn 1 đô-la Mỹ, tiền công hớt tóc là 16.000 đồng. Lúc đó so với giá hớt tóc bên Mỹ đến 10 đô-la, dân Việt Nam chỉ cần tốn chừng 1 đô-la. Nay giả thử giá hớt tóc bên Mỹ không thay đổi nhưng ở Việt Nam đã lên trên 40.000 đồng; với tỷ giá trên 20.000 đồng ăn 1 đô-la Mỹ, người ta phải bỏ ra chừng 2 đô-la mới đủ tiền hớt tóc.
Lạm phát cao trong nhiều năm liền trong khi tỷ giá thay đổi chậm hơn tốc độ lạm phát là nguyên nhân cho tình trạng nói trên. Việc thổi phồng giá trị tài sản các loại nói ở phần trước cũng là tác nhân quan trọng. Nếu trước đây mặt bằng giá cả tương đối rẻ ở Việt Nam là một lợi thế thì nay lợi thế đó đang dần biến mất.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài than, chi phí ở Việt Nam tăng vọt trong khi doanh thu tính bằng tiền đô-la không tăng với mức tương ứng, làm hoạt động của họ ngày càng thêm khó khăn. Chi phí này gồm nhiều thứ, từ lương công nhân, tiền thuê đất, mua nhà xưởng, tiền điện, nước, xăng dầu, giá các nguyên liệu đầu vào mua ở Việt Nam. Lương công nhân đắt đỏ hơn một phần thì lương giới quản lý càng đắt đỏ bội phần vì đã tăng nhanh trong những năm qua.
Tình hình này càng gay gắt ở những doanh nghiệp xuất khẩu, làm hàng Việt Nam mất tính cạnh tranh trên thị trường thế giới. Thế là nhà xuất khẩu quay sang ép giá nông dân, làm giá đủ loại nông sản đang giảm mạnh.
Thu nhập đầu người tính theo PPP giảm là quá trình mà mọi nước đang phát triển phải đi qua nhưng ở Việt Nam trong những năm qua, quá trình nay diễn ra quá nhanh chóng. Hậu quả là mức sống của người dân, nhất là dân nghèo, đang giảm sút. Nếu trước kia họ tự an ủi, thu nhập của họ dù chỉ bằng 1 phần 10 thu nhập của một người bạn bên Mỹ nhưng hớt tóc cũng chỉ tốn ít hơn 10 lần; nay thì hết có chuyện so sánh như thế, không chỉ chuyện hớt tóc mà còn học phí cho con, tiền khám chữa bệnh, tiền đi lại...
Khổ nổi nhiều nơi không để ý đến yếu tố này mà chỉ khăng khăng so sánh với giá ở các nước khác mỗi khi muốn lập luận cho thuận tai việc tăng giá một mặt hàng hay dịch vụ nào đó.

AI - hype and reality

  AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...