Saturday, November 29, 2008

Tan man chuyen giao duc

Tản mạn chuyện giáo dục

Nguyễn Vạn Phú

+ Đôi lúc lẩn thẩn tự hỏi, giả dụ mình phỏng vấn một người Anh đến Việt Nam xin việc làm, nghe nói rất giỏi tiếng Việt, mình sẽ phỏng vấn như thế nào nhỉ? Chắc sẽ bày đặt ra một vài tình huống để anh này ứng xử bằng tiếng Việt xem sao. Còn kiểm tra bằng giấy, chắc cũng yêu cầu anh này viết một thư ngắn trả lời cho một khiếu nại của khách hàng hay cùng lắm là bắt trả lời một số câu hỏi dựa vào một bài báo tiếng Việt để xem anh ta đọc có hiểu chính xác không.

Trong một tình huống như vậy, có lẽ không ai trong chúng ta nghĩ đến việc bắt người được phỏng vấn xác định đâu là chủ ngữ, đâu là vị ngữ trong một câu tiếng Việt. Không ai bắt anh ta phân tích câu đơn, câu phức hay đổi câu “Tôi đang đói bụng” sang thì quá khứ!

Ấy vậy mà chúng ta đã có thời ra đề kiểm tra trình độ ngoại ngữ của học sinh theo kiểu đó. Hết “chủ động” qua “bị động”, hết “quá khứ hoàn thành” qua “tương lai tiếp diễn”. Nay mặc dù việc soạn đề thi có khá hơn nhưng tâm lý người ra đề, nhất là các đề thi trình độ cao cao một chút, vẫn xoay quanh các kỹ năng về một ngôn ngữ mà ngay chính người bản ngữ cũng chưa biết rành rẽ.

Đề thi nào cũng quanh quẩn các hình thức nhằm bẫy cho thí sinh bị sai hơn là nhằm kiểm tra được khả năng sử dụng ngoại ngữ của họ. Việc dạy và học cũng không khá hơn khi ai nấy chăm chăm vào cái vỏ bọc ngôn ngữ mà không chịu chú ý đến thông tin được chuyển tải. Chẳng lạ gì có một quảng cáo cứ khẳng định “Muốn học giỏi tiếng Anh phải giỏi văn phạm”.

Trong tình huống phỏng vấn nói ở trên, điều chúng ta cần biết là khả năng giao tiếp của anh chàng người Anh khi sử dụng tiếng Việt còn vỏ bọc ngôn ngữ, đặc biệt là cách phát âm, sẽ được chính chúng ta coi là thứ yếu. Chúng ta sẽ thán phục nếu anh này hiểu được những khái niệm mới nảy sinh như “lô-cốt”, biết miêu tả tình huống mới như “kẹt xe, ngập nước” hơn là khi anh chàng này nói thao thao bất tuyệt về vẻ đẹp Vịnh Hạ Long nhờ học thuộc lòng trước một bài văn mẫu nào đó.

Nếu không sớm thay đổi cách nhìn về chuyện dạy, học và kiểm tra các môn ngoại ngữ, trình độ sử dụng ngoại ngữ nói chung của xã hội sẽ tụt hậu và đến một lúc nào đó, người Việt Nam sẽ sử dụng một thứ ngoại ngữ mà chỉ có thế hệ những người lớn tuổi của nước có ngoại ngữ đó hiểu mà thôi.

* * *

+ Một dịp tình cờ, người viết chứng kiến học sinh mẫu giáo ở một nước nói tiếng Anh học về các giác quan. Cô giáo trò chuyện với học sinh, hỏi những câu rất bình thường như nhà em có nuôi chó không, em có thường vuốt ve nó không và kết thúc bằng câu hỏi, vậy đó là giác quan gì. Các em học sinh không những trả lời nhanh chóng dễ dàng mà sau đó còn tự nghĩ ra các tình huống tương tự để đố nhau về các giác quan. Toàn là những từ quen thuộc với lứa tuổi các em.

Bây giờ giả thử chuyển lớp học này sang Việt Nam, ngôn ngữ giảng dạy là tiếng Việt. Các em sẽ bị “choáng váng” vì những từ như “xúc giác, vị giác, khứu giác, thích giác, thị giác”. Các em sẽ không dễ dàng gì liên tưởng chuyện sờ, nếm, ngửi, nghe, thấy với những khái niệm xa lạ này nên khó lòng nhớ và sử dụng chúng cho chính xác.

Và từ đây, người viết cũng lẩn thẩn nghĩ, không biết các khái niệm trong tiếng Việt kiểu như thế có là trở ngại cho việc giảng dạy kiến thức tại nhà trường phổ thông. Chắc là có. Ngay cả các mẫu tự trong các công thức cũng không dính líu gì đến kiến thức đã học trong khi học sinh học bằng tiếng Anh sẽ dễ dàng hiểu và nhớ T là time; V là velocity; S là size… Ví dụ với môn quản trị kinh doanh, sinh viên phải vật lộn với hàng loạt từ mới chưa từng sử dụng trong cuộc sống hàng ngày như “hiện giá”, “tỷ suất hoàn vốn nội bộ”… trong khi ở ngôn ngữ khác như tiếng Anh, chúng là những từ thông dụng hằng ngày.

Chuyện này khó thay đổi. Nhưng điều có thể thay đổi được và cũng là xu hướng truyền đạt kiến thức ở các nước là chú trọng mỗi bài học, nên rút ra, in đậm, nhấn mạnh, giải thích, tập sử dụng một số khái niệm cơ bản để hiểu bài. Hiện nay sách giáo khoa được soạn theo cách trình bày có đầu có đuôi, nói hết mọi điều người soạn sách nghĩ học sinh cần biết nhưng hầu như không có điểm nhấn. Sách trình bày rất đơn điệu, theo kiểu tiết kiệm giấy, không tận dụng các kỹ thuật trình bày đã là chuẩn mực của sách giáo khoa nhằm giúp người học dễ theo dõi, dễ hiểu, dễ nhớ… Thiết nghĩ chuyện cải cách giáo dục cũng phải tính đến các yếu tố này.

* * *

+ Việc phân bổ các môn học trong chương trình phổ thông ở các nước cũng đáng tham khảo. Một học sinh có thể đăng ký học môn Vật lý lúc học lớp 10, đến lớp 11 chuyển qua học Hóa học, năm 12 học Sinh vật, tức là năm nào học xong hết chương trình trung học cho môn ấy, những năm sau khỏi cần học lại. Các môn xã hội cũng vậy, Lịch sử một năm, Địa lý một năm. Với các phân bổ này, học sinh bỗng dư ra một lượng thời gian khá lớn để đăng ký học những môn mà các em thích chọn như Tâm lý học đại cương, Kinh tế học thường thức, Chính trị các nước hay thậm chí những môn nghe có vẽ “ăn chơi” như Tranh luận, Kỹ năng sống, Thời sự, Nấu ăn, Nhiếp ảnh…

Chắc có người sẽ chê, toàn bộ Vật lý cấp ba mà học trong một năm làm sao hết được, chỉ là kiểu cưỡi ngựa xem hoa. Thú thiệt đây là nhận xét, người viết không biết đúng sai nhưng chỉ có điều ở những nước phân môn theo kiểu đó, học sinh có thiên hướng thích học kỹ môn nào đều có thể ghi danh lớp đặc biệt, dành riêng cho những học sinh giỏi, kiểu lớp chọn ở nước ta. Mà suy cho cùng, phân môn kiểu đó như một dạng phân ban không chính thức, học sinh sau này đi theo ngành Kinh tế chẳng hạn, đâu cần học kỹ môn Sinh vật như học sinh sẽ theo ngành Y. Trong bối cảnh chúng ta đang loay hoay giảm tải, loay hoay thí điểm chuyện phân ban, nên nghiên cứu xem cách các nước đang áp dụng có khả thi ở nước ta hay không, sẽ đem lại lợi ích gì và cần cân nhắc những gì – với mục tiêu đào tạo ra những con người biết thích nghi với thời đại đang thay đổi hiện nay.

Thursday, November 27, 2008

Kich cau, nhung kich nhu the nao

Kích cầu – nhưng kích như thế nào?

Nguyễn Vạn Phú

Mỗi khi hoạt động sản xuất kinh doanh rơi vào chỗ đình trệ người ta liền nghĩ đến chuyện kích thích kinh tế mà ở Việt Nam thường được gọi một cách hình tượng “kích cầu”.

Kích thích hoạt động kinh tế thường từ được xem xét từ hai góc độ cung và cầu; biện pháp cũng thường được tính đến từ hai nguồn tài khóa và tiền tệ. Với Việt Nam hiện nay tìm cách kích thích nền kinh tế mà không gây ra lạm phát là một bài toán khó, cần cân nhắc thấu đáo.

Từ tặng tiền đến miễn thuế

Cách kích cầu có tác dụng nhanh nhất là đưa tiền do người dân chi tiêu. Nghe qua tưởng chuyện đùa nhưng đã có nhiều nơi trên thế giới áp dụng cách đó. Tuần trước gói giải pháp kích thích kinh tế của Đài Loan có cả biện pháp cấp phiếu mua hàng cho dân Đài Loan trước Tết Nguyên Đán năm nay, mỗi người được chừng 3.600 Đài tệ (gần 2 triệu đồng). Nếu tất cả mọi người dùng phiếu để mua hàng thì GDP Đài Loan nhờ đó sẽ tăng chừng 0,64% trong năm 2009. Hồi đầu năm Mỹ cũng quyết định “thối lại” tiền thuế cho dân Mỹ, đa số được chừng 600 đô-la mỗi người. Người dân có chi tiêu thì hàng hóa sản xuất ra mới bán được và nhờ đó doanh nghiệp mới hoạt động, công nhân có việc làm và nhà nước lại thu được thuế.
Việt Nam chắc không có chuyện trao tiền mặt như thế nhưng vẫn có thể có những biện pháp gần tương đương như giảm hay miễn thuế VAT trong một thời gian nhất định hay với một số mặt hàng nhất định (nếu miễn thuế VAT trong một thời gian ngắn, rất có thể kích thích người ta đi mua hàng để được giảm giá ngay lúc đó vì sau thời gian miễn thuế giá hàng sẽ trở về như cũ).

Một trong những biện pháp kích thích như thế nhưng có hiệu quả lan tỏa rộng là giảm giá xăng, kể cả giảm thuế nhập khẩu xăng để buộc các công ty kinh doanh xăng dầu giảm giá hơn nữa. Theo tính toán của tờ Wall Street Journal, khi giá xăng giảm từ 147 đô-la/thùng còn 50 đô-la/thùng, toàn bộ nền kinh tế Mỹ nhận được một khoản “trên trời rơi xuống” chừng 250-300 tỷ đô-la mà không cần chi xu nào từ ngân sách. Vấn đề là làm sao thúc đẩy các công ty kinh doanh xăng dầu giảm giá cho đúng với mức giá thực tế của thế giới, đừng để họ lập luận rất trái với quy luật kinh doanh như mua xăng lúc giá cao nên phải bán cho hết mới giảm giá được!

Ở góc độ tăng cung, các biện pháp thường được tiến hành gồm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, cho khấu trừ chi phí rộng rãi hơn, hỗ trợ doanh nghiệp bằng nhiều biện pháp khác với mục đích là làm sao doanh nghiệp tạo ra nhiều hàng hóa hay dịch vụ hơn. Thuế thu nhập doanh nghiệp được giảm từ 28% còn 25% bắt đầu từ năm 2009 là một khởi đầu tốt. Tuy nhiên, với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, các biện pháp nên hướng đến hỗ trợ tăng kim ngạch xuất khẩu, vừa thúc đẩy được tăng trưởng kinh tế, vừa thu ngoại tệ về nhằm bảo đảm cán cân thanh toán và tạo nhiều công ăn việc làm. Ở đây việc xác định một tỷ giá hối đoán hợp lý là điều cần cân nhắc sớm. Lấy ví dụ ngành du lịch, một dạng xuất khẩu tại chỗ, hiện đang gặp nhiều khó khăn vì khách du lịch chê đến Việt Nam chịu giá phòng, giá tour quá đắt so với các nước khác. Giá phòng khách sạn ở Hàn Quốc chẳng hạn có thể vẫn được giữ nguyên như đầu năm khi tính bằng đồng won nhưng nếu chuyển sang trả bằng đô-la thì giảm đi rất nhiều, cùng với sự sụt giá của đồng won so với đô-la Mỹ, chẳng lạ gì khách sẽ cho là rẻ. Việc xuất khẩu các mặt hàng cũng vậy – một tỷ giá gắn với đồng đô-la đang lên giá mạnh so với nhiều đồng tiền khác trong khu vực đang làm cho hàng Việt Nam mất tính cạnh tranh. Số liệu xuất khẩu trong chiều hướng giảm của mấy tháng gần đây cho thấy điều đó.

Kích cầu đầu tư

Tuy nhiên, tin tức rộ lên khắp các nước liên quan đến các gói giải pháp kích thích nền kinh tế tập trung quanh chuyện kích cầu đầu tư. Trung Quốc gây ngạc nhiên cho toàn thế giới khi công bố gói kích thích tài chính trị giá đến 586 tỷ đô-la đến năm 2010. Cho dù có nhiều phân tích tỏ ý nghi ngờ con số chi tiêu thật sự từ ngân sách nhà nước là bao nhiêu, tuyên bố của Trung Quốc phải chăng là màn PR cho hội nghị G-20 diễn ra sau đó, chắc chắn sẽ có những khoản tiền lớn Trung Quốc sẽ đổ vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đường sá, cầu cống, trường học, sân bay… nhằm, trước hết tạo công ăn việc làm cho hàng triệu công nhân thất nghiệp sau khi hàng loạt nhà máy phải đóng cửa.

Tổng thống đắc cử Obama cũng cho rằng ưu tiên của ông ngay sau khi nhậm chức là làm sao thông qua gói kích thích kinh tế, trong đó có những dự án hạ tầng như sửa sang hệ thống đường sá, cầu cống đã xuống cấp của Mỹ và xây dựng các cơ sở sản xuất năng lượng thay thế. Bản thân các dự án hạ tầng có độ trễ về hiệu quả nên Obama chú trọng đến loại dự án chỉnh trang, sửa chữa nhằm tạo công ăn việc làm là chính và tăng nhanh thời gian phát huy hiệu quả của dự án. Trong khi Trung Quốc nhấn mạnh đến con số 586 tỷ đô-la, Obama nhấn mạnh con số 2,5 triệu việc làm sẽ được tạo ra trong hai năm tới nhờ gói kích thích này.

Nói đến biện pháp này, nhiều người Việt Nam lo ngại nếu chính sách tài khóa mở rộng, sẽ có khả năng nền kinh tế rơi vào chỗ mất ổn định như những tháng đầu năm. Vấn đề là nếu nóng vội kích cầu đầu tư thông qua các tập đoàn kinh tế nhà nước vì đây là nơi dễ triển khai nhất, dễ dùng mệnh lệnh hành chính nhất, chúng ta sẽ rơi vào bế tắc cũ vì đầu tư thông qua các tập đoàn và tổng công ty đã được chứng minh là kém hiệu quả nhất. Có thể giải quyết mâu thuẩn này, trước hết, bằng cách thúc đẩy giải ngân những dự án ODA đang trì trệ. Đây là những khoản vay đã có sẵn, lãi suất thấp, dự án cũng đã sẵn sàng. Tập trung tháo gỡ những vướng mắc mang tính thủ tục, hành chính hay tệ quan liêu bàn giấy chính là cách kích cầu đầu tư hiệu quả nhất trong tình hình hiện nay.

Đây cũng là dịp triển khai các dự án đầu tư công bị đình trệ vì giá cả nguyên vật liệu xây dựng tăng vọt trong những tháng đầu năm. Tận dụng cơ hội giá cả đang giảm, chúng ta có thể khởi động lại hàng loạt dự án để tạo thêm công ăn việc làm. Vấn đề là thúc đẩy quá trình cải cách để mở rộng cơ hội tham gia cho nhiều công ty từ thành phần kinh tế tư nhân, là nơi có độ linh hoạt cao trong việc tuyển dụng và tính toán chi phí.

Dù sao chuyện được nhiều người quan tâm hiện nay là lãi suất hay nói rộng ra là chính sách tiền tệ hướng đến kích thích kinh tế. Theo chúng tôi, vấn đề không nằm ở lãi suất, nhất là ở Việt Nam khi chi phí cho lãi suất cao hay thấp chưa hẳn đã tác động đến quyết định vay hay không vay của doanh nghiệp. Nếu không có cơ hội, lãi suất thấp chưa hẳn đã kích thích doanh nghiệp vay tiền làm ăn. Vấn đề là khơi thông dòng chảy của đồng vốn từ ngân hàng đến doanh nghiệp. Phải giúp một số ngân hàng lành mạnh hóa tình hình tài chính, tách rời các khoản vay địa ốc, xem chúng như những tài sản xấu cần giải quyết riêng mới mong ngân hàng tiếp tục cho vay sản xuất kinh doanh. Cho đến nay mà Ngân hàng Nhà nước còn phải buộc các ngân hàng thương mại báo cáo lại các con số cho vay địa ốc thì giải pháp chưa thể nào có nhanh được. Nếu hạ lãi suất cơ bản và giảm dự trữ bắt buộc khi chưa làm được chuyện tách bạch này, rất có khả năng ngân hàng sẽ lại đảo nợ địa ốc và bơm lại chiếc bong bóng nguy hiểm này.

Sunday, November 23, 2008

Kinh te... phi thi truong

Kinh tế… phi thị trường

Nguyễn Vạn Phú

Trong khi Việt Nam đi theo nền kinh tế thị trường đã khá lâu, cách suy nghĩ của nhiều nhà quản lý, nhiều chuyên gia kinh tế và thậm chí của một số doanh nhân lại không theo quy luật thị trường chút nào mà chủ yếu theo trực giác bị tác động bởi tư duy kinh tế thời bao cấp.

Lấy ví dụ chuyện lãi suất. Nhiều người cứ nhầm cắt giảm lãi suất cơ bản ở Việt Nam cũng giống kiểu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất. Thật ra, lãi suất Fed thường tuyên bố cắt là lãi suất qua đêm (Fed Fund rate), tức là lãi suất các ngân hàng tính cho nhau khi vay mượn qua đêm các khoản tiền gởi ở Fed để bảo đảm mức dự trữ bắt buộc. Nói chính xác hơn nữa, Fed cũng không quyết định lãi suất mà chỉ đưa ra mức lãi suất muốn hướng đến; sau đó dùng thị trường mở để tác động sao cho lãi suất qua đêm ứng với lãi suất muốn có.

Ở Việt Nam, lãi suất cơ bản là “lãi suất do Ngân hàng Nhà nước công bố làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất kinh doanh”. Nói nôm na, đây là lãi suất tốt nhất do ngân hàng tốt nhất cho khách hàng vay. Bỗng nhiên, sau lần tranh cãi xem có nên sửa đổi Bộ Luật dân sự (“Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng”), lãi suất này tự dưng trở thành mốc để suy ra lãi suất trần. Ví dụ, lãi suất cơ bản vừa được cắt giảm còn 12%, người ta suy ra lãi suất cho vay tối đa sẽ ở mức 18%! Tức là một điều luật nhằm ngăn chận hiện tượng cho vay nặng lãi ngoài xã hội bỗng trở thành yếu tố điều tiết lãi suất của hệ thống ngân hàng chính thống!

Lẽ ra, để giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước phải dùng các công cụ khác như thị trường mở, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu… còn lãi suất cơ bản chỉ là kết quả hướng đến sau cùng, làm định hướng cho các ngân hàng thấy xu hướng của lãi suất. Lấy lãi suất cơ bản để ấn định trần lãi suất là việc làm trái quy luật thị trường.

Chưa hết, khi lập luận lãi suất cao hay thấp, nhiều người dùng chỉ số lạm phát của tháng 10 hay chỉ số lạm phát từ đầu năm đến nay. Nếu lấy chỉ số tháng 10 (âm 0,19%) ai cũng nói lãi suất quá cao; còn lấy mức từ đầu năm đến nay (23,15%), ai cũng thấy chưa nên giảm lãi suất. Trong khi đó chỉ cần nhớ lại lãi suất thực dương là lãi suất cao hơn mức lạm phát kỳ vọng trong tương lai, việc phải làm trước khi nói lãi suất cao hay thấp là dự đoán cho được mức lạm phát kỳ vọng chứ không phải dùng số liệu đã qua. Quốc hội vừa mới thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2009, trong đó chỉ số giá tiêu dùng cho năm 2009 dưới 15%. Đấy chính là một trong những mốc có thể lấy để suy xét lãi suất nên ở mức nào để “thực dương”. Và đấy cũng là một chỉ dấu để giải quyết cuộc tranh luận liệu Việt Nam đã rơi vào tình trạng giảm phát, một tranh luận không đáng có bởi những người vội vàng nhìn vào con số âm 0,19% nói trên.

Chính vì không nhìn sự vận hành của nền kinh tế theo quy luật thị trường nên giới quản lý thường muốn phát biểu mang tính trấn an thị trường chứ không phân tích thấu đáo, cặn kẽ rồi để tự thị trường quyết định. Ví dụ, khi Ngân hàng Nhà nước quyết định nới biên độ giao dịch giữa tiền đồng và đô-la Mỹ lên cộng trừ 3% từ mức cộng trừ 2% trước đó, chắc chắn đô-la sẽ lên giá so với tiền đồng. Lẽ ra phải nhấn mạnh đây là bước đi hoàn toàn bình thường trong bối cảnh đô-la Mỹ lên giá mạnh so với hầu hết các đồng tiền khác, một số người lại trấn an một cách không cần thiết rằng tỷ giá không vượt qua mức 17.000 đồng/đô-la. Đến khi tỷ giá lên mức này, lại có người giải thích ấy là do dân buôn lậu vàng gom đô-la! Nếu đứng tách ra một chút người ta dễ thấy rằng tiền đồng, khi gắn với giá trị đồng đô-la, đang lên giá mạnh so với đa số đồng tiền trong khu vực và nhiều nước khác trên thế giới mà chúng ta có quan hệ thương mại và cần phải điều chỉnh ngay để duy trì sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu của nước ta. Tính thị trường ở đây là đặt tương quan tiền đồng với một rỗ ngoại tệ chứ không chỉ đô-la Mỹ và cần giải thích một cách sòng phẳng như thế.

Các phát biểu phi thị trường xuất hiện nhiều nhất từ các công ty quốc doanh, từ ngành kinh doanh xăng dầu (chuyện lời lỗ), kinh doanh điện lực (chuyện đầu tư) đến các doanh nghiệp địa ốc (chuyện bơm vốn). Nếu chúng chỉ dừng ở mức phát biểu thì không sao vì người dân họ rất nhạy bén để hiểu đâu là phát biểu có thể làm lạc hướng dư luận. Nhưng nếu chúng trở thành áp lực “vận động hành lang” để tác động lên chính sách thì đó là điều nguy hiểm cho nền kinh tế thị trường đang hình thành và dần bén rễ.

Wednesday, November 12, 2008

Dien toan dam may

Điện toán đám mây

Vân Cầm

Nền công nghệ thông tin sẽ sang trang mới cùng với khái niệm “điện toán đám mây” (cloud computing). Đây là khái niệm có tầm ý nghĩa ngang với việc chuyển đổi từ điện toán trên máy mainframe của IBM ngày trước sang máy tính cá nhân kéo theo sự hưng thịnh của Microsoft. Nay có lẽ là thời “lên mây” của Google?

Điện toán đám mây là gì

Vào giữa thập niên 1990, người viết bài này phải loay hoay dùng các phần mềm dạng dBase để lưu từng tấm danh thiếp của bạn bè, đối tác… Cái cơ sở dữ liệu thô sơ ấy đã từng tỏ ra đắc dụng khi chỉ cần một vài thao tác, người viết tìm ra ngay số điện thoại hay địa chỉ của một công ty. Nay không ai làm theo cách này nữa. Trên Internet đã có sẵn hàng chục trang chuyên cung cấp dịch vụ tìm kiếm thông tin trên danh bạ công ty, có thể truy cập được từ máy tính cơ quan, máy xách tay ở ngoài, điện thoại di động hay thậm chí một máy nghe nhạc có wifi như iPod Touch. Như vậy, trong lãnh vực này, có thể nói điện toán đám mây đã hiện diện – công nghệ thông tin chuyển từ máy tính để bàn với phần mềm cài trên máy, dữ liệu lưu trong máy, người sử dụng ngồi trước máy bây giờ đã “lên các đám mây trên trời” vì dữ liệu nằm đâu đâu trong không gian ảo, phần mềm cũng vậy, còn máy để truy cập chúng có thể là bất kỳ loại gì chứ không nhất thiết là máy tính cá nhân nữa.

Đây là một minh họa đơn giản hóa khái niệm “điện toán đám mây”. Tùy người sử dụng hay mục đích sử dụng, khái niệm này sẽ có những ý nghĩa khác nhau. Đơn giản nhất là việc chuyển từ một phần mềm email cài trong máy như Outlook Express sang một dịch vụ email trên mạng như Gmail hay Hotmail. Có lẽ ai từng dùng Gmail cũng từng xem nó là nơi lưu trữ tài liệu cần dùng. Họ không còn phụ thuộc vào chiếc máy tính để bàn nữa mà đưa hết mọi thứ lên Gmail, lúc nào cần cứ dùng bất kỳ thiết bị nào để lấy xuống. Ngày càng có nhiều người sử dụng các dịch vụ khác của Google như soạn thảo văn bản bằng phần mềm trực tuyến hay hoạch định lịch làm việc cũng qua mạng.

Từ “điện toán đám mây” chỉ mới xuất hiện vào năm ngoái nhưng đã lan nhanh khắp cộng đồng công nghệ thông tin. Đây là xu hướng kết hợp ba yếu tố: các trung tâm dữ liệu với hàng ngàn hay hàng chục ngàn máy chủ đóng vai trò nhà máy cung cấp các dịch vụ điện toán trên quy mô lớn; phần mềm ngày càng được cung ứng như một dịch vụ qua mạng; và các mạng không dây kết nối ngày càng nhiều loại thiết bị làm nơi tiếp nhận các dịch vụ ấy.

Trung tâm dữ liệu

Có lẽ Amazon là nơi thương mại hóa các trung tâm dữ liệu đầu tiên mặc dù kỹ thuật này đã được sử dụng từ lâu. Năm 2006, Amazon chào mời dịch vụ mang tên Amazon Web Services (AWS). Bất kỳ ai có thẻ tín dụng cũng có thể vào đây thuê một máy ảo trên hệ thống máy tính khổng lồ của Amazon để chạy ứng dụng. Các nhà điều hành AWS có thể nhanh chóng bổ sung máy chủ khi nhu cầu tăng hay tắt bớt khi nhu cầu giảm. Dịch vụ này có giá rất rẻ, chẳng hạn tiền thuê một máy ảo như thế chỉ từ 10 xu một giờ.

Amazon không phải là công ty trực tuyến duy nhất xây dựng các trung tâm dữ liệu quy mô lớn. Người ta đồn đoán rằng Google đang điều hành một mạng lưới toàn cầu mấy chục trung tâm dữ liệu với hơn 2 triệu máy chủ. Microsoft đang đầu tư tiền tỷ để bổ sung chừng 35.000 máy chủ mỗi tháng. Yahoo cũng đang bận rộn xây dựng các nhà máy điện toán kiểu như thế.
Hãy xem tờ Economist miêu tả cách người ta xây dựng một trung tâm dữ liệu như thế nào: Trong một container chở hàng loại 40 feet, người ta lắp đặt 2.500 máy chủ. Một xe tải đưa container này vào một tòa nhà bê-tông cốt thép; thợ máy nhanh chóng nối nó vào hệ thống điện, hệ thống mạng và hệ thống nước làm mát. Các phần mềm cần thiết được cài đặt tự động và trong vòng 4 ngày mọi máy chủ trong container đã sẵn sàng để xử lý thông tin của khách hàng theo đúng yêu cầu.

Đấy là bên trong trung tâm dữ liệu mới của Microsoft ở Northlake, ngoại ô Chicago, được xây dựng trên khu đất 46.000 mét vuông, chi phí lên đến 500 triệu đô-la. Khi hoàn thành, trung tâm sẽ chứa đến 400.000 máy chủ và toàn bộ tầng trệt sẽ chứa chừng 200 container như trên. Dùng container giúp việc vận chuyển máy chủ rẻ đi, lúc nào cần thì kết nối vào hệ thống chung, lúc nào không có thể di chuyển đến nơi khác ngay.

Người ta chọn địa điểm xây dựng các trung tâm dữ liệu dựa vào nhiều yếu tố. Chẳng hạn ở một vùng nông thôn giữa tiểu bang Washington lại có 6 trung tâm đang được xây dựng gần sông Columbia, ấy là vì gần đấy có một đập thủy điện cung cấp điện giá rẻ. Những yếu tố khác như kết nối Internet, lực lượng nhân sự, ngay cả chất lượng không khí được cân nhắc để quyết định xem nên chọn nơi nào. Riêng Google dường như đang muốn đưa ra nước ngoài, thậm chí ra biển. Tháng 8-2008, Google nộp đơn xin cấp bằng sáng chế cho một loại trung tâm dữ liệu trên nước. Sáng chế này cho rằng trung tâm điện toán đặt trên tàu, neo ngoài khơi có thể tận dụng năng lượng chuyển động của nước làm điện năng và dùng nước để làm mát.

Như vậy, xu hướng sắp tới là các doanh nghiệp có trung tâm dữ liệu riêng lẻ sẽ củng cố chúng theo hướng cắt giảm (vì các trung tâm loại này có hiệu năng rất thấp – chỉ chừng 6% năng lực xử lý) tập trung vào một ít trung tâm thật sự có hiệu quả. Còn các doanh nghiệp kinh doanh trung tâm dữ liệu sẽ phát triển mạnh, rồi cho doanh nghiệp bên ngoài thuê. Trước mắt các doanh nghiệp vừa và nhỏ là khách hàng chính vì doanh nghiệp lớn chưa chắc đã an tâm giao phó dữ liệu của mình cho người khác quản lý. Cũng có thể họ sẽ chuyển giao dần dần các loại dữ liệu không quan trọng, ví dụ NASDAQ thuê AWS để cung cấp dịch vụ tìm thông tin giao dịch cũ, gọi là Market Replay.

Phần mềm đám mây

Xu hướng phần mềm trở thành một dạng dịch vụ được cung cấp qua mạng Internet ngày càng rõ nét. Quan trọng hơn, các ứng dụng, dù có qua mạng hay không, sẽ không còn là một gói phần mềm ngày càng cồng kềnh – chúng sẽ bao gồm nhiều bộ phận cấu thành để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Để dễ hình dung, tờ Economist dùng hình ảnh tiệm ăn để so sánh với cách xây dựng ứng dụng theo kiểu này, tên trong ngành gọi là “kiến trúc hướng dịch vụ -SOA”. Nếu phần mềm theo kiểu cũ là một bữa ăn đóng gói sẵn, chỉ cần bỏ vào lò nấu là dùng được ngay, kiến trúc mới trông giống một nhà hàng, bản thân cũng là dịch vụ nhưng bao gồm nhiều dịch vụ nhỏ khác nhau. Khi người hầu bàn nhận lệnh từ thực khách, lệnh sẽ chuyển cho nhà bếp, rồi có người nấu, dọn ra…
SOA thoạt tiên xuất hiện trong các ứng dụng mã nguồn mở nhưng sau đó các hãng lớn cũng chuyển sang hướng này vì các ứng dụng của họ ngày càng cồng kềnh, không đáp ứng nổi sự linh hoạt mà khách hàng cần. Hãng SAP của Đức là một trong những công ty đầu tiên đưa kiến trúc hướng dịch vụ vào thương mại. Thay vì cung ứng cho khách hàng những phần mềm chuyên biệt như quản lý tài chính hay quản lý khách hàng, SAP giới thiệu các cụm phần mềm có thể kết hợp tùy ý để làm ra loại phần mềm mới, ứng với nhu cầu của từng khách hàng.

IBM dù cũng rất mặn mà với SOA nhưng đi theo hướng khác. Họ dùng SOA để giúp các doanh nghiệp tích hợp hệ thống công nghệ thông tin ngày càng phức tạp bằng cách biến chúng thành tập hợp các dịch vụ để đan xen chúng vào các quy trình kinh doanh.

Ở đây, việc thương mại hóa SOA cho giới doanh nghiệp vẫn còn rất sơ khai nhưng ngược lại, ứng dụng chạy trên web cho người tiêu dùng thì phát triển mạnh. Ví dụ, tận dụng Google Map kết hợp với danh sách nhà bán, nhà cho thuê từ Craglist, người ta làm ra Housingmaps.com, chuyên đáp ứng nhu cầu tìm nhà thuê, nhà bán nhanh chóng, có cả bản đồ chi tiết. Hàng loạt dịch vụ kết hợp như thế đã ra đời, người dùng có thể tự mình kết hợp các mô-đun lại với nhau để tạo ra ứng dụng cho mình như tin tức kèm hình ảnh, âm thanh hay kết nối…. Hồi tháng 4-2008, Salesforce.com và Google tuyên bố tích hợp dịch vụ online của họ, qua đó người dùng Salesforce (hỗ trợ quản lý khách hàng) có thể chuyển dữ liệu qua các ứng dụng trên mạng của Google.

Sắp tới các ứng dụng trên máy tính để bàn không sớm lụi tàn và các doanh nghiệp vẫn còn cần ứng dụng độc lập nhưng xu hướng là sẽ có sự kết hợp giữa phần mềm kiểu cũ và ứng dụng kiểu mới.

Các nhà tiên phong sẽ tranh nhau xây dựng cho bằng được nền tảng cho ứng dụng thật phổ biến để dần dần thay cho khái niệm hệ điều hành như kiểu Microsoft Windows hiện nay.

Thiết bị kết nối

Khi Amazon giới thiệu thiết bị đọc sách Kindle vào tháng 11 năm ngoái, ít ai nghĩ nó sẽ thành công vì thay đổi thói quen đọc sách trên giấy đã từng tồn tại hàng ngàn năm không phải là chuyện dễ.

Tuy thế, đến cuối năm nay Amazon tính ra sẽ bán được 380.000 Kindle, một loại sách điện tử chứa được 200 cuốn sách. Có thể Kindle đang trở thành một iPod trong thế giới sách báo mà chưa ai hình dung hết được.

Chắc phải cần một thời gian nữa và nhiều cải tiến khác, Kindle mới thu hút thêm nhiều khách hàng nhưng thiết bị này đang bán khá chạy là do nó kết nối dễ dàng để tải sách về máy. Mỗi Kindle có một modem và khách hàng chỉ cần vài thao tác là có sách mới để đọc ngay trên máy. Tham vọng của Amazon là mọi sách từng được in sẽ có sẵn cho người dùng mua tải về trong vòng 60 giây. Nếu Kindle mở sang lãnh vực báo chí, chưa biết tương lai báo in sẽ như thế nào.

Dù Kindle có thành công hay không, rõ ràng xu hướng các thiết bị kết nối không dây sẽ ngày càng phổ biến để người dùng có thể mua nhạc, mua phim hay truy cập các dịch vụ qua mạng từ chúng.

Máy chụp ảnh chẳng hạn sẽ tự động chuyển ảnh lên mạng, chia sẻ với mọi người, đồng hồ điện thông minh tự động báo số điện tiêu thụ trong tháng, hay tủ lạnh báo hết sữa cho nhà cung cấp…

Như thế, nếu các trung tâm dữ liệu và phần mềm ứng dụng là bản thân “đám mây”, các thiết bị sẽ kéo chúng về thế giới thật nơi con người sẽ thông qua đó tương tác trở lại với các “đám mây”. Sự ra đời của các thiết bị như điện thoại di động G1 của Google hay trình duyệt Chrome là nhằm phục vụ cho mục đích kết nối đó. Xu hướng sản xuất loại máy tính xách tay bé xíu – các netbook – cũng không nằm ngoài nỗ lực này. Máy đầu cuối không cần mạnh, chỉ cần có tính di động cao và kết nối tốt. Mọi chuyện còn lại do “đám mây” xử lý.

Thursday, November 6, 2008

Tuong phan

Tương phản

Nguyễn Vạn Phú

* Nếu có dịp đi qua các con đường như Trần Quốc Thảo, Lý Chính Thắng, có lẽ ai cũng chia sẻ nhận xét thành phố của chúng ta hiện đang xuống cấp nghiêm trọng. Các lô cốt không chỉ băm nát những con đường ở phần chúng chiếm chỗ, chúng còn làm không gian quanh chúng tan nát vì chịu lượng xe lớn gấp mấy lần bình thường cày xé, lề đường bị băm vụn, không khí đặc quánh bụi bẩn. Tệ hại hơn, các lô cốt này còn góp phần hủy hoại “bản tính thiện” của con người khi ai ai cũng phải chen lấn tranh đường thoát thân. Nó làm xói mòn tinh thần tôn trọng luật lệ đi đường của người dân cho dù không ai muốn thế.

Nhiệm vụ của bộ máy chính quyền một thành phố, suy cho cùng là tổ chức một cuộc sống đô thị ngày càng nền nếp, văn minh, lịch sự hơn. Thành phố đã không làm được điều này. Các công trình chỉnh trang đô thị chắc chắn muốn hướng đến lợi ích về sau; có lẽ người dân đang chịu đựng các lô cốt giăng khắp các nẻo đường thành phố vì hy vọng chúng sẽ giúp giải quyết các vấn nạn lâu năm. Thế nhưng có ai đứng ra giải thích một cách rõ ràng, dễ hiểu cho người dân, hệ thống lô cốt đó nhằm phục vụ công trình nào, cách thức đào đường ra sao, có biện pháp gì hạn chế những trở ngại cho chúng gây ra trong thời gian thi công, bao giờ thì xong, khi xong người dân có thể kỳ vọng được gì, mặt đường sẽ được tái lập như thế nào… Hoàn toàn vắng bóng một sự chủ động như thế và thông tin có chăng là từ các thắc mắc của người dân hay chất vấn của đại biểu dân cử và được các quan chức trả lời nhằm giải trừ trách nhiệm trên báo chí.

Sự tương phản ở đây là trong khi đó, thành phố vẫn tiếp tục triển khai các quy định sẽ tác động lớn đến cuộc sống của nhiều người dân nghèo như cấm xe ba bốn bánh tự chế trong nội đô. Đành rằng các biện pháp này đúng là nhằm chỉnh trang bộ mặt đô thị nhưng một khi chuyện lớn chưa làm được (chấn chỉnh việc đào đường, lập lô cốt) thì chuyện cấm đoán này sẽ khó lòng tìm được sự đồng thuận của người dân.

* * *

* Một điều ngẫu nhiên là sự tương phản kiểu như thế lại xuất hiện từ các phát biểu khá ấn tượng trong tuần trước. Tại một cuộc tọa đàm, nhiều ý kiến đòi hỏi nhà nước phải điều chỉnh chính sách tín dụng cho bất động sản theo hướng kích thích sự phát triển của thị trường này trở lại, không để nó đóng băng. Có những ý kiến cho rằng cần giảm lãi suất, thậm chí Ngân hàng Nhà nước nên giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, giúp ngân hàng có thêm vốn cho vay mua bất động sản!

Chỉ mới một thời gian rất ngắn trước đây, các phân tích từ chính phủ, các chuyên gia kinh tế, trong cũng như ngoài nước, đều thấy sự phát triển quá nóng của thị trường bất động sản là một trong những nguyên nhân gây nên bất ổn kinh tế trong những tháng đầu năm. Nay tuy tình hình đã tương đối ổn định ở nhiều lãnh vực, tín dụng bất động sản vẫn còn là một ẩn số lớn, chưa lường hết tác động một khi các khoản vay đáo hạn.

Quan trọng hơn, những khoản đầu tư bất động sản lớn nhất, liên quan đến hệ thống ngân hàng nhiều hơn, lại đến từ các tập đoàn và tổng công ty nhà nước và một số cá nhân có quan hệ với các chủ thể này. Từ tháng 4-2008, Bộ Chính trị đã nhận định: “Việc vay vốn của các tổ chức tín dụng và sự tham gia vào đầu tư bất động sản của nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các doanh nghiệp lớn với nguồn vốn khá lớn chưa được kiểm soát chặt chẽ.” Vấn đề của thị trường bất động sản nước ta nằm ở một số ít chủ thể này chứ không phải lãi suất gì cả.

Nhiều người nhận xét Việt Nam còn may mắn khi thị trường bất động sản đã xì hơi và xì hơi từ từ. Thật khó hiểu khi vẫn có những người muốn bơm hơi trở lại vào chiếc bong bóng nguy hiểm này.

* * *

* Cũng tuần trước, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền khi trả lời phỏng vấn báo chí đã nói: “[Việc phòng chống tham nhũng trong thời gian qua có ‘chùng’ xuống không] cũng liên quan đến hoạt động của báo chí, nhất là sau khi một số nhà báo bị khởi tố, xử lý thì thông tin báo chí có ‘chùng’ xuống” (SGGP). Trên báo Tuổi Trẻ, ông nói: “Việc ‘chùng’ xuống là do cách thông tin… nếu ‘chùng’ xuống thì chỉ có báo chí ‘chùng’, còn các cơ quan chống tham nhũng khác không ‘chùng’.”

Đây là một tác động đương nhiên khi một số nhà báo bị khởi tố, một số khác bị rút thẻ hành nghề hay điều chuyển công tác khác. Không nói đến việc đúng sai, các nhà báo chắc chắn sẽ phải dè dặt cân nhắc kỹ hơn khi đưa tin tham nhũng, dù từ nguồn tin có thẩm quyền. Việc chủ động điều tra chống tham nhũng từ báo chí càng khó hơn nữa.

Một mặt, việc báo chí phải phối kiểm nguồn tin kỹ lưỡng hơn trước, dù sao, cũng làm cho tính chuyên nghiệp của báo chí được nâng lên. Nhưng mặt khác, cơ quan phòng chống tham nhũng phải thấy được trách nhiệm đưa thông tin chính thức đến với công luận qua báo chí.

Sự bức xúc của công luận chỉ có thể được giải quyết bằng một sự minh bạch và kịp thời trong thông tin. Chính ông Trần Văn Truyền cũng thừa nhận có những vụ việc đã diễn ra rồi, đã giải quyết xong nhưng vì chưa công bố nên dư luận không biết. Suy cho cùng, chính người dân là nơi đánh giá quan trọng nhất việc phòng chống tham nhũng của nước ta có đang có hiệu quả hay không chứ không phải đã giải quyết “nghiêm khắc” trong nội bộ là yên tâm chống tham nhũng thành công. Và trong khía cạnh đó, báo chí có “chùng” xuống thì đó cũng là sự đình trệ trong nỗ lực chống tham nhũng, ít nhất là trong cảm nhận của người dân.

AI - hype and reality

  AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...