Thursday, February 26, 2009

Tinh chuyen nghiep

Chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp

Nguyễn Vạn Phú*

Làng báo Việt Nam hiện đang phải đối diện với nhiều vấn đề, trong đó có hai vấn đề theo tôi mang tính bao trùm, đang tác động mạnh đến các vấn đề khác. Đó là sự thiếu chuyên nghiệp của làng báo nói chung và sự thiếu chuyên nghiệp của không ít quan chức quản lý báo chí. Hai vấn đề này có mối quan hệ mật thiết, tác động lẫn nhau.

Chuyện thiếu chuyên nghiệp của báo chí Việt Nam có lẽ nhà báo nào cũng có thể nhớ và kể đôi ba mẩu. Chúng tập trung vào những dạng như: phóng viên đưa tin không trích nguồn, phỏng vấn nguồn tin mà thực sự không phỏng vấn (thường là lấy từ báo khác), nhảy xổm vào tin để bình luận, suy đoán, viết tin bài theo trào lưu chung vào từng thời điểm, viết tin mà không hiểu nguồn tin nói gì, ghi sai ý của nguồn tin để phục vụ cho ý đồ của tin, không chịu tìm hiểu thông tin nền nên tin không có đầu có đuôi, chép gần nguyên văn thông cáo báo chí…

Một trong những biểu hiện của sự thiếu chuyên nghiệp là khi phóng viên nghe sao về viết vậy cho dù nguồn tin đang nói về một nhân vật thứ ba, đưa ra thông tin liên quan đến một nhân vật thứ ba, có tác động lớn lên nhân vật này. Ít khi nào phóng viên chịu khó kiểm chứng nguồn tin ban đầu bằng cách hỏi thẳng nhân vật đang bị nói tới. Và lúc đó, phóng viên thường viết theo kiểu nguồn tin đang nói đúng, phóng viên hoàn toàn đứng về nguồn tin, cũng lên án, cũng buộc tội, cũng phê phán nhân vật thứ ba kia bằng những lời lẽ nặng nề.

Hậu quả dễ thấy nhất của sự thiếu chuyên nghiệp như thế là gì? Uy tín và độ tin cậy của báo chí ngày càng giảm sút. Giả dụ các nhà báo giả làm người ngoài nghề, cứ đi nghe người ta nói về nghề báo, chắc sẽ nghe không biết bao lời chê trách – từ quan chức quản lý đến doanh nhân, từ nhà giáo đến giới nghệ sĩ. Sự phát triển mau lẹ của làng báo, nhất là dạng báo ngày, đã kéo theo sự hụt hẫng trong đội ngũ làm báo, thiếu từ phóng viên đến biên tập viên… là một trong những nguyên nhân trực tiếp của sự thiếu chuyên nghiệp này nhưng không phải là nguyên nhân sâu xa.

Ở góc cạnh khác, không ít lần cơ quan quản lý báo chí tỏ ra rất thiếu chuyên nghiệp, thể hiện rõ nhất là việc ra lệnh không đăng tin này, bỏ tin kia, không đề cập đến vấn đề này, không bàn vấn đề kia mà không có một giải thích thỏa đáng. Đã có nhiều lần cơ quan quản lý báo chí tỏ ra chậm chạp trong phản ứng trước các vấn đề thời sự. Trong thời đại thông tin ngày nay, sự thiếu chuyên nghiệp đó đã tạo ra một khoảng trống thông tin bị lấp ngay bởi thông tin không chính thống, tạo ra những luồng dư luận ngược chiều không đáng có.

Theo tôi việc cấm đoán không cần giải thích đó thoạt tiên có mối quan hệ từ việc thiếu chuyên nghiệp của báo chí. Thấy không thể tin tưởng phóng viên xử lý thông tin một cách đầy đủ, hiểu biết và bản lĩnh, cơ quan quản lý báo chí có lý do để siết lại báo chí, như ra lệnh phỏng vấn ai phải để cho người ta xem lại mới được đăng. Dĩ nhiên, chuyện cấm đăng tin này tin kia còn nhiều lý do khác nữa (ví dụ bài viết của các chuyên gia thì không thể nói là thiếu chuyên nghiệp – vấn đề là có chấp nhận sự tranh luận trên mặt báo không mà thôi) nhưng sự không tin vào tính chuyên nghiệp của báo chí, vào khả năng xử lý thông tin một cách nhạy bén của phóng viên càng làm giới quản lý nghĩ, thôi cứ cấm cho khỏe. Thoạt tiên, việc cấm đoán hạn chế vào một số báo có tay nghề yếu hay các bài cụ thể nhưng lan dần ra các tờ báo chính thống có lẽ vì thấy đây là cách quản lý dễ nhất.

Và đây chính là một sai lầm có tính nhân quả - càng cấm đoán, báo chí càng thiếu chuyên nghiệp và báo chí càng thiếu chuyên nghiệp, càng bị cấm đoán. Muốn thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn này, báo chí phải tự mình nâng tính chuyên nghiệp lên và cơ quan quản lý báo chí phải chuyên nghiệp hiểu theo nghĩa phải để báo chí hoạt động tự do trong khuôn khổ pháp luật đã quy định.

Thật ra, với làng báo, việc hoạt động chuyên nghiệp hay không không khó. Những người làm báo có tay nghề đều biết đâu là yếu tố cần tuân thủ để tạo ra sự chuyên nghiệp hóa. Làng báo vẫn không thiếu phóng viên giỏi, biên tập viên tay nghề cao. Ở trên tôi có nói sự phát triển quá nhanh trong khi nguồn nhân lực không đáp ứng kịp là nguyên nhân trực tiếp nhưng không phải là nguyên nhân sâu xa của việc báo chí thiếu chuyên nghiệp. Theo tôi, biểu hiện của sự thiếu chuyên nghiệp nói trên cũng khởi nguồn từ sự cố ý dễ dãi, như một sự phản kháng, một cách thu hút độc giả khi không còn có thể đưa tin chuyên nghiệp trong nhiều trường hợp. Lâu dần, một thế hệ phóng viên mới đã lậm sâu vào cách viết báo không chuyên nghiệp và không biết mình đang làm sai nghề. Hiện nay phóng viên không còn động lực săn tin, tìm bằng chứng cho thể loại chống tham nhũng vì họ nghĩ công sức bỏ ra chưa chắc đã được đăng, đăng rồi chưa chắc đã tránh rắc rối. Sự cạnh tranh gián tiếp của thế giới blog hoàn toàn chủ quan, nhiều lúc hàm hồ, càng thúc đẩy sự thiếu chuyên nghiệp như thế.

Khi báo chí được tôn trọng, được đối xử như thế một diễn đàn của công luận, không bị cấm đoán, không bị chỉ đạo theo kiểu cầm tay chỉ việc, thì lúc đó bắt buộc báo chí phải tự mình chuyên nghiệp hẳn lên mới được độc giả bỏ tiền ra mua. Cạnh tranh theo hướng lành mạnh sẽ buộc báo chí phải đua nhau đưa tin một cách khách quan nhất, trung thực nhất bởi thế giới thông tin ngày nay sẽ phản bác ngay bất kỳ thông tin nào cố ý đưa sai, đưa không chuyên nghiệp.

Để báo chí làm đúng tôn chỉ mục đích của mình, cần xác định điều quan trọng nhất là báo chí và các cơ quan quản lý báo chí phải làm đúng theo Hiếp pháp và pháp luật, xem đó là cơ sở vững chắc nhất để hoạt động. Không thể dựa vào ý kiến của bất kỳ một cá nhân nào đó để hôm nay bảo báo chí không được nói về chuyện tỷ giá, hôm sau nói báo chí chưa nên vội viết về xuất khẩu gạo. Cũng không thể dựa vào nhận xét của bất kỳ ai để phê phán bài báo này sai bài báo kia đúng. Tất cả phải dựa trên luật pháp đã có sẵn. Báo chí sẵn sàng chịu phạt, phóng viên chịu bị rút thẻ nhà báo, thậm chí tờ báo bị đình bản nếu sai phạm của họ được chỉ ra rõ đối chiếu với các điều luật hiện hành. Lúc đó, tính chuyên nghiệp tự khắc phải được chú ý, tay nghề phóng viên buộc phải nâng lên… Còn làm ngược lại như hiện nay, làng báo sẽ dần bị đẩy vào chỗ yếu kém, bất lực và tê liệt trước những biến động ngổn ngang của một thế giới đang thay đổi nhanh chóng ngày nay.
-------------
* Tham luận đọc tại Đại hội Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh, ngày 26/2/2009

Wednesday, February 25, 2009

"Ke toi do" kinh te thi truong

Suy ngẫm

Kẻ tội đồ “kinh tế thị trường”

Khủng hoảng kinh tế đã buộc con người phải xem lại mô hình phát triển kinh tế theo quy luật thị trường tự do từng được ca tụng như phương thức duy nhất đưa loài người thoát cảnh đói nghèo. Tuy nhiên, con đường thay thế đòi hỏi phải gạt bỏ những điều đã thuộc về bản chất con người – lòng tham và sự ganh đua “mạnh được yếu thua”.

Người ta từng định nghĩa giàu có nghĩa là thu nhập của bạn chỉ cần cao hơn thu nhập của ông chồng cô em vợ chừng 100 đô-la. Sự ghen tỵ, sự cạnh tranh ở từng cá nhân và rộng ra của cả xã hội là động lực thúc đẩy sự phát triển của kinh tế thị trường. Một nhà kinh tế nhận xét, mọi hệ thống kinh tế tồn tại cho đến nay đều lợi dụng những động lực có vấn đề về đạo đức hay nói cách khác, chúng phát triển là nhờ tận dụng bản tính xấu của con người chứ không phải là phát huy bản tính tốt.

Từ thập niên 1980, hai nền kinh tế lớn trên thế giới là Anh với Mỹ đã chủ trương tháo gỡ hết mọi ràng buộc chính trị, luật pháp để kinh tế thị trường tự do phát triển mạnh nhất theo hướng nói trên. Hệ quả là cuộc khủng hoảng như chúng ta đang chứng kiến. Nếu kinh tế thị trường được mệnh danh là “sự hủy diệt mang tính sáng tạo” (ý nói đến việc cạnh tranh dù có thể dẫn đến sự phá sản nhiều doanh nghiệp nhưng sẽ đẻ ra những doanh nghiệp mới mạnh hơn), điều này chỉ đúng với các ngành sản xuất. Khi thị trường tài chính đưa ra những “phát kiến” mới như các công cụ tài chính để làm giàu nhanh chóng, chúng chính là “sự sáng tạo mang tính hủy diệt”. Kèm theo đó là những đợt đầu cơ ngắn hạn tầm cỡ quốc gia, gây hết sốt giá dầu đến sốt giá lương thực – tất cả dồn lên đầu người dân nghèo nhất của thế giới.

Quan trọng hơn cả, kinh tế thị trường làm ra của cải và tiền bạc nhưng chúng không đồng nghĩa với sự thịnh vượng. Những nhà máy khổng lồ sản xuất hàng hóa tiêu dùng khắp thế giới không đồng nghĩa người dân nơi đặt nhà máy hưởng đồng lương cao như lẽ ra họ phải được hưởng. Bởi lợi nhuận làm ra phần lớn bị hút vào những công đoạn vẫn được duy trì ở nước giàu. Điều làm cho người dân ở nhiều nước phẫn nộ là trong khi các tập đoàn tài chính phải nhận tiền đóng thuế của họ để tiếp tục tồn tại, các tay điều hành từng dẫn dắt chúng đến con người nguy khốn hiện nay lại vẫn hưởng những khoản lương kếch sù.

Ai cũng nói, phải thay đổi mô hình đó đi – nhưng thay như thế nào thì chưa ai có câu trả lời hoàn chỉnh. Có người chỉ ra rằng thực tế có nhiều mô hình kinh tế thị trường khác nhau. Ở những nước nào, chính phủ từng đóng vai trò can thiệp, hoặc ở hình thức ra quy định khắc khe hơn hoặc bằng cách phân phối thu nhập công bằng hơn như ở các nước Bắc Âu thì tình hình khủng hoảng dịu hơn những nước khác. Thực tế, sự can thiệp của chính phủ các nước đã bắt đầu mạnh, ngành tài chính hầu như đã được quốc hữu hóa ở nhiều quốc gia. Chắc chắn thị trường tài chính sẽ phải chịu những ràng buộc chặt chẽ hơn trước bội phần. Nhưng đó chỉ là các biện pháp tình thế - chưa phải sự thay đổi mô hình kinh tế.

Các biện pháp từng được áp dụng để giảm nhẹ tính khốc liệt của kinh tế thị trường như đề cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, quy định điều kiện lao động tại nước gia công… cũng chỉ mang tính hình thức hay mang tính “giảm nhẹ gánh nặng lương tâm”.

Một cuộc cải cách thật sự phải bắt đầu từ việc đề ra những quy định toàn diện như đánh thuế lên dòng chảy đầu tư tài chính, ép khối ngân hàng chịu trách nhiệm cao hơn trước đồng tiền tiết kiệm của người dân cho dù lợi nhuận của họ sẽ giảm mạnh so với trước. Nói rộng ra, nếu trước đây chính trị “xê ra một bên” để thị trường tự điều tiết (vì suy nghĩ thị trường luôn luôn đúng) phải nhường bước cho sự đồng thuận của xã hội áp đặt lên nền kinh tế những chiếc thắng kềm chế lòng tham hay sự cạnh tranh lôi nhau xuống đáy.

Vấn đề là ở chỗ, những biện pháp này sẽ không bao giờ hữu hiệu nếu chỉ áp dụng ở một nước hay một khu vực. Doanh nghiệp với phương châm tối đa hóa lợi nhuận sẽ chuyển dịch sang nơi khác và vì quán tính cạnh tranh, sẽ có nước tự buông thả quy định để hút dòng vốn đầu tư về mình. Đấy là hạn chế của cạnh tranh xuống đáy ở mức độ quốc gia.

Thế giới cần một sự đồng thuận, một ý chí chung để giải quyết vấn đề mô hình trên bình diện toàn cầu. Đã có một Liên hiệp quốc lo chuyện chính trị, tại sao không nghĩ đến một Liên hiệp quốc lo chuyện kinh tế, ít ra để cấm các hành vi lũng đoạn thị trường, các nơi là thiên đường trốn thuế. Nếu các quốc gia ngồi lại với nhau để cùng tìm ra những biện pháp hạn chế tính hủy diệt hay ít ra, tính suy thoái chu kỳ của kinh tế thị trường, trái đất này mới có hy vọng cùng tìm ra một mô hình phát triển lành mạnh hơn bây giờ.

Sunday, February 22, 2009

Diem phim: The Reader

The Reader – quá nhiều ẩn dụ

Trong năm phim được đề cử giải Oscar phim hay nhất năm nay, báo chí viết nhiều về Slumdog Millionaire hay The Strange case of Benjamin Button và ít thấy nói về ba phim còn lại. Với The Reader, có lẽ do phim thuộc loại khó xem, khó hiểu hết ý nghĩa vì sử dụng quá nhiều ẩn dụ về một giai đoạn lịch sử đã quá xa.

Nội dung bề mặt của The Reader khá đơn giản tuy kết cấu câu chuyện bị chẻ thành từng đoạn xen lẫn hiện tại với hồi ức của nhân vật chính. Michael Berg lúc mới 15 tuổi tình cờ rơi vào một mối tình với Hanna Schmitz, lúc đó đã 36 tuổi – một mối tình trộn lẫn giữa nhục cảm và thú đọc sách. Một thời gian sau Hanna biến mất và 8 năm sau lại xuất hiện trong phiên tòa xét xử tội của cô lúc còn làm giám thị một trại giam thời Đức Quốc Xã. Michael lúc này là sinh viên luật, dự khán phiên tòa. Vì sĩ diện không muốn tiết lộ mình là người không biết chữ, Hanna nhận hết tội về mình và bị kết án tù chung thân. Michael lớn lên, ám ảnh khôn nguôi về mối tình ngày xưa, chỉ còn biết đọc sách vào băng ghi âm và gởi cho Hanna. Phim kết thúc với cái chết của Hanna khi đã tự đọc được sách và đã gần ngày ân xá.

Tầng lớp ẩn dụ đầu tiên là nỗi ám ảnh của Michael, đại diện cho một lớp trẻ nước Đức sau Thế chiến thứ II, dù không dính líu trực tiếp vẫn có mặc cảm đồng lõa với các tội ác chiến tranh. Mối tình với Hanna chỉ là cái cớ, một dạng “ngôn ngữ điện ảnh” về sự dính líu đó. Việc đọc sách cũng chỉ là hình ảnh nỗ lực tìm hiểu cái quá khứ đầy bí mật, đầy nỗi đau và sự khoái cảm tình dục.

Thế nhưng tầng lớp ẩn dụ thứ nhì chính là lý do nhiều nhà phê bình cho rằng The Reader muốn tìm cách lý giải cho tội ác Đức Quốc Xã gây ra cho nhân loại. Hanna không biết đọc nhưng biết thưởng thức các tác phẩm văn học mà Michael đọc cho cô nghe trước mỗi lần giao hoan. Tức là cô biết đến thiện ác nhưng không biết chúng có tồn tại. Cô không mở cửa nhà thờ để 300 người chết cháy bên trong vì những suy nghĩ máy móc về nghĩa vụ của người làm công. Hình ảnh cô bước lên chồng sách đã đọc để tự treo cổ mình muốn gởi đi thông điệp: cái ác diễn ra chỉ vì sự ngu dốt.

Đây là một trong những phim ít ỏi không miêu tả trực tiếp nạn tàn sát người Do Thái mà nói về một thế hệ lớn lên trong ám ảnh về nó. Phim được đề cử nhận giải Oscar nhưng khả năng được giải thấp vì không phải ai cũng chấp nhận sự lý giải của các nhân vật trong phim. Riêng với Kate Winslet trong vai Hanna đã chứng tỏ tài năng diễn xuất tuyệt vời trong nhiều dạng nhân vật khác nhau. Những ai từng xem Titanic ngày xưa không thể hình dung một Winslet ít nói, hầu như chỉ diễn bằng nét mặt, cử chỉ. Người xem vừa thấy một Winslet thô kệch, cáu gắt lại vừa ngây thơ, bất lực ngay cả trong tội ác.

Tuesday, February 17, 2009

Tu mot chuyen nho xiu

Từ một chuyện nhỏ xíu

Nguyễn Vạn Phú

Một blogger, sau khi đọc thấy tin “Mai Linh: lời giả, lỗ thật” đăng trên TBKTSG số ra ngày 5-2-2009, đã vào mạng để tìm ấn bản điện tử của tin này. Không biết vì lý do gì, blogger này tìm không ra, bèn viết trên blog của mình:

“… Chuyện thứ hai, cũng là một sự việc đã đăng rồi lại gỡ xuống, nhưng lại chẳng liên quan gì đến chính trị, mà dễ thấy rằng nó bị đồng tiền chi phối quá dễ dàng. Đó là mẫu tin trên trang 16 Thời báo KTSG, số 7-2009 ra ngày 5-2-2009 về tập đoàn “Mai Linh: lời giả lỗ thật”. Tạp chí ra hàng tuần (được xem là uy tín nhất về kinh tế hiện nay) và được đăng tải lên mạng dưới dạng e-paper (bản scan). Nhưng bản e-paper của số này bị cắt mất 1 tờ của trang 15 và 16, tức trang có thông tin đăng tin tức về Mai Linh báo cáo không trung thực. Các bạn có thể vào link này để xem e-paper bị mất 2 trang: http://www.thesaigontimes.vn/epaper/TB-KTSG/324/22505/14/, và xem cái ảnh ở trên là tin tức về Mai Linh được scan lại từ báo in. Uy tín của một tạp chí lớn bị bán rẻ quá dễ dàng bởi sức mạnh của đồng tiền. Sao thế TBKTSG?”

Đây là một nhầm lẫn đáng tiếc vì blogger này chỉ cần nhìn lại cái địa chỉ mình đã cất công cắt dán vào bài để thấy rằng nó là trang 14 và chỉ cần nhấn thêm một cú nhấp chuột để chạy sang trang kế thì sẽ thấy tin này nó nằm ngay ở đầu trang, không ai cắt bỏ nó đi đâu cả.

Điều đáng nói là một số website khác cũng vội vàng đăng lại nội dung này lên mà không một ai chịu khó kiểm chứng lại thông tin bằng cách coi thử cái trang nó dẫn mình đến là trang số mấy và coi tiếp xem có phải TBKTSG thật sự cắt mất hai trang báo hay không.

Từ câu chuyện có vẻ nhỏ xíu này, tôi bỗng nhớ lại những bài viết cảnh báo về hiện tượng “đám đông a dua” (mob rule) và tâm lý thích “suy đoán âm mưu” (conspiracy theory) đang đe dọa tính dân chủ của các cộng đồng Internet.

Lấy đoạn trích từ blog nói trên, tại sao người viết có thể dễ dàng suy luận một cách võ đoán “dễ thấy rằng nó bị đồng tiền chi phối quá dễ dàng” cũng như cáo buộc một cách hồ đồ “Uy tín của một tạp chí lớn bị bán rẻ quá dễ dàng bởi sức mạnh của đồng tiền”. Giả thử tìm không thấy, blogger này có thể nhấc điện thoại hay gởi email hỏi tòa soạn, chắc chắn sẽ được bày cách tìm ra trang tin này. (Ở đây xin mở ngoặc nói thêm: Khi sử dụng định dạng epaper, nếu từ Mục lục, bấm vào link Tin chứng khoán thì sẽ được dẫn đến trang đầu tiên - chưa có tin về Mai Linh và nếu bấm vào link kế đó cũng từ Mục lục sẽ được dẫn đến mục khác, cũng không thấy tin Mai Linh; nhưng từ trang đầu tiên của phần Tin chứng khoán, bấm để nhảy từng trang sẽ thấy tin này xuất hiện. Có lẽ đây là lý do blogger này không tìm thấy tin Mai Linh chăng).

Và các blogger khác, khi đọc nội dung, liền có tâm lý chấp nhận điều blogger đưa ra là chính xác và chỉ cần bình luận dựa trên sự khẳng định ấy mà không ai chịu kiểm tra xem cái căn bản để mình bình có chính xác hay không. Đáng buồn thay khi có một blogger khác chịu khó vào xem và cho biết trang tin đó vẫn có, chủ blog vẫn tiếp tục hồ đồ: “Ít ra họ cũng phải biết sợ dư luận và biết lo cho uy tín của mình chứ”!!!

Mạng Internet là nơi người ta có thể nói thoải mái suy nghĩ của mình, nhất là khi ẩn danh. Nhưng điều đáng buồn là lối suy nghĩ theo định kiến, rập khuôn hiện khá phổ biến. Cái lối suy nghĩ như thế là mảnh đất màu mỡ cho sự “cả vú lấp miệng em”, triệt tiêu sự độc lập trong tư duy, đầu óc phê phán – những yếu tố cần thiết để xây dựng một xã hội dân chủ thật sự.

Thursday, February 12, 2009

Kich cau va hanh vi tieu dung

Kích cầu và hành vi tiêu dùng

Nguyễn Vạn Phú

Mục đích của các biện pháp kích cầu suy cho cùng là khuyến khích người dân chi tiêu, tạo đà cho nền kinh tế vận hành, cho mua bán sôi động. Thế nhưng các chính sách kích cầu hiện nay dường như chưa chú ý đến tâm lý tiêu dùng của người dân.

Người dân Á Đông thường chi tiêu tằn tiện hơn người dân phương Tây – gặp giai đoạn khó khăn, họ càng có xu hướng thắt lưng buộc bụng. Người thu nhập càng thấp càng muốn dành dụm nhiều hơn, ngay cả khi thu nhập tăng lên với quan niệm phòng lúc cơ nhỡ. Thời buổi khó khăn, phản ứng rất tự nhiên của nhiều người là giảm bớt chi tiêu, nhất là chi vào các khoản họ cho là chưa cần thiết.
Nay muốn khuyến khích họ tiêu xài, cần cung cấp cho người tiêu dùng những thông tin giúp họ quyết định hành vi tiêu dùng của mình. Một ví dụ dễ thấy nhất là việc hoãn thu thuế thu nhập cá nhân trong 5 tháng đầu năm. Biện pháp này có thể có tác dụng ở một số nước phương Tây nơi người tiêu dùng có thói quen mua trước trả sau (qua tín dụng). Bỗng dưng họ có một khoản tiền chưa phải chi, người quen mua trước trả sau ắt sẽ mạnh dạn chi tiêu, sau tháng 5 rồi mới tính chuyện trả các khoản thuế chưa đóng. Nhưng với người Việt Nam, e rằng tâm lý tiêu khoản tiền mà trước sau gì cũng có thể phải đóng là chuyện khó xảy ra. Có chăng là họ sẽ chuyển khoản tiền thuế chưa nộp thành những dạng tương đương tiền khác (như vàng, ngoại tệ) để tránh lạm phát nhưng phải dễ dàng chuyển lại thành tiền (để nộp thuế khi có yêu cầu). Nếu thế, thị trường tiền tệ lại chịu những áp lực mới, không đáng có.

Lẽ ra đi kèm với chính sách này là những quy định chi tiết hơn, ví dụ, các khoản thuế hoãn nộp sau này sẽ được khấu trừ (nếu phải nộp) trong vòng bao nhiêu năm, mỗi tháng không quá bao nhiêu phần trăm thu nhập. Tốt hơn cả là làm đúng như một số đề nghị cuối năm trước, gởi phiếu cho các đại biểu Quốc hội để có một quyết định rõ ràng: miễn hẳn việc thu thuế thu nhập cá nhân trong vòng 6 tháng đầu năm, chẳng hạn. Ở đây, vấn đề thông tin là thiết yếu để từ đó chi phối đến hành vi tiêu dùng của người đóng thuế.

Các gói kích cầu hiện nay của Chính phủ tập trung nhiều vào nhà sản xuất hơn là người tiêu dùng. Cách làm gián tiếp này khó tác động vào tâm lý tiêu dùng của người dân so với cách kích cầu trực tiếp như của Thái Lan. Bởi hiệu ứng từ kích cầu phải chờ lan tỏa từ nhà sản xuất thông qua người lao động mới trở thành hành vi tiêu dùng của xã hội. Doanh nghiệp và ngân hàng vẫn đang loay hoay làm rõ chủ trương bù 4% lãi suất đi vay; rõ rồi họ mới cân nhắc chuyện vay để làm ăn; tính toán chuyện mở rộng quy mô mới tuyển người; công nhân có thu nhập mới tính chuyện chi tiêu… một quá trình sẽ không thể nào xảy ra trong vài tháng đầu năm.

Trong tiêu dùng, người ta phân biệt hai loại nhu cầu – loại ít thay đổi dù kinh tế có gặp khó khăn và loại biến động mạnh tùy thuộc vào mức độ thu nhập. Việt Nam có may mắn hơn các nước phát triển ở chỗ loại đầu vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tiêu dùng xã hội. Tin tức về việc nhập xe ô-tô đắt tiền dễ gây hiểu nhầm nhưng thật ra tiêu dùng hàng xa xỉ như thế chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ. Đối chiếu tình hình này với chủ trương giảm thuế VAT cho một loạt các mặt hàng mới thấy các mặt hàng này không phải là những món tiêu dùng thiết yếu (như các loại than, hóa chất, ô-tô, sản phẩm cơ khí…) nên việc giảm thuế VAT không có tác dụng gì nhiều đến sức mua của xã hội nói chung. Tại sao không cân nhắc giảm thuế VAT cho các mặt hàng mà bất kể kinh tế có khủng hoảng hay không người ta vẫn phải mua, vẫn phải xài để thật sự khuyến khích tiêu dùng và mở rộng loại nhu cầu thiết yếu như thế. Và nếu có miễn giảm như thế cũng cần có chiến dịch tuyên truyền rộng rãi thì người tiêu dùng mới có thông tin để quyết định mua hay sử dụng dịch vụ.

Với người tiêu dùng Việt Nam, thứ hạng ưu tiên tiêu dùng còn có những khoản không nhỏ dành cho giáo dục. Giả thử nhà nước có chính sách miễn giảm học phí rộng rãi cho học sinh và sinh viên, đó là cách kích cầu trực tiếp có tác dụng nhanh và hiệu quả nhất. Nó lại góp phần giải tỏa những bức xúc của xã hội về ngành giáo dục chưa được giải quyết đến nơi đến chốn.

Wednesday, February 11, 2009

Quan trong nhat la viec lam

Quan trọng nhất là việc làm

Khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã làm đảo lộn nhiều giá trị, trong đó có cả các chuẩn mực đánh giá tăng trưởng kinh tế. Đến nay có lẽ mọi người đều đã đồng ý chưa chắc chỉ số VN-Index của thị trường chứng khoán Việt Nam tăng vọt lên trên 1.000 điểm là điều hay; cũng như con số thu hút vốn đầu tư nước ngoài kỷ lục trong năm ngoái lên đến 64 tỷ đô-la đã là chính xác. Ngay cả các nước cũng đang xem lại việc dùng con số tăng trưởng GDP để đánh giá một nền kinh tế. Một nhóm 24 nhà kinh tế hàng đầu thế giới trong đó có hai nhà kinh tế từng được giải Nobel là Joseph Stiglitz và Amartya Sen dự tính đến tháng 4 năm nay sẽ làm xong một báo cáo về cách cải thiện việc đánh giá các chỉ số kinh tế.

Hiện nay Chính phủ đã tung ra nhiều gói kích thích nền kinh tế như giảm thuế, bù lãi suất vay ngân hàng… Vấn đề là trong những tháng sắp tới nên dựa vào chỉ số kinh tế nào để đánh giá hiệu quả kích cầu của chúng. Trong bối cảnh hiện nay, ưu tiên số một là duy trì việc làm và tạo việc làm mới cho xã hội. Khủng hoảng kinh tế đã làm hàng chục triệu người thất nghiệp ở nhiều nước trên thế giới. Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật này; trước Tết âm lịch, thông tin sơ khởi cho thấy hàng chục ngàn công nhân bị mất việc vì doanh nghiệp đóng cửa, mất đơn đặt hàng hay giảm quy mô sản xuất. Thất nghiệp là hệ quả đầu tiên của khủng hoảng và đến lượt nó, lại làm trầm trọng thêm khủng hoảng vì người tiêu dùng giảm sức mua, người chưa thất nghiệp cũng phải thắt lưng buộc bụng cho những ngày tháng khó khăn sắp tới. Nếu doanh nghiệp sản xuất ra hàng không bán được cho ai vì sức mua yếu thì khó lòng thuyết phục họ vay tiền ngay cả với lãi suất ưu đãi.

Vì vậy, việc làm phải được xem là tiêu chí cần chú ý đầu tiên trong mọi báo cáo về tình hình kinh tế của các địa phương, các ngành. Các gói kích cầu cũng phải lượng định tác dụng tạo ra chỗ làm mới trong phần đánh giá hiệu quả - một điều cho đến nay chưa thấy được thực hiện.

Nói cách khác, việc thiết kế các gói kích cầu phải xem mục tiêu tạo công ăn việc làm là ưu tiên hàng đầu. Việc làm phải là một trong những tiêu chí xem xét một doanh nghiệp, một lãnh vực có nhận được những biện pháp hỗ trợ từ ngân sách hay không. Nên nhớ từ đầu năm 2009, người lao động và doanh nghiệp sử dụng lao động phải đóng thêm một khoản phí bảo hiểm thất nghiệp lên đến 2% quỹ lương, một gánh nặng mới không phải là nhỏ. Thiết nghĩ, thay vì giảm thuế VAT cho những ngành không có tác dụng nhiều lắm đến tiêu dùng xã hội, nên hoãn thu khoản này trong cả năm nay thì tác dụng duy trì việc làm sẽ cao hơn. Hiện nay mới chỉ cho doanh nghiệp tạm dãn nộp khoản phí này trong 5 tháng đầu năm nhưng công nhân thì vẫn phải nộp. Hoãn thu phí bảo hiểm thất nghiệp trong khi vẫn triển khai chính sách bảo hiểm thất nghiệp còn có tác dụng trực tiếp đến người làm công ăn lương, bất kể thu nhập, cao hơn cả việc hoãn thu thuế thu nhập cá nhân trong năm tháng đầu năm vì hầu như chỉ có người có thu nhập cao được thụ hưởng mà thôi.

Tuesday, February 10, 2009

Chuan bi cho xu huong moi

Chuẩn bị cho xu hướng mới

Thật không thể hình dung được có ngày Trung Quốc lên tiếng cổ xuý cho tự do hoá thương mại và Mỹ đang tìm cách dựng lên hàng rào bảo hộ sản xuất nội địa. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang dẫn đến những xu hướng kinh tế mới như thế mà chúng ta cần theo dõi để thích nghi và tận dụng.

Nếu trước đây Mỹ luôn thúc ép các nước đang phát triển như Trung Quốc tháo gỡ các rào cản thương mại thì nay gắn với gói kích cầu Tổng thống Obama tìm cách thông qua, quốc hội Mỹ đề nghị đưa ra quy định các dự án sử dụng tiền kích cầu này phải dùng hàng của Mỹ. Hạ viện thì đòi phải mua sắt thép sản xuất trong nước; thượng viện đòi mở rộng ra toàn bộ hàng hoá và thiết bị. Chiến dịch “Người Mỹ dùng hàng Mỹ” nếu được thông qua chắc chắn sẽ tác động mạnh lên các nước phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Trung Quốc và hoàn toàn trái với tinh thần tự do hoá thương mại của WTO. Dĩ nhiên Trung Quốc phản đối. Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo phát biểu: “Chủ nghĩa bảo hộ thương mại không có tác dụng gì tốt vì nó sẽ kéo dài thêm cuộc khủng hoảng”.

Thật ra đây chỉ là ví dụ mới nhất và được chú ý nhiều nhất. Hàng loạt sự vụ tương tự cho thấy phản ứng tự nhiên của nhiều nước và nhiều chính khách trước khủng hoảng là tạm thời đóng cửa thị trường hòng giảm nhẹ tác động từ bên ngoài và xoa dịu lòng dân. Chuỗi sản xuất toàn cầu bị đe doạ gãy đứt ở nhiều khâu và càng gây xáo động cho những nước đang tham gia sâu vào quá trình toàn cầu hoá. Vận tải hàng hoá bằng đường hàng không trong tháng 12.2008 đã giảm đến 22,6% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều nhà bình luận từ các nước đang phát triển nhận định họ có cảm giác bị lừa vì quá trình toàn cầu hoá được ca tụng trước đây hóa ra đem lại lợi ích nhiều nhất cho khu vực tài chính trong khi chỉ mang lại đồng lương thảm hại cho công nhân các nước gia công kèm theo là xáo động xã hội và ô nhiễm môi trường. Nay khủng hoảng trong khu vực tài chính đang giáng những đòn chí mạng vào khu vực sản xuất khi các nước nhập khẩu tìm cách đóng cửa thị trường hay trợ cấp trực tiếp cho nhiều ngành công nghiệp. Các gói giải cứu ngành ô tô ở nhiều nước là một ví dụ về tính hai mặt không thể chấp nhận được khi những nước này vẫn buộc các nước nhập khẩu cắt giảm thuế nhập khẩu ô tô.

Điều đáng nói là các chính khách về mặt công khai sẽ tiếp tục lớn tiếng ủng hộ tự do hoá thương mại nhưng bên trong sẽ đưa ra những chính sách hoàn toàn trái ngược, nhất là những hình thức bảo hộ tinh vi trong ngành tài chính, ngân hàng.

Có lẽ sản xuất toàn cầu sẽ cần thêm một thời gian dài mới tìm ra mô hình thích hợp hơn, công bằng hơn nhưng trong bối cảnh đó, rõ ràng chúng ta phải xác định cho được những sản phẩm của Việt Nam mà các nước nhập khẩu không thể thiếu hoặc không thể sản xuất với hiệu quả tương đương để có thể đàm phán hợp đồng ở thế thượng phong. Nông sản là một trong những mặt hàng như thế. Những ngành hàng thâm dụng lao động khó lòng cạnh tranh với Trung Quốc vì họ sẽ sẵn sàng trợ giá cho hàng xuất khẩu bất kể quy định của WTO. Việc thực hiện các cam kết WTO trong bối cảnh này cũng cần thận trọng hơn. Nếu phải nâng thuế suất thuế nhập khẩu những mặt hàng xa xỉ để hạn chế nhập siêu và giữ lại những đồng ngoại tệ rất quý giá trong hoàn cảnh hiện nay thì chúng ta vẫn có thể làm được. Đặc biệt việc trợ cấp trong nông nghiệp vẫn còn nhiều cơ hội để chúng ta xoay xở vừa giúp ổn định thu nhập của nông dân vừa tăng kim ngạch xuất khẩu.

Xu hướng mới trong kinh tế toàn cầu, kể cả dòng vốn đầu tư nước ngoài đang chững lại, cũng buộc chúng ta phải xem lại mô hình phát triển dựa vào xuất khẩu. Cần bổ sung cho mô hình này những chính sách hỗ trợ cho sản xuất nhắm vào thị trường nội địa và xa hơn là nâng sức mua cho người dân trong nước. Việt Nam có những đặc điểm khác với các nước nên cũng cần có những biện pháp phù hợp với những đặc điểm đó. Ví dụ người dân nước ta tiết kiệm một khoản thu nhập khá lớn cho việc học hành của con cái. Nếu ngân sách rót trực tiếp vào giáo dục để giảm nhẹ chi phí giáo dục của người dân, điều này sẽ nâng sức mua của người dân lên một cách đáng kể.

Quan trọng hơn cả là lĩnh vực tài chính, không thể nào thả lỏng cho đồng vốn nóng gián tiếp cứ vào ra thoải mái, gây xáo động thị trường tiền tệ, tài chính và chứng khoán. Đây là lĩnh vực dễ kiểm soát nhất và không gây phản ứng nào về chuyện thực thi hay không thực thi các cam kết WTO, ít nhất là trong bối cảnh hiện nay. Kiểm soát dòng vốn này chính là chúng ta đang tự vệ trong khi chờ một mô hình mới cho nền kinh tế toàn cầu sẽ dần định hình trong thời gian tới.

Quốc Học

Thursday, February 5, 2009

Khung hoang, co that la khung hoang chang?

Khủng hoảng? Có thật là khủng hoảng chăng?

Nguyễn Vạn Phú

Có lẽ thế giới đang phải trả giá cho lòng tham của mình, không phải là lòng tham tiền bạc như những lý giải cho cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay, mà là lòng tham biến cái khát khao của người tiêu dùng thành nhu cầu để toàn nền kinh tế chạy đua tìm cách thỏa mãn.

Cuộc đời sẽ đơn giản biết bao nếu chiếc máy điện thoại chỉ được dùng để gọi điện thoại. Thế nhưng cứ đọc qua các quảng cáo hào nhoáng, chúng ta sẽ thấy chiếc điện thoại được biến thành một vật không thể thiếu để… chứng tỏ đẳng cấp của người dùng. Xe gắn máy cũng vậy – một chiếc giá 10 triệu cũng đưa người lái để chỗ làm hay đi về nhà nhanh chóng và an toàn không kém một chiếc giá 100 triệu đồng. Hay thậm chí một chai bia uống ở nhà và chai bia uống trong tiệm ăn năm sao, chất lượng không khác gì nhau nhưng giá cả một trời một vực. Hàng chục ngàn ví dụ có thể kể ra cho thấy nhiều sản phẩm được ra đời và được quảng bá biến từ “cái người ta muốn có” thành “cái người ta cần có” và đó dường như đã trở thành động lực phát triển của nền kinh tế toàn cầu.

Thật ra mô hình đó không có gì sai trái cả. Từ ngàn xưa, nhu cầu của từng cá nhân đã khác nhau và hàng loạt sản phẩm có giá cả khác nhau ra đời để thỏa mãn cái nhu cầu đa dạng đó. Nó cũng là động lực thúc đẩy kinh doanh toàn cầu, giúp hình thành những con đường giao thương trù phú.

Vấn đề ở chỗ người ta đã đẩy mô hình này đến chỗ cực đoan, nhất là khi toàn cầu hóa giúp người ta tận dụng được tài nguyên, vật lực ở khắp nơi để nhanh chóng thỏa mãn bất kỳ khát khao nào của người tiêu dùng với sự hỗ trợ của đủ loại phương tiện truyền thông ngày đêm giội bom kích thích lòng ghen tị, ước muốn chiếm hữu, tâm lý muốn hơn người khác. Chính cái mô hình biến ước muốn của người tiêu dùng thành nhu cầu rồi tìm cách thỏa mãn cái nhu cầu đó đã làm tài nguyên trái đất ngày càng cạn kiệt, ô nhiễm xảy ra khắp nơi trong khi không thể giúp hàng trăm triệu người khác có đủ cơm ăn áo mặc theo đúng nhu cầu rất sơ đẳng của họ.

Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay chính là cơn đau đớn của nền kinh tế toàn cầu khi phải tự điều chỉnh, co cụm lại, giảm bớt sự chạy đua phi lý nói trên, quay về lại những nhu cầu cơ bản của con người. Biểu hiện đầu tiên có thể ở lãnh vực tài chính nhưng nay đã xuất hiện ở lãnh vực sản xuất và dịch vụ.

Xin dừng lại ở Microsoft như một ví dụ điển hình cho mô hình kinh tế nói trên. Cứ mỗi lần Microsoft tung ra một phiên bản hệ điều hành Windows mới là cả thế giới lao vào sản xuất phần cứng để đáp ứng, người tiêu dùng bỏ tiền ra nâng cấp, ai nấy đều vui vẻ, GDP nước nào cũng ghi thêm điểm tăng trưởng. Nhưng thử hỏi nhu cầu của con người có thay đổi nhanh bằng tốc độ Microsoft cho ra đời phần mềm mới chăng? Bộ xử lý văn bản Office chẳng hạn, có bao giờ chúng ta sử dụng đến những tính năng mới của Word hay Excel mà Microsoft dày công quảng cáo hay cũng chỉ giới hạn những tính năng cũ.

Đến phiên bản Windows Vista, thế giới tiêu dùng bắt đầu nói không, sau hai năm số người dùng Windows XP vẫn cao hơn nhiều lần số người dùng Vista. Thậm chí vì máy mới bán kèm Vista, các dịch vụ “cài lùi” về XP lại nở rộ. Microsoft đang phải chuẩn bị tung ra Windows 7 sớm hơn dự định để sửa sai, với yêu cầu hàng đầu là đơn giản, tiện dụng cho người dùng.

Vì vậy, nói kinh tế thế giới đang rơi vào khủng hoảng cũng đúng nhưng nói kinh tế thế giới đang loay hoay tìm lối thoát bằng cách quay trở về các giá trị cơ bản cũng không sai. Trái đất mong manh này không thể đủ sức để thỏa mãn khát khao không giới hạn của con người – trước sau gì nền kinh tế cũng phải trải qua sự điều chỉnh như hiện nay. Chỉ có điều quá trình chuyển đổi đó sẽ đem lại biến động khôn lường cho từng cá nhân và từng quốc gia.

Trong bối cảnh đó, không một gói kích cầu nào đủ sức để xoay chuyển tình thế. Dự báo mới nhất của IMF vào tuần trước cho rằng kinh tế thế giới năm nay chỉ tăng trưởng 0,5%, mức thấp nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai; tệ hại hơn, các nước phát triển sẽ chứng kiến GDP bị co rút lại khoảng 2%, một hiện tượng chưa từng xảy ra. Bây giờ chỉ còn hy vọng sự hoảng loạn trong sản xuất toàn cầu sẽ lắng xuống; các nhu cầu thiết thực cho cuộc sống sẽ định hình; bộ máy kinh tế tập trung vào chúng; mức sống từng người sẽ ổn định để họ bắt đầu chi tiêu cho các nhu cầu ấy. Và cũng hy vọng, lúc đó, thế giới đã rút ra bài học từ cuộc khủng hoảng hiện nay để không tiếp tục rơi vào vòng xoáy mới khi tìm cách khơi dậy lòng khát khao của nhân loại như một động lực phát triển duy nhất.

AI - hype and reality

  AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...