Thursday, September 29, 2011

Nợ tư cao cũng đáng ngại không kém

Nợ tư cao cũng đáng ngại không kém

Lâu nay người ta chỉ cảnh báo về mức độ nợ công đang tăng cao mà quên đi một thực tế: một mức nợ tư cao so với GDP cũng là một chỉ dấu đáng lo ngại không kém.

Nói nợ tư là để dễ hình dung khi so với nợ công chứ khái niệm chính xác ở đây là tổng dư nợ tín dụng của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam mà theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) là tương đương 125% GDP, một tỷ lệ thuộc loại cao nhất khu vực. Điều đáng nói là tỷ lệ này tăng rất nhanh trong những năm qua: từ 35%/GDP năm 2000 lên 71,2% năm 2006, 93,4%% năm 2007, 90,2% năm 2008, 112,7% năm 2009 và 125% năm 2010 (Nguồn: WB).

Cho đến nay vẫn chưa ai giải đáp thỏa đáng vì sao tỷ lệ này lại tăng nhanh trong mấy năm vừa qua. Có người cho rằng đó là do bong bóng bất động sản, giá đất tăng, tín dụng cho địa ốc tăng nên tổng tín dụng tăng theo. Có người cho rằng tỷ lệ này cao là do hoạt động tài trợ tín dụng cho xuất nhập khẩu. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng nhanh, hiện lên trên 150% GDP nên phần tín dụng hỗ trợ cho nó cũng tăng theo. Cũng có nguồn phân tích cho là vì số lượng các tổ chức tín dụng tăng nhanh, kéo theo mức tăng tổng tín dụng chung của nền kinh tế, nhất là tăng trưởng của Việt Nam trong những năm vừa qua chủ yếu dựa vào đầu tư. Và cũng có lẽ chính sách kích cầu, qua bù lỗ lãi suất trước đây cũng là lý do cho nợ tư tăng nhanh như vậy.

Nhưng một tỷ lệ tín dụng bằng 125% GDP cho thấy nhiều điều. Một là dư nợ tín dụng tăng không tương quan với mức tăng GDP, cần một lượng tăng tín dụng cao mới làm ra một mức tăng GDP nhất định (ví dụ, năm 2007 GDP tăng 8,6%, dư nợ tín dụng tăng đến 53,4%). Hai là các kênh tài trợ vốn cho nền kinh tế không phát huy hiệu quả. Trái phiếu doanh nghiệp không phát hành được bao nhiêu; thị trường chứng khoán cũng không phải là nơi doanh nghiệp trông cậy để tìm vốn. Tất cả đều trông chờ vào tín dụng ngân hàng và từ đó dễ rơi vào những rủi ro.

Rủi ro thứ nhất là nợ xấu của ngân hàng sẽ tăng nhanh do quy mô của tín dụng. Một phần trăm nợ xấu ở một nền kinh tế có tổng dư nợ tín dụng chỉ bằng 50% GDP sẽ khác với 1% nợ xấu của nền kinh tế mà tổng dư nợ tín dụng lên đến 125% GDP. Theo TS Vũ Quang Việt, nguyên chuyên gia cao cấp Liên hiệp quốc, điều đáng quan ngại là nợ xấu theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước đã tăng lên trên 3%; tuy nhiên do cách tính không hợp chuẩn quốc tế, các tổ chức quốc tế đã cho rằng tỷ lệ nợ xấu cao hơn 3% nhiều.

Thứ nữa, doanh nghiệp phụ thuộc vào nợ vay của ngân hàng nên một khi nền kinh tế rơi vào tình huống lãi suất ở mức cao như hiện nay, doanh nghiệp dễ rơi vào chỗ đình đốn, phá sản. Ngược lại, hệ thống ngân hàng phải chấp nhận cho “đảo nợ”, nhất là với các dự án bất động sản đang đóng băng như là giải pháp khả thi duy nhất.

Bức tranh nợ nần của các nước châu Âu hiện nay cũng cung cấp nhiều bài học mang tính thời sự, ông Việt nhận định. Trước đây người ta cũng chỉ chú tâm vào con số nợ công nhưng nay đã bắt đầu có nhiều phân tích cho thấy nguyên nhân sâu xa hơn của vấn đề nợ công bắt nguồn từ tỷ lệ tín dụng trên GDP quá cao. Trích dẫn một bài báo trên tờ New York Times, ông Việt đưa ra ví dụ về Ireland, vào năm 2007 là nước mẫu mực về nợ công – chỉ có 11% GDP. Thế nhưng khi khủng hoảng tài chính nổ ra vào năm 2008, Ireland trở thành một trong những nạn nhân đầu tiên và hiện đang lâm vào cảnh nợ nần ngập đầu. Nguyên do là vì nợ tư (nợ của các hộ gia đình và doanh nghiệp phi tài chính) lên đến 241% GDP, cao nhất trong khu vực.

Phần lớn các khoản nợ này liên quan đến sự bùng nổ giá bất động sản ở nước này và sự sụp đổ thị trường địa ốc sau đó. Lúc bất động sản lên ngôi, tín dụng tăng vọt, ngân hàng ăn nên làm ra. Khi bong bóng bất động sản nổ tung, ngân hàng rơi vào bờ vực phá sản, nhà nước phải ra tay cứu, chuyển nợ tư thành nợ công.

Tỷ lệ tổng tín dụng trên GDP cao đã là chỉ báo; chất lượng tín dụng còn là chỉ báo rõ hơn nữa nếu phần lớn tín dụng rơi vào bất động sản hay các lãnh vực khác không tạo ra doanh thu. Nếu không chú ý đến những chỉ báo này, vấn đề nợ tư và nợ công Việt Nam càng đáng báo động.

Wednesday, September 28, 2011

Chuyện chữ & nghĩa – 3

Chuyện chữ & nghĩa – 3

Dọn vườn chữ nghĩa

Có ít nhất hai bài báo nước ngoài chê chuyện công ty sản xuất giấy vệ sinh tại Việt Nam dùng nhãn hiệu kiss me tourism. Với chúng ta nhãn hiệu này khá quen thuộc và không mang hàm ý gì nhưng đối với người nước ngoài mời họ hôn giấy vệ sinh thì biểu sao họ không phê phán.

Đây chỉ là một trong hàng trăm ví dụ về những tình huống ngôn ngữ gây sốc ở một số người này và bình thường đối với những người khác. Tờ Far Eastern Economic Review (nay đã đình bản) mở hẳn một chuyên mục hàng tuần gọi là Travellers’ Tales để “dọn vườn” loại tiếng Anh “kỳ cục” tại các nước châu Á. Chúng tôi xin điểm qua một số lần “dọn vườn” khá ngoại mục của tờ báo này (đang nói về giai đoạn thập niên 1990).

Các tên công ty mang nghĩa buồn cười trong tiếng Anh thường được chú ý nhiều nhất. Ví dụ công ty Hairichest International Transportation and Godown Co. tại Hồng Kông. Hairichest làm người ta liên tưởng đến từ hairy-chested (người có nhiều lông ngực).

Một hãng hàng không danh tiếng bị chọc quê vì trong cuốn tạp chí quảng cáo của hãng, phần thông tin lịch bay quốc tế bị in sai thành International Fright Information. Trong khi flight là chuyến bay thì fright là nỗi sợ hãi! Một lỗi tương tự bị tác giả phát hiện ngay ngoài bìa báo của một hãng hàng không khác. Thay vì viết Inflight Magazine, báo in thành Infright Magazine. Đi máy bay của các hãng này đáng sợ thật.

Loại nhãn hiệu hàng hóa tiêu dùng gây sốc ở người nói tiếng Anh cũng được chiếu cố khá kỹ như một loại nước giải khát của Nhật: Pocari Sweat (sweat trong tiếng Anh là… mồ hôi); một loại nước tinh khiết khác cũng của Nhật được đặt tên Mucos! nghe giống như từ mucus (tốt nhất bạn đừng tìm hiểu mucusmucous tiếng Anh là gì, e bạn sẽ không dám dùng loại nước khoáng này đâu).

Có một điều lạ, các từ viết sai chính tả lại dễ gây hiểu nhầm như message (thông điệp, lời nhắn gởi) và massage (mát-xa, xoa bóp) xuất hiện khá nhiều. Một quảng cáo nhân dịp Giáng sinh ghi Father Christmas will give you a massage and X’mas present to your kids bị tác giả chọc quê là gợi nhớ đến vụ Michael Jackson dụ dỗ trai vị thành niên.

Một trường hợp viết sai chính tả khác được phát hiện trên tít báo Korea Herald: “Korean marital art is practised in over 100 countries.” Tác giả không bỏ qua dịp đùa cợt rằng ông là người không may mắn vì chưa biết đến nghệ thuật hôn nhân (marital art) của Hàn Quốc được quảng bá rộng rãi tại trên 100 nước. Thật ra tít báo phải viết đúng là martial art (võ thuật).

Một quảng cáo khác mắc phải lỗi chấm câu. Thay vì viết Islamabad (thủ đô của Pakistan), người chủ của nhà khách viết, Islama Bad Guest House. Tác giả “để” nhẹ một câu: “Thật là một thí dụ đáng khâm phục về loại quảng cáo trung thực.”

Tuy nhiên, đôi lúc tác giả cũng đùa quá đáng. Ví dụ như chuyện cà phê MIA. Hay chuyện một món ăn tại Thái Lan được ghi trên thực đơn: “Albino with coconut milk”. Đã đành albino trong tiếng Anh có nghĩa là bạch tạng nhưng biết đâu trong tiếng Thái nó có một nghĩa gì đó khác chăng. Cũng như MIA đối với người phương Tây gợi nhớ chuyện lính Mỹ bị mất tích trong chiến tranh (missing in action) nhưng đây là bảng hiệu tiếng Việt chỉ có nghĩa là nước mía!

Tuy nhiên, lý thú nhất trong loạt bài này là những câu trích từ các quảng cáo, dùng tiếng Anh chính xác, chính tả, ngữ pháp không có vấn đề gì mà chỉ… sai phần dùng từ. Sau khi miêu tả khu nhà nghỉ cao cấp của họ, một công ty bất động sản ở Jakarta mời: “Inspect our private parts today!” Công ty này chắc chưa biết trong tiếng Anh private parts là phần kín trong cơ thể người ta.

Một tờ báo tiếng Anh của Thành phố Hồ Chí Minh cũng bị mục Travellers’ Tales chọc quê. Mục này dẫn lại bảng tỷ lệ số hộ gia đình có TV, đầu video… đăng trên báo nguyên văn như sau: “TV: 82.22%; Video head: 51%; Frigid: 36%.” Và sau đó bình luận: “This can only mean that 51% of homes have some poor couch potato who has become a complete video head, and 36% of householders are unable to enjoy conjugal relations.”

Chơi vậy ác quá. Dù sao tờ báo này cũng đã sai khi dịch đầu máy video thành video heads. Nói theo bài bản video head là các đường rãnh trên mặt trống của đầu máy video, càng nhiều head chừng nào máy càng tốt chừng đó. Nên (ngày xưa) các bạn mới thấy quảng cáo đầu máy này có 8 heads, đầu kia có 6 heads.

Còn muốn nói đầu máy video thì phải dùng video player cho loại thường hay VCR (video cassette recorder) cho loại ghi hình được.

Nhưng sai lầm lớn nhất là dịch từ tủ lạnh thành frigid. Khổ quá, frigid là lãnh đạm, lãnh cảm nên mục này mới chọc quê là không hưởng được hạnh phúc gia đình. Tủ lạnh ai cũng biết là refrigerator, viết gọn là fridge.

Wednesday, September 21, 2011

Đừng tính.. đại

Đừng tính.. đại

Báo Người lao động số ra hôm nay (21-9) có bài “Tiểu xảo lách lãi suất”, trong đó có đoạn:

Một trong những “chiêu” đang được nhiều NH áp dụng là tăng lãi suất huy động ngắn ngày (tính theo ngày hoặc tuần) chạm mức 14% để thu hút khách hàng. NH Phương Tây tung ra loại tiền gửi kỳ hạn 1, 2, 3, 4, 5, 6 ngày, lãi suất đều ở mức 13,8%/năm (0,0386%/ngày). Nhiều NH khác cũng áp dụng lãi suất 14%/năm đối với kỳ hạn 1 tuần, tiền gửi thanh toán. Câu hỏi đặt ra liệu mức lãi suất áp dụng cho kỳ hạn ngày, tuần có vượt trần lãi suất 14%/năm?

Giả sử khách hàng gửi 100 triệu đồng theo kỳ hạn 1 ngày lãi suất 13,8%/năm thì ngày đầu tiên, người gửi nhận được số tiền lãi 38.600 đồng. Đến ngày thứ hai, số lãi này được cộng vào số tiền gửi ban đầu, cứ thế, “lãi mẹ đẻ lãi con” cho đến hết tháng thì lãi suất thực tế sẽ lên tới 15%-16%/năm. Tương tự, người gửi tiết kiệm theo kỳ hạn tuần, các khoản tiền gửi thanh toán cũng hưởng được lãi suất thực tế cao hơn 14%/năm...

Phóng viên viết bài này đã tính toán… đại để ra con số “lãi suất thực tế sẽ lên tới 15%-16%/năm”.

Với lãi suất huy động 13,8%/năm kỳ hạn 1 ngày, tức là tính lãi suất kép, cứ sau mỗi ngày ghép tiền lãi vào vốn thì lãi suất thật sau 365 ngày chỉ là 14,79%.

Viết như bài báo nhiều người tưởng nhầm, gởi tiền cho ngân hàng đưa ra dịch vụ kỳ hạn 1 ngày ngon ăn hơn ngân hàng đưa ra lãi suất huy động 14% kỳ hạn 1 tuần. Bởi tính lãi suất kép ở trường hợp 14% kỳ hạn 1 tuần thì lãi suất thật sẽ lên đến 15% (cao hơn 14,79%!).

---

Mà sao dạo này các báo sai số liệu nhiều lắm. Có lẽ vì tin vào nguồn tin, thấy họ nói sao là đăng nguyên như thế. Ví dụ, báo Sài Gòn Tiếp Thị sáng nay cũng có tin "Chi 1 triệu USD mời cựu bộ trưởng ngân khố Mỹ đến Việt Nam", trong đó có đoạn:

Ông John W. Snow là bộ trưởng ngân khố thứ 73 của Mỹ hồi năm 2003. Hiện ông là chủ tịch quỹ đầu tư và quản trị tài chính Cerberus, được coi là tập đoàn lớn nhất thế giới, với tổng giá trị tài sản năm 2010 ước đạt 3.200 tỉ USD.

Quỹ Cerberus chỉ quản lý tổng tài sản chừng 24 tỷ USD, lại nói vống lên thành 3.200 tỷ USD - một con số khổng lồ. Nên nhớ toàn bộ các quỹ đầu tư tư nhân như Cerberus trên toàn thế giới cộng lại thì tổng tài sản của họ cũng chỉ mới 2.400 tỷ USD vào cuối năm 2010. Hoặc tập đoàn đầu tư tư nhân lớn nhất nước Mỹ hiện nay là TPG cũng chỉ có tổng tài sản là 48 tỷ USD.


Cập nhật: Nếu bạn nào quan tâm muốn biết cách tính lãi suất kép, mời đọc bên blog của Phạm Vũ Lửa Hạ, cũng vừa nói tiếp chuyện này. Thật ra, trên mạng bây giờ có nhiều trang web đã nhúng máy tính đủ kiểu, chỉ cần tìm cho đúng loại máy tính mình cần, điền số liệu và bấm nút để tính. Ví dụ, trang này.

Cập nhật: Không hiểu sao báo Đầu tư Chứng khoán cũng mắc phải lỗi này trong bài “Câu vốn bằng lãi suất cộng dồn”, lần này là do một ông tiến sĩ chuyên gia ngân hàng tính toán. Báo viết:

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho biết, cách thực hiện lãi suất không kỳ hạn với mức trần 14%/năm cũng tương tự với cách tính lãi suất kép tại Mỹ. Nghĩa là hôm nay khách hàng gửi 100 triệu đồng, qua đêm với lãi suất 14%/năm, được trả lãi khoảng 40.000 đồng. Ngày hôm sau, khách hàng sẽ được cộng dồn số tiền gửi tiếp qua đêm trên vốn và lãi của ngày hôm trước là 100.040.000 đồng với lãi suất 14%/năm. Như vậy, với hình thức gửi như trên, lãi suất thực không còn là 14%/năm mà có thể lên đến 16%/năm sau 365 ngày khách hàng gửi tiền trong ngân hàng.

Khổ quá, lãi suất thật trong trường hợp này cũng chỉ là 15,02% chứ không thể lên đến 16% được.

Sunday, September 18, 2011

Chuyện chữ & nghĩa - 2

Chuyện chữ & nghĩa - 2

Khi tác giả chơi chữ

Khi viết về những vấn đề kinh tế, để tránh khô khan, nhiều tác giả áp dụng lối viết hình tượng, chơi chữ để nhấn mạnh ý chính và gây ấn tượng với người đọc. Với các trường hợp này người đang học tiếng Anh sẽ gặp khó khăn nhưng vượt qua được cửa ải này, chúng ta sẽ có dịp thưởng thức các bài viết về kinh tế như đang đọc một tác phẩm văn học.

Ví dụ, khi nói đến sự suy yếu của nền kinh tế Nhật Bản, có người viết: “Some people said Japan was down for the count, and that was obviously a distorted view.” Trong thi đấu quyền Anh, khi có một võ sĩ bị đánh ngã xuống sàn, trọng tài bắt đầu đếm. Nếu đếm đến 10 mà võ sĩ này không dậy được thì coi như bị nốc ao. Như vậy câu này buộc ta liên tưởng đến hình ảnh nước Nhật như một võ sĩ trên sàn đấu sắp bị thua đến nơi.

Một câu khác dùng từ rất hình tượng: “Japan’s banks were tallying bad loans of more than $300 billion, dwarfing America’s own housing-and-loan crisis.” Nếu tra từ điển bạn chỉ hiểu từ dwarf là người lùn, động từ dwarf là làm cho có vẻ nhỏ lại. Nhưng cả câu muốn nói những khoản nợ xấu của các ngân hàng Nhật Bản còn lớn hơn nhiều so với các khoản thiệt hại do xì căng đan cho vay tiền mua nhà ở Mỹ gây ra.

Loại từ này và các dùng này khá phổ biến, nếu không cảnh giác dễ hiểu sai. Câu “Honda was told to put brakes on new car prices” dễ bị hiểu nhầm là hãng Honda bị buộc phải gắn loại thắng (phanh) mới như brakes ở đây được dùng theo kiểu chơi chữ là tạm hoãn (tạm hoãn tăng giá xe).

Hay trong câu “It seemed Japan Inc. was a façade, the economic miracle was a myth and the Pacific Century would last a decade” – Japan Inc. là cách chơi chữ khá nhàm vì được dùng nhiều quá nên trở thành sáo ngữ. Có thời người ta xem cả nước Nhật như một doanh nghiệp khổng lồ, sản xuất hàng hóa và đưa chúng tràn ngập thế giới. Đến nỗi nhiều nhà kinh tế xem thế kỷ này là thế kỷ của [nền kinh tế] Thái Bình Dương. Nhưng vì năm năm qua, Nhật Bản gặp nhiều khó khăn nên hiện tượng đó đã bị phá vỡ như một huyền thoại chỉ kéo dài được một thập niên.

Gần đây kinh tế Nhật Bản đã có chiều hướng phục hồi nên tác giả viết tiếp: “Now the wounded samurai is showing sign of life.Samurai là võ sĩ đạo nhưng được dùng ở đây như kiểu nước Nhật là một cường quốc kinh tế. “Shoppers are on the prowl again.Prowl là đi lang thang, thường dùng để chỉ thú đi tìm mồi như cả thành ngữ on the prowl ở đây lại dùng với shoppers nên mang hình tượng đi mua sắm, đi săn hàng trong cửa hiệu.

Sau đó tác giả hỏi: “Is Japan back and badder than ever?” Có bao giờ bạn thấy từ bad (xấu xa) dùng thể so sánh là badder chứ không phải là worse chưa? Thật tuyệt! Nếu dùng từ worse câu đó sẽ vô nghĩa, kinh tế hồi phục sao lại xấu xa thêm? Để diễn đạt ý “Phải chăng nước Nhật đã trở lại [độc chiếm thị trường] và càng mạnh hơn bao giờ hết [trong vai trò lấn chiếm thị phần nước Mỹ]” tác giả viết rất gọn và làm các nhà ngữ pháp chưng hửng rồi e phải gật gù khen hay, ghi vào một quy tắc ngoại lệ nữa. Thật ra, trong ngôn ngữ tiếng lóng của Mỹ có từ bad (với thể so sánh badder, baddest) mang nghĩa rất tốt, tài giỏi. Chứng kiến một cầu thủ thi đấu xuất sắc nếu cổ động viên hét lên, “You’re bad” là họ đang khen đấy.

Có khi việc chơi chữ thể hiện bằng ý chứ không bằng lời. Một bức tranh châm biếm vẽ cảnh Bob Dole, ứng cử viên chức tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa, gọi điện cho Boris Yeltsin với lời chú thích duy nhất, “Could I borrow Lebed for a few days in November, Boris?” Nếu bạn biết bối cảnh vòng hai cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống Nga khi Yeltsin thắng cử nhờ kéo tướng Lebed, người về ba trong vòng một về phe mình, bạn sẽ thấy tác giả chơi chữ với ý rất rõ là Dole cần một nhân vật như Lebed mới hy vọng thắng cử trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng vào năm 1996.

Cập nhật: Các ví dụ trong bài trên được viết từ năm 1997 nay đọc thấy khá xa lạ. Nhưng việc các tác giả chơi chữ, làm khó người học tiếng Anh lúc nào cũng vậy. Ví dụ, một tít báo trên tờ Economist tuần này viết: “Banking regulation – Capital punishment”. Bình thường capital punishment là hình phạt tử hình nhưng trong câu này ý muốn nói đến những quy định mới mà giới ngân hàng sẽ phải tuân thủ, sẽ ảnh hưởng đến cách sử dụng nguồn vốn và lợi nhuận của họ.

Thursday, September 15, 2011

Gạo và dân chủ


Gạo và dân chủ
Chính phủ Thái Lan vừa tái khẳng định sẽ tiến hành chính sách mua gạo trực tiếp từ nông dân với giá cao hơn giá thị trường. Từ ngày 7-10, chính phủ Thái sẽ trợ giá, mua gạo thường với giá 15.000 baht/tấn, gạo thơm 20.000 baht/tấn, cao hơn mức giá tháng Tám khoảng 50% nhằm hỗ trợ nâng thu nhập cho nông dân, một lời hứa trong chiến dịch tranh cử của nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra.  
Có thể phân tích chuyện này từ rất nhiều góc cạnh, chẳng hạn, liệu Việt Nam có sẵn sàng tham gia một liên minh các nước xuất khẩu gạo nhằm nâng giá gạo thế giới; giới xuất khẩu gạo Việt Nam nên làm gì để tận dụng cơ hội này khi giá gạo thế giới chắc chắc sẽ tăng mạnh; liệu chính phủ Thái Lan có đủ tiềm lực tài chính để duy trì chiến lược này trong dài hạn; lạm phát của nước họ rồi sẽ ra sao; nâng giá gạo như thế trong bối cảnh cung cầu không khác năm ngoái thì làm sao bán được gạo…
Nhưng tôi muốn nhìn vấn đề gạo dưới góc cạnh dân chủ. Giả thử chúng ta cứ đơn giản hóa vấn đề theo cách này: Yingluck đưa ra một lời hứa hẹn rất hấp dẫn cho nông dân Thái Lan, hiện đang chiếm đa số trong tổng số cử tri – đến khi bầu cử, bà đắc cử và nay thực hiện lời hứa, bất kể chính sách đó có thể có hại cho người thành thị hay tính cạnh tranh của Thái Lan nói chung.
Giá gạo tăng, chắc chắn sẽ ảnh hưởng xấu lên thu nhập của những người không phải là nông dân, nhất là dân nghèo thành thị. Giá gạo tăng, Thái Lan khó lòng duy trì vị thế nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Để mua gạo giá cao mà chưa chắc đã bán được với giá đó, chính phủ Thái Lan phải lấy tiền từ ngân sách, tức lấy tiền đóng thuế của người dân nói chung để trợ cấp cho nông dân, là cử tri bầu cho bà Yingluck.
Câu hỏi đặt ra, liệu quy trình này có phải là dân chủ? Phải chăng cách làm như thế chính là nguyên nhân gây bất ổn, áo vàng áo đỏ tại Thái Lan trong những năm vừa qua? Dân chủ đa số có phải là dân chủ thật sự? Hay cái gọi là “tyranny of the majority” đang tồn tại trong tình huống này? Một trí thức thật sự băn khoăn cho tương lai ngành xuất khẩu gạo của Thái Lan sẽ phải lên tiếng như thế nào? Liệu lập luận của ông ta là chân lý hay đám đông bỏ phiếu cho bà Yingluck, dẫn tới chính sách mua gạo giá cao là đúng?
Trả lời và chờ thời gian trả lời cho những câu hỏi như thế là điều đáng theo dõi.

Wednesday, September 14, 2011

Giá của đồng vốn

Giá của đồng vốn

Hôm qua, tình cờ đọc cuốn “Phá rào trong kinh tế vào đêm trước Đổi mới” của Đặng Phong. Không thể tin được có thời giá thu mua thóc của nông dân chỉ là 2 hào/kg – kéo dài trong nhiều năm trời, bất kể giá thực tế có cao hơn gấp mấy chục lần. Cũng không thể tin được lập luận của Ủy ban Vật giá Nhà nước, bảo vệ cho cơ chế ấn định giá này, lên án bất kỳ ai phản đối bằng những lời lẽ nặng nề như “trái với phương châm chính sách giá cả đã đề ra trong Nghị quyết của Đại hội lần thứ III của Đảng”, “trái với quy luật kinh tế cơ bản của CNXH”. Thậm chí có người còn xem ổn định giá có nghĩa là đấu tranh chống những lực lượng phi XHCN, và hạ bút viết: "Đây là một cuộc đấu tranh có tính chất giai cấp."

Đặng Phong viết: “Vào những năm của thập kỷ 60, người ta thường phủ nhận mọi tìm tòi trong khoa học bằng những loại “vũ khí thô sơ” như: “Trái với quan điểm của Đảng”, “mất lập trường giai cấp”, “trái với những nguyên lý của chủ nghĩa xã hội”... Ở thời điểm này nhìn lại, có lẽ ai cũng thấy rõ chuyện đúng sai nhưng lúc đó lại không dễ!

Nay câu chuyện trần lãi suất cũng là một dạng ấn định giá – giá sử dụng đồng vốn.

Luật các tổ chức tín dụng 2010 quy định rõ (Điều 91): Tổ chức tín dụng được quyền ấn định mức lãi suất huy động vốn; Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất. Ngân hàng Nhà nước chỉ có quyền quy định “cơ chế xác định phí, lãi suất” trong trường hợp hoạt động ngân hàng “có diễn biến bất thường” mà thôi.

Chính vì luật lệ quy định rất rõ như thế nên trước nay Ngân hàng Nhà nước thường phải thông qua Hiệp hội Ngân hàng để tìm cách đưa ra một trần lãi suất thỏa thuận giữa các ngân hàng với nhau. Chỉ đến đầu năm nay, NHNN mới ban hành Thông tư 02, quy định lãi suất huy động vốn tối đa bằng tiền đồng Việt Nam của các ngân hàng, bao gồm cả khuyến mại dưới mọi hình thức, là 14%/năm.

Và tuần trước với Chỉ thị 02, NHNN nhắc lại mức trần này, đồng thời đe dọa sẽ cách chức lãnh đạo ngân hàng nào vi phạm, nâng lãi suất huy động lên quá 14% dưới bất kỳ hình thức nào.

Ở đây, mở ngoặc nói thêm: Nhiều người thắc mắc liệu NHNN có quyền “đình chỉ hoặc miễn nhiệm chức vụ của người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng” như công bố tại Chỉ thị 02 với những ai lách trần lãi suất?.

Nhiều chuyên gia cho rằng NHNN chỉ có thể đình chỉ, miễn nhiệm với người quản lý các ngân hàng thương mại nhà nước, chứ tại ngân hàng cổ phần việc quản lý nhân sự là do hội đồng quản trị và cổ đông quyết định, làm sao NHNN can thiệp được.

Thật ra, Luật các tổ chức tín dụng 2010 có quy định tại điều 37 rằng NHNN có quyền đình chỉ, tạm đình chỉ các lãnh đạo (như chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc) mọi ngân hàng, kể cả ngân hàng cổ phần “vi phạm… quy định khác của pháp luật có liên quan trong quá trình thực hiện quyền, nghĩa vụ được giao”.

Ngoài ra, Chỉ thị 02 của NHNN khi nói về biện pháp xử lý các ngân hàng vi phạm trần lãi suất cũng căn cứ vào Khoản 12, Điều 4 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010. Khoản 12 này cho phép NHNN đình chỉ, tạm đình chỉ, miễn nhiệm chức vụ người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng khi “tổ chức tín dụng vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về tiền tệ và ngân hàng”.

Dễ nhận thấy nhất là trong khi lãi suất cho vay không còn trần nào nữa cả và lãi suất huy động tối đa là 14% thì lợi ích của người dân gửi tiền và doanh nghiệp vay tiền đã bị xâm phạm một cách rõ rệt. Được lợi nhất trong tình hình này là các ngân hàng một khi chênh lệch hai loại lãi suất này giãn ra mà không theo quy luật cung cầu.

Thế thì vì sao không để các ngân hàng cạnh tranh thu hút tiền gửi bằng lãi suất? Thực tế không thể để các ngân hàng thoải mái nâng lãi suất huy động lên được vì nếu một ngân hàng dù nhỏ, dù không có uy tín, nâng lãi suất lên 17% chẳng hạn thì lập tức người gửi tiền sẽ rút tiền gửi ở các ngân hàng khác, đổ xô đến gửi tại ngân hàng này. Điều đó sẽ kích động một cuộc đua lãi suất mà thực tế đã nhiều lần xảy ra. Sẽ có ngân hàng lâm vào cảnh thanh khoản cạn kiệt, và lãi suất sẽ bị đẩy lên cao không có điểm dừng.

Vì thế, một mặt, có thể hiểu được tính logic của Thông tư 02 nhưng mặt khác, không thể để tình trạng “phản cạnh tranh” này kéo dài. Những biện pháp hành chính này sẽ tạo ra tình huống “rủi ro về đạo đức”, tạo điều kiện để các ngân hàng hoạt động bất kể rủi ro. Mấu chốt của vấn đề là do quan niệm cho rằng không thể để bất kỳ ngân hàng nào trong hệ thống lâm vào khó khăn. Nhưng giả sử cứ áp dụng luật pháp thật nghiêm minh, cứ để một hai ngân hàng yếu kém thua lỗ đến mức phải bán lại hay sáp nhập vào ngân hàng khác, biết đâu sẽ phá bỏ được mâu thuẫn nói trên.

Giả sử không còn trần lãi suất huy động vốn, chắc chắn sẽ có ngân hàng nâng lãi suất này lên cao. Lúc đó, NHNN sẽ phải tuyên truyền thật mạnh về khái niệm “lợi nhuận cao đi liền với rủi ro cao” để người dân cân nhắc giữa cái lợi trước mắt và tính an toàn cho đồng tiền của họ. Kèm theo đó là những quy định phạt đối với những khoản tiền gửi rút trước thời hạn để chi phí chạy theo lãi suất cao không còn hấp dẫn với người gửi tiền nữa. Ngân hàng huy động vốn lãi suất cao ắt phải cho vay với lãi suất cao tương ứng. Không một ngân hàng nào có thể chịu mức lãi suất huy động vốn quá cao trong một thời gian dài trong khi ngân hàng khác vẫn giữ mức lãi suất huy động thấp. Chỉ một thời gian ngắn, họ sẽ phải giảm lãi suất quay về với mức chung của thị trường.

Chính lúc này vai trò giám sát của NHNN phải phát huy tác dụng để ngăn chặn những hoạt động rủi ro của ngân hàng. Hạn chế tín dụng cho những ngành sẵn sàng chấp nhận lãi suất cao cũng giúp giảm áp lực chạy đua theo lãi suất như cho vay kinh doanh chứng khoán.

Nếu ngân hàng nào gặp khó khăn trong thanh khoản, phải huy động vốn bằng mọi giá, nên công khai tên tuổi ngân hàng đó ra để người dân biết và không chạy theo lợi nhuận từ lãi suất hấp dẫn. Và NHNN phải sẵn sàng đưa áp dụng tình trạng kiểm soát đặc biệt như từng làm trước đây với một số ngân hàng. Tất cả những biện pháp này, áp dụng đồng thời và cương quyết, sẽ hạn chế tình trạng chạy đua nâng lãi suất vô tội vạ.

(Bài này viết lại từ một bài đã đăng trên TBKTSG hồi tháng Ba nhưng chưa đưa lên đây).

Sunday, September 11, 2011

Chuyện chữ & nghĩa - 1

Chuyện chữ & nghĩa - 1

Giới thiệu: Hiện nay trên mạng thấy có lưu truyền cuốn sách dạng ebook “Tiếng Anh theo dòng thời sự” của tôi. Rất tiếc đây là ấn bản ebook mà một người nào đó làm vội, chỉ lấy mấy chục bài từng đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn rồi gom lại thành sách. Thật ra, về tiếng Anh, tôi có viết ba cuốn: Chuyện chữ & nghĩa, NXB Trẻ năm 1997; Tiếng Anh lý thú, NXB TPHCM năm 2000 và Tiếng Anh theo dòng thời sự, NXB Trẻ năm 2008. Tất cả ba ấn bản này đã không còn ngoài nhà sách nữa, nhiều bạn bè đòi tặng cũng đành chịu. Nay tôi sẽ lần lượt đưa lên đây các bài trong ba cuốn này và hy vọng có lúc nào rảnh sẽ làm thành một cuốn ebook đàng hoàng, chính thức.

Cái gì khó nhất

Đối với câu hỏi, học tiếng Anh cái gì là khó nhất, phần lớn cho đó là cách đọc, cách phát âm. Một ít người nói ngữ pháp tiếng Anh rắc rối. Theo tôi, khó nhất với người Việt chúng ta khi học tiếng Anh là cách dùng từ.

Bạn thử nghĩ mà coi, ai đời từ company người nào đã học qua tiếng Anh đều biết là công ty. Thế nhưng xem phim, nhất là loại phim hình sự cảnh hai nhân vật ngồi trên xe bỗng một người nhìn vào kính chiếu hậu thốt lên: “We’ve got company” thì từ company qua cách dùng trong tình huống này buộc ta phải hiểu là cái đuôi (Có kẻ theo dõi chúng ta đấy). Rồi company trong câu We’re judged by the company we keep lại có nghĩa bạn bè – Người ta sẽ xét đoán bạn qua bạn bè mà bạn đang giao du.

Tuyệt nhất là một quảng cáo sử dụng lối chơi chữ, gán luôn cho company cả hai nghĩa trên. Một công ty sản xuất bao bì viết: We aren’t just known for our company. We’re known for the company we keep. Từ company đầu tiên có nghĩa là tên tuổi công ty còn company trong câu sau vừa có nghĩa khách hàng (sử dụng bao bì của mình) vừa là các công ty khác. Chúng tôi nổi tiếng không chỉ nhờ tên tuổi công ty. Người ta còn biết đến chúng tôi qua các công ty khách hàng của chúng tôi nữa.

Ở một mức độ khó hơn, ví dụ rather fairly đều dịch là khá nhưng khi dùng trong văn cảnh, chúng lại mang nghĩa khác xa nhau. We’re having rather cold weather for OctoberTháng 10 mà thời tiết như thế này thì hơi lạnh. Như vậy rather mang ý nghĩa chê, thất vọng. Trong khi đó fairly mang ý khen. Oh, yeah, he’s fairly tall for his age. Cho nên nếu một em học sinh đọc xong một bài tập và nói, “Oh, it’s fairly easy” sẽ khác với một em khác cho rằng bài tập đó rather easy. Có thể nói em đầu khiêm tốn hơn và em thứ nhì hơi chủ quan!

Phần lớn những trường hợp cách dùng từ ảnh hưởng đến nghĩa câu văn đều được giải thích rõ trong các cuốn sách ngữ pháp biên soạn nghiêm chỉnh. Như từ musthave to. Ở mức sơ cấp, sách giáo khoa sẽ cho hai từ này là đồng nghĩa; đến mức độ cao hơn, sách sẽ cho những ví dụ để cho người học thấy sự khác nhau giữa hai từ. Ví dụ dễ nhớ nhất là trường hợp một anh chàng đến nhà người yêu chơi, một lúc sau, nhìn đồng hồ và nói, “I’m afraid I have to go now.” (vì hoàn cảnh khách quan như bận việc mà phải đi chứ anh ta chưa muốn về chút nào). Ngược lại nếu anh ta nói, “I must go now.”là anh này muốn tỏ ý không muốn ở chơi nữa. Một cô thấy một kiểu áo mới đẹp quá nên nói, “I must save money to buy this” (quyết định phải để dành tiền là nảy sinh ngay lúc đó). Nhưng một cô khác khi có người hỏi vì sao phải tằn tiện đến thế mới giải thích: “I have to save money to go to university.” (quyết định dành dụm tiền để vào đại học là chuyện có chủ ý từ lâu.)

Các cuốn từ điển biên soạn công phu đều có một phần gọi là Usage để ghi rõ cách sử dụng từ đó, khác biệt với những từ tương tự như thế nào. Ví dụ hai từ đều có nghĩa là liên tục – continuouscontinual. Nhưng continual loss of power during the storm có nghĩa là mất điện liên tục suốt trận bão (cứ có điện rồi mất điện miết). Còn continuous loss of power during the storm là mất điện hẳn trong suốt trận bão.

Ngược lại có rất nhiều trường hợp sự tinh tế trong cách dùng phải qua thực tế mới phát hiện ra. Ví dụ ai cũng biết housewife là người nội trợ như đàn bà Anh, Mỹ rất ghét từ này, họ cho rằng nó hạ thấp vai trò của phụ nữ và thích dùng từ homemaker hơn. Hoặc có nhiều từ đổi nghĩa tùy văn cảnh được dùng. It’s an inside job là gì bạn có thể đoán được không? Một công ty bị mất trộm, nếu có người tuyên bố như trên, ý anh ta nói có tay trong đấy.

Một điều lạ là loại từ tiếng Anh đơn giản thường gây khó khăn cho người học hơn từ khó vì từ đơn giản đôi lúc được dùng theo nghĩa mới, làm người nghe chủ quan, cứ hiểu theo nghĩa thường gặp. Ai từng học qua tiếng Anh đều biết từ good. Nhưng khi nó được dùng trong câu sau thì phải dè chừng: “I’m moving to Europe for good”for good là thành ngữ mãi mãi, đi luôn. Ngay cả những cụm từ xem chừng vô hại như as good as tưởng đâu là thể so sánh bằng nhau như thật ra chúng mang nghĩa gần như, hầu như. The $2,000 motorbike is as good as new – chiếc mô tô 2.000 đô kia gần như là xe mới. Hay cũng từ good dùng trong câu này chỉ tương đương như very: I’ll do it when I’m good and ready.

Như vậy, người học hay sử dụng tiếng Anh cần tạo cho mình thói quen cảnh giác trước các từ đã học nhưng khi dùng trong câu không còn bóng dáng nghĩa quen thuộc nữa. Đọc câu: “A top-of-the-range Yamaha two-stroke will be yours for the best part of $6,000.” bạn phải mạnh dạn xem lại từ điển loại tốt tìm thử best còn có nghĩa gì khác để hiểu đúng cả câu. Bạn sẽ học được thêm nghĩa mới của cụm từ for the best part ofmost:Một chiếc xe Yamaha hai thì loại xịn nhất giá gần cả 6.000 đô.

Lấy một ví dụ đơn giản nhất: nghe một ai thốt lên câu “Way to go!” bạn sẽ nghĩ nó quá dễ và không cần quan tâm, rằng way là con đường, to go là đi, vậy way to go là đi theo đường này (!!!) hay khá hơn, bạn có thể gán cho nó một nghĩa đúng là có dùng trong thực tế: đường còn xa, còn lâu mới xong.

Nhưng thật ra, way to go ở đây là một câu tán thưởng, “Chà, giỏi quá!” Một nước cờ hay, một giải pháp tức thời, một cú banh tuyệt vời, tất cả đều có thể tán thưởng bằng câu “Way to go!”

AI - hype and reality

  AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...